Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2025

Bản chất của người

 Nguyễn Phượng

Thực sự thì mình vẫn cứ băn khoăn về nhan đề đó của cuốn tiểu thuyết.

Trong nguyên bản tiếng Hàn, Han Kang đặt nhan đề cho cuốn sách của mình là 소년이 온다 [sonyeon-i onda] - CẬU BÉ ĐANG ĐẾN, Déborah Smith chuyển ngữ sang tiếng Anh là Human Acts có thể dịch là HÀNH VI CỦA NGƯỜI, dịch giả Việt Nam đẩy đi xa hơn, dịch là BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI. Nếu dịch ngược trở lại tiếng Hàn thì nhan đề cuốn tiểu thuyết của Han Kang sẽ là 인간성 [inganseong] chứ không phải là 소년이 온다 [sonyeon-i onda]. Nhờ người môi giới viết thư hỏi Han Kang, cô nghĩ thế nào về cách đặt nhan đề đó trong tiếng Việt, cô ấy cười bảo ôi em không tự tin đến thế đâu!

Chuyện này làm mình nhớ lại các nhan đề tiền thân của kiệt tác CHÍ PHÈO.

Nam Cao đặt cho sáng tác mà sau này nó là kiệt tác đó bằng một cái nhan đề theo Lê Văn Trương là "rất quê mùa" và vì vậy, nó bị ném vào sọt lai cảo cả mấy tháng không ai ngó.

Lê Văn Trương lúc bấy giờ đang là một cây bút lừng danh. Họ Lê rất ăn khách vì những cuốn tiểu thuyết mang tính thời thượng cho nên ông chủ nhà xuất bản Tân Dân Vũ Đình Long rất chiều chuộng, trả mỗi tháng có khi lên tới 500$ cao hơn cả Nguyễn Công Hoan, còn các vị mà sau này có vị trí sang trọng trong các cuốn giáo trình lịch sử văn học như Tô Hoài, Nam Cao, Thâm Tâm thì là ăn đong.

Giai thoại kể rằng họ Lê có lúc ra phố bằng cả mấy chiếc xe kéo chỉ để chở tẩu, mũ phớt và Lê Văn Trương thôi.

Tô Hoài kể chuyện Lê Văn Trương phát hiện ra cái truyện CÁI LÒ GẠCH CŨ của Nam Cao rất vui.

Ông ấy nhiều tiền thì ông ấy chơi ngông, ông ấy hút xách. Cái đống bài lai cảo kia ông vơ một nắm cho vào túi mang đến tiệm hút làm gối kê đầu. Trong khi chờ thằng bồi tiêm cạo xái, lau điếu và nướng thuốc thì ông rút một tập bản thảo kia đọc để giết thời giờ và cho đỡ sốt ruột.

Vô phúc thế nào mà cái tập ông ấy lấy ra đọc lại là của Nam Cao. Đọc được mươi dòng, thằng cha nhảy chồm lên, hét toáng: Bỏ mẹ rồi, bỏ mẹ rồi và cứ thế chạy thẳng về tòa soạn.

Mấy ngày sau ĐÔI LỨA XỨNG ĐÔI được lên mặt báo. Còn Lê Văn Trương thì đi đâu cũng bô bô khen Nam Cao mặc dù chưa biết mặt.

Lúc gặp Nam Cao mới vui. Lê Văn Trương hỏi tác giả DẾ MÈN... Thế còn ông quái nào đây? Tô Hoài chưa giới thiệu xong đã thấy Lê Văn Trương quỳ lạy Nam Cao ngay giữa phố.

Rồi thì Lê Văn Trương mời cả hai lên Hàng Buồm vào quán Triều Châu đánh chén.

Rượu vào các ông ấy đều không phải là người ít nói. Lê Văn Trương vốn to mồm, khoe và khen ghê lắm. Khoe mình có công phát hiện ra thiên tài, khen Nam Cao đi những lối chưa ai đi, từ nay Kim Trọng - Thúy Kiều, Romeo và Juliet quên đi nhé, từ nay là tình yêu của bọn dưới đáy, của anh xấu xí - chị dở hơi.

Tuy nhiên, Lê Văn Trương chỉ tay vào mặt Nam Cao giọng rất gay gắt: Tuy nhiên, bác đếch biết đặt tên. Một tác phẩm như thế phải đặt cho nó một cái tên xứng đáng chứ Titre d'oeuvre cest le "nha que"! (Cái nhan đề nhà quê!) và em đã mạn phép đổi tên rồi!

Nam Cao khi có chút rượu cũng không "Vâng, bác dạy chí phải" như thường ngày.

Cũng phải đến bữa bia hơi lần sau Tô đại nhân mới bật mí cái câu cãi lại họ Lê của Nam Cao.

Ông ấy bảo tôi có ý của tôi chứ, vâng, tôi có ý của tôi chứ. Cái dân tộc này nó vậy thôi, như cái lò gạch bỏ hoang, không bao giờ có chí đi tới cùng, mọi ý chí xây dựng kiến thiết đều bỏ hoang hết, hò voi bắn súng sậy...

Han Kang có một lối viết cực kì thanh nhã và trầm mặc.

Như Nam Cao.

Chẳng phải ngẫu nhiên chủ đề luôn ám ảnh cô là bạo lực và tội ác. Và nếu bạo lực và tội ác bị chôn vùi trong quá khứ rồi những ai đó, những thế lực nào đó muốn bóp méo, che đậy hoặc phi tang thì chính cô sẽ đào xới nó lên đồng thời đào xới vào lương tâm của con người.

Cô luôn thấy quá khứ đồng hành với mình. Đó có thể là lí do khiến cô đặt một nhan đề không bắt mắt đối với những độc giả chỉ bị thu hút bới cái bìa sách.

Bởi với cô, cái chúng ta sẽ là quan hệ sâu sắc với cái chúng ta đã là và cái chúng ta đang là.

Và nếu chúng ta đang là với những khế ước đã mặc định khiến chúng ta phải buộc lòng tuân thủ để được an toàn cho dù những khế ước đó đã trở nên một thứ bạo lực áp bức con người, tàn phá con người thì cũng như cô Yeong Hye (Lương Huệ) trong cuốn NGƯỜI ĂN CHAY kia, cô sẽ khước từ, rút lui khỏi cộng đồng bạo lực thậm chí rút lui khỏi nhân loại để sống như một cái cây cũng tức là chọn một hình thức tồn sinh vô hại và thanh khiết với vạn vật trong vũ trụ này.

PS. Han Kang sinh ra trong một gia đình trí thức có bố và anh đều là nhà văn. Cô lớn lên trong cái thư viện khổng lồ của gia đình và cô đọc rất nhiều. Dấu vết Tây phương đầy rẫy trong tác phẩm của cô. Tuy nhiên cô có cách đặt vấn đề và giải quyết các vấn đề khác các tiền bối Tây phương.

Chẳng hạn, nhân vật của Kafka có thể chấp nhận biến dạng thành một con gián còn nhân vật của cô sẽ không chịu khuất phục như thế, nó khao khát thành một cái cây tồn tại bằng quang hợp ánh sáng mặt trời...