Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Tưởng nhớ Bửu Chỉ: Nghệ thuật đứng về phía nước mắt

(Tạp chí Sông Hương, số 170, tháng 04.2003)

*Anh đến với hội họa từ khi nào? Tình cờ hay bởi một lý do nào khác? Quá trình tự học để trở thành một họa sĩ?

-Họa sĩ Bửu Chỉ: Thật ra tôi đã ham mê hội họa từ thời còn nhỏ. Từ 5, 6 tuổi tôi đã hí hoáy vẽ, và vẽ rất nhiều. Đó là tranh thiếu nhi. Nhưng để trở thành một họa sĩ như hôm nay thì là một điều khác. Điều này đòi hỏi một niềm đam mê thật sự, một sự làm việc có phương pháp và bền bỉ. Và một cái gì đó có tính cách “thiên bẩm”; cái tính thiên bẩm này không chỉ nói riêng về tài năng mà là mình cảm thấy từ trong sâu xa của bản thân mình rằng hội họa chính là cuộc đời mình, sẽ là cái ngôn ngữ để mình bày tỏ và sống với mọi người. Như thế tôi thật sự đi vào hội họa, dấn thân vào cái nghiệp của mình kể từ khi kết thúc cái tuổi thiếu niên, đó là 16 tuổi. Và tôi đã tự học hội họa.

Học xong bậc trung học, tôi theo Đại học Luật khoa Huế và tốt nghiệp Luật khoa vào năm 1971. Song song với cái gọi là “học chữ”, tôi không ngừng tự rèn luyện mình về hội họa. Học luật là để làm yên lòng cha mẹ tôi về một tương lai được bảo đảm, nhưng tự học hội họa là tôi đang âm thầm tự định hướng cuộc đời mình và ước nguyện của tôi bây giờ đã thành sự thật.
Tự học hội họa, đây là cả một thử thách của chính bản thân tôi, tự học khó và gặp rất nhiều trở ngại. Nhưng như tôi đã nói, điều có thể giúp mình đi đến cùng là lòng ham mê nghệ thuật. Lòng ham mê này không chỉ được hiểu là thích mà thôi, mà nó bao hàm một nung nấu, đun đẩy mà trời dành cho mình.
Thầy của người tự học là cuộc sống, là bạn bè, là những người đi trước. Cái chữ “thầy” này có ý nghĩa tự do hơn là ông thầy ở trường. Vì thế mà tôi không thích trường ốc. Theo quan niệm của tôi “thầy” chỉ giúp cho mình có kỹ thuật ban đầu; nhưng thầy không thể giúp mình làm nghệ thuật. Làm nghệ thuật đòi hỏi một cái nhìn, một quan điểm riêng về ngôn ngữ tạo hình ở mỗi người. Nghệ thuật cốt ở sự sáng tạp độc đáo, vì thế không hình dung từ một khuôn mẫu có trước. Đào tạo từ trường ốc cũng tốt, nhưng khi ra đời có lẽ phải mất nhiều thời gian để tháo gỡ cái khuôn mẫu này để hình thành cái của chính mình.
Vậy tự học hội họa là tự rèn luyện kỹ thuật và đồng thời tự hình thành về một cái nhìn, một cách nhìn, một thái độ sống.

*Những mốc chính trong cuộc đời làm nghệ thuật?

-Họa sĩ Bửu Chỉ: Có nhiều cách để định những cái mốc trong cuộc đời làm nghệ thuật của một người. Riêng tôi, tôi định những cái mốc nghệ thuật của đời mình theo quan niệm rằng: - Nghệ thuật của tôi đã biến chuyển theo từng biến cố quan trọng của đời tôi như thế nào… Như vậy sẽ có hai mốc chính:
-Từ 1970 – 1974: Đó là những năm tháng mà tôi đã xử dụng được hội họa như một thứ ngôn ngữ thật sự. Thời điểm này, tranh của tôi là một sự bày tỏ mạnh mẽ, hướng ngoại về những nhân sinh quan và quan niệm xã hội của tôi. Tôi đã tham gia như thế vào phong trào học sinh sinh viên ở miền Nam Việt Nam đòi hòa bình, tự do, và quyền dân tộc tự quyết… chống lại chế độ Sài Gòn cũ và can thiệp Mỹ. Tranh của tôi lúc này vẽ bằng mực Nho, bút lông, bút sắt. Loại hình nghệ thuật này gọn nhẹ và cơ động, thuận tiện cho hoạt động đấu tranh. Tôi lãnh án tù năm năm. 30. 4. 1975 mới được tự do. Tranh được phổ biến trên khắp thế giới.
-Từ 1975 đến nay: Cũng dựa trên một lương tâm như thế, tôi quay về trăn trở với chính bản thân mình. Có nghĩa là tôi hướng vào những vấn đề thuộc nội tâm tôi. Thời điểm này tôi chuyên vẽ tranh sơn dầu. Tôi thường ưu tư thể hiện về các vấn đề hạnh phúc và đau khổ, sự sống và sự chết…
Nay tôi đã 50 tuổi, ở cái tuổi “Tri thiên mệnh” này tranh tôi càng thiên về các vấn đề tâm linh, về cái hữu thường và vô thường của cuộc sống, về không gian và thời gian…

*Những trường phái hội họa trên thế giới, các họa sĩ Việt Nam tiên phong đầu thế kỷ XX đã có ảnh hưởng gì đến quan niệm và sáng tác của anh? Anh tự cho mình thuộc trường phái hoặc xu hướng nào?

-Họa sĩ Bửu Chỉ: Như tôi đã nói trên, đối với một họa sĩ tự học, mọi người đi trước không kể trong nước hay ngoài nước và không kể thời đại nào đều là thầy của tôi. Nhưng tôi phải luôn luôn tự thấy rõ ràng rằng vấn đề then chốt là chính tôi mới là chủ thể chính yếu, và quan trọng trong sáng tạo của tôi.
Và cũng từ suy nghĩ như vậy tôi có thể nói rằng tôi có riêng xu hướng nghệ thuật của mình. Xu hướng hay trường phái là quan niệm là chủ trương của một họa sĩ, hoặc một nhóm họa sĩ này đối với một hoặc một nhóm họa sĩ khác trong vấn đề sáng tạo. Khát vọng sáng tạo là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ; mà đã nói khát vọng là không bao giờ có cái cùng cả. Nếu có cái cùng thì nghệ thuật sẽ chết.
Như vậy theo một người khác thì mình chẳng theo được gì cả.

*Quan niệm của anh về hội họa và thiên chức của người họa sĩ (nói riêng) và người nghệ sĩ (nói chung)?

-Họa sĩ Bửu Chỉ: Nói về quan niệm hội họa và thiên chức của người họa sĩ nói chung thì thật là không phải và lại mang tiếng dạy đời. Vả lại mọi người sẽ có một cách nhìn, cách nghĩ riêng.
Vậy tôi chỉ nói về quan niệm của tôi:
Nghệ thuật đứng về phía nước mắt. Nó phản ảnh cái phần bóng tối của cuộc sống mà mọi người chưa thấy ra hoặc mỗi người nghĩ mỗi cách. Nghệ thuật là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ mà chẳng bao giờ đạt được cái cùng. Nghệ thuật dĩ nhiên là cái đẹp nhưng trước khi làm cái đẹp nó phải là cái trung thực. Do đó nghệ thuật mạnh hơn cái tự nhiên là vậy. Tác phẩm nghệ thuật là bản thông điệp về cuộc sống mà người nghệ sĩ muốn gửi đi. Và người thưởng ngoạn sẽ chia sẻ với họ bằng những kinh nghiệm tâm linh của riêng mình. Nhờ đó nghệ thuật sẽ trở nên phong phú hơn, và nó là mối cộng thông giữa nhân loại. Tác phẩm nghệ thuật không có tham vọng nhằm giải quyết gì hết. Tác phẩm nghệ thuật chỉ nhằm đánh thức lương tâm, lương tri con người […]

*Nếu lại được sống một cuộc đời khác, nghĩa là anh được sinh ra và ở thời điểm này đang tuổi mười tám, đôi mươi, anh sẽ học Luật? Cầm bút vẽ? Hay một lựa chọn nào khác?

-Họa sĩ Bửu Chỉ: Cái gì nói về văn hóa, nói về học thuật thì đều cần yếu cả. Nếu sống lại một đời khác thì tôi sẽ chọn như tôi đã chọn, tôi sẽ làm như tôi đã làm. Vì tôi yêu lẽ công bằng trong luật pháp như thể tôi yêu cái đẹp trong hội họa vậy.

*Một chút tự bạch khi đã quá nửa đời nhìn lại?

-Họa sĩ Bửu Chỉ: Nếu phải tự bạch khi đã quá nửa đời nhìn lại, hay chỉ cuối đời nhìn lại tôi chỉ xin nói có một câu: - Khát vọng nghệ thuật là khát vọng không cùng, nên tôi chẳng bao giờ hài lòng hay thỏa mãn về những điều mà mình đã làm được. Và đó cũng là điều may mắn khiến tôi làm việc nghĩa là tôi còn được sống. Nếu mai sau còn để lại được cho cuộc đời điều gì dù nhỏ thì đó là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi.
Ngày 16-03-1997
Đại Dương thực hiện