Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2025

Người thả kẹo trong chiến dịch cầu không vận Berlin (1948-1949)

 Lưu Thủy Hương

Tháng 6 năm 1948, thành phố Berlin rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Giữa bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các cường quốc chiến thắng Thế chiến II, Liên Xô đột ngột phong tỏa toàn bộ các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy dẫn vào Tây Berlin – khu vực do Mỹ, Anh và Pháp kiểm soát. Thành phố hơn hai triệu dân bị cô lập hoàn toàn: không điện, không lương thực, không nhiên liệu.

Mục tiêu của Moskva là buộc phe Đồng minh từ bỏ Berlin hoặc phải chấp nhận các điều kiện do Liên Xô đưa ra nhằm gia tăng ảnh hưởng lên toàn bộ thành phố. Sau mùa đông thất thủ năm 1946-1947 – khi đói rét và chết chóc quét qua nước Đức hoang tàn –- giờ đây, hàng triệu phụ nữ và trẻ em Berlin lại phải đối diện với một mùa đông tuyệt vọng, đen tối khác. Người ta không biết tìm đâu ra thực phẩm, lại phải chẻ bàn ghế trong những ngôi nhà không còn cửa kính để sưởi ấm.

Tây Berlin dần gục ngã trong đói khát và giá lạnh.

Khi ấy, Tướng Lucius D. Clay, chỉ huy lực lượng chiếm đóng Mỹ tại Đức, là người đầu tiên đề xuất sử dụng máy bay vận tải để tiếp tế cho Berlin. Ban đầu chính phủ Mỹ còn do dự về tính khả thi của kế hoạch này. Tuy nhiên, Tổng thống Harry S. Truman đã quyết định chấp thuận phương án cầu không vận – thay vì rút quân khỏi Berlin hoặc thương lượng với Liên Xô.

Anh Quốc nhanh chóng tham gia, rồi đến Pháp và các quốc gia đồng minh khác, biến chiến dịch thành một nỗ lực hợp tác đa quốc gia. Chiến dịch cầu không vận Berlin (Berlin Airlift) chính thức bắt đầu – lần đầu tiên trong lịch sử, một thành phố hơn hai triệu dân được cứu sống bằng đường hàng không.

Từ tháng 6 năm 1948, những chiếc máy bay vận tải của Mỹ, Anh và các nước đồng minh bay suốt ngày đêm, đưa từng bao bột mì, từng thùng sữa, từng viên thuốc và cả than củi vượt qua bầu trời, hạ cánh xuống Berlin.

*

Người phi công Mỹ và câu chuyện kỳ lạ

Trung úy Gail Halvorsen, phi công Không quân Hoa Kỳ trong chiến dịch cầu không vận Berlin, khi ấy mới 28 tuổi. Trong những chuyến bay đầu tiên đến Berlin, khi máy bay đang dỡ hàng tại phi cảng, Halvorsen bước ra gần hàng rào và nhìn thấy một nhóm trẻ em Berlin với khuôn mặt gầy gò, ngây thơ. Những đứa trẻ đứng nhìn lên trời, vẫy tay chào những chiếc máy bay Mỹ ngang qua. Trong túi anh chỉ còn hai thanh kẹo chewing gum. Halvorsen bẻ ra chia cho mấy đứa trẻ. Đó là những phần kẹo nhỏ xíu, và không phải đứa nào cũng được nếm; những đứa không có kẹo thì thèm thuồng hít mùi thơm từ tấm giấy gói. Halvorsen suýt rơi nước mắt, anh hứa:

“Lần sau chú bay đến, chú sẽ thả kẹo xuống cho tụi con.”

Một đứa trẻ hỏi:

“Nhưng làm sao con biết chú là ai trong bao nhiêu máy bay đáp xuống?”

Halvorsen cười:

“Chú sẽ lắc cánh máy bay như là vẫy tay.”

Ngày hôm sau, trước khi hạ cánh xuống sân bay Tempelhof, Halvorsen cho máy bay chao nghiêng đôi cánh để chào đám trẻ đang đứng chờ dưới đất. Rồi từ cửa máy bay, anh thả xuống những gói kẹo buộc vào những chiếc dù nhỏ làm bằng khăn tay.

Từ đó, đám trẻ quanh sân bay trìu mến gọi anh là Onkel Wackelflügel – Chú Lắc Cánh. Tin tức nhanh chóng lan truyền, số trẻ em chờ đợi ở hàng rào ngày càng đông. Ban đêm, sau những giờ bay ròng rã, Halvorsen thức trong căn lán nhỏ, cặm cụi cắt vải làm dù. Những chiếc dù nhỏ xíu, đủ để mang theo một gói kẹo, một phong sô-cô-la và một tình thương.

Halvorsen kêu gọi đồng đội góp thêm bánh kẹo, sô-cô-la… Nhiều phi công hưởng ứng, tham gia cùng anh. Họ đặt tên cho chiến dịch nhỏ bé ấy là Operation Little Vittles – Chiến dịch Những Bữa Ăn Nhỏ.

Khi những đứa trẻ Berlin náo nức gửi thư tới sân bay, trên đó nắn nót ghi dòng chữ: “Thương gửi Chú Lắc Cánh”, câu chuyện mới bị lộ và báo chí bắt đầu đưa tin.

Trước nguy cơ bị kỷ luật vì hành động tự ý, Halvorsen bị triệu tập để báo cáo. Anh thẳng thắn nói:

“Tôi chỉ muốn mấy đứa nhỏ vui. Tụi nó thiếu thốn quá.”

Không ngờ chỉ huy của anh lại đồng tình và chiến dịch được mở rộng, tạo ra làn sóng ủng hộ mạnh mẽ. Halvorsen và phi hành đoàn nhận được 850 pound kẹo, để thả mỗi ngày. Các máy bay thả kẹo được trẻ em Berlin gọi trìu mến là Rosinenbomber – Máy bay thả nho khô –, còn ở Mỹ gọi là Candy Bomber – Máy bay thả kẹo. Đến cuối chiến dịch, các máy bay đã thả tổng cộng 23 tấn kẹo xuống Berlin.

Nhiều người Đức sau này kể lại rằng, Chú Lắc Cánh không chỉ thả kẹo, mà đã thắp lại niềm tin cho một thế hệ – rằng ngay giữa chiến tranh và thù hận, con người vẫn có thể chọn yêu thương.

Gail Halvorsen qua đời vào tháng 2 năm 2022 tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 101 tuổi. Vào sinh nhật thứ 100, mặc chiếc áo khoác phi công của hơn 70 năm trước, ông nói về Berlin bằng nỗi nhớ nhung và thứ tiếng Đức vấp váp của mình:

“Đó là quê hương thứ hai của tôi.”

 
Trung úy Gail Halvorsen, "Người thả bom kẹo", chào đón trẻ em ở Tây Berlin bị cô lập vào khoảng năm 1948-49 sau khi thả những thanh kẹo từ trên không xuống bằng những chiếc dù nhỏ. (Ảnh của Không quân Hoa Kỳ)

*

Cậu bé sáu tuổi đêm đêm nghe tiếng máy bay không vận gầm rú

Câu chuyện về Chú Lắc Cánh không chỉ dừng lại ở những chuyến bay thả kẹo. Nó còn là ký ức của một thế hệ trẻ em Berlin, trong đó có Eberhard Diepgen.

Diepgen là một trong hàng trăm ngàn đứa trẻ Berlin từng ngóng chờ những chiếc máy bay thả kẹo và đối diện với thảm kịch: những ân nhân mang thực phẩm đến cho thành phố chính là kẻ thù từng ném bom lên đầu họ.

Gần bốn thập kỷ sau, ông trở thành Thị trưởng Berlin. Eberhard Diepgen nói:

“Chiến dịch cầu không vận đã đóng vai trò như một nhịp cầu hòa giải giữa Đức và các cường quốc phương Tây từng là kẻ thù.”

Dưới thời Diepgen, Berlin duy trì mối quan hệ đối tác thân thiết với Hoa Kỳ. Ông ủng hộ mạnh mẽ chuyến viếng thăm lịch sử của Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1987. Đứng bên cạnh Diepgen trước bức tường Berlin, Reagan đã phát biểu câu nói lừng lẫy:

“Mr. Gorbachev, tear down this wall!”
(Ông Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này đi!)

Chỉ hai năm sau, bức tường Berlin sụp đổ.

*

Berlin, 09.07.2025