Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025

Không khói hoàng hôn (kỳ 6)

 Nguyễn Thị Kim Thoa

Thuở đó đi chùa

Tôi đi chùa và qui y Tam Bảo lúc lên 5. Vào lứa tuổi này tôi chưa ý thức được gì những chuyện như thế, nhưng cha mẹ tôi là những Phật tử thuần thành, ông bà qui y cho tất cả các đứa con từ rất sớm và tôi cũng không là đứa ngoại lệ.

Tôi theo mẹ cùng hai chị đi chùa từ tấm bé, tôi yêu ngôi chùa Phước Huệ cùng chùa Pháp Hải ở quê tôi.

Từ ấu thơ mỗi buổi tối trước lúc đi ngủ và mỗi sáng thức giấc tôi ru mình trong tiếng mõ, tiếng cầu kinh của mẹ. Mẹ tôi tụng kinh rất hay. Trong lòng tôi, chưa ai tụng kinh hay bằng mẹ: “Đệ tử chúng con từ vô thỉ/ Gây bao tội ác bởi lầm mê/ Đắm trong sanh tử đã bao lần/ Nay đến trước đài Vô Thượng Giác/ Biển trần khổ lâu đời luân lạc/ Với sanh linh vô số điêu tàn/ Sống u hoài trong kiếp lầm than/ Con lạc lõng không nhìn phương hướng... Hoặc: “Bồ đề nhất bách bát/ Diệt tội đẳng hà sa/ Viễn ly tâm đồ khổ/ Xuất sắc biến liên ba/ Nam mô Tây phương quá /Tam thập lục vạn ức Phật độ/ Đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi A Di Đà Phật...”

Thời con gái tôi cùng anh chị em trong nhà từng bước tập ăn chay, niệm Phật theo mẹ cha. Cùng mẹ đi chùa lễ Phật mỗi rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư, rằm tháng Bảy và rằm tháng Mười. Chúng tôi nghe thầy, nghe sư thuyết pháp.

Trang phục đến chùa là áo dài màu lam, tóc chải, kẹp gọn gàng. Trước hôm đến chùa, chị em chúng tôi được tắm nước lá thơm. Nước lá thơm là nước nấu với cây lá có mùi thơm trong vườn: lá đinh lăng, lá sả, lá chanh, lá bưởi...Đến chùa đi đứng nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ, xưng hô, thưa gởi đúng mức.

 

Đến chùa là niềm vui, nghe Thầy, nghe Sư thuyết pháp là những buổi học thích thú. Mẹ không ép buộc chúng tôi đi chùa nhưng chúng tôi ai nấy đều háu hức khi được đến chùa. Chùa yên tĩnh, chùa có nhiều cây cao bóng mát, chùa có Thầy, có Sư, có các điệu, có các cô bác nói năng nhẹ nhàng, ân cần trò chuyện, giải thích những vấn đề Phật Pháp với cả tấm chân tình. Với tôi đây còn là những buổi dã ngoại thích thú với hoa lá chim muông.

Vào tuổi thanh thiếu niên tôi theo mẹ cùng các chị, các em đến lễ bái những ngôi chùa trên đồi Quảng Tế. Đó chùa Thiên Hỷ của Hòa thượng Thích Thọ Đức, chùa Châu Lâm của Hòa thượng Thích Tiêu Diêu, chùa Từ Hiếu của Hòa thượng Thích Chí Niệm. Đặc biệt chúng tôi cũng đến đảnh lễ ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy Thiền Lâm Tự của Sư Thích Hộ Nhẫn (còn gọi là Sư Thiện).

Các tăng trong hệ phái Đại Thừa mặc áo nâu, chủ trương “bất tác bất thực”.

Chùa Thiên Hỷ, chùa Châu Lâm, chùa Từ Hiếu, các tăng, các điệu lao động cật lực để có cái ăn, các vị trồng rau, trồng khoai sắn ở các nương rẩy quanh chùa, trong sân chùa còn trồng mít, vả, chuối, chanh... cùng bông hoa cúng Phật. Bữa cơm của các thầy, các điệu rất đạm bạc chỉ có cơm, canh rau muối, tương cà, lâu lắm mới có mấy miếng khuôn đậu (đậu phụ) do đệ tử cúng dường.

Những năm học trường Y có lúc tôi đã ở lại chùa Thiên Hỷ cả ngày để học bài. Tôi được thầy Thọ Đức cho ăn cơm, rau với một thứ nước chấm làm từ hột mít. Hột mít thay đậu nành làm tương rất ngon.

Các Sư hệ phái Nam Tông của Thiền Lâm Tự khoác y vàng, đi khất thực quanh vùng Nam Giao, đầu trần chân đất, tay ôm bình bát, yên lặng đi, đi bảy bước dừng lại một bước, chỉ nhận từ thí chủ thức ăn, không nhận tiền của. Thời gian đi khất thực là vào buổi sáng và về chùa trước giờ ngọ vì các vị ấy chỉ ăn một bữa đúng ngọ mà thôi.

Trong các buổi thuyết pháp cả ở chùa Bắc Tông hay Nam Tông, bài học đầu tiên của chúng tôi từ các Hòa thượng, các Sư là mười điều cơ bản và những lời giảng đơn sơ dễ hiểu về Phật Pháp.

Xin trích lược một đoạn sau:

– Phật là người, không phải là thần

– Phật là người rất bình đẳng

– hật không phải là người sinh ra mà biết mọi việc

– Phật giáo không thừa nhận có người tồi tệ không thể giáo hóa

– Phật không phải là độc nhất vô nhị, mọi người đều có thể thành Phật

– Phật giáo không thừa nhận có thần sáng tạo ra vạn vật

– Phật pháp tùy theo căn cơ hoàn cảnh mà giáo hóa

– Phật pháp là nhập thế 

– Phật giáo không bài xích đạo khác

– Phật giáo là dân chủ và tự do.

“Đức Phật Thích-Ca Mâu-ni, câu nói đầu tiên của Ngài lúc đến nhân gian này là:

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Chúng ta nên chú ý chữ ngã trong câu duy ngã độc tôn, không phải chỉ riêng bản thân Thích-Ca Mâu-ni, mà là chỉ cho toàn thể nhân loại.

“Giải thích chính xác câu ấy là: Người ta ở trong vũ trụ đầu đội trời chân đạp đất, mỗi người đều là chúa tể của chính mình, quyết định vận mạng của chính mình, mà không phải nghe theo mệnh lệnh của ai hoặc vị thần siêu nhân nào khác.

“Đức Thích-Ca Mâu-ni tuyên bố sự giác ngộ và thành tựu của Ngài, hoàn toàn đều do công phu nỗ lực và tài trí của chính mình”.

“Đức Thích-Ca Mâu-ni cho rằng, điều cát hung họa phước, thành bại vinh nhục của một cá nhân quyết định ở hành vi thiện ác và sự nỗ lực của chính bản thân họ. Không ai có thể đề bạt ta lên thiên đường, cũng không người nào có thể đem ta đẩy xuống địa ngục.

“Ca ngợi và tán thán không thể lìa khổ được vui, chỉ có thực hành tu tâm sửa tính mới có thể khiến cho nhân cách của mình tịnh hóa thăng hoa, khiến cho mình hưởng thọ khoái lạc tâm an lý đắc.

Các Thầy, các Sư luôn dạy chúng tôi làm điều lành tránh điều ác, tự thân chịu lấy phước phần do mình gây nên. Các ngài không bao giờ nói đến “giải oan”, “giải nghiệp” bằng cách cúng dường. Các ngài dạy chúng tôi bài trừ mê tín dị đoan, không có quỉ thần nào hại được ta, không có tiền bạc nào mua chuộc được tội lỗi do mình gây ra.

Hiện nay có một số chùa to, tăng giả, một số quần chúng mê muội lạc vào thiên la địa võng do bọn quỉ sa tăng đội lốt sư thầy bày ra để đe dọa, phỉnh lừa, làm tiền, quấy nhiễu.

Mong rằng trong thanh tịnh của thân tâm, chúng ta vượt qua khỏi khổ nạn này.

Tháng mười trời mưa

Mấy ngày nay do ảnh hưởng cơn áp thấp nhiệt đới trời Sài Gòn u ám, mưa rỉ rả suốt ngày làm tôi nhớ Huế.

Huế đẹp từ vùng nước đọng bên đường, Huế thấm như nước mắm thấm vào cá nục kho khô, tôi nhớ đâu đó nhà văn Túy Hồng nói thế.

Những năm đầu đại học, mẹ mua cho anh trai chiếc xe “honda” để đi học, còn tôi thì vẫn đạp chiếc xe đạp mini cũ. Mẹ bảo:  “con gái đi xe đạp nhỏ cho hiền lành, khi nào cần đi đâu xa nhờ anh chở”.

Tôi thích xem phim, thích đi một mình. Vào một ngày chủ nhật rạp Châu Tinh chiếu phim “Le Cid”, đã đọc truyện của Pierre Corneille, không thể không đi xem, vé xuất 5 giờ đến 7 giờ chiều đã hết, chỉ còn vé xuất 7 giờ đến 9 giờ tối. Đành phải nhờ ông anh chở đi và chở về.

Ông anh vẫn thường cưng em gái nên chìu.

Ra về, trời đổ mưa, cứ ngỡ có anh đến đón nhưng ngó quanh chẳng thấy anh ở mô, anh QC (bạn thân của ông anh) đến nói:  “Anh H bận việc nhờ anh đến đón em”. Trời mưa không dứt, anh ấy lại không đem áo mưa. Hai đứa đứng trú mưa dưới mái hiên rạp. Vũng nước đọng bên kia đường với những bong bóng nhỏ phản chiếu anh đèn trông muôn màu rất đẹp. Mưa nhẹ hạt, đành ngồi lên xe để anh QC chở về. Uớt nhẹ hai vạt áo nhưng thấy lạnh và run. Hình ảnh Chimène và Rodrigue do hai tài tử Sophia Loren và Charlton Heston đóng cứ lấn vấn trong đầu. Mối tình thật đẹp và buồn. Mãi mê theo chuyện phim, anh QC hỏi gì cũng không trả lời. Về đến ngõ phần áo ướt, phần buồn vì chuyện phim, phần tờ program phim sưu tầm nhàu ướt, mở cổng, chạy vội vào nhà không một lời cám ơn, không một lời từ biệt.

...

Một bữa trưa, sau buổi thực tập tại bệnh viện trung ương Huế, ra về, trời mưa, đứng núp mưa dưới vòm cổng bệnh viện, nép mình vào hàng rào, nhìn vũng nước đọng bên kia đường, từng giọt mưa nổi bong bóng, đúng là Huế đẹp từ vũng nước đọng bên đường.

Một thanh niên đi qua, nhìn tôi thật gần, cởi áo mưa đưa cho tôi và nói: “Nhà anh ở bên kia đường, anh ấy vừa nói và chỉ tay về phía đường Lý Thường Kiệt, em cầm lấy mặc về kẻo trưa rồi, anh sẽ đến nhà lấy lại sau”.

Chưa kịp phản ứng gì, anh ấy đã ấn chiếc áo mưa vào tay tôi, vội vã bước đi dưới cơn mưa tầm tả.

 

Một tuần sau anh ấy đến nhà nhận lại chiếc áo mưa. Thì ra ra anh ấy cũng là bạn của anh chị tôi. Những lần sau đến chơi, anh thường nói chuyện với anh chị tôi, nói chuyện cả với mẹ tôi. Ai cũng mến anh vì anh nói chuyện hay. Đến chơi nhà, lúc nào anh cũng không quên làm quà cho tôi khi thì trái ổi nếp thơm lựng, khi thì trái quít ngọt giòn, khi thì mấy đóa violet tím nhỏ từ vườn nhà mình. Mùi ổi nếp thơm lựng, vị ngọt giòn của quít, mùi thơm thoảng thoảng của những đóa hoa thấm dần vào tâm hồn tôi...

Tháng mười Huế mưa. Đẹp và thấm...

Huế đẹp từ vũng nước đọng bên đường, Huế thấm như nước mắm thấm vào con cá nục kho khô là thế.

Tháng ba nắng ấm

Là đứa con èo uột, ốm yếu, tôi được cha mẹ cưng chìu. Nuôi tôi thật khó khăn vì tôi kén thức ăn. Tôi không ăn được thịt cá, (tôi không ăn được thịt cá là do không thích mùi vị chứ không phải vì lời răn tôn giáo hay vì lòng yêu thương muôn loài). Đọi canh cá hay canh thịt tôi chỉ ăn nước mà mẹ phải vớt hết mấy cọng hành bỏ trên mặt.

 

Thức ăn thường xuyên của tôi là trứng gà và đậu cô ve luộc. Ấy thế mà tôi vẫn lớn, lớn thành con vịt đẹt.

Ngày tôi vào trường Y cả nhà đều lo lắng rằng tôi không đủ sức khỏe để theo học. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua dù tôi chỉ ăn rau và trứng, thỉnh thoảng mẹ ép lắm mới ăn được một con cá nục chuối nhỏ kho khô hay vài con tôm đất rim, hoặc khới mấy cái sụn xương xí quách của gánh phở về đêm.

 

Ngày lấy chồng mẹ càng lo, mẹ dặn chồng tôi phải chăm nom tôi: nào là tôi không ăn được món này, nào là tôi kiêng kỵ món kia... Chồng tôi cười và thưa với mẹ: “Mẹ đừng lo, con sẽ chu toàn”.  Nhưng rồi, theo chồng tôi cố gắng nấu mấy món chồng thích, lần hồi ăn theo cũng được vài ba vị, và cũng bởi vì anh ấy có một “lập trường kiên định”: Em ăn thì anh mới ăn.

 Sức khỏe tôi không tốt, đời sống vật chất khó khăn, anh ấy cùng tôi tập thể dục.

Đà Nẵng với bãi biền dài thoáng đãng, buổi sáng bốn giờ anh ấy đã đánh thức tôi dậy, nói là đánh thức nhưng thật ra vào giờ này cư dân phường Tân Chính Đà Nắng muốn ngủ cũng không ngủ được vì chuông giáo đường dồn dập vang lên mà nhà tôi lại sát vách nhà thờ. Cả hai chúng tôi qua biển, đi bộ từ bãi Mỹ Khê lên đến bãi Bắc Mỹ An, trở về lại bãi Mỹ Khê.

Bãi biển Đà Nẵng những năm 1980 – 2000 thật đẹp, bãi cát hoang sơ, rộng, chạy lài lài ra biển, cát trắng phau với những bãi dương xanh ngát, những bầy đốm đốm lập lòe quanh mấy ngôi mộ cổ, những ánh đèn chài từ biển khơi trở về trong sương sớm…

Dù mưa hay nắng chúng tôi vẫn đi đều đặn. Đi bên nhau, giữa trời biển mênh mông, giữa trăng sao vời vợi, anh ấy đọc thơ cho tôi nghe:  “Tếch nhẹ gót hài em đã đến/ Một trời lụa trắng lao xao/ Ta là chim phượng hoàng mê đắm/ Trời của thơ hồn vỗ cánh phương nào/ Tóc đã xanh một thời huyễn hoặc/ Môi thật hồng trăng với rượu ta say/ Nắm chặc đốc gươm chừ cười với bóng/ Nước loạn bao năm chừ tóc hóa mây/ Len lỏi rừng thiêng chừ ta ngậm ngãi/ Cơm áo công danh chừ đã khói bay… » 

Đi bộ xong chúng tôi tắm biển. Anh ấy bơi biển khá giỏi, tôi biết bơi từ nhỏ, nhưng chỉ bơi ở sông sau nhà, không quen bơi biển. Lần hồi với sự kềm kẹp, dẫn dắt của chồng tôi bơi biển khá hơn. Một lần cùng anh ấy bơi ra xa, gặp luồng nước chảy xiết, tôi hoảng hốt quay lui bơi vào, anh ấy liền bảo: “đừng  hoảng, bơi theo anh, ra xa vài thước nữa, qua luồng rồi hãy bơi vào”. Tôi làm theo, thật sự yên tâm khi có anh ấy bơi cạnh.

Giờ ngẫm nghĩ lại, cuộc sống có lúc cũng phải bơi ra khỏi luồng xoáy.

Tôi đã học được khi nào thì bơi vượt lên ngọn sóng, khi nào bơi chui qua con sóng. Gần bờ bơi khó, nhưng khi vượt qua được các con sóng, biển phẳng lặng bơi dễ dàng hơn.

Chúng tôi thích nhảy sóng cao. Có những con sóng cao vài ba mét, đứng quay lưng đợi sóng vào nhảy lên cao theo sóng để sóng va đập vào lưng, cảm giác khoan khoái mát mẽ ấy còn lưu giữ mãi cho đến cuối ngày.

Ngoài việc đi bộ, bơi biển, anh ấy còn kiếm đem về cho tôi hai cuốn sách: Tập luyện dưỡng sinh – luyện thở. Theo đó tôi bắt đầu tập thở và tập Yoga. Tập theo hướng dẫn của sách một thời gian, rồi tập theo băng đĩa cũng do anh ấy mua về.

 

Tập Yoga ban đầu thấy khó, nhưng vì thích, cố gắng tập, lần hồi tôi có thể thực hiện những tư thế khó và phức tạp. Tôi bớt đau đầu, bớt đau khớp, sức khỏe được cải thiện.

Tập luyện là một phần nhưng dinh dưỡng phù hợp cũng là một phần quan trọng không kém. Là bác sĩ tôi ý thức được sự việc, do vậy tôi đi chợ, nấu ăn lo bữa cơm cho chồng con hợp lý hơn trong điều kiện kinh tế khó khăn, vật chất eo hẹp. Lần hồi tôi ăn được nhiều món như mướp đắng, rau càng cua, cá tràu, cá dầy, thịt gia cầm...

Tôi quên đi những gì mình không ăn được, tôi trở nên “dễ nuôi” hơn.

 Tôi nhận ra:

Có một nơi cư ngụ cho tình yêu/ thơ ca và thấu hiểu/ trăng sao, sóng biển, cát vàng/ mỗi một bước em đi/ đom đóm lập lòe chực sáng/ lời anh hát/ gió biển reo/ hạt sương mai/ lùa gió bấc/ thì thầm môi anh những vần thơ êm ái.

Nơi cư ngụ/ của tình yêu/ lời sóng dâng màu bạc trắng/ lời gió bấc về thỏ thẻ/ lời nắng vàng ấm bàn tay/ lời hoa tím ngẩng đầu chào hỏi/. Ôi! nơi cư ngụ của tình yêu / hỡi thơ ca và nắng ấm!

Thế rồi, có những buổi chiều vắng, ngồi trông về ngõ sau tôi đã khóc.  Mẹ ơi con đã khá hơn nhiều.

                    

Ký ức về một làng quê - Mỹ Lợi (phần 1)

Gặp người Mỹ Lợi

         Tên làng và người Mỹ Lợi tôi được nghe và tiếp xúc rất sớm. Năm lên bảy, tôi theo mẹ đến trường tiểu học Thế Dạ nộp đơn xin học. Chúng tôi đến văn phòng gặp thầy hiệu trưởng Hoàng Chương. Đọc hồ sơ thấy tôi đã lớn tuổi, đi học chậm, thầy bảo với mẹ tôi:

– “Bà cho cháu đi học trể, tôi sẽ kiểm tra trình độ của cháu, nếu được cho cháu vào thẳng lớp tư để khỏi mất một năm học”.

Thầy hỏi tiếp mẹ tôi là tôi đã đọc và viết được chưa. Mẹ tôi bảo tôi đã học qua lớp vỡ lòng ở trường làng, đã viết và đọc được những đoạn văn nhỏ do mẹ dạy ở nhà.

Thế rồi ngay lúc ấy thầy Hoàng Chương hỏi tôi đôi ba câu, bảo tôi đọc một đoạn văn nhỏ ở sách tập đọc, làm mấy phép cộng trừ trong giới hạn từ một đến mười, sau đó thầy ân cần cầm tay tôi và bảo:

– “Thầy xếp con vào học lớp tư (lớp hai bây giờ) với cô Bổn, cố gắng học để theo kịp bạn bè.”

Mẹ tôi cám ơn thầy Hoàng Chương rối rít. Tôi vừa mừng vừa lo. Trên đường về, mẹ tôi nói:

–“ Thầy Hoàng Chương là người Mỹ Lợi và là cháu gọi bà Từ Cung – mẹ của vua Bảo Đại – bằng cô ruột”. 

Sau khi đã là học sinh trường Thế Dạ, tôi biết thêm thầy Hoàng Chương là đồng tác giả (với ba thầy Tôn Thất Lôi, Tạ Thúc Thọ, Nguyễn Cáng) của hai cuốn sách địa lý dành cho lớp nhì và lớp nhất (lớp bốn và lớp năm bây giờ).

Dáng người thanh cảnh, cử chỉ lời nói nhẹ nhàng thân ái của thầy Hoàng Chương và những thông tin về gia đình của thầy: Cháu gọi bà Từ Cung (Hoàng thị Cúc) bằng cô ruột, anh em cô cậu với vua Bảo Đại, tác giả sách… khiến tôi chú ý đến tên làng Mỹ Lợi – nơi bà Hoàng Thị Cúc (Từ Cung) và thầy Hoàng Chương đã sinh ra. Tôi hỏi mẹ, hỏi cha: Làng Mỹ Lợi ở đâu mà giọng nói của cư dân gần giống với giọng Quảng – Hội An của mẹ? Làng Mỹ Lợi như thế nào mà sinh ra những con người đặc biệt như thế? Trong tâm thức thơ dại của tôi bấy giờ cái gì thuộc về vua chúa, sách vở đều thiêng liêng, đẹp đẽ.

Những giải đáp của mẹ và cha cho tôi những hiểu biết đại khái:

         Mỹ Lợi là một làng ven biển cách Huế khoảng 40 cây số về phía đông – nam, dân chúng đa phần sống về nghề làm vườn. Vườn Mỹ Lợi nổi tiếng cau trầu, cam quít, chuối thanh tiên, mãng cầu, thơm ổi… Từ đó, vườn cây trái, con người và ngôi làng có tên Mỹ Lợi đã quấn quít lấy tôi trọn cả đời. Không khó để nhận ra rằng: quê làng Vỹ Dạ của tôi và làng quê Mỹ Lợi từ cái tên gọi, đến vườn tược, cây trái và cả con người có cái gì đó rất gần và cũng rất chung trong tâm tưởng tôi từ buổi ấu thời. Sau này lớn lên làm dâu Mỹ Lợi, về thăm nhà và quê chồng năm mười chuyến, tôi mới nhận ra rằng trong cái chung của cảm nhận ban đầu, Mỹ Lợi có nhiều cái riêng chẳng lẫn lộn với bất cứ quê làng nào.

 

Người Mỹ Lợi sau thầy Hoàng Chương tiếp xúc với gia đình tôi là một phụ nữ đứng tuổi làm nghề buôn chuyến theo đò dọc đến nhà tôi qua ngã bến sông.

Sau vụ gạo miền Trung (1957), bị chính quyền của Ngô Đình Cẩn thu hồi môn bài bán gạo lẻ, gia đình tôi lâm vào tình thế cùng quẫn. Cha tôi phải đi làm thư lại ở Quảng Nam, mẹ tôi xoay xở bằng cách chuyển qua buôn hàng nằm (trữ hàng). Buôn hàng nằm là mua các sản phẩm nông nghiệp từ đầu vụ, trữ và bán ra ở cuối vụ, lời lỗ tùy theo năm và cũng tùy theo chất lượng của hàng hóa. Qua giới thiệu của bà Bửu Đáp, người phụ nữ buôn chuyến ở Mỹ Lợi đem đến cho mẹ tôi: dầu phụng, bánh dầu, thuốc lá, cau khô…, mùa nào thức ấy. Bà ấy tên Khiêm, người tầm thước, mặt mày không đẹp nhưng đoan hậu, lúc nào cũng ăn mặc tươm tất (áo dài màu cổ đồng hay màu nâu sáng, quần lãnh đen, chiếc nón lá có quai bằng vải thao to bản), hàm răng đen và miệng luôn nhai trầu, nói cười dịu dàng, chậm rãi, chừng mực và tự tín. Không nói thách, không trao hàng kém phẩm chất, và chẳng bao giờ lời qua tiếng lại với mẹ tôi. Mẹ tôi thường nhận xét: Buôn bán và tiếp xúc với những người như bà Khiêm mình thấy yên tâm và dễ chịu. Ngoài việc buôn bán, mẹ tôi còn nhờ bà Khiêm đặt chằm những cái nón lá từ Mỹ Lợi. Cầm chiếc nón mẹ tôi thường trầm trồ: “Vành lồ ô vót nhỏ, chuốt tròn, mũi chằm bằng sợi đoát mịn, đều, cái núm kết ở chóp đỉnh trong trông như một hoa cúc nhỏ. Nón lá đặt làm tại Mỹ Lợi không có bài thơ đỏm dáng như nón Huế, nhưng duyên dáng và bền hơn”.

Mỗi lần theo đò dọc mang hàng đến cho mẹ tôi, bà Khiêm không bao giờ quên làm quà cho chúng tôi những trái cây đặc sản của Mỹ Lợi. Khi thì vài trái thơm, mươi trái quít. Khi thì mấy trái dừa và cả giỏ ổi hoặc mãng cầu.

Trái cây Mỹ Lợi thơm ngon hơn trái cây Vỹ Dạ. Đặc biệt là quít và chuối thanh tiên. Quít Mỹ Lợi thơm, giòn và ngọt tinh tế hơn quít Hương Cần. Đây là cảm nhận chủ quan của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng có một thực tế để so sánh. Nhà tôi có mấy sào ruộng ông nội để lại ở Hương Cần. Sau 1945, người làm ruộng rẻ không còn mang lúa nếp vào như thời ông nội còn tại thế, nhưng tình nghĩa vẫn còn lưu luyến cho đến những năm cuối đời của cha tôi. Con cháu người làm ruộng ở Hương Cần thường vào thăm gia đình chúng tôi với vài chục trái quít làm quà. Đó là những lúc để chúng tôi bình phẩm quít Mỹ Lợi – quít Hương Cần.

 

Sau những lần bà Khiêm đến nhà là dịp để chúng tôi bình phẩm, so sánh giọng nói của bà và của mẹ tôi. Chúng tôi cảm thấy gần gũi thân thiết với người phụ nữ buôn bán hàng chuyến người Mỹ Lợi này khi nhận ra rằng giọng nói của bà ấy gần giống giọng nói của mẹ tôi. Nhưng nghe lâu chúng tôi phát hiện những khác biệt rất buồn cười. Chúng tôi hay chọc bà bằng lời chào nhái Mỹ Lợi: “Dì lên khi nào vậy?”, hoặc : “Dì đi đâu mà Tết vừa rồi không lên vậy”?

 

Sau này, lấy chồng và làm dâu Mỹ Lợi, tôi mới có nhận xét sơ sài rằng giữa Mỹ Lợi và Quảng Nam có vài nét tương tự về âm giọng và khác biệt trong lời ăn tiếng nói cũng như phong tục tập quán: Trong giao tiếp hàng ngày, cũng như người Huế, người Quảng thường dùng các tiếng “mô” (đi mô, để mô, người mô…), “tê” (nơi tê, ngày tê, cái tê…), “rứa” (như rứa, rứa hà, rứa đó…), “răng” (làm răng, răng mà, răng rứa…), còn người Mỹ Lợi thì dùng “đâu” (đi đâu, để đâu, về đâu…),  “sao, gì” (làm sao, làm gì…), “vậy” (như vậy, vậy đó, vậy là…), “kia” (ngày kia, đằng kia, thế kia…). “Kìa sao vậy” là câu hỏi người Mỹ Lợi hay dùng để phản đối nhẹ nhàng một điều gì đó không vừa ý. Trong chuyện ăn – uống: người Mỹ Lợi thích mắm nêm, ngươi Quảng sính mắm cái, người Quảng mê bánh tổ, bánh ú tro, bánh tráng, người Mỹ Lợi chẳng hề biết đến bánh tổ, bánh ú tro,  còn bánh tráng thì gặp hay chăng chớ…

Sau thầy Hoàng Chương và bà Khiêm, làng Mỹ Lợi đến với chúng tôi qua nhà quí tộc láng giềng: ông bà Bửu Đáp. Gia đình Bửu Đáp giao tiếp với Mỹ Lợi sớm và nhiều hơn chúng tôi. Hình như thời kháng chiến, hai người con của ông bà Bửu Đáp (một trai, một gái) đã tới Mỹ Lợi an dưỡng hay công tác gì đó một thời gian. Và cũng có thể cả hai ông bà đã tới Mỹ Lợi đôi ba lần. Bà Bửu Đáp buôn bán hàng nằm với bà Khiêm trước mẹ tôi. Cứ theo câu chuyện của ông và bà Bửu Đáp với cha mẹ tôi (tôi nghe lóm được) thì Mỹ Lợi là một làng quê hiền hòa, dễ sống, dân chúng siêng năng cần cù, nương vườn sum suê cây trái. Người dân Mỹ Lợi trồng trầu cho leo thân cau như trong truyện cổ tích. Quít chín vàng sà ra đường không ai hái trộm. Đêm ngủ không đóng cửa. Chợ Mỹ Lợi sầm uất thua kém chợ Đông Ba chẳng bao nhiêu, tôm cá sông biển ê chề, rau dưa phong phú tươi ngon. Người Mỹ Lợi hết lòng với kháng chiến, tiếp đón, chăm nuôi bộ đội, cán bộ chu đáo tận tình.

 

Sau năm 1976, chị Hai tôi qua đời, anh Chu Sơn (là bạn của chị Hai) trở nên thân quen với gia đình chúng tôi. Biết anh Chu Sơn là người Mỹ Lợi tôi mới hỏi về những nhận xét nhiệt tình và thân thiện của ông bà Bửu Đáp. Anh Chu Sơn cười buồn, bảo:

 

– “Những lời nhận xét ấy không sai, nhưng chỉ đúng vào một thời điểm đặc biệt. Đó là mấy năm Mỹ Lợi trở thành trung tâm của Khu Ba – Phú Lộc là vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp. Cái thời điểm đặc biệt ấy cũng giống như cái khoảnh khắc “nắng hàng cau nắng mới lên” tại Vỹ Dạ trong bài thơ của Hàn Mạc Tử. Sau cái khoảnh khắc tuyệt vời ấy, Mỹ Lợi cũng như rất nhiều làng quê khác, cũng như đất nước, chìm trong thù hận, chiến tranh, đói khổ, tối tăm với những ngày dài “buồn thiu” và những hoàng hôn “sương khói mờ mờ nhân ảnh”.

 

Cách mạng là giấc mơ. Đánh Tây là nghĩa cử cao đẹp. Sau cách mạng tháng Tám con người và cảnh vật Mỹ Lợi đi vào cuộc kháng chiến như tham dự một lễ hội. Đêm ngủ không đóng cửa. Quít chín vàng sà ra lối đi chẳng ai hái trộm. Con trai chưa đến tuổi tòng quân trốn nhà theo bộ đội xin làm anh Vệ quốc đoàn. Trẻ em tranh nhau sắm vai dũng sĩ và thương binh trong các vở kịch tự biên tự diễn ở góc miếu sân đình. Chưa sáng đã rộn rã tiếng kêu, tiếng hô lao động và tập luyện. Trời tối mịt con gái thắp đèn đi họp phụ nữ hay đến lớp bình dân học vụ. Tiếng hát, tiếng hò vang vọng cuối xóm đầu thôn. Cán bộ, bộ đội được sẻ chia từng củ khoai, con cá, nắm rau, lon gạo, thước vải… Chiến đấu và sản xuất, tất cả cho kháng chiến… những khẩu hiệu ấy biến thành hơi thở và động thái hàng ngày của người dân Mỹ Lợi.

 

Thiếu vải, người Mỹ Lợi phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm dệt thao, dêt lụa. Thiếu lương thực người Mỹ Lợi trồng khoai, sắn, môn, bắp, lúa ở bất cứ đâu có thể được (mua, thuê, làm rẻ đất ruộng ở Mỹ Á, Diêm Trường, Nghi Giang, Hà Trung, Đá Bạc, Truồi, Cầu Hai…). Thiếu đường người Mỹ Lợi cải tạo vườn cau suy thoái thành rẩy mía. Thiếu chất béo nhà nhà Mỹ Lợi nuôi heo, trồng đậu phụng, ép dầu. Tất cả cho kháng chiến. Tất cả vì chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Độc lập, Tự do, bình đẳng nam – nữ, công bằng xã hội, những mục tiêu cao đẹp ấy đã làm sạch, làm đẹp con người Mỹ Lợi, đã giảm thiểu sự ngăn cách giàu nghèo, sang bằng tầng lớp, giới tính. Đa phần các gia đình tầng lớp trên ở Mỹ Lợi đều tham gia cách mạng (từ những năm 1930) và kháng chiến. Ngoài trường tiểu học, Mỹ Lợi còn có trường trung học Lâm Mộng Quang –  trường trung học kháng chiến duy nhất của tỉnh Thừa Thiên bấy giờ.

 

Nhiều thanh niên, trí thức Huế được về nghỉ dưỡng hoặc công tác ở Mỹ Lợi. Nhiều ông cha bà mẹ Huế về Mỹ Lợi thăm con. Bao vây kinh tế, túi tiền của người Huế cạn từ sau Nhật đảo chánh và sau cách mạng tháng Tám (vua Bảo Đại thoái vị, Nam triều giải thể), chiến tranh khiến giao thông hạn chế nên cá tôm đầm Cầu Hai và các làng biển An Bằng, Mỹ Á liền kề chạy về chợ Mỹ Lợi. Đó là chưa nói dân chài Mỹ Lợi cũng đánh bắt một lượng cá không nhỏ. Có lẽ gia đình ông bà Bửu Đáp tiếp xúc và cảm nhận Mỹ Lợi trong bối cảnh đó. Nhưng bối cảnh đó chỉ là khoảnh khắc trong chiều dài lịch sử của Mỹ Lợi và của cả đất nước”…

 

Biến cố mùa xuân 1975 (có người gọi là giải phóng miền Nam, có người gọi là mất nước) gia đình tôi buồn nhiều hơn vui. Anh Cả đi học tập, anh rể (chồng chị Ba) mất tích, chị Hai biệt vô âm tín. Vào đầu tháng Năm, tin chị Hai ở Đà Lạt vẫn bình yên vô sự và sẽ về nhà sau khi đường sá, xe cộ lưu thông trở lại. Tin là một mảnh thư nhỏ chị Hai nhờ một thanh niên ốm như cây sậy, mặt xanh như tàu lá, áo quần bầu nhầu, dáng vẻ mệt mỏi chứng tỏ là người về từ chiến tranh không như là kẻ chiến thắng. Mẹ tôi bảo trông thần sắc người đưa thư gần giống cha tôi năm 1948 bỏ chiến khu về lại nhà. Nghe giọng nói, mẹ tôi nói tiếp: anh ta có vẻ là người Mỹ Lợi.

 

Người Mỹ Lợi đưa tin chị tôi, “về từ chiến tranh không như là kẻ chiến thắng”, “trông thần sắc giống cha tôi năm 1948 rời bỏ chiến khu…” (như nhận xét của mẹ tôi) hai năm sau là chồng tôi – anh Chu Sơn.

 

Hai năm “tiếp cận” lẫn nhau là một chặng đường dài. Chặng đường ấy tôi biết nhiều hơn về đất nước, về cuộc chiến tranh, về làng Mỹ Lợi về bản thân anh và cả chính tôi. Chúng tôi quyết định cùng nhau đi hết cuộc trần ai.

Cuốn sách anh Chu Sơn tặng tôi không lâu trước khi chúng tôi làm đám cưới là một bản dịch từ một tiểu thuyết của tác giả người Nhật là Kobo Abe: “Người đàn bà trong cồn cát” (dịch giả Trùng Dương nhà xuất bản An Tiêm 1975).

Anh nói:

– “Mỹ Lợi là một cồn cát hẻo lánh”.

Tôi hỏi: 

– “Cưới nhau rồi ở đâu”?

Anh trả lời:

– “Trong một chế độ bạo tàn, chẳng nơi nào xứng đáng cho anh ngoài nhà tù Thừa Phủ”…

 

Chúng tôi cưới nhau vào cuối thu 1977. Cưới xong anh Chu Sơn đưa tôi về Mỹ Lợi. Tôi về Mỹ Lợi trên dưới mươi lần trước khi đường ô tô đi qua làng, cầu Tư Hiền và cầu Trường Hà xây dựng kiên cố.

         Đoạn đường từ Huế hay Đà Nẵng (chúng tôi cư trú tại Đà Nẵng từ 1980) đến Mỹ Lợi tôi không phải trèo “tam tứ núi,” cũng chẳng phải lội “thất bát sông”, nhưng hết lên xe đò ì ạch hư máy khô xăng, lại xuống đò máy thường trực trở chứng, còn phải đi bộ mấy cây số qua hai trảng cát từ bến Diêm Trường hay bến Nghi Giang trong nắng cháy, mưa dầm và cả trong đêm (tàu lửa khởi hành từ Đà Nẵng một giờ trưa đến Đá Bạc mười, mười hai giờ đêm là bình thường) với cái bụng lỏng lẻo, cái miệng khát khô và tay xách nách mang quả là cuộc trần ai của nhân vật chính trong “Người Đàn bà trong cồn cát”.

 

Hai năm “tiếp cận” anh Chu Sơn cho tôi biết thêm về Mỹ Lợi và tình cảnh của quê làng và gia đình anh từ ngày “Giải Phóng”. Lời anh Chu Sơn tôi ghi chép lại chắc là không hoàn toàn chính xác:

          – “Mỹ Lợi sau cái khoảnh khắc “lễ hội” là những ngày dài “buồn thiu”. Tiếp nối những ngày “buồn thiu” là những hoàng hôn “mờ mờ nhân ảnh”

“Mỹ Lợi no được là nhờ cần cù. Ruộng Mỹ Lợi rất ít và cằn cỗi, khoảng 80 mẫu cả bàu lẫn cạn. Ruộng bàu làm một vụ, năm được năm mất. Ruộng cạn làm hai vụ nhưng năng suất rất thấp, khoảng một tấn, một tấn rưởi trên một ha. Lúa thu hoach được chia đều cho năm sáu ngàn dân, mỗi năm mỗi người được chừng 10 đến 20kg.

Mỹ Lợi nổi tiếng nhờ hai thứ: Bà Từ Cung (Hoàng Thị Cúc) và vườn cây trái. Cả hai đều có liên hệ xa gần với triều đình Huế và Tây. Bà Hoàng Thị Cúc vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại, hai ông vua bù nhìn. Trực tiếp, gián tiếp có người Mỹ Lợi nhờ vả và hãnh diện. Nhưng đa phần thì dửng dưng, xem thường và căm giận. Dân Mỹ Lợi nổi tiếng chống Tây. Ngay cả trong họ Hoàng cũng có người đi kháng chiến. Người Mỹ Lợi hiểu rất rõ khi Bảo Đại về lại với Tây, máu của người Việt Nam chảy nhiều hơn, và kháng chiến khó khăn hơn.

“Làng Mỹ Lợi thành lập khoảng 450 năm trước (trong cuộc Nam tiến do Nguyễn Hoàng cầm đầu – 1558). Nhưng người Mỹ Lợi thành lập vườn trong khoảng trên dưới 150 năm (tính đến thời điểm này – 1977). Những người Mỹ Lợi theo Nguyễn Ánh “tẩu quốc” mang mô hình vườn Nam bộ ra xây dựng trên quê hương mình khi Gia Long thống nhất sơn hà. Đất nước thống nhất là một bước ngoặc quan trọng đối với Mỹ Lợi. Người Mỹ Lợi bỏ ruộng quanh nhà làm vườn nhằm cung ứng cau cho miền Bắc và trái cây cho Huế và Thừa Thiên. Tuy nhiên, vườn Mỹ Lợi phồn thịnh và nổi tiếng khi đường bộ và đường sắt từ Huế đi Hà Nội xây dựng và thông thương (sau 1910). Nhu cầu cau tươi, cau khô của thị trường miền Bắc đối với Mỹ Lợi rất quan trọng. Bán cau được tiền, người Mỹ Lợi xây nhà rường để thờ phụng tổ tiên và nâng cao mức sinh hoạt, mua ruộng của các làng xã chung quanh để giải quyết vấn đề lương thực. Không có con số chính xác số ruộng người Mỹ Lợi sở hữu ở làng ngoài, nhưng chắc chắn là rất lớn, lớn hơn nhiều lần diện tích ruộng tọa lạc trong làng. Nhờ vậy mà trong những trận đói năm Thân, năm Dậu người Mỹ Lợi vẫn ấm lòng, và trong những năm chống Pháp người Mỹ Lợi có cái để nuôi cán bộ, bộ đội, đóng góp đầy đủ các chỉ tiêu cho kháng chiến.

Năm 1952 giặc Pháp tái chiếm Khu Ba – Phú Lộc, Việt Minh nổi rút lên chiến khu, Việt Minh chìm rút vào bí mật, Mỹ Lợi chấm dứt thời kỳ “lễ hội”. Rú và lùm bụi bị chặt đốn để tận diệt chỗ ẩn nấp của Việt Minh. Rú tan là làng nát. Người Mỹ Lợi chẳng ai không biết câu châm ngôn này. Đất bị nhiễm khuẩn, vườn tiếp tục suy thoái, sản lượng, chất lượng cau và trái cây giảm, nhưng nghề làm vườn vẫn còn sống được vì nhu cầu thị trường Huế và miền Bắc gia tăng do đường giao thông thuận tiện hơn. Nghề dệt và trồng dâu nuôi tằm chấm dứt do các sản phẩm thủ công của Mỹ Lợi như vải to, thao, lụa, đủi không cạnh tranh nổi với vải vóc công nghiệp và giá cả thị trường. Nghề dệt chấm dứt, một bộ phận thiếu nữ Mỹ Lợi chuyển qua nghề chằm nón và đi buôn. Nón lá Mỹ Lợi cạnh tranh được với nón lá Huế. Một số người tiêu dùng ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn vẫn thích nón lá Mỹ Lợi hơn nón lá Huế.

Năm 1954 đất nước bị chia hai, người Mỹ Lợi tiếp tục những ngày dài buồn thiu. Một số thanh niên đi tập kết, các cựu kháng chiến được lệnh ở lại đấu tranh trong hòa bình bị đánh phá tan tành do các chiến dịch tố Cộng, diệt Cộng và Cần Lao Thiên chúa giáo hóa của Ngô Đình Diệm. Sự chia cắt Quốc – Cộng, Lương – giáo trong làng Mỹ Lợi trở nên trầm trọng. Cán bộ nằm vùng bị phát hiện, bắt bớ, tra tấn, mua chuộc. Có người chết, có người tù đày có người tìm đường sống ở địa phương khác, có người vượt tuyến ra Bắc hay lên xanh xây dựng lại chiến khu. Lại có kẻ phản bội, đầu hàng. Dân làng bị cai trị bởi những Việt Minh đầu hàng theo Cần Lao và những người mới theo đạo Thiên Chúa. Nhiều gia đình bị tan nát, bà con họ tộc chia lìa.

Đất vườn bị nhiễm khuẩn, nguồn phân bón chính là rong và bổi giảm sút do nước mặn tràn vào các đầm phá và rú tiếp tục bị đào bới, đất đai trở nên bán sa mạc, vườn tược suy thoái một phần do thiếu phân hữu cơ. Nghề làm vườn khó khăn thêm còn do một nguyên nhân khác là cau không bán ra được miền Bắc. Những sản phẩm nổi tiếng của Mỹ Lợi như cau trầu, thuốc lá, dầu phụng, bánh dầu, các loại trái cây chỉ tiêu thụ được trong thị trường Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng. Rất nhiều phụ nữ Mỹ Lợi cứu được gia đình nhờ đi buôn chuyến.

Dân Mỹ Lợi không chỉ khó khăn kinh tế mà còn khó khăn cả văn hóa chính trị. Thanh niên phải đi quân dịch. Một số khác trốn lính. Nhiều gia đình nghèo phải theo đạo để có gạo mà ăn. Truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà chung quanh các họ tộc bị thử thách.  Trường học chưa xây dựng kịp nên mấy năm đầu dưới chế độ Ngô Đình Diệm học sinh phải học trong các nhà dân trước khi trường tiểu học được xây dựng. Xong tiểu học học sinh Mỹ Lợi thi vào trung học công lập ở Huế, đa phần học bán công ở trường làng. Xong trung học đệ nhất cấp (cấp 2), học sinh Mỹ Lợi học đệ nhị cấp (cấp 3) ở Quốc học, bán công Huế hay các trường tư thục Nguyễn Du, Bồ Đề…Nhà nghèo, giao thông cách trở, việc đi lại, ăn ở cực kỳ khó khăn, nhưng học sinh Mỹ Lợi không những học được mà còn học giỏi. Tú tài, cử nhân, kỹ sư, dược sĩ, bác sĩ không còn là ước mơ đổi đời mà là hiện thực. Nhiều thanh niên Mỹ Lợi tìm lối thoát cho gia đình thông qua con đường học vấn. Nhiều thiếu nữ, phụ nữ bỏ nương vườn, ruộng đồng đi buôn chuyến. Nghề buôn và công chức (đa phần trong ngành giáo dục, y tế) đã giúp nhiều gia đình vượt qua đói nghèo. Những người Mỹ Lợi bám nghề nông ngày càng điêu đứng vì đất đai bị nhiễm khuẩn trên diện rộng, đầm phá bị nhiễm mặn, rong chết, rú tan, việc chăn nuôi (heo) giảm sút nên phân hữu cơ là nguồn dinh dưỡng chính cho nương vườn, ruộng đồng Mỹ Lợi được thay thế bằng phân hóa hoc. Phân hóa học tràn ngập các chợ. Nông dân do trình độ hạn chế nên đã sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu, lạm dụng phân hóa học gây ra tình trạng đất bị hư hại, phẩm chất cây trái, hoa màu ngày càng xấu, người tiêu dùng ở các thị trường chê, cho nên các sản phẩm làm ra không bán được. Đã có mấy người Mỹ Lợi bị bệnh – chết do tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu. Chiến tranh và sách lược kinh tế của các chế độ phụ thuộc Mỹ từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu đã đẩy nông dân Mỹ Lợi (và toàn bộ nông dân miền Nam) vào tuyệt lộ. Gần như tuyệt đối, thanh niên Mỹ Lợi không chọn binh nghiệp làm lẽ tiến thân. Chẳng có ai trong làng là sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bởi chẳng có ai tự nguyện vào các trường Võ bị. Khi bị động viên hay quân dịch, thanh niên Mỹ Lợi thường chọn giải pháp biệt phái để trở lại cuộc đời công chức, hay chạy chọt để làm lính kiểng, lính tạp dịch. Hai lý do dẫn đến tình trạng này: một là lý do văn hóa: người Mỹ Lợi trọng văn khinh võ và sợ chết bất đắc kỳ tử; hai là lý do chính trị: người Mỹ Lợi nghĩ rằng vào lính là bắn lại anh em mình ở đâu đó chung quanh. Tuy vậy, biến cố tết Mậu Thân đã lấy đi của Mỹ Lợi tám sinh mạng một cách đau đớn do tối tăm, thù hận chồng chất.

Sau hiệp định Paris ký kết, phần nhiều học sinh, sinh viên và trí thức Mỹ Lợi tại Huế và các đô thị miền Nam đều có quan hệ với Mặt Trận Giải Phóng. Qua trung gian của họ, Mỹ Lợi trở thành địa bàn di động của phong trào đô thị Huế. Có thể nói nhiều người Mỹ Lợi đã chờ đợi và tham dự tích cực vào biến cố mà họ gọi là Giải Phóng. Giải phóng là chấm dứt chiến tranh. Giải phóng là Nam – Bắc sum họp. Giải phóng là giải thoát khỏi áp bức, đói nghèo.

Những tháng đầu sau biến cố 1975, Mỹ Lợi có vẻ đông vui. Người kháng chiến trên núi xuống. Người tập kết ngoài Bắc vào. Người trốn tránh chiến tranh tha phương cầu thực từ các tỉnh trong Nam ra. Tất cả cho rằng từ đây cuộc sống của họ tại quê làng sẽ yên vui hạnh phúc. Tuy nhiên, trong lòng Mỹ Lợi vui còn có một Mỹ Lợi buồn rầu lo sợ. Không ai trong họ bị đi học tập lâu dài. Bởi Mỹ Lợi không có người làm lớn trong quân đội và chính quyền Việt nam Cộng hòa. Nhưng đã là Ngụy quân, Ngụy quyền thì dù đã được trả quyền công dân thì cũng chỉ là công dân loại hai, loại ba – những đối tượng bị canh chừng, là thành phần phải đi kinh tế mới đầu tiên – một số trong họ vượt biên hay tháo chạy tứ tán một lần nữa. Nước nhà thống nhất, xóm làng, gia đình tưởng chừng sum họp, nhưng lại đổ vỡ chia lìa theo một cách nhìn khác. Cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa đã từng bước dồn đẩy đại bộ phận người Mỹ Lợi về phía đối lập với một nhóm quyền lực mới: Chi bộ đảng Cộng sản.

80 mẫu ruộng, 100 mẫu vườn, những manh mún đất khô trồng hoa màu trên hai trảng cát (toàn bộ số ruộng người Mỹ Lợi mua được ở ngoài lang bị truất hữu), tất cả đã bị nhiễm khuẩn, bạc màu và bị hư hại vì phân hóa học và thuốc trừ sâu sử dụng bừa bãi. Mấy ngàn người Mỹ Lợi trông cậy vào chừng ấy diện tích sản xuất, bị điều khiển, nhũng lạm bởi một số cán bộ đảng viên cầm chịch các đội sản xuất, các hợp tác xã, các đoàn thể: Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận trong bối cảnh ngăn sông cấm chợ, tự cung tự cấp. Không lâu sau ngày “Giải Phóng”, người Mỹ Lợi ăn trầu thay cơm, ít ra là 10 tháng trong năm, bởi số lúa và hoa màu chia được từ các đội sản xuất sau hai mùa xuống ruộng lên đồng theo lệnh kiểng không đủ cầm hơi vài tháng…”.

 

Tôi về Mỹ Lợi trên dưới mười lần, ba lần từ Huế, những lần sau đi từ Đà Nẵng. Mỗi lần là một lộ trình và những phương tiện giao thông khác nhau. Ô tô, tàu lửa, thuyền máy (dân địa phương gọi là tàu), đò máy, xe đạp, xe hon đa và đi bộ.

 

– Lần thứ nhất vào cuối thu 1977 sau khi tôi và anh Chu Sơn cưới nhau. Từ sáng sớm chúng tôi lên xe đò ở bến An Cựu. Xe đò ì ạch, khập khùng, khi thì chết máy, khi thì thay lốp, mấy chục lần ngừng lại dọc đường để khách lên xuống, có lúc phải đợi năm, mười phút tại một ngã ba nào đó để đón khách từ trong làng ra. Đá Bạc cách Huế 35 cây số, 10 giờ rưởi chúng tôi mới xuống xe. Từ Đá Bạc chúng tôi đi thuyền máy (một loại giao thông nửa đò nửa phà) băng qua đầm Cầu Hai đến bến Diêm Trường. Từ Diêm Trường, chúng tôi đi bộ 5 cây số qua hai trảng cát và một khu vực dân cư mới tới nhà vào khoảng hai giờ chiều.

 

–  Lần thứ hai, mấy tháng sau, vào dịp Tết âm lịch (Đinh Tỵ). Cũng lên xe đò từ bến An Cựu, xe ì ạch ngừng, khập khùng chạy. Mười giờ chúng tôi mới đến Truồi cách Huế 30 cây số. Từ bến sông Truồi, chúng tôi đi đò máy ra phá Cầu Hai, đến bến Nghi Giang, đi đò lòi (đò nhỏ đi theo con kênh nhỏ) vào chợ Mỹ Lợi. Từ chợ Mỹ Lợi chúng tôi đi bộ 2 cây số qua một trảng cát, một giờ trưa mới tới nhà.

 

– Lần thứ ba, vào tháng ba năm 1978, trước khi tôi

đi nhận việc ở bệnh viện Buôn Mê Thuột. Từ sáng tinh mơ anh Chu Sơn đèo tôi bằng xe đạp, xuống Hương Thủy, rẽ trái ra Lương Văn, băng qua Hòa Đa – Phú Thứ, tới Hà Trung, người và xe đạp lên đò ngang, qua Diêm Trường, từ Diêm Trường vào Mỹ Lợi trên con đường đất đá dành cho xe thô sơ, có đoạn phải dắt đẩy xe đạp trên cát.

 

Những lần sau chúng tôi về Mỹ Lợi từ Đà Nẵng sau ba năm ở Buôn Ma Thuột (vào cuối năm 1980). Chúng tôi lên tàu lửa từ ga Đà Nẵng 6 giờ sáng hay một giờ trưa để đến Đá Bạc kịp tàu nước 11 giờ trưa hay 5 giờ chiều. Tàu lửa thời bấy giờ cũng chạy ì ạch, khập khùng như xe đò. Tàu sáng thỉnh thoảng mới tới Đá Bạc đúng 11 giờ, đa phần tàu tới chậm, vào 12 giờ trưa, hay 1 – 2 giờ chiều. Trong trường hợp ấy chúng tôi phải chờ đến 5 giờ chiều để đi chuyến tàu nước, về đến bến Diêm Trường hay Nghi Giang 6 – 7 giờ tối, 8 hay 9 giờ đêm chúng tôi mới vào đến nhà (ở Mỹ Lợi).

          Tàu lửa khởi hành từ Đà Nẳng 1 giờ trưa ít khi đến Đá Bạc trước 5 giờ chiều để kịp chuyến tàu nước. Tàu thường đến ga Đá Bạc trể, chúng tôi phải ngồi chờ qua đêm tại một hiên nhà ai đó và đợi đến 11 giờ trưa hôm sau xuống tàu nước qua làng.

Từ Mỹ Lợi trở lại Huế hay Đà Nẵng chúng tôi cũng đi theo lộ trình ấy nhưng ngược lại. Cũng xe tàu ì ạch, khập khùng, cũng đò thuyền cách trở, cũng lội bộ gập ghềnh. Cũng chậm. Cũng chờ. Cũng đợi. Cũng trể. Cũng nắng nóng. Cũng mưa dầm. Cũng lạnh cóng. Cũng đói. Cũng khát. Có lần đi từ Mỹ Lợi từ 10 giờ sáng, đến Huế 10 giờ đêm.

 

Ba lần trước, về – lên, Huế – Mỹ Lợi, Mỹ Lợi – Huế, chúng tôi chỉ đi có hai vợ chồng, không mang xách gì nhiều (gia đình cha mẹ chồng chưa cần chi viện).

Những lần sau, ra – vô, Đà Nẵng – Mỹ Lợi, Mỹ Lợi – Huế – Đà Nẵng, chúng tôi có thêm con, một rồi hai đứa, và mấy túi hành lí, chủ yếu là những túi gạo chi viện để ông bà nội các cháu có cơm ăn thay trầu.

 

Về nhà, về làng gian nan cách trở như vậy mà chúng tôi vẫn thích, vẫn muốn về. Anh Chu Sơn về nhiều hơn tôi vì anh là người tự do, anh rời khỏi guồng máy từ 1977. Tôi về Mỹ Lợi vỏn vẹn có mươi lần, vì tôi không là người tự do, tôi là công chức, lệ thuộc guồng máy cho đến lúc về hưu. Nay tuổi già, sức yếu, đi lại khó khăn, con cháu gia đình riêng ở xa, nhưng tôi vẫn thích, vẫn muốn về. Tôi có nhiều người bạn và vài người bà con họ hàng không còn nhà, không còn làng, không còn nước, thậm chí thân xác chỉ còn lại nắm tro mà cũng muốn về. Ôi! Nhà là cái gì, Quê Làng là cái gì, Nước là cái gì mà níu kéo ta mãnh liệt, mà xui khiến ta nhớ nhung quay quắc, da diết đến thế?

Tôi đã lần theo cái ngược đời, cái kỳ lạ của anh Chu Sơn để về với Mỹ Lợi. Những ký ức về cái làng quê “hẻo lánh’ mà “nổi tiếng một thời” ấy là không đầy đủ và cũng không chính xác gì lắm, bởi Mỹ Lợi đã có hơn bốn trăm năm tuổi mà tôi chỉ về có mấy lần, tổng cộng những ngày tôi ở Mỹ Lợi không quá vài tháng, và tôi cũng chỉ ở trong một ngôi nhà, một gia đình, tiếp xúc với mấy con người trong đó có một người đã mang một phần của Mỹ Lợi cùng tôi đi hết cuộc trần ai, trong khi Mỹ Lợi có hàng bảy tám trăm gia đình với năm sáu ngàn cư dân.

 

Năm sáu ngàn cư dân Mỹ Lợi tập trung trong hai khu vực: “trong làng” và “ngoài chợ”

 – “Trong làng” là một dãy thôn xóm chạy dài theo hướng bắc – nam ở giữa hai dãy cồn cát nằm song song. Dãy phía đông giáp biển. Dãy phía tây giáp sông. Sông là nói theo tập quán phát xuất từ khát vọng sông nước của người Mỹ Lợi. Thực tế chỉ là một con kênh rộng chừng 10 mét, dài chừng 10 cây số gồm ba khúc đoạn chạy giữa các cánh đồng lúa thuộc các làng Nghi Giang, Diêm Trường và Mỹ Lợi. Ba khúc đoạn của con kênh gặp nhau tại một chỗ phình là bến chợ Mỹ Lợi. Từ bến chợ Mỹ Lợi con kênh chạy về phía tây thông với đầm Cầu Hai qua một cái cống rộng chừng 3 mét. Đây là con đường thủy duy nhất để người Mỹ Lợi giao tiếp với các địa phương khác thuộc huyện Phú Lộc, Huế và các huyện khác của Thừa Thiên, Quảng Trị.

– “Ngoài chợ” là khu dân cư tập trung chung quanh chợ Mỹ Lợi nằm giữa đồng lúa và khu dân cư rìa phía nam của cồn cát phía tây.

“Trong làng” – “ngoài chợ” tại Mỹ Lợi có ý nghĩa gần giống như “trong nội –  ngoài thành” tại Huế, hoặc như “trong họ – ngoài làng” tại bất cứ địa phương nào.

Trong làng gồm có 4 thôn (còn gọi là kỉnh): Một, Hai, Ba, Bốn (Tư) theo thứ tự từ trên xuống. Thôn Một trên cùng, thôn Tư ở cuối. Đây là khu vực dân cư lâu đời của Mỹ Lợi tập trung chung quanh các nhà thờ họ. Khởi đầu là các họ khai canh: Lê, Trương, Sào, Đỗ, Nguyễn (lớn), Nguyễn (nhỏ), Đoàn, Trần. Tám họ khai canh là họ của những người lính biên phòng gốc làng Lương Niệm, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa theo chúa Nguyễn nam tiến từ giữa thế kỷ XVI (1558). Những người lính gác biển lập đồn trên một gò cát cao sát biển (sau này gọi là xứ Khe Long) cạnh cửa khe nước ngọt chảy từ đầm La Hồng qua một vùng trũng sau này là ranh giới giữa thôn Hai và thôn Ba, băng qua rú, ra biển. Cuộc biển dâu đã làm khe và rú ngày càng mất dấu.

 

Ngày nay trên cái gò cát đã từng là điểm chốt của những người lính gác biển đồng thời là nơi cư trú đầu tiên của các ngài khai canh ra làng Mỹ Lợi còn sót lại hai cái miếu. Cái thứ nhất thờ thổ thần đất đai, cái thứ hai thờ một bộ xương cá voi sau này gọi là Dinh Ông.

Những người lính gác biển sau thời gian nghĩa vụ đã làm đơn xin chúa Nguyễn cho phép thành lập làng, khai phá vùng trũng giữa hai dãy cồn cát làm nơi định cư lâu dài. Sau đó trở lại Lương Niệm, Quảng Xương, Thanh Hóa vài ba lần để đưa thân quyến, họ hàng và dân làng vào theo. Như thế là làng Mỹ Lợi chính thức được thành lập vào một thời điểm nào đó của nửa sau thế kỷ XVI, dân chúng sống bằng nghề chài lưới ven biển và trồng trọt các cây lương thực (lúa, khoai, săn, bắp, đậu, môn), thực phẩm (rau đậu, bầu bí) quanh khu vực cư trú và cả rìa cồn cát phía tây tiếp giáp với mép bờ đầm La Hồng. Dân số phát triển, khu vực cư trú mở rộng, bốn thôn Một. Hai, Ba, Bốn hình thành, nhà thờ các họ khai canh, đình làng và chùa được xây dựng (có lẽ bằng các vật liệu tại chỗ).

 

Cũng như dân Việt là nòng cốt, là trung tâm của 54 dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam, những người gốc Lương Niệm, Quảng Xương, Thanh Hóa là nòng cốt, là trung tâm của cộng đồng dân cư của Mỹ Lợi “trong làng”. Cộng đồng dân cư này ngày môt phát triển, cộng thêm những người thuộc các họ tộc khác đến sau từ nhiều quê làng khác nhau của Phú Lộc, của Thừa Thiên – Huế, của Quảng Nam, Quảng Trị và xa hơn nữa. Các họ đến sau là họ Lương, họ Cao, họ Trương, họ Mai, họ Tô, họ Hầu… và nhiều gia đình mang họ tộc khác. Tùy theo thởi điểm đến sớm hay muộn và cũng tùy theo công lao đóng góp cho cộng đồng làng xóm mà nhiều họ được Hội đồng Hương chính và dân làng thừa nhận, tôn vinh là hậu khẩn, có vai vế trong thôn làng, tiếng nói của họ được lắng nghe.

 

“Ngoài chợ” là thôn Năm.  Cộng đồng dân cư và đơn vị hành chánh này hình thành chậm hơn “trong làng” trên trăm năm. Hai họ Huỳnh (Hoàng), Phan được công nhận là hậu khẩn do đến sau nhưng có công lớn trong việc thành lập chợ và phân định giới mốc giữa Mỹ Lợi và các làng Nghi Giang, Diêm Trường qua việc qui hoạch và phân chia ruộng đất trưng canh từ đầm La Hồng.

 

Hơn trăm năm người Mỹ Lợi mua – bán các nhu yếu phẩm ở chợ Diêm Trường. Từ khi thành lập, chợ Mỹ Lợi lần hồi trở thành trung tâm mua bán của các xã thuộc tổng Diêm Trường, sau này gọi là Khu Ba – Phú Lộc, đồng thời là thị trường cung cấp và tiêu thụ nhiều mặt hàng cho Huế và các huyện khác thuộc Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Trị.

Lúc bấy giờ, người Mỹ Lợi “trong làng” và cả người Mỹ Lợi “ngoài chợ” thấm nhuần quan điểm trọng nông khinh thương với thang bậc giá trị là sĩ – nông – công – thương, nên chủ trương thành lập chợ mà công việc thương mại lại giao cho người từ xa đến. Do vậy, cộng đồng “Mỹ Lợi chợ,” ngoài cư dân thuộc các họ Huỳnh, Phan, Mai…, còn có thêm nhiều người đến từ tứ xứ: Mấy gia đình Tôn Thất và nhiều gia đình thuộc các họ khác, đặc biệt là ba “chú khách”: Chú Quang, chú Ta mở tiệm bán thuốc Bắc, chú Diếp bán tạp hóa (con cháu của các chú ngày nay đã hoàn toàn Mỹ Lợi hóa).

Do gốc gác từ nhiều quê làng khác của Thừa Thiên – Huế, nên cộng đồng người “Mỹ Lợi chợ” nói giọng “lai Huế” chứ không “lai Quảng” như nhiều người lầm tưởng. Nếu tôi là người “Mỹ Lợi chợ”, tôi sẽ phản đối bất cứ “nhà nghiên cứu” nào khẳng định một cách chung chung và thiếu chứng lí rằng người Mỹ Lợi nói giọng Quảng.

 

Như thế, sau khi thành lập chợ, Mỹ Lợi hình thành hai khu vực dân cư có hai giọng nói khác nhau: khu vực ngoài chợ nói giong pha Huế, khu vực “trong làng” nói giọng “trong làng” – mà nhiều người lầm tưởng là giọng Quảng.

Sau thời gian dài giao tiếp, có người Mỹ Lợi trong làng ra ở chợ, cũng có ngươi Mỹ Lợi ngoài chợ vào ở trong làng vì lí do hôn nhân hay nghề nghiêp, nên giọng nói của con cháu họ lần hồi thay đổi. Yếu tố Mẹ và môi trường sống (nước uống và cộng đồng) có vai trò quyết định trong sự thay đổi này.

Từ sau 1975, những thanh thiếu niên nam nữ con nhà buôn chính danh tại chợ Mỹ Lợi đã tháo chạy tứ phương. Người “Mỹ Lợi trong làng” đã tràn ngập chợ, nên giọng nói “lai Huế” của cộng đồng “Mỹ Lợi chợ” ngày xưa đã “chuyển biến hòa bình”

 

Đời sống và sinh thái làng Mỹ Lợi

 

*Ăn Tết

Chuyến về Mỹ Lợi thứ hai của tôi là vào dịp Tết Đinh Tỵ (1977). Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Tết ở quê chồng. Nhà toàn người lớn nên Tết thiếu những âm thanh náo nức của trẻ thơ. Là cái Tết thứ hai trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa và đang ở đỉnh cao của thời kỳ ngăn sông cấm chợ nên từ trong làng đến ngoài chợ không khí kém phần tưng bừng rộn rã. Tuy vậy, dù tình thế ra sao, con người, vừa là con trẻ của tự nhiên, vừa là ông già của truyền thống, cho nên, chừng mực nào đó chúng tôi vẫn thấy “xuân về trong nắng mới”, vẫn có câu đối đỏ, vẫn có bánh chưng xanh.

 

Cha mẹ chồng tôi đã tuy đã ngoài bảy mươi, nhưng sức khỏe vẫn còn khấm khá, nên còn đủ sức để coi trong ngó ngoài. Anh em trai của chồng tôi, hai người, đều có gia đình riêng và ở xa, chẳng ai về. Em gái út của chồng tôi đang học y khoa ở Huế, về làng cùng chúng tôi chung lo và ăn tết. Do vậy dù là con dâu, tôi không phải đảm đương chợ búa, bếp núc.

Cha chồng tôi là người nửa nông dân, nửa thầy đồ, ông tỏ ra ung dung thư thái, chứ không bị áp lực của thời thế làm căng thẳng như anh Chu Sơn đã qua tuổi ba mươi mà chưa “lập”.

Chúng tôi về đến nhà vào xế trưa 28 tháng Chạp. Ngoài ngõ, trong nhà đều đã gần như tươm tất. Cát trắng đã một màu trắng xóa từ đầu ngõ đến khắp sân và quanh hè. Các đồ khí bảo như độc lư, chân đèn, bát hương, bình bông, các khay bình, dĩa, chén, tách trà, ly rượu đã được đánh bóng, lau rửa phơi trên chỏng tre trước hiên. Đặc biệt trên hai trụ xi măng ở hai bên bàn thờ đã treo hai bức đại tự bằng chữ Hán có chua quốc ngữ: bức bên trái viết hai chữ NHÂN LUÂN, bức bên phải viết hai chữ  TRUNG ĐẠO. Anh Chu Sơn kể:

         – “Ngày xưa cha đã có lần làm liễn từ đầu tháng Chạp, đến gần tết anh mang đi bán dạo từng nhà ở các làng Nghi Giang, Diêm Trường. Đi rã chân suốt năm sáu ngày chỉ bán được năm sáu đôi. Sau này nghĩ lại lấy làm buồn cười, vì cả người bán (là anh) lẫn người mua đều không biết chữ nghĩa viết trên các bức liễn là gì. Tiền bán được từ năm sáu đôi liễn không nhiều hơn số tiền bỏ ra mua bút giấy và mực để làm 30 đôi liễn. Thấy số liễn không bán được đem về để một đống, mẹ càm ràm bảo hai cha con mất công toi cả tháng mà chẳng được gì. Cha chỉ cười mà không tỏ ra buồn rầu áy náy. Dường như ông tìm thấy niềm vui khi một mình chơi với chữ nghĩa. Ông không quan tâm đến việc bán được liễn hay không. Từ đó ông không làm liễn nữa, mà tiếp tục làm đối, làm thơ. Làm đối, làm thơ rồi vô ra đọc một mình hay trao đổi cùng một vài người bà con, bạn bè trong họ ngoài làng. Anh có người bà con (kêu bằng dượng) là ông Tôn Thất Hoanh, anh em cột chèo vừa là bạn tâm giao của cha, là một nhà thơ thứ thiệt, rất tài hoa, là tác giả của nhiều bài thơ Đường bằng chữ Hán, chữ Nôm. (Hầu hết đã bị thất lạc vì con cháu chẳng biết trân trọng)”.

         Anh Chu Sơn tiếc và tự kiểm điểm mình là đã chạy theo xu thế chữ quốc ngữ, định kiến một cách sai lầm về chữ Hán, chữ Nôm, nên không chịu học. Không biết chữ Hán, chữ Nôm là một thiệt thòi, một thiếu sót trước hết với chính bản thân mình.

Việc chuẩn bị và lo sắm tết tại nhà chồng tôi năm đó, một phần do bối cảnh chung (bà con chung quanh đang thiếu đói) một phần do tình hình riêng (nhà ít người và cũng không khấm khá gì) nên cha mẹ chồng tôi đã chuẩn bị một cái tết kiệm ước nhưng tươm tất.

Các loại bánh mứt đã nhờ mấy gia đình bà con làm mỗi thứ một ít vừa để cúng, vừa để có hương vị ba ngày tết. Dưa món đã làm từ mùa hè. Bánh chưng (mẹ chồng tôi không làm bánh tét) thì đã chuẩn bị các thứ để làm và nấu vào chiều tối ba mươi. Nếp đã vút từ sớm, nhụy thịt ba chỉ xắt nhỏ xào với nấm mèo và đậu xanh (đã đãi vỏ) tiêu hành mắm muối, lá dứa thơm to bản bẻ khuôn như khuôn bánh su sê. Cái bánh nấu xong bỏ vừa trong lòng cái dĩa con rạm (đường kính dĩa chừng10cm).

 

Sau tết 1976, anh Chu Sơn đã mang bánh chưng kiểu này từ làng lên tặng chúng tôi. Nói một cách chủ quan: chưa bao giờ tôi được ăn bánh chưng thơm ngon như thế.

Tôi đã tham dự vào việc làm bánh chưng và ăn tết lần đầu tiên tại Mỹ Lợi như một du khách. Những kỷ niệm của tôi về tết nhứt tại Mỹ Lợi còn nhiều… Sau khi đã có hai con, mặc dù đường đi lại khó khăn cách trở, chúng tôi còn về tết Mỹ Lợi đến bảy lần. Các con tôi cũng được ông bà nội chào đón như những du khách đặc biệt – những du khách ruột rà máu thịt.

Trong khi tôi và em chồng gói bánh chưng thì cha chồng tôi và anh Chu Sơn bàn luận về bốn chữ nho viết lớn treo trên trụ xi măng và chuẩn bị cúng tất niên.

Bàn thờ đã sắp xếp lại từ sáng sớm. Nhành mai đẹp nhất trong vườn đã được chọn, cắt, cắm vào bình bông. Các nải chuối và trái cây cũng đã được đơm thành các dĩa quả phẩm. Trầm, hương, rượu, trà đều được mua mới. Trầu đã têm. Các thức cúng đã được cánh phụ nữ chúng tôi nấu nướng, múc dọn sẵn ở bàn soạn. Anh Chu Sơn chỉ việc bưng lên và sắp đặt ở các vị trí khác nhau trên các bàn thờ theo sự chỉ dẫn của cha chồng tôi. Trước khi vào lễ, cha chồng tôi mặc áo dài đen quần dài trắng, đầu đội khăn đóng. Anh Chu Sơn thì mặc áo quần tây tươm tất chỉnh tề. Có một sự khác biệt nhỏ trong việc thực hành cúng kiến tại nhà tôi ở Huế và nhà chồng tôi ở Mỹ Lợi: Tại nhà tôi ở Huế, việc lau dọn và tân trang khu vực bàn thờ, việc nấu nướng, cũng như bày biện các thức cúng đều do cánh phụ nữ chúng tôi thực hiện. Đàn ông (người chủ tế) chỉ việc mặc áo quần chỉnh tề (có thể là áo dài đen khăn đóng, có thể là đồ tây) thắp hương, khấn vái và bái lạy. Ở Mỹ Lợi nhiệm vụ của cánh nữ dừng lại ở ngưỡng cửa nhà dưới nhà trên.

 

Về sau tôi thắc mắc việc này, anh Chu Sơn giải thích: “Theo quan niệm truyền thống, người phụ nữ được xem là không tinh sạch, cấm lai vãng (qua lại) khu vực thờ tự. Ở nhà thờ họ và đình làng tình trạng cấm ky còn nghiêm khắc hơn. Mọi việc bếp núc trong hầu hết các dịp tế lễ đều do cánh đàn ông (gọi là thủ dịch) thực hiện”.

Có hai sự việc liên quan đến tết Mỹ Lợi có thể thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc, đó là việc xuất hành đầu năm và chợ Cồn.

 

*Giờ và hướng xuất hành đầu năm

Không như gia đình tôi ở Vỹ Dạ, để có được nột năm yên vui và thịnh vượng, trong đêm ba mươi, mẹ tôi đem lịch ra coi giờ và hướng xuất hành mơi xưa: Giờ xuất hành phải hạp với tuổi của người chủ gia đình. Hướng xuất hành tùy thuộc vào hướng đến của hai vị thần Hỷ và thần Tài, (tùy lựa chọn của mỗi nhà, mỗi người). Ở Mỹ Lợi giờ và hướng xuất hành đầu năm của gia chủ có từ lâu đời. Giờ xuất hành khoảng trước sau 4 giờ sáng (cuối giờ sửu đầu giờ dần) và hướng xuất hành là nhà thờ họ. Vào giờ đó, đại diện các gia đình xa gần từ bốn hướng tề tựu tại nhà thờ họ để tham dự lễ cúng đầu năm.

Họ lớn (như họ Nguyễn, họ Đoàn, họ Trần…) có hằng trăm người tham dự. Mọi người, từ các ông, các chú – bác có vai vế trong họ, đến mấy anh con cháu mới lên họ (đủ 18 tuổi), tất cả đều đồng phục: khăn đóng, áo dài đen, quần trắng. Nội dung lễ cúng họ đầu năm là chào mừng tổ tiên về sum họp cùng con cháu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu an khang thịnh vượng.

Chiều 30, các chức sắc trong họ (gồm trưởng họ, thầy lễ, các trưởng nhánh…) đã tổ chức cúng tất niên mời tổ tiên về.

          Sau lễ cúng tại nhà thờ họ, một vài đại diện của họ đi thẳng ra đình làng hoặc chùa để tham dự lễ tế cúng đầu năm (do Hội đồng hương chính, Ban đại diện hay Ủy ban tổ chức) cầu mong Thần Phật phù hộ cho dân làng có được một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân tình ấm no hòa thuận.

 

*Chợ Cồn Mỹ Lợi

Từ chợ Mỹ Lợi đi theo hướng đông vài trăm mét đến một cồn cát trống là chợ Cồn. Chợ chỉ họp trong ba buổi sáng mùng một, mùng hai, mùng ba Tết hàng năm gồm ba thành phần: Trẻ em, những người bán hàng và tổ chức cờ bạc không chuyên, và vài người bán kẹo kéo, kẹo tơ đường chuyên nghiệp từ xa đến.

Trẻ em là đối tượng được phục vụ trong ba phiên chợ Tết đặc biệt này. Những người bán hàng và những người tổ chức cờ bạc không chuyên thuộc về những gia đinh làm tạp vụ quanh năm trong khu chợ chính: (quét rác, dọn hàng, bốc vác, gác chợ).

Trong lúc những người buôn bán chính (tư nhân – ngày xưa, hay cán bộ thương nghiệp thời cách mạng Xã hội Chủ nghĩa) tại chợ Mỹ Lợi nghỉ ngơi ăn tết, vui chơi tại nhà, đánh bài chòi ở sân (chợ) thì một vài thành viên trong hầu hết các gia đình tạp vụ mang hàng (đã chuẩn bị từ trong năm) và các dụng cụ thô sơ của mình lên bày biện ở chợ Cồn. Mươi người bán đồ chơi, mươi người bán bánh kẹo, năm bảy người bán hàng ăn, vài người bán mía và mấy tay tổ chức cờ bạc tài tử. Họ ngồi đứng rải rác trên một mặt bằng rộng chừng vài trăm mét vuông. Những người bán đồ chơi và bánh kẹo để hàng trong những cái thúng, trên thúng là một cái mẹt bày các hàng mẫu.

        Đó là những con tò huýt, tò he bằng đất nung màu nâu đỏ, những con bột xanh đỏ tím vàng có hình con gà mẹ ấp trứng, con gà trống gáy, con công, con trỉ xòe cánh, con cò bay con trâu nằm…, các quả phẩm nào là nải chuối, trái cam, trái quít, trái mãng cầu, trái đu đủ…

         Đó là các thứ bánh in làm từ bột nếp, bột đậu gói trong giấy ngũ sắc, các thứ kẹo như kẹo gừng (kẹo ú), kẹo cau, kẹo đậu phụng…

 

Những người bán mấy thứ đồ chơi khác như lùng tung, bông giấy Thanh tiên, thằng người đánh đu thì cắm hàng trên những cây giá bằng rơm, còn có cả mấy người bán bong bóng. Và đương nhiên mấy người bán kẹo kéo, kẹo tơ bông đường không để hàng trên mẹt mà trong khay đặt trên giá xếp.

Trò chơi đỏ đen cũng được mấy tay đầu nậu nghiệp dư chuẩn bị sẵn như bài vụ, bầu cua tôm cá, tào cáo, xóc dĩa, bắn phi tiêu…

          Ngoài ra còn có mấy gánh hàng ăn như bánh đúc, bánh canh, bánh bèo và các loại chè: chè đậu ván đặc, chè bột lọc bọc đậu phụng hay dừa, mấy hàng nước giải khát: nước xi rô hạt é, nước đậu ván ran...và mấy hàng bán mía cây.

 

Sương tan, mặt trời lên, chợ Cồn đã được bày biện sẵn để chờ đón các khách hàng đặc biệt – trẻ em – đang nao nức từ thôn Một, thôn Hai kéo về, từ thôn Ba, thôn Tư kéo ra, từ xóm Đình, xóm Bàu, xóm Chợ của thôn Năm kéo lên. Tất cả trong những bộ áo quần mới, mặt mày hớn hở, tóc tai mới được cắt, chải gọn gàng, nhóm năm, nhóm ba, nhóm trước, nhóm sau, đứa nhảy lò cò, đứa cõng em, đứa dắt cháu… tất cả đang lục tục tề tựu càng lúc càng đông.

 

Chẳng mấy chốc cái cồn cát trắng biến thành sân bãi cho một cuộc tụ họp, một cái chợ đặc biệt của hàng trăm trẻ em Mỹ Lợi, mà những ngày tháng khác trong năm vì nhu cầu sinh hoạt và cư trú xa cách, chúng không có điều kiện giao tiếp, làm quen và cùng vui chơi hò hẹn. Mua bán, ăn quà, thổi tò he tò huýt, rung lùng tung, đánh bạc, trò chuyện, nói cười, kêu réo, chạy nhảy…Tất cả những khuôn mặt, những dáng vẻ, những động thái, những âm thanh vui tươi hồn nhiên ấy của trẻ em thể hiện một bức tranh quê thân ái và thanh bình.

 

Mặt trời lên cao, cuộc chơi tàn, chợ Cồn bãi. Từ cồn cát trắng, nhóm năm, nhóm ba, các em bé, đứa thì thổi tò he, đứa thổi tù huýt, đứa rung lùng tung, đứa huơ huơ mấy cành bông Thanh Tiên, đứa huơ mấy cái bong bóng xanh đỏ tím vàng, đứa vác cây mía, đứa nói, đứa cười, đứa lò cò chạy nhảy… Chúng đem cái vui sướng mà chúng vừa mới có được tăng cường về cho mọi nhà. Chợ Cồn và trẻ em đã tô điểm những ngày đầu xuân ở làng quê Mỹ Lợi có thêm những sắc màu

 

Chúng tôi đứng lại một hồi lâu trên cồn cát ngóng nhìn và lắng nghe tứ phía. Tôi nhớ nghĩ về một kỷ niệm 20 năm trước (1957), sáng mồng một tết Đinh Dậu, sau lễ cúng Phật tại chùa Phước Huệ mẹ tôi đưa tôi đi chơi chợ Gia Lạc. Cũng những đối tượng họp chợ ấy, cũng những đồ và trò chơi ấy, cũng những quà bánh ấy, cũng mua bán, cũng những nét mặt và niềm vui xanh tươi ấy, phải chăng chợ Cồn ở Mỹ Lợi và chợ Gia Lạc ở Vỹ Dạ có mối dây liên hệ nào đó vào một thời điểm nào đó… xa xưa?

 

*Nương – vườn Mỹ Lợi

Trước khi đi Buôn Ma Thuột (tháng ba – 1978) anh Chu Sơn đưa tôi về Mỹ Lợi lần thứ ba. Lần này chúng tôi lưu lại Mỹ Lợi lâu hơn hai lần trước, khoảng một tuần. Cha mẹ chồng tôi nghe chúng tôi sẽ đi và cư trú lâu dài tại Buôn Ma Thuột thì đâm hoảng. Mẹ chồng tôi bảo:

– “Nếu bỏ Huế sao không đi Sài Gòn? Thành thị không tới sao lại tới núi rừng?

Cha chồng tôi nói:

– “Sẽ rất khó khăn khi quyết định lập đời ở nơi xa lạ. Hai đứa bay đi Buôn Mê Thuột bây giờ cũng như mấy trăm năm trước tổ tiên mình từ Lương Niệm – Thanh Hóa vào đây. Không đâu bằng quê cha đất tổ”.

 

Ý ông nói nếu chúng tôi không ở Huế thì về làng. Chẳng có gì hay ho khi phải tha phương cầu thực. Còn bàn thờ, còn mồ mã, còn tổ tiên, còn xóm làng họ tộc. Những điều cha mẹ chồng tôi nói càng về sau chúng tôi càng thấm thía. Thế nhưng chúng tôi vẫn cứ đi. Hết Buôn Ma Thuột, lại quay về Đà Nẵng, rồi thành phố Hồ Chí Minh, rồi Đà Nẵng, rồi Huế, rồi Mỹ Lợi. Chúng tôi như là những kẻ mộng du.

Chuyến về Mỹ Lợi lần thứ ba ấy, anh Chu Sơn đưa tôi đi thăm hết trong làng, trong rú, ngoài biển, ngoài chợ, trong sông. Đã ở trong làng mà còn đi vô trong rú, trong sông.

 

         Người Mỹ Lợi từ “trong làng” đi vô “trong rú” cũng như người Huế từ “trong thành” đi vô “trong nội”. Bởi “Rú” là nơi những vị khai canh gốc Lương Niệm làm chốn dung thân lúc ban đầu, và cũng bởi rú là bức tường, là mái nhà che chắn gió lạnh, cát bay, nắng nóng và thiên tai địch họa. Rú là vật giữ nước, là nơi cung cấp củi đốt và là nguồn phân bón cho cây trồng. Rú còn là nơi hò hẹn của các đôi trai gái. Rú cũng là nơi lũ trẻ tập trận và tổ chức các trò chơi. Người Mỹ Lợi đinh ninh rằng “Rú tan thì làng nát”.

 

Từ “trong làng” chúng tôi băng qua một trảng cát để “vô rú”. Trảng cát mấp mô những lăng mộ giữa những thửa đất bỏ hoang, lác đác có một vài đám hoa màu và mấy cây dương liễu. Anh Chu Sơn nói:

– “Thời trước (từ 1954 trở về trước), đi qua đây, người ta chỉ thấy một màu xanh bát ngát của cánh đồng, nào là dâu, thuốc lá, đậu phụng, khoai lang và các loại hoa màu khác. Dầu phụng và thuốc lá mà mẹ em mua sản xuất từ trảng cát đã từng là cánh đồng xanh này. Ngày nay, em thấy đó, cánh đồng phát triển thành nghĩa địa và suy thoái thành một vùng cát bán sa mạc. Rú tan, đầm bị nhiễm mặn triệt tiêu nguồn phân bón chính, đất bị nhiễm khuẩn, bạc màu. Vải vóc và thuốc điếu công nghiệp tràn lan thị trường, người Mỹ Lợi phải giải thể nghề dệt, chấm dứt việc trồng dâu nuôi tằm. Các cây đậu phụng, thuốc lá sống dai ngoai một thời gian, nay chỉ còn lưa thưa một vài đám nhỏ thuốc lá của mấy nông dân “tự cung tự cấp” và nghiện “cây nhà lá vườn”. Mẹ em bỏ nghề buôn hàng nằm (trữ hàng) từ thực tế này”.

 

Người Mỹ Lợi trong làng thích dùng tiếng nương hơn tiếng vườn. Ở Huế từ vườn thông dụng hơn từ nương. Tôi lớn lên trong thế giới vườn mà Hàn Mạc Tử đã tuyệt tả qua bài thơ nổi tiếng : “Ở đây thôn Vỹ Giạ”. Ở đó từ tấm bé tôi lắng nghe và hát cùng cha: “Chiều ơi lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi ơi chiều…Thu về đồng lúa nương chiều, tay dân cày ngừng giữa làn gió, lúa ngát thơm trên những cánh nương…, lấy sức anh chen với sức tôi, lấy máu tô cho thắm lúa xanh…chiều ơi…” (Nương chiều của Phạm Duy). Ở đó tôi đã tập viết và học thuộc lòng: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà – Trẻ thời đi vắng chợ thì xa – Ao sâu nước cả không chài cá – Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà – Cải chửa ra cây cà mới nụ  –  Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa…” (Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến). Ở đó tôi mê đọc “Văn minh miệt vườn” của Sơn Nam… Ở đó tôi tiếp cận nương vườn Mỹ Lợi qua những món quà trái cây của bà Khiêm và nghe lóm những câu chuyện về Mỹ Lợi giữa cha mẹ tôi và ông bà Bửu Đáp. Ở đó, trước khi cưới nhau tôi, đã nghe anh Chu Sơn đôi lần nói về quê làng mình.

 

Cũng trong lần về Mỹ Lợi lần thư ba ấy, anh Chu Sơn dẫn tôi đi thăm quanh làng. Trên đường đi anh Chu Sơn nói thêm:

– “Vườn nhà anh xây dựng từ năm 1963, khi những khu vườn truyền thống “trong làng” đã suy thoái. Nó được làm trên đất lỡ (không là đất ươn –  để lập vườn, cũng không là đât khô – để trồng dâu, thuốc lá…), nó thuộc vùng ven của Mỹ Lợi “trong làng”, không thích hợp cho việc lập vườn, công sức đổ ra rất nhiều, chất lượng cây trái không cao. Nó không tiêu biểu cho vườn Mỹ Lợi.  Anh sẽ đưa em đi thăm vườn Mỹ Lợi “trong làng”. Ở đó mới là vườn Mỹ Lợi đích thực”.

Theo một con đường tắc, anh Chu Sơn đưa tôi đến cuối thôn Tư. Từ cuối thôn Tư chúng tôi lên thôn Ba, thôn Hai, rồi thôn Một trên con đường cái duy nhất rộng chừng 2 – 3 mét (tùy theo từng khúc đoạn) nằm cạnh con khe chính chạy thẳng từ cuối đến đầu làng. Ở thôn Tư khe hẹp và cạn, đường hẹp và thấp. Càng đi lên (các thôn trên) khe càng sâu, rộng hơn, đường cũng to và cao hơn.

Đến thôn Một, đường cao đến 2m, rộng 2m, chân đường rộng đến 3 – 4 mét, mặt khe rộng 5 – 10m, lòng khe rộng sâu chừng 2 - 3 mét. Lúc này là mùa hè nên khe cạn, có nơi nước lắp xắp, có nơi nước sâu chừng 2 – 3 - 5dm.                                                                                                   

Hai bên đường khe từ đầu đến cuối làng là vườn – nhà, vườn – nhà kế tiếp nhau, thỉnh thoảng mới bị đứt đoạn bởi một đường xương cá nhỏ (đường xóm), hay bởi một cái khe nhỏ, hay một con đường lớn (đường ranh giới giữa hai thôn).

 

Thôn Tư và thôn Ba ngăn cách nhau bởi con đương cát lớn gọi là Đường Phúc. Thôn Ba và thôn Hai ngăn cách nhau bởi một cái khe lớn, có một cây cầu bắt ngang gọi là Cầu Kho. Ở mỗi thôn cách khoảng có một cây cầu Cầu bắt qua khe. Ranh giới giữa thôn Hai và thôn Một là một doi cát có lùm bụi từ rú chạy vào đến tận mép bờ ruộng (ngày xưa là đầm La Hồng). Tôi hỏi vì sao gọi là Đường Phúc? Vì sao gọi là Cầu Kho? Trên Huế cũng có môt nơi gọi là Cầu Kho, bởi vì bên kia cầu Kho ngày xưa là kho lẫm của triều đình. Anh Chu Sơn tuần tự giải thích:

 

– “Như em đã thấy, Đường Phúc là con đường rộng trên dưới 10 mét chạy từ trảng cát phía đông qua trảng cát phía tây, điểm cuối là chợ Mỹ Toàn – tên củ của Mỹ Lợi. Tương truyền rằng ngày xưa quân Tây Sơn của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và Hoàng Đế Quang Trung - có chốt ở Mỹ Toàn một đơn vị quân đội để bảo vệ mặt biển. Đơn vị biên phòng đó đóng ở đầu Khe Long, binh lính thường xuyên lui tới chợ Mỹ Toàn để trao đổi mua bán các nhu yếu phẩm, giúp đỡ cư dân Mỹ Toàn điều trị bệnh tật và tổ chức vui chơi cùng dân làng trong những dịp lễ, Tết. Chợ Cồn và Bài Chòi ở Mỹ Lợi bắt đầu từ đó. Người dân Mỹ Toàn cho rằng quân Tây Sơn đã làm viêc phúc đức, nên đặt tên con đường họ hay đi qua là Đường Phúc để nhớ ơn và tôn vinh họ.   

–“Cầu Kho. Khe Long ngày xưa chạy từ biển theo hướng Tây Bắc qua rú và trảng cát thôn Ba, đến địa giới thôn Hai chạy theo hướng Tây thông ra đầm ở khu vực bến Đình sau này. Cầu Kho bây giờ bắt qua khe là một khúc đoạn còn lại của Khe Long là ranh giới giữa thôn Ba và thôn Hai. Tương truyền rằng khi người dân sinh sống hai bên khe đào đất mở rộng vườn đã tìm thấy những sợi dây thừng to bằng cổ tay. Đây là dây thừng được sử dụng trên những ghe đi biển lớn (dân chài ở Mỹ Toàn và Thừa Thiên lúc bấy giờ chỉ dùng những sợi dây thừng đi biển to bằng ngón chân cái người lớn). Người ta nghĩ rằng vào những thế kỷ trước khi người Việt vào cư trú tại vùng đất này, cái khe mà sau này người Mỹ Toàn gọi là Khe Long đã từng là một thủy đạo chạy từ biển qua qua đầm mà người Chàm đã sử dụng nó để đi lại và vận chuyển. Họ thiết lập kho lẫm ở địa điểm này để cất giữ hàng hóa. Người Mỹ Toàn (Mỹ Lợi về sau này) đặt tên cho cây cầu bắt qua khe giữa thôn Ba và thôn Hai là Cầu Kho vì lẽ đó. Anh còn nghe nói sau năm 1960 có một ông thầy người Huế (tên Gạch?) về làm hiệu trưởng trung học bán công Vinh Lộc. Trong luận văn cao học, ông Gạch bằng nghiên cứu thực địa và những tư liệu tìm thấy, đã khẳng định rằng bọn cướp biển Chăm Pa vào một thời điểm nào đó trước khi người Việt tiếp thu Ô – Rí đã sử dụng khe rú Mỹ Lợi   làm sào huyệt. Phải chăng những khúc dây thừng mà cư dân Mỹ Toàn tìm thấy ở khu vực Cầu Kho ngày nay là của bọn chúng? Chẳng biết luận văn của ông hiệu trưởng trường trung học bán công Vinh Lộc đã được công bố chưa?”

 

Vườn – nhà là anh Chu Sơn nói. Tôi chỉ thấy có vườn, còn nhà thì thỉnh thoảng mới xuất hiện thấp thoáng một mái ngói hay một mảng tường. Càng lên các thôn trên (thôn Hai, thôn Một) vườn càng sâu hơn. 

Ở thôn Tư cây lá xơ xác, nhiều vườn bỏ hoang. Càng đi lên các thôn trên hiện tượng nương – vườn suy thoái càng giảm, cây lá xanh tươi hơn, ao vồng tươm tất hơn. Theo anh Chu Sơn vào thời điểm đó (1977) những khu vườn ít suy thoái nhất cũng chỉ còn giá trị khai thác kinh tế khoảng mười đến ba mươi phần trăm.

Từ thôn Một chúng tôi bỏ đường khe, đi theo ngõ xóm để về lại nhà.

 

Ở Huế mỗi khu vườn có hàng rào ba bốn phía, mỗi nhà có một ngõ riêng, nên mới có tình trạng “gần nhà mà xa cửa ngõ”. Ở Mỹ Lợi vườn nhà liên cận không rào giậu, chỉ cách nhau một bờ ao, cư dân đồng thuận cắt vườn theo chiều ngang làm một lối đi nhỏ phía trước sân mỗi nhà. Do vậy việc đi lại từ nhà này qua nhà kia sẽ ngắn tiện hơn, mối quan hệ láng giềng gần gũi thân mật hơn.

Chúng tôi đi theo những ngõ như thế, hết thôn Một, thôn Hai, về thôn Ba, bên này và cả bên kia khe và con đường chính, thỉnh thoảng tôi mới thấy có những cái ngõ chung đứt đoạn, anh Chu Sơn giải thích:

– “Cái ngõ đứt đoạn xảy ra do một trong ba trường hợp: Một là ngõ đụng phải khuôn viên nhà thờ của một họ tộc nào đó. Để giữ cảnh quan tôn nghiêm cho khu vực thờ tự, họ quyết định không cho ngõ đi ngang qua trước sân nhà thờ. Hai là có sự xung đột dẫn đến chia lìa giữa chủ nhân hai khu vườn nhà liên cận. Ba là ngõ dụng phải môt đường xương cá”.

Đi hết các ngõ xóm tôi mới thấy tổng quan qui hoạch và xây dựng nương – vườn và khu dân cư của Mỹ Lợi “trong làng” theo nguyên lý và mô hình sau đây:

1/ Tất cả các ngôi nhà vườn còn nguyên vẹn (chưa cắt chia để bán hay tạo lập chỗ ở riêng cho các thế hệ kế tiếp) ở Mỹ Lợi đều dựa lưng vào lùm cây, quay mặt theo hướng nước chảy ra khe và đường cái, bất kể hướng mặt trời hay vì một lí do nào khác.

 2/ Cấu trúc các khu vườn đều giống nhau. Mỗi khu vườn chia làm nhiều vồng, mỗi vồng có chiều ngang chừng 3,5 mét, chiều dọc tùy thuộc vào khoảng cách giữa lùm và khe (đường cái), chừng 50 – 100 mét. Giữa hai vồng là một cái mương (người Mỹ Lợi gọi là ao) rộng chừng 4 – 6 dm. Giữa lùm và vườn cũng có ao, giữa vườn và bờ khe cũng có ao, đều gọi là ao ngang.

3/ Khoảng cách giữa hai vườn nhà thuộc về hai gia chủ khác nhau cũng chỉ có một cái ao như thế, ngoại trừ trường hợp có một con đường xương cá cắt ngang tạo nên sự ngăn cách đột xuất. Bên kia đường xương cá lại là một con ngõ của một bức (đơn vị dân cư nhỏ hơn xóm) dân cư khác.

 

Tổng quan mô hình và cấu trúc vườn tại Mỹ Lợi gần giống mô hình và cấu trúc vườn tại một số vùng quanh khu vực thành phố Hồ Chí Minh và miền tây Nam bộ tôi có dịp đi thăm: Thủ Đức, Giồng Ông Tố, Thạnh Mỹ Lợi, Lái Thiêu, Nhơn Trạch, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long…

 

Việc trồng trọt trên các vồng trong vườn Mỹ Lợi cũng tương tự trên các giồng tại nhiều nơi thuộc vùng đất “Văn minh miệt vườn”: chen canh và đa tầng, chỉ hơi khác một chút là khoảng cách giữa các giồng và giữa các cây ở miền Nam rộng hơn, do đất đai nhiều hơn, chẳng cần phải tận dụng không gian như Mỹ Lợi. Thậm chí người Mỹ Lợi còn trồng môn ở dưới ao, trong khi đó ở miền Nam mương (ao) chỉ để thông nước. Tôi nghe nói (chưa thấy) nhiều nơi ở miền Nam cây trầu được trồng cạnh gốc và cho leo theo thân cau như ở Mỹ Lợi. Anh Chu Sơn nói: “Vào thời thịnh vượng (nương vườn còn xanh tốt, cau trầu còn có giá) rất ít cây cau đứng trơ trọi một mình”.

 

Ở Vỹ Dạ – Huế và nhiều vùng nông thôn ở Quảng Nam tôi đã đi qua, tôi chưa thấy có qui hoạch, cấu trúc và mô hình trồng cây vườn như ở Mỹ Lợi. Tôi nghĩ đến lời anh Chu Sơn đã nói trước đây: “Nhiều người Mỹ Lợi theo Nguyễn Ánh “tẩu quốc,” đến khi Gia Long thống nhất sơn hà, đã đem mô hình vườn miền Nam ra xây dựng nương – vườn  ở quê làng mình.”

 

Sau này mỗi lần có dịp quay trở lại vấn đề nương – vườn Mỹ Lợi, anh Chu Sơn đã làm rõ hơn những thắc mắc của tôi:

– “Em thấy đó: mức độ suy thoái nương – vườn ở Mỹ Lợi mỗi nơi mỗi khác. Thôn Tư suy thoái hoàn toàn, thôn Ba còn ngoắc ngoải, thôn Hai còn khá hơn thôn Ba tí chút, thôn Một cũng khá hơn thôn Hai tí chút. Lý do là thôn Tư không có rú, cũng không có lùm động làm chỗ dựa cho nương – vườn. Các lùm cây ở thôn Ba, thôn Hai, rồi thôn Một tuần tự cao hơn nên có sức che chắn và giữ nước tốt hơn. Nương – vườn thôn Tư suy thoái trước, tuần tự lây lan lên thôn Ba, thôn Hai rồi thôn Một. Vi khuẩn xâm nhập vào trong đất cũng như vi trùng xâm nhập vào cơ thể con người, cũng như giặc xâm lăng một đất nước, chúng tấn công vào nơi nào dễ dàng, thuận tiện và sức đề kháng yếu nhất.

Nương – vườn Mỹ Lợi một thời tươi tốt, trái cây có phẩm chất tốt hơn các địa phương khác ở miền Trung một phần nhờ vào hệ thống thủy lợi ao – khe – kinh, phân bón và cách bón phân của nông dân Mỹ Lợi. Mỹ Lợi ở xa nguồn, suối, sông nên tránh được họa nước lũ. Nước mưa thì từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp. Từ lùm động chảy xuống ao, ao chảy ra khe, khe chảy ra kinh. Ít khi Mỹ Lợi bị lụt lớn nhờ hệ thống thủy lợi ấy. Hết mùa mưa chủ vườn đóng cửa ao, cửa khe để giữ nước lại. Cây bụi trên lùm động cũng giữ nước và độ ẩm cho cây vườn. Vì thế quanh năm nương – vườn Mỹ Lợi “thủy hạn vô ưu”. Thủy hạn vô ưu có nghĩa là không lo lũ lụt, cũng không lo hạn hán. Khi rú và lùm bụi còn nguyên vẹn, nước trong ao vườn ở Mỹ Lợi đến mùa hè vẫn chưa khô cạn, ở thôn Một nhiều ao vẫn còn đầy.

Dinh dưỡng chủ yếu cho cây vườn Mỹ Lợi là phân rong, người Mỹ Lợi gọi là phân đầm (phân lấy từ các đầm), bổi lấy từ rú và từ các vùng núi Đá Bạc, Cầu Hai. Phân đầm bón quanh dưới gốc cây (rộng hẹp, dày mỏng tùy cây lớn nhỏ). Bổi tủ một lớp dày ở trên khắp mặt vồng. Công dụng của bổi vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vừa giữ ẩm cho đất, vừa ngăn cỏ mọc.

Đất cát pha mùn, thủy hạn vô ưu, hàng năm bổ sung dinh dưỡng đầy đủ từ phân đầm và bổi là những điều kiện cần và đủ cho cây vườn Mỹ Lợi xanh tốt, trái vườn Mỹ Lợi thơm ngon.

Ăn trái cây miền Nam, em thử so sánh trái cây miền Đông và trái cây miền Tây để hiểu ra rằng tại sao trái cây Mỹ Lợi ngon hơn các làng quê khác ở Huế và miền Trung.

 

          *Nhà thờ họ, đình làng, chùa và nhà rường tư gia ở Mỹ Lợi.

Trong lúc theo các ngõ để trở về nhà ở thôn Ba, chúng tôi cũng có dịp thăm qua một số nhà thờ họ: Nhà thờ họ Lương ở thôn Một, nhà thờ họ Nguyễn (lớn) ở thôn Hai, nhà thờ họ Trần, họ Đoàn, họ Tô ở thôn Ba. Khuôn viên các nhà thờ họ có diện tích từ hai ba (họ Lương, họ Tô) đến năm bảy sào, đến một mẫu tây (họ Nguyễn, họ Trần, họ Đoàn). Các công trình kiến trúc (nhà chính, nhà phụ, nhà bếp) khá lớn và còn nguyên vẹn, sân vườn tươm tất, sạch sẽ, chứng tỏ được bảo tồn, tôn tạo thường xuyên.

Anh Chu Sơn nói:

– “Ở thôn Tư, thôn Năm có nhà thờ họ Lê, họ Huỳnh, Họ Mai, họ Phan, họ Nguyễn (nhỏ). Còn có nhiều nhà thờ của nhiều họ tộc khác tầm cở nhỏ hơn ở rải rác trong làng ngoài chợ. Có nhiều họ đến Mỹ Lợi ba đời đã có nhà thờ riêng.

Nhà thờ họ ở Mỹ Lợi là tài sản chung của chú – bác, con – cháu trong họ.

Nhiều nhà thờ họ ở Mỹ Lợi là những công trình kiến trúc hoành tráng. Đa phần có hồ sen, non bộ, tam quan, bình phong, tiền đình, chính đường, hậu tẩm, nhà phụ và khu vực bếp núc. Tất cả được xây dựng bằng gạch và gỗ quí. Chính đường là một ngôi nhà rường ba gian hai chái, nóc và các đầu hồi được đắp khảm những mô hình tượng trưng trời đất và các bộ tứ linh (long, lân, qui, phụng), tứ quí (mai, lan, cúc, trúc). Phía bên trong là các dãy cột láng bóng, các đầu kèo và các dãy liên ba, thành vọng, các dây đòn tay trước đều được chạm trổ công phu. Các tủ thờ, khám thờ, các bức hoành phi, liễn đối cũng được chạm khắc, cẩn xa cừ với những hoa văn, họa tiết tinh tế và mỹ thuật. Các đồ khí bảo như độc lư, chân đèn, bình hoa, bát nhang, quả bồng đều là những đồ sứ cổ rất đẹp.

Hàng năm các họ tổ chức các lễ tế cúng long trọng, trang nghiêm, toát lên không khí thiêng liêng của những lễ hội tôn giáo với trống chiêng, nhạc lễ, văn tế, các nghi thức bái lạy giữa nghi ngút khói hương trầm. Các nhân vật chủ lễ như trưởng họ, ông lệnh, thầy lễ đều mặc áo thụng xanh, khăn đóng, quần dài trắng. Tất cả các thành viên tham dự đều là người nam từ 18 tuổi trở lên (gọi là dân và chú, bác họ) cũng khăn đóng, áo dài đen, quần trắng. Xuân – Thu nhị kỳ, Chạp và Tết là bốn lễ hội chính trong năm tập trung tất cả các thành viên trên.

Tùy theo vai vế (chức sắc, tân – cựu) và thế thứ (vai ông, vai cha (chú, bác), vai con, vai cháu) mà các thành viên tham dự lễ hội có chỗ đứng (khi hành lễ) và chỗ ngồi riêng: khi bái lạy, khi họp bàn, khi ăn uống đều có thứ bậc trước sau trên dưới.

Nhà thờ họ là nơi thờ cúng tổ tiên – những vị có công khai mở ra họ, và những vị kế tiếp đời sau được qui định bởi hội đồng họ tộc. Ví dụ từ đời (thế hệ) thứ nhất đến đời (thế hệ) thứ tám được thờ ở nhà thờ họ. Các vị thuộc đời thứ 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16… được thờ ở các nhà thờ Nhánh và bàn thờ gia đình.

Ngày xưa các họ tộc ở Mỹ Lợi được tổ chức theo hệ thống bốn cấp, gồm: họ, nhánh lớn, nhánh nhỏ (lỡ), nhánh nhà. Nhánh nhà thờ từ ông cố trở xuống. Ngoài ra mỗi gia đình hạt nhân còn có bàn thờ riêng, thờ cha mẹ gia chủ. Ngày nay tổ chức họ tộc ở Mỹ Lợi giản lược hơn, chỉ còn lại hai cấp: họ, nhánh và bàn thờ cha mẹ ở mỗi gia đình.

Trước 1945, khi triều đình nhà Nguyễn chưa giải thể, thỉnh thoảng, ba – năm năm một lần, bộ Lễ triệu tập các thầy lễ của các làng xã và các họ tộc để ôn tập, bổ sung hay sửa đổi các kiến thức, kỹ năng thực hành các nghi lễ. Các văn tế thời kỳ ấy đều bằng chữ Hán. Ngày nay thầy lễ ở các họ, ở các nhà thờ làng đều không biết chữ Hán. Các văn tế được phiên âm, sao chép bằng chữ Quốc ngữ và thường được xướng đọc không chính xác.

Cũng nên nói thêm về chùa, nhà thờ làng và các nhà thờ tư nhân ở Mỹ Lợi.

Sau khi thành lập làng, đình, chùa và miếu Ngũ hành được tạo lập để thờ cúng Thần, Phật và sinh hoạt cộng đồng của cư dân. Ngôi chùa ban đầu có lẽ tọa lạc tại một nơi bây giờ gọi là Dốc Chùa (cách nhà thờ làng 500 mét theo hướng bắc, gần bến Đùi). Người Mỹ Lợi “trong làng”lúc đầu đa phần là dân chài cá nên xa dần đạo Phật, phát triển tín ngưỡng vào việc thờ cúng tổ tiên và thần linh. Mãi cho đến khi chợ thành lập và phát triển, đạo Phật mới được phục hồi bởi cộng đồng Mỹ Lợi chợ. Chùa làng được tái tạo bằng vật liệu thô sơ, mãi cho đến khi phong trào Chấn hưng Phật giáo hoạt động, với sự giúp đỡ của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, các phật tử ở Mỹ Lợi mới xây dựng Niệm Phật đường kiên cố và khang trang tại bến Đình. Từ đó Phật sự ở Mỹ Lợi trở nên phồn thịnh vì chẳng những cư dân Mỹ Lợi Chợ phát triển, mà nhiều người Mỹ Lợi trong làng cũng bắt đầu qui y, vừa thờ cung tổ tiên, vừa thờ và tu Phật.

Bến Đình cái tên được gợi nhớ đến một đình làng được tôn tạo khang trang, hoành tráng tại một khu vực tuyệt đẹp ngày nay gọi là nhà thờ làng. Năm 1808, sau khi Gia Long thống nhất sơn hà và xây kinh đô Huế, Hội đồng kỳ mục Mỹ Lợi với sự hậu thuẩn và đóng góp công sức, của cải của những người Mỹ Lợi theo Nguyễn Ánh “tẩu quốc” trở về đã đứng đơn xin trùng tu đình làng. Nói là trùng tu, thực sự là xây dựng mới bằng những vật liệu kiên cố là gạch đá và gỗ cao cấp không chỉ là đình mà còn có thêm nhà thờ làng. Đình là nơi thờ cúng các thần (thần hoàng…). Nhà thờ làng là nơi thờ cúng các vị khai canh, khai khẩn và các nhân vật đã đóng góp nhiều cho việc phát triển làng. Năm 1945, sau cách mạng tháng Tám, không hiểu vì lý do gì đình bị cháy (có người nói là bị đốt bởi những nhà cách mạng vô thần). Trước sự cố ấy, các vị tiền hiền đã cung kính thỉnh mời các vị thần về ở chung trong nhà mình. Ngày nay nhà thờ làng cũng là đình làng.

Nhà thờ làng Mỹ Lợi là một công trình kiến trúc đặc sắc tại một vùng quê xa xôi hẻo lánh. Bối cảnh đẹp và các hạng mục kiến trúc tạo thành một cảnh quan thu hút khách tham quan. Nhà thờ dựa lưng vào động cát, bốn bên cây lá, ruộng đồng xanh tươi, bao bọc bởi la thành kiên cố nhưng thấp, đủ để bảo vệ, đồng thời phô tôn vẻ đẹp của các hạng mục kiến trúc bên trong.

Trước cổng tam quan là hồ sen, non bộ và những cây bàng cổ thụ lá xanh lá đỏ theo mùa. Bên trong cổng tam quan là bình phong, đối diện bình phong là ngôi nhà rường năm gian hai chái, mái ngói, nóc và các đầu hồi đắp, khảm các mô hình biểu tỏ sự ngưỡng vọng trời đất, thần linh, các hoa văn họa tiết nói lên khuynh hướng thẩm mỹ và tâm tình ước lệ của người Việt xưa (tứ linh, tứ quí, và các sự tích…). Nhà thờ chính gồm tiền đình, chính đường và hậu tẩm. Hai bên khoảng sân rộng là hai dãy nhà việc thường gọi là tả – hữu vu. Giếng nước và khu vực bếp núc ở phía hông trái.

 

Thú thật là anh chưa một lần vào bên trong ngôi nhà chính, nhưng chắc chắn là nhà thờ làng có tuổi thọ gần hai trăm năm, lại có quan hệ thường xuyên với triều đình, đương nhiên phải được xây dựng bằng gỗ quí tốt, chạm trổ tinh vi, hoành phi, liễn đối, tủ thờ, bệ thờ và các vật thờ đẹp quí rực rỡ. Nghe nói nhà thờ làng Mỹ Lợi trên đại thể chẳng thua kém Tôn Nhơn Phủ của dòng họ Nguyễn Phước ở Huế bao nhiêu.

 

Ngoài các nhà thờ họ, nhà thờ làng, ở Mỹ Lợi còn tồn tại bốn năm chục ngôi nhà thờ tư nhân có tầm vóc nhỏ hơn, chạm khắc tô vẻ đơn giản hơn, trang thiết bị nội thất khiêm tốn hơn nhưng đều là những kiến trúc nhà rường ba gian hai chái có tuổi thọ trên trăm năm. Nỗi tiếng nhất là nhà thờ cố Hương Thám (họ Trần) ở thôn Hai, nhà thờ cố Trùm Hiệt (họ Tô) và nhà thờ cố Hương Đãnh (họ Đoàn) ở thôn Ba. Hiện tại các nhà thờ tư nhân ỏ Mỹ Lợi đều do con cháu đời thứ ba, thứ tư, thứ năm gìn giữ, hương khói. Tất cả đang trên đà xuống cấp, nhưng các vị thủ từ vẫn trân trọng, kiên trì bảo lưu di sản của cha ông, vì nhà thờ ngoài chức năng thờ cúng tổ tiên, còn là nơi con cháu đoàn tụ, quay về”.