Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2025

Không khói hoàng hôn (Tập III - kỳ 4)

 Nguyễn Thị Kim Thoa

Xuân – Hạ – Thu –  Đông

Ngày xuân con én đưa thoi

Khi những cành cây đâm chồi nẩy lộc, khi tiếng chim trong vườn rộn rã, khi những bông hoa màu sắc thắm tươi, khi mỗi sáng mẹ cho ăn chén cháo thơm thơm mùi gạo mới: Mùa xuân bắt đầu với làn gió hây hây hơi nắng ấm lẫn mùi sương sa.

Khi dòng sông sau nhà chuyển màu ngọc bích, dập dềnh những mảng mây trắng phau phau, khi mấy bụi lau bên sông bông ngả màu hồng, và khi trên trời nhiều chim én bay liệng: mùa xuân đã về.

Từ bé thơ ngày xuân theo người lớn đi xem hát bội, nào là Phàn Lê Huê, nào là Đổng Trác hí Điêu Thuyền, nào là Chiêu Quân cống Hồ, nào là Sơn Hậu... tôi bắt đầu yêu thích những đôi hia đỏ tía, những chiếc mũ có cắm lông trắng và những lá cờ đủ màu sắc trên lưng. Tôi còn biết thế nào là mặt đỏ, mặt trắng, mặt xanh của các đào kép, biết biểu hiện của những động tác đưa hia lên xuống... “Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi”.

Xem hát bội như là một cách “Bói Tuồng” đầu năm. Thôn Vỹ Dạ ngày đó có một rạp hát cách nhà tôi 500 mét về phía biển Thuận An, đối diện với hẻm vào chùa Phước Huệ, nơi thỉnh thoảng có những đoàn Cải Lương ghé qua biểu diễn, nhưng ngày Tết từ mồng một đến hết mùng bảy là dành cho đoàn Tuồng Hát Bội.

Ngày xuân đi chợ Gia Lạc. Ngôi chợ chỉ nhóm họp trong ba ngày tết, trên một chéo đất tiếp giáp năm thôn: Nam Phổ, An Truyền, Dưỡng Mong, Ngọc Anh, Chiết Bi. Chợ Gia Lạc ngày đó (1957 – 1965) vẫn còn, không như một vài tư liệu cho rằng chợ Gia Lạc chấm dứt từ năm 1945. Chợ chia hai phần, phần trên gò cao là nơi dành cho các gánh hàng thức ăn dân dã: Chè đậu ván đặc, chè bột lọc, bánh đúc mật, kẹo kéo, kẹo ú, kẹo gừng... tôi không hề thấy các thức ăn cung đình hay bông trái cúng như một số bài đã viết. Nhiều hơn cả là đồ chơi trẻ con: tò he, tò huýt, con bột, cái lùng tung..., những thứ này được bày trên những mẹt tre, và vài ba người đứng bán bông giấy Thanh Tiên nhiều màu sắc cắm trên con cúi rơm.

Phần đất thấp phía dưới là nơi đánh bài chòi gồm chín hay mười một chòi tranh cao với nhiều người áo xanh áo đỏ chạy đi chạy lại.

Được mẹ cho ăn dĩa bánh đúc mật màu xanh non với mật ong vàng sánh, cầm cái chèo bằng tre xắn từng miếng bánh bỏ vào miệng, vị ngọt, mùi thơm đến bây giờ nhớ lại vẫn còn thèm. Ra về mẹ mua cho cái lùng tung hay con tò he, tò huýt. Đi qua hàng bán các con bột nặn hình con gà ấp trứng, nải chuối đơm trái cây, con trâu nằm nhai cỏ..., cố níu áo mẹ để xin mua thêm, có lúc mẹ mua cho, vui mừng hí hửng, có lúc mẹ kéo tay đi nhanh buồn ơi là buồn.

Lấy chồng về quê chồng ở Mỹ Lợi, ngày Tết tôi theo mẹ chồng đi chợ Cồn (1977- 1980). Chợ Cồn ngày Tết ở Mỹ Lợi giống hệt chợ Gia Lạc ở Vỹ Dạ. Chợ cũng đông ba ngày tết, cũng là nơi người lớn dẫn trẻ con đi mua tò he, tò huýt, ăn chè, kẹo kéo, bánh đúc. Cũng có đánh bài chòi trên những chòi cao. Có một điều khác biệt ở đây có bán rất nhiều mía để nguyên cây. Ra về tôi cũng vác vai một cây mía dài... nhớ mãi. Không biết chợ Gia Lạc ở thôn Vỹ Dạ và chợ Cồn ở làng Mỹ Lợi có liên quan với nhau như thế nào và cái nào có trước?

*

Một tục lệ lâu đời của người theo đạo Phật ở Huế là ngày đầu năm đi chùa lễ Phật, hái lộc. Giờ xuất hành rất sớm, khi trời còn chưa tỏ. Cả nhà, nói là cả nhà nhưng thật ra chỉ có mẹ và chị em tôi mà thôi. Chúng tôi chuẩn bị từ đêm ba mươi: tắm gội nước lá thơm, áo dài lam thẳng thớm tinh tươm cho buổi lễ chùa đầu năm. Cánh đàn ông dường như ít khi đi lễ Phật và hái lộc đầu năm.

Ngôi chùa chúng tôi đến đảnh lễ đầu năm là chùa Phước Huệ, cách nhà tôi chừng 700 mét. Tại chánh điện nhang đèn nhà chùa đã chuẩn bị sẵn trên bệ thờ. Trong không khí se lạnh, mùi trầm hương thoang thoảng, phật tử kẻ trước, người sau, kẻ đứng người ngồi, khấn vái, nguyện cầu trong im lặng tuyệt đối. (Không như bây giờ đầu đội mâm lễ vật, tay cầm nạm hương lớn, xì xụp vái lạy). Đảnh lễ xong chúng tôi ra sân xin lộc, không có chuyện bẻ cây trút lá của chùa, ở đây có vài cụ bà ngồi bán lá trầu không trên những cái mẹt nhỏ, mua vài ba lá đầu năm xem như đã có lộc đem về. Và nếu tôi nhớ không lầm nhà chùa thuở đó không có "hòm công đức".

Tiết lập xuân là ngày tốt để bắt đầu cho một năm mới: Những công việc như cúng tế, cầu phúc, cầu tự, đính hôn, ăn hỏi, cưới gả, giải trừ, chữa bệnh, động thổ, đổ mái, sửa kho, khai trương, ký kết, giao dịch, nạp tài, mở kho, xuất hàng, an táng, cải táng v...v... Mẹ tôi giở cuốn lịch Tam Tông Miếu xem ngày khai trương cửa hàng, xem ngày khai bút đầu xuân cho chúng tôi. Một thói quen không hay lắm, có thể gọi là mê tín dị đoan nhưng sao tôi vẫn thấy thích dù không mấy tin vào ngày xấu ngày tốt.

*

Ngày ba mươi Tết làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, là việc không thể thiếu của nhiều gia đình người Việt. Ngoài chuyện cúng kiếng, việc ăn uống trong những ngày Tết cũng phải tính toán như thế nào cho gọn nhẹ để dành thời gian cho vui chơi, thăm viếng. Làm bánh mứt cúng ông bà. Bánh chưng, bánh tét, dưa món, dưa chua, thịt dầm nước mắm, tré, nem, thịt rim... là những thức ăn có thể để lâu được. Ngày xưa là như thế, nhưng bây giờ đã khác. Mọi thứ gọi on –lai là có tất cả. Tuy vậy tôi vẫn mong các bạn trẻ cũng nên tập tành bếp núc, tự tay chăm sóc gia đình nhất là trong những ngày Tết để cảm nhận nét đáng yêu của cuộc sống, để thưởng thức hương vị ngày Tết. Đến Tết tôi hay nhắc nhở con cháu: “Không thấy mệt là không phải Tết”.

*

Ngày đầu xuân may áo mới, không phải chỉ trẻ con mới mong có áo mới mà thanh niên, thiếu nữ, bà già đều mong có tấm áo mới mặc trong ngày đầu năm. Mong muốn có tấm áo mới ngày đầu xuân không phải là điều xa xỉ, chỉ có đều giữa cái nghèo và cái giàu chúng ta phải làm sao cho hài hòa với nơi mình đang sống.

Thời mới lớn của tôi, thập niên 60 của thế kỷ trước, áo dài lụa vàng Hoàng Hoa là lựa chọn của nhiều thiếu nữ trong ngày Tết và cũng là nguồn cảm hứng của không ít thi, văn sĩ. Tôi nhớ một câu thơ không biết của ai: “Nhìn ra vườn mộng vàng hoa cúc/ Áo Tết em tôi cũng rực vàng/ Tưởng chừng trái đất vừa mê dậy/ Như xuân vừa động giấc em ngoan”.

*

Đi xem hát tuồng, đi chợ Gia Lạc, đi chùa hái lộc, chọn ngày lành tháng tốt, chuẩn bị thức cúng, thức ăn ngày Tết, áo mới ngày xuân...Ngày trước và ngày nay có khác nhau nhưng cũng đều là: Cúng kiếng, ẩm thực, vui chơi, lễ chùa, thời trang áo xống, mỗi thời có cái hay cái dở riêng, nhưng theo tôi cái Tết ngày nay đã biến tướng theo chiều hướng không được lành mạnh: Quà cáp, lì xì quá mức, sắm sửa quá nhu cầu cần thiết rồi vứt bỏ.

Giá trị cuộc sống hiện nay quá nghiêng về vật chất: áo quần sang trọng, nhà to cửa lớn, đồ nội thất toàn gỗ hiếm hay đồ nhập ngoại, xe cộ đắt tiền, thức ăn cầu kỳ mà quên đi tấm lòng với cuộc sống, với mọi người chung quanh.

Mong rằng chúng ta hãy quay về lối sống đơn giản, thân thiện với môi trường, chia sẻ với người khốn khó hơn.

Hè về

Trời chiều gió nhẹ, nghe sấm đi trong mây, ngoài sân gió là thật thấp, đùa những ngọn cỏ mần trầu lay lay, chùm bông năm cánh dài đong đưa vui nhộn. Vài tia chớp xoẹt ngang trước cổng sáng lóe.

Bầu không khí hâm hấp, cái nắng phương Nam đặc quánh trên hàng cây tràm hoa vàng bên kia bờ kênh. Lũ quạ đậu trên những đường dây điện cao thế trông tựa những nốt nhạc kẽ ngang bầu trời xám xanh.

Hoàng hôn xuống rất chậm, nắng trải dài. Cái oi bức nồng nồng, hứa hẹn cơn mưa đêm cho sáng mai trời mát mẽ. Ở đây có những ngày hè như thế.

Chiều nay ve râm ran trong đám lá cây bát bát trước ngõ, không thấy hoa phượng đỏ, nhớ cái nắng, cái nóng nơi xa.

Cái nóng như nung, bầu trời hầm hập, không trung oi nồng, những ngày gió Lào ghé qua là đặc trưng của mùa hè ở Huế.

Thành phố có nhiều cây xanh bên dòng sông cũng trong xanh nên màu nắng rất lạ. Mỗi sáng đi học, con đường Lê Lợi với hai hàng cây muối, cây long não lấp lánh từng mảng nắng mỏng mảnh màu bạch lục lúc ẩn lúc hiện, tạo nên một một vẻ đẹp ẩn mật lạ lẫm. Buổi trưa đi học về hay đi đến lớp, cái nắng màu vàng mật len qua từng kẽ lá, cành cây tung tăng nhảy múa. Buổi chiếu nắng vàng ươm trên những tà áo lụa tan trường. Nắng trải gấm trên dòng sông phản chiếu màu tím hồng của dãy núi phía tây.

Nắng trên đường tôi đi học đẹp là thế! Cám ơn những hàng cây xanh ven đường.

Con đường Lê Lợi đẹp bởi hàng cây long não, cây muối với màu lá xanh tươi, màu xanh không đậm quá để không gian trở nên tối sẫm, và cũng không nhạt quá để cái nắng hanh hanh. Nếu thay thế những hàng cây này bằng những loại cây có hoa đỏ, hoa vàng, hoa tím... Chao ôi, hoa thì đẹp thật nhưng ai đó đã lấy mất con đương xanh của tuổi xanh mộng mị.

Ở Huế còn có những con đường mang tên của các hàng cây: đường hàng đoác, đường hàng me, đường phượng bay... Những con đường thật đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà những con đường này được trồng các giống cây riêng biệt như thế. Những con đường với cái tên do người dân quen gọi, nó đẹp thật sự về mặt lý tính cũng như về mặt tâm tình. 

Có bao giờ bạn thả bộ trên đường Hàng Đoác vào buổi trưa hè nắng gắt? Dù là buổi đứng bóng nhưng cái nắng ở đây thật dịu. Vào một trưa ngày hè 1972, vì không nhận được thông tin trường Y đã tạm dời vào Đà Nẵng, tôi vẫn đến lớp và sau đó lang thang đi bộ về nhà, qua khỏi con đường Nguyễn Huệ cháy bỏng, rẽ vào đường hàng đoác, một cảm giác mát mẽ bao quanh tôi. Ngước nhìn lên những tàu lá dài, xanh nghít đan kết thành những cái vòm giống như những chiếc dù khổng lồ che nắng cho con đường rãi nhựa, viền cỏ xanh bên dưới. Tôi lặng lẽ bước, con đường thật vắng, nhiều người dân ở đây đã xuôi Nam, thành phố vắng hiu.

Có bao giờ dưới nắng xế chiều, bạn lang thang trên đường Hàng Me, những chiếc lá me nhỏ xíu màu vàng, màu xanh bay bay theo gió, vướng vào tóc bạn, để rồi tối về chải tóc chợt bắt gặp: “loài sâu ngủ yên trong tóc chiều”. Những chiếc lá me bay bay đã gợi không biết bao nhiêu ý thơ, lời nhạc. Và khi nó trôi theo dòng nước mưa, chảy vào cống rãnh sẽ không bao giờ làm tắc đường thoát nước, chúng êm ả ra đi.

Có bao giờ vào những ngày nắng mới, nắng cuối xuân đầu hạ, trên đường vào Thành Nội, bạn đi trên đường Phượng Bay nhìn những cành phượng đan nhau, cảm nhận cái nắng nồng nồng, hanh hanh cùng lá phượng xanh xanh, hoa phượng đỏ đỏ, để thấy lòng nao nao, bồng bềnh, để nghe âm thanh những ngày đầu hạ.

Tôi còn nhớ một đoạn văn của tác giả Bùi Hiển nói về nắng mới khi còn học cấp hai:

“... Màu nắng vàng tươi, không nồng lắm và trong như lọc; da trời xanh lơ lơ, thứ màu xanh e lệ của một thời tiết muốn đẹp nhưng còn ngập ngừng. Những mái tranh, những khóm lá cho đến những nếp núi biếc lượn ngoài xa tít, đều hiện ra với những hình sắc rõ rệt...

Có tiếng động khô khan của thân cây nào nứt nở, không biết vì căng nhựa xuân hay vì phơi nắng mới...”

Mùa hè ở Huế còn có những ngày gió Lào thổi qua. “Gió Lào có tên thuật ngữ là gió Tây Nam khô nóng. Gió hình thành từ vịnh Thái Lan di chuyển theo hướng Tây Nam – Đông Bắc qua Campuchia và Lào. Khi tiếp cận dãy núi Trường Sơn thì gió tăng tốc, vượt qua và tràn xuống vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Gió thường xuất hiện từ đầu tháng Tư đến giữa tháng Chín, thường bắt đầu thổi từ 8 – 9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều”.

Những ngày gió Lào bọn học trò chúng tôi đi học phải đội nón chằm ba lớp dày dặn thay cho chiếc nón bài thơ hai lớp mỏng manh, cái quai nón phải là một dãi lụa rộng khổ mềm mại, một vài chị còn phải thoa mặt một thứ phấn trắng lấy từ trái của hoa Yên Chi để bảo vệ da mặt. Ôi!  “Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn” (thơ Nguyễn Bùi Vợi).

Bầu không khí oi nồng của mùa hè được làm mát dịu bởi những con mưa rào. Những cơn mưa chợt đến chợt đi này để lại bao nhiều dư vị của ngày hè: Bọn trẻ thỏa thuê tắm mưa trong vườn. Mùi lá ẩm sau cơn mưa là hương vị nhớ nhung của không biết bao người khi đi xa...

Nắng mưa là những hiện tượng của trời đất, nắng mưa gắn liền với cuộc sống, nắng mưa mang bao nhiêu nỗi miềm...

“... Nắng mưa đâu chẳng là mưa nắng

Sao nắng mưa này da diết hơn?

Một buổi mây qua tầng tháp cổ

Trăm năm em khóc lẽ vô thường... “(Huế Oán –Tô Thùy Yên).

 

Lá vàng ngày lập thu

Lên tám, tôi hỏi cha: Sao mùa thu lá chuyển màu vàng? Cha bảo: Lá làm nũng, lá đòi thay áo mới.

Lên mười ba, tôi hỏi chị: Sao mùa thu lá chuyển màu vàng? Chị bảo: Lá làm duyên, lá muốn thay áo đẹp.

Lên mười tám, tôi hỏi anh: Sao mùa thu lá chuyển màu vàng? Anh kể chuyện trời thu gió nhẹ, nắng thưa, lá nhớ bâng quơ lá vàng.

Tháng năm qua tôi hiểu lá xanh, lá vàng là chuyện của đôi lứa yêu nhau, là chuyện của người thương người, là chuyện của trăm năm thay đổi, của vạn vật biến luân.

Lá xanh chuyển lá vàng để rồi lá vàng chuyển lá xanh.

 

Lập đông

Khi bụi hải đường đơm mấy nụ hồng hồng, cây sầu

đông bắt đầu thay lá, hàng rào hóp vút lên mấy đọt xanh nghít.

Khi trong vườn vắng tiếng chim, chào mào, sáo sậu, sẻ sẻ sợ lạnh đi trú đông, chim cu núp mình trong đọt dừa, đọt cau thỉnh thoảng cúc cu vài tiếng, hoàng hôn họa mi thích ngọn gió lạnh hót lên đôi điệu cao vút.

Khi dòng Hương sau nhà có màu xanh thẫm, ẩn hiện những đám mây xám bạc pha chút hồng.

Khi mâm cơm có dĩa cá đối bui kho mẳn, đọi canh rau tập tàng thơm thơm mùi lá sưng, dĩa măng trộn mè thấm tháp với mấy cọng ngò xanh.

Khi mỗi sáng mẹ quấn vội chiếc khăn quàng cổ.

Khi chiếc lồng ấp tre được đem ra lau chùi.

Và khi mỗi sáng lười biếng quấn mình trong chăn.

Mùa đông đang về.

 

 

Cái bếp

 Sự khác biệt rất dễ nhận ra giữa cái bếp và các nơi khác trong bất cứ ngôi nhà nào là lửa. Không có lửa, sẽ không có cái bếp nào cả.

Nhà không có bếp sẽ thiếu vắng cái hồn của cuộc sống.

Có lẽ các nhà khảo cổ đã tìm thấy cái bếp đầu tiên trong một hang đá nào đó của thời tiền sử. Lần hồi cái bếp được nhân rộng, phát triển tại bất cứ nơi nào loài người có điều kiện sinh sống.

Trong đời tôi ngoài hai cái bếp của gia đình mình: một cái thời còn ở với cha mẹ và một cái sau khi thành lập gia đình riêng, tôi có dịp gần gũi với nhiều cái bếp khác nhau, tôi xin mô tả lại theo ký ức và thứ tự thời gian.

Cái bếp của ông cậu Mới

Ông cậu Mới là thành viên của gia đình tôi, nhưng vì lý do sức khỏe, ông phải ở riêng trong một cái chòi nhỏ tại một góc phía sau vườn. Ông chỉ dùng cái bếp này để nấu nước pha trà mỗi sáng, mỗi chiều. Cái bếp của ông cậu Mới thật đơn giản, di động, nấu bằng lá khô trong vườn và rơm rạ ông lấy từ đồng lúa Vỹ Dạ. Nó gồm một cái kiềng bằng sắt, một cái ấm nhôm, một vại nước nhỏ và một cái gáo dừa có cán. Trời nắng ông cậu đem ra nấu dưới gốc cây mít. Trời mưa ông đem kiềng vào nấu tại một góc chòi bên cạnh giường ngủ. Sau bốn tuổi tôi thường ra ngồi đùa lửa với ông cậu và vô cùng thích thú mỗi khi có một hạt lúa còn sót trong rơm gặp nóng nổ văng ra ngoài. Tôi vội lượm hạt nổ nho nhỏ trắng phau bỏ vào miệng mum chậm rãi để thưởng thúc mùi thơm và vị béo của nó. Nước sôi, ông cậu Mới pha trà ngồi uống một mình hay với ba tôi. Mỗi lần như vậy tôi ngồi hóng chuyện hay nằm gối đầu lên vế ông, say sưa nghe ông kể hết chuyện này đến chuyện nọ và ngủ say lúc nào không biết.

Ngoài những chuyện cổ tích, thần thoại, bên cái bếp di động chân kiềng, dưới làn khói thơm khét mùi rơm rạ đôi khi khói mịt mùng làm cay mắt cả hai ông cháu, ông còn lẩm bẩm một mình rất nhiều lần câu chuyện mà về sau này tôi mới biết về mối tình lớn của ông với non sông đất nước. “Dù ai nói ngả nói nghiêng – Lòng tôi vẫn vững như kiềng ba chân”. Câu ca dao này chẳng biết đi vào ký ức tôi lúc nào trong những ngày ấy. Năm 1962 ông cậu Mới bỗng dưng biến mất. Tôi quay quắt nhớ ông trong nhiều tháng. Năm 1975, qua các vị sư chùa Trà Am tôi biết được ông cậu Mới sau khi từ bỏ góc vườn, căn chòi và đứa cháu nhỏ là tôi để đi vào núi thực hiện mối tình lớn mà ông hằng ôm ấp và đã hy sinh trong chuyến về năm Mậu Thân, ông được chôn cất ở một góc vườn sau chùa. Tôi đã theo vị sư đi thăm mộ và thắp hương cho ông.

Tháng rồi trở lại Huế, trở lại khu vườn xưa, tìm lại góc vườn có căn chòi nhỏ lưu dấu trong ký ức một thời thơ dại của tôi với mùi khói cay rơm rạ, mùi thơm ngọt của những hạt cốm nếp văng ra từ cái bếp chân kiềng và những câu chuyện cổ tích, thần thoại thấm đẫm tình người, tình nước mà ông cậu Mới đã kể. Căn chòi dĩ nhiên không còn, góc vườn bị nhà nước lấn chiếm để mở rộng cơ ngơi cho một cơ sở du lịch. Tôi như một người đãng trí vẩn vơ tự hỏi: Ở “chốn vĩnh hằng” ông cậu Mới đang cười hay đang khóc cho mối tình lớn của ông đang là thảm cảnh lớn cho quê hương đất nước?

Cái bếp của hai vợ chồng người thợ rèn

Sát cạnh vườn nhà cha mẹ tôi là một khu vườn tranh khá rộng và hoang phế. Gần sát đường chẳng biết tự bao giờ mọc lên một túp lều dựng bằng tranh tre, phía trước làm lò rèn, phía sau là nơi cư trú của gia chủ. Mấy dòng này tôi chỉ nhắc đến cái bệ thụt cũng là cái bếp của cặp vợ chồng già đối với tôi vừa rất xa lạ mà vừa rất thân quen.

Những ngày nghỉ học, buổi trưa, trong lúc mọi người trong nhà ngủ nghỉ tôi thường chui rào qua la cà quanh cái bếp của người hàng xóm. Ông bà thợ rèn tiếp tôi bằng những cử chỉ ân cần, giản dị. Ông tạm dừng công việc đi hái cho tôi mấy trái ổi sẻ chín mọng thơm phức, hoặc thắt cho tôi những con chim, con thú nhỏ bé xinh xắn bằng lá dừa hay bông tranh. Bà vùi cho tôi khi thì củ khoai, khi thì củ sắn hoặc củ bình tinh dưới tro than được cời ra từ bệ lò rèn. Đây là cái bếp của họ. Lửa lò rèn cũng là lửa của cái bếp. Khi nấu bà chỉ đùa lửa ra phía cái nồi, cái soong hay cái ấm đặt trên cái kiềng không chân treo móc bằng một que thép di động trên một thanh ngang gác gần sát mái.

Không như các thứ chúng tôi nướng nơi cái bếp của mình, nếu không cháy thì cũng chưa chín tới. Những củ khoai, củ sắn, củ bình tinh bà nướng cho tôi bao giờ cũng sém vàng, nóng hổi, thơm phức. Tôi vừa hít hà, vừa phủi phủi, vừa lột vỏ, vừa khới khới nhâm nhi từng miếng nhỏ. Đặc biệt những câu chuyện bà kể thu hút tôi không kém những củ quả, hoa lá tôi nhận được mỗi bận chui rào. Bên bếp lửa lò rèn ấm áp vào mùa đông hoặc trên chỏng tre dưới tán dừa mát rượi mùa hè bà kể chuyện Bà Trưng, Bà Triệu, Huyền Trân công chúa, Ngọc Hân hoàng hậu, Bùi thị Xuân nữ tướng… Có bao nhiêu người phụ nữ yêu nước, anh hùng, tiết liệt dựng cờ khởi nghĩa, chiến đấu chống trả ngoại xâm, hy sinh vì đất nước… bà kể hết. Những câu chuyện kể của bà thợ rèn giúp tôi những hiểu biết ban đầu trong những giờ học Việt sử ở trường tiểu học khiến cô giáo ngạc nhiên và bạn bè thán phục.

Sau Mậu Thân ông bà thợ rèn biến mất, căn lều và bếp lửa trống vắng nguội lạnh chìm ngập trong cỏ tranh. Nhiều lúc thơ thẩn một mình nhìn qua hàng rào lòng tôi lăn tăn xao xuyến. Phải chăng, cũng như ông cậu Mới. họ đã chạy về phía bên kia vòng lửa đạn để thực hiện mối tình lớn và khát vọng cứu nước cứu đời?

Cái bếp nhà cô bạn Lương thị Vu Vơ

Lương thị Vu Vơ là bạn học vỡ lòng và tiểu học của tôi ở trường làng và trường Thế Dạ. Vu Vơ ở với cha trong một túp lều tre rạ dựng trên một mô đất cạnh con hói nhỏ, phía bên kia là cánh đồng lúa làng Ngọc Anh, phía bên này là bờ tre, phía trong bờ tre là thôn Lại Thế với những khu vườn nhà rộng lớn của các cụ cựu trào. Cha Vu Vơ làm thuê từng ngày cho hai phía ruộng vườn. Căn lều của họ nhỏ như cái lỗ mũi được ngăn làm đôi bởi một tấm phên lửng. Phía bên này kê cái chõng tre vừa là chỗ ngủ vừa là bàn học cho cô con gái. Phía bên kia ở trong là cái kệ bằng tre để lư hương và bài vị thờ người mẹ, phía ngoài treo một cái võng làm chỗ ngả lưng cho người cha. Cái bếp nhà Vu Vơ là cái dại nhỏ mỗi bề hơn một mét trổ doi ra từ mép bên của căn lều thuộc phần lãnh thổ của cô con gái. Nền bếp được đắp cao hơn mặt nền lều bằng đất thịt, ở giữa có ba viên gạch được cố định ba bên thành ba ông táo. Trên giàn bếp được thiết kế bằng tre úp sẵn mấy cái nồi, niêu, trách bằng đất nung một bên, bên kia úp mấy cái chén dĩa bằng sành. Phía ngoài sân dưới gốc một bụi chuối là cái vại chứa nước bằng đất nung, gần bên cắm một nhánh tre nhỏ dùng để móc cái gáo dừa có cán. Cạnh đó là cái âu đất dùng để rửa các thứ. Bếp nhà Vu Vơ đun nấu bằng rơm rạ lấy từ cánh đồng hay bằng những nhành khô mà cha con cô đi mót lượm từ bờ tre.

Mỗi khi thấy bạn của con đến chơi, cha của Vu Vơ vội đi nhóm bếp nướng khi thì mấy củ khoai dây to bằng ngón chân, ngón tay, khi thì mấy củ bình tinh, khi thì mấy trái bắp to bằng trái chuối. Tất cả được đốt bằng lửa rơm hay từ những cành tre nên có mùi thơm khét đặc biệt nhưng chúng tôi đã ăn ngấu nghiến một cách thích thú. Cha Vu Vơ là nông dân thứ thiệt, ông thân thiết và nhiệt tình giải đáp tất cả những câu hỏi chẳng bao giờ dứt của tôi về chim cá, hoa trái, lúa khoai, rau đậu ở vùng quê của ông đâu tận dưới Cầu Ngói Thanh Toàn. Ông biết rất nhiều bài vè, câu hò, câu hát và chuyện dân gian. Bài vè Nói ngược tôi thuộc mấy câu do ông đọc trong những dịp ngồi chơi với chúng tôi bên cạnh cái bếp: “Ve vẻ vè ve – nghe vè nói ngược – con chim làm tổ dưới nước – con cá lội ngược trên cây – thằng chết ve trâu đi cày – thằng sống thì vày xuống lỗ…”

Hai câu chuyện kể về con cọp tôi nghe được từ ông vào năm lên bảy lên tám đã khiến tôi ngẫm nghĩ rất nhiều mỗi khi nhớ lại vào tuổi xế chiều. Chuyện thứ nhất kể về cuộc hành trình bi thảm của một người ngậm ngải tìm trầm lâu ngày hóa cọp trở thành hiểm họa cho dân làng. Chuyện thứ hai kể về một con cọp rằn hung ác là nỗi lo sợ, là thần chết của dân những làng cận sơn trong một khoảng thời gian rất dài. Người ta tìm đủ mọi phương cách để trừ diệt nó mà không thể nào làm được. Sau mỗi lần bắt và ăn thịt một nạn nhân, con cọp đưa tay bấu vào tai mình tạo thành một vết sẹo. Một vết sẹo, hai vết sẹo, ba vết sẹo… cứ thế, vào một thời điểm nào đó con cọp rằn đếm được trên hai tai mình 101 vết sẹo. Như thế nó đã bắt và ăn thịt hết 101 con người. Có cái gì đó khác lạ xuất hiện lần hồi trong tâm trí bé tí tẹo của nó. Nó hồi tâm chuyển ý. Thay vì đi tìm mồi, nó quay đầu làm thần hộ mệnh cứu giúp những người đi rừng và dân làng vượt qua tai ương, hoạn nạn, thế cô sức yếu do thiên tai dịch bệnh và kẻ ác. Con cọp rằn biến đổi dần màu lông. Những mảng rằn tạo nên bởi màu đen, màu vàng, màu đỏ màu xám trên thân nó lần hồi chuyển sang màu trắng. Những chiếc răng nanh bám dính máu thịt người cũng dần biến mất. Trước mặt dân làng nay chỉ còn một ông Cọp có bộ lông màu trắng và khuôn mặt hiền từ thân thiện. Đến tuổi già, rụi, ông Cọp trắng được dân làng thương tiếc, chôn cất tử tế trên một khu đất rộng rãi khang trang. Người ta đắp tượng, lập miếu thờ để tỏ lòng biết ơn và tôn kính.

Hết bậc tiểu học tôi vào Đồng Khánh, Vu Vơ đã chuyển đến ở một nơi khác tôi tìm không ra. Tôi không còn có dịp ngồi bên cái bếp nhà cô để nghe cha cô hát, đọc những câu hò, những bài vè và kể những câu chuyện dân gian mà sau này qua trải nghiệm cuộc sống tôi mới nhận ra rằng nhờ có nó mà tâm hồn tôi phong phú dày dặn thêm.

Trong một thời gian rất dài – gần 50 năm, nhiều lúc nhớ nghĩ về người bạn có cái tên Vu Vơ, nhớ nghĩ về những món quà đơn sơ mộc mạc và những tình cảm chân thật mà cha Vu Vơ dành cho bạn của con gái mình, tôi tự hỏi: Bây giờ họ ở đâu, họ làm gì, có còn nhớ nghĩ về những ngày tháng dài bên căn lều bé tí và cái bếp tạm bợ đó.

Cách đây một năm, tôi có được những thông tin tóm lược nhưng chính xác về Vu Vơ. Sau khi rời trường Thế Dạ cô học trung học Bồ Đề rồi trường Bán Công. Mậu Thân cha cô chết, cô không lên núi mà vào Sài Gòn học tiếp trung học Trưng Vương theo sự sắp xếp và bảo bọc của một người “dì” nào đó. Cô thi đậu tú tài, vào làm công cho một hãng dược tư nhân. Hãng dược bị cải tạo, cô trở thành cán bộ công nhân viên. Lấy chồng, được cấp cho một căn hộ nhỏ, có con gái, hiện đã nghỉ hưu, chăm sóc cháu ngoại và cái bếp lát gạch men, nấu bằng lò ga. Tôi gọi điện thoại, biết thêm về đời sống của cá nhân và gia đình cô đang ổn định. Tôi hỏi bạn có nhớ bài vè “Nói ngược” mà cha cô đã đọc nhiều lần bên cái bếp trong căn chòi ngày xưa ở Vỹ Dạ hay không? Bên kia đường dây điện thoại, tôi nghe tiếng cô thở dài.

Cái bếp nhà cha mẹ tôi

Khu vườn nhà của cha mẹ tôi khá lớn. Vườn rộng gần ba sào tây có hàng rào bao bọc. Bến nước và mấy cây sung, cây cừa, cây mưng cổ thụ, bụi tre um tùm ở mặt sông. Hai bờ cây gai được trồng làm hàng rào ngăn cách đường xóm nhỏ một bên, và khu vườn tranh nơi có cái bếp của ông bà thợ rèn một bên. Phía mặt đường là bờ rào chè tàu và cửa ngõ. Trong vườn trồng nhiều loại cây: Hoa lá cây cảnh ở quanh sân trước, một bên nhà chính là cây ăn trái, rau dưa bầu bí và cả khoai sắn ở những vị trí xa hơn. Tất cả làm bối cảnh cho khu nhà và góp phần làm chất liệu cho bếp lửa.

Cái bếp nhà cha mẹ tôi là một phần của căn nhà phụ nằm sát cạnh ngôi nhà chính. Phần còn lại là phòng ăn. Hai phần ngăn cách nhau bởi một phòng nhỏ dùng làm kho bếp và thông với nhau bằng một lối đi.

Nhà chính, nhà phụ và vật dụng nội thất đều là của hương hỏa do ông bà nội tôi để lại và ngày một hao mòn cũ kỷ. Nỗ lực của ba mẹ tôi là làm chậm đà xuống cấp do thời gian và những biến động bên ngoài. Chúng tôi đông anh em, công việc làm ăn của ba mẹ tôi bấp bênh do không có nghề nghiệp chuyên môn bền vững và cũng do những biến cố chính trị xã hội nên cuộc sống gia đình lên xuống thất thường. Học hành, may mặc cho chúng tôi, ốm đau cho cả nhà, giao tiếp, kỵ chạp và cưu mang con cháu phía này phía nọ, nhiều lúc làm ba me tôi và cả chúng tôi điêu đứng.

Cái bếp nhà tôi đỏ lửa nhiều ít, nóng ấm, nguội lạnh thế nào phụ thuộc vào sự thăng trầm của gia thế. Có thể nói cái bếp vào thời buổi ấy là hàn thử biểu kinh tế của mỗi nhà.

Cái bếp là một phần của căn nhà phụ đó có tường gạch mái lợp ngói. Bệ bếp nằm sát vách tường hông sau của nhà phụ cao chừng 6 tấc, mặt bằng khoảng 1,6 x 0,8 mét, xây bằng gạch, trên đặt hai bếp nấu, mỗi bếp ba ông táo bằng đất nung. Phía sau mặt bếp đắp một cái tợ cao hơn sàn bếp 1 tấc, rộng 1x2 tấc, chạy dài từ bên này qua bên kia dùng làm bàn thờ. Trên tợ thờ ở chính giữa đặt một cấu hình ba ông táo dính nhau, lớn bằng ba trái chuối. Phía trước ba ông táo là bát nhang, hai bên bát nhang là bình cắm hoa và một quả bồng. Cạnh đấy là một cây đèn dầu bằng chai lúc nào cũng liu riu một đốm đỏ.

Khoảng trống dưới bục dùng để chứa củi. Phía trên là là một cái giàn kết cấu bằng khung gỗ song tre rất chắc chắn dùng để gác và treo nhiều thứ nào là lá mùng năm phơi khô đựng trong các bao đệm để dành nấu nước uống, mấy cái thúng nhỏ đựng nấm mèo khô, đậu phụng khô. Hai bên treo mấy cái gióng mây nhỏ với mấy cái nồi đất đựng cá mắm kho khô ăn còn lại. Mấy trái bắp, trái ớt giống cũng được treo móc ở đây.

Cạnh bệ bếp phía phải cách một khoảng nhỏ là tủ ăn bằng gỗ, có kích thước chừng 1,6m x 1,2m x 0,5m. Bốn chân tủ đặt trên bốn cục gạch nhỏ, bốn cục gạch nhỏ này được đặt giữa bốn chậu sành chứa nước, mặt nước luôn thấp hơn viên gạch nhỏ để kiến không vào được trong tủ và giữ cho chân tủ khô ráo khỏi bị mục.

Tủ ăn chia làm ba tầng, mỗi tầng cao 0,5m. Tầng dưới không có cửa chỉ có song gỗ hai bên dùng để nồi niêu soong chảo. Hai tầng trên kín, chỉ có một cửa lưới ở giữa cho mỗi tâng. Tầng giữa để thức ăn đã nấu chín hoặc thực phẩm nước như nước nắm, dầu mỡ… Tầng trên đựng thức ăn khô các loại. Hình thức là thế nhưng nội dung thì thay đổi thất thường, có khi tủ đầy thức ăn, cũng có khi tủ trống cả hai tầng. Giữa bệ bếp và tủ ăn là cái chạng chén dĩa dùng thường ngày. Sát tường bên phải gần tủ ăn là mấy cái lu, thùng sắt tây đựng gạo, đậu, bắp, khoai sắn khô.

Phía trái bệ bếp là những hũ, những vại chứa mắm, ruốc, rau dưa các loại. Từ phía này một cửa thông trổ ra khu vực có mái che, nơi đây có hai bể nước, một bể chứa nước sông để rửa, một bể chứa nước mưa để uống và nấu thức ăn. (Từ năm 1960, nước mưa được thay bằng nước máy, nước máy thuê người gánh từ vòi nước công cộng ở phía bên kia Đập Đá, mãi đến sau 1975 khu vực Vỹ Dạ mới có đường ống nước máy vào mỗi nhà). Cạnh cửa ra vào này kê một cái bàn vuông bằng gỗ mỗi bề chừng 1,2m dùng làm bàn soạn để chuẩn bị các thứ trước khi kho nấu, bên dưới để hai cái cối đá một lớn, một nhỏ và mấy cái chày. Phía bên bàn soạn là một cái giá để treo móc các loại dao kéo và các dụng cụ làm bếp khác. Chung quanh các vách tường, tại những vị trí thích hợp cho những nhu cầu hằng ngày hay lâu dài rất nhiều rổ, rá, thúng mủng, nia sề được treo móc. Kho bếp chứa các thứ mâm, xanh, nồi (nồi bảy nồi năm, nồi ba), chậu, thau bằng đồng, lu, hũ, vại sành và rất nhiều dĩa, chén, đọi, vịm bằng sứ.

Cô gái Quảng và cái bếp Huế

Mẹ tôi tên gọi ở nhà (ngoại) là Hữu, thứ bảy nên còn gọi là cô Bảy Hữu. Tên khai sinh là Huỳnh thị Kim Cương. Bảy Hữu hay Kim Cương là một tình tự, một khát vọng mà chỉ có ông bà ngoại và các cậu mới cảm nhận được sâu sắc và đầy đủ. Tôi xin kể lại những gì đã nghe:

Ông bà ngoại tôi sinh một mạch một, hai, ba…người con trai mà sau này chúng tôi gọi là cậu. Đến khi bà ngoại tôi mang bầu lần thứ tư thì cả hai ông bà đều cầu Trời khấn Phật xin một mụn con gái. Nhưng rồi cậu Tư tôi ra đời. Lần bà ngoại mang bầu thứ năm, thứ sáu lời khấn cầu của ông bà ngoại tôi càng khẩn thiết hơn trước bàn thờ tổ tiên và tại các chùa miếu ở Hội An. Nhưng rồi … mang bầu lần thứ bảy, theo lời người mách bảo, ông bà ngoại tôi khăn gói và phẩm vật ra cầu khấn tại chùa Thiên Mụ Huế. Để Phật Trời biết được lòng người mà ban ơn phúc, ông bà ngoại tôi tắm gội ăn chay nằm đất suốt cả tuần, dâng cúng những lễ vật trọng quí, khấn hứa ăn ngay ở thật và thực hiện những điều nhân đức tốt lành. Quả là trời Phật đã động lòng thương, bà ngoại tôi sinh ra mẹ tôi. Ông bà đặt tên cúng cơm cho mẹ tôi là Hữu. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô –  là tâm thức cũ. Bây giờ ông bà ngoại tôi đặt tên cho mụn con gái duy nhất được Trời Phật ban cho là Hữu để bày tỏ sự đánh giá của mình. Nhất nữ viết hữu, chứ không phải thập nữ viết vô. Sự cưng quí còn được nâng lên khi ông bà ngoại tôi đặt tên khai sinh cho mẹ tôi là Kim Cương. Kim Cương quí hơn bất cứ vàng bạc châu báu nào. Và tất nhiên trong gia đình bên ngoại tôi đều đối xử với mẹ tôi một mực thương yêu quí trọng. Là một gia đình thành đạt trong nghề thương mãi tại Hội An, nhưng ông bà ngoại không để cho mẹ tôi tập tành buôn bán hay lo toan bếp núc. Với sự đồng tình và tạo điều kiện của các cậu, mẹ tôi đi về phía trường học và đời sống tân thời. Chưa xong chương trình tiểu học nhưng mẹ tôi nói được tiếng Tây, đọc được tiểu thuyết Pháp, tiểu thuyết quốc ngữ, đặc biệt thuộc rất nhiều thơ nôm của Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tản Đà và cả một vài đoạn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đoàn thị Điểm. Mười bảy tuổi, cái viên kim cương tân thời của phố Hội ra làm dâu xứ Huế và cái bếp trở thành nơi thử thách suốt cả cuộc đời làm dâu, làm vợ và làm mẹ của bà. Để trở thành nội tướng của một gia đình, nhất thiết mẹ tôi phải làm chủ cái bếp. Để làm chủ cái bếp Huế, việc đầu tiên mẹ tôi phải làm một cách thành thục các món ăn kiểu Huế. Chỉ với mục tiêu này đối với mẹ tôi hoàn toàn chưa phải là một thử thách lớn, bởi bà có những thuận lợi: Thứ nhất bà không phải làm dâu với một bà mẹ chồng (bà nội tôi mất sớm) và những “bà cô nhọn mồm” (các cô tôi đi lấy chồng và ở xa). Thứ hai ông nội tôi là người dễ dãi vừa là bạn thân của gia đình bên ngoại tôi nên hoàn toàn không khắc nghiệt đối với cô con dâu duy nhất (ba tôi là con trai còn lại duy nhất của ông) mà ông xem như là con gái. Thứ ba, ba tôi là người tân tiến, tuổi tác chẳng lớn hơn vợ bao nhiêu (ba tôi lớn hơn mẹ tôi hai tuổi), ít nhiễm tính gia trưởng, đối xử với vợ nhẹ nhàng và có phần bình đẳng. Một thuận lợi cũng rất quan trọng đối với mẹ tôi mấy năm đầu ra Huế là kinh tế gia đình nội tôi còn khấm khá, còn thuê được người giúp việc. Với nhiều thuận lợi như thế, mẹ tôi tập tành bếp núc theo một chương trình bài bản: Bà đi học nấu nướng với hai cô giáo gia chánh nổi tiếng không chỉ trong phạm vi thôn Vỹ Dạ: Cô Hoàng thị Kim Cúc và cô Huyền tôn nữ Thu Vân (cô Thu Vân ở phủ Tuy Lý). Với cô Hoàng thị Kim Cúc mẹ tôi học chế biến các món ăn thông thường hàng ngày và cách sắp đặt gia đình theo mẫu mực Huế từ trung lưu trở xuống. Với cô Huyền tôn nữ Thu Vân mẹ tôi học cách chế biến các món ăn cao cấp và cách bày biện, phép tắc, phong cách giao tiếp trong những bữa tiệc của các gia đình thuộc tầng lớp trên.

Điều kiện kinh tế còn dễ dãi, cái bếp ít người tham dự, lại đầy đủ các loại thực phẩm, gia vị và phương tiện để thực hiện, cộng thêm một chút chữ nghĩa và rất nhiều quyết tâm của học trò và sự tận tình của các cô giáo, mẹ tôi đã nhanh chóng học được kỹ năng, nghệ thuật và đức tính của người phụ nữ đảm đang, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu ẩm thực hàng ngày theo kiểu Huế của ông nội tôi, của ba tôi, cáng đáng các buổi tiệc tùng, cúng kỵ của một gia đình nề nếp, và đặc biệt trở thành một nội tướng đích thực khi gia đình tôi lâm vào những cơn nguy biến: Ông nội tôi bệnh kéo dài và qua đời, gia đình trở nên khánh kiệt, cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp đã thu hút ba tôi về phía đó ba năm. Khi trở về thì bệnh tật và không chịu cộng tác với chính phủ Quốc gia để kiếm kế sinh nhai… Hiệp định Genève với tình trạng Bắc – Nam chia lìa, chế độ Ngô Đình Diệm chống Cộng, Cần lao công giáo, ba tôi bệnh tật qua đời, phong trào Phật giáo và sự chuyển đổi từ nền Đệ nhất Cộng hòa qua nền Đệ nhị Cộng hòa, Mỹ đỗ quân, chiến tranh lan rộng trên cả hai miền đất nước, biến cố tết Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa 1972, Hiệp định Paris với kết quả là sự rút lui của Mỹ, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa, chiến thắng quân sự của miền Bắc (1975) dẫn đến cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa long trời lở đất trên cả nước đã từng bước tác động một cách quyết định đến cái bếp của gia đình chúng tôi.

Trong từng thời đoạn khác nhau, để giữ lửa cho cái bếp của gia đình mình, mẹ tôi, viên kim cương của gia đình ngoại tôi phải lăn lưng ra chợ.

Từ một cái bếp đỏ lửa ngày ba bữa, sung túc, ồn ào trong những ngày Tết, giỗ, kỵ chạp… đến cái bếp trống rổng, lửa tắt tro tàn sau khi mẹ tôi qua đời. Chúng tôi – mười anh chị em, kẻ mất người còn, kẻ Quốc gia người Cộng sản, kẻ cắn răng ở lại, kẻ bất chấp mọi thứ lưu lạc tha phương, mỗi một chúng tôi đều đã có cái bếp riêng với những dụng cụ, trang thiết bị sáng loáng, hiện đại, từ bếp lò, nồi soong, chén dĩa, cái dao, cái kéo, nước tẩy rửa, giẻ lau đến cả những thực phẩm ôi thối có xuất xứ từ Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Trung Quốc… Chúng tôi có cảm nhận riêng khi nghĩ về Mẹ và cái bếp mà bà đã giữ lửa suốt cả cuộc đời. Nhưng đồng thời chúng tôi đều có một cảm nhận chung là sự sụp đổ tinh thần không cứu chữa được khi nhìn lại chính mình. Chúng tôi đích thực là những con vật tiêu thụ của thời đại mới, thời đại mà đảng Cộng sản toàn trị một mặt cam tâm làm công cụ cho bọn bành trướng Trung Quốc, một mặt cấu kết với các thế lực tư bản gọi là “đầu tư nước ngoài” rúc rỉa hủy hoại đất nước và nô lệ cả một dân tộc sau cuộc hành trình đẫm máu kéo dài hằng trăm năm vì các mục tiêu độc lập – tự do – thống nhất và hạnh phúc cho người cùng khổ.

Cái bếp của mẹ tôi vào ngày Tết

Ngày Tết có lẽ bắt đầu từ đêm 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo về trời. Trong tiết trời rét lạnh của mùa đông xứ Huế, vào giữa đêm 23 tháng chạp, me tôi kính cẩn thắp đèn hương khấn vái trước bệ bếp: “Nam mô Đông Trù Tư Mạng Táo Phủ Thần Quân, con tên… ở tại… kính dâng hương hoa trầm trà lên ba ngài Táo để cầu xin bình an, no đủ cho gia đình. Con xin thành khẩn sửa chữa mọi sai lầm, tội lỗi, xin ba ngài nhất tội nhất xá, vạn tội vạn xá...”. Lời khấn của me tôi như một lời sám hối tự đáy lòng. Những lời khấn đó đối với một đứa bé lên 5, lên 7, lên 10 rồi một cô gái 13, 15…18... sao mà linh thiêng và ấm áp. Nó giúp tôi luôn nhìn lại mình vào mỗi dịp xuân về tết đến.

Trước ngày 23 tháng chạp vài ba ngày, mẹ tôi đã lo quét dọn bệ bếp.

Bệ của mẹ ngày đó xây bằng gạch đỏ, cao chừng chín tất. Trên bệ có hai bếp nấu, mỗi bếp nấu là ba ông táo bằng gạch nung. Bệ còn có một cái tựa (cái gờ xây cao hơn mặt bệ) bằng xi măng là nơi thờ ba ông táo nhỏ dính liền nhau cũng bằng đất sét nung màu đỏ.

Phía trên bệ bếp là giàn bếp. Giàn bếp kết cấu bằng tre và thân cây khô, các sợi dây thừng buộc và treo giàn này vào các đòn tay, rui mè của trần nhà. Giàn bếp là nơi chất chứa củi khô dành chụm trong những ngày mưa bão. Nơi đây còn treo những chiếc gióng mây nhỏ móc vài cái thúng con đựng nấm mèo, đậu phụng, hành khô... Mấy trái bắp, trái ớt làm giống được móc hai bên giàn. Trên giàn còn có khoai lang, sắn luộc xắt lát phơi khô là thức ăn trong những ngày lũ lụt được cất giữ trong những bao đệm màu xanh. Vài trái bí đỏ, bí đao có ghi vôi ở đầu cuống cũng đặt để trên giàn bếp này.

Chuẩn bị cho ngày cúng đưa ông Táo, ngoài việc quét dọn, hốt bỏ bớt tro than, me tôi còn thay ông táo. Các ông táo cũ được đem đến để ở khu vực gần miếu thờ thần làng.

Cúng đưa ông Táo về trời đêm 23 tháng chạp trong bếp nhà tôi đơn giản nhưng trang nghiêm. Lễ vật gồm một nải chuối xanh và mấy trái cây hái trong vườn như mãng cầu, quít, cam, sa bu chê sắp thành một dĩa quả phẩm, mấy nhánh bông giấy Thanh Tiên xanh đỏ đủ màu ghim quanh một khúc thân cây chuối thay bình cắm, hương đèn và chén nước trong. Không có tục thả cá chép hay đốt vàng mã.

Gian bếp nhà tôi bắt đầu vui nhộn từ ngày 23 tháng chạp âm lịch hay trước đó vài ngày: làm dưa món, dưa hành, mứt bánh các loại để cúng ông bà và để dọn mời khách đầu năm.

* Dưa món là món ăn không thể thiếu trong những ngày tết ở Huế. Một thẩu dưa món đẹp và ngon là: miếng dưa còn giữ được màu sắc: đỏ của ớt, cam của cà rốt, trắng của củ kiệu, củ cải, xanh của đu đủ, dưa leo, vàng của ớt phật thủ, và miếng dưa thấm đều vị ngọt thanh của đường phèn, vị mặn dịu của nước mắm.

Bánh chưng xanh mà không có dưa món ăn kèm thì miếng bánh trở nên lạt lẽo và vô duyên.

Huế là cái xứ mưa dầm. Làm dưa món lại cần nắng tốt để phơi. Muốn dưa trắng đẹp, ít nhất phải phơi được hai nắng. Ngày đó chúng tôi xem chừng nắng mưa theo kinh nghiệm dân gian: Vào đêm rằm tháng chạp nếu trời trong trăng tỏ, vầng sáng quanh mặt trăng càng rộng thì những ngày tiếp theo sẽ có nắng tốt: “Vành rộng nắng to, vành co nắng yếu”. hoặc “Chuồn chuồn bay thấp thời mưa, bay cao thời nắng, bay vừa thời râm”…Nếu trời mưa dầm không có nắng chúng tôi phải sấy khô củ quả bằng than. Dưa món sấy than màu sắc hay bị xỉn không đẹp.

* Mứt: Món mứt không thể thiếu trong những ngày tết ở Huế là mứt gừng. Gừng Huế là gừng sẻ, củ nhỏ nhưng cay và thơm. Mứt gừng được làm dưới ba dạng: gừng khô, gừng dẻo, gừng áng.

– Mứt gừng khô: Việc khó nhất khi làm mứt gừng khô là bào mỏng áng gừng. Ngày đó không có dao bào như bây giờ, nên xắt lát gừng thật mỏng và nguyên áng là rất khó. Để lát mứt được trắng thì khâu luộc gừng cần chú ý: khi nước luộc sôi và đổi sang màu vàng nhạt phải vớt gừng ra và xả nước lạnh. Luộc, xả hai hoặc ba lần như vậy cho đến khi lát gừng mềm và nước luộc trong. Có một biện pháp khác là pha vài muỗng nước chanh vào nước luộc để tẩy mủ gừng, nhưng với phương pháp này nếu không xả kỹ cho hết nước chanh thì khi rim mứt sẽ lâu khô. Khi rim đến giai đoạn lại đường (đường bắt đầu khô), đổ ra trẹt, gở và ép thật nhanh.

Một lát mứt gừng khô đạt chuẩn là phải trắng, đường áo vừa phải, thấm đường nhưng vẫn còn vị cay, mềm và đặc biệt vẫn còn mùi thơm của gừng Huế.

– Mứt gừng dẻo làm đơn giản hơn, gừng xắt lát mỏng, luộc rồi rim, khi đường gần lại, vắt chanh vào để mứt không khô mà dẻo trong. Gừng dẻo có khi rim kèm với thơm, hoặc làm dưới dạng thập cẩm gồm gừng, củ bình tinh, thơm, cà rốt, cà chua… xắt rối, rim thành mứt thập cẩm. Mứt gừng thập cẩm có thể để dành ăn cho đến tháng giêng, tháng hai.

– Mứt gừng áng làm công phu hơn. Gừng để nguyên áng, chọn áng có hình thù giống các con vật long, lân, quy, phụng hay hình con dơi, con chim hạc hoặc các hình hoa lá, dùng bàn xâm, xâm thật mềm, luộc ép nước, rim với đường ngà. Áng gừng sau khi khi rim có màu nâu và trong như hổ phách là được. Khi dọn khách cắt từng lát mỏng, sắp lại nguyên áng đặt trên cái dĩa sứ trắng cùng mấy cái nĩa nhỏ.

Ngoài mứt gừng chúng tôi còn làm thêm mứt dừa, mứt quật, mứt me, mứt bí đao…

Phụ nữ Huế đa phần đều làm được các loại mứt thông thường này.

* Bánh. Các loại bánh hay làm ngày tết là bánh in, bánh phục linh, bánh măng, bánh mận và đặc biệt là bánh thuẫn bột bình thinh và bánh sen tán.

– Bánh phục linh làm từ bột nếp ran chín phải qua các công đoạn: rây mịn, sú (1) với đường đã sên(2) , phơi sương một đêm, in thành bánh. Nếu làm từ bột nếp chưa ran thì phải dáo(3) bột với đường cho đến khi ráo(4) rồi đem in. Bánh được in với những chiếc khuôn hình vuông, hình chữ nhật có chữ hỷ, chữ phúc nổi, gói giấy bồi xanh, đỏ, tím, vàng…Bánh phục linh thường xếp thành hình quả núi đặt trên hai quả bồng để cúng trên bàn thờ.

Ngày nay có loại bánh phục linh làm bằng bột năng thêm nước dừa, in khuôn hình con sâu và không có giấy gói, cách làm này ăn ngon hơn nhưng bày biện trên bàn thờ thì không đẹp. Trở về Huế những dạo gần đây, ở chợ Đông Ba ngày tết tôi vẫn còn thấy loại bánh phục linh truyền thống này.

– Bánh in: gồm các loại làm từ đậu xanh, đậu quyên, hay bột bình tinh. Các thứ bột được rây mịn, trộn với đường cát đã xên, dáo hổn hợp bột đường cho đến khi vừa ráo có thể in được. Bánh được in với khuôn vuông hay tròn cũng có hình nổi chữ hỷ hay chữ phúc.

– Bánh măng, bánh mận là hai loại bánh đặc trưng của Huế. Làm hai thứ bánh này phải qua nhiều công đoạn từ chải măng tươi bằng chiếc lượt sừng, luộc qua cho bớt đắng, rim măng với đường, quết măng đã rim với xôi nếp đến khi dẻo mịn, rắt bột bình tinh trên thớt, cán mỏng hổn hợp măng xôi đã quết chừng 2 phân, cắt hình chữ nhật, gói hai lớp giấy, trong bọc giấy trắng, ngoài gói giấy gương xanh đỏ. Bành mận là bánh măng có rắc thêm mè trắng chung quanh.

– Bánh sen tán: là thứ bánh làm để cúng ông bà và để khoe tài khéo léo của các tiểu thư.

Bánh sen tán có ba loại làm từ ba nguyên liệu khác nhau: hột sen, đậu quyên và đậu xanh. Bánh làm từ đậu xanh gọi là giả sen tán. Loại này làm từ đậu xanh đã đãi bỏ vỏ, hông chín đánh nhuyễn, dáo với đường đã xên cho đến lúc khô vừa, vo từng viên tròn to nhỏ tùy người làm, thông thường bằng đầu ngón tay cái, sậy khô bằng than hoặc phơi hai nắng, gói giấy gương đủ màu, vấn hai đầu có xắp tua.

Bánh sen tán làm từ hột sen hay đậu quyên làm dưới hai dạng:

Dạng in khuôn làm như các loại bánh in đã nói ở trên và loại bắt nặn thành hình hoa lá, loại này đòi hỏi sự khéo tay và kinh nghiệm trong công đoạn dáo bột.

Ở Huế làm bánh sen tán ngon phải làm từ hột sen biển: một loại sen trồng ở các vùng ven biển Thuận An, đặc biệt là hột sen làng Triều Thủy. Sen biển hạt to, bở vị thơm đậm nên khi làm bánh dễ bắt nặn thành các nhánh hoa, sau khi nhuộm màu, vị và mùi thơm của bánh vẫn còn giữ được.

Hột sen khô ngâm qua đêm, hông khô, tán nhuyễn, rây mịn, sú với đường đã xên, hổn hợp bột đường này được dáo cho đến khi khô vừa có thể nặn bắt, nhuộm màu từ các màu hoa lá thiên nhiên. Màu hồng, màu vàng từ nước ép hoa yên chi, màu xanh từ lá dứa thơm…Bánh được nặn bắt thành nhánh hoa mai năm cánh có lá có nụ, hoặc hoa ngọc lan, hoa huệ, sau đó đem sậy than hoặc phơi hai nắng.

Bánh sen tán làm từ hột sen biển khi ăn bánh tan thao

trong miệng với mùi vị rất riêng của nó. Bánh làm từ đậu quyên cứng và không thơm.

Ngày nay vì cuộc sống tất bật, ít ai còn ngồi in hay nặn

bánh sen tán và hột sen biển làng Triều Thủy ngày xưa cũng không còn.

– Bánh thuẫn: Đổ bánh thuẫn là một sinh hoạt vui nhộn nhất trong bếp ngày tết. Bánh thuẫn dạo đó làm với bột bình tinh, bánh rất giòn, để lâu không bị ỉu như khi làm với bột mì. (Bột bình tinh được chuẩn bị từ những ngày hè khi thu hoạch củ bình tinh). Từ khâu chuẩn bị trách cát để nướng, đến việc chọn khuôn tròn khuôn thuẫn sao cho bánh dễ lóc, rây bột bình tinh, xên nước đường, đánh trứng, mỗi người một việc. Khuôn bánh đặt trong trách cát đun nóng. Trứng, đường, bột đánh dậy, đổ vào khuôn, đậy nắp trách và đổ than hồng bên trên nắp trách, đến khi có mùi thơm bay ra là bánh đã chín tới. Cách này gọi là nướng bánh lửa trên lửa dưới.

Ngoài các loại mứt bánh chúng tôi cũng phải chuẩn bị một vài thứ đồ nhấm cho nam giới: tré, chả thủ, bắp bò rim quế là ba thứ chủ đạo.

Những thẩu dưa món, thẩu hành, kiệu, vả, gừng dầm chua. Những lọn tré gói lá ổi quấn rơm, những vịm thịt bò rim quế, những thẩu tai mui heo dầm dấm được xắp trên chiếc kệ đặt cạnh tủ thức ăn trông thật hấp dẫn.

* Bánh chưng: Ngày tết chúng tôi chỉ gói bánh chưng, bánh tét được đặt mua từ làng Chuồn, ngôi làng nổi tiếng với nghề nấu bánh tét ở Huế.

Ngày còn nhỏ háu hức chờ xem cái bánh nhỏ xíu mình gói đã chín chưa. Lớn lên tham gia gói bánh cũng lại háu hức chờ xem những cặp bánh chưng mình gói có cân vuông, có đẹp bằng bánh của các anh các chị.

Nếp, đậu, thịt mỡ, lá dong tất cả đều được chuẩn bị từ ngày trước. Sáng hôm sau là bắt tay vào gói bánh. Bánh nấu trong cái nồi cỡ lớn, thăm chừng thêm nước khi nước cạn, bánh nấu một ngày một đêm, vớt ra, rửa qua bằng nước lạnh rồi để ráo.

Bánh chưng ngày ấy gói bằng lá dong, không dùng khuôn, buột bằng sợi lạt chẻ từ ống giang (một loại tre). Phải gói thật khéo để chiếc bánh vuông vứt, chắc, lá không thủng, không bị vào nước. 

Bánh chưng ở Huế gói không to, khổ bánh khoảng 6 – 7cm, vừa đủ bày trên một chiếc dĩa nhỏ cho một người ăn. Ngày nay trong Nam, ngoài Bắc bánh chưng gói khổ lớn từ 1 tất đến 1 tất rưởi, phải ba bốn người mới ăn hết một chiếc bánh khổ lớn này.

Bánh chưng gói, nấu vào các ngày 28 hay 29 tháng chạp. Nhà tôi cũng như đa phần các nhà khác trong thôn không nấu bánh vào ngày 30 vì các lẽ: Nấu bánh sớm để có bánh cúng rước ông bà chiều 30. Đa phần người Huế thích tươm tất, nhàn nhã, chiều 29 mọi việc trong nhà đều hoàn tất, sáng 30 thong thả đi dạo chợ hoa.

Hơn nữa thói quen của nhiều gia đình thời bấy giờ là đón giao thừa quanh bàn đỗ xâm hường hay chiếu tứ sắc. Không khí đón giao thừa quanh bếp lửa hồng của nồi bánh chưng chỉ còn trong thơ ca mà thôi.

Ghi lại hình ảnh cái bếp ngày tết không còn nữa, lòng xao xuyến nhớ.

Ghi chú

(1) Sú: cho nước từ từ vào bột.

(2) Sên: Sên nước đường. ngày ấy dùng đường ngà không có đường trắng, Sên nước đường là khuấy đường ở độ bảo hòa (một chén đường, một chén nước), với nửa ký đường dùng 2 lòng trắng trứng bỏ vào khuấy đều, bắt lên bếp đun sôi, tạp chất sẽ ăn vào lòng trắng trứng, lọc, cô đặc lại sẽ có đường tinh.

(3) Dáo, dáo bột là khuấy bột gần giống như khuấy hồ, cho đến khi khô tùy theo từng loại bánh và việc lấy trùng (độ đặc) của bột.

(4) Ráo: chưa khô hẳn, bột dáo đến độ ráo nước là chưa khô hẳn.