Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

CHUYỆN NGÔN TỪ (3): VÀI LỜI BÀN THÊM VỀ TỪ “KHÁC”

Nguyễn Đức Dương

Khác” là từ hết sức thông dụng. Thế mà gần đây chúng ta lại phải chứng kiến một sự thật thực đáng buồn: nó rất hay bị dùng sai, và hậu quả là làm cho câu trở nên “xộc xệch” hẳn đi về mặt nghĩa. Có thể coi mấy dẫn liệu dưới đây là mấy minh chứng tiêu biểu:

(a) Lui tới chợ Đồng Xuân ngoài bộ đội, công an, công nhân, viên chức, hiện còn có cả các phần tử bất hảo khác.

(b) Động cơ điện không tốn nhiên liệu như các loại động cơ nổ khác.

(c) Trên bàn bày la liệt nào từ điển, nào sách tra cứu, nào các loại tranh ảnh khác.

v.v. và v.v.

Trước khi vạch ra đâu là những chỗ bất ổn trong mấy câu trên, theo thiển nghĩ, có lẽ ta nên cùng nhau nghiệm lại xem mặt nghĩa của chữ này đã được Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) diễn giải ra sao trong, để làm chỗ dựa.

Theo cuốn từ điển này, “khác” là một tính từ biểu thị sự:

“(1) Không giống, có thể phân biệt được với nhau khi so sánh: Hai chiếc áo khác màu; Hai người chỉ khác nhau ở giọng nói; Quê nhà nay đã đổi khác; Làm khác đi thì hay hơn”.

“(2) Không phải là cái đã biết, đã được nói đến, tuy cùng loại: Cho tôi cái cốc khác; Chuyện ấy để lúc khác ta hãy bàn.

Lời giải nghĩa dài dòng trên đây khiến chúng ta rất khó hình dung rõ thực chất, nên rất dễ khiến chúng ta rối trí rồi dùng sai. Bởi thế, có lẽ ta nên chỉnh lại chút đỉnh để giúp người dùng biết phải dựa vào đâu khi hạ bút.

Theo thiển nghĩ, “khác” đúng là tính từ (hay chính xác hơn là “vị từ tĩnh” vì, theo Cao Xuân Hạo, trong tiếng Việt chả làm gì có thứ từ loại nào là tính từ cả), và chỉ có vẻn vẹn đúng một nghĩa: dùng để chỉ ‘cái / những cái cùng loại, nhưng không phải là cái / những cái đã nói đến / biết đến’: Cặp anh em sinh đôi ấy chỉ khác nhau ở giọng nói; Chuyện đó để dịp khác hãy bàn; Xử lí khác đi thì ổn hơn’.

Vận dụng lời giải nghĩa vừa dẫn vào những câu chưa chuẩn đã nêu, ta thấy:

Câu (a) sở dĩ nghe không thuận tai vì chữ “khác” được thêm vào ở cuối đã vô hình trung đẩy “công nhân, viên chức, bộ đội, công an” vào cùng một loại với “các phần tử bất hảo”.

Còn chữ “khác” ở câu (b) sở dĩ tai hại bởi nó đã gộp chung vào cùng một loại hai thứ động cơ vốn khác nhau về nguồn năng lượng để hoạt động.

Riêng chữ “khác” ở câu (c) sở dĩ khó lọt tai vì “tranh ảnh” trong một số trường hợp có thể xem là ấn phẩm, nhưng trong tâm thức, không một người Việt nào coi đó là “sách tra cứu” cả!

Xem vậy đủ thấy Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) tuy là một công trình biên khảo hết sức công phu, nhưng đây đó vẫn còn để sót đôi ba “hạt sạn”, nên phải nhặt bỏ đi trước khi dùng cho đỡ bị “mắc lỡm”. Nhất là phải hết sức dè chừng trước những lời giải nghĩa quá đậm sắc thái hàn lâm.

Dẫn liệu sắp nêu dưới đây về cặp “dù” và “tuy” có thể xem là một minh hoạ, mà cũng là minh chứng tiêu biểu.

Thật vậy, thực tiễn dùng từ cho thấy: hai từ này thoạt nhìn có vẻ như chả có gì khác nhau, tới độ khiến lắm người lẫn lộn: đáng dùng TUY, thi lại dùng DÙ, và ngược lại.

Để bạn đọc dễ hình dung, chúng tôi xin dẫn ra đây nguyên văn lời định nghĩa cho cặp ấy, trích từ công trình vừa nhắc. Theo cuốn từ điển ấy, cặp từ đang phân tích có những nghĩa như sau:

(a) DÙ là từ nối (hay còn gọi là liên từ) “(có thể dùng phối hợp với vẫn, cũng) để nêu điều kiện không thuận, bất thường nhằm khẳng định nhấn mạnh [sic!] rằng điều nói đến vẫn xảy ra, vẫn đúng, ngay cả trong trường hợp đó: Dù mưa to họ vẫn đi; Dù ít dù nhiều cũng đều quý”.

(b) Còn TUY cũng là từ nối để “biểu thị điều sắp nêu là một sự thật đáng lẽ làm cho điều được nói đến không thể xảy ra, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của điều vẫn xảy ra ấy [síc!]: Tuy mệt nhưng vui; Vẫn làm hết sức mình, tuy không thích.

Như đã nói, lối giải nghĩa quá đậm sắc thái hàn lâm, nên vừa rất khó nắm bắt thực chất, vừa chả giúp ích được gì nhiều cho những ai muốn làm chủ tiếng mẹ đẻ, nói chung, và nắm chắc cách dùng cặp này, nói riêng.

Cho nên, chúng ta hãy tạm quên đi những gì vừa nói để cùng nhau tìm hiểu kĩ xem đâu là cốt lõi câu chuyện.

Theo chúng tôi, nghĩa của cặp này đều có cùng một cấu trúc, do cả hai đều dùng để kết nối hai sự thể đối nghịch nhau về nghĩa, trong đó một sự thể diễn đạt một trở ngại ngăn không cho sự thể kia diễn ra, nhưng sự thể kia vẫn bất chấp (tức vẫn diễn ra như thường): Dù khó đến mấy chăng nữa, họ vẫn quyết làm bằng được; Tuy chả thích thú gì, nhưng họ vẫn lăn xả vào công việc.

Nếu đã vậy thì đâu là chỗ khác nhau giữa hai từ?

Hoá ra, nghĩa của cặp đang phân tích chỉ khác nhau ở mỗi một điểm. Và điểm ấy có thể quy về một lẽ thật giản dị sau: “tuy” sẽ được dùng đắc địa hơn khi sự thể chỉ trở ngại (chả thích [công việc]) là điều có thật trong thực tế; còn “dù”, trái lại, sẽ trở nên đắc địa hơn khi sự thể chỉ trở ngại (mưa to) chỉ là một điều giả định.