Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2025

Tự do và Học

 Lê Học Lãnh Vân

DẪN NHẬP – Anh Tiết Hùng Thái, tức dịch giả Hiếu Tân, dịch bài văn Discours de la servitude volontaire của Étienne de La Boétie sang tiếng Việt thành Luận văn về Nô lệ Tự nguyện, dài 17.782 chữ. Anh biểu tôi viết suy nghĩ của mình tiếp theo bài dịch của anh để in thành sách. Nghe lời anh, tôi viết xong bài Tự do và Học ngày 27/2/2023. Chúng tôi còn có bài của Nguyễn Hồng Anh nữa, vậy quyển sách nhỏ dự tính in sẽ có tổng cộng khoảng gần hai mươi bảy ngàn chữ. Đó là một tập sách khoảng 180 trang, không dày nhưng chúng tôi rất vui vì nghĩ sách chứa một nội dung lớn về giá trị tư tưởng được viết khoảng năm trăm năm trước và vẫn còn giá trị thời sự tới bây giờ. Rất tiếc, tới hôm nay anh Tiết Hùng Thái chưa in được quyển sách này dù bản thảo đã được gởi đi hai năm rưỡi trước. Với tôi, bản dịch này mang hơi ấm của công sức và tâm huyết của anh Tiết Hùng Thái.

Hôm nay, xin gởi Văn Việt bài viết của tôi có tựa Tự do và Học với mục đích ủng hộ tâm huyết ấy. Xin mời anh chị đọc...

Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là ‘Chi bằng học (Phan Châu Trinh)[1]

Là người rất yêu quý câu nói trên của cụ Phan Châu Trinh, tôi ngẫm nghĩ nhiều điều khi đọc Luận văn về Nô lệ Tự nguyện, bản dịch của Hiếu Tân từ Discours de la servitude volontaire của Étienne de La Boétie.[2] Không biết trước khi đúc kết câu nói trên cụ Phan đã đọc bài luận văn viết gần năm trăm năm trước này chưa, nhưng luận văn gợi trong tôi hình ảnh Phan chí sĩ.

Được dẫn nhập bằng câu hỏi tại sao “bấy nhiêu con người bấy nhiêu làng mạc, bấy nhiêu thành phố, bấy nhiêu quốc gia có những lúc chịu dưới ách một tên bạo chúa duy nhất[3], bài luận văn đã lập luận theo từng bước. Trong chủ đề Tự do và Học, bài viết này lần theo từng bước đó trong khi liên hệ với thực tế cuộc sống xã hội hiện nay…

I -

Yêu đức hạnh, quý trọng những hành động thiện lành, biết ơn điều tốt”… là một phần trong bản chất quần chúng. Quần chúng bị kẹt trong bản chất này nên không thể phá vách tường nô lệ tìm kiếm tự do. Từ đó mà họ thiếu ý muốn đứng lên chống bạo chúa, chống lại phương pháp đòi tự do đơn giản nhất là từ chối phục vụ bạo chúa! Từ chối phục vụ bạo chúa là nguồn gốc của phương pháp bất bạo động, nhờ nó mà Ấn Độ, dưới sự dẫn dắt bởi Gandhi, giành được độc lập từ Anh. Chính vì khối quần chúng đông đảo thiếu ý muốn và ý chí đòi lại tự do, bạo chúa mới có thể mạnh hơn, hung hãn hơn và với sự hợp tác của một nhóm không nhiều người có thể tước đoạt càng nhiều tự do của quần chúng.

Tại sao yêu đức hạnh, quý trọng những hành động thiện lành, biết ơn điều tốt… lại là bước đầu cho sự đánh mất tự do? Hãy tưởng tượng cộng đồng đang có một vấn đề. Một cá nhân xuất sắc đề nghị được giải pháp cho khó khăn đó. Để giải quyết một vấn đề lớn cho cộng đồng, cá nhân ấy cần phải thông minh, có tài trí, có năng lực thuyết phục, tập hợp, có đức độ… nghĩa là có đủ nhân tố thành công cho một nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhà lãnh đạo ấy chỉ đường sáng cho quần chúng, thu phục được nhân tâm, tất nhiên được quần chúng gần gũi, mến yêu, ngưỡng mộ. Khi cộng đồng đạt được mục tiêu, lòng mến yêu, ngưỡng mộ dễ biến thành tôn sùng lãnh tụ, dẫn tới tình trạng một cá nhân có quyền hành tuyệt đối, cai trị lâu dài và song song đó là sự Nô lệ Tự nguyện của quần chúng. Étienne de La Boétie đã chỉ ra bài học lịch sử, trường hợp Sicily. Dân chúng, để đối phó với nguy hiểm của chiến tranh trước mắt, đã giao quyền lực cho Denis “mà không nhận ra rằng họ đang giao cho hắn quyền lực đến khi chiến thắng trở về con người xứng đáng này hành xử như thể hắn không chiến thắng quân thù mà chiến thắng chính đồng bào của hắn, tự phong cho mình từ đại úy lên làm vua, và sau đó từ vua thành bạo chúa”.[4]

Điều này không dễ xảy ra với các quốc gia có dân trí cao, thí dụ ông Washington là lãnh tụ giành độc lập cho Hoa Kỳ, được dân chúng yêu mến, nhưng ông chỉ là tổng thống Hoa Kỳ hai nhiệm kỳ tổng cộng tám năm. Tướng De Gaulle, trong thời gian thế chiến thứ 2 là lãnh tụ Pháp, đứng đầu chánh phủ lưu vong kháng Đức, có công rất lớn trong việc giải phóng Pháp khỏi ách chiếm đóng của Đức, sau năm 1945 cũng chỉ là một trong những nhà chính trị Pháp, đã từ chức khi bị dân chúng phản đối vào năm 1968. Thủ tướng Churchill của Anh cũng là một thí dụ tương tự. Trường hợp của Hoa Kỳ, Pháp, Anh rất khác với Trung Cộng nơi ông Mao Trạch Đông cầm quyền cho tới lúc chết. Cũng khác với trường hợp Bắc Triều Tiên nơi ông Kim Nhật Thành lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật thành công để gia tộc nối đời làm lãnh tụ…

Có người cho rằng ông Washington, ông De Gaulle, ông Churchill có đức hy sinh, không tham quyền lợi cho mình và cho gia đình mình. Ta nên nhìn vấn đề trong mối tương quan cá nhân và xã hội. Một xã hội tự do lấy tinh thần bảo vệ nền tự do làm giá trị cốt lõi, tinh thần đó thấm vào từng cá nhân nên tỉ lệ số người bảo vệ tự do rất cao trên tổng số. Người lãnh tụ thấm đẫm tinh thần và giá trị sống dân chủ đã đành, ngay cả nếu có một cá nhân xuất chúng muốn thiết lập chế độ độc tài, xã hội đó cũng đủ tri thức và quyết tâm kháng cự để bảo vệ tự do. Trong môi trường nghiêng về tâm lý nhị nguyên và thích cực đoan, xin mở ngoặc rằng “kháng cự” nghĩa là đấu tranh học thuật, xã hội ôn hòa chớ không mang ý nghĩa đào tận gốc, trốc tận rễ một cá nhân hay một thành phần xã hội nào hết!

Để có quyết tâm kháng cự khuynh hướng thiết lập chế độ độc tài, cộng đồng cần có lòng yêu mến tự do. Người ta chỉ có lòng yêu mến tự do khi người ta biết tự do đem lại cho người ta những lợi ích gì, hay nói cách khác, tự do cần thiết cho cá nhân, cho cộng đồng như thế nào.

II -

Tự do của dân chúng gắn liền với thiết chế dân chủ của xã hội. Ý nghĩa căn bản nhất của Dân chủ là sự trao quyền của quốc gia cho lập pháp phải xuất phát từ quyết định tập thể bởi các thành viên của quốc gia, các thành viên này phải có quyền ngang nhau.[5]

Một nền dân chủ chính danh là một thể chế chính trị bảo đảm ít nhất hai tiêu chuẩn:

a) Tiêu chuẩn tham gia (participation), nghĩa là tất cả các thành viên trưởng thành đều có quyền tham gia vào hoạt động chính trị, quan trọng nhất là hoạt động ứng cử và bầu cử, mà không chịu bất kỳ áp lực nào; và

b) Tiêu chuẩn cạnh tranh (contestation), nghĩa là các nhà hoạt động chính trị phải được chọn bởi một cuộc chọn lựa cạnh tranh công bằng.

Hai tiêu chuẩn này quan trọng tới nỗi khi người trưởng thành bị loại khỏi việc tham gia hoạt động chính trị hoặc/và không có sự cạnh tranh công bằng trong bình chọn, nền Dân chủ bị tổn hại.

Trên thực tế việc một trong hai tiêu chuẩn bị giới hạn, thao túng hay bóp méo là tức thì nền Dân chủ bị đe dọa và đối mặt với nguy cơ bị xóa bỏ hoàn toàn. Khi điều này xảy ra, một xã hội có thể bảo vệ được nền Dân chủ cho mình hay không tùy thuộc vào nền dân trí. Dân trí cao giúp xã hội quyết tâm ngăn chặn các biểu hiện độc tài. Dân trí thấp thì xã hội lẫn lộn, mơ hồ, dựa dẫm vào một cá nhân hay một tập thể xuất chúng và dần đi tới sùng bái lãnh tụ. Khi sa vào tệ sùng bái lãnh tụ, dân chúng trao cho lãnh tụ nhiều quyền lực quá và cùng lúc từ bỏ quyền kiểm soát lãnh tụ đó. Đó là lúc xã hội bắt đầu trượt về tình trạng tệ hại mà Lord Acton thống thiết cảnh báo: “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.[6]

Để đáp ứng hai tiêu chuẩn của một nền Dân chủ là tham gia và cạnh tranh, xã hội cần được tổ chức sao cho công dân hưởng những quyền Tự do như quyền tư do lập hội, quyền tự do ứng cử bầu cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cùng nhiều quyền khác. Người ta không thể tưởng tượng được làm sao không có các quyền Tự do đó mà người dân có thể thực thi quyền làm chủ xã hội, nghĩa là quyền tham gia và cạnh tranh những vị trí có quyền quyết định chính trị!

Như vậy, nói tới Dân chủ là nói tới Tự do. Cho dù mang ý nghĩa khác nhau, chúng gắn bó chặt chẽ trong cách tổ chức xã hội tới nổi không thể có Dân chủ mà không có Tự do, và người dân không thể có các quyền Tự do được nêu lên trong Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền khi xã hội không có Dân chủ. Khi người dân thực sự làm chủ xã hội, họ bảo vệ cho họ các quyền tự do đương nhiên của họ. Khi người dân có các quyền tự do, họ kiểm soát khiến người có quyền khó lạm dụng quyền, khó áp bức dân chúng, và nếu người có quyền vẫn cố ý lạm quyền, dân chúng dùng quyền tự do của họ để loại những kẻ tha hóa khỏi vị trí quyền lực. Đây chính là lợi ích lớn nhất, ngoài các lợi ích khác, xã hội Dân chủ mang lại cho các thành viên của nó một cách bình đẳng.

Sự gắn bó chặt chẽ giữa Dân chủ và Tự do, do vậy, được nhiều học giả cho là đương nhiên. Nhiều định nghĩa về Dân chủ bao gồm Tự do, và hơn vậy, Tự do được xem là tiền đề của Dân chủ.

III -

Người dân phải yêu mến tự do mới có quyết tâm bảo vệ tự do. Không thể đòi hỏi lòng yêu mến tự do nơi những người “chưa được nhìn thấy ngay cả cái bóng của tự do và hoàn toàn không biết gì về nó, không thể cảm thấy cái ác phủ bóng qua suốt thân phận nô lệ của họ”, “những người sinh ra trong đêm dài lớn lên quen thuộc với bóng tối của nơi họ sinh ra đến nỗi trừ khi được người ta nói cho biết về mặt trời, họ không có mong muốn nhìn thấy ánh sáng”.[7] Chỉ đã trải nghiệm cuộc sống trong xã hội Tự do, biết Tự do mang lại hạnh phúc ngọt ngào thế nào và biết mất nó người ta khổ sở như thế nào, những người Sparta mới có thể nói với vị đại diện quyền lực của Ba Tư, siêu cường hung hăng đang muốn họ đầu hàng, rằng “ông không biết cái đặc quyền mà chúng tôi được hưởng [ý nói Tự do]. Ông không biết gì về tự do, nó ngọt ngào như thế nào và nó có hương vị gì. Vì nếu ông có chút hiểu biết về nó, chính ông cũng sẽ khuyên chúng tôi bảo vệ nó[8].

Nhưng không chỉ có trải nghiệm, kiến thức vững chắc về tự do khiến người ta bước lên cao hơn mức độ ghét yêu cảm tính do trải nghiệm. Đó là nền tảng vững chắc khiến người ta xem tự do là giá trị cốt lõi, do đó bảo vệ tự do là hoài bão, quyết tâm, lý tưởng… Học là phương cách tốt nhất để hiểu biết và từ đó mà có thái độ ứng xử với Tự do. Học để hiểu rằng các khái niệm về Dân chủ, Tự do đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử loài người, trải hàng ngàn năm truyền từ trung tâm văn mình này sang trung tâm văn minh khác của thế giới, đã thành tài sản chung của nhân loại. Không dân tộc nào, vùng lãnh thổ nào dám vỗ ngực tự xưng là chủ nhân riêng của tài sản tri thức đó.

Có hai cách HỌC. Hoặc học theo cách mở rộng tai, mắt đón nhận tất cả các chiều kiến thức rộng rãi trên thế giới, các kiến thức xưa nay của nhân loại để từ đó chiêm nghiệm tìm ra giải pháp, chọn lựa của riêng mình. Hoặc học một cách mù quáng, nghĩa là chỉ đọc sách người ta cho phép đọc, nghe đài người ta cho phép nghe, thảo luận đề tài người ta cho phép nói. Chữ HỌC trong bài viết này chỉ cách học thứ nhất.

Thời đại hiện nay đã khác trước rất nhiều, tốc độ thay đổi ngày càng mau hơn. Chu kỳ sản phẩm hiện nay là vài tháng so với thế kỷ trước là hàng chục năm. Ai dự đoán được sự thay đổi, ai thích nghi với thay đổi, người đó có ưu thế. Sự học để tạo nên con người thích nghi với thế giới liên tục thay đổi, tức con người chủ động, tự do. Học vẹt, học mù quáng chỉ tạo nên con người thụ động, nô lệ. Đây là kiến thức khoa học căn bản của sự Học và Đào tạo, không phải là ý muốn chủ quan.

Nhiều công ty đa quốc gia hiện nay đào tạo nhân viên theo tinh thần tiến bộ đó. Họ nhấn mạnh và tạo môi trường cho nhân viên phát triển tinh thần ham học điều mới, xiển dương tính tò mò, xem đây là hai tính cách quan trọng cho một người học hỏi kiến thức. Nhân viên và bộ phận đào tạo của công ty luôn tìm tòi các lãnh vực kiến thức mới, kiến thức khác chiều với kiến thức hiện có của công ty đem về huấn luyện nhân viên. Điều này cho phép công ty liên tục duy trì sự phát triển. Bài viết này cho rằng quốc gia muốn vươn lên cũng phải vậy.

Trước năm 1975, học sinh theo chương trình học tại Miền Nam, ở mức trung học đệ nhị cấp, tức tương đương với phổ thông cấp ba hiện nay, được học về các cách tổ chức xã hội, chính quyền khác nhau trên thế giới. Được học về các nền kinh tế khác nhau trên thế giới. Được giới thiệu các kiến thức căn bản về triết học. Học trong tinh thần khuyến khích đọc thêm, thảo luận thêm, càng đọc và thảo luận nhiều chiều càng tốt. Bài viết này cho rằng tinh thần khai phóng ấy càng rất cần cho ngày nay, khi Việt Nam đã thống nhất và thế giới đã bước sang trang khác, đã hóa phẳng từ mấy chục năm nay rồi.

IV -

Bài Luận văn về Nô lệ Tự nguyện của Étienne de La Boétie đề cập việc một bạo chúa tước quyền tự do của quân chúng như thế nào. Từ bạo chúa gợi nhớ những cái tên như Neron, Tần Thủy Hoàng, Hitler, và cũng có người để thêm Stalin, Mao Trạch Đông. Hiện nay, Việt Nam không có bạo chúa nhưng bài luận văn vẫn cho người đọc những bài học bổ ích. Chẳng phải có những điều về tự do học thuật, tự do ngôn luận cần được cải tiến để đất nước ngày càng phát triển hơn sao? Chẳng phải Việt Nam đang cố gắng cải tạo nền Giáo dục của mình hay sao? Và hơn nữa, nếu mỗi cá nhân không ý thức được rằng khuynh hướng Nô lệ Tự nguyện luôn ẩn nấp sâu trong mỗi người, sẽ có ngày xã hội bị đặt dưới quyền một bạo chúa.

Đọc kỹ Luận văn về Nô lệ Tự nguyện đoạn văn “con người sẵn lòng tuân theo lệnh là vì họ sinh ra là nô lệ và được nuôi dạy như nô lệ[9], chúng ta thấy rõ rệt lời khuyên rằng thiếu trải nghiệm và thiếu kiến thức về Tự do thì con người thiếu lòng yêu mến Tự do, thiếu quyết tâm bảo vệ Tự do và dẫn tới sự Nô lệ Tự nguyện của đám đông. Các chế độ hoạc lãnh tụ muốn tước quyền tự do của quân chúng rất quan tâm tới kiến thức trong lời khuyên này, họ tìm cách để quần chúng không trải nghiệm cuộc sống tự do và cũng không tiếp cận kiến thức về tự do. Bằng cách đó, họ khiến quần chúng không biết cuộc sống tư do “nó ngọt ngào như thế nào và nó có hương vị gì[10]. Họ tìm cách bóp méo khái niệm, quan điểm tự do của các xứ có truyền thống tự do, cho rằng tự do các xứ ấy là tự do vô chính phủ, tự do xâm phạm quyền lợi người khác. Do đó họ thuyết phục quần chúng rằng chỉ nên hưởng tự do trong khuôn khổ, nghĩa là những quyền tự do do chính họ ban cho. Họ cũng khuyên người dân đừng nên lo những việc cao xa vì đã có họ lo giùm rồi, tức họ khuyến khích bản năng lười biếng, thả mặc cho tâm lý Nô lệ Tự nguyện dẫn dắt đi dần tới chấp nhận bị mất tự do.

Dĩ nhiên, họ biết dư rằng các xứ có truyền thống tự do đã thiết lập cả một nền triết học phong phú về tự do với đầy đủ sự tinh tế. Do đó họ cũng kiềm chế nền tự chủ đại học, giới hạn lãnh vực giáo dục tư nhân, cắt đứt dần các nguồn tài trợ giáo dục, cắt đứt nguồn tài trợ cho hợp tác nghiên cứu khoa học, học thuật, e sợ đấy là những nơi truyền bá kiến thức thật sự về tự do, truyền bá tinh thần tự do, khai sáng và khai phóng. Báo chí là phương tiện rất tốt đề khai dân trí, thì lãnh vực này bị đe dọa hoặc chịu sự kiểm soát chặt chẽ…

Bài viết này thực tâm tin vào tính quật cường, mong một cuộc bứt phá ngoạn mục của Việt Nam. Đất nước đã hòa bình, thống nhất, nền kinh tế đã đạt sự tăng trưởng khá trong liên tục ba mươi năm. Cho dù có người phê sự tăng trưởng là chưa xứng tiềm năng, đó vẫn là cái vốn tăng trưởng cần chắt chiu, quý trọng. Đã tới lúc quyết tâm chuyển tính chất tăng trưởng từ dựa trên sức lao động thấp, trên tài nguyên thô là chính sang tăng trưởng dựa trên công nghệ, tri thức chưa?

Nền kinh tế dựa trên sức lao động thấp, trên tài nguyên thô là nền kinh tế quá phụ thuộc, có tính “nô lệ”. Nền kinh tế dựa trên công nghệ, tri thức là nền kinh tế có tính chủ động, tính sáng tạo cao, chính là nền kinh tế có tính Tự do cao hơn nền kinh tế dựa trên sức lao động thấp. Để chuyển nền kinh tế từ tính “nô lệ” nhiều sang tính tự do cao, cần chuyển cả xã hội nói chung về hướng tri thức trên nhiều mặt, kỹ thuật, công nghệ, quản trị xã hội, chính trị…

Phải chăng đó mới là cái HỌC Phan Châu Trinh mong muốn hơn một thế kỷ trước?

Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là ‘Chi bằng học’”.

Ngày 27 tháng 2 năm 2023

[1] Huỳnh Văn Hoa. Tư tưởng “Chi bằng học” của Phan Châu Trinh.

https://www.hoasen.edu.vn/tu-tuong-chi-bang-hoc-cua-phan-chau-trinh/, 19/09/2017.

[2] Étienne de La Boétie. Discours de la servitude volontaire. http://www.singulier.eu/, 1/7/2025.

[3] Étienne de La Boétie, sđd.

[4] Étienne de La Boétie, sđd.

[5] Joshua Cohen. Democracy and Liberty.

https://www.cambridge.org/core/books/abs/deliberative-democracy/democracy-and-liberty/1F2FA3C999916179C67539551933A6CE, 1/7/2025.

[6] Lord Acton, https://www.acton.org/research/lord-acton-quote-archive, 1/7/2025.

[7] Étienne de La Boétie, sđd.

[8] Étienne de La Boétie, sđd.

[9] Étienne de La Boétie, sđd.

[10] Étienne de La Boétie, sđd.