Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2025

Tử tế quá mức và ai sẽ dám nói thật?

 Tobi Trần - Giám tuyển Độc lập

Trong bối cảnh nghệ thuật Đông Nam Á đang chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ từ Indonesia, Philippines và Thái Lan, nơi các nghệ sĩ không chỉ khẳng định cá tính sáng tạo đầy bản sắc mà còn góp mặt vững vàng trong các sự kiện quốc tế mang tính chiến lược và tầm vóc thì nghệ sĩ Việt Nam tiếc thay lại vẫn loay hoay trong một vòng lặp dễ chịu của sự tán dương nội địa.

Ở cấp độ cá nhân, Việt Nam đã chứng kiến một số nghệ sĩ tạo được tiếng vang quốc tế như Tuan Andrew Nguyễn với sự hiện diện trong các bộ sưu tập bảo tàng lớn hay Nguyễn Trinh Thi với các thực hành video mang chiều sâu chính trị hay đâu đó trên thế giới từ những nghệ sĩ gốc Việt.

Nhưng điều thực sự đáng buồn là các thành tựu ấy diễn ra gần như bên lề hệ sinh thái nghệ thuật trong nước. Họ không được nâng đỡ bởi một hệ thống giám tuyển, bảo tàng hay gallery nội địa mạnh mẽ mà chủ yếu đi lên từ các kết nối cá nhân, cư trú sáng tác quốc tế, hoặc qua các tổ chức nghệ thuật ở nước ngoài.

Một thực tế đang diễn ra với môi trường nghệ thuật trong nước khi thực lực chung của nghệ thuật Việt Nam chưa đủ để định danh một dòng chảy khu vực rõ rệt nhưng không khí xung quanh nghệ sĩ lại đặc sệt một kiểu tán dương dễ dãi. Các giám tuyển, nhà phê bình và quản lý nghệ thuật thay vì giữ vai trò soi chiếu, đặt vấn đề hoặc đòi hỏi tiêu chuẩn học thuật thì lại thường đóng vai trò như những “người bạn thân thiện” với ngập tràn lời ngợi ca mềm mỏng mỹ miều.

Nhiều triển lãm cá nhân dù còn thiếu sót về ý tưởng, kỹ thuật hay chiều sâu hình ảnh nhưng vẫn dễ dàng nhận được các văn bản giám tuyển nồng nhiệt đầy ca từ hoa mỹ. Không thiếu những lời ca ngợi một cách sáo rỗng như “đầy chất thơ”, “đa lớp nghĩa”, “nhẹ nhàng mà dữ dội”, “lặng lẽ phản kháng”, “chất vấn đầy ưu tư”… Những cụm từ nghe vừa đủ sang trọng, vừa đủ vô hại nhưng hoàn toàn trượt khỏi một hệ thống phê bình mang tính đối thoại hoặc phản biện thực sự.

Người ta khen để giữ quan hệ.

Người ta viết để không mất lòng.

Và nghệ sĩ, thay vì bị thử thách để trưởng thành thì họ lại quen với vùng an toàn được dệt nên bằng những ngôn từ đường mật.

Vì đâu có sự mâu thuẫn này? Có thể lý giải từ nhiều phía.

Một là hệ sinh thái nghệ thuật Việt Nam còn non yếu, thiếu vắng các định chế đủ độc lập để thực hiện vai trò “kiểm tra và cân bằng” (checks and balances) đối với chất lượng nghệ thuật.

Hai là phần lớn giới giám tuyển trong nước vẫn hoạt động theo mô hình quan hệ thân hữu, nơi người viết văn bản giám tuyển cũng là bạn đồng hành, thậm chí cộng tác viên của chính nghệ sĩ.

Ba là tâm thế “ngại phê bình” vẫn còn chi phối mạnh khi phê bình bị hiểu lầm là công kích, còn im lặng hoặc tung hô lại được xem là lịch sự và hòa nhã.

Sự vuốt ve bằng lời khen không khiến nghệ sĩ lớn lên mà chỉ tạo ra một môi trường nơi ai cũng “đủ tốt để triển lãm”.

Một môi trường nghệ thuật hay một tác phẩm khi thiếu những câu hỏi khó, những đối thoại khắt khe hoặc những hệ quy chiếu quốc tế rõ ràng thì nền nghệ thuật đó sẽ tiếp tục bị tụt lại sau các nền nghệ thuật nơi nghệ sĩ phải cạnh tranh khốc liệt, nơi triển lãm cá nhân là một thử thách học thuật và nơi phê bình không sợ phải mất lòng.

Theo quan điểm cá nhân của mình nếu nền nghệ thuật của Việt Nam thực sự muốn bước ra khỏi vùng mờ địa chính trị nghệ thuật khu vực thì điều đầu tiên cần thay đổi không phải là nghệ sĩ mà là cách hệ sinh thái quanh họ đối diện với sự thật.

Bớt ngợi ca hãy bắt đầu nghiêm khắc.

Bớt dễ dãi hãy bắt đầu đặt vấn đề.

Bớt gọi là “xuất sắc” trong khi cái đáng nói hơn là “chưa đủ”.

Bớt khen tranh đẹp mà hãy khen đẹp vì điều gì.

Bớt đánh đồng giữa “xấu” và “không đẹp”.

Và cuối cùng, xin hãy bớt im lặng chỉ vì muốn trời quang mây tạnh...