Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2025

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và Cầu Rồng, biểu tượng của TP Đà Nẵng

 Huỳnh Duy Lộc

Phạm Văn Hạng sinh năm 1942 (năm Nhâm Ngọ) tại làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Anh là tác giả của ba tượng đài ở Đà Nẵng: tượng “Mẹ Dũng Sĩ”, tượng “Đất lành chim đậu" và hình tượng con rồng trên Cầu Rồng. Đang học Mỹ thuật Huế thì Phạm Văn Hạng bỏ dở, cầm máy ảnh làm phóng viên chiến trường ở Quảng Trị, rồi trở lại Sài Gòn với tác phẩm “Chứng tích” bằng chính chất liệu chiến trường từng “gây bão” với chính quyền Sài Gòn những năm 70 của thế kỷ trước, để rồi sau đó vừa kiếm sống vừa sáng tác với những tượng đài Alexandre de Rhodes, tranh sơn dầu, những triển lãm để thỏa mãn đam mê. Sau năm 1975, có lúc anh phải mưu sinh bằng bán hàng rong, đi xe thồ, trang trí sân khấu. Rồi chính vỏ đạn pháo bằng đồng trong chiến tranh đã làm nên tác phẩm “Mẹ Dũng Sĩ” như một tiếp nối từ cảm hứng sáng tạo của “Chứng tích”, đã thuyết phục mọi người và đưa anh trở lại với đam mê nghệ thuật.

Phạm Văn Hạng là người thiết kế đầu rồng của cầu Rồng, biểu tượng của TP Đà Nẵng. Cầu Rồng là cây cầu thứ 6 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Vì cây cầu có hình dáng giống một con rồng nên được gọi là Cầu Rồng. Cầu Rồng dài 666m, rộng 37.5m với 6 làn xe, được khởi công vào ngày 19.7.2007 và chính thức thông xe vào ngày 29.3.2013, kinh phí xây cầu gần 1.500 tỷ đồng. Cầu được thiết kế bởi Công ty Ammann & Whitney Consulting Engineers với tập đoàn Louis Berger.

Ngay từ khi thiết kế phương án kiến trúc cầu Rồng, Công ty Louis Berger (Mỹ) cũng đã có thiết kế đầu rồng nhưng không được lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý. Đầu năm 2012, Ban quản lý dự án cầu Rồng gởi thư mời nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc có tiếng trong cả nước đưa ra ý tưởng thiết kế đầu rồng cho cây cầu. Cuối cùng, thiết kế của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được chọn, hoàn toàn không phải vì anh là người Quảng Nam - Đà Nẵng, mà vì phương án thiết kế đầu rồng theo hình ảnh rồng thời Lý do anh đưa ra đã thuyết phục được Hội đồng Kiến trúc quy hoạch của TP Đà Nẵng.

Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban ở Nha Trang đã nói về đặc điểm của rồng thời Lý (1010-1225): “Rồng thời Lý thân tròn, dài, không có vảy, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, rất nhẹ nhàng và thanh thoát. Các nhà nghiên cứu gọi đây là rồng hình giun mang hình dạng của một con rắn. Bụng là đốt ngắn như bụng rắn, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón phía trước, không có ngón chân sau. Cả bốn chân đều có khủy phía sau và có mống giống chân loài chim. Thân rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây sau. Đầu không có sừng, miệng há to, hàm dưới có nhiều răng nhỏ, dài và nhọn như răng rắn…” (Ngô Văn Ban, Chuyện Rồng năm Thìn. Trong Chuyện 12 con giáp qua ca dao tục ngữ người Việt, Văn hóa thông tin, 2013).

Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Đà Nẵng ngày 16.5.2012, Phạm Văn Hạng trình bày quan điểm của mình: “Rồng thời Lý có đặc điểm cấu tạo khác hẳn các hình rồng thời trước hoặc cùng thời ở Trung Quốc (Hán, Đường, Tống). Đầu rồng thường ngẩng lên, không có sừng, miệng há to, mép trên không có mũi, kéo dài thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, có khi răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với vòi lên bao lấy viên ngọc... Rồng thời Lý toát lên sự mạnh mẽ, song vẫn mang dáng dấp hiền hòa, mềm mại chứ không dữ dằn, rất phù hợp với một đất nước đang trên đường hội nhập, dang tay chào đón bạn bè quốc tế. Đó cũng là cảm nhận mà chúng tôi đã mang vào khi thiết kế đầu rồng cho cầu Rồng. Mặt khác, chúng tôi vẫn tuân thủ khung kỹ thuật của một con rồng thép mà nhà thiết kế cầu đã triển khai để không dẫn tới “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Mô-típ này của đầu rồng tiếp tục được áp dụng cho đuôi rồng để tạo nên sự hài hòa!”.

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cùng Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến trực tiếp xem xét mô hình đầu rồng và đuôi rồng, đã hoàn toàn đồng tình với phương án kiến trúc vừa được trình Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP lần thứ 2, và chỉ nhắc nhở nhà thiết kế Phạm Văn Hạng là “khi triển khai trên thực tế phải bảo đảm thật mềm mại chứ không được bù lon, ốc vít quá!”.

Video clip Cầu Rồng:

Từ nhiều năm nay, Phạm Văn Hạng về sống ở Đà Lạt, quê hương thứ hai của anh. Nhà báo Nguyễn Hàng Tình kể:

“Phạm Văn Hạng xuất hiện ở đồi thông Yên Thế của Đà Lạt lặng im từ đầu năm 2004. Anh lặng im mà sáng tạo, tạc tượng âm thầm suốt một năm trời, thực thi cái ước nguyện: phải để lại cho thành phố cao nguyên thơ mộng này một vườn điêu khắc nghệ thuật...

Những bức tượng lần lượt ra đời, ai qua lại cũng thấy nhưng ngại ngùng chẳng dám bước vào, dù vườn không rào, cổng không khóa. Đến ngày đầu tiên của năm 2005 thiên hạ mới thấy cánh rừng kẹp giữa đường Yên Thế và Hùng Vương có đông người đến. Vườn tượng được khai trương, có điều không cờ phướn, không băng khánh thành, không lời phát biểu hay tuyên bố của ai cả, kể cả tác giả. Chỉ có ngợp trời là… rượu vang, hoa hồng, và cả một vườn tượng ẩn nấp dưới bóng thông ngàn.

Những tác phẩm điêu khắc của Phạm Văn Hạng rải ra lững thững nơi mảnh rừng thông. Bên ngoài cánh rừng là thế, còn bên trong căn biệt thự u tịch, có thể thấy đầy hình ảnh những văn nhân hào hoa, nhà văn hoá tài danh của đất nước qua trái tim và đôi tay của  “Người lao lực” Phạm Văn Hạng. Ấy là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Doãn Mẫn, Hoàng Giác, Tô Vũ, Dương Thiệu Tước, văn sĩ Nguyễn Tuân, danh hoạ Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, nhà văn hoá Đào Duy Anh, Trần Văn Khê, Cao Xuân Hạo… Và dĩ nhiên không thể thiếu người nặng nợ ân tình với thành phố cao nguyên Lang Bian: nhà thám hiểm, bác sĩ Alexandre Yersin” (Nguyễn Hàng Tình, Phạm Văn Hạng và vườn tượng đầu tiên ở Đà Lạt, Tuổi trẻ online ngày 2.1.2005, http://tuoitre.vn/pham-van-hang-va-vuon-tuong-dau-tien-o-da-lat-62073.htm)

Video clip “Tự cảm”:

Bộ phim “Gương mặt trong sương” của đạo diễn Phương Ngọc thực hiện tại Đà Lạt là câu chuyện về cuộc đời sáng tác của Phạm Văn Hạng do chính anh kể lại.

Bộ phim “Gương mặt trong sương”:

Ảnh nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và Cầu Rồng (Đà Nẵng)