Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Song xưa phố cũ

(Trần Hậu Yên Thế, nxb Ngoại Văn, 2014)

2

Lời giới thiệu

Sự biến chuyển từ một đô thị phong kiến cổ sang một thành phố cận và hiện đại như Hà Nội thế kỷ 20, biểu hiện ở nhiều mặt trong kiến trúc. Bên cạnh khu phố cổ là các khu hành chính, khu phố dân sự mới với những biệt thự và sân vườn, một công nghệ đi kèm xây dựng mới là các cửa sắt, ban công sắt và gỗ, cùng nhiều trang trí kiến trúc. Đó là một lĩnh vực chưa được khảo cứu ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, nơi phong cách kiến trúc thuộc địa có cơ hội phát triển. Cái tên đó thật không hay mà có thể nói chính xác hơn là phong cách kiến trúc phương Tây ở các nước thuộc địa, nền kiến trúc đó đòi hỏi nhiều công nghệ đem sang từ phương Tây, cũng như được thực hiện ở Việt Nam, trong nền văn hóa Việt Nam.

Các cửa sắt, ban công và trang trí kiến trúc sắt rèn, gò vừa có tác dụng làm cổng cửa và trang hoàng cho ngôi nhà, vừa nói lên ý tưởng sinh sống của chủ nhân với những mô típ theo kiểu phương Đông hay phương Tây. Công nghệ rèn sắt từng có ở vài sắc tộc ở Việt Nam, tất nhiên công nghệ rèn của người Việt cổ cũng có vai trò đáng kể trong việc sản xuất công cụ lao động và chút ít đồ dùng. Khi các mẫu hình phương Tây và yêu cầu của kiến trúc mới ra đời, nghề rèn song sắt cho các cổng cửa công sở nhà ở hiện đại Hà Nội đã ghi những dấu ấn thẩm mỹ đặc sắc lên bộ mặt thành phố.

Là một họa sỹ, nhà nghiên cứu có chí hướng, Trần Hậu Yên Thế từng xuất bản cuốn Kinh Dịch và màu sắc khi mới tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, sau cuốn Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền vua Đinh vua Lê, năm 2012, năm nay ông cho ra đời tiếp cuốn Song xưa phố cũ khảo cứu về công nghệ và những tấm cửa sắt, trang trí kiến trúc sắt ở Hà Nội. Cuốn sách này lời lẽ không nhiều, nhưng cung cấp những tư liệu khá đầy đủ về tiến trình nghề rèn song sắt ở phương Tây và thế giới nói chung, khi được đưa vào Việt Nam và phần lớn được những người thợ rèn Việt Nam thực hiện. Số lượng hình vẽ 365 chiếm phần lớn số trang sách cho thấy những năm tháng ghi chép, vẽ nghiên cứu công phu của Trần Hậu Yên Thế. Cuốn sách đi chuyên vào một lĩnh vực hẹp, nhưng cũng kịp thời trước khi những giá trị văn hóa Đông Tây nằm trên song sắt có thể ngày nào đó biến mất vĩnh viễn, hoặc chui vào nồi nấu thép vụn.

Chắc chắn, mỗi người trong chúng ta từng sống trong một ngôi nhà có cửa giả, song sắt, không để ý đến cái mà mình mở ra đóng vào hàng ngày có một ý nghĩa thẩm mỹ như thế nào. Chúng giới hạn không gian sống của con người ở đó, và dẫn dắt họ đi ra thế giới bên ngoài, để một ngày nào đó, chợt nhận ra cái hư vô qua từng đường nét cổ kính.

Phan Cẩm Thượng

LỜI NÓI ĐẦU

3Trong lịch sử, người Việt trọng văn chương coi khinh buôn bán và cũng coi thường thợ thủ công. Mà trong các hạng nghề thủ công thì đám quai búa lò bễ luôn là hạng bét, dẫu rằng ở một đất nước thuần nông như Việt Nam, họ là người làm ra công cụ sản xuất. Tuy vậy, Hà Nội cổ cũng có phố của những người thợ sắt mang tên là phố Hàng Bừa (vì bán nhiều răng bừa), dân phố này vốn từ làng Canh (Hòe Thị, Từ Liêm) đến. Phố gần sông Tô Lịch nên sau khi con sông này bị lấp,  đất làng được sắp xếp thành phố xá , cư dân đông dần, các thợ rèn tứ xứ đổ về từ Nam Đinh, Thanh Hóa hay gần hơn là cánh thợ rèn Đa Sỹ, Đa Hội, có cả người từ làng Hà (từ Sơn Tây) lên mở lò ở khu vực cửa Nam, sau này là phố Sinh Từ. Tuy vậy địa vị và thân phận những người thợ rèn cũng không không cải thiện được bao nhiêu.

Trong câu ca về 36 phố phường Hà Nội, người ta nhắc đến nhiều ngành nghề thủ công ngoại trừ phố Hàng Bừa:

Rủ nhau chơi khắp Long Thành

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai

Hàng Bồ, Hành Bạc, Hàng Gai

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay

Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy

Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn

Phố mới Phúc Kiến, Hàng Ngang

Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng

Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông

Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè

Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà

Đi qua đến phố Hàng Da

Trải xem phường phố thật là cũng xinh

Phồn hoa thứ nhất Long Thành

Phố giăng mắc cửu, đường quanh bàn cờ.

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,

Bút thơ xin chép nên thơ lưu truyền.

Có lẽ cái nghề xúc, than thổi bễ, ngồi xuống nhọ lưng quệt ngang nhọ mũi không đáng để bút thơ lưu truyền cho hậu thế . Trong cuốn sách Làng nghề thủ công mĩ nghệ miền Bắc của Trương Minh Hằng ( NXB Mỹ thuật 2006), chưa một làng quai bễ nào len chân vào được.

Khi các phôi thép từ Pháp tràn vào Việt Nam ngày một nhiều thì nghề rèn cũng như nghề buôn bán vật liệu ở đây cũng dần dần phát đạt. Người Pháp đặt cho phố này là phố (Rue des Forgerons) có nghĩa là phố Lò Rèn và tên này vẫn còn đến nay.

Nhưng do truyền thống kiến trúc không sử dụng sắt thép nên đương nhiên người Việt Nam phải học những kinh nghiệm này từ phương Tây. Những hạn chế về tư liệu đã không cho chúng tôi xác định chính xác từ bao giờ người Việt có thể làm được ra những bộ cửa sắt, nhưng chắc chắn không sớm hơn năm cây cầu sắt Pont Doumer khai trương và có lẽ phải tới khoảng năm 1910 trở đi thì người Việt mới bắt đầu làm quen với những kỹ thuật và thẩm mỹ chế tác ra những cánh cổng có chấn song hoa sắt. Tấm bưu thiếp chụp ảnh phủ Toàn quyền ban đầu chưa hề có một tấc sắt nào, chạy suốt phố Avenue Brière de l’Isle (nay là đường Hùng Vương) là một bức tường rào con tiện cao chừng 1,5 m.

Người Pháp xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Vân Nam (1901 – 1910) đã mở một cơ hội làm ăn lớn cho cánh thợ Lò Rèn Hà Nội. Những chiếc bulông được đặt hàng để phục vụ công trình lớn này. Người Pháp xây dựng Hà Nội, các dinh thự công sở mọc lên. Và bắt đầu từ đây các đơn đặt hàng cửa sắt hoa, hàng rào, cổng, bản lề… của một loạt các công trình xây dựng đều được người thợ rèn Hà Nội đáp ứng với chất lượng cao.

Quy trình kỹ thuật làm cửa sắt hoa hay hàng rào để đảm bảo mỹ thuật nhất thiết phải qua quy trình rèn qua nhiệt. Thời bấy giờ chưa có công nghệ hàn nên tán đinh rivê đòi hỏi người thợ phải đo đạc kỹ lưỡng. Các thanh sắt lắp với nhau như lắp mộng rồi tán bằng đinh rivê cố định, mài dũa sơn phủ là công đoạn cuối cùng. Có lẽ cũng không quá lâu để những người thợ tài hoa Hà thành làm chủ kỹ thuật. Có thể đinh ninh rằng đại đa số những cánh cổng hoa sắt của các dinh thự lớn ở Hà Nội là do những bàn tay người Việt dựng nên.

Trong tư liệu triển lãm Thuộc địa năm 1931 của ngươi Pháp có một tấm ảnh chụp một cánh cửa sắt tuyệt đẹp do sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương thiết kế tên là Vũ Tiến Chúc. Cánh cửa sắt hoa có hình đôi chim uyên ương – một biểu tượng của tình yêu đôi lứa đang bơi trên mặt nước, phía trên là các đám mây. Có thể cũng có người cho rằng thẩm mỹ thiết kế này hơi “quê” nhưng ở khía cạnh bản địa hóa một chất liệu rất khô – lạnh – cứng như thép thì đây là một bước tiến lớn.

Trong những bức ảnh chụp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Hà Nội tuyệt nhiên không có một ban công hoa sắt nào nhưng chỉ đến khoảng từ sau 1920 thì ban công có lan can sắt mọc ra như nấm sau mưa.

Sự gắn kết giữa kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng chắc chắn được thế hệ các kiến trúc sư đầu tiên phát huy. KTS Charlers Batteur – một thành viên của Viễn đông Bác cổ và là giảng viên Mỹ thuật Đông Dương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu hệ thống kiến trúc đình làng Bắc Bộ. Chắc chắn những kiến thức đó đã truyền cho các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương một tình yêu lớn với di sản mỹ thuật dân tộc. Tôi đinh ninh rằng đã có nhiều hoa sắt chấn song đã qua bàn tay tài hoa của các KTS Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Cao Luyện, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh…

Cuốn sách Song xưa phố cũ tập trung viết về sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc nửa đầu thế kỷ XX ở Hà Nội. Đây là công trình nghiên cứu bước đầu có tính hệ thống về di sản sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc của Thủ đô. Những chấn song hoa sắt trên tường rào, ban công, cửa đi, cửa sổ, ô gió đã tạo nên cho Hà Nội vẻ cổ điển, tài hoa và lịch lãm. Để có được cái nhìn khách quan, người viết đã dành thời gian tìm hiểu sắt mỹ nghệ ở các thành phố khác như Sài Gòn, Huế, Nam Định, cả những làng quê như Cự Đà và đặc biệt là chuyến công tác ở Paris năm 2012.

Đây là cuốn sách của thế hệ 7X viết về Hà Nội. Dường như là thế hệ cuối cùng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố trước khi bị nhấn chìm trong làn sóng thương mại hóa toàn cầu với các biển quảng cáo khổ lớn lan tràn trên đường phố như một bệnh dịch. Trong khoảng hơn 15 năm nghiên cứu sưu tầm, người viết rong ruổi các ngõ phố Hà Nội để chụp ảnh, ghi chép, phân loại, tiến hành các bản đạc họa và phỏng vấn gia chủ cũng là khoảng thời gian chạy đua với những biến đổi khốc liệt của đô thị. Hy vọng đây là cuốn sách công cụ mà các kiến trúc sư, các nhà thiết kế, cho đến những người thợ sắt đều cảm thấy hữu ích với khoảng hơn 450 bản đạc họa có độ chính xác cao.

Những gì được thấy về nghệ thuật hoa sắt trong cuốn sách này giúp ta mường tượng phần nào phố xá ngày xưa. Người Việt vẫn nói nhà cửa, đây là hai chữ Nhà và Cửa ghép lại mà thành. Thời thế đổi thay, người xưa đi mất, cửa cũ không còn, phố phường đã thay hình đổi dạng. Sắt thép tưởng thật chắc bền, nhưng trong cơn lốc thương mại hoá vỉa hè, mặt tiền thành tiền mặt: sắt thép cũng thật mong manh.