Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (127): Con Thúy (kỳ 26)

Duyên Anh

Chương 26

Bắt đầu là cầu Kìm bị giật sập. Cầu Kìm nằm trên đường số 39 từ thị xã xuống phủ Kiến Xương, huyện Tiền Hải. Muốn qua làng Thanh Nê, quê hương cô Trương Quỳnh Như, người yêu mộng tưởng của Tiêu Sơn tráng sĩ Phạm Thái, phải qua cầu Kìm. Cầu Phúc Khánh trên đường số 10, đoạn Tân Đệ - Thái Bình; cầu Nghìn, cầu Đồng Bằng và nhiều cây cầu nhỏ bé không tên, đoạn Thái Bình – Hải Phòng, khuỵu ngã hết chân, nằm bất động như người tê liệt. Mặt cầu đổ nghiêng y hệt cái xác tầu đắm. Xe cộ không thể qua đi.

Đường số 10, chi chít hố chữ chi. Cứ cách vài trăm thước lại có vài chục thước hố, kéo dài mấy chục cây số. Xe tăng, tầu bò của giặc Pháp khó lòng sang Thái Bình. Lệnh tiêu thổ kháng chiến đã ban hành. Thời hạn phá hủy nhà cửa thật ngắn. Quá thời hạn ấn định, nhà nào không chịu tiêu thổ, chính phủ sẽ tiêu thổ giùm. Người ta định giật đổ cầu Bo nhưng gặp sự phản đối mãnh liệt của dân chúng mười hai phủ huyện. Các đại diện về thị xã trình bầy lý do xin chính phủ đừng giật đổ cầu Bo. Nếu giật đổ cầu Bo, nước lũ dồn ứ không thể thoát nhanh ra bể, đê điều sẽ vỡ lung tung.

Sau mấy ngày chờ quyết định của chính phủ, ông Chủ tịch Thái Bình báo tin vui: Không giật đổ cầu Bo. Người sung sướng nhất là Vũ. Thị xã mở màn tiêu thổ bằng cách đưa người họ hàng ở nhà quê lên vác cánh cửa, khuân bàn ghế, tủ, sập về quê mình, hy vọng sẽ hồi cư cùng với đồ đạc nguyên vẹn. Những gia đình quê gần thị xã còn cho người vác cả rui, mè, bậc của, đem về ngâm dưới ao, đợi khi kháng chiến thành công thì khiêng lên thị xã xây dựng lại nhà cửa. Tiêu thổ là những ngày thê thảm nhất của thị xã. Mỗi khuôn mặt là một nỗi đau khổ.

Người ta vừa khóc vừa phá vỡ nhà mình, phá vỡ công trình, phá vỡ ước vọng của một đời người dành dụm tiền bạc, gom góp công lao. Mồ hôi, nước mắt là gạch là vữa. Gạch vữa vụn nát dưới những nhát búa thương yêu! Căn nhà chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm của bao nhiêu đời người. Kỷ niệm ấy đang bị tiêu hủy tàn nhẫn theo lệnh chủ tịch Hồ Chí Minh: Không để một căn nhà, một mái hiên lọt vào tay giặc. Pháp chưa sang Thái Bình đã đổ vỡ, sầu thảm. Chúng sang Thái Bình, chắc chắn còn đổ vỡ, sầu thảm gấp bội.

Dân Thái Bình đã quên hẳn lời nói hôm nào của Hồ chủ tịch: Pháp sang Thái Bình là có thái bình. Ngay cả những hứa hẹn thắng lợi trước ngày Hồ chủ tịch qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau, những huyền thoại thêu dệt quanh những ngày Hồ chủ tịch ở Pháp cũng được quên đi. Muối đang xát lên vết thương của dân thị xã. Ai thiết nhớ chuyện René Coty đứng trên tam cấp điện Élysée chìa tay bắt tay Hồ chủ tịch, Hồ chủ tịch lờ đi, đợi bước lên, đứng ngang hàng René Coty mới chịu bắt tay. Bây giờ, phá đổ nhà cửa chính mình gầy dựng là chuyện thấm thía đời đời. Và Hồ chủ tịch không về cùng dân Thái Bình chứng kiến cảnh tiêu thổ kháng chiến. Lúc này đây, Hồ chủ tịch về thị xã, Hồ chủ tịch sẽ chỉ được đón rước bằng những tiếng thở dài ảo não, những đôi mắt mờ lệ nuối tiếc. Hoa thật, hoa giấy đã là gạch vụn. Chẳng còn ai đủ tinh thần hoan hô Hồ chủ tịch nữa.

Cái đám dân vốn quen im lặng càng im lặng thêm. Nhiều người cố nán phá nhà để sống thêm với kỷ niệm ít ngày. Phố chính tiêu thổ làm gương. Nhà thương, Vọng Cung, dinh tổng đốc, công sứ cũ san bằng địa. Đền Mẫu hoãn tiêu thổ. Hai ông hộ pháp đứng nguyên với bộ râu bị dứt gần hết. Trong vòng tuần lễ, nhà cửa thị xã đổ nát quá nửa. Nhà thờ hoãn tiêu thổ. Cả dẫy trường học của các bà sơ cũng hoãn tiêu thổ luôn. Cuối cùng, thị xã còn mỗi đền Mẫu, nhà thờ, trường bà sơ và nhà Vạn Phát Tường chuyên làm bánh trung thu là thoát lệnh tiêu thổ kháng chiến. Bạn bè của Vũ theo gia đình tản cư về các phủ huyện thật xa hoặc về làng cũ. Chia ly khởi sự từ đây, khởi sự ngay mảnh đất quê hương mình. Côn đã xa Vũ rồi. Luyến, Lộc, Long đã xa Vũ rồi. Những hình ảnh thân yêu chìm khuất. Những sợi dây mật thiết quấn chặt đời Vũ lỏng dần và mất hút. Vũ không được ở lại giữ thị xã. Còn gì đâu mà giữ? Hàng hồi thấp nhỏ dẫu không bị đốn chắc sẽ chết vì buồn. Tất cả phải dời khỏi thị xã.

Mấy đêm chót, thị xã giống hệt bãi tha ma. Máy điện đã phá hủy. Cái hồ chứa nước cao ngất trong sân trường gục gẫy lưng chừng. Bao nhiêu cột đèn ngã rạp. Thái Bình chưa là mồ chôn giặc Pháp nhưng đã là mồ chôn hy vọng được sống an phận của nhiều người. Những ngọn đèn dầu le lói trên những đống gạch vụn bắt phát khóc. Dưới ánh trăng mờ, nhìn những bờ tường lởm chởm trông rợn tóc gáy. Chuột gián, cóc nhái chết tập thể. Chim muông bỏ thị xã bay đi. Thật sự không còn gì. Và không ai ngờ sau cách mạng là một định mệnh khắt khe. Vũ nán lại thị xã với bố. Bác phán Thụy dùng dằng chưa muốn tản cư. Mãi hôm người ta dọa ai không tản cư sẽ bị xử tử, những người cố tình nằm ở đống gạch nhà mình hít hà mùi đất mới chịu giã từ thị xã.

Vũ chạy sang nhà Thúy. Bác phán Thụy trai ngồi ngoài vỉa hè buồn thiu. Bác gái khập khễnh đi đi lại lại trên đống tường gạch ngổn ngang. Thúy đứng dựa lưng vô thân cây hồi, mắt đẫm lệ. Vũ bước nhẹ, đến cạnh Thúy. Im lặng. Vũ đưa tay đặt lên vai người yêu bé nhỏ. Thúy bỗng ôm chầm lấy Vũ, òa khóc. Tự bao giờ, Vũ chẳng rõ, bố đã tới và đang nhỏ to an ủi vợ chồng bác phán Thúy. Cũng là an ủi mình. Vũ áp má mình vào má Thúy. Má Thúy ướt nước mắt. Vũ vuốt ve tóc Thúy, vỗ về:

- Nín đi, Thúy.

Thúy ôm chặt Vũ, nức nở:

- Rồi mình có trở về không?

Vũ ứa nước mắt. Nước mắt nhỏ xuống tóc Thúy. Vũ hôn tóc Thúy. Vũ hôn má Thúy. Vũ hôn môi Thúy. Mùa xuân của Vũ không thể mất. Mùa xuân ấy đã ngự trị tận đáy hồn Vũ và chẳng một thứ lệnh nào bắt phá hủy nổi. Khi hương tóc Thúy, mật ngọt môi Thúy, ấm nồng da thịt Thúy còn làm Vũ xao xuyến, bâng khuâng, rạo rực ngay cả trên điêu tàn, đổ vỡ thì Vũ sẽ trở về làm lại được vùng trời tỉnh lỵ thân yêu cũ. Vùng trời rực rỡ hơn, hiền mộng hơn, thắm thiết hơn. Khoảnh khắc mơ ước tuyệt đời, Vũ thấy mình đầy phép tích linh thiêng. Vũ hôn lên mắt Thúy:

- Vũ sẽ trở về. Chúng mình sẽ trở về.

Vũ chỉ nói thế. Nhưng Vũ, và cả Thúy nữa, mơ hồ nghe tiếng trái tim Vũ thầm thì:

- Anh sẽ chiến đấu để trở về sống mãi bên em.

Gói hành lý ném trúng chân Vũ kèm lời hối giục:

- Hết giờ rồi, đi thôi con, kẻo nguy hiểm.

Vũ gỡ nhẹ tay Thúy ra. Đôi tay mảnh mai của Thúy còn dang rộng như muốn níu kéo. Vũ cúi xuống nhặt gói hành lý. Đôi tay Thúy rã rời, hụt hẫng.

- Giã từ Thúy.

- Giã từ Vũ.

- Tạm biệt em.

- Tạm biệt anh.

Vũ bước lùi. Bước lùi. Mắt Vũ mờ dần. Hình ảnh Thúy nhạt nhòa. Thúy trông theo. Vẫy vẫy. Sương mù đã phủ kín tỉnh lỵ. Sương mù giữa trưa nắng gắt. Chẳng ai nhìn rõ ai. Vũ đã băng qua một khúc rẽ.

7-1-1972

(Ngày kỷ niệm mười năm thành hôn)