Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM (163): NHẤT LINH (15) – XÓM CẦU MỚI (KỲ 4)

Chương IV
Mua rượu của ông Năm Bụng

Mười mấy hôm sau quả như lời bà chủ Nhật Trình nói, vợ cả ông Hai Vinh "củ nâu" đến Xóm Cầu Mới vào lúc nửa đêm, bắt gặp chồng và vợ bé, đánh chửi hai người một trận rầm cả xóm rồi đuổi vợ bé đi, đuổi cả con sen (vì bà cho là cùng một tụi với nhau) còn chồng thì bà ta nhốt lại với bà ta ở trong nhà luôn mấy hôm.

Mùi mừng rỡ lắm nhưng nàng khó chịu không tìm được cách nào tỏ cho ông Hai Vinh biết là mình định thuê nhà. Ông Hai Vinh không được ra khỏi cửa; còn nàng không dám đến vì không quen bà ta, vả lại có đến cũng không biết nói thế nào cho khỏi mất lòng.

Ba ngày hôm sau, nhà ông Hai Vinh lại bắt đầu mở cửa. Mùi vờ sang thăm cụ Hai Huế để có dịp đi qua trước cửa nhà ông Hai Vinh mong gặp ông ta và nếu tiện thì hỏi về việc thuê nhà.

Nàng đưa mắt nhìn vào thấy ông Vinh ngồi ở một đầu giường, bà Vinh ngồi ở một đầu giường, hai người cùng nhìn ra phố. Ông Hai Vinh rõ ràng trông thấy nàng nhưng không cất tiếng chào. Bà Hai Vinh nhìn nàng một cách tò mò và đầy ác cảm. Nàng có cái cảm tưởng là cả hai vợ chồng đều cho là nàng xấu bụng, định đến xem mặt họ. Nhìn mặt bà Hai Vinh không biết vì sao nàng thấy đáng ghét tệ. Nàng cũng không cất tiếng chào, vội vàng quay mặt đi.

Lúc trở về, khi đi qua trước cửa nhà ông Vinh nàng ngửa mặt nhìn thẳng như muốn tỏ cho họ biết là không phải nàng xấu tính muốn sang xem mặt họ; nàng thấy trong người tức bực và lại càng ghét bà Vinh hơn.

Hôm sau nàng lại đến thăm bà Năm Bụng để có dịp gặp mặt ông Vinh. Đến gần nhà ông Hai Vinh, nàng chợt nghĩ chắc thế nào bà Vinh thấy nàng đến cũng rủa thầm: con bé này vờ vờ vĩnh vĩnh. Nghĩ thế Mùi lại không dám rẽ vào, mắt nhìn thật thẳng, không dám cả liếc vào nữa. Lúc trở về Mùi lại quay hẳn mặt nhìn sang nhà trước cửa ông Hai Vinh.

Mùi lấy làm khoan khoái đã tỏ ra được cho bà Hai Vinh đáng ghét kia biết rằng nàng không thèm nhìn đến cái mặt người bà ta. Nhưng nàng thấy bực tức là việc thuê nhà của nàng, nếu cứ thế, thì không tiến được bước nào.

Nàng thấy mình có chịu khó gặp ông Hai Vinh một lần cũng vô ích; trong khi vợ chồng người ta đương ở một tình trạng như thế không có cách nào hỏi thẳng ngay, phải đợi người ta nói ra trước và như vậy cần phải lân la sang chơi một vài bận và nói chuyện lâu với cả hai vợ chồng, nghĩa là phải tìm cách làm thân với bà Hai Vinh. "Làm thân với bà Vinh?’’ Mùi nghĩ thế và cười hắt ra một cái. Nàng chỉ còn cách là đợi. Nàng cũng không sợ ai thuê tranh vì ngoài nàng ra còn ai thuê nhà ở xóm làm gì.

Một hôm bà Ký Ân vào hàng và hỏi ngay:

"Cô không thuê nhà nữa à?"

Mùi nhìn bà Ký Ân hơi ngạc nhiên:

"Ai bảo bà thế?"

"Tại sao cô không hỏi Hai Vinh."

Mùi ghé vào tai bà Ký nói cho bà rõ những sự khó khăn. Nghe Mùi nói xong, bà Ký Ân thở dài một cái bảo Mùi:

"Nhà ấy có người thuê rồi."

Mùi sửng sốt nhưng tự nhiên nàng lại thấy trong lòng vui vẻ nhẹ nhõm hẳn.

"Ai thế? Chắc bà chủ Nhật Trình thì phải biết."

"Ông giáo Đông Công Ích Tin lành."

"Thế sao ông ấy biết mà thuê?"

"Ông ấy quen Hai Vinh và ông ấy hỏi thẳng Hai Vinh không như cô."

Ông "Giáo Đông Công Ích Tin Lành" có cái tên dài thế vì ông làm rất nhiều nghề nhưng chỉ có một nghề là nghề thật; ông làm người đi cổ động và bán phiếu cho hãng Công Ích để dành tiền. Muốn cho người ta tin, ông tự gán cho ông là một ông giáo mặc dầu ông không đi dậy học bao giờ và đi đâu ông cũng rút ở trong cặp ra cùng với những giấy giảng giải về cách thức để dành tiền, lời lãi, sổ số v.v. một hai cuốn sách đạo và ông nói vài câu cổ động cho hội Tin lành.

Chính bà Ký Ân vẫn thường nói chuyện với Mùi về ông giáo Đông luôn; có một lần đương khen ông giáo Đông và bà lại chêm vào một câu nói ông ta chưa có vợ. Giá là người khác nói thì Mùi đã cho là ông giáo Đông nhờ người bắn tin nàng nhưng đối với bà Ký Ân lúc nào cũng chỉ nghĩ đến sự kén chồng cho sáu cô con gái đến tuổi hay xấp xỉ đến tuổi lấy chồng thì Mùi không để tâm.

Bỗng nàng vừa sực nghĩ ra điều gì, đưa mắt nhìn bà Ký rồi cười nhạt. Linh cảm vừa báo cho nàng biết là chính bà Ký đã bảo ông giáo Đông biết là Hai Vinh sắp dọn đi, để ông giáo thuê cái nhà đó, ở gần gũi bà và năng đi lại nhà bà tự nhiên.

Nàng cất tiếng nói với bà Ký:

"Bà này, cái ông giáo Đông thế mà giỏi nhỉ không kém gì bà chủ Nhật Trình. Cháu ở ngay bên cạnh không biết... phải nhờ bà bảo, thế mà ông ta ở xa cũng biết được... mà không cần bà bảo."

Ngừng một lát, nàng lại hừ lên một tiếng rồi tiếp theo:

"Ông ta tài thật đấy nhỉ, bà chủ Nhật Trình nhỉ."

Khi Mùi nói tiếp câu sau cùng sau một hồi ngừng lại và sau một tiếng "hừ" ngầm nhiều ý nghĩa, bà Ký chột dạ. Chính bà đã bảo ông giáo Đông thuê tranh Mùi. Thấy Mùi có ý nghi ngờ, bà vội nói dối thêm một câu nữa cho Mùi hết nghi:

"Thì chính ông giáo Đông bảo tôi là vợ cả Hai Vinh biết Hai Vinh có vợ bé ở đây."

Thấy Mùi vẫn có vẻ không tin, cứ nhìn chòng chọc vào miệng mình nói, bà Ký ngượng quá, cái môi dưới đương uốn éo định nói thêm bỗng rung rung rồi yên tắp. Bà Ký đứng dậy:

"Thôi con này đi về thôi."

Mùi không tức gì về việc không có nhà thuê; sự thực thấy sự bất đắc dĩ không thuê được nhà nàng lại mừng nghĩ đến cái vui được ở cùng nhà với Siêu trong ít lâu. Nàng chỉ đâm ghét bà Ký Ân xấu bụng mà xưa nay nàng vẫn không ưa gì và sáu cô con gái của bà xưa nay nàng vẫn có ác cảm thì nay nàng lại thấy đáng ghét, đáng ghét như mẹ.

Nàng lại lấy làm bằng lòng vì đã không cần dùng lời nói rõ ràng mà cũng tỏ ra được một cách rất rõ ràng rằng nàng biết bà Ký Ân đã xấu bụng đánh lừa nàng; nàng đã làm cho bà Ký Ân bứt rứt để báo thù bà mà bà không dựa vào cớ gì để giận nàng được.

Nàng vừa sực nhớ là bà Ký Ân quên không ăn trầu và nàng cũng quên đứt không mời bà ăn trầu như mọi lần. Mùi nhìn theo bà Ký đi về phía chợ; bỗng nàng cau mũi:

"Nói thế nào với ông cụ bây giờ."

Nàng bực mình và tự trách mình nhanh nhẩu đoảng chưa chi đã nói ngay với cha là thuê được nhà của ông Hai Vinh mà lại nói cả số tiền thuê là hai đồng một tháng. Mùi thấy ngưa ngứa ở gáy và cho tay lên gãi và càng gãi càng ngứa thêm.

Chợt thấy ông Ninh Ký đương thố lố hai mắt lồi nhìn mình, Mùi lẩm bẩm:

"Người ta đương bực mình đây. Nhìn cái gì?"

Nhưng Mùi không quay mặt đi nhìn ra chỗ khác như mọi lần: nàng nhìn thẳng vào mặt ông Ninh Ký không chớp và mắt nàng cũng cố mở to như mắt ông Ninh Ký. Nàng cứ nhìn như thế cho đến lúc ông Ninh Ký chịu thua phải cúi mặt xuống.

"Xem nào, còn nhìn nữa không nào."

Mùi gọi Bé lên:

"Chị trông hàng, tôi phải về nhà có tí việc cần."

Mùi về nhà không phải để báo cho ông Lang biết không thuê được nhà nữa, tin ấy nàng muốn để chậm lại càng lâu càng hay. Bao giờ cũng thế, hễ khi nào có việc bực mình là Mùi về thẳng nhà rồi ra vườn xới rau nhặt sâu để không nghĩ ngợi gì nữa.

Mùi về đến cổng nhà, gặp ông Năm Bụng đương đứng nấp sau dậu dâm bụt. Ông Năm thấy Mùi về, mừng rỡ nói:

"May quá."

Mùi nhìn vào bụng ông Năm Bụng, hiểu ý và mỉm cười nói:

"Ông cứ vào không sợ gì."

Không sợ đây tức là không sợ chó. Ông Năm Bụng có cái tài giắt ở bụng tới năm chai rượu lậu mà lúc đi vẫn ngang nhiên như trong bụng không có chai nào; dẫu những người đã biết chắc chắn là ông có rượu ở bụng nhìn cũng chỉ thấy bụng ông hơi phình một tí thôi. Có một lần đương đi ở phố Phủ Lệ gặp một bọn tây đoan và lính đoan ở ga xuống đi ngược lại phía ông mà bụng ông lúc đó cũng như mọi lúc dắt năm chai rượu lậu. Cả phố Phủ lo sợ nhưng họ thấy ông mặt vẫn lầm lì và thản nhiên như người đi chơi mát. Vì người ông cao lớn, trán rộng mắt sâu lại có một bộ râu quai nón đen và dài như râu một ông cố đạo, trông ông bệ vệ và đạo mạo như một vị quan to; bụng ông có to một tí cũng là sự thường. Lính đoan nhìn ông không đời nào ngờ được trong bụng ông chứa đến năm chai rượu lậu. Khi tây đoan đi xa rồi, có người hỏi ông có sợ không, ông thản nhiên đáp:

"Không sợ bằng chó."

Họ tưởng ông ghét tây đoan nên nói xỏ một câu chơi nhưng chính ra ông Năm Bụng cả đời không nói xỏ ai bao giờ, dẫu cho là nói xỏ tây đoan mà cố nhiên vì nghề ông phải ghét. Một lần phải chống cự lại một con chó dữ ông đã đánh rơi và vỡ mất cả năm chai giắt ở bụng và từ hôm ấy ông bắt đầu sợ chó hơn sợ tây đoan. Vì thế ông đi đâu cũng cầm một cây gậy trúc để đuổi chó và trong túi ông bao giờ cũng có kẹo vừng kẹo bột để cho trẻ con chạy ra đánh chó cho ông. Trẻ con nhà nào có chó lành không bao giờ được ăn kẹo của ông.

Ông vừa vào đến trong nhà, thoáng một cái Mùi đã thấy năm chai đặt trên phản trước mặt ông Lang. Mỗi khi ông bán bao nhiêu thì ông chỉ lấy ra bấy nhiêu thôi; nhà Mùi thì chỉ cần rượu cúng và vì thế thường mua rượu tốt để được lâu trong nhà không sợ. Có mua giúp ông Năm Bụng thì nàng chỉ mua một chai ngâm thuốc thỉnh thoảng cha nàng uống hay đề phòng xa thết khách.

Thấy ông rút ra cả năm chai, Mùi vội kêu:

"Nhà tôi làm gì mua nhiều rượu thế!"

Ông Năm Bụng quay mặt về phía ông Lang nói:

"Ông mua giùm cho lấy may."

Rồi ông lại quay về phía Mùi:

"Lần này lứa rượu tốt. Cô mua cho cả năm chai. Không uống thì để đó có thiệt đi đâu."

Mùi mỉm cười:

"Để đấy tây đoan nó khám phá, ông bắt tôi ngồi tù thay ông à? Mà đào đâu ra thuốc mà ngâm cả năm chai, hỡi trời!"

Ông Năm Bụng nói nằn nì mãi, sau cũng ông nói với ông Lang:

"Thì ông mua hộ tôi hai chai vậy. Đã đến kỳ trả tiền học cho cháu Nghĩa."

Ông Năm Bụng sở dĩ đi bán rượu lậu không sợ tù tội một phần lớn để nuôi người con trai đi học. Mỗi năm hai lần cứ khi nào đến kỳ trả tiền học là ông đi tất cả các nhà quen thuộc và gần như bắt mỗi nhà mua thêm mấy chai. Ông vẫn nói:

"Ông cố mua thêm mấy chai, không có tiền trả tiền học, nhà trường có đuổi cháu đi rồi ông có mua thêm cũng vô ích."

Thường thường thì ai cũng nể và mua thêm. Cả vùng ấy và ngay cả đến bà chủ Nhật Trình nữa không một ai biết là ông ở đâu đến và vì cớ gì ông lại đến ở Xóm Cầu Mới làm cái nghề hèn hạ ấy. Nhưng thấy ông diện mạo khôi ngô ra vẻ con nhà dòng và cách cư xử cùng lời ăn tiếng nói đường hoàng đứng đắn (đã có lần cả nhà ông chịu đói hai hôm liền mà ông nhất định không chịu đi vay ai cả) nên ai cũng đoán ông thuộc về một nhà gia thế chỉ vì một việc buồn uẩn khúc nên phải bỏ đi tha phương cầu thực. Trước kia chưa biết, thỉnh thoảng có người vô tình hỏi ông về lai lịch của ông; những lúc đó ông không đáp lại, hai mắt ông nhìn thẳng vào quãng không một cách đau khổ và mắt ông vốn lúc nào cũng đỏ thì lúc đó đỏ thắm lên như tiết lợn, trông thật ghê sợ, nét mặt đã sẵn lầm lì của ông lại lầm lì hơn và ông ngồi yên không động đậy một thớ thịt - sự yên lặng ấy lại làm cho người hỏi ông sợ ông hơn là ông tỏ vẻ tức giận - rồi sau một lúc ông đứng dậy và bỏ đi thẳng, vẫn không nói nửa lời bất kể người hỏi là ai và bất kỳ giữa hai người đương có việc gì quan trọng đến đâu mặc lòng. Bây giờ thì ai cũng biết thế nên không ai dám hỏi ông duyên do vì sao ông đến đây. Cũng không ai biết cả đến tên ông nữa, vì cái tài dắt nổi năm chai rượu ở bụng nên mọi người gọi ông là ông Năm Bụng làm như ông là con trai thứ năm và tên là Bụng.

Ông Năm Bụng nói xong vội cầm lên ba chai đút vào bụng chỉ để lại hai chai cho Mùi khỏi thấy nhiều quá, sợ không mua. Mùi nghe ông nói đến kỳ trả tiền học mới sực nhớ ra tại sao hôm nay ông lại nằn nì đòi mình mua nhiều thế. Nàng nghĩ đến Nghĩa, anh chàng học trò nét mặt sáng sủa, thông minh, bằng trạc tuổi nàng, thỉnh thoảng đi qua cửa hàng, mỗi lần nghỉ học ở Hà Nội về thăm nhà. Anh chàng giống ông Năm Bụng như tạc khuôn chỉ khác là mắt không đỏ, cầm không có râu và bụng thì không có chai. Anh chàng bao giờ cũng nhìn thẳng trước mặt y như cha và Mùi đã thấy nhiều lần đi qua cửa hàng mà chưa một lần nào nhìn vào; nàng nghĩ có lẽ anh chàng cũng chưa biết mặt mình nữa. Hình như anh chàng chỉ biết có học, ngoài ra không biết đến chuyện gì khác.

"Bụng cha thì đầy rượu, bụng con thì đầy chữ."

Mùi mỉm cười nghĩ đến câu mọi người vẫn bình phẩm về nhà ông Năm Bụng. Nàng đưa mắt nhìn ông ta đứng đợi và thương hại. Nhìn nét mặt thẳng thắn của ông, Mùi lại nghĩ đến bà Hai Vinh mặt mày trơ trẽn và đáng ghét, đến bà chủ Nhật Trình đã lừa nàng, đến sáu cô con gái của bà cũng quỉ quyệt như mẹ và đến mặt xù xì, phụng phịu của ông Ninh Ký bì thế nào được với nét mặt sáng sủa, lịch sự của Nghĩa. Nàng bảo ông Năm Bụng:

"Ông để đấy tôi lấy cả năm chai. U già ơi, đem hũ rượu ra đây."

Ông Năm Bụng ngạc nhiên vui mừng nhưng không tỏ ra nét mặt và cho tay vào bụng rút ba chai kia ra. Ông Lang Hàn cũng ngạc nhiên và mỉm cười. Thấy con gái mình đương chê nhiều rượu, vừa nghe ông Năm Bụng nói đến việc trả tiền học cho Nghĩa đã vội vàng mua cả năm chai, ông chợt nghĩ ra một điều và tươi hẳn nét mặt. Ông vui sướng vì thấy con gái mình đã mười chín tuổi mà quanh vùng không thấy một ai xứng đáng; cử chỉ vô tình của Mùi đã làm ông chợt nghĩ đến Nghĩa. Ông Năm Bụng tuy nghèo nhưng thuộc về nhà gia thế, ông không biết rõ nhưng tin chắc như vậy mà Nghĩa lại học giỏi, thế nào cũng đỗ cao và làm nên. Ông nhẹ hẳn người:

"Thế mà sao mình không nghĩ ra."

Rồi ông cất tiếng vui vẻ thân mật bảo ông Năm Bụng:

"Ông Năm ở đây uống với tôi vài chén cho vui. Sáng ngày cháu Mùi có mua được con cá béo lắm."

Ông Năm Bụng nhanh nhẹn đút cả năm chai không vào bụng, vội nói:

"Ông cho tôi đi; tôi còn đi nhiều nơi lắm, vì sáng mai tôi phải đi Hà Nội kịp trả tiền học cho cháu."

"Không tôi không để ông đi đâu."

Rồi ông Lang rối rít gọi Mùi bảo làm cơm:

"Mùi đi rán con cá đi, đừng để u già rán."

Ông quay lại phía ông Năm Bụng:

"Sợ ông thiệt, tôi mua thêm ông năm chai nữa để giúp cháu."

Lần này thì lại đến lượt Mùi ngạc nhiên. Ông Bụng cũng ngạc nhiên, nhưng còn lưỡng lự. Ông Lang Hàn chợt nghĩ đến chỗ tự nhiên vô cớ mời ông Năm Bụng uống rượu, khác hẳn mọi lần, ông vội nói:

"Tôi muốn hỏi về cách thức cậu Nghĩa học ở trường Bưởi thế nào, để sau tôi cũng lo cho cháu Triết lên theo học."

Ông Lang đã tình cờ nói đúng vào chỗ yếu của ông Năm; hễ ai nói chuyện hỏi han về sự học của con ông thì ông thích lắm, ngồi nghe bao lâu cũng không chán và chỉ những lúc đó thì trên nét mặt lầm lì - lầm lì gần như đau khổ - của ông người ta mới thoáng thấy một vẻ tươi cười rất nhẹ ở khoé mắt. Ông Năm Bụng không nói gì, từ từ rút năm cái chai không ở bụng ra, đặt xuống chân cột. Mùi biết là ông đã nhận lời vội cất tiếng gọi u già đương đi cất hũ rượu vào trong buồng:

"U già đem hũ rượu ra đây."

U già ngơ ngác rồi lẩm bẩm: vừa đem rượu cất đi xong lại thấy gọi đem rượu ra, u tưởng là Mùi trả lại ông Năm Bụng không mua nữa.

"U điếc à? Đem mau ra hai ông nhắm suông trước rồi làm cá để tôi rán."

Nàng cũng chạy ngay xuống bếp làm cơm và quên cả việc ra vườn xới rau như ý định lúc còn ở ngoài cửa hàng. Lần này Mùi cho nhiều dầu rán cho cá vàng ròn và ngon rồi nàng đi lấy ít tương Cừ Đà đã mua ở Hà Nội về, thái mấy miếng ớt thật mỏng cho vào. Ông Lang thích uống rượu với cá rán chấm tương, nhưng con cá phải thật tươi, rán phải chín vàng, thịt trắng và thơm, còn vây và vẩy ăn phải vừa ròn không mềm mà cũng không cháy vụn quá. Chỉ có Mùi là rán được như ý muốn của ông. Rán xong con thứ nhất, chính tay Mùi bưng lên, hơi ở con cá còn bốc nghi ngút và trong những vẩy con cá cong queo còn nghe lách tách tiếng dầu nổ.

"Mời ông mời thầy xơi cho nóng."

Ông Lang nhắc chén rượu mời ông Năm Bụng:

"Mời ông dùng. Rượu của ông phải có cá của tôi."

Mùi đưa mắt nhìn ông Lang, ngẫm nghĩ không biết cha mình có sự vui vẻ đột nhiên gì. Mỗi khi ông Năm Bụng đến, ông Lang chỉ nói vài câu lấy lệ, và có khi chẳng nói câu nào; lần này cha nàng lại mời ông ở lại uống rượu, nói chuyện luôn miệng và nhất là mua thêm năm chai; cha nàng chỉ hay nói khi nào trong lòng vui vẻ đặc biệt. Mùi đưa mắt nhìn ông Năm Bụng làm như nhìn ông ta thì có thể tìm thấy duyên do sự vui vẻ của cha mình. Ông Năm Bụng cho miếng cá vào miệng, vừa nhai vừa ngẫm nghĩ gật đầu:

"Cá của ông phải có rượu của tôi!"

Ông mở nút hũ, rót rượu vào chén ông Lang:

"Mời ông xơi một chén nữa.".

Mùi nhìn ông không ngăn nổi mỉm cười: ông nói đến rượu và mời ông Lang uống rượu tự nhiên như rượu trong hũ vẫn còn là rượu của ông. Mùi quay xuống bếp để rán con cá thứ hai.

Ông Lang nói tiếp câu chuyện bỏ dở:

"Cái tuổi cũng quan trọng lắm chứ? Cậu ấy năm nay bao nhiêu tuổi?"

Mùi đi chậm bước lại và đáng lẽ bước ra hiên nàng lại rẽ sang cái tủ chè, mở cánh cửa làm như tìm một vật gì.

Ông Năm Bụng đáp:

"Cháu nó hai mươi mốt nhưng cái tuổi không quan hệ gì, lúc làm giấy khai sinh bớt đi một hai tuổi."

Mùi khép cửa tủ lại, miệng nói:

"Không biết cái... cái ấy ở đâu."

Nàng nghĩ thầm:

"Ra hai ông cụ nói về việc học. Anh chàng hơn mình ba tuổi."

Lúc Mùi đem con cá lên thì hai ông đã thân như là đôi tri kỷ lâu năm. Ông Lang nói:

"Hôm nào tôi lại chơi đằng ông, ông cho tôi uống rượu nhé. Lại đằng ông thì không cần báo trước. Lúc nào cũng sẵn."

Ông Năm nói:

"Cũng cần chứ, ban ngày tôi không bao giờ để rượu ở nhà và cứ chập tối là tôi ngủ rồi, để sáng sớm một hai giờ sáng dậy nấu. Chắc ông hiểu vì sao."

"Tôi hiểu rồi, tôi hiểu... không biết tại sao giời lại sinh ra tây đoan."

Ông Năm Bụng nói:

"Tây sinh ra tây đoan, giời sinh chó."

Ông nói đùa nhưng không cười, còn ông Lang và Mùi thì không sao nhịn được. Bỗng Mùi vừa sực nhớ đến chỗ ông Lang chưa biết rõ tính ông Năm Bụng, lỡ cha nàng hỏi về duyên cớ tại sao ông Năm lại đến Xóm Cầu Mới khiến ông Năm đứng dậy bỏ đi thì thật rầy rà. Nàng loay hoay cố tìm cách báo cho cha biết nhưng nghĩ mãi không có cách nào; tự nhiên nói thầm với cha thì vô lễ mà gọi cha ra chỗ khác cũng không tiện. Mùi ngồi ăn mất cả ngon. Nàng bứt rứt mỗi khi thấy câu chuyện sắp đưa đến chỗ mà câu hỏi về gia thế ông Năm có thể xẩy ra được.

Ông Lang hỏi ông Năm:

"Ông có mấy cô cậu?"

"Tôi có bốn cháu. Hai cháu còn bé."

"Ông sinh cháu ở đây?"

"Không, tôi sinh hai cháu lớn ở nơi khác."

"Ông mới đến đây được mấy năm?"

"Được hai năm."

"Ông..."

Mùi giật mình nhìn ông Năm Bụng rồi đằng hắng to một tiếng để cha chú ý đến mình; nàng nhìn cha chớp chớp mắt rồi lắc đầu nhanh mấy cái. Ông Lang ngơ ngác, nhìn xuống mâm cơm, nhìn hai bên quay đầu nhìn phía sau lưng rồi lại nhìn Mùi. Ông không hiểu tại sao con gái mình lắc đầu, chớp mắt. Ông nghĩ thầm chắc nó ăn phải ớt cay, ông nói tiếp câu định hỏi:

"...Ông bắt đầu cất rượu từ khi đến đây?"

Mùi thở một cái, nhẹ người. Nhưng chỉ một lúc sau câu chuyện lại đưa đến cái dốc nguy hiểm ấy. Ông Lang nói:

"Độ này, thuốc đau mắt của tôi bán cũng chày chạy, cháu nó lại chịu khó buôn bán tần tảo. Độ tôi còn ở quê tôi, bên Phướn..."

Thế rồi ông kể đến việc cháy nhà, việc rời quê đưa vợ con đến đây bẩy năm trước và ông hỏi ông Năm Bụng:

"Quê ông ở gần đây?"

"Không, ở xa lắm."

"Ông..."

Mùi lại giật mình, đặt đũa xuống, đằng hắng đến mấy tiếng nhưng cha nàng vẫn không nhìn về phía nàng.

"Ông thế là may, không như tôi ở gần quê, có nhiều người qua lại phiền nhiễu tệ."

Mùi lại thở nhẹ một cái; sau cùng, ông Lang đứng dậy ra lấy cái khăn mặt. Mùi chạy theo rồi khẽ nói vào tai:

"Thầy đừng hỏi vì cớ gì ông ấy đến đây."

Nói xong được câu ấy, Mùi quay về mâm; còn mỗi một miếng cá trong đĩa nàng gắp luôn, chấm thật nhiều tương rồi và lùa hết cả bát cơm; lúc bấy giờ nàng mới thấy thịt cá thơm ngon và rán vừa chín ròn.
Ông Lang lúc đó mới hiểu vì sao ban nẫy con gái mình lắc đầu làm hiệu nhưng mà tại sao lại đừng hỏi ông Năm câu ấy thì ông không hiểu. Chính câu nói của Mùi lại nhắc ông nhớ ra rằng ông đã quên bẵng đi không hỏi về gia thế ông Năm, một câu hỏi rất cần đối với ông. Thế mà câu rất cần ấy Mùi lại bảo ông đừng đả động đến. Lạ thật, không hỏi về gia thế ông Năm thì đời nào làm thông gia với ông được. Lúc trở về mâm, ông định tìm cách khéo không hỏi thẳng. Sau khi tỏ cho ông Năm Bụng biết là chính quê ông không phải ở bên Phướn, ông cụ thân sinh ra ông mới rời đến đây được dăm chục năm, ông nói tiếp:

"Chính quê tôi ở vùng Bắc. Quê ông chắc cũng ở vùng ấy."

"Không."

Ông Năm Bụng không nói thêm gì nữa, nhấc cốc uống một hơi cạn. Một lát sau ông Lang lại nói:

"Làng tôi chính tên chữ là Phương Thảo thế mà nôm na thế nào lại gọi là Phương thành Phướn được. Cũng như làng Trò ở Xóm Cầu Mới chính tên chữ là Trà Viên, làng Giằng tên chữ là Châu Giang. Người nhà quê ta đến hay, tên đẹp thế mà gọi nôm na xấu cả đi. Thật nôm na cha mách qué. Tên nôm làng ông là gì nhỉ?"

Mùi phục cha đã hỏi rất khéo. Ông Năm chắc bị vào tròng. Nhưng ông chỉ đáp:

"Làng tôi không có tên nôm."

Ông Lang lại nói đến tên cụ Cử thân sinh ra ông cũng bị họ gọi nôm na là cụ tú Nịch rồi ông kể lại những việc làm của cụ lúc còn sinh thời:

"À, cụ thân sinh ra ông mất hay còn?"

"Cụ nhà tôi mất rồi."

Nói hết câu, ông Năm Bụng đặt bát, bỏ đũa xuống mâm ngồi yên lặng lầm lì. Mùi đưa mắt nhìn cha. Vừa lúc ấy Triết đi học về vào tới nhà và cất tiếng chào ông Năm. Ông Năm vẫn cứ ngồi yên không đáp lại lời chào.

Ông Lang bảo Triết:

"Cố học lên, sang năm tao cho mày lên học trường Bưởi với anh Nghĩa ở Hà Nội."

Ông quay lại phía ông Năm:

"Nghỉ hè này ông cho cháu sang bên nhà học thêm cậu Nghĩa."

Triết cất sách rồi ngồi xuống phản ăn cơm. Chàng vui sướng nhưng không phải vì được lên Hà Nội mà chỉ vì đến học với Nghĩa chàng có được cơ hội gần Lan con gái lớn ông Năm Bụng mà chàng thấy đẹp như tiên và vì thế chưa dám nhìn rõ mặt bao giờ.

Ông Lang lại quay về phía Triết:

"Mày xem cậu Nghĩa, cậu ấy học cả đêm lẫn ngày, ăn cũng học ngủ cũng học còn mày thì động học là ngủ."

Mùi thấy ông Năm lại cầm bát đũa lên và gắp ăn ngon lành như trước. Ông Lang cũng không dám hỏi bóng gió về gia thế ông Năm nữa, nói sang chuyện khác và bữa cơm lại trở lại vui vẻ như lúc đầu.
Cơm nước xong ông Năm Bụng đứng lên cầm chai dắt vào bụng. Ông Lang hỏi:

"Chai không thì sợ gì tây đoan mà cần dắt vào bụng?"

"Phải dắt chứ, nếu không làm thế nào mang được chai về."

Tuy ông Năm Bụng say rượu nhưng thoắt một cái năm chai đã biến mất. Mùi chợt thấy là ông Năm nói phải, nếu không dắt chai không vào bụng thì không có cách gì mang được năm chai và một cái gậy về.

Ông Lang tiễn ông Năm ra cửa như tiễn một quý khách chứ không phải một người đến bán rượu. Bỗng Mùi gọi giật ông Năm lại:

"Quên, ông chưa lấy tiền rượu."

Ông Năm Bụng quay lại:

"Tôi lại đem rượu sang ngay bây giờ và lấy tiền cả mười chai luôn thể."

Mùi mỉm cười vì ông Năm say mà nhớ kỹ thế; bỗng nàng thấy quả tim như thót lại khi nghĩ đến phải trả tiền những mười chai:

"Để đấy có mất đi đâu."

Nàng thầm nhắc lại câu ông Năm nhưng vẫn không an ủi được sự rấm rứt tiếc tiền ở trong lòng. Mười chai rượu uống mấy tháng cũng chưa hết.

"Thật là mất toi đồng bạc."

Mùi tự trách mình hay có tính thương hại vơ vẩn và tức cả cha tự nhiên cũng đâm hoang phí mua thêm năm chai nữa.

"Năm chai thì không sao. Đằng này lại mười chai. Lại còn phải mua thuốc ngâm không có tây đoan nó bắt bỏ tù. Thuốc ngâm mười chai cũng đến đồng bạc nữa là ít. Mười chai, hai đồng bạc, giời đất ơi."

Nàng mỉm cười cất tiếng nói với ông Lang:

"Thầy ơi, mười chai kia à?"

Ông Lang mỉm cười và Mùi tưởng ông cũng như nàng ngoài mặt vui vẻ nhưng trong lòng thì chua chát:

"Ừ, không mười chai thì mấy. Mày mua năm, tao năm. Năm với năm vị chi là mười."

Rồi ông Lang hỏi Mùi tại sao lại đừng hỏi về gia thế ông Năm. Mùi nói cho cha rõ nguyên do. Ông Lang buột miệng:

"Thế thì làm thế nào?"

Mùi hỏi:

"Thầy cần gì biết rõ việc riêng nhà ông ta."

Ông Lang không đáp. Ông vừa chợt nghĩ đến bà Cai. "Phải nếu bà Cai về đây thì việc mới xong được, đàn bà với đàn bà nói những câu chuyện ấy mới dễ." Ông hỏi Mùi:

"Bác Cai sắp đến chưa?"

"Thưa thầy con không biết."

"Thế bao giờ thì bác ấy đến?"

"Thưa thầy trong thư không nói rõ."

"Phiền nhỉ."

Mùi tưởng cha phiền vì việc bà Cai về.

"Thế nhà đã thuê được rồi à?"

"Thưa...thưa thầy..."

Mùi lưỡng lự rồi đánh liều nói với cha vì biết là cứ dấu thì cái phiền cứ kéo dài mãi:

"Thưa thầy chưa!"

"Thế sao độ nọ mày lại bảo là đã thuê được nhà rồi."

"Người ta lại đổi ý kiến, phiền quá."

"Cũng chẳng sao. Chúng bay liệu dọn nhà cửa để bác ấy đến có chỗ ở.”

Ông Lang nhìn về phía nhà:

"Nhà cũng rộng chán. Mày viết ngay cái thư báo cho bác biết là chỗ ở có rồi, bác cứ dọn ngay về, càng sớm càng hay."

Mùi ngạc nhiên đưa mắt nhìn cha, không hiểu vì lẽ gì cha lại đột nhiên đổi cả tính nết: đương ít nói đổi ra hay nói, đương hà tiện đổi ra hoang, đương bứt rứt về việc bà Cai và việc không thuê được nhà lại bảo nàng viết thư dặn bà Cai về càng sớm càng hay và lại ở ngay nhà này và cả cái nhà này nữa lúc trước thì chật chết bây giờ cũng hoá ra rộng. Mùi vui sướng nhìn cha, cố tìm hiểu vì cớ gì nhưng nghĩ không ra.


Chương V
Cậu Ấm đi bắn vịt trời

Ấp cụ Án ở cách xóm Cầu Mới vài trăm thước. Cụ Án ông đã mất hơn hai mươi năm trước nên người trong xóm không ai biết mặt. Cụ Án bà thì vì liệt một bàn chân, đi lại rất khó khăn và phải chống nạng nên không ra khỏi cửa, vì thế cũng rất ít người biết mặt. Chung quanh ấp luỹ tre bao vây dầy đặc, "con gà chui không lọt"; vào ấp chỉ có một lối đi nhưng có đến ba cái cổng: ở ngoài cùng là một cái cổng gạch, ô tô đi lọt, cái cổng thứ hai và thứ ba trước kia bằng gỗ nhưng bây giờ vì đổ nên thay bằng hai cái cổng tre trống. Trước kia vì cụ Án còn ruộng ở chung quanh nên người ra vào tấp nập; gần đây cụ bán dần hết nên không mấy người vào ấp nữa; mọi người đều ngại gọi cổng, phải đợi người nhà ra mở ba cái cửa, lại đợi người nhà đóng hết ba cái cửa, rồi vào đến sân lại gặp một đàn chó dữ. Vả lại cũng không ai có công việc gì cần vào ấp. Dân xóm ngày ngày nhìn thấy cái luỹ tre cao trước mặt nhưng còn ở trong luỹ tre ấy cái nhà cụ Án ở và cả cụ Án nữa mà họ vẫn nhắc đến tên luôn thì đối với họ như là ở một thế giới xa xôi, bí mật. Mỗi ngày hai lần người nhà ra phố mua thức ăn nhưng anh người nhà lại rất ít nói và hình như có lệnh cấm không được nói chuyện với ai về công việc ở trong ấp. Mợ Ấm Hải con dâu cụ Án thỉnh thoảng lắm mới ra phố và mỗi lần nàng ra phố là cả dân phố ngừng công việc để ngắm. Họ tưởng mợ như vừa ở trên trời rơi xuống, mới ở một cảnh tiên nào hiện ra. Mợ ăn mặc rất sang, người mợ đẹp, mắt đen và sáng và nhất là nước da của mợ được họ chú ý đến nhất. Mợ đi đến cửa nhà lão Nhai thì Hai Diên ở cách đấy một nhà thì thầm bảo chồng:

"Người đâu trắng như bột."

Mợ đi qua nhà Hai Diên thì cả nhà Hai Diên lại đứng yên tắp để ngắm và lại đến lượt mẹ Liễn ở bên cạnh khen:

"Hai má như hai quả trứng gà bóc."

Hai bà cụ Huế vì ở Kinh Đô nên thường tấm tắc:

"Trắng hơn cả bà Hoàng Hậu."

Chỉ có cậu Ấm Hải là hay ra phố luôn hoặc đi chơi hay đi bắn chim nên ai cũng thấy cậu tầm thường, không có gì đặc biệt hơn người. Cũng vì thế nên Hải thấy mình tự do, đi đâu không ai chú ý, không như vợ chàng mỗi lần ra phố về lại than phiền:

"Họ cứ nhìn tròng trọc vào mình như nhìn một con vật lạ."

Có lần Hải bảo vợ:

"Thì tại em là một con vật lạ thật. Ai bảo lại ăn mặc sang thế kia."

"Thì chỉ có mỗi một bộ áo, không mặc nó thì mặc áo cánh ra phố à?"

"Thế tại làm sao da lại trắng thế?"

"Giời sinh ra, làm thế nào?"

"Thế tại sao mắt Duyên lại đẹp thế, má Duyên lại hồng thế, môi duyên lại tươi thế?"

Thế là Hải kéo vợ vào lòng, hôn luôn mấy cái:

"Mình ăn mặc thế này hôn mình tưởng như là hôm mới cưới nhau. Sao mình không mặc luôn?"

"Mặc luôn thì rách."

Bỗng Duyên đẩy chồng ra:

"Cái áo gần mười năm, ôm chặt lấy người ta rách tung cả ra rồi."

Hai vợ chồng cùng cười rồi lại ôm chặt lấy nhau hơn trước và sung sướng. Hôm ấy Duyên phải ngồi cả buổi chiều mạng lại chỗ bục ở vai. Nàng sung sướng nghĩ đến tình vợ chồng yêu nhau cứ mỗi ngày một tăng. Tuy nhà bắt đầu sa sút, không có nhiều tiền để sắm sửa thêm, nhưng tiền riêng của nàng vẫn còn một ít và đồ tư trang của nàng vẫn còn nguyên, nếu tằn tiện thì cũng không phải tiêu đến nó. Hai đứa con nàng còn nhỏ, chưa phải đi học nên cũng không mấy tốn kém. Hoạ chăng tốn tiền nhất là những hôm Hải đi Hà Nội mua đạn:

"Mua đạn để toàn bắn những cò là cò."

Hải hay bắn cò vì cò dễ bắn trúng và lúc nào muốn bắn cũng có sẵn cò, không phải đi xa tìm kiếm.

Tuy là tốn tiền mà chỉ được ăn thịt cò, ăn nhiều đến nỗi bây giờ nuốt không trôi nữa phải đem cho, nhưng mỗi lần chồng hỏi tiền để đi Hà Nội mua đạn thì nàng vẫn đưa một cách vui vẻ vì thấy chồng chỉ có mỗi cái thú bắn cò ấy. Độ này Duyên lại thấy Hải hay đi bắn luôn và tuy không được con cò nào - hay được nhiều quá nhưng không dám đem về sợ vợ buồn nôn chăng - nhưng đạn thì chóng hết và hay đi Hà Nội luôn. 

*


"Cậu lại sắp đi bắn à? Bắn luôn thế tốn đạn chết?"

Ăn cơm sáng xong, thấy chồng đem súng tháo ra lau dầu, Duyên đến gần xem. Hải nói:

"Có lau hộ người ta không nào?"

"Bẩn tay chết."

Hải cầm cái giẻ đầy dầu quệt mạnh một cái lên bàn tay trắng nõn của vợ:

"Bây giờ lau đi, lau súng chứ không phải lau tay, đằng nào cũng bẩn rồi; nói léo nhéo cái gì."

Duyên dí ngay bàn tay bẩn vào mũi Hải; xoa xoa mấy cái cho mũi Hải thật đen bóng. Hải cứ để yên mặc vợ xoa không nói gì.

Duyên cười:

"Người ta mới nói có thế mà đã tìm cách báo thù. Hay là chỉ cốt bắn phung phí cho chóng hết đạn để lên Hà Nội với con ranh nào..."

Đương lau súng, Duyên như chợt nghĩ ra một điều gì, bảo chồng:

"Bắn, sao độ này không nghe thấy tiếng súng?"

Hải trả lời ngay vì câu trả lời đã nằm sẵn ở trong óc chàng từ lâu:

"Người ta đi bắn vịt giời, ở mãi tận cánh đồng Nậu."

Duyên ngơ ngác, lấy làm phục:

"Cậu mà cũng bắn được vịt giời cơ à?"

Hải nhấc cái nòng súng đưa ra ánh sáng, nhắm một bên mắt và nhìn vào vợ chứ không nhìn vào lòng súng rồi nói:

"Bắn được."

Yên lặng một lúc Duyên lại hỏi:

"Thế có trúng không?"

"Không trúng".

Duyên gật gù đầu:

"Tài nhỉ".

"Tôi tài hay vịt giời tài?"

Hải nhìn ra sân không có ai, vội đưa đầu ra đằng trước và hôn vào môi vợ một cái.

Duyên nghiệm ra rằng độ này chồng hay có những lúc vui vẻ đột ngột, nói đùa luôn miệng và có khi đương đêm cũng đánh thức nàng dậy:

"Người ta đương thấy thinh thích trong người, dậy đi nói chuyện với nhau cho vui đi em."

Hôm nay, thấy tự nhiên đang lau súng Hải lại hôn mình, nàng nhìn chàng nói:

"Lại lên cơn điên vui có phải không?"

Bỗng nàng ngơ ngác, nét mặt yên tắp. Nàng vừa để ý đến vết dầu đen ở mũi chồng và chợt hiểu tại sao chồng lại hôn mình. Hải nhìn vào mũi Duyên rồi cất tiếng cười to.

Duyên nói:

"Đồ tiểu nhân báo thù."

Hải đáp:

"Khổng Tử đã dậy: Không nên làm cho người khác cái gì mà mình không muốn người khác làm cho mình.”

"Thế sao cậu lại làm mũi em đen?"

"Câu ấy ám chỉ vào một mình mợ thôi, còn tôi hôn tức là tôi theo đúng lời thánh dậy: làm cho người khác cái gì mà mình thấy thinh thích muốn người khác làm cho mình. Mợ hiểu ý chưa?"

Chàng đưa đầu ra đằng trước, chờ Duyên hôn lại, Duyên cười:

"Thánh đâu lại dậy cái câu buồn cười thế. Thánh đâu lại nói thấy thinh thích..."

Duyên hôn lại chồng, vừa hôn vừa nói:

"Đằng nào mũi cũng đen rồi."

Hải cười, nói:

"Ồ, mợ làm thơ. "Đằng nào mũi cũng đen rồi", nhưng câu thơ ấy buồn lắm."

Một lúc sau, bác người nhà lên đưa Hải đôi giầy. Bác nhìn vào mũi cậu Ấm rồi lại nhìn vào mũi mợ ấm, nhưng bác không dám cười, vội vàng đi ngay xuống nhà dưới.

Hải đi giầy, đeo súng, với cái mũ đi săn đi lên đầu, nhìn cái đầu súng rồi lại nhìn vợ. Duyên cũng nhìn đầu súng rồi nhìn chồng gật đầu mấy cái, tỏ vẻ hiểu ý chồng. Hải ra tủ lén vợ lấy cuốn tiểu thuyết đút vào túi. Rồi chàng cho tay vào ngực xem đã có gói chè tàu ngon trong ấy chưa.

Duyên đứng nhìn theo chồng đi ra sân, nghĩ thầm:

"Độ này anh Hải lại dám bắn cả vịt giời. Nhưng chưa khoe với mình vì chưa bắn trúng con nào."

Nàng nuốt nước bọt vì nàng nghĩ bắn mãi thì rồi cũng có ngày trúng một con và thịt vịt trời chắc hẳn phải ngon, không như thịt cò tanh chết, cho bao nhiêu xả cũng không hết tanh, mà ăn mãi lại sợ mùi xả hơn cả mùi tanh của cò. 

*


"Cậu Ấm đi bắn vịt giời."

"Cậu Ấm đi sang cánh đồng Nậu."

Đó là những lời trẻ con ở xóm nói với Hải mỗi lần chàng vác súng đi qua. Trước kia còn đi bắn cò, bắn chim gáy, bao giờ theo sau Hải cũng có hai ba đứa trẻ; chúng lội xuống ruộng, chui vào bụi rậm để nhặt chim cho chàng. Hải đuổi chúng đi, chúng cũng không đi. Thành thử rất khó khăn cho việc riêng của chàng bây giờ. Vì vậy chàng nghĩ ra kế đi bắn vịt trời ở tận cánh đồng Nậu, xa quá chúng không theo được. Chúng đợi mãi chưa thấy lần nào Hải xách vịt về nên chúng thất vọng và có đứa bảo Hải:

"Cậu Ấm không đi bắn cò để cháu xách nữa à? Vịt giời thì cậu bắn thế nào được?"

Nghe câu ấy, Hải nghĩ bắn vịt trời dễ hơn bắn cò vì vịt trời to hơn nhưng cái khó là làm thế nào đến được gần sát nó như là đến gần cò. Cái súng cổ của chàng không thể bắn xa mà chết vịt được, chỉ trừ may ra trúng ngay đầu vịt, chứ thực ra tài bắn của chàng không đến nỗi để đến cả trẻ con cũng khinh. Súng chàng không bắn được vịt trời, biết thế nhưng chàng không nói ra cho vợ rõ và tuy những đứa bé tỏ lời khinh thị chàng cũng không nói ra để chống chế. Súng không bắn được vịt trời mà cứ đi bắn vịt trời là một sự vô lý.

Hải đi qua Xóm Cầu Mới, đi qua phố Phủ rồi đến nửa đường sang làng Nậu, tới chỗ cái quán làng Cầu có cây đa con gà, chàng ngồi xuống lấy thuốc lá hút. Hút xong chàng ngồi nghỉ, giở tiểu thuyết ra đọc và khi đã đến giờ, chàng đứng lên. Đưa mắt tìm không có con chim nào, chàng bắn chỉ thiên một phát để có chứng cớ là súng có bắn đạn. Lúc đầu chàng còn chịu khó đi đến tận cánh đồng làng Nậu vì chàng nghĩ nếu gặp vịt dẫu xa đến đâu thì xa cũng cứ bắn bừa một phát may ra trúng đầu vịt hay mắt vịt chăng. Về sau chàng thấy vô ích và đi xa quá mỏi chân, cứ đến quán làng Cầu là chàng ngừng lại. Chỗ ấy vắng, không ai biết chàng ra đấy và nếu có ai quen đi qua cũng chỉ cho là chàng đi săn mệt, ngồi nghỉ chân một lát.

Lúc trở về, Hải không đi qua Xóm Cầu Mới. Trước khi đến cầu, chàng rẽ sang con đường đi về làng Trò vì từ ở Phủ về ấp của chàng có hai con đường: con đường đi qua Xóm Cầu Mới thì có cầu và con đường đi qua làng Trò gần hơn một ít nhưng lại phải qua đò. Đi trên con đường vào làng Trò có thể trông thấy luỹ tre ấp và tuy biết là đứng ở hiên nhà nhìn ra không thấy được con đường (chàng đã xem xét cẩn thận rồi) và Duyên ít khi đem con ra cổng đứng chơi, nhưng chàng cũng để súng sát vào cạnh sườn bên trái ngộ nhỡ Duyên có ra cổng ngoài nhìn về phía ấy thì ở xa không có súng không thể nhận ra chàng được. Vào làng, Hải chọn những con đường vắng nhất và tuy vác súng đi vào làng Trò để kiếm chim là một sự tự nhiên mà thấy có người tò mò nhìn, chàng cũng ngường ngượng như là người ta đã biết chàng vào đấy không phải là để bắn chim. Nhất là lúc chàng đi khỏi, nếu họ nói với nhau câu gì chàng nghe không rõ thì chàng lo sợ tưởng họ nói cạnh đến mình. Tới chỗ đường rẽ ra bến Trò, Hải cũng cứ đi thẳng. Đến tận cuối làng, chỗ có cái cổng gạch làng mở ra cánh đồng, quay lại nhìn phía sau không có ai chàng đi rẽ sang bên phải lần theo hàng dậu ruối đi thật nhanh và khi đến cổng một cái nhà tranh, chàng dừng lại, đứng sát vào cửa cho người đi ở ngoài đường cái làng không trông thấy.

Hải nhìn qua những cành tre ở cạnh cổng. Một cơn gió thoảng qua; bóng lá tre và bóng nắng chạy loang loáng trên sân đất nhẵn bóng và quét sạch. Tuy trời giá rét nhưng chàng thấy cái cảnh bóng lá tre rung động là mát và cả gió cũng mát nữa. Có hai con gà đứng sưởi nắng ở cạnh gốc đậu ván, lấm tấm hoa tím. Cả những cảnh nhỏ nhặt ấy chàng cũng để ý đến và thấy đẹp như trong một thế giới bồng lai nào.
Chàng cất tiếng gọi:

"Bác Hiên ơi!"

Có tiếng kẹt cửa rồi bác Hiên gái bước ra, mỉm cười nói:

"Bẩm cậu đến."

Bác ra chống cửa tre, đợi Hải đi qua, lại hạ xuống ngay, cài chốt rồi đi vào nhà và cũng đóng ngay cửa nhà lại. Hải nhìn thấy cái giường không, thất vọng:

"Bác giai đi vắng?"

"Vâng thưa cậu, thầy cháu có việc phải sang Yên Ninh."

"Thế độ bao giờ thì về."

"Bẩm cậu không biết có lẽ tối xẩm mới về."

"Phiền nhỉ, bây giờ mới độ ba giờ chiều mà đợi đến tối thì tôi không thể đợi được."

Nói thế nhưng chàng cũng cứ bỏ mũ, đặt súng, lại giường ngồi, nói với bác Hiên gái:

"Làm thế nào bây giờ?"

Bác Hiên gái không trả lời câu Hải hỏi, nàng nói:

"Để cháu đi đun nước."

Hải móc ở túi ra gói chè đưa cho bác Hiên và hỏi:

"Nhà còn thuốc không?"

Nhà còn thuốc nhưng bác Hiên gái đáp:

"Thưa cậu không, để cháu chạy đi mua, chỉ một lát thôi."

Hải nhìn bác Hiên một lúc rồi ngượng ngập nói:

"Nhưng tôi không biết tiêm."

"Cháu biết tiêm. Nếu cậu không chê là tiêm vụng thì để hôm nay cháu tiêm hầu cậu."

"Thôi cũng được."

Biết là sức mình chỉ hút hết hai hào chàng cũng đưa cả cho bác Hiên ba hào để bác đi mua, ăn bớt thì vừa đúng ngữ say của chàng.

Bác Hiên đi khỏi, Hải kéo gối nằm ngửa trên giường, nhìn trần nhà. 

*


Lần đầu tiên chàng đến đây đã trên tám tháng. Hôm ấy chàng bắn chết một con chim gáy và chim lại rơi vào phía sau nhà bác Hiên. Trẻ con không có đứa nào theo nên chàng phải vào nhặt và vì tay rẩy máu chim chàng phải lại cái cóng nước gần chỗ bác Hiên trai nằm hút thuốc để rửa tay. Bác Hiên ngồi dậy rồi chào mời chàng vào uống nước và xơi điếu thuốc cho đỡ mệt. Thế là sự tình cờ đã xui chàng hút điếu thuốc phiện đầu tiên trong đời. Chàng hút luôn hai điếu nữa chỉ cốt hút nhiều một tí để có cớ trả tiền, bác Hiên khỏi từ chối. Lại vì sự tình cờ hút ba điếu là vừa đúng ngữ say (về sau chàng mới biết rõ là đúng ngữ) nên hôm ấy chàng thấy chưa bao giờ trong người sung sướng dễ chịu như thế.

Ở nhà bác Hiên đi ra, chàng đứng lại ở sân nhìn và không bao giờ chàng quên được lúc đó. Gió rét nhưng trong người chàng ấm áp; chàng ngạt mũi thấy nóng và hơi ngứa ở hai lỗ mũi phải thở mạnh luôn nhưng cả đến cái ngạt mũi cũng dễ chịu lắm. Người chàng hơi lảo đảo, lơ mơ nhưng không lúc nào trí chàng sáng suốt đến thế, óc chàng như trong hẳn ra. Cái sung sướng của chàng không phải là cái sung sướng mê man của những người đương yêu hay say rượu; từng thớ thịt, từng thớ xương, khắp người chàng thì sung sướng bàng hoàng nhưng trí chàng thì lại tỉnh táo để nhận thấy rõ hơn cái sung sướng của thân thể.

Gió lạnh rào rào trong luỹ tre, lá tre rung rung, và các đầu ngọn tre ngả nghiêng trước gió, mọi cái chàng nhìn thấy rõ ràng trước mắt nhưng hình như lại ở tận đâu đâu, ở một thế giới nào khác và thế giới ấy là một thế giới sung sướng, vui vẻ.

Tối về nằm, gối đầu vào cánh tay vợ, lúc đó thuốc đã ngấm cái thú của chàng lại hơi khác. Chàng có cái khoan khoái của người đương thiu thiu buồn ngủ sau mấy đêm không được ngủ và cái thú thiu thiu buồn ngủ ấy lại kéo dài đến mấy giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng chàng lại cựa quậy mấy cái, sợ mình ngủ thật đi mất; ngay những lúc mà chàng thiêm thiếp tưởng mình ngủ rồi thì lạ lắm, óc ngủ nhưng riêng thân thể chàng vẫn thức để cảm thấy sung sướng; cái sung sướng ấy nó cũng ngủ như thân thể chàng; đến khi chàng cựa tay, lắc đầu cho tỉnh giấc thì cái sung sướng ấy cũng thức dậy.

Thế rồi nửa tháng sau chàng lại đến nhà bác Hiên và cứ đến đều đều như thế trong ba tháng. Rồi cái hạn rút ngắn xuống mười ngày, một tuần lễ; bây giờ thì cứ năm ngày chàng đến một lần và chàng cố giữ như vậy đã được hai tháng rồi. Chàng đã bắt đầu phải để ý đến tiền hút nhưng đối với bác Hiên chàng vẫn chi tiền rộng rãi vì chàng nghĩ một tháng hút sáu bẩy lần không tốn bao nhiêu; hai giờ đồng hồ chàng nằm ở nhà bác là hai giờ sống thần tiên, chàng muốn hai bác Hiên lúc nào cũng vui vẻ tiếp đãi chàng. Tiền Duyên đưa chàng đi Hà Nội và tiền mua đạn chàng đã để dành được một số; đã lâu chàng không đi Hà Nội nữa, đi chơi vơ vẩn ở các làng xa đến giờ xe lửa đêm ở Hà Nội về thì chàng cũng về nhà ga như mình ở xe lửa xuống. Đạn thì mỗi lần chỉ bắn một viên; sợ trẻ con theo đông không tiện và sợ mọi người không nghe thấy tiếng súng nên chàng bỏ bắn cò và vì thế chàng đi bắn vịt trời. 

*


Bác Hiên gái đã đi mua thuốc về. Bác đặt lên giường cái khay thuốc và thắp đèn. Bác đi xuống nhà bếp lấy ấm nước sôi pha chè rót vào một cái chén riêng mời Hải uống.

"Xin phép cậu."

Nàng vén áo ngồi lên giường và bắt đầu hơ nướng thuốc. Hải lấy ở túi ra một cái bánh khảo nhân đỗ đen và một quả quýt mới mua ở phố Phủ. Bao giờ chàng cũng phải mua quýt, cam hay bưởi để khi về đến cổng thì cấu một ít vỏ lấy nước thơm xoa lên môi cho vợ khỏi ngửi thấy mùi thuốc phiện. Cứ thế bao lần rồi mà Duyên không để ý.

"Đàn bà tinh ranh lắm nhưng vợ mình thì ngớ ngẩn."

Hải ngồi dậy, cởi giầy rồi kéo cái chăn đắp lên chân. Chàng nằm nhìn bác Hiên gái nướng thuốc. Không biết vì thuốc có pha hay vì vụng tay mà điếu thuốc cứ thỉnh thoảng lại rớt xuống đèn. Mỗi lần có một giọt sắp rớt xuống thì môi bác Hiên lại trễ xuống một cái. Rồi nàng lại mỉm cười nhìn Hải.

Hải vẫn thấy bác Hiên đẹp nhưng lần đầu tiên chàng được nhìn kỹ nét mặt. Nằm đợi bác tiêm, Hải tha hồ ngắm: đôi mắt bác, chàng thấy có vẻ thơ ngây vì có hàng lông mi dài và cong lên; đôi môi bác có duyên ở chỗ hai bên mép lại cong xuống một tí, hai cái lúm đồng tiền thì một cái cao một cái thấp và vì thế miệng lại có vẻ tinh nghịch. Chàng giơ bàn tay như để che ánh đèn chói nhưng thực ra chỉ cốt để che nửa mặt dưới chỉ nhìn hai con mắt, rồi lại che hai con mắt chỉ nhìn nửa mặt dưới. Chàng thấy như là nhìn hai người đàn bà và bất giác bật cười làm bác Hiên lại nhìn chàng nhanh một cái tưởng như Hải chê mình tiêm vụng.

Hải nghĩ nếu lần nào cũng được bác Hiên gái tiêm thì thật an toàn. Căn nhà này ở chỗ cuối làng, đi ra đi vào không ai nhìn thấy; nhà lại chỉ có hai vợ chồng tính nết kín đáo, và không có con, không có khách, chàng nằm hút hàng giờ được yên tâm. Hai vợ chồng vì thỉnh thoảng chàng đến hút kiếm thêm được ít nhiều, nên chiều chuộng chàng hết sức. Mỗi lần chàng đến, chàng có cái ý nghĩ đã làm cho người khác được nhờ mình và cái ý nghĩ làm cho người khác vui vẻ ấy cũng cần cho cái thú hút thuốc phiện của chàng như nước chè ngon và bánh khảo.

Chàng thích nhất - và cái thích ấy hơi khác cái tính thích thông thường của những người hút thuốc - là căn nhà chàng nằm không tối hẳn và cũng không sáng quá. Tiếng gió trong lá tre, hoa nắng và bóng lá tre lấp loáng trong buồng, qua các cửa chắn song hé mở, ánh phản chiếu của nước sông phía sau chạy lăn tăn vàng trên mái nhà, tất cả những cái đó trong khi chàng say thuốc lơ mơ nằm yên, thì hoạt động quanh người chàng, tiếng gió rào rào lúc to lúc bé, ánh nắng vàng lúc sáng lúc nhạt, tất cả những cái rung rinh của thế giới ở ngoài làm tăng thêm rất nhiều cái thú yên tĩnh và thâm trầm ở trong thân thể chàng.

Hải đã hút đến điếu thứ năm và đã bắt đầu say. Trong khi cái hạn đến hút của chàng thu ngắn lại thì số điếu thuốc đúng ngữ say của chàng tăng lên. Bây giờ chàng phải hút tám điếu mới đủ.

Bỗng Hải ngạc nhiên thấy bác Hiên đặt dọc tẩu và tiêm xuống, tay ôm bụng, đôi lông mày cau lại, thở mạnh.

"Bác sao thế?"

"Bẩm cậu cháu đau bụng."

"Bác đau bụng à, hút một điếu thì khỏi ngay."

Hải giơ tay đỡ dọc tẩu để bác Hiên hút; nhìn thấy nàng hút có vẻ thạo, chàng hỏi:

"Bác đã hút bao giờ chưa?"

Bác Hiên nằm ngửa, đưa tay ấn vào bụng; một lúc sau bác nói một mình:

"Kiến hiệu thật, hết hẳn đau."

Rồi nàng nói to với Hải:

"Bẩm cậu, khi nào đau thì phải hút. Lúc thường thầy cháu không cho."

Nàng vẫn nằm yên ngửa mặt, hai hàng lông mi đưa lên đưa xuống, và đôi môi mở rộng để thở. Hải thấy nàng nằm yên lâu lắm; chàng nóng ruột.

"Bác khỏi đau rồi thì lại tiêm đi chứ."

Bác Hiên ngồi thẳng dậy nói:

"Chết chửa."

"Bác cứ nằm tiêm cũng được chứ sao."

"Bẩm cậu, cháu không quen nằm tiêm. Bây giờ hết đau rồi, ngồi cũng không sao."

Hải thấy nét mặt bác Hiên biến đổi hẳn: hai con mắt sáng long lanh, đôi gò má ửng hồng và đôi môi đỏ thắm lại trông như mới nở mọng ra một ít và hơi khô khô; cả mặt như bừng bừng nóng, lông mi và đôi môi rung rung vì sung sướng.

Bác Hiên đưa mắt nhìn Hải và thấy hai con mắt Hải nhìn mình có vẻ khác. Hải nói:

"Cổng trống, bác cài then rồi chứ?"

"Bẩm cậu cài rồi, cả cửa nhà nữa ạ."

Câu hỏi ấy rất thường vì lần nào Hải đến cũng dặn dò đóng cổng ngoài cẩn thận, nhưng hôm nay nàng thấy mang máng câu hỏi ấy có vẻ gì khác lạ. Vừa tiêm xong điếu thuốc, nàng đưa cho Hải. Hải ngồi dậy:

"Bác hút thêm một điếu nữa."

"Thưa cậu cháu khỏi đau rồi."

"Khỏi đau cũng cứ hút cho đủ say."

Hải đặt dọc tẩu vào bàn tay nàng; Hiên đẩy ra, và trong lúc giằng co tay Hải nhiều lần chạm vào tay nàng. Sau cùng Hải nắm hẳn lấy bàn tay Hiên, kéo nàng nằm xuống và bắt hút; Hải cũng giơ tay đỡ dọc tẩu và như vô tình bàn tay chàng đặt lên bàn tay Hiên. Tuy chàng đã hơn ba mươi tuổi nhưng lần này là lần đầu tiên trong đời chàng dám tình tứ cầm lấy tay một người đàn bà không phải vợ mình. Quả tim chàng đập mạnh, mặc dầu lúc đó vì say thuốc chàng đã trở nên bạo dạn gấp mười lúc thường.

Bác Hiên hút xong đặt dọc tẩu xuống, hai mắt nhắm lại và hai môi mở rộng ra thở mạnh.

"Cậu làm cháu say quá!"

Tiếng nàng nói Hải nghe ấm áp và đầy lẳng lơ. Chàng cũng cố lấy giọng âu yếm nói tiếp theo:

"Say thế mới thú chứ!"

Hải nhắm mắt lại: chàng nghĩ nếu được hôn vào đôi môi một người đàn bà đương say thuốc chắc là một cái thú mê hồn nhưng tuy thèm muốn, chàng cũng không dám đi xa hơn nữa. Không phải chàng sợ; bác Hiên trai có đột ngột trở về cũng phải gọi cổng, bác Hiên gái nếu không thuận cũng không dám làm rầm. Chàng chỉ sợ nếu bác Hiên không thuận thì chàng sẽ ngượng lắm, ngượng riêng với bác ta thôi và cái ngượng ấy sẽ làm vẩn đục cả cái vui của chàng mỗi khi đến đây hút thuốc. Thà bỏ qua một cái thú trong chốc lát về nhục dục còn hơn mất một chỗ hút thuận tiện và thú vị lâu bền. Hải cất tiếng nói với bác Hiên, giọng chàng trở lại bình thường:

"Bây giờ lại tiêm cho tôi hút chứ. Tôi thì tôi chưa đủ say như bác."

Hiền cười rồi ngồi dậy. Nàng cũng thấy nóng ran cả người vì thèm muốn chứ không phải vì say thuốc. Lấy một người chồng xấu xí nghiện ngập, lại không có đứa con nào, đời nàng thiếu thốn. Tuy vậy chưa một lần nào, nàng dám có ý nghĩ bất chính với chồng; nhưng hôm nay ngồi cùng một giường với một người đàn ông đẹp trai, và con nhà dòng dõi trong một căn nhà vắng, các cửa đóng hết, không sợ ai nghi ngờ, nàng đã thấy trong lòng hồi hộp và khổ sở vì thèm muốn. "Biết đâu không có đứa con" nàng nghĩ thế để che đậy sự rạo rực về nhục dục. Chính nàng đã giả vờ đau bụng để Hải mời hút thuốc và như thế nàng sẽ bạo dạn hơn.

Hiên với dọc tẩu, bắt đầu tiêm. Nhìn Hải, nàng biết thế là hết. Nàng thất vọng nhưng cũng thấy nhẹ người vì đã giữ được trong sạch với chồng. 
Nguồn: Nhất Linh - Trong Tự lực Văn đoàn. Xóm Cầu Mới (Bèo giạt). Nhà xuất bản Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2002. Bìa: Nhất Linh. Hoạ bản: Nhất Linh. Trình bày: Nguyễn Tường Thiết. Copyright © Nguyễn Tường Thiết. Bản điện tử đăng trên talawas do Nguyễn Tường Thiết cung cấp.
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10083&rb=08