Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2025

Étienne de la Boétie – Con đường từ Nô lệ đến Tự do & Những tương giao lịch sử

 Nguyễn Hồng Anh

Étienne de la Boétie có lẽ là một tên tuổi không mấy quen thuộc trong cộng đồng học thuật ở Việt Nam, một phần vì di sản ông để lại thật ít ỏi. Nhưng đóng góp của một người không phải đo bằng độ dày của các công trình, mà bằng giá trị vượt thời gian của chúng. Luận văn về Tình trạng Nô lệ Tự nguyện (gọi tắt là Luận văn) của Étienne de la Boétie là một công trình như thế, xuất hiện vào giữa thế kỷ 16 như một cú đột phá về tư tưởng đương thời và ứng nghiệm với nhiều thời, trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho những nhà chính trị, nhà văn hoá cách xa ông hàng thế kỷ, trong số đó, theo Murray Rothbard (2002, tr. 18), có thể kể đến Lev Tolstoy, Henry David Thoreau, Benjamin R. Tucker, Gustav Landauer…

Bài luận được viết khi Étienne de la Boétie còn là một sinh viên được đào tạo trong môi trường tiến bộ của đại học Pháp, với ảnh hưởng của phong trào Kháng Cách đang nở rộ ở châu Âu thời bấy giờ (bằng chứng là một trong những giáo sư đại học của Boétie đã bị thiêu sống vì tội dị giáo) (theo MacElroy, 2003). Chàng thanh niên ấy, bằng khả năng quan sát xã hội sâu sắc cộng với tinh thần cương trực, đã cho ra đời bản Luận văn vạch trần bản chất chế độ quân chủ chuyên chế, trong đó tập trung vào hai thành phần nòng cốt làm nên tình trạng “nô lệ tự nguyện”: quần chúng nhân dân và người cai trị.

Bài viết này không đơn thuần bàn về những quan điểm trên của Boétie, mà còn đặt văn bản của ông dưới sự liên tưởng đến một số bản văn, truyện kể, tác phẩm văn học, tư tưởng văn hoá chính trị có sự tương đồng trong lịch sử, không chỉ để góp phần soi sáng quan điểm của Boétie mà còn chứng minh sức ảnh hưởng của ông trong nền triết học chính trị phương Tây, cũng như tính phổ quát với tư tưởng nhân loại qua những “gặp gỡ” tình cờ.

  1. Quần chúng nhân dân – khi họ xứng đáng trở thành nô lệ

Giả sử ta đồng ý với tiền đề của Boétie về “tự do”: “tự do là trạng thái tự nhiên” thuộc về bản chất tất yếu của các loài sinh vật, trong đó có con người, thì nô lệ là tình trạng phi tự nhiên. Vậy vì sao trong xã hội quân chủ chuyên chế, người dân lại bỏ rơi tự do mà chấp nhận làm nô lệ? Đây là ví dụ do Boétie dẫn ra để giải thích:

“Người ta kể rằng Lycurgus, nhà lập pháp của Sparta, có nuôi hai con chó cùng lứa, vỗ béo một con trong bếp và huấn luyện con kia ngoài đồng theo tiếng tù và, nhân đó chứng minh cho những người Lacedaemo rằng con người cũng thế, phát triển theo những thói quen đầu đời của họ. Ông đưa hai con chó ra chợ, đặt giữa chúng một bát xúp và một con thỏ rừng. Một con chạy tới bát xúp, con kia đuổi theo con thỏ rừng, mặc dù ông khẳng định rằng chúng là anh em cùng cha mẹ”.

Ở Việt Nam có một câu chuyện dân gian tương tự: Trạng Quỳnh và con mèo của vua: Thấy con mèo ở trong cung điện được ăn toàn sơn hào hải vị, Trạng Quỳnh lấy cắp con mèo về nhà, để nó thật đói mới bày ra hai phần thức ăn, một phần thịt cá ngon lành, một phần chỉ có rau dưa. Mỗi khi con mèo tiến gần đến phần thịt cá, nó liền bị đánh thật đau, đói quá nó đành mò sang phần rau dưa không ngon lành gì. Ngày này qua ngày khác cứ như thế, đến khi quân lính khi đi tìm mèo cho vua phát hiện con mèo của Trạng Quỳnh giống hệt của nhà vua. Vua bảo Trạng Quỳnh mang con mèo tới và bày ra hai dĩa thức ăn theo gợi ý của Trạng Quỳnh để thử: “Nếu nó ăn phần sơn hào hải vị thì là mèo của hoàng thượng, còn nó ăn phần thức ăn nghèo nàn thì là mèo của hạ thần”. Vua đồng ý. Vừa mang hai dĩa thức ăn bày ra, con mèo lập tức chạy đến phần rau dưa ăn sạch.

Người ta chấp nhận tình trạng nô lệ, trong khi rõ ràng nó bày ra trước mắt họ tình cảnh (bị quất roi) và phần thưởng (món đầu tôm) tồi tệ hơn rất nhiều trạng thái tự do, vì người ta sẽ suy nghĩ và hành động theo khuynh hướng mà họ được huấn luyện, bất chấp xuất phát điểm như thế nào. Vào cuối thế kỷ 19, điều này đã được chứng minh bằng thực nghiệm khoa học nổi tiếng: “con chó của Pavlov”, và được nhà sinh lý học Ivan Petrovich Pavlov gọi tên cho định luật này là “phản xạ có điều kiện”. Nhưng ta sẽ thấy vấn đề Boétie đặt ra vượt qua hiện tượng sinh lý học đơn thuần, qua câu hỏi tiếp theo được khơi lên: Nếu việc huấn luyện (tác nhân bên ngoài) có thể khiến thay đổi thói quen thì liệu trong một phút giây ngơi nghỉ nào đó, bản năng tự do bên trong có thức dậy khiến con chó cảm thấy cần đuổi theo con thỏ để thoả mãn bản tính săn mồi và con mèo chợt nhớ lại mùi thơm quyến rũ của món thịt cá chăng? Cái gì đảm bảo tác động của sự huấn luyện sẽ bền lâu để giữ đối tượng trong tình trạng nô lệ vĩnh viễn? Boétie cũng đã giải đáp vấn đề này rất sâu sắc bằng một hiện tượng tâm lí gọi là “tình trạng quên lãng hoàn toàn tự do”.

Hẳn chúng ta đã biết về câu chuyện năm con khỉ trong phòng cùng với cái thang chữ A có nải chuối đặt trên đỉnh và vòi nước lạnh xịt vào đám khỉ khi có một con trèo lên thang. Con khỉ liều lĩnh đó lập tức bị bốn con còn lại đánh đập, cho đến khi không con nào dám mon men đến gần cái thang có nải chuối nữa. Người ta bắt đầu đưa một con ra khỏi phòng và thay vào một con khỉ mới, con này theo bản năng định trèo lên lấy chuối, và hành vi đánh đập của đám khỉ còn lại lại diễn ra. Cho đến khi năm con khỉ ban đầu tuần tự được thay ra và thế chỗ bằng những con mới, nghĩa là đến một lúc sẽ không còn con nào trong phòng hiện giờ từng bị trừng phạt bởi vòi nước lạnh nữa, nhưng chúng vẫn hành xử y hệt như những con đầu tiên: không con nào trèo lên cái thang. Cho dù chuyện năm con khỉ trên đây chỉ là giả tưởng nhưng đó là minh hoạ dễ hiểu cho tình trạng Boétie gọi là sự “quên lãng hoàn toàn tự do”: không phải quên cái mà anh từng trải nghiệm trong ký ức (tự do), mà quên do kế thừa, từ thế hệ này sang thế hệ khác, khiến ký ức về tự do vốn từng có trở thành cái gì đó phi thực. Lúc này, sự quên là tất yếu và không cần lí do, tức là người ta không ý thức được đó là quên nữa. Đã không ý thức được thì không có khả năng kháng cự, do đó, nô lệ trở thành tình trạng tự nguyện: “Đúng là ban đầu con người phải chịu quy phục dưới kìm kẹp và bởi vũ lực; nhưng những kẻ đến sau họ tuân phục mà không nuối tiếc, và sẵn lòng tự nguyện làm những việc mà những người đến trước bị cưỡng bức phải làm”.

Và vì xem điều kiện và hoàn cảnh mình đang sống là hoàn toàn tự nhiên, nên Boétie gọi nó bằng cái tên – “phong tục” – “Như vậy phong tục trở thành lí do đầu tiên của tình trạng nô lệ tự nguyện”. Đây là một lí giải mang tính phát hiện của Boétie: Với một dân tộc, khi tình trạng nô lệ là một áp đặt từ bên ngoài (bằng vũ lực chẳng hạn) thì phản kháng là tất yếu, nhưng khi nó trở thành tâm lí bên trong, thì tình thế nan giải hơn rất nhiều. Và nó cũng giải thích được sự phi lí về tương quan lực lượng giữa nhân dân và người cai trị: một bên là số đông, một bên là thiểu số ít ỏi, nhưng kẻ cai trị vẫn có thể giữ người dân trong sự tòng phục mình.

Thật ngạc nhiên khi ngay từ thế kỷ 16, Boétie đã nhận thấy được cốt lõi của “tự do” và “nô lệ” của một dân tộc là vấn đề thuộc về hệ tư tưởng. Ở một chừng mực nhất định, quan điểm này của ông vẫn thời thượng trong bối cảnh hiện đại, như trường hợp chế độ độc tài Đức Quốc xã củng cố quyền lực và cai trị bằng sự áp đặt tư tưởng lên toàn bộ thành viên xã hội, theo lí giải của Hannah Arendt, nhà chính trị học nổi bật của thế kỷ 20.

  1. Kẻ cai trị và quyền năng của Chúa

          Trong phần II và III của Luận văn, Boétie bàn về thuật cai trị của bạo chúa, làm thế nào để người dân quên lãng quyền tự do của họ. Có tất cả bốn cách thức:

  • Kiểm soát thông tin và giáo dục
  • Cung cấp bánh mì và rạp xiếc
  • Khiến dân chúng tôn thờ mình
  • Tuyển dụng tay sai vào các công việc của nhà nước

Thế kỷ 15 chứng kiến một phát minh làm thay đổi lớn tư tưởng nhân loại: sự ra đời của máy in. Với hàng loạt ấn phẩm được in và phát hành rộng rãi, trong đó có Kinh Thánh, vai trò của linh mục và nhà thờ bị giảm sút đáng kể, khi nhà thờ và linh mục không còn độc quyền tri thức nữa. Kháng Cách là hệ quả tất yếu phải xảy ra trong tiến trình phát triển tư tưởng nhân loại, và cũng có thể là một trong những động lực chính cho Luận văn ra đời. Rút bài học từ lịch sử, cách thức (1) hiển nhiên phải được áp dụng để các nhà cai trị giam giữ thường dân trong sự “lãng quên” và ngu dốt. Điều này cũng có nghĩa là, những ai có thể tiếp cận được nguồn tri thức thật sự, qua giáo dục và sách vở, sẽ có khả năng làm cách mạng, như Boétie nói: “sách và học thuyết, hơn bất cứ thứ gì khác, mang lại cho con người cảm giác và lí trí để tự hiểu mình và ghê tởm bạo quyền”.

Cách thức (2) được Boétie diễn giải qua hai hình ảnh ẩn dụ rất hay là “bánh mì” và “rạp xiếc”. Bằng cách cung cấp “bánh mì”, tức phúc lợi nhà nước, và “rạp xiếc”, tức những trò giải trí phổ biến, người dân đã bị mua chuộc để từ bỏ quyền tự do của họ. Dù nghịch lí là thứ bánh mì ấy được tạo ra từ chính nguồn lực của người dân, từ công sức lao động, từ tiền đóng thuế, từ những người cha người anh người con bị đẩy ra nông trường và chiến trường. Còn “rạp xiếc” có lẽ là hình dung đầy châm biếm và đau đớn về sự thờ ơ của người dân với tự do của mình, khi họ đánh đổi lấy vài giờ vui vẻ, giải trí xem trò diễn mà quên mất cả đời mình đang là diễn viên diễn trò trong trò chơi chính trị do người khác điều khiển. Tính nghịch lý đó được ngụy trang bằng sự an toàn, rằng nếu chấp nhận bánh mì và rạp xiếc thì chắc chắn họ không phải chết đói và thỉnh thoảng cũng có được niềm vui. Boétie, do đó, đã phải cay đắng viết rằng: “người thông minh hiểu biết nhất trong số họ cũng không bỏ bát xúp để giành lại tự do của nước Cộng hòa của Plato”.

Tôi muốn dừng lại lâu hơn ở cách thức thứ (3), vì phân tích của Boétie khơi gợi sự liên tưởng đến một ý niệm hiện đại nổi tiếng về “cộng đồng tưởng tượng” (imagined community) của Benedict Anderson, nhà dân tộc học người Mỹ của thế kỷ 20. Theo Anderson, bất kì dân tộc nào cũng là một “cộng đồng chính trị tưởng tượng”. Sự tưởng tượng về tính dân tộc là chất keo kết dính các thành viên lại với nhau, khiến các thành viên tuy không quen biết nhau nhưng lại gắn bó với nhau bởi những đặc trưng được tạo ra từ hệ thống chuyên chế, là tôn giáo và vương triều. Tuy “cộng đồng tưởng tượng” là học thuyết được khám phá vào thế kỷ 20, nhưng lại có điểm tương đồng đáng ngạc nhiên với tư tưởng của Boétie từ thế kỷ 16, khi Boétie cũng nhấn mạnh đến phương pháp thu phục lòng người của các bạo chúa bằng cách kết nối thần dân lại thành một cộng đồng quy phục qua các biểu tượng vương triều và truyện kể thần bí. Cụ thể, Boétie viết:

“Các ông vua xa xưa nhất của Ai Cập hiếm khi xuất hiện trước công chúng mà không đội mũ, và đôi khi một nhánh cây, hoặc xuất hiện với lửa trên đầu họ, ngụy trang bản thân họ với những vật ấy hay trình diễn như những thầy phù thủy”.

Còn Anderson viết:

“Tính hợp thức của nó bắt nguồn từ tính thần thánh chứ không phải từ dân chúng, và dân chúng rốt cục là thần dân [subject] chứ không phải là công dân [citizen]” (2019, tr.32)

“Sự trung thành của con người nhất thiết phải mang tính tôn ty và tính hướng tâm, bởi lẽ người cai trị, cũng giống như kí tự thiêng, là điểm dẫn vào tồn tại [being], và bản thân họ chính là một phần mặc nhiên trong đó” (2019, tr.55)

          Dù trong một nền chính trị hiện đại phi quân chủ đi nữa thì biểu tượng vương quyền vẫn vô cùng quan trọng trước mắt nhân dân, cung điện có thể thay bằng công trình kiến trúc bất khả xâm phạm (nên khi toà nhà Quốc hội Mỹ bị thường dân tấn công ngày 6/1/2021 lập tức trở thành sự kiện gây chấn động trong lịch sử nước Mỹ), kiệu rước có thể thay bằng chuyên cơ đặc quyền, v.v. Chúng tạo ra sự kính trọng và ngưỡng vọng, khiến một cuộc nổi loạn lật đổ người sở hữu những biểu tượng ấy trở nên hi hữu. Tính chất thần bí cũng là một yếu tố quan trọng để chính danh hoá quyền lực của người cai trị, như những truyện gắn vua với con của thần linh phổ biến trong các quốc gia quân chủ: trước 1945, hoàng đế Nhật Bản mang tước hiệu Thiên hoàng, được xem là hậu duệ của thần linh; các Pharaon Ai Cập được xem là con trai của Ra – thần Mặt trời. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, câu chuyện thần linh hoá nhà vua đã có truyền thống rất lâu đời, như trong Nam quốc sơn hà, Lý Thường Kiệt viết: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, cho việc cai trị của vua nước Nam đã được ghi sẵn trong “sách trời”. Hay trong hệ thống truyền thuyết dân gian kể về những hành trạng của Nguyễn Ánh khi trốn lánh quân Tây Sơn ở Nam Bộ thường gắn với sự phù trợ thần kỳ, như những truyện: cá Ông cứu thuyền của Nguyễn Ánh trong cảnh sóng to gió lớn và đưa vào bờ an toàn, bầy cá sấu hay rái cá cản không cho thuyền đi vì có quân Tây Sơn bao vây phía trước… – đều nhằm mục đích tiên tri cho một thánh nhân xứng đáng với ngai vàng trong tương lai. Khi đã được hậu thuẫn bởi thánh thần, việc “thay trời hành đạo”, xuống trần để lập nghiệp lớn trở thành sứ mệnh tất yếu của bậc thiên tử. Những yếu tố vương triều và tôn giáo ấy đã tạo nên tính dân tộc tưởng tượng xoay quanh một trung tâm là vua/ người cai trị. Và bất kì thành viên nào cùng chia sẻ niềm tin ấy thì cùng thuộc một cộng đồng dân tộc. Thời của Boétie chưa có khái niệm về chủ nghĩa dân tộc nhưng ông đã nhận thấy cách thức vận hành của một chế độ tương tự qua việc các bạo chúa thu phục dân chúng bằng ý thức hệ.

          Cách thức (4) khiến Boétie dành trọn phần III của Luận văn để phân tích. Phần này chỉ nói về một tầng lớp: những công chức tay sai làm việc cho kẻ độc tài. Boétie vừa đánh giá vai trò cực kì quan trọng của lớp người này (ông gọi việc dùng những người này là “cái bí mật của thống trị, nền móng và sự chống đỡ cho thể chế chuyên quyền”), vừa thể hiện thái độ khinh thường:

“… khi một kẻ cầm quyền tự biến mình thành chuyên quyền, tất cả những cặn bã xấu xa nhất của dân tộc – tôi không muốn nói lũ trộm cắp lặt vặt và những tên lưu manh trơ tráo, vốn không quan trọng về thiện hay ác – mà tất cả những kẻ đồi bại bởi tham vọng cháy bỏng hoặc lòng tham phi thường, tụ tập xung quanh hắn và ủng hộ hắn để chia chác của cướp được, và bản thân chúng là những tên thủ lĩnh nhỏ dưới trướng tên bạo chúa lớn”.

          Đây là mô hình quyền lực phân cấp theo kiểu kim tự tháp, với đỉnh là bạo chúa, dưới đỉnh chỉ có năm hay sáu người thân cận, nhưng dưới trướng sáu người này có 600 người, dưới 600 người là 6000 người… Và họ đáng khinh vì họ tước đoạt tự do của đồng bào, hàng xóm của họ để đổi lấy phúc lợi được hưởng từ kẻ bạo chúa. Nhưng phần thưởng có thật là phần thưởng không? Boétie không chỉ nêu và đánh giá hiện tượng, ông còn phân tích hệ quả những người này sẽ gánh chịu qua viện dẫn lịch sử kết hợp suy luận logic. Tai hoạ luôn chực chờ, vì làm sao có thể trông chờ tình bạn, lòng trung tín nơi một tên bạo chúa luôn hành xử vô đạo? “Cảnh huy hoàng này hút họ lại gần, mà không nhận ra rằng họ đang tới gần ngọn lửa nhất định sẽ thiêu rụi họ”.

Lập luận này lại khiến tôi nhớ đến nhân vật Ponti Pilat trong tiểu thuyết kinh điển thế kỷ 20 của nhà văn Nga Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita. Đây là nhân vật có nguyên mẫu từ vị Quan tổng trấn người La Mã cai quản xứ Judea trong Kinh Thánh. Sáng tạo của Bulgakov là đã bắt được khoảnh khắc giằng xé nội tâm của ông khi xử án Jesus để tạo ra một hình tượng nhân vật là đại diện cho tầng lớp người mà Boétie đề cập ở trên: Dưới quyền hoàng đế Caesar, Pilat dù rất muốn tha cho Jesus vì biết người này vô tội, nhưng khi bị các kinh sư doạ – kẻ này (Jesus) dám xưng mình là vua, chúng tôi chỉ có một vua là hoàng đế Caesar, nếu ông tha cho hắn thì ông chống lại Caesar – Pilat đành chịu thua. Sự dằn vặt lương tri chỉ được nói qua thoáng chốc trong Kinh Thánh, nhưng được Bulgakov triển khai bao trùm cả tiểu thuyết: hình tượng Pilat ngồi trên mỏm đá đơn độc ở cuối truyện chờ được giải thoát trong suốt 2000 năm từ vụ xử án Jesus là hình phạt miên viễn ông phải chịu. Đó là hình phạt nô lệ tinh thần dành cho bọn tay sai mà Boétie đã nói tới: “những người dân thành phố, những nông dân, mà chúng giẫm đạp lên và đối xử với họ như những tù nhân hay nô lệ, tôi xin nói rằng chúng sẽ nhận ra rằng những người ấy, dù bị ngược đãi như thế, so với chúng, họ vẫn còn khá hơn và tương đối tự do hơn”.

  1. “Hãy quyết định không phục vụ nữa, và ngay lập tức anh được tự do”

          Trở lại với quần chúng nhân dân, nhân tố trung tâm và duy nhất có thể thay đổi chế độ chuyên chế, Boétie đề ra giải pháp để thoát khỏi tình trạng “nô lệ tự nguyện”. Thực ra giải pháp đã được nêu ra ngay những đoạn văn đầu phần I, như thể hào hứng và nhiệt huyết với ý tưởng này đến nỗi ông không thể kiềm giữ lại đến cuối: “Hãy quyết định không phục vụ nữa, và ngay lập tức anh được tự do”. Đây cũng là một trong những câu nổi tiếng nhất của toàn Luận văn, thường được người đời sau trích dẫn, vì đây cũng là tư tưởng mang tính đóng góp nhất của Boétie cho lịch sử triết học chính trị nhân loại.

          Người đọc khi đọc đến cuối văn bản, buộc phải quay lại đọc phần đầu để chiêm nghiệm con đường mà từ sớm Boétie đã vạch ra: Nếu ngai vàng được củng cố từ sự đồng thuận, tự nguyện của dân chúng, thì giải pháp đơn giản là rút lại sự đồng thuận đó; qua đó tác giả cũng đảm bảo với người dân rằng, để lật đổ bạo chúa, họ không cần phải đổ máu. Đây chính là giải pháp bất bạo động, rồi sẽ là tâm điểm của các cuộc đấu tranh chính trị của thế kỷ 19-20. Theo Murray Rothbard, nhà lý luận chính trị người Mỹ, ảnh hưởng từ tư tưởng của Boétie có thể thấy rõ qua một số bản văn lịch sử: Die Revolution của Gustav Landauer, người theo chủ nghĩa vô chính phủ hàng đầu của Đức vào đầu thế kỷ 20, đã tóm tắt lại Luận văn và dùng nó như nội dung cốt lõi; Conquest of Violence của Barthelemy de Ligt, một người theo chủ nghĩa hòa bình - vô chính phủ hàng đầu của thế kỷ 20, thì dành nhiều trang để ca ngợi và thảo luận về Luận văn, v.v. (Rothbard, 2002, tr.19).

          Một nhân vật tôi muốn nói nhiều hơn ở đây là nhà văn Lev Tolstoy. Nhiều người biết tư tưởng bất bạo động của Lev Tolstoy đã tác động đến biện pháp tranh đấu xã hội của Mahatma Gandhi như thế nào, sau khi ông đọc được cuốn Vương quốc của Chúa là ở bên trong bạn của nhà đại văn hào Nga. Nhiều người cũng biết ở tuổi quá trung niên, Tolstoy đã đi tìm triết lý sống trong ngọn nguồn tôn giáo phương Tây và phương Đông. Và trong một tác phẩm triết lý kiểu như thế (Luật yêu thương và luật bạo lực), ông đã trích dẫn chính Luận văn của Boétie (Tolstoy, 1974, tr.33-35) và diễn giải: “Có vẻ như những người lao động, không thu được bất kỳ lợi ích nào từ sự kiềm kẹp áp dụng lên họ, cuối cùng nên nhận ra sự dối trá mà họ đang sống và tự giải thoát mình theo cách đơn giản và dễ dàng nhất; bằng cách tránh tham gia vào bạo lực vốn chỉ có thể xảy ra với sự hợp tác của họ” (tr.35-36). Việc trích dẫn của Tolstoy không thể chứng minh nhà văn chịu tác động từ Boétie, nhưng cho thấy Tolstoy đã đọc Luận văn và hoàn toàn đồng ý với quan điểm của nhà chính trị trẻ tuổi sống vào thế kỷ 16.

          Trở lại với Boétie, tư tưởng bất bạo động của ông đã chỉ ra sự thay đổi từ gốc rễ: cách để thoát khỏi “nô lệ tự nguyện” không phải là giết một bạo chúa, mà là từ chối trao quyền cho y. Khi tình trạng nô lệ không phải do bị ép buộc bằng bạo lực mà bằng tâm lý/ tư tưởng, thì phản kháng lại nó cũng phải bằng phi bạo lực, bằng giải phóng tâm lý/ tư tưởng. Chỉ bằng lựa chọn của anh, “quyết định không phục vụ nữa” và “sẵn sàng tự do” thì anh mới có tự do. Với tư tưởng đó, Étienne de la Boétie xứng đáng được vinh danh là “nhà triết học chính trị tự do đầu tiên ở thế giới phương Tây” (Rothbard, 2002, tr.34)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Benedict Anderson (2019). Những cộng đồng tưởng tượng: Suy nghĩ về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc (Nguyễn Thu Giang, Vũ Đức Liêm, Phạm Văn Thủy và Nguyễn Thanh Tùng dịch). Hà Nội: Đại học Sư phạm.

Étienne de la Boétie. Luận văn về Tình trạng Nô lệ Tự nguyện (Hiếu Tân dịch). Bản thảo.

Leo Tolstoy (1974). The Law of Love and the Law of Violence (Mary Koutouzow Tolstoy trans.). Holt, Rinehart and Winston.

Murray Rothbard (2002). Introduction: The Political Thought of Étienne de la Boétie. In Étienne de la Boétie, The Politics of Obedience: The Discourse of Voluntary Servitude (Harry Kurz trans.) (pp. 9-38). Auburn: The Mises Institute.

Wendy MacElroy (2003). Étienne de La Boétie, Part 1 & Part 2. The Future of Freedom Foundation. https://www.fff.org/explore-freedom/article/tienne-de-la-botie-part-1/ (Part 1). https://www.fff.org/explore-freedom/article/tienne-de-la-botie-part-2/ (Part 2). Truy cập 20/8/2023.