Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2025

Ký ức

 Kiều Thị An Giang

Gửi em – cô gái Brno trong mưa của anh,

Anh không biết bắt đầu từ đâu, chỉ biết rằng mười năm trôi qua, mọi điều trong anh đều dẫn về em – về cái đêm mưa ở Brno, khi anh đứng bên mái hiên với chiếc ô đen và đôi mắt em buồn đến mức có thể làm nứt cả những viên đá lát đường.

Anh đã từng nghĩ, nếu đêm ấy anh đưa tay ra giữ em lại, có lẽ câu chuyện của chúng ta đã khác. Nhưng anh không làm. Không phải vì anh không muốn, mà vì anh không thể. Em không biết, phải không, rằng lúc đó anh cũng đang bị trói trong một cuộc hôn nhân đang mục rữa? Một người phụ nữ ở Paris, một đứa trẻ mới bốn tuổi, và một lời hứa đã cạn ý nghĩa. Anh đã trốn chạy đến Brno để tìm lại chính mình, và lại gặp em – một người cũng đang trốn chạy khỏi Berlin, khỏi một tình yêu khác đã làm em hoảng loạn.

Có lẽ vì thế mà chúng ta nhận ra nhau ngay lập tức.

Hai kẻ thất bại về tình cảm, hai người lạc lối, gặp nhau trong một thành phố mà mưa không bao giờ dứt, như thể Brno muốn giữ chúng ta lại bằng những giọt nước lạnh buốt ấy.

Anh vẫn nhớ từng cử chỉ nhỏ nhặt của em: cách em kéo cao cổ áo khi gió lùa, cách em nắm chặt tách trà gừng để tay bớt run, cách em cố tránh nhìn vào mắt anh khi anh phác họa em trên cuốn sổ cũ. Cái góc nghiêng của gương mặt em bên cửa sổ hắt ánh sáng ngọn đèn trần, đôi mắt nhìn xuyên qua làn mưa chỉ để nắm giữ một điều không bao giờ với tới, đã ám ảnh anh ngay cả khi anh tưởng có thể quên hết mọi điều.

Em biết không? Anh đã vẽ cả trăm bức ký họa, từ những con phố Vienna đến quảng trường Prague, nhưng chỉ duy nhất bức vẽ em, anh không thể hoàn thiện.

Đêm ấy, khi em trở về căn hộ Julia, anh đi bộ dưới mưa, đứng bên kia đường, nhìn ánh đèn hắt ra từ cửa sổ nơi em ngồi, thấy dáng em như một pho tượng buồn bã, và tự hỏi:

“Nếu mình bước lên cầu thang, gõ cửa, liệu cô ấy sẽ để mình vào?”

Anh đứng đó, lặng lẽ như một kẻ hèn nhát.

Anh sợ chính tình yêu này. Sợ rằng nếu bước vào, anh sẽ kéo em vào một mớ bòng bong tồi tệ hơn cả Berlin của em hay Paris của anh.

Đêm em rời Brno, anh còn đứng mãi ở sân ga. Em không thấy anh, nhưng anh thấy em – chiếc vali màu xanh nhạt, mái tóc ngắn ẩm nước mưa, đôi mắt không còn đỏ nhưng vẫn đẫm nỗi buồn.

Anh để em đi vì biết trái tim em chưa sẵn sàng. Anh đã tưởng cuộc chia tay ấy cũng như mọi chia ly khác trong đời người.

Và thế là em đi. Mang theo nỗi buồn của chính em, nhưng để lại trong anh một khoảng trống sâu hoắm mà không ai lấp đầy được.

Anh quay về Paris, cố gắng làm một người cha tốt, một người chồng tử tế, nhưng anh thất bại cả hai. Anh vẫn nhìn Paris qua màu xám nhạt của Brno, vẫn tìm kiếm em trong những giọt mưa rơi trên cửa sổ phòng tranh nơi anh làm việc, vẫn vẽ em – mái tóc ngắn, rối, đôi mắt nhìn xa xăm – trên mọi tấm canvas.

Để rồi một ngày, anh quyết định rời Paris. Anh đi về phía Nam, nơi có những cánh đồng oải hương bạt ngàn của Provence.

Anh mua nốt phần còn lại của quả đồi, phía trên thị trấn L’Isle-sur-la-Sorgue, mở phòng tranh – không phải để bán tranh, mà để chờ một người.

Em sẽ bảo anh điên. Nhưng ở đây người ta gọi anh là quý ông Paris. Rảnh, chỉ vẽ, trồng oải hương và nuôi ong. Thằng nông dân nuôi sống ông hoạ sĩ – dù cả hai đều gàn dở theo đúng cách con trai anh nói về cha nó.

Em có bao giờ tự hỏi tại sao anh lại chọn Provence không?

Không phải vì anh yêu oải hương. Anh từng dị ứng với phấn hoa. Không phải vì ánh nắng miền Nam nước Pháp. Anh từng chê nó quá gắt, quá ngột ngạt. Anh chọn Provence, chỉ vì anh tin, một ngày nào đó, em sẽ ghé qua.

Rời Paris, anh đã mang theo tất cả tranh vẽ em – những bức ký họa không tên, nét phác run rẩy mà anh không bao giờ dám trưng bày. Từ ô cửa sổ phòng tranh, anh có thể nhìn thấy con đường mòn nơi mỗi sáng em sẽ đi bộ ngang qua – nếu em ở đây.

Anh biết, đó là một ảo tưởng điên rồ, một niềm hy vọng mỏng manh như làn sương Provence mỗi sớm sẽ tan ngay khi ánh nắng mặt trời đầu tiên chiếu xuống. Nhưng một người đàn ông đã để lạc mất em ở Brno còn gì để mất, còn gì ngoài hy vọng?

Em. Người đàn bà Brno của anh,

Có thể anh viết hơi lộn xộn, về thời gian, và cảm xúc. Nhưng anh phải viết ra tất cả những gì có thể vì anh sợ một lúc nào đó, anh không còn nhớ tại sao anh lại viết bức thư này.

Quả đồi là một phần thừa kế của gia tộc, thứ tài sản mà anh từng rẻ rúng khi còn trẻ. Đây là một mảnh Provence đầy nắng, nơi gia tộc Beauregard từng nghỉ hè qua nhiều thế hệ.

Ngày ấy anh tin rằng con người phải tự đứng trên đôi chân của mình, phải chinh phục thế giới bằng những bức tranh, chứ không phải dựa vào một mảnh đất mà tổ tiên để lại để trốn chạy khỏi những sai lầm của mình.

Nhưng rồi, một buổi sáng… khi mọi tin nhắn, mọi bức thư anh gửi đi đều không có hồi âm… anh nhận ra: thế giới rộng lớn đến mấy cũng không cứu nổi trái tim này khỏi cô độc. Và thế là anh trở về.

Người dân Provence gọi Beauregard là “ngọn đồi biết giữ bí mật”. Đúng vậy. Từ đỉnh đồi này, người ta có thể nhìn thấy cả trăm mái nhà lấp lánh trong nắng, nghe thấy tiếng chuông nhà thờ buổi sớm và mùi oải hương thoảng qua từng cơn gió. Nhưng cũng từ đây, người ta có thể giấu cả cuộc đời mình vào những khoảng lặng tím biếc, không cần ai chứng kiến – trừ cái chết.

Anh bắt đầu cải tạo ngôi nhà cũ. Mở lại phòng tranh dưới mái vòm đá xám. Treo tấm biển gỗ khắc chữ "Leonas B. – Peintre” trước cửa, như một dấu hiệu để nếu một ngày em lang thang qua đây, em sẽ biết rằng anh vẫn còn sống. Vẫn còn vẽ. Vẫn chở đợi bởi anh nhận ra bản thân chờ đợi đã là ý nghĩa.

Anh biết em lấy chồng, làm việc cho Bưu điện Buổi Sáng ở Berlin. Một phần nào đó trong anh ngu ngốc đến mức tin rằng: nếu gửi thư đến văn phòng đó, có lẽ em sẽ đọc.

Anh đã viết. Viết đến mòn cả ngón tay. Nhưng tất cả phong bì đều trở về, dán nhãn “Người nhận từ chối”.

Một lần duy nhất, anh nhận lại một bức thư từ em. Bên trong không có lời nào. Chỉ có một cành oải hương ép khô. Mùi hương nhạt nhòa đến mức khi anh chạm vào, những bông hoa vụn ra như bụi tím.

Anh hiểu. Em đang nói:

“Đừng tìm em nữa.”

Anh đã thử dừng. Nhưng mỗi buổi chiều, khi ánh nắng rót xuống những cánh đồng lavender như mật ong, anh lại thấy em hiện ra – bước đi giữa những luống hoa, mái tóc ngắn rối tung trong gió. Em không bao giờ ngoảnh lại, nhưng chỉ cần bóng dáng ấy thôi, tim anh đã quặn thắt.

Anh mua Beauregard không phải vì yêu đất đai. Anh mua nó vì anh muốn… nếu một ngày em mệt mỏi, nếu một ngày em tha thứ, nếu một ngày em đủ can đảm để quay lại, thì nơi này sẽ là chỗ trú ẩn của em. Và của anh. Khỏi mọi bão dông. Nơi không ai chê em mơ mộng vì cuộc đời không cần tiểu thuyết. Nơi em có thể lấy mật từ trong đõ, hái Lavender trước nhà, và chạy chân trần trên bạt ngàn đất cát. Em không cần đến toà soạn, nhưng anh cần vẽ – một người thôi – như thế cũng đủ bận rộn suốt cuộc đời...

Anh tưởng tượng cảnh em bước vào gallery, tay còn cầm chiếc ô đen. Em sẽ nhìn thấy những bức tranh anh vẽ về Brno – từng viên đá lát đường ướt sũng, từng ngọn đèn đường nhòe đi trong mưa, từng bóng dáng người đàn bà đứng một mình giữa quảng trường lạnh giá. Em sẽ hỏi:

“Sao anh vẫn vẽ về nơi đó?”

Và anh sẽ trả lời:

“Vì ở đó, anh đã yêu.”

Nhưng em không đến. Và Provence, thay vì trở thành thiên đường, đã trở thành nhà tù ngọt ngào nhất của anh.

Anh bắt đầu kết thân với ông Pierre – chủ tờ Bưu Điện. Anh không bao giờ nhờ ông gửi lời, nhưng anh đủ mánh khóe để ông nhắc đến tên em. Ông ấy không khó để nhận ra – nhưng ông ấy đồng loã – như hai người đàn ông cùng có chung bí mật về một người đàn bà. Mỗi lần tên em được nhắc tới, anh lại lặng người. Một tiếng gọi nhỏ thôi cũng đủ làm vết thương tưởng lành lại bật máu.

Em thân yêu, cô bé Brno buồn bã của anh,

Một gã quý tộc đang chơi trò vẽ vời giữa hai bờ yêu – trách nhiệm. Rốt cuộc anh đã làm đau hết thảy: em, vợ anh, con trai anh, và chính bản thân anh.

Anh rời Brno và tự nhủ: “Ta sẽ quên.” Nhưng anh không thể. Và anh đã biến mình thành kẻ sống dựa vào ký ức: từng giọt mưa Brno, từng vệt hơi nước trên cửa kính, từng lần em khẽ nghiêng đầu, đôi mắt nhìn ra phố… Tất cả trở thành tranh, thành nét vẽ run rẩy, thành những đêm Provence anh không ngủ, lặng lẽ tô lại gương mặt em.

Anh giữ nó lại như giữ một phần của em. Vì anh biết, một ngày nào đó, cô phóng viên của tờ Bưu điện Buổi sáng sẽ đến Provence. Em yêu oải hương mà. Và đúng, em đã đến.

Con trai anh nói rằng em đã đến đây – nhưng anh lại không nhớ chút gì về chuyện đó. Mọi thứ chỉ bắt đầu, kết thúc và xoay quanh Brno. Các bác sĩ gọi nó là một dạng suy thoái trí nhớ chọn lọc – một căn bệnh hiếm gặp đến mức chưa có tên chính thức. Anh gọi nó là Bệnh của Người Đang Yêu.

Anh nhớ Brno, nhớ em… từng chi tiết. Nhưng anh không nhớ nổi bữa tối hôm qua hay cuộc hẹn với bác sĩ sáng nay. Anh biết thời gian của mình không còn nhiều. Và anh gửi bức tranh này đến cho em. Nếu em còn chưa quên chàng trai miền nam nước Pháp của em. Nhưng bức tranh đã bị trả lại theo đường bưu điện. Anh cám ơn vì người ta đã không phá huỷ nó.

Anh để lại bức tranh “Người đàn bà ở Brno” cho con trai – nhờ nó tìm em, trao tận tay em. “Hãy nói với cô ấy rằng, dù không giữ được cô ở lại, bố cháu vẫn vẽ cô suốt một đời.”

Anh xin lỗi… vì anh không còn đủ thời gian để gặp lại em.

Và cũng không chắc, nếu còn sống đến phút ấy, anh còn có thể nhận ra em. Virut đã gặm nhấm óc não anh mỗi ngày, không cách gì ngăn lại được. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng anh nhìn em mà không còn nhận ra em là ai.

Nhưng em hãy tin rằng, em là người đàn bà duy nhất khiến anh thấy cuộc đời đáng để sống đến tận giây phút cuối cùng.

Nếu em đang đọc lá thư này, nghĩa là anh đã nằm đâu đó dưới lớp đất Provence.

Có thể em sẽ khóc thật lâu trước khi tự tha thứ cho mình. Nhưng anh thà ra đi trong im lặng – hơn là để em làm bà góa phụ Beauregard. Anh sẽ không chịu nổi điều đó đâu.

Hãy nhìn bức tranh – và mỉm cười. Vì ít nhất, anh đã yêu em theo cách duy nhất anh có thể: tận cùng và lặng lẽ.

Brno. Provence. Berlin. Dù ở đâu, anh cũng luôn tìm thấy em.

Chúc em một đời đủ dài để tha thứ cho anh, và đủ ngắn để không phải hối hận.

Leonas

Đoạn kết.

Nhiều năm sau, Provence mở một triển lãm tranh để tưởng nhớ người đã hiến toàn bộ tài sản bao gồm ngọn đồi, trại nuôi ong, phòng tranh cùng tất cả hiện vật trong đó. Nàng nhận được lá thư mời ký tên "Leonas – con trai".

Tôi sẽ đi – nàng bảo ông chủ báo. "Với tư cách cá nhân". Ông nhìn nàng: Leonas sẽ rất vui. Nhưng đừng ở lại lâu quá. Chúng tôi sẽ rất nhớ cô!

Triển lãm không đông người nhưng người tham quan không giảm đi theo thời gian. Người ta nói có một thiếu phụ tóc ngắn, mặt nhìn nghiêng như pho tượng, vì buồn nên rất khó quên. Bà mang theo bức hoạ, từ chối bán với mọi đề nghị.

Tờ Bưu điện Buổi sáng khuyết một chỗ – nghe nói – đến bây giờ vẫn không tìm được ai thay thế.