Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

MŨ RƠM

Lê Minh Hà

Sát ngày bay về Berlin, buổi chiều muộn nhận được lời mời của ông giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng mà mình trung thành như một người đọc suốt bao năm tháng, tôi gật.
Bõ công bỏ mấy bà bạn Nguyễn Thị Minh Thái, Lê Khanh, Hoàng Hồng Giang nói như hét mà nghe sướng vui hơn hát ở lại Bờ Hồ, vì lúc chia tay nhà xuất bản lại được quà. Quà ra quà, ngoài rất nhiều sách là một cái mũ rơm. Họa sỹ Tô Chiêm lấy từ trên tường căn phòng trưng bày của nhà xuất bản xuống tặng.
Anh tài taxi chững tuổi nhìn tôi đội mũ rơm, mỉm cười: „Ôi!“, rồi lắc lắc đầu như thể nói với mình: „Chưa phải là mũ rơm ngày ấy“.
Nghe đã biết gặp người của những ngày tháng đi sơ tán. Cũ, mà từng ngày cứ hằn lên, đằm lại trong nỗi nhớ của một lớp người.
Thành phố vắng bóng trẻ con. Ở lại là những người lớn đội mũ sắt sao vuông. „Bố ơi bố mũ bố có sao vàng sao vuông mũ mẹ…“ Sao vuông là sao trên mũ của lực lượng tự vệ thành phố, lúc còi báo động hú thì thay vì chạy xuống hầm lại phải chạy ra mâm pháo, hay lao tới những nơi bom vừa nổ để đào hầm, bới nhà, cứu người. Mũ rơm của trẻ con thì không có sao. Mũ rơm mê mải những con đường quê - đường tới trường của những bậc ông bà cha mẹ hôm nay thuở tất cả còn bé dại.

„Một sợi rơm vàng kìa hai sợi vàng rơm“… Rơm làm chổi, rơm thổi cơm, có bài ca trẻ con nào về chiếc mũ rơm của chúng ta ngày ấy nhỉ?

Mũ rơm nắng mưa vào rồi thì khó đẹp, ngả màu nâu xỉn xỉn. Lại nặng trình trịch, và thôi không còn thơm. Nói là tết mũ rơm, nhưng thực ra để có được cái mũ rơm thì phải vặn phải bện, và tay phải khoẻ. Mũ rơm qua một bàn tay như thế mới chắc, rơm không xù, đội không rặm. Nhưng nặng thì không tránh được. Nhưng không thế, thì lại không ngăn được mảnh bom. Mà thôi, chiến tranh, chẳng biết cái mũ rơm có thật cứu được người không, nhưng chắc công dụng cũng không thể kém hơn cái mũ bảo hiểm đi xe máy bây giờ, dĩ nhiên, phải là mũ thật.

Hàng xóm ở quê nơi bà đưa chúng tôi về sơ tán có chị Lễ, tính nết hồn hậu. Chị Lễ mười bảy tuổi, mặt to, vai ngang, khoẻ và ít lời. Lúc không lực Mỹ đánh mạnh ra miền Bắc, cây cầu đầu xóm bắc qua sông Đáy dẫn vào sân bay quân sự Miếu Môn cũng thành mục tiêu máy bay Mỹ oanh tạc, bà tôi lại dắt cháu một bầy vào sâu trong cánh đồng cất lều, gọi là cái „chuộn“, ở tạm. Nhiều chiều muộn chị Lễ đi ngang cánh đồng vào thăm mấy bà cháu, cái đãy mây chị cầm tay giở ra có đủ thứ, vỏ quạch vỏ chay, cau, trầu không mẹ chị gửi cho bà, đĩa xôi xắn nửa từ bữa giỗ, và có lần còn cả một đon lúa nếp vừa vào sữa chị tuốt dọc đường đồng. Chị Lễ chổng mông quần lgáng đen thổi lửa, rang nguyên những nhánh lúa non trong cái niêu đất rồi đổ ra rá chìa cho lũ trẻ con Hà Nội. Rồi chị hứa sẽ tết cho chị em chúng tôi mỗi đứa một chiếc mũ rơm khi xong vụ gặt mùa.
Năm ấy mùa gặt sao nhiều châu chấu. Cánh đồng tháng mười chiều sương xuống, nhìn xa xa không thấy gốc rạ nữa thì chị Lễ lại vào. Hai cái mũ đã xong một. Cái kia, chị vừa ngồi rù rì chuyện làng xóm với bà vừa tết nốt. Cái nùn đã xong, chỉ còn cái vành ngoài. Tay chị thoăn thoắt nối rơm, vặn, quấn, siết. Mũ của chị tôi thì chóp hơi vuông, của tôi chóp tròn, mỏng hơn nhẹ hơn một chút. Trẻ con trong làng đội mũ rơm thắt dây đay, chị em chúng tôi sang hơn, mũ rơm thắt quai vải hay lụa không nhớ nữa. Nói gì thì nói, cái mũ lúc mới làm xong thật đẹp, màu rơm vàng vừa sáng vừa đằm.

Tôi không nhớ gì nhiều những ngày đi học thời sơ tán. Tôi không học vỡ lòng, không lớp một, chả biết biết đọc biết viết lúc nào, hôm nào khoẻ khoẻ bà cứ thả cho đi đến trường, qua cánh đồng, tới chỗ giáp với làng Yên Phụ là tới lớp, nằm giữa những lùm tre, giao thông hào vây quanh. Đường đồng ngang bãi dâu, bên này muồng muồng trổ hoa vàng rười rượi. Đường đồng ngang những thửa ruộng mới vừa làm cỏ lúa, chuồn chuồn bão cánh màu cam đỏ chớp sáng vẫy cuối dòng mương. Những đứa trẻ lũn cũn mũ rơm màu năm tháng gió mưa nâu nâu vàng vàng như những cái nấm đi dưới trời mây trắng là ấn tượng lớn nhất về cái thời bắt đầu biết chữ, của một con bé lúc bấy giờ chưa biết mình sẽ cô độc suốt đời.
Năm 68 ngừng đánh phá, để lại cái mũ rơm nơi xóm nhỏ, những đứa trẻ Hà Nội từ nơi sơ tán lần lượt trở về Hà Nội. Tôi sáu tuổi, mẹ xin cho vào lớp 2 trường Ngô Sỹ Liên ở phố Hàm Long. Phố, nhà cao tầng, đèn điện. Thật mới mẻ. Trong kí ức chỉ còn đôi ba cái tên của những đứa bạn dắt đi học đường đồng bao trưa bao chiều.

Chị Lễ nghe nói đi thoát li, có dạo làm ở công trường xây dựng thành phố Xuân Mai - Cái thành phố công trường đã đi vào ca khúc của vô số nhạc sỹ mậu dịch „Xuân Mai Xuân Mai cành mai mùa xuân“ vì suýt nữa thành thủ đô thay Hà Nội. Giờ chị đã sáu tư sáu lăm rồi đấy, khéo đã thành bà thành cụ, không biết giờ ở đâu.
Chị ạ, đôi vai ngang của chị lúc cúi xuống tết cái mũ rơm cho em, cánh đồng chân rạ chiều sương ngày cuối năm ngoài liếp cửa, em không muốn nhớ, nhưng chẳng biết làm cách nào để quên.

13.11.2014
Berlin. Cũng hệt như đồng chiều xưa tháng mười.