Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Về ngôi trường phổ thông liên cấp của thế kỷ 21


Phạm Toàn
(Nhóm Cánh Buồm www.canhbuom.edu.vn)

Cuộc sống trong ngôi nhà bé nhỏ êm ấm của bạn đang tràn đầy hạnh phúc. Thế rồi bỗng dưng có chuyện gay go, chuyện chọn trường cho con, khi con bạn đến tuổi đi học.
Có một gia đình có con học lớp Một trường Gateway International Hà Nội (GIS) năm học 2015-2016 này – chỉ vì không thể thống nhất chuyện chọn trường cho con, chị vợ đã bỏ đi Mỹ sống, mặc cho người chồng “gà trống nuôi con ăn học”.
Trang mạng của trường GIS đã giao cho tôi nhiệm vụ viết một bài liên quan đến vấn đề gay go này đối với gia đình bạn (và có thể đối với nhiều ngôi nhà bé nhỏ đầm ấm khác nữa).
Bài này tôi viết dùng làm bài mở đầu, câu trả lời lớn được chia thành nhiều đoạn, mỗi đoạn là một câu hỏi nhỏ và vài ba câu trả lời – đến lúc nào đó, mỗi đoạn này có thể được nói kỹ hơn trong một hoặc vài bài viết dài, nhiều bài như thế tạo thành bộ sách Diễn giải về Hệ thống Giáo dục đổi mới. Dĩ nhiên, quan điểm “trường phổ thông liên cấp thế kỷ 21” như được nói đến ở đây mang tầm nhìn Giáo dục của nhóm Cánh Buồm qua cách biểu đạt của người viết.

1.     Trường phổ thông liên cấp là gì?
Một dân tộc sống lành mạnh và phát triển tốt đẹp nhất thiết phải có một nền dân trí cao.
Dân trí của một dân tộc được xây đắp từ một cái nền chung. Cái nền đó trước hết là toàn thể những giá trị truyền thống có được từ ngàn đời. Cái nền đó được xây đắp, lưu giữ và chuyển giao qua các thế hệ, tới từng gia đình, đến với từng cộng đồng nhỏ. Cái nền đó còn luôn luôn được bồi đắp thêm bằng những giá trị toàn cầu mới không thể thiếu cho sự phát triển của Dân tộc.
Dân trí của một dân tộc không thể là thứ “mì ăn liền”, ngày một ngày hai đã có. Đó phải là những giá trị kết quả từ sự thấm nhuần lâu dần – đó như là những cánh rừng già mênh mông bạt ngàn trăm năm ngàn năm mới thành. Tuy đồ sộ là thế, không ai đủ sức ghi lại hoặc kể lại hoặc am hiểu tường tận, nhưng từng người dân phải sở hữu toàn bộ nền tảng của dân trí đó. Vậy bằng cách gì toàn bộ giá trị văn hóa dân tộc từ xa xưa đến hiện đại đó sẽ được trao cho từng cá nhân trong một dân tộc?
Trả lời: bằng công cuộc Giáo dục, sao cho mỗi cá nhân được học lấy những điều chắt lọc nhất – và việc học diễn ra trong một hệ thống tổ chức có tên gọi là nhà trường. Trong cuộc sống, đó là những Trường phổ thông hoặc Trường giáo dục phổ thông nơi đem lại cho mỗi người dân những điều không thể không học, không thể thiếu, không thể bỏ qua.

2.     Trường phổ thông liên cấp được tổ chức như thế nào?
Trường Phổ thông liên cấp là hệ thống giáo dục cho toàn dân từ lớp Mẫu giáo qua bậc Phổ thông cơ sở (hiện nay xác định là 9 năm, trong đó có 5 năm Tiểu học và 4 năm Trung học cơ sở) tới bậc Phổ thông trung học.
Bậc Đại học không nằm trong hệ thống giáo dục phổ thông liên cấp này mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ lớp học sinh phổ thông làm đầu vào cho nó. Học sinh phổ thông có kiến thức, có động lực học, có năng lực tự học, sẽ hứa hẹn là những sinh viên Đại học đúng nghĩa.
Bậc Giáo dục Mầm non, tùy hoàn cảnh kinh tế và tầm nhìn của giới lãnh đạo, có thể giao phó cho từng đơn vị gia đình thực hiện – nhưng xu thế chung thời hiện đại là đưa bậc học cho trẻ em 4-5 tuổi này vào hệ thống trường phổ thông liên cấp.
Các bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tạo thành một hệ thống chặt chẽ với mỗi bậc là một nhiệm vụ học tập xác đinh.

3.     Mỗi bậc học trong Trường phổ thông liên cấp có nhiệm vụ gì?
Các bậc học trong Trường phổ thông liên cấp gắn kết với nhau như thế nào? Mặc dù trụ sở các trường có thể chia nhau đóng ở địa điểm xa nhau – tưởng đâu như các bậc học đó chẳng có gì liên hệ với nhau – thực ra các bậc học đó gắn kết với nhau rất chặt.
Chất keo gắn bó các bậc học với nhau nằm ở nhiệm vụ bậc học.
Bậc Mầm non có nhiệm vụ giúp trẻ em (a) hoàn thiện sự phát triển cơ thể gồm cơ bắp và các giác quan; (b) phát triển năng lực “đọc” biểu tượng vằ bắt đầu phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ mà mục tiêu là xây dựng vốn từ đồng nghĩa và cách biểu đạt đồng nghĩa; (c) khơi dậy tiềm năng sống chung trong cộng đồng.
Bậc Tiểu học có nhiệm vụ giúp học sinh (a) chiếm lĩnh phương pháp học mà mục tiêu là có năng lực tự học chuẩn bị cho bậc học tiếp theo; (b) hình thành một năng lực tư duy người với ba thành phần – tư duy khoa học, tư duy cảm xúc, và tư duy đạo đức; (c) có cuộc sống lành mạnh, có trách nhiệm, có tâm hồn phong phú.
Bậc Trung học cơ sở có nhiệm vụ giúp học sinh (a) dùng phương pháp học đã được sở hữu từ bậc Tiểu học để tự học, tự tìm đến các kiến thức khoa học, nghệ thuật và đạo lý; (b) hoàn thiện năng lực tự học và tự đánh giá; (c) đủ sức hoàn thành bậc học và vào đời theo một trong ba hướng – tự kiếm sống; theo học trường dạy nghề; theo học bậc Trung học tiếp theo để chuẩn bị vào Đại học.
Bậc Trung học chuyên ban (tên tạm gọi) có nhiệm vụ giúp học sinh: (a) chiếm lĩnh phương pháp tập nghiên cứu để chuẩn bị cho việc tập độc lập nghiên cứu khi lên bậc Đại học; (b) rèn luyện tư duy triết học để đi tìm những câu hỏi và những giải đáp cốt lõi cho đời sống; (c) tập tham gia vào giải quyết những vấn đề thực của cuộc sống thực bên trong nhà trường và bên ngoài xã hội.

4.     Trường phổ thông liên cấpthế kỷ 21 – “Làm mà học – Làm thì học”
Ngay từ thế kỷ trước, người ta đã xem cách xử lý sư phạm giữa cách họcnội dung học để đánh giá một nền Giáo dục cổ hủ coi trọng cách truyền thụ kiến thức của người dạy và một nền Giáo dục hiện đại coi trọng cách tổ chức cho người học tìm đến kiến thức.
Sang thế kỷ 21, hoạt động học lại càng được nhấn mạnh, nhà sư phạm càng có tay nghề càng tìm ra được đầy đủ những hành động học cùng những thao tác học. Lối dạy học giảng giải lải nhải thời nay đã hoàn toàn mất thiêng.
Định nghĩa về Giáo dục xuất phát từ “người lớn” áp đặt sự nên người đã không còn được ủng hộ. Ngược lại, đinh nghĩa về Giáo dục xuất phát từ “người học” sẽ cho thấy một con đường tự học để tự trưởng thành – nhà sư phạm là người đỡ đẻ những nhân cách biếttự học, tự giáo dục, tự làm ra chính mình.
Khẩu hiệu Learning by Doing được giương cao; nhóm Cánh Buồm dịch thoát nghĩa khẩu hiệu đó thành Làm mà Học – Làm thì Học.
Có thể thấy một minh họa rõ nhất trong cách học nghệ thuật nhóm Cánh Buồm tổ chức cho học sinh thực hiện ngay từ tiết học đầu tiên khi vào lớp Một. Những thao tác tự học nghệ thuật cho học sinh thực hiện được mô phỏng theo hành động sáng tạo của người nghệ sĩ khi làm ra tác phẩm. Hành động đó đi từ lòng đồng cảm được học sinh thực hiện qua các trò chơi đóng vai, sau đó được thực hiện qua những thao tác tưởng tượng, liên tưởng, bố cục (lớp Hai, lớp Ba, lớp Bốn) để đến cuối bậc Tiểu học thì tập trung ứng dụng vào các thể loại nghệ thuật: âm nhạc, múa, hội họa, tự sự. trữ tình, kịch.
5.     Trường phổ thông liên cấp thế kỷ 21 ra đời khó khăn vì sao?
Loài người có lịch sử dài bao lâu thì cũng có nền Giáo dục dài bấy lâu. Toàn bộ bề dày theo chiều dài đó đã củng cố vững chắc vị thế Người Dạy đối với Người Học. Từ ngàn đời nay, chỉ người dạy là có quyền ra chỉ thị “con ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru”. Từ ngàn đời nay, không ai chấp nhận tình trạng trứng khôn hơn vịt. Từ ngàn đời nay, chân lý là bảy mươi học bảy mốt, và “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – hơn nhau một chữ cho đến nửa chữ cũng có quyền làm thầy!
Trường phổ thông liên cấp thế kỷ 21 có cách cư xử khác. Nó tôn trọng tinh thần tự do của con người vốn sinh ra đã “tự nhiên” nhận được quyền Tự do – tự do sống, tự do mưu cầu hạnh phúc. Nhà trường mới giúp cho con người càng ngày càng thêm năng lực người đủ sức sống Tự do, sống Trách nhiệm, sống Yêu thương.
Trường phổ thông liên cấp thế kỷ 21 không phải là Một ngôi trường mà đó là Một hệ thống giáo dục. Hơn thế, đó là một hệ thống giáo dục đang đổi mới. Hệ thống đó không chỉ “mới” về tư tưởng triết học, nó còn phải được hiện thực hóa bằng một hệ thống kỹ thuật - nghiệp vụ tinh tế. Hệ thống đó hình thành dần dần và không hề có một cái mẫu để noi theo – chính nó phải làm mẫu cho nó.

Một kết luận
Các bậc phụ huynh vừa chọn trường cho con, vừa xây dựng cho ngôi trường phổ thông liên cấp thế kỷ 21 kia ngày càng xứng đáng với một tầm nhìn giáo dục hoàn toàn mới.
Thế nào là “mới”?
Là có một tư tưởng mới, đồng thời có những giải pháp sư phạm tương thích xoay quanh một chữ LÀM. Trẻ em thì làm mà học. Người lớn thì tổ chức việc làm cho con em làm thì học.
Hà Nội, 17 tháng 12 năm 2015

P. T.