Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

Từ “huyền thoại địa đạo Củ Chi” đến “huyền thoại truyền thông”

 (Xem phim Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối của Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên)

Nhà báo Trương Thanh Thuận

Xem xong bộ phim “bom tấn” này, tôi thấy hoang mang quá chừng, vì những gì tôi cảm nhận được từ đầu phim cho đến dòng chữ cuối cùng hầu như khác xa với những sự khen vống khen đua theo kiểu “quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công” trên báo chí & mạng xã hội suốt tuần qua – những lời ca ngợi tạo nên một “huyền thoại” về truyền thông chưa từng có đối với phim Việt Nam nói chung, phim đề tài lịch sử Cách mạng nói riêng… Tôi có tham khảo ý kiến một số nhà điện ảnh “biết xem phim” và công tâm, kết hợp với cảm nhận cá nhân để viết mấy dòng này, trong khi chờ đợi tiếng nói chính thức của những nhà phê bình phim chuyên nghiệp mà hiện giờ hình như họ đang e dè nể nang điều gì đó!

Trước hết, cần công bằng mà khẳng định đây là một bộ phim nghiêm túc làm về đề tài chiến tranh, coi như thoát được cái bản chất “phim cúng cụ” hơn nửa thế kỷ nay đã in hằn trong ấn tượng công chúng về một kiểu phim hoành tráng thực hiện bằng Ngân sách Nhà nước phục vụ các ngày Lễ lớn xong rồi nhét vào kho! Phim không đi theo motif truyền thống “Ta thắng Địch thua” và kết phim là tiếng reo mừng chiến thắng cùng ngọn cờ bay phấp phới… Ở Địa đạo…, kết phim là các hầm địa đạo bị đánh sập, và hai chiến sĩ địa đạo còn lại phải ngậm ống tre lặn dưới nước tránh truy sát của kẻ thù… Tất cả các cảnh quay được dàn dựng hết sức công phu, và tạo hiệu quả chân thực một cách tối đa nhằm miêu tả cuộc sống và cuộc chiến đấu trong lòng đất của quân dân Củ Chi “những năm tháng không thể quên” ấy… Nếu đem so với những phim làm về chiến tranh của điện ảnh Phương Tây nhiều năm qua, về mặt hình thức phim – gồm bối cảnh phim, đạo cụ phim, cảnh quay khói lửa, kỹ xảo, v.v., thì Địa đạo… của điện ảnh Việt có thể không xấu hổ!

Thế nhưng, một bộ phim có giá trị thật sự có khả năng đi vào Lịch sử điện ảnh thế giới, hoặc đủ tiêu chuẩn như những phim đã được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn lưu trữ vào Viện lưu trữ phim Quốc gia vì sự "quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, Lịch sử, hay thẩm mỹ" của nó, thì cái “đì zai” (vỏ bọc, hình thức) nói trên của Địa đạo… quả là không đáng kể; và cái điều phim muốn gửi gắm, muốn nói với người xem hôm nay – dù rất nhân văn, tích cực, cần thiết – đã bị chính cái “hình thức” hoành tráng kia đè bẹp, và không được triển khai qua một cấu trúc phim nhà nghề theo quy luật điện ảnh fiction (hư cấu) đòi hỏi!

Ấn tượng bao trùm tôi khi dòng chữ Hết phim hiện lên: đây là một phim kiểu Ký sự Lịch sử (non-fiction – không hư cấu) bằng hình ảnh, trộn lẫn với phim fiction (hư cấu); như thế các nhà làm phim đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng trong nghệ thuật điện ảnh mà nhiều nhà làm phim thế giới có kinh nghiệm từng cảnh báo: Chớ được lẫn lộn về thể loại, vì khán giả sẽ cho rằng người làm phim đánh lừa họ! Thực ra, không ít phim đoạt giải cao tại các liên hoan phim quốc tế đã đưa chất “tài liệu” (document) khá đậm đặc vào phim truyện, song chất “tài liệu” đó được cài cắm một cách tự nhiên, đầy nghệ thuật, trên cơ sở một hệ thống nhân vật có sức thuyết phục, một cấu trúc kịch tính hết sức chặt chẽ. Còn ở phim Địa đạo…, chất truyện, chất fiction rất yếu ớt, nhạt nhẽo, các nhân vật dù được diễn viên dày công thể hiện, song đều là những hình nhân mờ nhạt, lộ rõ sự minh họa thô thiển cho nội dung phim! Cuộc hãm hiếp dẫn đến có chửa của một cô du kích địa đạo được ném ra chẳng gắn bó gì với xung đột kịch tính – tư tưởng phim, để làm gì vậy, câu khách đơn thuần chăng?

Ngoài ra, cái gọi là “yếu tố truyện” tương đối rõ nét trong phim này còn bị các nhà làm phim khai thác thành hai tuyến tình tiết quan trọng với mục đích xây dựng “biểu tượng”, song thái quá, đậm chủ quan nên gây phản cảm khá nặng: 1. Mấy cuộc làm tình (và hãm hiếp) dữ dội dưới xích sắt xe tăng và đạn pháo địch: Không hiểu khán giả khác thế nào, ở mấy đoạn phim đó, tôi thấy gai gai người kinh sợ, bởi nó hết sức phản tự nhiên, thế nhưng nhà làm phim đã muốn minh chứng bản năng sinh tồn của con người mạnh hơn sự hủy diệt bằng ý đồ cực đoan – y như trong phim Sống trong sợ hãi mà có người nói đùa vui rằng nó làm nên “thương hiệu làm tình kiểu Bùi Thạc Chuyên”! 2. Trường đoạn ông cán bộ cấp cao tên là Sáu rơi vào tay địch: Ông này bình tĩnh nhận điếu thuốc do địch châm cho là được, khá tự nhiên, song khi tác giả để ông lên lớp dạy dỗ mấy sĩ quan binh lính Mỹ về lịch sử dưới ống kính của nhà quay phim chiến trường thì không ít khán giả chợt phì cười! Rồi tới khi ông này chẳng biết giấu ở đâu và từ lúc nào quả lựu đạn để lôi ra giết bọn lính Mỹ và tự sát, thì bàn tay xếp sắp bố trí của tác giả lộ rõ sự vụng về, cố tình!

Sau cùng, xin bộc bạch một tâm sự, đúng hơn, một khao khát của cá nhân tôi về không chỉ riêng bộ phim Địa đạo… mà còn về các bộ phim Việt Nam sẽ làm về đề tài Chiến tranh: Phải chăng, đã đến lúc nên chấm dứt việc thực hiện những cảnh quay giết chóc rùng rợn không kém thời Trung cổ như trong phim này – dù có là của chiến tranh chính nghĩa đi nữa – đặc biệt là cảnh quay dùng đòn xóc dưới địa đạo đâm xuyên người viên sĩ quan Mỹ (tới cảnh này, trong rạp, mấy bà mấy chị ngồi hàng ghế trước tôi phải lấy tay ôm mặt, còn nhà điện ảnh đi xem cùng tôi như rùng cả mình và cúi gầm đầu xuống). Mấy chục năm trước, điện ảnh ta có phim Thủ lĩnh áo nâu diễn tả lại cảnh nghĩa quân Đề Thám tổ chức đầu độc binh lính Pháp ở Hà Thành, đã chẳng dấy lên sự phản đối của khán giả trong nước và nước ngoài đó thôi! Không phải sự thật nào cũng có thể đưa lên màn ảnh “giữa thanh thiên bạch nhật” một cách trần trụi và sống sít, nhất là trong thời chiến tranh tàn khốc đang diễn ra nhiều nơi trên trái đất thì chủ nghĩa nhân văn toàn cầu càng cần được khôi phục và phát triển… Theo ý kiến của một số nhà phê bình điện ảnh, ngay cả những phim về chiến tranh ghê rợn nhất của thế giới cũng không “đẩy” người xem vào cái không khí ngột ngạt đầy đe dọa một cách cực đoan như Địa đạo… đã tạo ra. Và một vài cựu chiến binh cũ thời chống Mỹ đã cho biết: cán bộ chiến sĩ ở “Củ Chi đất thép” thời ấy đâu phải bị “nhốt” trong địa đạo làm “chuột chũi” như một thứ định mệnh như thế, họ vẫn sinh hoạt bình thường ở làng xóm ngoài lúc chiến đấu trong địa đạo… Thế mà, yếu tố giải trí cần thiết – và như một phẩm chất quan trọng của Nghệ thuật thứ Bảy – đã vắng bóng trong hai tiếng phim ngột ngạt nặng nề đến nghẹt thở của Địa đạo…!

Tôi thiển nghĩ, trong giai đoạn Hòa hợp hòa giải dân tộc đã chín muồi và cần tạo ra mối quan hệ bang giao hữu hảo với cả thế lực đối kháng xưa kia, bộ phim Địa đạo… không khác gì việc khơi gợi cố tình sự thù địch đáng lẽ phải quên đi từ lâu, kích động sự thù hận kiểu “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”! Bộ phim thật ra vẫn chưa thoát khỏi bóng dáng của loại phim “cúng cụ” nhằm lên án tội ác giặc Mỹ xâm lược và ca ngợi chiến công của quân dân ta, khi mà nhận thức về địa chính trị của xã hội đã được nâng lên rất nhiều, và thị hiếu của người xem phim hôm nay đã không còn đơn giản như trước…

Hơn nữa, trong bài viết Hai ngàn ngày trấn thủ Củ Chi của Thiếu tá Dương Đình Lôi, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quyết Thắng ở Củ Chi, ông khẳng định không ai có thể "chiến đấu suốt 10 năm trong địa đạo" như tuyên truyền, Đ=địa đạo chỉ là nơi tạm lánh lúc nguy cấp, và sau năm 1967 đã trở thành tử địa. Bản đồ và báo cáo từ Lữ đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ (25th Infantry Division), đóng tại Đồng Dù, xác nhận các trận càn lớn năm 1966-1968 đã san bằng gần như toàn bộ khu vực Củ Chi, và không phát hiện hệ thống địa đạo quy mô như tuyên truyền. Các phóng viên chiến trường như Peter Arnett, David Halberstam đều mô tả Củ Chi là vùng "nội bất xuất ngoại bất nhập", nơi bất kỳ hầm hố nào lộ diện đều bị pháo bầy, napalm hoặc bom 7 tấn ném xuống…

(Toàn bài:

https://www.facebook.com/1708810613/posts/10213196392980263/?rdid=b7eydlSywIHpv3t3# )

Như thế là, từ sau 1975 đến nay, địa đạo Củ Chi được tô vẽ thành một biểu tượng chiến thắng và kích động lòng yêu nước trong nhân dân bằng văn chương, phim ảnh, mô hình, du lịch… nhằm mục đích tuyên truyền; và phim Địa đạo… có thể nói là một đỉnh cao của chiến dịch tuyền truyền đó góp phần tạo ra “huyền thoại địa đạo” ít có sự thật lịch sử, và đồng thời cũng tạo ra “cơn sốt” truyền thông” ghê gớm, tựa một “huyền thoại truyền thông” chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt… Có thể nói, đó là điều đáng tiếc đáng kể đối với một bộ phim “bom tấn” được thực hiện nhằm chào mừng ngày 30 tháng 4!

Với bộ phim Địa đạo…, những điều đáng tiếc nói trên cũng là sự thất vọng cho tài năng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đồng thời gửi gắm hy vọng anh sẽ có những sáng tạo nghệ thuật xứng đáng với nguồn lực khổng lồ mà nhân dân và quân đội dành cho những bộ phim lịch sử lớn mà anh đang ấp ủ!