Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2025

Cao Đông Khánh – mơ hồ hồn Việt thiên thu

 Nguyễn Nguyên

                                       

Lửa đốt ngoài giới hạn (1975-1996) xuất bản tháng 12/1996 tại IMAGE masters (Hoa Kỳ). Xin trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ từ nhiều người, đặc biệt từ ký giả Huy Vespa, chủ trang huyvespa.blogspot.com đã thịnh tình gửi cho bản điện tử của một tác phẩm không dễ kiếm; giúp tôi có cơ hội tiếp cận tập tuyển duy nhất của suốt đời thơ Cao Đông Khánh.

Có lẽ ông còn là người duy nhất chỉ lưu truyền những bài thơ sáng tác tại hải ngoại trong số các thi nhân đã làm nên nền thơ ca miền Nam trước 1975 và hải ngoại. Có lẽ ông cũng là người làm rõ nhất tâm trạng, suy tư, mong mỏi của người Việt trong suốt chặng đường bỏ chạy khỏi đất nước, sống cuộc đời tha hương xứ sở Cờ Hoa thông qua ngòi bút rực cháy riêng  mình.

Cao Đông Khánh – tranh Đinh Cường

 

Đã có một Cao Đông Khánh tĩnh lặng rất lâu, để rồi bất chợt lên ngôi đầu thơ hải ngoại.

“Hình như, hắn ở với, nhưng hắn không ở trong cuộc đời, hắn ở đâu đó, ở chung quanh, ở trên, ở ngoài, để nhìn ngắm chính mình đang sống tận tuyệt trong những điều bất như ý liên quan”

Điều này xuyên suốt, xâu chuỗi những sự thật của mơ hồ và mơ hồ của sự thật qua ngòi bút ảo diệu Cao Đông Khánh.

Sự thật mơ hồ

Sự thật mơ hồ làm nên con người Cao Đông Khánh là những gì ngàn năm linh ứng trở thành hồn vía người Việt với một tình yêu dâng hiến, cho hết dẫu có phải trải qua mọi hình thức đau thương. Ông diễn giải “hắn có đủ thứ rồng tiên ở giống nòi, linh địa của quê hương, để hắn cả tin rằng miếng đất đó là nơi hóa giải hồng thủy, nếu có”. 

Cao Đông Khánh tự tôn và kiêu hãnh về nguồn gốc mơ hồ có thật nơi mình. Những tản văn bầy ngựa trên linh địa, định liệu của tình cờ, điều xác tín đưa người đọc đến với cội nguồn mơ hồ đó.

Với nguồn cội ngàn năm, Cao Đông Khánh tự tin chứa trọn vẹn một xứ Việt Nam cùng hàng chục triệu người Việt Nam hùng cường bất khuất. Xứ Việt Nam đó tồn tại qua bao biến chuyển lịch sử nhờ hồn vía đất nước trở thành hơi thở của mỗi con người.

Thuộc bên bại trận, Cao Đông Khánh mang cả hồn vía giống nòi chìm nổi trong cảnh sinh tồn mới. Khởi loạn, Mất tên Đổi chủ, Nhập tràng diễn tả sâu sắc tâm trạng bi ai đó. Ông nhìn đâu cũng thấy tủi cực, nhìn đâu cũng thấy những cuộc đời sụp đổ như quốc gia cộng hòa. Dẫu vậy, Cao Đông Khánh vẫn cảm nhận được sự tồn tại của mình nhờ sức mạnh mơ hồ “hắn đã cưu mang”. Căn cước lưu vong là vọng tưởng hùng hồn đó.

Trong vòng phong tỏa Cao Đông Khánh vẫn một mực khẳng định “sống chết ở đâu anh cũng là người Việt Nam” (Chiếc tiềm thủy đỉnh vàng). Trong Ước nguyện trùng khơi Cao Đông Khánh vẫn thấy lại xương máu của tiền nhân đã đổ ra cho hồn thiêng đất nước, giúp hắn sống bền vững hồn vía trong gang tấc cuộc đời. Trong Định Liệu của Lương Tri, Cao Đông Khánh mơ hồ thấy dân tộc Hoa Kỳ có một lịch sử di cư từ bỏ xứ sở gốc để lập ra một quốc gia mới, huyền thoại mới, khác với di tản Việt Nam trong lòng luôn hoài vọng trở lại xứ sở gốc. Nhờ đó, hắn hồi phục xuân sắc biểu tượng rõ ràng nhất về sự mơ hồ bình tâm của quê hương ở tình yêu, tiếng nói và tấm lòng rộng mở một cách trọn vẹn, tinh  khiết, thuần hậu như lúc thâu nhận mơ hồ.

Mở rộng ra với Thế giới Láng Giềng, Cao Đông Khánh nhận ra hắn cô đơn trọn vẹn, một thế giới riêng trong cả ngàn năm trước cả ngàn năm sau với những mơ hồ bên cạnh những con người vô biên, thế giới láng giềng mơ hồ khác. Họ giống nhau ở chỗ đều có những thể dạng hạnh phúc riêng, dẫu sự liên hệ giữa người với người là những nhịp cầu tạm bợ…

Mở ra khoáng đạt, mở ra hết mọi ràng buộc để thân trí là một, con người trọn vẹn, nguyên cốt, nguyên tánh, Cao Đông Khánh hiểu rằng điều trọng đại mỗi đời người chứa chất muôn tiểu tiết diễn ra hàng ngày, mọi nơi mọi lúc. Cao Đông Khánh định vị ngôn từ là hồn vía của mơ hồ, tình yêu là hình bóng của mơ hồ và hạnh phúc là chất men của mơ hồ. Chúng ở với con người nhưng con người lại đi tìm ở ngoài vạn dặm…

Tận cùng đổ vỡ

Trên dòng chảy sự thật của mơ hồ, xuất hiện đầu tiên là phần đời trĩu nặng của Cao Đông Khánh. Phần đời bảo vệ ý thức hệ tự do thất bại, trở thành người quốc cấm, phạm pháp lưu vong, cô độc.

Là nhà tư tưởng, Cao Đông Khánh trung thực với chính mình. Ông không ngần ngại bày tỏ nỗi đau chiến bại và khát vọng “làm cách mạng” để dành lại tự do cho quốc gia cộng hòa. Phản kháng nội tại tâm thức của Cao Đông Khánh không có gì khó hiểu, khi ông và những người bên kia chiến tuyến được nuôi dưỡng nhiều thập kỷ trong nhung lụa tự do, dân chủ của thực dân Pháp và đế quốc Hoa Kỳ hòng vĩnh viễn chia cắt giang sơn Việt Nam thành hai “quốc gia” đối nghịch. Cao Đông Khánh “tính sổ” với những tra khảo, tạm giam, tù đày ngày còn ở cố quốc. Nhưng trong bi phẫn, Cao Đông Khánh vẫn giữ một niềm tin, một thế giới, một quốc gia, một cương thổ Cộng hòa trong tâm tưởng.

Coi mình là chiến sĩ tự do, Cao Đông Khánh cho mình cái quyền được “vinh dự chịu tội cho lương tâm nhân loại”. Để rồi bỏ xứ ra đi như một người mang đại nguyện, một người bảo hộ “cuộc cách mạng” sẽ tới.

“Em hãy nhớ/ anh trở về với Âu Cơ với Long Quân/từ cửa trái tim em/em hãy cho anh mượn cả vốn liếng”

“anh sẽ thả triệu triệu gói lương thực xuống các thành phố lớn nhỏ làng mạc xa gần Sài gòn Hà Nội/trong đó có những bức thư tình em gửi cho anh” (hoa cổ tích).

Ông mơ về ngày “triệu người ngâm nga khúc ca mới” (lá cờ mãi cho Việt Nam) với một khát vọng “mọc lên Thái Bình Dương mọc lên Trường Sơn hùng vĩ/những người vì ta tập múa theo những hình long hổ dây trên chỗ hoàng triều cương thổ đó” (con hải mã).

“Sài gòn chợ lớn dưới mặt đất/ngõ hẻm đời sau rối địa hình/tiếng nói cất lên, ngoài tiếng nói/của đàn ông nói chuyện với rồng/tiếng hát cất lên, ngoài tiếng hát/để đêm về phượng múa chung quanh” (rồng bay phượng múa)

Nhưng trên con đường vượt biên vượt biển nuôi chí lớn, Cao Đông Khánh rơi vào thảm cảnh cay đắng ngoài dự liệu. Trước tiên là nỗi trần ai của chính mình.

“Xưa có kẻ chết hai lần giữa biển/một giấy khai tử ở Việt Nam, một giấy khai tử ở Indonesia/nhưng một bữa trên bờ duyên hải quốc tế/có một người từ biển dấy lên” (vương quốc tân khai)

Không chỉ “chết trong lưu vực con người ở biển”, ông còn bị đày đọa ở những hải cảng dạt vào. Lên bờ, xua đuổi, tạm trú, tạm dung, nhân đạo là dòng chảy tang thương đến mức oán cừu.

“người đánh đập ta, con thú hoang dại/ta lỡ tin người nên chẳng dám xót xa” (xua đuổi)

“người giết hơn nửa phần ta cứu phần còn lại/để chứng  minh nhân đạo nghĩa con người” (nhân đạo)

Nhưng có lẽ đau đớn hơn cả sinh tử, người coi căn cước tị nạn chính trị là “cốt cách của người bỏ xứ ra đi, quên nó là quên lương tri của chính mình” bỗng nhận ra mình không còn là “chiến sĩ bảo vệ tiền đồn tự do” khi đặt chân lên cái nôi tự do xứ Cờ Hoa.

“Ngày xưa, hắn được coi như là chiến sĩ bảo vệ tiền đồn tự do, bây giờ không ai còn nhớ điều đó cả… Tính sổ, kẻ chiến đấu dưới chiêu bài tự do, đã bị bỏ rơi từ trong trứng nước. Những người vì lý do chính trị trở thành người quốc cấm, người bất hợp pháp sống lưu ngay chính quê hương của họ cũng như trên xứ sở gọi là bến bờ tự do. Tính sổ, hắn bị lường gạt tứ tung và hắn còn phải chịu đựng những xáo trộn đáng kể của chính những người đồng hương có cùng chung số phận”. 

Không cần phải thêm một lời nào bởi Cao Đông Khánh đã tự bạch đầy đủ về sự sụp đổ ý thức hệ của chính mình trong Thân Phận Phù Trầm. Không rõ ông cay đắng đến mức nào khi bị phản bội ở “tiền đồn tự do”, nhưng người Việt sẽ mãi còn rùng mình khi nhớ về thời khắc lịch sử dân tộc rơi vào tình cảnh ở cả hai phía “tiền đồn” nghiệt ngã. Nhưng cũng nhờ đó mà hiểu rằng, một dân tộc chỉ toàn vẹn khi là tiền đồn của chính mình trong công cuộc bảo vệ hòa bình, độc lập, tự do.

“Người hỏi tôi, tại sao di tản?/tại sao ở Berlin có ranh giới Đông Tây?/tại sao có Tự Do? Tại sao có Cộng Sản?/tại sao trẻ con chết đói ở Đông Dương không được xưng tụng anh hùng?” (mẩu đối thoại ở hoa thịnh đốn)

“Tôi chẳng phải di tản 75/chẳng phải trước 75/chẳng phải sau 75/chẳng phải. /trước/sau/gì cả/Chẳng mặc dầu gì cả/Khi tôi đến Frisco/tôi là thằng đào ngũ phản bội/mùi quê hương trong biển dữ kinh hoàng” (khi tôi đến hoa kỳ)

Cao Đông Khánh còn đau xót phải chiến đấu sống còn với bản năng độc ác gian xảo của con người trong quá trình vượt biển tìm miền đất hứa. Biển đông kiếm luận, 12 tháng biển phơi bày nỗi nghiệt ngã cá nhân con người, cuộc đời. Anh hùng mạt vận, định mệnh, sinh tử, hải tặc điêu linh mỗi phút giây.

“người đến người đi như cơn hồng thủy/chảy trên đầu phân minh đỏ vết chém. kiêu căng/ta uống nước mưa, uống mệt như tủi nhục/uống máu từ ta, con thú dị hình” (hải tặc)

Cao Đông Khánh trầm tư, nhục nhằn, hối hận, tự bạo hành ở chỗ làm kiểng; thấy mình như chết mấy mươi năm về trước, giờ chỉ là thằng bù nhìn tơi tả thê lương, như trái cây lột vỏ, như ngọn giáo đâm trước ngực trong uẩn tình kẻ xa xứ; thấy trời mây quê hương bay mù trên Orange County; là thứ đàn ông biệt xứ trong đám lưu dân.

“một ngày không biết nói chuyện với ai/ đôi mắt rớt ngoài thiên hạ”

“một ngày không biết nói chuyện với ai/sống ở Hoa Kỳ cũng như chết ở Việt Nam vậy” (đám lưu dân)

Đến mức, tình yêu vốn linh diệu đỡ nâng trái tim người cũng không giúp Cao Đông Khánh thoát khỏi nỗi đau này.

“chai rượu uống nửa chừng tâm trí/nguyên chất Âu Châu sắp lớp chuyện tâm tình/ơn nghĩa riêng tây mỗi người mỗi ngả/tôi đoàn tụ với em nhưng cô độc vô cùng” (hơi thở)

Thậm chí, thơ vốn là điểm tựa, lẽ sống thi nhân, cũng rời bỏ

“tôi chẳng thể làm thơ/ khi cuộc đời khiếp nhược”/“tôi chẳng thể làm thơ/như một người tự vận” (xúc cảm)

Ông thốt lên cay đắng “trái tim tôi mổ rụng rời/thưa tôi lịch sử sống ngoài quốc gia” (vượt biên)

Trong thân phận thuyền nhân cơ cực, Cao Đông Khánh trở thành nhân chứng sống về thảm kịch di tản đau thương nhất của dân tộc Việt đương đại. Người Việt đã di tản theo nhiều con đường khác nhau – cuộc tháo chạy có tổ chức của Hoa Kỳ ngay sau thất thủ 1975, cuộc ra đi có trật tự (ODP) do UNHCR kiểm soát từ năm 1979 đến 2/2009, và Đạo luật hồi hương con lai của Hoa Kỳ năm 1987. Trong suốt chặng đường đó, thuyền nhân là cuộc ra đi  đau đớn khủng khiếp nhất. Đó là những người bán nhà, gom tài sản tự bỏ chạy theo mọi con đường trên biển, chấp nhận trôi dạt, đắm thuyền, bị xua đuổi trở lại biển khi cập những hải cảng không đón nhận… Đến giờ, vẫn không ai tính được có bao thuyền nhân đã ra đi, bao người đã bỏ mạng trên biển cả.

Hơn một lần là thuyền nhân, Cao Đông Khánh xiết bao xót thương những thuyền nhân giới nữ. Họ bị đày đọa, cướp bóc từ tài sản, thể xác đến tâm tưởng. Cảng nước mặn, đường Ngô Thị Tâm, hạt kim cương di tản, kẻ quốc cấm… là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

“một hạt kim cương lọt vô tử cung/những cuộc bạo dâm đứt dây trí nhớ/  cây lá một ngày héo hon/đứa trẻ sơ sinh dính đầy bụi cát" (hạt kim cương di tản)

Nỗi ám ảnh đó theo ông đến tận khi người nữ đã được tái định cư trên đất Hoa Kỳ.

“em nói, chồng em chết tù cải tạo/những đứa con ngọc ngà chết ở biển đông/đứa trẻ khôi ngô này, sinh ở trại tị nạn/cha nó đang làm hải tặc Thái Lan” (mẩu đối thoại ở hoa thịnh đốn).

Một lần nữa, Cao Đông Khánh tính sổ.

“21 năm lưu/vong/quốc tận tâm phế/kiểu người ở xa người/ở biệt/tích…sở thú Lưỡi Liềm Đỏ/trong vòng kẽm gai/con đực, con cái, con nghé ọ/lệ rơi mắt đỏ/sở thú ngoại lai/đẻ đái sinh sôi/con cái người nhập cư bất hợp pháp/cái con nghé ọ nói tiếng Việt Nam”/“sở thú nội địa/một kỳ quan mới nhứt được trùng tu/văn minh giới thiệu nhiều kiểu huấn luyện điều khiển cách con người sinh hoạt để được hưởng khẩu phần bữa tiệc tự do/chén cơm nhân bản/Liên Hiệp quốc bảo vệ công trình xây dựng phẩm giá của thế kỷ thứ 20” (sở thú người)

Điều an ủi còn lại với ông ở chốn thảm khốc đó, người nữ vẫn là cội nguồn nâng đỡ. Tình yêu của nàng mong manh mà bền chặt đến mức mơ hồ khó tin. Họ nhận về mình muôn vàn lẽ thiệt, cô đơn nuôi dưỡng tình từng có với một bóng hình ngày một xa xăm. Đó là Lê Thị Vân Nga có chất rượu trong kẹo bọc chocolate, có đôi mắt tròn như biển xanh chính giữa trời mây trắng.

“Nàng ở gần người tình như mặt trời với mặt trăng nối kết, xa người tình như hình với bóng châu lưu. Nàng ở một mình với người đàn ông vắng mặt, ở với đám đông với ngôn ngữ của chàng; ở với cỏ cây có loài hoa kỷ niệm, ở Cam Ranh có hào hến ăn chung; ở với tương lai nàng biết chờ, ở với yêu đương nàng biết đợi, nên mỗi ngày mỗi năm chỉ có một Lê Thị Vân Nga” (lời thống trách của kẻ ở)

“Em thất thế một mình em chịu trận/trên nỗi đau buồn như trên một chiến công” (ở vậy vá trời)

Đó là Trang 16 tuổi má hồng như rượu giữa núi rừng, dậy thì cho một người chỗ khác.

“bảy năm tình ái tới lui thỉnh thoảng/thỉnh thoảng thăm nuôi người ấy ở tù/tháng 7 trời mưa không còn thỉnh thoảng/người ấy biệt tăm như đã qua đời”

“nàng sống 10 năm với người tình đời trước/với chỉ một người thế giới chứa chan” (truyện ngắn của Trang)

Đó là tình ái thẳm sâu hơn cả giọt nước ngầm chưa gặp được suối khe từ những người nữ như Tôn Nữ lưu vong.

“em cũng có một nguồn hương vị/chảy vào sông tôi đầy ắp ngũ quan/đêm chạy ra biển kinh hoàng kiểm soát/những chuyện thì thầm còn để lại cố hương”

Cao Đông Khánh tự bạch “Đối với hắn, hình ảnh tượng trưng trung thực nhất của quê hương đau thương là hình ảnh người phụ nữ di tản sống dưới  basement mà tình yêu của hắn cho người đó là một điều bí ẩn khó giải thích, khó ai có thể hiểu được”.

Điều này được xác tín khi Cao Đông Khánh đắm vào mùi hương cũ Ngọc Anh, em cũ thơ ngây sư tử măng tơ, rồi Yến Nga, nắng Kim Lan rực rỡ, em tóc ngắn môi đường da mật.

“ta cúi xuống hôn với kỷ niệm gần nhất/đường vào nhà em hoa điểm sương mù/ta trộn ngón tay với đêm quyền bính/tính tuổi chuyện đời xưa như mới hôm qua” (để tưởng nhớ một mùi hương)

Tình yêu ấy lớn lao ở chỗ nó nuôi dưỡng sự sống tương lai không phải ở sinh con đẻ cái.

“Một người đàn ông, một người đàn bà ngồi cạnh nhau, tuổi già sẽ đến, chia ly sẽ xảy ra nhưng hơi thở ảo thuật của họ cung cấp sinh mệnh cho một người khác, một Người Thứ Ba, một người có thể không được biết có thể được biết, một người có thể thích yên lành, có thể thích sóng gió, có thể thích đau đớn máu chảy. Một người vô hình, một người hoa khôi” (Người Thứ Ba)

 

Hồn vía tộc Việt

Vậy Cao Đông Khánh còn được gì sau thảm bại cuộc chiến, thảm bại ý thức hệ? Cao Đông Khánh có nội lực kiên cường thừa nhận sự thật bằng con mắt ngoài giới hạn của mình. Nội lực đó gắn liền với với sự mơ hồ bền chặt trong bản ngã Việt Cao Đông Khánh. Thân xác, ý thức bị đánh gục, nhưng khát vọng giữ bằng được “hồn vía trong gang tấc lưu vong” vẫn còn nguyên vẹn. Ông vẫn trở về với tiếng nói, ngôn ngữ, cội nguồn để bảo hộ hồn vía của mình; “thấy lại cái nguyên bản Việt Nam” như cách ông nói.

Biển Huỳnh Thị Lài, lãnh thổ xanh, lời tỏ tình với người đàn bà thoáng gặp, chữ nghĩa… lóng lánh niềm tin yêu. Những tiếng nói phía dưới đường chân trời chưa thành âm, lưỡi câu cắm móc miếng mồi ngôn ngữ, nụ hôn thơm mùi nguồn cội, lai lịch tình yêu, dĩ vãng nhiều kiếp trước, thác nước mùa mưa đỏ phù sa lên đầu… cứu rỗi ông từ cõi chết đứng dậy thành lãnh thổ, thành thi ca. Để ông đôi khi làm thi sĩ, đôi khi không và nhiều khi làm thơ giống như những giờ phút ái ân không chứng tỏ nỗ lực mà như đang khiêu vũ nhẹ nhàng xuyên qua hành lang bóng đêm đông đặc…

Ngọn đèn thắp bằng ngôn ngữ đưa dẫn Cao Đông Khánh đến với những huyền thoại mơ hồ lịch sử di tản America. Ngồn ngộn thung lũng xương rồng con gái da nâu, trại tập trung da đỏ, tráng sĩ Apaches, thôn nữ Arkansas tắm suối nước nóng, hoa khôi da đen lội ngân hà lánh nạn, gái nhà quê bộc phát như dòng Mississippi khởi nghĩa, ngã nhân râu bạc chén rượu tiều phu theo chân người tuyết đến hồ Winnipesaukee nghị luận, đàn bà nhỏ bé như dâu cranberry chín tới ở Boston, đàn ông Connecticut xẻ trời lấp biển. Tuôn chảy lịch sử ngược dòng Mississippi chọn mua nô lệ, kẻ thám hiểm miền Tây đã ra biển Thái Bình Dương, người trồng giống táo Johnny trên tuyết đóng băng, giống ngựa Morgan chở trắng xuống trần gian, hạt nước từ đỉnh trời nhảy xuống sông Wisconsin tắm gội nở bung thành vạn hồ dương gian lóng lánh, mắt Bắc Băng Dương, môi hồng Địa Trung Hải, mặt trời xanh dương giữa Dallas với Houston…

“Bãi biển tuổi trẻ no nắng sinh lực/chỗ kín của hồng nhan phảng phất cánh phong lan/từ những vườn xoài tròn trịa nàng đưa tôi ra ngoạn cảnh/dưới công viên trầm thủy mê hồn” (di tản America)

Xuất hiện một Cao Đông Khánh tươi sáng, tràn trề sinh lực với lược sử 50 bang di tản tụ hợp làm nên xứ sở Hoa Kỳ. Đến mức chính ông cũng không hiểu vì sao mình “sống đầm ấm với những điều không giải thích được” khi gầy dựng lại lược sử này.

“di tản năm mươi tiểu bang đi bốn phương tám hướng/sót chút trữ tình tôi gói lại tặng em/bữa tiệc viễn quy em chưa quên e lệ/hai đứa tụi mình nói tiếng Việt Nam”

Không dừng lại đó, Cao Đông Khánh thăng hoa trong nỗi cô đơn trọn vẹn với một thế giới riêng vô biên bên cạnh những con người vô biên khác. Mỗi người họ là một thế giới với những dạng hạnh phúc riêng trong nỗi cô đơn riêng. Cao Đông Khánh chắc chắn rằng mọi sự thật giả căn cứ trên những định ước tương đối, đời sống hữu hạn cũng hàm chứa cái vô hạn cực kỳ.

“Em nhỏ nhẹ làm vui từng chi tiết/mỗi sắc rau xanh một tín ngưỡng linh đình/mỗi tiếng nói. Mỗi miếng ăn. Mỗi hơi thở mỏng/có linh hồn con mắt ở bên trong” (tháng thứ 13)

Coi ngôn từ là hồn vía mơ hồ tộc Việt, Cao Đông Khánh ôm cả lời ăn tiếng nói dân giã vào thơ. Những tĩn nước mắm, ốc mượn hồn, có rượu. Có đàn bà. Vú. Mông. Môi, giọt lệ anh/lấp liếm thân thể em. Cao Đông Khánh đem cả những câu thẳng băng sõng sượt vào thơ quần áo em phơi, cờ xí của ta; còn sống. Còn cung tay. Còn chửi thề; người sống ngoài pháp luật kiểu đầu đường xó chợ; những điều không nói được của người con gái bị cưỡng dâm như thỏi sắt nóng đóng dầu trên lưng con bò ở Texas; dấu tay cường bạo nắn đầu vú em; nó nằm trên thân thể em, nhổ nước bọt vào miệng em… Đông Khánh có cả những bài thơ “sõng sượt” như vậy. Chẳng hạn như đám lưu dân, chỗ làm kiểng, thành phố, sở thú người, đối thoại, nhắm mắt, cherry trong hành lý…

Nhưng ông còn có nhiều lục bát đong đưa ngọt ngào, dịu lại những căng thẳng tính sổ, luận bàn, nghị sự. 6 ngày 6 cảnh, vọng mỹ nhân, hình dung, giai đoạn lịch sử đời tôi, 14 kiểm duyệt khúc ở saigon, 5 mùa rừng trải theo các chương hồi cho thấy một Cao Đông Khánh thấu tình với người, với mình như “ca dao em, tục ngữ anh” ngàn năm sẵn có trong lòng.

“Dẫu cho đi tới vô cùng/tại anh tại cái chỗ cùng cực anh” (đàn ông của Bertha)

“Thôi em ẵm cái về rừng/ẵm con về ngoại coi chừng trời mưa/trời mưa ướt đọt cây dừa/ ướt sông chín khúc ướt lùa chén cơm” (về ngoại)

“Hồn em như tranh sơn mài/vào trong ánh sáng mang hài đi ra/ hồn anh như đom đóm xa/ra ngoài bóng tối mang hoa đi vào” (hồng hạnh)

Cánh Đồng Trầm Thủy là bài thơ nổi trội nhất của Cao Đông Khánh ở góc nhìn ngôn từ sau lũy tre làng “dọn mình, chín tới, tươm mật, chảy nước. Rượn đực/ đáp xuống thằng đàn ông còn sung”; của ngôn từ duy danh định nghĩa.

“Trên nóc cao ốc trùng trùng đàn ông. Chót vót/điệp điệp đàn bà. Cái Lớn. Cái Bé/những bái vật muôn năm trong gốc gác con người/Cái Răng.Cái Tóc. Cái Lồn. Cái Hồn Vía còn tươi”.

Nhưng Cánh Đồng Trầm Thủy còn là bài “tính sổ” cuối cùng của Cao Đông Khánh về cuộc đời mình, về Lửa đốt ngoài giới hạn. Còn đó một Cao Đông Khánh đáo để cúi xuống lịch sử tiếp tục chảy máu từ con mắt phế thải; lưu giữ se sắt trong ký ức miểng lựu đạn góc trái tim. Có đó một Cao Đông Khánh mở cửa không gian, không trung, mở cửa các địa danh từ Việt Nam tới Hoa Kỳ và đi bằng tốc độ ánh sáng, để thấy cái con Việt Nam ngoài chợ năm châu kỳ vẩy đời tư nạn bạc giác vàng.  Chuẩn bị cho một mùa gặt hái hư vô, em chống xuồng đi dọn dẹp những khu rừng mắm phù sa lục địa ửng đỏ dấu chân còng; anh cắt phát chín con rồng mở toang bờ cõi, chim Âu đáp xuống rợp trời, sông rạch đâm chồi. Nẩy tược.

“em mở khóa vô biên, anh mở chốt tinh sương/mâm triển lãm kỳ hoa dị thảo/cái mõ, cái chuông, cái âm, cái dương, cái con người chứa chan phú quí”

Ông không chỉ tự hứa, mà còn khích lệ con dân Việt dẫu có đi đâu cũng một lần mỗi năm về miền huyền sử Cánh Đồng Trầm Thủy vào giêng. Kẻ di tản Cao Đông Khánh đã ra khỏi đường chân biển, ra khỏi không biết bao nhiêu đường chân trời, đi hết ánh sáng, để đốt lửa ngoài giới hạn bằng lửa mặt trời ông đã ôm làm trái tim mình. “tôi ôm mặt trời làm trái tim tôi” (người mang trái tim mặt trời).                     

Một cái kết có hậu cho câu chuyện ông muốn kể. Không dễ gì một con người đi qua tất cả sự đổ vỡ nghiệt ngã tận cùng về tư tưởng, thân tâm, đi từ khởi loạn, mất tên đổi chủ, nhập tràng, căn cước lưu vong, đi qua anh hùng mạt vận, sinh tử luân hồi nơi gian thế; vẫn muốn mang đại nguyện đi hóa giải những xung khắc tôn giáo, tư tưởng, chính trị, để đem lại cảm thông hài hòa cho loài người; vẫn đủ tinh tường bền gan đi đến tận cùng cõi tôi để hồi sinh với cội nguồn dân tộc.

Hà Nội, tháng 6/2025

—------------------------------

Trong số thi nhân cùng thời, không mấy ai có nhiều tản văn (bao gồm cả tự bạch) trong thơ tuyển như Cao Đông Khánh. Ngôn từ ở đó óng ả miên man chảy, thậm chí thơ hơn cả những bài thơ đích thực. Chữ nghĩa của ông cuồn cuộn như vó ngựa bầy trên linh địa; như vó ngựa bụi hồng thơm hương điều xác tín nơi con gái non tơ cao nguyên 16 tuổi. Chữ nghĩa nâng niu tình ái nơi yêu dấu, nơi tình cờ với em thơ ngây đến mấy ngàn năm; với Lê Thị Vân Nga đầy như trái mận no nắng, giản dị như cô đơn, như tiếng hát ngoài vô tận. Có tháng 6 hoàn hảo lặp lại ngôn từ anh yêu em chua xót lặng lòng chứng kiến em nằm một góc lõa hồ, hết thẹn thùng sợ hãi, khi đi qua ranh giới một quốc gia, nhiều quốc gia, đến Hoa Kỳ làm người của thế giới, người của nhân loại. Có ngôn từ phác thảo thẳm sâu về cuộc đời đói rách, cô đơn khốn khổ của người con gái Hoa Kỳ hát rong Julia Vinograd cả đời chỉ dính líu với tiếng của người đàn ông bán hàng qua điện thoại. Cuộc đời ấy dẫn dụ đến điều không định liệu.

“để định nghĩa hoàn hảo, những người dư ăn cho rằng họ hoàn hảo bởi vì họ có miếng ăn, những người đói kém cho rằng họ hoàn hảo bởi vì họ không ăn cướp miếng ăn của kẻ khác; họ sai lầm hết, bởi vì con người thì không hoàn hảo, chỉ có lương thực mới hoàn hảo”

Cao Đông Khánh tâm bình ngồi gần hết trăm năm ôn lại ngàn năm ký sự điêu tàn của nhân loại như lưỡi dao phân tâm xẻ em ra thành “miếng điên, miếng khùng, miếng dại, miếng khôn, miếng trung thành, miếng phản bội làm em sống nhọc nhằn rơi mất miếng lương tâm”. Nghĩ đến Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong trong vùng đất nhàn nhã còn sót lại của Phật môn để lý luận từ tâm với vắng lặng của mình.

Câu chuyện cổ tích về người đàn bà tuyệt sắc võ công thượng thừa lần đầu đốt lửa mặt trời luyện bảo kiếm, nhờ đó trời đất tối đen bừng sáng ban ngày. Cuộc tỷ thí trác tuyệt giữa nàng với người đàn ông võ công cái thế họ Nguyễn tên Dương Quảng sử dụng cây nỏ ngàn cân chỉ dừng lại vào thời khắc sức lạnh từ kiếm, sức nóng từ nỏ phối hợp gây nên nguồn âm dương ấm áp trang nhã phủ trùm sông núi. Họ nên cặp vợ chồng yêu nhau như mặt trăng mặt trời hòa nhã. Họ có nghĩa vụ bảo vệ hòa bình khi hai phe Đông Tây nhân loại nhân loại gây chiến máu chảy thành sông, xương phơi thành núi với những lá cờ hình cây nỏ, cây kiếm đánh cắp được. Họ xiết bao hoảng sợ khi thấy bảo vật bị phá hủy sau khi đoạt lại được từ bầy yêu quái. Khiến người vợ một lần nữa trở về tĩnh tọa bên lò lửa mặt trời rèn luyện lại thanh kiếm gãy, phục hồi tính chất âm hàn. Người chồng tìm về nơi lạnh lẽo bí mật trong không gian tôi luyện cho cây nỏ hừng hực chất dương cường. Vào ngày mặt trời tắt lửa, họ sẽ gặp lại nhau tỷ thí cho đến khi chúng hòa hợp guồng mối âm dương thì mặt trời mặt trăng mới sáng trở lại.

Ngôn từ của câu chuyện cổ tích này như gấm dệt hoa thêu, khiến cho người ta muốn gọi nó là tản thơ; và thật khó lựa chọn các câu thơ, bài thơ, tứ thơ, tản thơ, đâu là dấu ấn đặc sắc nhất của Lửa đốt ngoài giới hạn mang tên Cao Đông Khánh.

Nguyễn Nguyên

 

PHỤ LỤC

Thân thếCAO ĐÔNG KHÁNH

 Bùi Huy

Cao Đông Khánh tên thật là Cao Đồng Khánh, sinh cuối năm Canh Thìn, tháng chạp, ngày 19, đầu năm 1941, ngày 16, tháng 1.  Vì thế, anh thường bảo anh là con rồng từ đầu tới đuôi, từ lúc được thụ thai đến lúc chào đời.  Anh mất ngày 17 tháng 11 năm Canh Thìn, là ngày thứ Ba 12/12/2000, trước ngày sinh nhật 60 đúng 5 tuần.  Những ngày gần cuối năm 2000 anh háo hức đón chờ thiên niên kỷ mới.  Một thiên niên kỷ mà anh tin là sẽ đầy những biến chuyển trọng đại.  Anh đã hồi hộp chuẩn bị lòng mình để cất cánh bay trên ngọn gió mới.  Và say sưa dự tính một buổi tiệc sinh nhật 60 tưng bừng hào kiệt giang hồ từ tứ xứ tụ về.  Sự đã không thành.

Xong trung học ở Sài Gòn, anh lên trọ học ở Đà Lạt.  Rồi sau một thời gian ngắn ở trong quân đội – không rõ anh ở binh chủng nào vì CĐK vốn ít nói về quá khứ - CĐK giải ngũ vì bị một miểng lựu đạn làm mù một mắt.  Năm 1966, là trưởng nam trong gia đình - anh là người con thứ hai, sau chị Cao Hồng Hạnh, người chị cả đã gặp nạn trên biển Đông, cả gia đình không ai sống sót - cậu Ba Khánh được thân phụ là đại thương gia Cao Đồng Hưng cho đi du học ở California để chuẩn bị sau này về Việt Nam quản lý cơ sở đồn điền cà phê và công việc xuất cảng gạo, cát trắng Cam Ranh (sang Nhật làm thuỷ tinh).  Tại California, anh lập gia đình với Gail Ann, mở cơ sở buôn bán, và làm chương trình phát thanh Echo from Viet Nam, chống lại những tuyên truyền của nhóm phản chiến đang khuấy động vùng Berkeley.  Họ có với nhau 2 người con, một gái một trai: Cao Tân Khánh và Cao Uy Dũ, tức Danny Cao.  Độ một tháng sau đám ma Khánh, Danny mới biết tin và về đến Houston thăm mộ cha.  Dịp ấy, thi sĩ Tô Thuỳ Yên, vốn là người bạn gia đình với chị Cao Hồng Hạnh từ nhiều năm, và tôi, có dịp gặp Danny và ngồi nói chuyện khá lâu cho Danny nghe về người cha mà Danny không có cơ hội được gần gũi.  Cả hai chị em Cao Tân Khánh và Cao Uy Dũ đều có máu nghệ sĩ.  Danny Cao Uy Dũ là một nhạc sĩ trumpet lừng danh ở vùng Bay area.  Cao Tân Khánh là một nghệ sĩ trang trí từng triển lãm ở San Francisco, nay đã dọn về sống ở New Orleans.  (Muốn biết thêm có thể vào website của Danny Cao là http://www.duuy.net/, và của Cao Tân Khánh là https://tankhanhcao.com/  Muốn nghe Cao Uy Dũ hát và thổi kèn có thể vào www.youtube.com/watch?v=AwmjkA-OmQ8.)  Sống với Gail Ann được mấy năm thì Khánh trở về Việt Nam để giúp gia đình trông coi các cơ sở kinh doanh lúc ấy ngày một bận rộn, nhất là sau khi một người em trai của anh bị trúng đạn chết ở Xa Lộ Biên Hoà.  Năm 1975, khi miền Nam sụp đổ, CĐK kẹt lại. Trong 4 năm sau đó, anh liên tục vào ra các trại tù Cộng Sản.  Thời gian này, anh có lúc sống ở Đà Lạt với một người đàn bà tên Trang, và có với bà ấy một người con gái tên là Yến.  Năm 1979, sau mấy lần vượt biên thất bại, cuối cùng CĐK đã vượt thoát.  Tại đảo tỵ nạn ở Mã Lai, anh kết bạn với chị Huỳnh Ngọc Anh.  Ít tháng sau khi đặt chân đến Mỹ, họ đã tìm đến nhau, và rồi sinh được hai người con gái là Cao Hữu Hạnh và Cao Trâm Hương nay cũng đã trưởng thành.

Năm 1980, ngay sau khi mới định cư ở Nam California, thơ CĐK đã xuất hiện như một luồng gió mới trên các tạp chí văn chương hải ngoại, nhiều bài thơ được thai ngén từ lúc còn ở trại tỵ nạn Mã Lai.  Năm 1981,  anh cho xuất bản tập thơ đầu tay: Lịch Sử Tình Yêu ở California.  Đây là tập thơ đầu tiên đúng nghĩa ở hải ngoại. Ý tưởng tinh khôi, ngôn ngữ mới.  Thiết tha những bi thương u uẩn, hạnh phúc khổ đau, những cảnh, những hình, nồng nàn da thịt, thơm mùi phố xá, chan hoà nắng mưa.  Việt Nam, và Sài Gòn, và Lục Tỉnh, hiện hồn sống dậy: đĩa cơm tấm điểm điểm mỡ hành, ly nước mía mát cả má môi.  Tập thơ đã được người đọc đón nhận bằng nhiều yêu mến, và đã phần nào làm bừng lên sức sống của dòng thơ hải ngoại.  Tháng 12, 1996 Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn xuất bản tại Houston, Texas.  Có lẽ nó đã đi một bước trước, một bước xa hơn, cách cảm nhận của người đương thời.  Ngoài những bài được in lại từ Lịch Sử Tình Yêu, nhiều bài thơ trong LĐNGH đẩy giới hạn của sự cảm thụ thi ca ra xa hơn những chỗ người ta quen thuộc.  Đòi hỏi người đọc phải động não, phải gồng mình chơi với tác giả, chứ không chỉ ngồi yên thụ hưởng.  Có lẽ vì thế, trong 4 năm, từ lúc xuất bản đến lúc tác giả vĩnh viễn ra đi, và cả mãi đến bây giờ, gần 18 năm sau đó, LĐNGH ít thấy được nhắc đến.  Thơ CĐK như đang bị chìm dần vào quên lãng.   Nhưng không.  Nó vẫn âm ỉ cháy trong hồn người đọc.  Nhà thơ Ngu Yên, khi dõi mắt phóng cái nhìn tổng quan về quãng thời gần 50 năm thơ hải ngoại, đã phải nhắc đến CĐK trước hết, và đã phải thốt lên: Cao Đông Khánh là “một trong vài nhà thơ đại diện” cho dòng thơ hải ngoại.  Dòng thơ Cao Đông Khánh không ngừng ở LĐNGH.  Trước khi mất, CĐK đã đưa cho bạn bè xem bản thảo một xấp những bài thơ mới của anh.  Tôi đã được đọc một số những bài thơ ấy.  Phong cách khác trước.  Như là một pho truyện thần tiên, kỳ thoại, ở một cõi trời mây ngũ sắc, ở một nơi ngoài giới hạn của cõi trần gian bụi bặm.  Hình thức là những câu văn xuôi, tựa như kiểu cách trong bài Cánh Đồng Trầm Thuỷ, hay Nghĩa Vụ Hoà Bình, du dương lôi cuốn trong một nhịp điệu bằng hình ảnh lạ kỳ.  Sau khi Khánh mất một cách đột ngột, chúng tôi, những người bạn của anh, chuyền tay nhau đọc, dự định in tập thơ ấy.  Và thế nào mà rồi không biết, xấp thơ ấy nay đã thất lạc!  Không ai nhớ ai giữ, ai cất ở đâu.  Chúng tôi thật có lỗi với anh, và với giới thưởng ngoạn thi ca.  Tuy nhiên, tôi tin là anh sẽ về dẫn dắt, chỉ đường, chỉ lối cho chúng ta.  Và bản thảo của tập thơ thứ ba của CĐK,  gồm nhiều bài thơ chép tay, sẽ lại xuất đầu lộ diện.  Lần này nhất định chúng sẽ phải được xuất bản ngay khi tìm ra.

T.B. Đã từ lâu lắm tôi muốn làm một số báo đặc biệt tưởng niệm Cao Đông Khánh.  Hồi Cao Xuân Huy còn làm chủ bút tờ Văn Học, chúng tôi đã gióng tiếng kêu gọi bài vở viết về người thi sĩ tài hoa ấy. Nhưng tuyệt không một âm vọng.  Trên tờ Phố Văn, lời kêu gọi của anh Nguyễn Xuân Thiệp cũng không có kết quả.  Và như thế, giấc mơ làm số báo đặc biệt cho Khánh đã từ từ chìm vào quên lãng.  Cho đến khi Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư một sáng nọ quét con mắt viễn thám vào trời thơ hải ngoại thấy lung linh bóng dáng Cao Đông Khánh, quyết định số 80 Thư Quán Bản Thảo sẽ là số đặc biệt về Cao Đông Khánh.  Con mắt viễn thám ấy nhìn thấu thế gian, lục lọi ra cả những tài liệu, bài vở, mà có trường hợp ngay cả tác giả nó là tôi cũng không nhớ là mình đã từng viết bài ấy.  Và thế là bắt đầu một cuộc vận động liên lạc với các bạn văn cũ từng quen biết với Cao Đông Khánh.  Là người sửa bản in cho Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, tôi còn giữ trong tay độ mười quyển.  Chúng liền được theo ngả bưu điện bay đi khắp nơi.  Và lần này, một phần có lẽ vì thời gian đã chín mùi để mọi người nhìn lại Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, một phần vì tấm lòng tha thiết của hai người chủ trương Thư Quán Bản Thảo là Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn, sự hưởng ứng từ mọi nơi là tràn đầy tình cảm, là “làm một số về CĐK là quý lắm” (Nguyễn Xuân Thiệp), là “CĐK xứng đáng, làm đi, moi sẽ viết bài” (Ngu Yên), là “tôi sẽ gửi những tài liệu về người bạn đặc biệt ấy” (Phạm Văn Kỳ Thanh), và là sự đồng tình đến từ cả những người chỉ đọc thơ mà chưa bao giờ gặp Khánh.  Nhưng, nếu không có sự nhiệt thành của Thư Quán Bản Thảo chắc không bao giờ có số báo đặc biệt về Cao Đông Khánh.  Chuyện in ấn đã đành, nhưng không là gì so với lòng yêu mến Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, so với lòng hăng hái, thúc giục, đôi khi đến độ căng cả giây thần kinh, của hai người điều hành TQBT.  Thay mặt cho chị Huỳnh Ngọc Anh và gia đình, và cho bạn bè của Cao Đông Khánh, tôi xin được tri ân tình cảm Thư Quán Bản Thảo đã dành cho anh, và nhất là, lòng yêu mến dành cho những câu thơ, những con chữ của Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn.

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo, số 80, tháng 6 năm 2018, chủ đề Cõi Thơ Cao Đông Khánh, New Jersey, Hoa Kỳ