Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Tuyển Tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại (kỳ 1)

Văn Việt: “Thơ Việt hải ngoại” thoạt đầu khởi đi từ văn học miền Nam, một nền văn học tự do trong điều kiện chiến tranh, được gầy dựng trở lại trên những xứ sở ngoài cội nguồn của nó, khác khí hậu, xa thổ nhưỡng, đã vượt qua những năm tháng khó khăn ban đầu. Nền thơ ấy về sau đón nhận thêm ảnh hưởng phong phú và phức tạp đến từ nhiều nguồn khác, trước hết và tất nhiên, một cách may mắn, thơ thế giới, rồi cũng không thể quên thơ trong nước, và đã bước dần, một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, vào những mùa màng thuận lợi mới của nó. Để hoàn chỉnh khái niệm “Thơ Việt hải ngoại”, cũng không nên quên mảng thơ của các tác giả sống và viết tại các nước thuộc Liên Xô (cũ) và Đông Âu, mà âm hưởng chủ đạo vẫn là tiếp tục mạch thơ họ đã viết trong nước trước khi chuyển cư.

Tiếp theo phần 1, loạt bài nhận định “Bốn mươi năm thơ hải ngoại” của tác giả Nguyễn Đức Tùng, đã đăng năm kỳ trên Văn Việt từ tháng 3 năm 2015, chúng tôi xin giới thiệu phần 2, “Tác giả và Tác phẩm”, hay là “tuyển tập” Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại. Rõ ràng là còn lâu và thực sự rất khó có thể có một tuyển tập tiêu biểu và đầy đủ của Thơ Việt hải ngoại, nên chúng tôi chỉ mạnh dạn đề nghị ở đây một số nhà thơ được nhiều người nhắc đến, như chúng tôi được biết, mà chúng tôi có khả năng nhận diện.

Các nhà thơ được giới thiệu gồm nhiều người đã sáng tác khi còn ở trong nước, nhưng số đông còn lại thực sự được biết tới từ bàn viết hải ngoại. Thế hệ các nhà thơ mới dần dần vượt lên, tạo ra những tiếng nói riêng biệt. Cấu tạo phức tạp về dân số của cộng đồng người Việt hải ngoại được phản ảnh lên các nhà thơ với những xuất xứ và quan điểm xã hội, văn học, rất khác biệt. Nếu có một sự tương tự lớn nhất giữa các nhà thơ này, như bạn có thể thấy, thì sự tương tự ấy dựa trên những điểm sau đây: lòng yêu quê hương, lòng yêu tự do, và sự khao khát làm mới ngôn ngữ và nghệ thuật.

Nhân đây chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến các nhà thơ và các nhà nghiên cứu, hải ngoại và trong nước, đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích và cộng tác với chúng tôi trong dự án nhỏ này.

Văn Việt xin hân hạnh giới thiệu “tuyển thơ” hải ngoại, mỗi tuần một tác giả, vào các ngày Chủ nhật. Mở đầu là nhà thơ Trần Mộng Tú từ Hoa Kỳ.

NHÓM BIÊN TẬP MỤC THƠ VIỆT HẢI NGOẠI TRÊN VĂN VIỆT

THƠ TRẦN MỘNG TÚ

Trần Mộng Tú sinh năm 1943 tại Hà Đông, di cư vào miền Nam năm 1954 và di cư sang Mỹ năm 1975.

Được cho là “nhà thơ nữ được biết đến nhiều nhất ở Hải ngoại”(Vĩnh Hảo.info) nhưng Trần Mộng Tú không chỉ làm thơ. Bà viết báo, viết tản văn, truyện ngắn và truyện cho thiếu nhi (song ngữ). Trần Mộng Tú là nhà thơ Việt Nam đầu tiên có thơ trong sách giáo khoa văn chương hệ Trung học của Mỹ (Bài thơ Kỷ niệm chiến tranh), do Nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành năm 1999.

Từ 1990 đến nay Trần Mộng Tú đã đều đặn cho ra đời các ấn phẩm: Thơ Trần Mộng Tú, NXB Người Việt, 1990; Câu chuyện cùa lá phong (tập truyện), NXB Người Việt,1994; Để em làm gió (thơ), NXB Thế kỷ 21, 1996; Cô rơm và những truyện ngắn khác (tập truyện, NXB Văn nghệ, 1999; Ngọn nến muộn màng ( tập thơ, NXB Thư hương, 2005; Mưa Sài Gòn mưa Seattle (tập truyện) NXB Văn mới, 2006; Vườn Măng cụt (Truyện ngắn và tản văn), NXB Văn mới, 2009; Thơ tuyển 40 năm, Tác giả xuất bản, 2009.

Theo nhà thơ Vĩnh Hảo:”Ngôn ngữ thơ Trần Mộng Tú chuẩn mực, nghiêm túc, giống như ngôn ngữ của một nhà giáo, cân nhắc từng lời mình buông ra. Dù vậy, nhà thơ vẫn không giấu được một khối tình cảm đầy ắp ở bên trong. Đầy mà không tràn. Tình yêu cũng chuẩn mực như chính ngôn ngữ của cô hay đúng hơn ngôn ngữ đã được chuẩn mực hóa như tình yêu của cô: vừa phải, chừng mực nhưng không kém vẻ sâu sắc, ý vị” (nguồn đã dẫn). Nhà phê bình Phạm Xuân Đài, khi viết bài điểm sách cho Thơ tuyển 40 năm của Trần mộng Tú đã cho rằng hành trình thơ của bà là “Hành trình của một người đàn bà Việt Nam, đi ra từ đau khổ của chiến tranh, và trải nghiệm đời mình như một chứng tích qua một thời gian dài cầm bút làm thơ”.

Trong khi đó, nói về thơ, về việc làm thơ, Trần Mộng Tú đã có những dòng thơ sâu sắc: “…Tôi làm thơ nghĩa là tôi hát một bài hát mà không cần giọng kim, giọng thổ. Tôi vẽ một cây cầu vồng mà không cần đến những ống màu bảy sắc khác nhau… Tôi làm thơ nghĩa là tôi chúc tụng Hạnh phúc mà không cần phải đi dự tiệc tân hôn, ai điếu lòng người mà không cần phải đến nghĩa trang…” (Luanhoan.net)

Và bà “Mời bạn hãy bước vào cánh đồng thơ tôi, tuy chưa được mênh mông, bát ngát nhưng xin bạn hãy cẩn thận vì cánh đồng thơ tôi không có hàng rào…”

Văn Việt trân trọng mời quý độc giả đọc một số bài thơ của Trần Mộng Tú viết trong thời gian đến và sống tại Mỹ.

Thi sĩ và chiến tranh

Sáng nay bên đường có bụi hoa vàng Daffodil nở

gương mặt hoa trông giống gương mặt trẻ thơ

cánh hoa như con mắt thuôn dài ngơ ngác mở

tôi vừa lái xe ngắm hoa vừa nghe phát thanh

về chiến tranh

Tôi sinh ra từ nơi có chiến tranh

tôi lăn tròn sau chiến tranh như viên đá cuội

cái lăn cuối cùng thật rất đỗi xa

ngoảnh mặt lại quê nhà thăm thẳm

Tôi vừa lái xe vừa nghe nói chiến tranh chỉ còn

hai giờ nữa

cứ tưởng tượng những khuôn mặt như hoa Daffodil vừa nở

mầu vàng tươi sẽ loang lổ đỏ

những con mắt đẹp như cánh hoa

sẽ khép lại không bao giờ mở nữa

Tôi không biết phải làm thế nào cho đúng

có người dậy tôi Muốn có hòa bình phải có

chiến tranh.

người khác rủ tôi làm thơ phản chiến

cả hai cùng đúng cùng sai

Ôi cuộc chiến nào được gọi là cần thiết!

Có trận đánh người ta bảo chỉ hai ba ngày là kết thúc

nhưng nó đã kéo dài gần hai mươi năm

nó biến những cánh đồng hoa vàng thành nghĩa trang liệt sĩ

để an ủi nó dựng thêm bức tường đá đen rồi lại cắm hoa vàng

Tôi đã là nạn nhân của cuộc chiến trên quê hương tôi

và tôi không phải là nạn nhân duy nhất

trên quê tôi mùa chiến tranh kéo dài như vô tận

mầu đỏ nhuộm cánh đồng vàng hoa đến tận chân trời

Những khuôn mặt hoa, những cánh hoa mắt thuôn dài

đã nhắm lại dưới bàn tay mẹ vuốt

Tôi lái xe trở về ngôi nhà trên đồi

ở đó tôi có thể nhìn lên tận đỉnh núi

những đám khói xanh bốc lên rất mơ hồ

tôi nghe lòng mình nặng trĩu.

Tháng3/10/2003

(Ngày cuộc chiến Iraq bắt đầu)

Tiếc thương

Anh ơi!

Đọc hàng chữ Nghĩa Trang Quân đội

trên những trang báo viết bằng tiếngViệt Nam

nhìn tấm hình bức tượng người lính trước nghĩa trang bị kéo xuống

mặt úp vào mặt đất

trái tim em ai xé ra trong ngực

niềm xót thương nghẹn cứng không lời

Ôi người lính miền Nam

anh đã sống hết một đời cho tổ quốc

anh chết chưa kịp yêu cho riêng mình

anh còn bận lòng yêu đất nước

anh chết trước cha già

anh chết trước mẹ già

anh chết trước khi kịp về nhìn cây lựu ra hoa

anh chết trước khi biết là mình chết trẻ.

Ôi những tướng, tá miền Nam

Người nằm trong nghĩa trang này cùng với lính của mình

những huy chương nào gắn trên áo trận

nhành dương liễu nào trên mộ bia

giải khăn tang nào cho con, tặng vợ

ai vuốt mắt Người như khép vì sao khuya

Em đi trong nghĩa trang

em vòng qua mộ chí

làm sao em đếm hết những hàng bia

làm sao em thắp nến

làm sao em đốt nhang

làm sao em chia nước mắt mình thành mười sáu ngàn giọt lệ

nhỏ trên những nấm mồ đổ nát

đã thành những ụ đất hoang

Em gọi mưa trên trời rơi xuống

Trời khóc thương anh khóc thương em

Trời khóc thương cho cả hai miền

Trời khóc thương người mẹ quê miền Bắc

sống cô đơn trong túp lều mục nát

thương những người con đi xẻ Trường Sơn

một ngày, mẹ nhận được mảnh giấy Ghi Ơn

và xác con mất tích

hòa bình rồi, mẹ chống gậy khom lưng

đi hỏi từng người Đài Tổ Quốc Ghi Ơn

Trời khóc thương cho người mẹ miền Nam

con chết trận

con chết tù

cả hai con cùng mất mộ

chiếc nôi cuối của một kiếp người

hiến cả đời cho đất nước

ai nỡ đập vỡ đi

Anh ơi!

Hãy cầu xin bằng ngàn giọt lệ

cho những người đã nằm trong đất

những người lính trận của hai miền

họ sống anh hùng và chết bình yên

đất ôm họ bằng vòng tay người mẹ

Đất nước mình sao buồn bã thế

tiếng súng ngưng lâu lắm rồi

sao khói súng còn bay!

Tháng 6/2007

Vết thương

Anh ạ! tháng tư mềm nắng lụa

hoa táo hoa lê nở trắng vườn

quê nhà thăm thẳm sau trùng núi

em mở lòng xem lại vết thương

Năm tháng trôi qua quên đếm tuổi

soi gương mắt đã rạn chân chim

em nhuộm nỗi buồn như nhuộm tóc

vết thương đóng vẩy nhói trong tim

Tháng tư ngàn cánh hoa đào nở

gió thổi hồng bay một khoảng trời

còn nhớ không anh ngày tháng đó

từng mảnh quê mình lệ máu rơi

Tháng tư mây trắng bay vào cửa

gom mây vá lại những mảnh sầu

vết thương năm đó chưa lành chỉ

hãy còn làm độc đến bao lâu

Anh ạ! tháng tư sương mỏng lắm

sao em nhìn mãi chẳng thấy quê

hay sương thành lệ tra vào mắt,

mờ khuất trong em mọi nẻo về.

1991

Viết trong đêm

Anh ạ

Có những đêm

chợt thức

em thấy anh

là một dòng sông ở quê hương

con nước

vỗ hoài

vỗ hoài

những đợt sóng buồn

làm sụp lở

bờ ngực em còm cõi

Có khi

em thấy anh

là viên sỏi nhỏ ở quê hương

nằm vướng hoài giữa kẽ chân em

để bây giờ

trên bất cứ

một con đương bằng phẳng nào

em đi qua

vẫn chỉ là những bước chân

khập khưỡng

Có khi em thấy

anh là mùa mưa ở quê hương

cứ

giọt gianh hoài

trong trái tim em

làm

soi mòn

một góc hiên hạnh phúc

Có khi em thấy anh

là con chim cuốc cuốc ở quê hương

hót ra rả

từng đêm

từng đêm

trong cuống họng em

để sáng ra

em thấy

cổ mình rớm máu

Anh thân yêu

đêm qua chợt thức

em bỗng

hiểu ra

anh chính là

người tù cải tạo

người chồng H.O

là tất cả quê hương dấu yêu

bấy lâu nay

em hằng thiếu thốn.

Tháng 3/1992

Tháng Tư sừng sững đứng

Tôi thức dậy trong đêm

gió đập ngoài cửa sổ

đồng hồ một giờ sáng

đêm đã bước qua ngày

con số 30 gẫy

Tháng tư từ từ rơi

nốt giọt thời gian cuối

Tôi căng mắt nhìn đêm

đêm như những thước phim

quay rã rời từng khúc

kín mít căn buồng nhỏ

đoàn người như con rối

chạy đâm xầm vào nhau

âm thanh của phim câm

trùng trùng cơn phẫn nộ

máu chẩy trong bóng đêm

bầm một màu đen tím

lửa cháy trong bóng đêm

lan ra từng con hẻm

lửa ghé vào căn nhà

thằng bé như ngọn đuốc

Tôi căng mắt nhìn đêm

bỗng nghe tiếng súng nổ

từng tiếng một lạnh lùng

như có ai đang đếm

mỗi viên đạn bay ra

có cả mẹ cả cha

ngã chồng lên con trẻ

họ chọn chết như thế

giữa một ngày tháng tư

Tôi căng mắt nhìn đêm

đêm như cánh buồm đen

kéo người ta ra biển

biển nhận họ chìm lỉm

biển hắt họ lên bờ

họ tan như ốc vỡ

sóng như giải khăn sô

Tôi căng mắt nhìn đêm

Tháng Tư sừng sững đứng

với tất cả oan khiên.

1 giờ sáng ngày 30/4/2012

Thơ viết trên một phần thân thể

tôi viết những câu thơ trên

trái tim mình

trái tim tôi là một ngôi làng ngoài tổ quốc

ngôi làng bị nổ tung bởi những mảnh chữ bắn ra từ quê nhà

những tin tức như hỏa tiễn của thời huynh đệ tương tàn

trái hỏa tiễn một buổi chiều rơi xuống

giữa mâm cơm

thịt em trộn lẫn vào những miếng thịt trên đĩa

máu mẹ thêm vào cùng với bát canh

anh cúi xuống chan canh gắp thịt

trái tim tôi là một thửa ruộng ngoài tổ quốc

thửa ruộng bị cầy nát bằng những chữ …..cướp nhà, chiếm đất, tước đoạt tự do của con người

mỗi con chữ trông cong như một lưỡi cầy

trái tim tôi là một vùng biển ngoài tổ quốc

dòng nước biển đổi mầu từng khúc một

như máu đỏ máu đen chảy qua tim

như khi kẻ cướp đem cờ cắm trên từng khoang biển để đoạt bến chiếm thuyền

người bị mất vẫn cúi đầu im lặng

trái tim tôi là một trái tim Việt Nam tự do

bên ngoài tổ quốc

đang đi tìm nhặt tự do của dân tôi bên trong tổ quốc

trên khung điện toán mỗi ngày

tôi nhìn thấy một mảnh tự do

đang bị kéo lê trên phố

một mảnh tự do viết trên biển ngữ

bị xé rách làm đôi vứt ở vỉa hè

chữ tự và chữ do lăn về hai phía khác nhau

tôi nhìn thấy năm ba mảnh tự do lẫn trong tóc xanh tóc bạc

đang bị một đám người hung hãn cuốn lôi đi

cuốn đi đâu trái tim tôi không đuổi kịp

tự do trên quê tôi là một điều không bắt được

tôi đứng bên này vọng nhìn tổ quốc bên kia

cây thánh giá trên ngực tôi đeo

nghiêng về một phía

về phía nào cũng làm chảy máu trái tim.

Vết thương nội chiến

Trên chiếc xe ca đó

nhồi nhét bao con người

đi tìm vùng đất hứa

có đàn ông đàn bà

có người già em bé

xác thân đã nẫu chín

thành nước và bốc hơi

ứa ra cùng hy vọng

nhỏ giọt xuống mặt đường

giọt chảy như giọt lệ

ướt sũng thềm lưu vong

Như những tảng băng đen

Lênh đênh Địa Trung Hải

gần năm trăm con người

và năm mươi xác thối

ôm nhau kéo lên bờ

Em bé Syria

Em chết như cá chết

xác nằm như cá ươn

tôi nghe mà nhỏ lệ

tôi nghe mà xót thương

những thân xác da đen

nhuộm đen vùng biển mặn

cánh tay nào giơ lên

vẫy vào bờ tuyệt vọng

Tôi cũng có lịch sử

của dân tộc lưu vong

có trăm ngàn xác trôi

theo con tàu đã đắm

tôi cũng có mẹ cha

kéo lê đường biên giới

tôi cũng có người con

sống biệt tăm dấu vết

Tôi cũng có nội chiến

đồng chủng bắn giết nhau

đạn bom như đồ chơi

chiến tranh như hoạt họa

bốn mươi năm đã qua

tiếng đạn bom đã ngưng

máu vẫn còn rỉ rả

Ôi em bé Syria

em chết như cá chết

nằm ươn trên bến người

Ôi bà mẹ Syria

bà chết như gia xúc

nằm toi trong xe ca

Ôi tất cả chúng ta

người chết và kẻ sống

mang một kiếp lưu vong

trừng mắt trong đêm đen

nhìn vết thương nội chiến.

Tháng 8/30/2015

(*) Nguồn trên mạng - Syria bước vào năm thứ năm của cuộc nội chiến.Từ tháng 3-2011 đến tháng 1-2015, Liên Hiệp Quốc phỏng định có 220,000 người bị giết.

Hãy tưởng tượng ra em

Hãy tưởng tượng ra em

ở một căn nhà lạ

mình em một ngôn ngữ

mình em một mầu da

mình em một mầu mắt

mình em một lệ nhòa

Hãy tưởng tượng ra em

ở nơi không định tới

em tủi như chim khuyên

khóc trong lồng son mới

Hãy tưởng tượng ra em

ở một vùng đất mới

em như hoa sầu đông

khóc mùa xuân không tới

Hãy tưởng tượng ra em

ở một thành phố khác

em buồn như nước sông

khóc chia dòng tan tác

Hãy tưởng tượng ra em

một đời sông cát lở

một cuộc tình hư hao

một hồn đầy mảnh vỡ

Em không còn là em

xin chàng đừng yêu nữa.

6/ 1975

Bỏ Cuộc

Gã da vàng xuống phố
Đi tìm nhặt mặt trời
Mặt trời trốn cao ốc
Không có mảnh nào rơi
Gã da vàng xuống phố
Đi tìm nhặt tiếng cười
Gã moi gan rao bán
Không ai nhập cuộc chơi
Gã da vàng xuống phố
Đi tìm nhặt tình yêu
Gã moi tim rao tặng
Người quay mặt, lắc đầu
Gã da vàng xuống phố
Đi tìm một mái nhà
Gã gõ từng cánh cửa
Người mở khác màu da
Gã da vàng bỏ cuộc
Trở về giòng sông xưa
Giòng sông con nước cạn
Gã chết đuối trên bờ
(Thơ Trần Mộng Tú, Người Việt 1990)

Về một địa chỉ mới

Gửi Mai Thảo

Anh đi à

Ừ đi

Anh đi thật à

Ừ đi thật

Sao anh hay đi thế

Đâu có hay đi từ năm 1982 đến nay anh vẫn ở  đây

Không em nói từ năm 1954 cơ từ khi dọn vào trong Nam
anh dời đổi biết bao nhiêu chỗ khác nhau rồi

Lần này thì khác chỗ này là chỗ cuối

Có xa không anh

Cũng chưa biết rõ nữa

Chưa biết rõ sao lại đến

Thì cũng phải đến chứ chỗ cuối mà xa gần gì

mình cũng đến được

Em tiễn anh một quãng được không

Được nhưng khi nào anh rẽ ở khúc quành em chỉ nên đứng nhìntheo

đừng gọi với để anh đi khỏi bận lòng

Anh có chắc là về chỗ ở mới anh vui hơn ở đây không

Anh không biết rõ sẽ hỏi những người bạn đã dọn đến trước anh

Thế liệu anh có nhớ những người bạn còn ở địa chỉ cũ không

Đến một lúc nào đó có thể chúng ta sẽ quên hẳn nhau

làm sao mà giữ mãi được một liên hệ không còn hiện hữu nữa.

Anh nói nghe buồn quá!

Em biết rồi mà người ta chỉ giữ được những vật cổ ở trong BảoTàng Viện

không giữ được tình cảm ở trong một cái hộp kín rồi đem cấtvào đó

Tình cảm như hơi nước theo thời gian sẽ bốc hơi và bay đi

Thế người ta có cất văn chương vào Bảo Tàng Viện không

Có sau khi đã gạn đục khơi trong

Người ta chỉ cất đi những viên ngọc chứ không ai   giữ nhữnghòn sạn

Anh à chỗ anh sắp đến có rộng hơn căn phố một buồng của anhbây giờ không

Có bao giờ anh cần một chỗ rộng hơn đâu

Có vườn cỏ non không anh

Tháng Giêng thì bao giờ cũng ở ngay trong tâm mình

Ở đó có rượu cho anh uống không

Bạn bè chắc sẽ thỉnh thoảng rưới lên anh

Anh à

Thôi em đừng hỏi nữa anh đi đây

anh sẽ rẽ ở khúc quành đằng kia

Và em không được gọi anh quay lại phải không

Khá lắm! Thôi anh đi nghe

Vâng, anh đi em sẽ không gọi với

theo anh.

Người đàn ông quay lưng lại đi về phía trước dáng ông caothẳng

hai tay buông xuôi

Ông đi thung dung về một địa chỉ mới.

Jan 10, 1998

 

Chia nhau Hà Nội

Em gửi cho anh

chiếc lá bàng cuối thu Hà nội

hồi chuông giáo đường

buổi sớm tinh mơ

góc phố Nhà Chung có bầy sẻ nhỏ

một con rất gầy

đứng hót ngu ngơ

Em gửi cho anh

tơ tầm mới dệt

giăng từ Hàng Đào đến phố Hàng Bông

khúc lụa trắng ngả sang

mầu nguyệt bạch

sợi dệt ngang như mây vắt

trăng rằm

Em gửi cho anh

ly cà phê buổi tối

mùi ngô non

nướng dưới cột đèn

mảnh than nhỏ sưởi mùa thu

sắp hết

hơ gót chân ai

hồng giữa phố đêm

Em gửi cho anh

chiếc kiềng bạc trạm

đang khoe mình

làm mới phố Hàng Gai

ảnh mẹ chụp mấy mươi năm về trước

cổ có đeo

một chiếc giống thế này

Em gửi cho anh

đất trời Hà nội

để anh nhớ về thành phố

tuổi thơ

nơi hạnh phúc là một viên kẹo bột

được bạn chia cho trong một lúc

không ngờ

Em chỉ giữ cho em

những con ngõ hẹp

những bàn chân vội vã

dẫm lên nhau

những cánh cửa bàn tay ai quên mở

rặng sấu già nua

đứng lặng lẽ cúi đầu.

Em gửi cho anh cả

trái tim Hà nội

Xin anh cất vào chỗ giấu

trái tim em.

Hà Nội, cuối thu 2000

Hạt bụi

Tôi đón xuân một mình

căn nhà bỗng rộng quá

căn nhà rộng mênh mông

tôi thấy tôi bé tí

Tôi bé như hạt bụi

bay quanh những cánh hoa

tôi bé như hạt bụi

rơi vào trong tách trà

Ôi hạt bụi bé tí

dính vào chiếc bánh chưng

hạt bụi dạo một mình

trên thảo nguyên xanh ngát

Ôi hạt bụi khờ khạo

trốn trong đĩa dưa hành

đợi đũa ai đến gắp

một miếng tình còn xanh

Ôi hạt bụi ngơ ngác

lạc trong đĩa cá kho

theo cá vào muôn sóng

bơi mãi không tới bờ

Ôi hạt bụi thầm lặng

nằm trong đáy lư hương

hạt bụi hóa đâu mất

sợi khói nào còn vương

Tôi đón xuân một mình

biết tôi là hạt bụi.

2007

Mẹ mở lòng ra

Cho con gái Khả Tú

Trong trái tim mẹ có ngăn nhỏ

Vừa khít khao đủ chỗ con nằm

Những khi con chán khung trời rộng

Mẹ mở lòng ra một góc chăn

Trong trái tim mẹ có đốm lửa

Cháy liu riu một mảnh than hồng

Mẹ gom tóc trắng như gom củi

Dự trữ cho con những ngày đông

Mẹ có đôi tay đủ một vòng

Ôm con như một sợi giây cung

Mũi tên con bay vào khoảng trống

Lòng mẹ rung theo sợi giây chùng

Mẹ có đôi chân gầy theo tuổi

Không thể cùng con chạy điền kinh

Mẹ đi dẫm trước dùm con nhé

Những cành gai viên sỏi vô tình

Những áng mây bay qua trí nhớ

Tuổi đời như lá quét trong vườn

Mẹ nghiêng thân mỏng nghe hướng gió

Tà áo con bay lộng mười phương.

Trong suốt

Tôi bắt đầu tháo bỏ chàng

như tháo đôi hoa ra khỏi tai

tháo từng chiếc

từng chiếc một

hai tai đã khỏa thân

Tháo sợi dây chuyền ra khỏi cổ

chiếc cổ gầy chàng đã cúi xuống hôn

sợi dây chuyền lấy ra nụ hôn vướng lại

Chàng bảo hãy cởi anh ra khỏi em

như cởi áo

tôi mở từng chiếc khuy

tôi treo chàng lên mắc

tôi đi tới đi lui trong phòng

ngực lạnh

vai lạnh

hai tay lạnh

tôi lại mặc chàng vào

Anh đang ở trong đôi giầy

em bỏ giầy ra

tôi quăng giầy thật xa

còn hai bàn chân nhỏ

hai bàn chân trần

đặt trên mặt đất

mỗi ngón chân như một câu thơ

làm sao vứt

Anh nằm trong thỏi son

em đừng tô môi nữa

tôi chạm ngón tay mình lên môi

nụ hôn chàng còn đó

Tôi đi rót cốc nước

nâng chiếc ly lên nhìn

thủy tinh

trong suốt

ngửa mặt uống cạn chàng

ném chiếc ly qua cửa

tình bay vào không gian

Tháng 7/2006

Bốn mươi năm đợi

Trên biển mặt trời chết chiều nay

mai từ biển mặt trời sống lại

bốn mươi năm em ở nơi này

nhìn mặt trời chết đi sống lại

mỗi một năm thay đổi thịt da

em theo thời gian về phía trước

bỏ lại sau lưng những ngôi nhà

ghép từng mảnh những điều mơ ước

khu vườn mới tìm viên sỏi cũ

nhặt giữa xanh rêu tiếng thở dài

em hỏi bàn tay còn vết xước

bốn mươi năm da đóng vảy chưa

người về quê trách song bội bạc

thiếu nữ trôi theo đám lục bình

tắp ở khúc nào không ai biết

hỏi bờ, bờ giấu mặt lặng thinh

bốn mươi năm người thân sót lại

mỗi năm nằm xuống một đôi người

như bàn tay mất dần từng ngón

còn ngón nào che mặt hổ ngươi

bao lần vừa đi vừa ngoảnh lại

bàn chân phía trước vẫn bước đều

em đi hoài không biết đi đâu

những con đường mưa như mắt đỏ

những hàng thông lá như lệ xanh

trái tim em mỗi ngày vẫn đập

có lúc bi ai lúc nồng nàn

thành phố đã một phần da thịt

như con bò trên đồng cỏ mới

em nằm nhai lạinắm rơm khô

nắm rơm giấu bốn mươi năm cũ

vừa nhai vừa khóc nhớ quê xưa

như những người du mục tha phương

tìm nơi khuất gió gửi bàn chân

những ngón chân một thời rất lạnh

tình ai đã mở một góc chăn

bốn mươi năm em đợi tiếng chuông

ở một ngôi chùa nào xa lắm

ở một giáo đường không hình bóng

tiếng chuông khua thức những cơn mê

bốn mươi năm em chờ tiếng gọi

như sóng ngàn đêm gọi thuyền về

cả thuyền cả sóng tan như bọt

bãi nằm thấm mãi nỗi đau tê

bốn mươi năm trên miền đất này

đời luôn đẩy em về phía trước

nắng bao dung và gió nhân từ

sợi tóc xanh một ngày bỗng trắng

bốn mươi năm trên miền đất này

mặt trời chết không ai đau đớn

trên những cánh đồng vẫn nở hoa

đón sáng mai mặt trời sống lại

bốn mươi năm ngày em bỏ đi

mặt trời cũng chết chiều hôm đó

những vốc lệ trời như máu nhỏ

những tiếng cười nhuộm đỏ vết thương

bốn mươi năm em đứng nơi này

chờ mặt trời trên quê sống lại

em sẽ về đánh luống yêu thương

trồng xuống những trái tim nhân ái

Viết cho tháng 4/2015