Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (26)

Thụy Khuê

Chương 19: Laurent Barisy (1769-1802)

Laurent-André-Estiennet-Marie Barisy, là một người phiêu lưu mạo hiểm có đời sống thăng trầm như một nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp. Trong đoạn đời ngắn ngủi của anh ở Nam Hà, từ khoảng 1793 đến 1802, khi anh mất, Barisy đã giúp vua rất nhiều trong việc giao thương với nước ngoài: bán gạo và các sản phẩm để mua vũ khí. Trước đây, người ta không biết gì về nguồn gốc Barisy hay Barizy. Alexis Faure cho biết ông đã dò kỹ các sổ ghi quân viễn chinh ở Ấn Độ và Ile de France, và thủy thủ đoàn của những chiến hạm tuần hành trong vùng Ấn Độ Dương nhưng vô hiệu, không tìm thấy tên Laurent Barisy. Cosserat cũng không thấy chỗ nào ghi tên Barisy trước 1798, khi tàu Armide do Barisy điều khiển bị tàu Anh Non-Such bắt. Nhưng từ khi André Salles tìm được một số thư từ và giấy tờ của gia đình Barisy ở Groix và Cosserat biên tập, in trong bài Documents Salles, Laurent Barisy, BAVH, 1939, III, sau khi Salles qua đời, thì một số chi tiết hộ tịch được rõ ràng hơn; sẽ dẫn là Documents Salles, BAVH, 1939, III.

Nguồn gốc gia đình

Dòng họ Barisy gốc ở Groix, một đảo của Pháp trên Đại Tây Dương, gần cảng Lorient, thuộc vùng Morbihan. Ông nội, Jean Jacques Barisy là luật sư và bà nội, Marie-Anne Sainte Le Lidour, đều quê quán ở Groix. Cha, Laurent-André (sinh ngày 15/6/1724, rửa tội ngày 17/6/1724, tại Groix), là sĩ quan thương thuyền của công ty Pháp Ấn, ngày 17/1/1764 kết hôn với Renée Barbotin, tại Port-Louis (hải cảng gần đảo Groix); Laurent-André mất tại Port-Louis ngày 19/1/1785, có ba con: Hellaine, Laurent-Estiennet [tức Laurent Barisy] và Marie-Jacquette.

Theo sổ hộ tịch đạo ở Port-Louis, Laurent-André-Estiennet-Marie, sinh ngày 27/11/1769, rửa tội ngày 28/11/1769, tại Port-Louis. (Nhiều nơi ghi ngày sinh là 28/11/1769, thực ra là ngày lễ rửa tội) (Documents Salles, BAVH, 1939, III, t. 178, 180, 197, và 221)

Về ngày Laurent Barisy bắt đầu đi khỏi xứ Pháp, Salles cho biết: "Một lá thư của ông Lozach, em rể của Estiennet [tức Laurent Barisy] viết từ Lorient ngày 12/10/1788, trong đoạn tái bút có câu: "Barisy sẽ đi Ile de France tuần tới với tư cách trợ tá trung uý (second lieutenant) thương thuyền" (Documents Salles, BAVH, 1939, III, Notes sur la famille Barisy của Villeneuve, t. 199).

Về việc Laurent Barisy lập nghiệp ở Nam Hà, trong một bức thư, Van Dromme viết:

"... Laurent Barisy định cư ở Nam Hà, với ông Toison [?], Giám Mục Adran, ở đấy trong thời gian Cách mạng, lấy con gái một ông quan, và chính ông cũng được làm quan.

"Ông gả người con gái duy nhất cho sỹ quan thuỷ binh, M. Chaigneau..."

"Bà Barisy không muốn rời xứ mình". Con gái bà, Hélène Barisy, tức Mme Chaigneau kế, về Pháp với hai con Marie và Jean. Marie sau trở thành Soeur de Saint Vincent de Paul" (Documents Salles, BAVH, 1939, III, t. 189). Vua Khải Định năm 1922 sang Pháp, có tiếp hai gia đình Chaigneau và Barisy (Documents Salles, t. 192).

Gia đình Barisy không được họ hàng "mến mộ", André Salles, khi đi tìm dấu vết gia đình này ở vùng Lorient, gặp Léonce Modille de Villeneuve, tư giáo trợ tá giám mục (chanoine) ở Monaco, và là người bà con cung cấp cho Salles nhiều thông tin nhất, cũng là người soạn bài Notes sur la famille Barisy, ông đã viết những hàng sau đây:

"Tổ tiên nhà Barisy, mà chúng ta đang tìm kiếm hiện nay, tính tình dữ dội khủng khiếp, mà con cháu cũng thừa hưởng, gây họa cho họ và những người thân của họ.

Tôi nghĩ đã truyền đạt cho ông Salles gần đầy đủ tất cả những gì đáng chú ý trong mớ giấy má lộn xộn ở Groix và ở Port-Louis. Ký tên: Léonce" (Documents Salles, t. 205).

Villeneuve còn cho biết những thông tin sau đây:

- "Jean Jacques Barisy [ông] chết trước năm 1769. Năm 1779, tôi [Modille de Villeneuve] tìm thấy một bản chia [gia tài] trong đó tên Laurent-Antoine de Barisy [cha] được chỉ định là đại úy hải quân của Công ty [Pháp Ấn]" (bđd, t. 198).

- "Thực lạ lùng là trong 33 lá thư viết cho gia đình Modille, hai người chú, cả người cha, và các chị em, không ai nhắc gì đến Estiennet [tức Laurent Barisy]".

- "Từ khi gia đình Chaigneau về lại Bretagne, tôi thấy họ chỉ nhắc đến tên Barisy hai lần".

- "Người con gái của Estiennet [vợ kế của Chaigneau] bị coi là khó chịu lạ lùng" (Modille de Villeneuve, Chanoine ở Monaco) (Documents Salles, t. 199).

Nếu những thông tin của Modille de Villeneuve trên đây là đúng thì có thể nói: họ hàng có ác cảm với gia đình Barisy và chính Laurent Barisy cũng bị gia đình mình coi như "đồ bỏ".

Đó là những lý do khiến người thanh niên, ở tuổi 20, đã bỏ nhà ra đi, phiêu lưu trên những vùng đất lạ.

Sang Nam Hà và ở lại phục vụ vua đến lúc mất

Trong lá thư dài, viết ngày 16/4/1801 cho các giáo sĩ Létondal và Marquini, Barisy tóm lược đời mình như sau:

"... Có ít người trong giai cấp đã chịu nhiều thăng trầm trong đời như Barisy: Ở tuổi 17, làm sĩ quan trong quân đội hoàng gia Pháp; chỉ huy lougre Oiseau của vua [lougre là tàu đầu to đuôi nhỏ, thường được dùng vào việc chuyên chở, có lẽ ta gọi là thuyền bàn, nhưng nhiều chỗ Barisy dùng trong nghiã thuyền chiến] ; 18 tuổi, công nhân trên một chiếc tàu chuyên chở với tư cách trợ tá trung uý [employé sur vaisseau de transport comme 2e lieutenant]; 21 tuổi, làm chỉ huy trưởng [commandant] ở đảo Groix, thuộc bờ biển Bretagne; 23 tuổi đi lang thang ở Thổ Nhĩ Kỳ, đào tẩu, bị đầy đọa. Mục kích những việc cậu [hay chú] Flotte, trấn thủ Toulon của vua, bị cắt cổ; chú Boisquenai, tư lệnh ở Lorient, bị lột lon, trục xuất, lưu đày; chú Barisy, tu sĩ, bị tù trong ngục; em rể là Lorach, bị treo cổ, anh họ Le Veyer, bị treo cổ, và sau cùng là tôi [Barisy] lang thang ở Ấn Độ, rơi vào tay chính quyền Mã Lai; sau nhiều cố gắng nhọc nhằn, bám víu được đất Nam Hà, hân hạnh được nhà vua hào hiệp giúp đỡ, mong kiếm cái gì cho tuổi già; lại bị thuyền trưởng Thomas điều khiển tàu Non-Such bắt. Quay trở lại nước Nam, lại được Vua và Hoàng tử che chở, kiếm được chục nghìn đồng (piastres); rồi bị đóng gông, mất hết của cải, chỉ trong khoảng có tám ngày, bị kết tội bỏ thuộc độc, cướp của, giết người, mà không có bằng chứng gì cả.

"Không sao, tôi chẳng sờn lòng..." (Cadière, Documents relatifs à l'époque de Gia Long, BEFEO, 1912, t. 44; và Les français au service de Gia Long, Leur Correspondance, BAVH, 1926, IV, t. 398).

Những lời trên đây cho ta thấy rõ một số vấn đề liên quan đến tiểu sử của Barisy:

1- Những điều anh nói về người thân bị giết trong thời đại Kinh hoàng tại Pháp là có thật; việc bá tước Flotte bị Cách Mạng giết, lịch sử ghi lại như sau:

"Toulon cũng như tất cả những thành phố khác ở Pháp, không thoát khỏi cuộc Tàn sát tháng Chín [1792] (Septembriseurs). Nhiều sĩ quan siêu quần của hải quân là đối tượng của nhóm chính trị cực đoan (clubistes) điên rồ. Bá tước Flotte [cậu của Barisy] thiếu tướng hải quân từ ngày 1/7 năm nay [1792], và là tân chỉ huy trưởng thuỷ quân Toulon, sáng ngày 10/9/1792 bị lôi ra trước cửa Công binh xưởng trước mặt binh lính và thợ thuyền hải quân, họ im lặng nhìn vị thủ lãnh chịu cực hình: người ta lấy kiếm chặt chân tay ông rồi treo cổ ông trên cột đèn đường" (Guéren, Histoire maritime de France, V, t. 355; Doc. Salles, t. 234).

2- Tuy là con nhà "dòng dõi", nhưng Barisy chắc chẳng học hành gì, anh có văn tài, nhưng Barisy viết tiếng Pháp "tự do" như người ngoại quốc nghe và phiên âm lại, tiếng Pháp của anh nhiều lỗi nhất trong số thư từ mà Cadière sưu tập được. Những chức tước anh kê khai như: sĩ quan trong quân đội hoàng gia, chỉ huy trưởng ở Groix... vì vậy, khó mà có thật. Nhưng chắc Barisy biết tiếng Anh, vì sau này, anh làm việc với công ty Anh và Thực Lục nhiều chỗ ghi Barisy là người "Hồng Mao". Tuy nhiên, những gì anh viết về đời mình, cho ta những mốc thời gian, để sắp đặt lại trật tự tiểu sử của anh:

Sinh năm 1769. Đến tuổi 17 (1788), làm thuỷ thủ ở Groix. Theo lời tái bút trong lá thư ngày 12/10/1788, của Lozach, em rể Barisy, đã trích dẫn ở trên, thì "Barisy sẽ đi Ile de France tuần tới với tư cách trợ tá trung uý (second lieutenant) thương thuyền". Vậy tạm coi là cuối năm 1788, Barisy đã phiêu lưu khỏi xứ, trên một tàu buôn. Trong ba năm, 1789, 1790, 1791, Barisy đã phiêu bạt nhiều nơi, và năm 1792, lang thang sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó qua Ấn Độ, bị bắt ở Mã Lai và cuối cùng đến đất Nam Hà năm 1793; được vua Gia Long tin dùng. Những sự tình này chắc là đúng cả. Barisy được vua và hoàng tử Cảnh hết sức che chở và vua giao cho anh cai quản tàu Armide ngay từ lúc ấy.

Faure cho rằng: Tài liệu Việt, khi thì coi Barisy là capitaine, khi thì lieutenant-colonel, tuỳ theo Barisy điều khiển "trại mộ binh" do giám mục Bá Đa Lộc lập ra, hay "điều khiển một tàu chiến" (Faure, Bá Đa Lộc, t. 223). Những việc "điều khiển trại mộ binh do Bá Đa Lộc lập ra" hay "điều khiển một tàu chiến" là Faure bịa ra cả. Còn về chức tước của Barisy, cần phải nói lại cho đúng: tài liệu Việt luôn luôn đề chức của Barisy là Khâm sai Cai đội Thiềng [Thành] Tín Hầu, đến năm 1801, anh được thêm hai chữ Thuộc nội; chỉ khi dịch sang tiếng Pháp mới có sự thay đổi, khi thì capitaine, khi thì lieutenant-colonel, tùy theo bản dịch. Còn Louvet cho rằng Barisy đến nước Nam cùng với giám mục Bá Đa Lộc, năm 1789, và đã "có thể được giám mục giao cho nhiệm vụ tổ chức lại quân đội An Nam, đặc biệt ngành tiếp vụ" (Louvet, t. 235), câu này cũng hoàn toàn sai.

Phục vụ Gia Long từ năm 1793

Có ba chứng từ đích xác cho biết Barisy đã phục vụ Gia Long từ năm 1793.

1- Chỉ dụ ngày 17/12/1793 của vua cho M. Barisy:

"Lệnh cho Barisy-man, đang phục vụ dưới trướng, mua tất cả những hàng hoá y thấy tại đây [Sài Gòn] chuyển lên tàu ô đi Malacca và Poulo-Pinang để dùng vào việc mua súng ống và tất cả những khí giới khác mà y thấy. Cẩn thận đi càng sớm càng tốt, trong dịp đang thuận gió mùa này, và phải hết sức đề phòng để tránh mọi tai nạn. Làm xong nhiệm vụ, y phải tức khắc trở về đây". (Louvet, I, t. 545)

2- Thư Olivier gửi Lefèbvre ngày 10/4/1798, có câu:

"Barisy, thuyền trưởng tàu Armide, bị người Anh bắt, hàng hoá chở trên tàu bị bán hết. .." (Archives Lefèbvre de Béhaine, Doc. Salles, t. 232).

3- Thư Olivier gửi Ô. Aguiton, phản đối việc tàu Armide bị bắt (xem chương 17: Chính sách đối ngoại của Gia Long), có những câu:

"... vua đã nghiêm ngặt chỉ thị cho tôi, ngoài những việc khác, còn phải tìm kiếm xem chiếc tàu Armide hiện nay biến thành cái gì, chiếc tàu này do khâm sai cai đội Barisy điều khiển; thời gian dài [không tin tức] của chiếc tàu này làm nảy ý là nó đã bị nạn [...]

Con tàu này, trong 5 năm liên tiếp, vẫn do viên khâm sai cai đội này cầm đầu, đã gặp biết bao tàu chiến khác của tất cả các nước, nó vẫn được nhìn nhận là hoàn toàn trung lập; vậy vì lý do gì mà ngày nay người ta lại nhìn nó như thế? (Louvet I, t. 554-555).

Tháng 4/1798 Olivier viết: Barisy cai quản tàu Armide của vua được 5 năm rồi; vậy có nghiã là: Barisy đã phục vụ vua và quản tàu Armide, từ đầu năm 1793.

Trong lệnh sai phái của vua ngày 17/12/1793, Barisy được gọi là Barisy-man, vài chỗ khác trong Thực Lục, cũng gọi Barisy là người "Hồng Mao". Có thể vì Barisy nói được tiếng Anh và làm đại diện cho hãng buôn Anh Abbott-Maitland. Ngoài ra, lệnh phái này còn sai Barisy chất đồ lên tàu ô, vậy ngoài tàu Armide, Barisy còn điều khiển các thứ tàu khác nữa.

Tóm lại, ta có thể chắc chắn rằng: Barisy đến Nam Hà đầu năm 1793, được vua trao cho quản tàu Armide với nhiệm vụ ra nước ngoài bán sản phẩm và mua vũ khí. Tàu Armide, trong 5 năm liên tiếp vẫn do Barisy cai quản, mang cờ hiệu của vua Gia Long, thông thương trên biển, giữ vị trí trung lập trong cuộc tranh chấp giữa Pháp và Anh ở Ấn Độ Dương và những quan toàn quyền ở Madras, Malacca, Batavia, Manille và Tranquebar, đều sốt sắng đón tiếp tàu của vua Nam Hà." (Thư Olivier gửi Aguiton, Louvet t. 555).

Vụ tàu Armide bị tàu Anh Non-Such bắt

Vào khoảng tháng 4/1798, tàu Armide bị tàu Anh Non-Such do thuyền trưởng Thomas điều khiển, bắt, rồi "bán chiếc tàu này với cả hàng hoá trên tàu, và giải tán toàn bộ thủy thủ đoàn người Mã Lai và người Việt Nam" (Thư Olivier gửi Aguiton, Louvet, t. 555). "Những lời khiếu nại nhiều lần của thuyền trưởng Barisy lên tướng chỉ huy và lên hội đồng hoàng gia Anh ở Bengale đều vô hiệu" (Thư vua Gia Long gửi toàn quyền Anh ở Ấn Độ, Louvet t. 552-553).

Nhân vụ tàu Armide, chúng ta mới biết được phản ứng tức thời của Gia Long đối với sự xâm phạm vào quyền lợi của Nam Hà, theo trình tự sau đây:

- Tháng 4/1798, tàu Armide bị tàu Anh bắt.

- Barisy khiếu nại nhiều lần với chính phủ Anh ở Bengale không có hiệu quả.

- Gia Long ra lệnh cho Olivier điều tra về vụ này.

- Olivier trở về, báo cáo kết quả.

- Tháng 10/1798, Gia Long quyết định hành động:

1- Ngày 20/10/1798, ra hai chỉ dụ cho Gibsons và Barisy:

a- Chỉ dụ cho M. Gibsons ngày 20/10/1798: "Lệnh cho Gibsons, Cai đội chất trực hầu... điều khiển Loan phi tiên tàu... lái tới Tranquebar [vùng đất Ấn Độ thuộc Đan Mạch, gần Pondichéry] cho Barisy Khâm sai cai đội thiềng tín hầu. Xong nhiệm vụ, bán chiếc tàu này, cùng với những hàng hoá trên tàu để mua hai chiếc tàu khác lớn hơn, chở đầy súng đạn và chiến cụ mà những đại lý của hoàng thượng sẽ chu cấp"

b- Chỉ dụ cho Barisy ngày 20/10/1798: "Lệnh cho Barisy, Khâm sai cai đội thiềng tín hầu..; tức thì sang ngay Ấn Độ, đem theo năm lá thư của vua, trên tàu Loan phi tiên tàu của hoàng thượng. Xong nhiệm vụ, y khởi tố viên trung tá hải quân Anh của tàu Nom-Such tên là Thomas về vụ chiếm tàu Armide của hoàng thượng, đòi phải bồi thường cho sự xúc phạm đến tàu của nhà vua và buộc phải trả lại những thư từ và giấy tờ quan pháp của vua, mà trung tá Thomas đã ăn cắp. Bắt phải hoàn lại giá tiền chiếc tàu Armide và những hàng hoá chứa trên tàu, cả vốn lẫn lời. Trao tất cả số tiền này tận tay những đại lý của hoàng thượng là Hanops và Stevenson, đại thương gia ở Tranquebar, để mua một chiếc tàu, khí giới và chiến cụ khác và chở ngay về đây".

2- Ngày 20/11/1798, Gia Long viết thư cho:

- Vua Đan Mạch, xin cho phép công ty Đan Mạch xuất cảng vũ khí sang Nam Hà.

- Vua Anh, xin coi Gia Long là bạn và ra lệnh cho những nhà buôn Anh ở Ấn Độ bán vũ khí cho Nam Hà, đừng bán cho Tây Sơn.

- Toàn quyền Anh ở Ấn Độ, buộc tội vụ tàu Anh bắt tàu Armide, đòi phải giải quyết vấn đề ngay, nếu không, Gia Long có cách trả đũa bằng võ lực.

Trước thái độ hết sức cứng rắn như vậy, chính quyền Anh đành nhượng bộ, Armide được trao trả về Sài Gòn đúng theo quy luật quốc tế.

Sau vụ Armide, chắc Barisy vẫn tiếp tục buôn bán cho vua. Một bản trích sổ sách cho thấy, Barisy, mua cho vua, trong một chuyến tàu, gồm những thứ: "960, súng trường hạng nhất, 10 đồng một khẩu; 1.120 súng trường có khuyết điểm, giá 8 đồng, 918 súng trường, giá 6 đồng; 6 cặp súng lục, giá 8 đồng; 12 cặp súng lục, thứ tồi, giá 6 đồng; 29 cặp súng lục, thứ rất tồi, giá 5 đồng; 956 viên đạn, 1.167 thương (piques), 71 caty (?); 245 tấm dra (drap), giá 4 đồng". Bán cho vua tổng cộng 45.800. Đã nhận của vua 32.240 " (Louvet, t. 557-558)

Ta thấy được đại cương số lượng vũ khí, mỗi lần mua, và câu cuối: "Bán cho vua tổng cộng 45.800 đồng. Đã nhận của vua 32.240 đồng".

Điều này giải thích tại sao Gia Long có nhiều vũ khí mới để trang bị quân đội. Bởi ngoài Barisy, đại lý của nhà Abbott-Maitland, ông còn những đại lý khác, về phiá Pháp, Bồ, Đan Mạch... Về giá cả vũ khí, chính Gia Long định giá, rồi sai Barisy (hay Gibsons, Januario, Olivier, v.v.) đi mua, nếu mua rẻ hơn, hoặc được tặng hoa hồng mấy phần trăm, họ được giữ cả, ngoài lương cai đội của vua.

Những nhiệm vụ khác, ngoài việc buôn bán

Có thể nói Barisy là người làm đủ thứ việc cho nhà vua. Anh không chỉ chuyên buôn bán, đôi khi vua còn giao cho các nhiệm vụ khác nữa. Thực Lục, việc tháng 2-3/1800, như sau:

"Vua cho là người Hồng Mao quen thủy chiến, sắc cho thuyền trưởng là Khâm sai cai đội Ba La Di tập họp các thuyền buôn lại, khiến dự bị quân nhu và chiến cụ để đợi điều khiển" (TL, I, t. 407).

Để hiểu câu này, xin nhìn lại tình hình chung: Nguyễn Ánh, sau khi tấn công Quy Nhơn lần thứ hai, tháng 5/1797, thất bại; tháng 10/1797, rút quân về Gia Định; nghỉ gần 2 năm để chỉnh đốn mọi việc, mua khí giới, đóng tàu chiến. Tháng 11/1798, Nguyễn Ánh viết thư cho vua Anh, vua Đan Mạch; và giải quyết việc tàu Armide. Tháng 1-2/1799, sai Olivier đi thuyền hiệu Thanh Tước đến Hạ Châu (Singapore) mua binh khí. Puymanel mất trên đường nhiệm vụ ngày 23/3/1799, ở tuổi 31, tại Malacca.

Tháng 4/1799 Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn lần thứ ba. Tháng 7/1799, Võ Tánh chiếm được Quy Nhơn, đổi tên là Bình Định; Nguyễn Ánh rút quân về Gia Định.

Tháng giêng 1800, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng quyết định vây thành Bình Định. Võ Tánh, Ngô Tòng Châu cố thủ. Nguyễn Ánh chuẩn bị giải vây Bình Định, đồng thời cũng phòng thủ Gia Định, sợ quân Tây Sơn vào đánh úp.

Trong bối cảnh khẩn cấp này, Nguyễn Ánh cần đến Barisy, vì thế, Thực Lục mới viết: "Vua cho là người Hồng Mao quen thủy chiến, sắc cho thuyền trưởng là Khâm sai cai đội Ba La Di tập họp các thuyền buôn lại, khiến dự bị quân nhu và chiến cụ để đợi điều khiển".

Điều này chứng tỏ, khi vua cần đến, Barisy có cả một nhóm "thương nhân bạn" có nhiều thuyền buôn, sẵn sàng tập hợp giúp vua trong việc quân lương, hay phòng thủ. Công tác này của Barisy chắc đã có kết quả tốt, cho nên anh được vua thưởng, vì đến tháng 6-7/1800, Thực Lục viết: "Thả cho thuyền trưởng người Hồng Mao Barisy về nước, cho một chiếc chiến thuyền" (TL, I, t. 413). Tức là vua thưởng cho Barisy một chiếc tàu chiến và để anh được tự do về nước.

Barisy cũng viết về việc này, trong lá thư gửi giáo sĩ Létondal, ngày 11/4/1801, như sau: "Hoàng Thượng đã cho con một chiếc tàu chiến, nhưng con phải sửa chữa lại. Hoàng tử cấp cho con thợ và tất cả những dụng cụ cần thiết. Cái chết của hoàng tử làm con đau đớn quá, chết điếng trong 24 tiếng đồng hồ không biết mình còn sống hay không. 2 giờ sáng ngày 28/3 người ta báo cho con biết là tàu của con đã bị chìm..." (BAVH, 1926, IV, t. 385).

Chiếc tàu này chính là tàu Pélican [lougre Pélican] mà Barisy nói đến trong lá thư viết ngày 16/4/1801, gửi cho Létondal và Marquini mấy ngày sau đó, trong có câu:

"Sự mất mát của tàu Pélican lên đến 18.800 đồng; ngoài ra còn phải kể đến quần áo, đồ đạc, toàn bộ dụng cụ nhà bếp, thư từ, sổ sách, bát đĩa, lương thực... tất cả đều bị chôn vùi..." (BAVH, 1926, IV, t. 398).

Chính chiếc tàu của vua cho (và một số việc khác nữa) đã gây sự hiềm tỵ và thù hận của nhóm người Bồ, khiến Barisy phải chịu tai nạn thêm lần nữa; cho nên trong cùng lá thư này, Barisy đã viết những lời sau: "[Sau vụ tàu Armide] lại được Vua và Hoàng tử che chở, kiếm được chục nghìn đồng (piastres); rồi bị đóng gông, mất hết của cải, chỉ trong khoảng có tám ngày, bị kết tội bỏ thuộc độc, cướp của, giết người, mà không có bằng chứng gì cả" (BAVH, 1926, IV, t. 398).

Sự che chở của vua và hoàng tử Cảnh dẫn đến những hiềm khích của người Bồ

Trong lá thư dài viết ngày 11/4/1801 (BAVH, 1926, IV, t. 373- 394), gửi cho quản thủ Létondal, Barisy viết rất nhiều chuyện, anh kể trận Nguyễn Văn Thành đánh chiếm Phú Yên, kể trận Thị Nại với bản đồ kèm theo, và kể việc anh bị hãm hại: do Botelho người Bồ, vu cáo các tội: ăn cắp quà cáp tặng vua, nhận hối lộ 400 đô la để đưa cho các quan, anh bị đóng gông giam vào ngục, trong khi vua đi đánh trận và hoàng tử bị bệnh nặng. Hoàng tử đã giải oan cho anh trước khi mất. Nhưng Botelho tiếp tục vu cho anh tội bỏ thuốc độc giết thuyền trưởng Henderson. Việc ta toà, nhưng không có bằng chứng, Barisy được trắng án. Botelho bị đánh roi vì tội vu cáo. Căm thù, Botelho ngầm sai người đánh chìm tàu Pélican, Barisy "mất hết của cải, vốn liếng". Những sự kiện này, theo Barisy, xảy ra chỉ trong khoảng có tám ngày, vào đúng lúc hoàng tử Cảnh mất và vua đi đánh trận vắng.

Vụ Botelho và Barisy, thực ra, bắt nguồn từ sự tranh chấp để chiếm khách hàng giữa những nhà buôn Anh, nhà buôn Bồ và Pháp trong vùng Ấn Độ Dương. Barisy là đại diện của nhà buôn Anh Abbott-Maitland ở Madras (xem thư của Abbott-Maitland gửi vua Gia Long trong chương 17), chuyên bán khí giới cho vua Gia Long, do đó anh bị thương nhân Bồ ghét. Barisy lại là người được vua và hoàng tử che chở, được vua cho một số đặc lợi hơn các nhà buôn khác, nên họ lợi dụng lúc hoàng tử bệnh nặng và vua ở xa để tìm cách triệt hạ Barisy.

Trong thời điểm đó, tại Gia Định, bên cạnh hoàng tử Cảnh, còn có đại tướng Nguyễn Văn Nhơn làm Lưu trấn, và quan Hình bộ Nguyễn Tử Châu xét việc kiện tụng, đều là những nhà lãnh đạo giỏi và thanh liêm, cho nên Barisy đã được xét xử khá công minh. Botelho bị đòn vì tội vu cáo.

Hoàng tử Cảnh mất ngày 20/3/1801, vì bệnh đậu mùa tại Gia Định, ở tuổi 22. Mà theo Barisy, vụ vu cáo này chỉ kéo dài trong khoảng tám ngày. Vậy tất cả đã xảy ra trong khoảng từ ngày 20 đến 28/3/1801. Trong lời Barisy thuật lại chuyện này cho giáo sĩ Létondal, có đoạn:

"Sau khi đã làm cho con bị đóng gông, [Barisy bị đóng gông nặng ba người khiêng, nhưng đến đêm có lệnh tháo gông cho anh] Botelho sung sướng lắm... lên tàu bắn súng đại bác ăn mừng...

Hoàng tử đang ở trong tình trạng hãi hùng, nghe thấy nhiều tiếng đại bác, mới hỏi: "Barisy đi đấy ư?" Lúc đó, đứa bé 10 tuổi đang quạt cho hoàng tử thấy người hỏi ba lần mà không ai dám trả lời, mới khóc mếu thưa rằng: "Làm sao mà ảnh đi được, người ta đã bắt ảnh đóng gông hồi hôm rồi, bởi chưng hoàng tử thương ảnh quá, cả hoàng thượng nữa".

Bấy giờ hoàng tử mới nổi trận lôi đình, truyền gọi ngay Ong Tân Quon, thủ tướng [tức đại tướng Nguyễn Văn Nhơn, Lưu thủ Gia Định] vào và ra lệnh nghiêm khắc lắm, người ta nói hoàng tử nhắc tên bọn con cả đêm [Barisy và 3 cộng sự]; người giận lắm, gần như mê sảng, nói rằng cha người đã giao chúng con cho người cai quản; rồi người cho gọi cha Liot đến cầu nguyện cho người, và gởi gấm chúng con cho cha, người mất lúc 4 giờ sáng [ngày 20/3/1801]" (Thư gửi quản thủ Létondal ngày 11/4/1801 (BAVH, 1926, IV, t. 384).

Có lẽ nhờ Đông cung trước khi chết, đã gọi tướng Nguyễn Văn Nhơn vào ra lệnh, mà Barisy khỏi bị cùm.

Vẫn trong lá thư gửi quản thủ Létondal ngày 11/4/1801, Barisy đã viết những dòng sau đây về hoàng tử Cảnh:

"Trong khi Đức Vua chiến thắng ngụy quân [ở trận Thị Nại ngày 28/2/1801 ], treo cờ Hoàng triều thay thế cờ của bạo quyền; thì Hoàng tử nằm trên giường đớn đau, dường như chỉ chờ tin này để được mãn nguyện nhắm mắt; đang tuổi thanh xuân, tính tình hiền hoà và có lòng nhân ái, hoàng tử là thần tượng của toàn dân, là con người mà triều đình Nam Hà đặt những kỳ vọng êm ái nhất và thân thiết nhất; là người che chở công khai cho những người Âu vì hoàn cảnh khốn cùng hay vì sự tình cờ dẫn đến vương quốc Nam Hà. Ân nhân của chúng con, và nếu con dám nói một cách chân thật và thực tình, là bạn của chúng con, là người bênh vực đức tin và giáo lý của chúng con. Trời hỡi! Còn đâu sự phán đoán cao minh trên tất cả! Tưởng chừng như đây là dịp có thể nổi loạn chống lại mệnh lệnh của Thượng đế. Con gửi cho cha những bản sao các thư mà hoàng tử đã viết trước khi chết mà một số lớn đã do tàu Generous friend trao lại cho con, một phần khác con còn giữ ở nhà; cha sẽ thấy con đã bị mất mát như thế nào; con đã cay đắng như thế nào khi những kẻ thù đầy ác ý tấn công vào danh dự của con để lôi con ra khỏi trạng thái hôn mê mà con đang bị chôn vùi." (BAVH, 1926, IV, t. 379-380).

Ngày 20/3/1801, hoàng tử Cảnh mất. Ngày 25/3/1801, Barisy đang sửa soạn tàu để đi Maccala, Bornéo, thì được tin Botelho vu cáo cho mình tội bỏ thuốc độc giết thuyền trưởng Henderson, phải ra toà. Barisy được trắng án. Botelho, bị đòn vì tội khai man, bèn tìm cách đánh chìm tàu Pélican của Barisy ngày 28/3/1801.

Tiếp tục theo quân và viết thư tả những trận đánh cuối cùng của cuộc chiến

Sau những đại nạn đã xảy ra cho anh trong tháng 3/1801: Ngày 22/4/1801, Barisy phải lên đường theo quân để chiến đấu (Thư gửi quản thủ Létondal, ngày 11/4/1801, BAVH, 1926, IV, t. 394).

Ngày 27/5/1801, Barisy ở trong đội Tả quân của Lê Văn Duyệt, theo lệnh Phó tướng Nguyễn Công Thái đến Quy Nhơn (Thư gửi Marquini và Létondal ngày 16/7/1801, BAVH, 1926, IV, t. 401). Rồi anh tiếp tục đi theo quân, ngày 16/7/1801, Barisy viết lá thư trên tàu Phụng (Phượng Phi), ở cửa Thuận An, gửi các giáo sĩ Marquini và Létondal, mô tả các trận đánh mà anh đã tham dự, đặc biệt trận Phú Xuân, và những ngày đầu vua Gia Long vào Huế (BAVH, 1926, IV, t. 400-414).

Trận Phú Xuân bắt đầu ngày 9/6/1801 và kết thúc ngày 15/6/1801. Ở cuối thư, Barisy báo tin: đã xin phép vua cho đi Madras để chỉnh đốn những "áp-phe" của mình đang bị "hư hại".

Thục Lục việc tháng 8-9/1801, ghi: "Sai khâm sai thuộc nội cai đội Ba La Di đi Hạ Châu tìm mua súng đạn" (TL, I, t. 456). Như vậy việc đi Madras của Barisy, còn kèm theo cả công vụ mua súng đạn cho vua.

Sau đó, không có tin gì khác về Barisy; đến ngày 15/6/1802, có lá thư Barisy gửi cho các giáo sĩ Foulon và Marchini từ Sài Gòn, (BAVH, 1926, IV, t. 414-416). Đó là lá thư chót của Barisy còn lưu lại.

Rồi đến ngày 17/9/1803, Giám mục La Bartette gửi cho M. Chaumont ở Paris, một lá thư, trong đó nói về cái chết của Barisy, như sau:

"Tàu Anh còn ở đây (tàu của hãng buôn Anh ở Madras); đang tính toán sổ sách với nhà vua. M. Barisy, là đại diện thương mại của tàu Anh tại đây, đã mất một năm rồi, có vài lộn xộn trong sổ sách. Tôi tin rằng cũng sẽ ổn thoả, không có gì trở ngại." (Cadière, Doc. Rel. t. 57).

Thư viết ngày 17/9/1803. Vậy Barisy mất vào khoảng tháng 9/1802. Ở tuổi 33.

Barisy có người vợ Việt, và một con gái tên Hélène.

Lá thư của Chaigneau viết cho người anh cả ngày 1/10/1817, trong có câu:

"Chắc anh còn nhớ Laurent Barisy, bạn em từ thủa nhỏ, chuyến đi nào em cũng gặp nó. Khi sang Nam Hà, thấy nó làm đại diện cho một hãng buôn Anh ở Madras buôn bán với nhà vua. Khi vua chinh phục xong cả nước, em bắt buộc phải theo vua về triều, còn Barisy ở lại Sài Gòn. Khi đi về triều bằng đường bộ, nó mất ở giữa đường". (André Salles, Jean-Baptiste Chaigneau et sa famille, BAVH, 1923, I, t.160). Sau đó, Chaigneau cho biết: Vì Barisy là đại diện cho hãng buôn Anh, nên vua đã cho lệnh niêm phong tài sản và giấy tờ của Barisy để trao lại cho công ty Anh ở Ấn Độ, vợ con Barisy không dựa vào đâu được, nên Chaigneau đã đem đứa bé về nuôi. Sau này, khi vợ ông mất (1815), năm 1817, Chaigneau tục huyền, lấy Hélène, con gái Barisy. Theo thư Chaigneau trên đây, thì có lẽ Barisy chưa làm giấy tờ chính thức với vợ, nên khi mất, vợ con không được hưởng gia tài.

Barisy là người trung thành nhất với vua Gia Long và hoàng tử Cảnh, anh thành thật đáp lại sự che chở mà vua và hoàng tử dành cho anh. Barisy để lại hình ảnh một con người tự do, qua những dòng chữ viết rất "loạn", bất cần từ vựng, chính tả, cú pháp, nhưng thực sự có văn tài; đưa ra những hình ảnh đôi khi thơ mộng, đôi khi đầy tình nghiã. Khi tả các trận đánh, bút anh thực sôi nổi, đầy nhiệt huyết. Lời thư anh kể về các trận Thị Nại, Phú Xuân, bộc lộ tình huống sống động của trận tiền, so với chính sử không sai, mà còn bổ sung cho chính sử nhiều chi tiết về thái độ và hành động của con người. Đối với chúng ta là những tài liệu quý. Chúng tôi sẽ trích dịch trong kỳ tới.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Xem các kỳ trước:

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-25/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-23/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-22/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-21/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-20/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-19/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-18/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-17/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long-16/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-15/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-14/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-13/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-12/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html