Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2025

Kiến nghị nhân ngày thương binh - liệt sĩ

 (Viết sau khi dự cuộc gặp mặt thân nhân liệt sĩ, người có công, kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2025)

Nguyễn Đình Bin

Kính gửi các cơ quan hữu quan của Đảng và Nhà nước,

Mấy thập niên chiến tranh liên tiếp đã để lại bao hậu quả vô cùng nặng nề, những nỗi đau xé lòng khôn xiết cho đất nước và nhân dân ta.

Trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, nhân văn và tích cực nhằm khắc phục những hậu quả này. Các chính sách tri ân gia đình có công với cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh; việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, xây dựng nghĩa trang, tượng đài, bia tưởng niệm Liệt sĩ; cùng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ... đã làm dịu bớt những nỗi đau, bù đắp phần nào những mất mát lớn.

Tuy nhiên, công việc này rõ ràng còn phải tiếp tục lâu dài, quyết liệt và làm tốt hơn nữa. Vẫn còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, và hơn 300.000 hài cốt vẫn chưa xác định được danh tính. Bên cạnh đó, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh vẫn còn đang đối mặt với những khó khăn trong đời sống, cùng gánh nặng ốm đau, bệnh tật.

Trong khi đó, một điều thực sự gây trăn trở và đau lòng cho bao người Việt Nam mong muốn hòa giải dân tộc thực sự, hòa hợp quốc gia một cách bao dung và nhân bản, là vẫn chưa có chủ trương hay chính sách chính thức nào về việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ Việt Nam Cộng hòa mất tích trong chiến tranh (theo các nguồn ước tính khoảng 50.000–65.000 người), cũng như đối với thương phế binh (hiện còn sống ước tính 15.000–25.000 người) và thân nhân của họ, dù chiến tranh chấm dứt đã hơn nửa thế kỷ.

Nỗi trăn trở ấy đã day dứt tôi suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, mỗi dịp như hôm nay, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, tôi lại thấy trái tim mình như bị chích bởi một câu hỏi: Vì sao, trong suốt mấy chục năm qua, chúng ta đã và vẫn đang tích cực hợp tác với Hoa Kỳ để tìm kiếm hài cốt binh lính của họ – những người đã từ bên kia đại dương đến xâm lược, gây nên bao tội ác đối với nhân dân và đất nước ta – mà lại không làm việc tương tự với những đồng bào, cùng chung máu mủ của mình, từng đứng ở bên kia chiến tuyến, nói cho cùng cũng chỉ là nạn nhân của chiến tranh và của lịch sử?

Tôi đã tìm thấy câu trả lời đầy đủ và rõ ràng trong bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Tổng Bí thư Tô Lâm, đăng ngày 27/4/2025, nhân kỷ niệm 50 năm ngày non sông thu về một mối. Trong bài viết đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã cho ý kiến chỉ đạo rằng: “Không có lý do gì để những người Việt Nam – cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh – lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách”. Bởi vậy, nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2025, cùng với những kiến nghị về binh sĩ Việt Nam Cộng hòa mà tôi đã đề xuất tại TÂM THƯ 19/5/2020 gửi Trung ương Đảng khóa XII (đáng buồn là vẫn chưa được thực hiện), tôi xin trân trọng đề nghị:

Các cơ quan hữu quan của Đảng và Nhà nước sớm xem xét, đề xuất các chủ trương, chính sách và kế hoạch cụ thể, theo tinh thần chỉ đạo nói trên của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm tìm kiếm, quy tập hài cốt các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa mất tích trong chiến tranh, đồng thời hỗ trợ gia đình họ thực hiện nhu cầu tâm linh, rất thiêng liêng đối với mọi người dân Việt. Việc này sẽ góp phần giảm bớt nỗi đau chia ly và hàn gắn những vết thương của cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Đây là một việc làm có ý nghĩa lớn lao, thiết thực về nhân đạo, lịch sử, chính trị và xã hội, thể hiện tầm nhìn vượt lên hận thù. Nó hoàn toàn phù hợp với truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận” của dân tộc Việt Nam, phù hợp với công ước quốc tế về nhân đạo hậu chiến.

Đồng thời, đây cũng là một hành động thiết thực góp phần thực hiện cuộc Đại cách mạng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động và đang lãnh đạo toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta thực hiện, với quyết tâm đổi mới toàn diện, triệt để, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm phát huy tối đa nội lực, để vươn mình trong kỷ nguyên mới, xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, văn minh, mang lại hạnh phúc thực sự cho mọi người dân Việt, sánh vai với các cường quốc năm châu, và đóng góp xứng đáng cho nhân loại.

Trân trọng,

Nguyễn Đình Bin

Tôi xin phép tác giả, nghệ sĩ nghiếp ảnh, phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam Chu Chí Thành đăng tải kèm theo 4 tấm ảnh lịch sử trong tập ảnh "Hai Người Lính”, đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh.

  

Hai người lính: Chiến sĩ Quân Giải phóng Nguyễn Huy Tạo và anh lính Sài Gòn Bùi Trọng Nghĩa tại Quảng Trị, Xuân 1973

 

Hai người lính gặp nhau sau 45 năm, dịp kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris, Xuân 2018

 

Những bàn tay lưu luyến. Lính Sài Gòn được trả tự do và chiến sĩ Giải phóng trên sông Thạch Hãn, Xuân 1973

 
 

Tay bắt mặt mừng giữa Quân Giải phóng, du kích và lính Cộng Hòa tại Quảng Trị, Xuân 1973.