Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Chuyện kể năm 2000 (kỳ 25) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Rừng lại đang ở trước mặt hắn. Không phải một khu rừng thông thường. Rừng già QN đang ở trước mặt hắn. Hai năm sống ở QN hắn chỉ nhìn thấy nó từ góc độ đứng trong lòng chảo của trại. Hôm nay đi từ dốc U vào hắn nhận ngay ra nó. Một dải xanh thẫm, chất ngất, nhấp nhô, uyển chuyển giăng hàng, trùng điệp. Hơi nước, hơi sương hay mưa bụi mờ mờ. Những sắc độ thẫm nhạt tuỳ theo nhưng đoạn uốn lượn của rừng. Rừng già nào chẳng vậy. Thế nhưng dù lần đầu tiên đi từ phía U này, lần đầu tiên từ góc độ ấy, hắn vẫn nhận ra nơi hắn ở trong lò nung luyện. Bên kia nếp rừng uốn lượn này là lòng chảo đã lưu đầy bọn hắn, ở nơi ấy rừng vút lên bốn chung quanh, ở nơi ấy Dần khi ngồi lê nhổ cỏ đã hỏi hắn:

- Thế này là làm cỏ vê đây phải không?

Hắn đã nói về từ corvée mà ta phiên âm là cỏ vê dùng để chỉ một công việc khổ sai. Chẳng cứ gì nhổ cỏ, chẳng cứ gì trong tù, ngoài đời cũng có bao người phải làm cỏ vê.

Đỉnh núi chất ngất kia là nơi Sáng đã ở năm ngày liền khi trốn trại mà không sao vượt được. Chỗ nào cũng có người, có chó. Và những viên đạn đã lên nòng. Cứ lối này đi vào là đến trại cá. Nhà bò ở phía bên kia. Chỗ Gò-Thằng-Công đi xuyên qua một rẻo rừng, một nương sắn, tới cái dốc xoai xoải cạnh tường rào trại, Lê Bá Di đã cho hắn bãi cứt trâu ở đó. Còn lối ra trại, lối ấy qua lò vôi, tới một con đường rải đá đối xứng với con đường hắn đang đi tới. Hắn đã mấy lần đi lối ấy. Một lần từ Trần Phú đi vào. Một lần từ đó về Trần Phú, tưởng được tha. Rồi lại từ Trần trở lại, sau mấy ngày nằm khàn ở Trần. Một lần nữa đi ra, khoá chung tay với già Đô, ngược lên VQ.

Hắn vừa đi vừa nhớ lại. Đường mòn ăn vào bìa rừng xoai xoải. Cỏ quệt vào chân. Lá cây vờn ra, có những cành tưởng đánh vào mặt làm hắn quay vội đi tránh theo phản xạ tự nhiên.

Một bên là rừng cao vút. Một bên là suối. Suối QN không trộn đi đâu được. Nước trong và cạn. Chảy nhanh trên những hòn sỏi, hòn cuội như xếp ở đáy suối. Những hòn đá to rải rác rẽ nước làm hai. Những cây cao bên bờ xoè tán lá. Thấp thấp bên suối là những cây vú bò, cây lưỡi hổ, mua và dương sỉ.

Lần theo con suối này sẽ đến được khu nuôi cá. Ở đó có một người tù huyền thoại mà hắn đã gặp một lần cách đây ba năm, khi hắn được làm chân coi vườn. Trời ở đó rộng ra. Đất ở đó rộng ra. Núi thấp dần khiến có cảm giác rừng như nới rộng vòng vây. Một mình hắn từ vườn trong đi tới. Nghe rõ tiếng chân dội vào rừng. Hôm ấy là chủ nhật. Chặt ít cải bắp cho bếp trại và hái nửa lồ su su cho bếp cán bộ, hắn về bếp lấy cơm. Ăn xong, lẽ ra mang màn xuống suối đơm cá, hắn băng rừng về phía trại cá, về phía người tù huyền thoại.

Hăm hở quên cả mệt nhọc, quên cả thân phận tù đầy, hắn đi và nghĩ đến Cần, người tù lâu nhất nhì trong cả nước. Người tù cùng một trại nhưng mấy ai biết mặt. Anh ta cũng giống như châu Úc hồi đầu thế kỷ, người ta nói đến mà không đi đến bao giờ. Hắn chỉ biết anh ta người miền trong. Họ Ngụy Như, một dòng họ nổi tiếng. Anh ta tù từ ngày đầu chống Pháp. Trước cả Nguyễn Văn Phổ. Anh ta không có khái niệm gì về mậu dịch, về tem phiếu, những sản phẩm của chế độ đến với từng người mà thiếu nó cuộc sống không còn là cuộc sống. Khi lên trại VQ hắn mới biết tiếng tăm của Cần vượt khỏi trại QN đến tất cả các trại. Bao nhiêu người hỏi hắn:

- Anh có tù với Ngụy Như Cần không?

Dự còn vênh mặt lên:

- Tôi cùng một toán với Ngụy Như Cần, ở với Ngụy Như Cần mãi đây.

Dự bốc phét đấy. Thấy người sang bắt quàng làm họ đấy. Dự chưa hề cùng toán với Cần. Khi Dự từ Phố Lu về đây thì Cần đã trông trại cá rồi. Dự nhận vơ thế để cho oai, để được anh em kính nể.

Người ta nhắc đến Cần vì Cần vượt ra ngoài khuôn khổ. Cần là tận cùng của sự chịu đựng. Là nguồn an ủi cho những ai sa vào tù tội. Cần như ngọn đèn Long Châu xa xôi, mù mịt tít chân trời đêm đêm toả sáng mà những người gác đèn rải rác cửa sông trong này hướng về để tự động viên mình. Có ai tù lâu như anh? Hai mươi ba năm. Không gia đình. Không người thân thích. Anh vẫn sống. Mỗi người tù ít nhiều đều nhận ở anh một nguồn sức mạnh động viên, một lời an ủi mà anh không biết.

Anh lại càng được nhiều người nhắc đến vì gần như không ai biết mặt anh. Vì những con lợn rừng anh bẫy được khiêng về sân cơ quan, những gánh cá tươi rói gánh về bếp cán bộ, những con rết to bằng cái đũa cả, dài hơn gang tay bò dựng đứng lạo xạo trong những cái chai cán bộ xách từ chỗ anh về để ngâm rượu. Người ta bảo anh là gián điệp Pháp. Có người lại bảo là người của Mỹ, nắm mạng lưới tình báo cả miền Trung. Có người bảo anh đã vận động thanh niên chống lại cách mạng… Nhiều tin. Khác nhau. Nhưng giống nhau ở một điểm: Anh chống lại cách mạng. Và không được xử. Hẳn những người bắt anh cũng không ngờ sẽ giữ anh lâu đến thế. Và anh cũng không ngờ anh bị tù lâu như thế.

Hắn đến gặp anh. Vượt qua một cánh rừng. Tới con suối bên kia rừng. Là cứ xuôi theo suối. Vừa nhô ra khỏi vạt rừng, bắt gặp con suối chặn ngang, con suối dẫn tới Ngụy Như Cần, hắn bỗng khựng lại vì suýt vấp phải đàn bướm. Một dải bướm vàng bay ngang qua mặt hắn. Hàng triệu con bay dọc suối. Những cánh bướm màu hoa cải như một dải lụa dập dờn trên không trung uốn lượn theo con suối ngoằn ngoèo. Nó từ đâu trôi tới và còn đi đâu nữa. Nó trôi giữa những hàng cây bên suối cành lá khum khum làm thành một đường hầm. Nó cong xuống sát mặt suối để tránh một tán cây xoè ngang. Nó bốc lên vì một cành cây khô gẫy nằm chỏng chơ trên suối. Những cánh bướm vàng tươi, mỏng manh giống hệt nhau bay theo một hướng như trảy hội, quấy động không khí, lấp lánh lấp lánh trên nền xanh đen nghiêm nghị của rừng.

Im lặng quá.

Như không có cả tiếng suối chảy róc rách. Như một huyền nhiệm của vũ trụ. Như sự bình yên thuở sơ khai. Và như một lời trách móc đối với hiện tại. Lời trách móc của quá khứ gửi về hiện tại.

Hắn đứng nhìn đàn bướm, những cánh bướm xinh đẹp, mỏng manh giống hệt nhau diễu qua và bước theo chúng.

Đàn bướm dẫn hắn đi mãi theo suối. Chúng bay như đã có một chủ định, náo nức và kỷ luật. Không một con nào đỗ lại dọc đường. Rõ ràng chúng phấn khởi với nhiệm vụ rừng giao: Dẫn hắn đi dọc suối. Dẫn hắn tới một người đã biến thành cổ tích ngay khi đang sống.

Đã tới cái đập ngăn dòng suối. Hắn biết sắp tới trại cá. Nước dâng cao, mặt nước rộng ra, trong leo lẻo, hút về một con mương nhỏ xẻ dọc sườn núi. Đó là con đập dẫn nước đến những ao cá. Trời ở đây như rộng ra. Vì núi thấp xuống. Vì cây cối bị đốn quang. Hắn đã nhìn thấy bảy cái hồ hình bậc thang nối tiếp nhau. Đó là ao cá. Là nơi Cần ở. Là sào huyệt của Cần.

Như vui mừng vì đã dẫn hắn tới nơi, đàn bướm vàng tản ra, loãng ra, quẩn lại toả trên bầu trời rộng như một đám mây vàng lớn để chào từ biệt hắn. Rồi chúng thu lại, đậm đặc lại thành một dòng suối vàng lơ lửng chui vào tán lá rừng, trôi trên dòng suối bạc, lẩn mình trong đó.

Hắn đã tới được nơi con người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Những ao cá vuông vắn ăn vào sườn núi, chạy dài, nối nhau, công sức của những người tù đã vạc núi, khiêng đá, làm đập, xẻ mương… Nước róc rách tràn từ ao nọ xuống ao kia theo những cửa xây. Ao cao nhất nhận nước từ suối qua một con mương nhỏ, chảy xuống những ao dưới. Đó là một phương pháp thay nước để nước luôn có ô- xy. Những đàn cá rô phi, cá mè… ăn nổi, miệng ngớp ngớp, đứng xa nhìn như những giọt mưa rơi.

Lại càng tĩnh lặng.

Khi đàn bướm đã mất hút trong ngàn, lại càng tĩnh lặng.

Nhà người coi ao cá đặt ở trung tâm, gần ao thứ ba, thứ tư. Hắn đã nhìn thấy ngôi nhà con con dưới gốc cây lim to còn sót lại. Cạnh đó là mấy luống rau mà khi tới gần hắn thấy một nửa là su hào, cải bắp, một nửa là rau muống đầu mùa.

Hắn bước tới căn nhà – nửa nhà nửa lều ấy. Không có một ai. Có thể anh ta đã vào rừng. Hắn đứng nhìn quanh. Và hú. Có tiếng chim ríu rít vọng lại, rồi một tiếng hú trả lời. Hắn nhìn về nơi ấy, một lùm cây nhỏ rậm rạp ven rừng. Lại một tiếng hú từ đó. Một đàn chim từ đó bay lên. Và một người rẽ lùm cây đi ra, bước về phía hắn, dáng đi quen thuộc của những người tù, vừa đi vừa chúm miệng thả vào không trung những tiếng chim thánh thót. Đàn chim rừng ríu rít lượn trên đầu anh ta bay theo anh ta tới giữa ao cá mới vút vào rừng. Đó là một người xương xẩu, cao lớn. Hẳn khung xương anh ta rất to. Và anh ta có một sức khoẻ kỳ lạ để chịu đựng nhiều năm tháng đến thế. Nhưng cũng phải nói điều ấy là nhờ trại. Anh được trại giao công việc sao cho có thể sống đến ngày về. Tóc bạc, râu đã hoa râm, mắt lờ đờ, nhưng hàm răng còn tốt, trắng đều. Đấy mới thật là điều lạ. Hắn nhìn dòng chữ số đỏ trên ngực áo và ống quần anh ta: AB077. Nghĩa là đã qua Cổng Giời trước tất cả mọi người hắn gặp. Người ấy nhìn hắn:

- Lấy cá à? Giấy đâu?

Giọng miền Nam khiến hắn lại nhớ đến anh tù cắt tóc cho hắn hồi còn ở xà lim 76.

Người ấy là Ngụy Như Cần. Hắn lắc đầu:

- Không. Tôi coi vườn trong. Ra thăm anh, chơi thôi.

Đứng một lúc Cần bảo:

- Vào trong này.

Chẳng ra nhiệt tình, chẳng ra lạnh nhạt. Hắn cứ tưởng Cần ở biệt lập thế này, có người ra chơi hẳn sẽ thích lắm, nhưng hình như Cần đã quen sống một mình, quen đối thoại một mình.

Lần đầu tiên hắn bước vào lán của một anh tù tự giác (Chỉ có ba cái lán như vậy. Của Cần trại cá, của Thắng nuôi ong, và của Quí nhà bò). Một cái giường, nội vụ gấp vuông vắn để ở đầu giường. Một cái hòm gỗ kê ở chân giường. Quần áo tù cái gấp, cái treo. Dao quắm, cuốc, xẻng. Bếp, than, tro. Củi. Bát đũa. Nồi to nồi nhỏ. Gạo đựng trong vại sành. Chum nước… Như một hộ độc thân ngoài đời. Cần đun nước bằng nồi. Chè có mùi ám khói. Khi biết hắn chính là người trại đã tha, rồi lại trở lại trại, Cần nhìn hắn một lần nữa:

- Thì ra anh.

Hoá ra dù ở biệt lập mãi đây. Cần cũng biết chuyện của hắn và có vẻ có thiện cảm. Uống đi anh. Con người ta có số cả. Tránh không khỏi số đâu. Anh cứ nghiệm mà xem. Biết được số mệnh của mình rồi thì cứ vậy mà sống. Đỡ phải suy nghĩ. Đỡ được đau khổ. Thế ra anh là nhà báo à. Vâng. Tù lâu chưa. Bốn năm rồi. Bốn năm còn khổ. Mười năm cũng còn khổ. Trên mười năm thì không khổ nữa. Nhưng phải bặt vô âm tín gia đình cơ. Được thế, không khổ nữa đâu.

Hắn nghe mà rùng mình. Tôi thì tù đến mấy chục năm cũng vẫn khổ như ngày mới bị bắt thôi anh ơi. Anh ở một mình thế này có buồn không? Mới đầu thì buồn, nhưng quen rồi. Lắm lúc cũng thèm được về một toán, được nhốt, cho nó có anh có em. Bọn tôi chỉ mong được như anh. Tự do lại không thiếu thốn. Thì cái gì cũng thế. Được cái này mất cái khác. Anh có nhớ nhà không? Không. Quên hết rồi. Anh có nhận được tin nhà không? Không, may thế đấy. Họ không có tin mình. Có lẽ họ cũng chết hết cả rồi. Cũng có thể còn một số người. Nhưng mình đã quen nghĩ là họ chết rồi. Họ cũng nghĩ mình chết rồi. Đừng để họ biết mình còn sống. Họ chỉ khổ thêm. Họ quen nghĩ là mình chết rồi. Như thế tốt cho mình, tốt cho họ. Anh vẫn còn nhớ nhà? Thế thì còn khổ đấy. Nhà không còn ai thì ở đây cũng được, cũng tốt. Hoặc nhà còn người nhưng quên đi được ở đây cũng tốt. Anh quên đi sẽ thấy ở được đấy. Nhưng chưa quên ngay được đâu. Phải trên mười lăm năm, mà phải bặt vô âm tín gia đình cơ. Quen chứ. Sao lại không quen? Cái gì cũng quen được hết. Họ đã quen mình chết rồi thì đừng để họ biết mình còn sống. Thì chính tôi đã quen đây. Bây giờ nghĩ về ngày trước lại thấy mình không quen cơ đấy.

Những điều ghê gớm ấy Cần nói với vẻ thản nhiên như nói về một người nào khác. Chẳng xúc động, đau khổ, hoặc sầu não, than thân trách phận. Cần đã quen với sự không có họ. Họ cũng đã quen với sự không có Cần. Chẳng bao giờ đôi bên còn nghĩ đến chuyện gặp lại nhau. Cần chẳng một lời kêu ca oán trách rằng Cần đã tù quá lâu. Rằng bao nhiêu đợt tù vào, tù ra Cần vẫn ở trong trại. Mọi người đều quên Cần. Và Cần thì chẳng nhớ được gì. Cần cứ thế sống. Chẳng nghĩ. Chỉ có buổi tối vẫn còn buồn tý chút. Mười mấy năm nay đêm nào cũng một mình mình với rừng già. Anh không sợ à? Chẳng có gì mà sợ. Chỉ có rừng cây tối đen sâu thẳm thôi. Hổ không có. Báo cũng không. Ma cũng không có đâu anh ơi. Giọng Cần nuối tiếc vì một hy vọng đã tắt ngấm. Hắn hiểu sự thất vọng của Cần. Vào thời gian ấy, từ Trần Phú trở lại QN hắn cũng mong có ma. Mưa phùn như nén rừng xuống. Như gói rừng lại. Hắn gọi ma. Gọi con ma ở vườn trong vẫn ngoáy mũi trêu chọc anh chăn bò ra trò chuyện. Nhưng chỉ có rừng không biết xót thương, cũng chẳng biết chuyện trò. Rừng trĩu mưa phùn thản nhiên với nỗi cô đơn mênh mông của mình, chẳng chú ý gì đến hắn. Hắn hiểu những đêm dài của Cần, của Thắng, của Quý. Cái khổ nhất là con người không thể biến thành cây cỏ được.

Cần không nhìn hắn. Cần kể chuyện con khỉ cách đây chục năm. Cần bắt được khi nó còn bé tý, khi nó còn bú mẹ. Sau một đêm mưa bão, sáng ra Cần thấy nó nằm co quắp dưới một gốc cây, mắt nhắm nghiền. Nó ướt và lạnh cóng. Cần ủ nó vào ngực, sưởi ấm cho nó. Nó cựa quậy. Nó mở mắt, chớp chớp. Sẵn có hộp sữa chác được của một anh lâm sản, Cần pha vào bát, lấy cùi dìa bón cho nó. Rồi nó liếm láp được sữa trong đĩa men. Cần nuôi nó lớn. Cần bắt rận cho nó. Nó bắt chấy cho Cần. Cần dạy dỗ nó, quát bảo nó. Nó biết nhặt rau, cho thêm củi vào bếp. Nó biết cầm đũa, ăn cơm bằng bát. Biết gắp cả thức ăn. Anh chẳng hiểu khi có nó ở nhà, khi có nó ăn cùng, khi có nó bé con con ngồi đối diện ở mâm vui thế nào đâu. Như có một người nữa ở với mình. Đi đâu cũng có nó. Nó ra ao cá với tôi. Ra vườn rau với tôi. Tôi mắng mỏ, bảo ban, giảng giải cho nó mọi chuyện.

Thế rồi việc đến tai ông giám thị. Ông ra tận đây xem và thích con khỉ lắm. Tôi thì tôi sợ. Tôi chỉ muốn nó chuyền vào rừng, hay ẩn vào bụi cây nào đó, nhưng nó cứ quanh quẩn trong nhà. Rồi lại nhảy lên vai tôi, nhổ tóc bạc cho tôi trước mặt ông giám thị. Thấy ông ấy cười tán thưởng nó càng trổ tài, cầm rổ chạy ra vườn hái rau, vặt ớt. Tất cả là tại tôi. Tại tôi không biết dạy dỗ nó đến nơi đến chốn. Quả nhiên ông ấy bắt tôi nộp cho ông ấy con khỉ. Khi ấy con khỉ đã to rồi. Lông vàng mượt. Nó nằm yên cho tôi đai vào cổ nó cái vòng dây da mà ông giám thị đem đến, lim dim thích thú như được đeo một đồ trang sức. Tôi nói thầm trong lòng: “Chạy đi. Trốn đi khỉ con!” Và chỉ muốn bấu mạnh vào nó, cho nó đau, nó sợ, nó chạy đi nhưng không dám. Thấy sợi xích sắt nó còn thích, còn nghịch nữa cơ chứ. Mãi tới khi ông giám thị cầm xích lôi đi nó mới hiểu. Nó cắn xích, giằng ra, không chịu đi. Nó cứ quay lại nhìn tôi. Nó khóc. Nó chảy nước mắt thật anh ạ. Tôi cũng khóc. Nhưng phải quay đi, giấu ông giám thị. Đừng để ông ấy biết mình khóc. Đừng để ông ấy biết mình tiếc mình thương con khỉ.

Thế là lại lũi cũi một mình. Đi một mình. Về một mình. Ngủ một mình. Nấu nướng một mình. Ăn cơm một mình. Chẳng có nó ngồi bên xem mình làm, nghe mình giảng cho nó. Rồi tôi nuôi con trăn…

Mắt Cần nhìn đăm đăm vào những ngày đó trong quá khứ. Cần nuôi con trăn đã gần chục năm. Chỉ sau khi con khỉ bị bắt vài tháng. Trước con cá chép ba năm (đúng một lệnh). Có lẽ nó chết chứ nó không bỏ Cần đâu. Anh có biết trăn sống được bao lâu không. Con trăn này ít nhất cũng gần mười tuổi. Tôi nuôi nó gần mười năm. Nó ở đây. Trong nhà này. Có hôm nó vào rừng chơi. Cả ngày. Cả đêm. Nhưng vẫn về. Trước còn phải buộc dây dắt nó. Rồi tôi đi đâu nó đi đấy. Chỉ vỗ vào nó là nó hiểu. Nó ngủ với tôi. Ăn với tôi. Như con khỉ. Nhưng rút kinh nghiệm con khỉ, tôi dạy nó biết sợ người lạ. Bất kỳ ai đến là nó luồn vào rừng, không để cho nhìn thấy nó. Anh em phạm cũng thế. Cán bộ cũng thế. Vì vậy nó mới an toàn ở với tôi được gần mười năm. Giá tôi cũng dạy con khỉ như vậy thì đâu đến nỗi. Con trăn chẳng thể bằng con khỉ được, nhưng nó cũng biết nghe tôi. Nó không biết nói thôi. Chứ cứ như người vậy. Có nó tôi đỡ bao nhiêu.

Hắn thấy Cần như đã biến được thành cây cỏ. Quên hết gia đình nhưng lại thương con khỉ, tiếc con trăn. Con trăn vào rừng rồi không về. Chắc nó chết ở đâu. Chẳng con gì bắt được nó. Nó to lắm. Mới đầu cứ bần thần cả người. Như chết một đứa con. Rồi cũng quen. Đêm đêm ngồi một mình ở bờ ao nghe cá đớp. Nhìn vào rừng tối đen thỉnh thoảng lại rào rào con thú chạy. Rồi nhìn sao đổi ngôi. Mỗi ngôi sao đổi ngôi là một người chết phải không anh? Nếu vậy nhiều người chết. Đêm nào cũng có người chết. Tự nhiên thèm một tiếng người, được về một toán. Được nhốt cho có anh có em, có câu chuyện câu trò. Đấy là nghĩ như vậy chứ sao thực hiện được. Phải quen thôi. Tất cả là quen. Nhưng này, anh ăn cơm chưa? Ăn rồi à. Ăn thêm với tôi cho vui. Quay vào bờ vách ăn một mình chán lắm rồi. Bây giờ tôi mới nấu đây. À, mà bóng nắng đã tới giọt gianh rồi. Chờ tý đã nhé.

Cần cầm nồi ra ao cá gần nhất, ngay trước lều. Ở đó anh bắc một cầu rửa bằng hai thân cây gỗ đâm ra ao. Anh cầm nồi gõ liên thanh rồi nhìn xuống ao chờ đợi. Hắn theo ra, chỉ thấy bóng hắn, bóng Cần lộn ngược trên ao sâu lờ lờ nước ngán. Cần xua tay:

- Anh đi vào quá trong kia. Có người. Nó sợ.

Không hiểu một chút gì, hắn lùi vào, ngồi xuống, nấp sau một lùm cây nhỏ cạnh ao. Cần lại gõ vào nồi và bắt mổm mấy tiếng như người chép miệng khan. Mặt ao bỗng nhiên rung rinh. Một bóng đen dài loang loáng cạnh cầu rửa làm mặt nước chuyển động mạnh. Cần cười. Nụ cười ngây thơ, nụ cười con trẻ trên gương mặt đen đủi phong sương. Anh lấy tay vét cơm, đặt chìm cả bàn tay đựng cơm dưới nước. Hắn nín thở. Cố căng mắt ra nhìn. Và thấy một cái đầu xanh bóng cong cong nhô lên. Một hàng vây lưng của một con cá dài dễ đến gần một mét từ từ dựng lên cắt mặt ao, cái đuôi phía sau quẫy nước sôi sục.

Cần dịu dàng mắng bảo:

- Khe khẽ chứ. Làm gì mà tớn lên thế.

Nửa phần đuôi nhô lên mặt nước xoè ra như một cái quạt hồng hồng dịu hẳn lại. Nó đưa đi đưa lại đều đặn làm gợn lên một làn nước mỏng. Anh bóp nát một khúc sắn trong nồi và dìm hẳn nồi xuống nước. Một tay cầm nồi, tay kia luồn xuống (hẳn là xuống dưới bụng nó) và nâng nó lên dần dần. Thoạt đầu là cả bộ vây lưng xoè ra với những gai sắc nhọn, vẩy lưng xanh thẫm, cái lườn cong ròng ròng nước, hai vi ở mang đỏ hồng mềm mại đung đưa, sợi râu dài bên mép lõng thõng và cái bụng trắng xoá như bạc. Con cá đổ kềnh, nằm ngang trên tay Cần, ngoan ngoãn và thoả mãn. Cả đời hắn chưa trông thấy con cá nào như vậy. Nó là siêu phàm, là nghệ thuật, lại là một cái gì hư ảo hoang đường.

Con cá nằm im cho Cần vuốt ve. Cần lẩm bẩm những điều gì hắn cố nghe nhưng không rõ. Rồi Cần hạ dần con cá xuống nước, vỗ vỗ vào nó, vuốt dọc thân nó xoai xoải như một cái gò nhỏ đang chìm xuống sâu. Hắn chỉ nhìn thấy loáng cái sống lưng xanh đen của nó uốn lượn và mất hút trong nước.

Như chẳng để ý gì đến vẻ ngạc nhiên của hắn, Cần rửa nồi, vo gạo. Về khoản gạo, Cần có vẻ dư dật. Anh được lĩnh một suất gạo hai mốt cân, ngang với anh em lâm sản, lò vôi. Anh lại có một nương sắn riêng, một vườn rau riêng. Anh có nồi đựng nước tiểu. Anh có nhà xí, lấy phân tăng gia. Thỉnh thoảng anh làm một đợt phân nhà bò, ném xuống ao cá, bớt lại vài gánh thì cứ thoải mái mà giồng.

Cần ăn khá sang. Cá. Thịt. Cá dưới ao, muốn ăn thì câu. Thịt thì chịu khó làm bẫy. Món thường xuyên là sóc. Sóc thì nhiều lắm. Coi như không bao giờ hết. Ăn đến phát chán. Hôm nay lại trúng bẫy ba con sóc. Cần và hắn ăn với nhau một bữa cơm thịt sóc. Vừa so xong đũa, Cần như sực nhớ ra điều gì, vào rừng ngắt mấy búp lá để trên mâm. Và lấy ra hai cái chén. Lại bước ra cửa, ngay chỗ bậu cửa phía ngoài ngó trước ngó sau lấy ngón chân đá đá và cày dũi xuống đất. Đất ở đó tơi như bột tung lên bụi mù. Cần cúi xuống moi lên một bi-đông nhựa, cùng loại với cái bi-đông của hắn. Anh phủi bụi, mở hai lần nắp và nút nhựa, rót ra chén thứ nước trắng trong veo, toả mùi thơm, chỉ ngửi cũng đã thấy say ngây ngất. Anh lại vặn nắp bi-đông, vùi lại chỗ cũ, chỗ mà ai ra vào cũng phải đặt chân lên. Thật là một nơi yểm bất ngờ và kín đáo. Đó là biểu hiện của lòng tin, hơn thế lòng quý mến.

Xong xuôi Cần mới ngồi vào mâm. Hớp rượu lan ra đến tận đầu ngón chân, ngón tay hắn. Cần đưa búp lá rừng cho hắn:

- Anh ăn đi. Để hết hơi rượu.

Cần cũng vặt mấy lá cho vào mồm nhai và cầm hai cái chén đi rửa, rồi mới trở lại mâm. Sự cẩn thận đó không thừa. Rượu là thứ phạm qui rất nặng. Thịt sóc nướng ngọt và thơm. Xương sóc giòn. Cần chọn một miếng nạc nhất, miếng thịt đùi gắp cho hắn và cũng để riêng ra cạnh mâm cho mình một miếng như thế, nhưng không ăn. Cơm xong như những người độc thân, Cần xếp bát đũa vào nồi, để đấy. Anh ngồi thẳng người, mồm chúm lại, cổ nổi gân và chăm chú nhìn lên mái nhà. Từ cổ họng Cần bật ra những tiếng:

- Kắc… Kè è…

Hắn nhìn lên mái nhà, nơi ánh mắt của Cần đặt tới. Kề với cây cột gỗ sát vách là những con sóc nhồi bông.

- Kắc… Kè…

Tiếng tắc kè kêu lần thứ hai. Con sóc nhồi bông động đậy. Và hình như có một đôi mắt ló ra.

Những tiếng “kắc kè” tiếp theo ngắt quãng và như mỗi lúc một đuối hơi. Hai con gì đó nhô hẳn ra, phóng theo cột, xuống giường và bò vào mâm, một miếng gỗ vuông có gờ ở bốn chung quanh. Không phải thằn lằn. Hai con tắc kè loại bự. Sau này hắn đã đi nhập tắc kè cho ngoại thương, qua tay hắn hàng nghìn con tắc kè, nhưng không có con nào to như vậy. Có lẽ chúng to gần bằng con rồng đất già Đô bắt được ngày nào. Nếu lắp cho mỗi con một cái vây lưng nhấp nhô như riềm cờ hội chạy từ gáy xuống giáp đuôi thì hệt con khủng long bé tí… Chúng giương cặp mắt nhìn Cần, hai cái đuôi dài thõng thượt, ve vẩy. Cần nhìn chúng trìu mến. Anh lấy tay vuốt trên lưng mỗi con. Lưng chúng khi mới xuống màu xám tối đã sáng hơn một chút. Những mảng mốc trên mình trắng thêm một chút. Có sắc xanh thẫm từ phía lưng và nhạt dần về phía bụng. Một con đập đập một chân trước. Con kia ngọ nguậy cái đầu, bước một hai bước về miếng đùi sóc còn lại trên mâm. (Thì ra Cần để phần cho nó). Cần lấy ngón tay khẽ đặt lên mình nó, giữ nó lại, miệng quát:

- Ki! Hư nhé. Ai cho ăn mà ăn. Trông bạn mày kìa, Tô nó ngoan thế chứ.

Mỗi con một tên. Hai con giống hệt nhau, nhưng Cần vẫn nhận ra con nào là Ki, con nào là Tô.

Con tắc kè có tên Ki ngoan ngoãn nằm im, dù anh đã nhấc ngón tay khỏi lưng nó. Hài lòng, anh xé miếng thịt sóc thành những sợi nhỏ. Chúng ăn. Cách chúng ăn giống cách con thạch sùng bắt mồi. Toàn thân không động đậy. Cái đầu hơi lúc lắc, lưỡi từ trong miệng bật ra phía trước rất nhanh, và kéo theo sợi thịt sóc vào miệng. Chúng ăn cả cơm. Cần chăm chú nhìn chúng ăn, vẻ âu yếm và hài lòng. Khi miếng đùi sóc đã trơ xương, anh bảo chúng:

- Ăn thế thôi nhé, no quá rồi đây này.

Hai cái bụng mỏng đã căng mọng. Anh dẹp nốt xương sóc, cơm vãi còn trên mâm. Và nhấc hai con tắc kè đặt về một góc mâm.

- Nào tập luyện một tý nhé.

Anh lấy đũa gõ vào bát một tiếng. Keng. Hai con tắc kè chạy quanh mâm, con nọ chèn con kia để vượt lên trước hệt những tay đua lành nghề, cảnh tượng trông thật ngộ nghĩnh.

Hết ba vòng mâm, anh cầm đũa gõ xuống mâm. Cạch. Chúng dừng lại thở phập phồng. Anh nhấc từng con lên xem chân, xem bụng nó, rồi reo:

- Hình như mang trứng rồi đây này. Anh xem giúp tôi có phải con Tô mang trứng đây không?

Quả là có cái gì đó tròn tròn nhỏ xíu phồng lên dưới làn da bụng con Tô.

- Chỉ tuần nữa đẻ thôi. Ngoan lắm, con ạ.

Anh nói với nó và lại đặt hai con xuống mâm, con nọ trước con kia. Tay anh cầm đuôi con trước quệt quệt vào mồm con sau. Nó biết nó phải làm gì. Nó há mồm ngậm lấy đuôi bạn nó. Keng. Hiệu lệnh từ cái bát vang lên. Chúng đi bước một, con sau ngậm đuôi con trước, một kiểu diễu hành. Hắn hết nhìn cảnh tượng kỳ lạ đó, lại nhìn khuôn mặt Cần đang chăm chú vào hai con vật hoang dã anh nuôi. Nét mặt anh dãn ra, thơ trẻ say mê. Hắn cả quyết lúc ấy anh chẳng nhớ mình là ai, đang ở đâu, đã bao nhiêu tuổi. Trò cuối cùng Cần bắt hai con tắc kè biểu diễn là chạy thi dưới đất. Cũng có vạch xuất phát: Sát tường phía trong. Và cái đích phải tới: Bậc cửa ra vào.

Anh thưởng cho chúng theo cách của anh khi cả hai con đã tới đích. Anh giơ bàn tay khum khum che lên hai con vật. Chúng phóng thẳng vào ống tay áo anh, lục sục chui qua nách, tụt xuống bụng, vòng lên ngực và ló đầu ở sau gáy. Anh bảo chúng:

- Thôi, về chỗ. Hôm nay có khách, chơi thế thôi.

Và lại một tiếng “tắc kè” từ bụng anh âm u phát ra nơi cổ, hoang đã, cô đơn, gọi bạn. Con tắc kè ở gáy anh đáp lại…

Đó là những điều kỳ lạ nhất về loại vật mà hắn biết. Cần bảo hắn:

- Loài nào cũng vậy. Mình yêu mến chúng, cho chúng ăn, mình quí nó là nó quí mình. Nó biết hết đấy.

Hắn chỉ gặp Cần có mỗi lần vào hôm ấy. Chủ nhật 9 tháng 4. Hắn nhớ rõ ngày, vì chủ nhật sau là 16 tháng 4, hắn đang lùa cá dưới suối thì máy bay Mỹ ném bom ồ ạt trở lại, bay vòng qua QN. Ngọc và con Nguyệt kẹt dưới phà. Và ít ngày sau hắn chuyển lên VQ, chung một khoá tay với già Đô, gặp Phổ, tù 18 năm mới chuyển từ Phú Sơn về đó.

*

*        *

Khi đi qua cây vả mọc bên suối, nhìn thấy cái ao cá đầu tiên loá nắng, hắn khựng lại. Đã tới nơi. Đây là cái ao thấp nhất. Cái ao cuối cùng. Nhưng từ phía này đi lại nó là cái ao đầu tiên.

Xin đi làm không được. Nắng mới lên, không ai hút thuốc cuộn nữa, hắn theo người ta vào rừng lấy lá găng. Một thứ lá nhỏ vò ra, lọc, để đông lại, làm thạch. Cái thời ở QN hắn đã được ăn thạch găng mấy lần, của Cương, toán lâm sản, lấy ở rừng về, và của Giang chác được. Hắn cùng mấy người chặt cành găng, để héo và đập đập cho lá rụng rồi cho vào bao. Vất vả lắm. Lá khô, lồng cồng một bao chẳng được mấy tý. Nhưng có việc gì không vất vả? Ăn ngủ tại ngoài ấy, nhờ người quen của một người cùng đi. Thế rồi qua trò chuyện hắn biết hắn đang ở gần QN, rất gần ao cá, những cái ao cá nổi tiếng cả vùng. Khi mọi người chở lá găng về thành phố, hắn vào rừng. Hắn nhận ra phương hướng bằng mỏm rừng cao nhất, nơi Sáng đã trốn mấy lần và bị bắt trở lại. Hắn đi. Một mình hắn đi ngược sâu nữa vào rừng. Như có một ma lực, không sao cưỡng được. Hắn muốn vào trại cá gặp lại Cần. Hắn muốn vào vườn trong. Vào đấy thôi, chứ chẳng ra khu vườn ngoài làm gì.

Rồi hắn lại nghĩ: Thôi, gặp lại Cần, nhìn trại cá một tý là đủ… Cũng chẳng thích thú gì trở lại nơi mình vừa bị đày đoạ (Chỉ tới trại cá xem Cần đã được ra chưa? Thế thôi). Đó là chưa kể tới vườn trong có thể gặp lại các ông bà cán bộ. Chỉ nguyên chuyện xưng hô thôi đã khó rồi. Gọi họ là ông là bà thì hắn không muốn. Mà gọi là anh là chị nghe có vẻ thế nào, cứ như một kiểu qua sông đấm b. vào sóng. Hắn đã nhìn thấy trại cá. Nhìn thấy cái lều của Cần. Vẫn là rừng rậm ấy. Thăm thẳm. Xanh đen. Những dây leo gốc đẫy một vòng tay, lá to như cái nón với những đốt dài đầy lông măng nhoai ra hung dữ, hăm doạ, khiến hắn có cảm giác nếu Sáng trốn tù mà leo lên cây cao, đứng im trên ấy chỉ một ngày thôi là sẽ bị dây leo quấn chết, những dây leo vươn lên cao mãi, ngọn nọ xoắn bện vào ngọn kia, đổ xuống phủ thành một tấm thảm dày trên tán lá, rủ xuống bìa rừng, tưởng chừng một con chim không thể hạ cánh. Vẫn tiếng nước rỉ rách tràn từ ao nọ xuống ao kia như tiếng suối.

Hắn bước đến gần và gọi to:

- Anh Cần ơi! Anh Cần ơi! Hú.

Tiếng hú đập vào rừng sâu, vọng lại từng đợt từ gần đến xa. Một người bước ra. Quần áo xám, số chẵn, cao gầy, cổ ngẳng lộ hầu, má hóp, nét mặt đau khổ và cam chịu.

Hai người nhìn nhau trân trân và cùng ngạc nhiên như nhau.

- Ông hỏi anh Cần ạ?

Người ấy lễ phép hỏi hắn. Đúng là kiểu cách của những người tù, kiểu cách của hắn mấy năm trước.

- Anh Cần được tha rồi, hả anh?

- Báo cáo ông, anh Cần được tha tháng trước ạ.

Hắn không giấu được mừng vui, vì điều hắn mong đợi đã thành sự thật. Hắn nói to ý nghĩ: Thế là cuối cùng anh ấy cũng được tự do. Anh ấy tù đến

bây giờ là hai mươi nhăm năm.

Người ấy chắp hai tay vào nhau kính cẩn:

- Ông là người nhà anh Cần?

- Đừng gọi tôi là ông. Tôi cũng tù ở đây.

- Ông… Anh được tha lâu chưa?

- Tôi được tha hơn hai năm rồi. Nhưng tha ở trại khác. Trại VQ.

- Anh với anh Cần…

- Tôi là bạn tù với anh ấy.

Người tù khe khẽ:

- Thế thì… Anh ấy chết rồi.

Như bị đánh mạnh vào sọ, hắn đứng lặng một lúc, rồi ngơ ngác:

- Sao? Anh Cần được tha rồi cơ mà.

- Vâng. Anh ấy đã có lệnh tha, nhưng chưa ra khỏi trại.

Lại càng không hiểu ra sao nữa. Hắn đứng ngây ngô, nhìn anh tù như muốn nuốt chửng anh ta.

- Anh ấy tự tử chết.

- Có lệnh tha mà lại tự tử. Anh nói sao, tôi không hiểu?

- Lệnh tha đưa anh ấy sáng hôm trước. Mọi người tưởng anh ấy đã ra ngoài xã hội. Thì hôm sau một anh lâm sản thấy anh ấy treo cổ lủng lẳng trong rừng, chết cứng từ bao giờ.

Thật khủng khiếp. Không thể nào tin được. Hắn bàng hoàng :

- Chuyện anh ấy tự tử giữ kín lắm, nhưng rồi ai cũng biết.

- Anh ấy chôn ở đâu?

- Khu Gò-Thằng-Công.

Lại khu Gò-Thằng-Công. Lại một cái mả mới cạnh mả Lỷ Xìn Cắm. Anh ấy là người tự do rồi. Sao vẫn chôn ở đấy?

Có tiếng tắc kè rúc ở đâu đó. Hắn ngẩng lên nhìn mái nhà. Mấy con sóc nhồi bông đã biến mất. Đó là tiếng kêu của con tắc kè Cần nuôi vẫn nhớ anh, gọi anh hay con tắc kè hoang dã. Hắn hỏi:

- Con tắc kè còn không?

- Con tắc kè nào?

- Còn con cá chép?

Anh tù càng không hiểu. Hắn đứng lên vớ lấy cái xoong nhôm và cái đũa, mang ra cầu ao gõ gõ… Anh tù chợt kêu lên:

- Con cá chép đưa về bếp cán bộ rồi.

Lại một bất ngờ nữa. Anh tù giải thích:

- Anh Cần chết. Tôi ra thay. Mấy hôm liền nó cứ nổi lên bơi dọc ao, rồi há mồm ngớp ngớp ở chỗ cầu rửa này. Trông như một thằng bé con. Ông quản giáo thấy nó. Ông ấy rút súng bắn. Máu đỏ ao. Con cá to thật đấy. Dài gần quết đất, hai người khiêng mới nổi.

Hắn dường như không nói được nữa. Họ đi vào nhà. Mãi sau hắn mới hỏi:

- Anh bọp hay án?

- Tôi án bốn năm. Giam cứu một năm. Lên đây hai năm, còn một năm nữa thôi.

- Liệu có được giảm không?

- Tội tôi khó giảm lắm. Tôi biết.

- Anh mắc tội gì?

- Tôi chỉ là đuôi vụ thôi. Đầu vụ lĩnh án tử hình. Thằng Cảnh ăn cắp gạo. Tôi chỉ tiêu thụ cho nó một ít. Nào tôi đâu có biết nó đánh chìm cả một thuyền gạo để phi tang…

Hắn vét túi đưa cho anh tù tất cả số thuốc cuộn còn lại, chào anh, rồi ngược trở ra, vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của Cần. Cần chết khi được tự do. Vì sao? Nó làm anh choáng ngợp. Nó làm gia đình anh phải đau khổ lần nữa? Nó ném anh vào một thế giới khác lạ, không phải của anh mà anh đã từ bỏ được trong mấy chục năm qua? Nó làm anh phải xa rời thế giới đích thực của anh, cuộc sống cây cỏ rừng sâu của anh? Hay đơn giản chỉ là anh thấy mình không cần sống nữa? Sống thế đủ rồi. Đến đây là giới hạn, là đã trả xong món nợ đời, chết được rồi.

Không dám nói với Ngọc chuyện kinh hoàng ấy, hắn thu thập tiền nong bán lá găng, định đi chuyến nữa, thì ông Thưởng, trưởng phòng lao động đến. Lại một đệ tử đèo ông, và khi ông lên gác gặp hắn; anh ta vui vẻ ngồi chờ ông ở cổng với cái xe đạp. Ông Thưởng ôm lấy hắn:

- Cuộc đời là thế đấy. Ai cũng hiểu anh bị oan khuất, nhưng có ai dám cứu anh ngoài ông Hoàng? Tôi cũng là một thằng hèn. Tôi thật lòng muốn giúp đỡ anh, nhưng bị chúng nó bao vây. Thằng Khuổng không nói làm gì. Đây là chủ trương của ông Trần, của Thường Vụ. Không thể vi phạm nguyên tắc. Tôi không thể cấp giấy cho anh khi không có giấy tiểu khu. Tôi biết anh chẳng oán trách gì tôi. Anh thông cảm với tôi điều ấy. Nhưng chỉ mình tôi biết tôi có lỗi với anh. Chỉ tôi biết rằng tôi vẫn có thể giúp được anh mà tôi sợ.

Ông rút trong túi áo ngực ra một tờ giấy in theo mẫu, ông đã viết vào đó những dòng chữ cần thiết, ký tên đóng dấu. Tờ giấy phòng lao động khu phố giới thiệu hắn đi lao động ở xí nghiệp đánh cá. Tờ giấy mà hắn không dám nghĩ tới nữa. Hắn cầm tờ giấy, không tin ở mắt mình. Hắn nhìn ông Thưởng. Ông Thưởng nói như giải thích cho hắn:

- Tôi biết thằng Khuổng làm theo lệnh ông Trần. Hẳn anh cũng biết như vậy. Nhưng tôi giới thiệu anh đi lao động. Không có giấy tiểu khu tôi vẫn cứ ký cho anh. Tôi không ký cho anh đi ăn trộm, ăn cắp! Tôi ký giấy cho anh đi lao động!

Ông nói to, giọng khẳng định như đang nói với ai đó. Đúng là không phải ông chỉ nói với hắn. Ông còn nói với một người vô hình nào nữa cũng đang có mặt ở đây. Ông nhấn mạnh mấy tiếng đi lao động, rồi nói tiếp với giọng gay gắt như thách thức người vô hình đang đứng trước mặt ông:

- Kỷ luật tôi thì kỷ luật! Tôi không sợ! Tôi không ký giấy cho người ta đi ăn trộm ăn cắp! Tôi ký giấy cho người ta đi lao động. Người ta có quyền lao động!

Rõ ràng đây không phải lần đầu tiên ông nói điều này với người vô hình. Ông đã rất nhiều lần lẩm nhẩm một mình, tranh cãi với người vô hình toàn năng đang im lặng buộc tội ông trước khi ông ký giấy cho hắn. Và dù đưa giấy cho hắn rồi, sự việc đã xong rồi, ông lại càng phải nói, phải trình bày rằng mình vô tội vì người vô hình càng lừng lững trước mặt ông, mím môi nghiêm khắc, giận dữ nhìn ông. Hắn hiểu rằng ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thầm cãi lại sau lưng. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ. Nhưng thật ít người dám như ông vùng lên chống lại vì cái giá phải trả thường là cuộc đời, là sinh mạng.

Vẫn cầm tờ giấy trên tay, hắn im lặng nhìn ông. Rồi vội quay đi. Không giữ được rồi. Hai giọt nước mắt tròn to đã bị mi mắt hắn kẹp vỡ.

Ngã Sáu. Bắt đầu viết tháng 6-1990

Xong tối thứ bảy 30-11-1991

Xem lại lần cuối 8-1998