Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025

Không khói hoàng hôn (kỳ 3)

 Nguyễn Thị Kim Thoa

Vườn Vỹ Dạ
và bài thơ Ở Đây Thôn Vỹ Giạ

Vườn Vỹ Dạ vốn là cõi thơ. Cõi thơ ấy được làm nên bởi nhiều thế hệ văn nhân, thi sĩ tài danh (Tuy Lý Vương, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nguyễn Khoa Vi, Võ Ngọc Trác, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm…) và nhiều thế hệ những người (chủ) làm vườn nghệ sĩ, cùng một bối cảnh tự nhiên: cỏ cây, sông nước, trời trăng, mây gió…

Cõi thơ ấy vang xa và thấm sâu hơn vào lòng độc giả từ khi Hàn Mạc Tử trong cơn run rẩy tuôn trào thi hứng và cơn đau tột cùng của thân tâm đã sáng tác nên Ở Đây Thôn Vỹ Giạ.

Cái cõi thơ ấy vang xa và thấm sâu hơn nữa khi rất nhiều những cảm nhận và nghiên cứu văn học của nhiều thế hệ tác giả (như Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Đặng Tiến…) đã cung ứng cho người đọc những khám phá ngày càng mới mẻ, tinh tế và phong phú hơn về bài thơ bất hủ và nhà thơ bất tử.

 

Người Vỹ Dạ ít văn chương chữ nghĩa như (chúng) tôi, không thể không trân trọng và biết ơn tất cả. Trong niềm biết ơn trân trọng ấy, từ góc nhìn của một cây lau lạc loài, tôi xin góp một cách tiếp cận (từ của Đặng Tiến) bài thơ Ở Đây Thôn Vỹ Giạ.

Bài thơ chỉ vọn vẹn 12 câu mà đến thời điểm này, sau hơn bảy mươi năm xuất hiện trên thi đàn, các thế hệ nhà nghiên cứu và người yêu thơ vẫn còn có nhu cầu đào bới, khám phá để kiếm tìm cái đẹp của ngôn từ, nhạc điệu và tâm tư mà nhà thơ thiên tài mệnh bạc đã cất giấu trong đó.

Ở Đây Thôn Vỹ Giạ là một lời giới thiệu, một lời mời, một nỗi mong ngóng trông chờ, một nỗi buồn man mác, một nỗi cô đơn thê thiết, một mối thâm tình trong sáng thủy chung giữa cõi nhân gian mịt mù sương khói.

Hàn Mạc Tử đã nhân danh ai để giới thiệu, để mời, để bày tỏ…?

– Phải chăng ông đã nhân danh cá nhân mình – chủ thể yêu đương?

– Phải chăng ông đã nhân danh Hoàng Hoa – đối tượng yêu thương?

– Phải chăng ông nhân danh là một thi sĩ, người đã khám phá ra cái hồn của Vỹ Giạ mà ông tự coi mình có sứ mệnh mời gọi những ai khát khao tìm đẹp đến cùng ông chiêm ngắm và chia sẻ nỗi thương đau. Cái giả định thứ ba này xem ra gần với sự thật hơn hết. Bởi Vỹ Dạ là cái đẹp, cái đẹp nhất thể trong đó có Hoàng Cúc, có nỗi buồn, nỗi cô đơn mong ngóng trông chờ. Và cũng bởi mối tình thâm trong sáng thủy chung không bao giờ dứt mà ông đã tự tan biến, hòa nhập cùng Vỹ Giạ trong một giấc mơ xa vời, cho dù Ở Đây (có) sương khói mờ nhân ảnh”

“Sao anh không về chơi thôn Vỹ”? Đích thực là một lời mời có chút trách móc và rất nhiều tin cậy, đằm thắm thân thương. Có người (Quách Tấn chăng?) cho đây là lời mời của Hoàng Cúc. Chắc là không phải. Bởi đến thời điểm này (giữa năm 1939) Hoàng Cúc chưa một lần hồi đáp một chút tình ai”. Và Hàn Mạc Tử cho dù trong cơn đau vùi (từ mượn của Trịnh Công Sơn – qua Đặng Tiến) lúc tỉnh lúc mê cũng không xem bức bưu thiếp Hoàng Cúc gởi là một thông điệp yêu đương của người tình trong tâm tưởng. Rất nhiều khả năng Hàn Mạc Tử xem sự xuất hiện của bạn ông, Hoàng Tùng Ngâm, với tấm bưu thiếp của Hoàng Cúc là sứ giả của một.

Vỹ Giạ hiện hữu như là cái đẹp tổng thể bao gồm người con gái có khuôn mặt chữ điền trong bối cảnh khu vườn có nắng hàng cau, có lá trúc che ngang…

Cái đẹp của nắng hàng cau qua nhãn quan Hàn Mạc Tử chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc. Khoảnh khắc đó là lúc nắng mới lên”. Nắng mới lên khi mặt trời còn dưới thấp.  Khi mặt trời đã lên cao thì nắng đã chiếu xuống. Mà nắng đã chiếu xuống thì không còn những giọt sương đêm lóng lánh trên những tàu cau, và lá trong vườn cũng không còn “mướt quá xanh như ngọc”. Nắng xuống trong vườn cũng có cái đẹp riêng của nó. Nhưng qua bốn câu của đoạn thơ đầu, Hàn Mạc Tử đã không mời chúng ta đến thăm Vỹ Giạ vào các thời điểm khác của nắng xuống. Nhà thi sĩ – (hướng dẫn viên du lịch tâm hồn) khó tính này, chỉ mời chúng ta đến chiêm ngắm thôn Vỹ Giạ vào cái khoảng khắc tinh khôi của ngày mới. Và chỉ khoảnh khắc ấy thôi. Cái đẹp của Vỹ Giạ trong khoảnh khắc ấy là một tương quan được tập hợp thành một chỉnh thể gồm các yếu tố không thể tách rời. Giả định một trong những yếu tố đó mất đi, lập tức cái tương quan kỳ diệu ấy bị phá vỡ và cái đẹp của Vỹ Giạ mà Hàn Mạc Tử mời chúng ta đến chiêm ngắm tất nhiên không thể hiển hiện. Chưa có nắng mới lên trên những tàu lá cau, thì “vườn aiđang chuyển dần từ màu xanh tối qua màu xanh mờ (tôi tạm gọi là màu hồ thủy), chứ chưa “mướt quá” và chưa xanh như ngọc”. Và khuôn mặt chữ điền của “ai đó” ở phía sau khóm trúc cũng chưa phát lộ hết vẻ yêu kiều thần thánh. Tuy nhiên,nắng mới lên…”, và “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc mới chỉ là những yếu tố cần, chưa phải là yếu tố quyết định, nếu ai đó” không xuất hiện. Ai đó” không xuất hiện thì Vườn ai dù có nắng…, có mướt xanh như thế nào cũng trở nên vô hồn, vô nghĩa. Vẻ đẹp của H.Hoa qua câu thứ ba của đoạn thơ này của Hàn Mạc Tử không phải là vẻ đẹp của người con gái trong ca dao: Em xinh, em đứng một mình cũng xinh.

Ai đó” là yếu tố quyết định để làm nên một “vườn ai”, nhưng không phải là yếu tố duy nhất, độc lập, ở ngoài cái bối cảnh là khu vườn Vỹ Dạ trong buổi tinh mơ. Đặng Tiến trong bài “Hàn Mạc Tử và bài thơ Thôn Vỹ” (số đặc biệt 100 năm Hàn Mạc Tử – diendan.org) đã rất chính xác khi viết rằng:

“… Nó là một tâm cảnh, một thực thế duy nhất, cần được nhìn và cảm nhận như một tổng hòa toàn bích, và cảm nhận bằng trực quan thẩm mỹ.”

Tôi hoàn toàn tâm đắc với nhận định của ông, nhưng tôi không theo nổi đề nghị của ông. Bởi tôi chưa đạt tới cái khả năng thượng thừa là trực nhận, nên tôi còn phải tra vấn.

Vườn ai theo Đặng Tiến là một thực thể duy nhất, một tổng hòa toàn bích, nghĩa là không thừa và cũng không thiếu, không cần thêm, và cũng không thể cắt bỏ bất cứ chi tiết nào dù rất nhỏ. Và như thế,mặt chữ điền”, theo tôi, nhất thiết phải được lá trúc che ngang”.

Nhưng tại sao mặt chữ điền phải được lá trúc che ngang”?

Hàn Mạc Tử đã sống ở Huế nhiều năm thời niên thiếu, là bạn tâm giao của nhiều người Huế – Vỹ Dạ là văn nhân thi sĩ (Hoàng Tùng Ngâm, Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Trần Tái Phùng, …) khi trưởng thành, ông không thể không thấm thấu cái cảm quan thẩm mỹ của người Huế về vẻ đẹp của khuôn mặt phụ nữ. Khuôn mặt phụ nữ Huế ưa nhìn có hình trái xoan chứ không phải chữ điền. Người Huế rất có thành kiến với những bà những cô có khuôn mặt chữ điền. Mặt chữ điền là vẻ đẹp trời cho của nam giới. Nó chứng tỏ nghị lực, sự cứng cỏi, nghiêm nghị và uy quyền.

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”: là một sắp đặt của thi sĩ để được chiêm ngắm “cái cặp mắt đen nháy đầy thi vị” của người con gái Huế là H. Hoa mà ông đã bị hớp hồn ngay từ lần chợt thấy đầu tiên năm 1932 tại Qui Nhơn. (xem thêm lời tâm tình của Hàn Mạc Tử)(4)

Cái nết na thùy mị đoan trang cũng đã làm ông say đắm nhưng sau gần chục năm đeo đuổi mà bị chối từ, càng lúc ông càng thực tế và sáng suốt nhận ra rằng chẳng bao giờ nó thuộc về ông cả. Nó tất yếu thuộc về cái cấu trúc huyết tộc và gia phong đã sản sinh và khuôn đúc nên nó.

Lá trúc che ngang” xem ra không thuận tai, vừa ý người nghe và người đọc thơ bình thường như chúng tôi. Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi và hỏi bất cứ ai: tại sao không “che nghiêng” mà “che ngang”? Phải chăng Hàn Mạc Tử trong cái khoảnh khắc “chợt tỉnh” giữa những cơn đau và mê dài đã không kịp trau chuốt ngôn từ.

Tôi đã tìm thấy những lời giải thích uyên bác, thâm thúy và tinh tế của Đặng Tiến:

“Lá trúc che ngang… Lá trúc ở đây, là rào dậu, phân định ranh giới của vườn. Không rào dậu thì không thành vườn. Vườn là một bộ phận môi giới, giữa cõi trong và cõi ngoài, chưa phải là cõi riêng nhưng không còn là của chung. Là trung gian giữa thiên nhiên và văn hóa. Là nhân loại chuyển mình từ đời sống du mục sang đời sống định cư, là giấc mơ đoàn tụ giữa Chức Nữ với Ngưu Lang, lời tình tự lưa đôi, có cu gáy và bướm vàng nữa chứ…(Huy Cận). Là hạnh phúc có khi đang thực tại, có khi trong ước mơ hay niềm tiếc nuối một thiên đường đã mất. Thiên đường xanh những mối tình thơ dại, chẳng hạn, như thơ Baudelaire, một trong những bậc thầy Hàn Mạc Tử”

Anh Chu Sơn, chồng tôi, bảo:

– “Cũng như cặp từ “Ở đây” trong đầu đề và câu áp cuối của bài thơ, nhà thi sĩ đồng thời là nghệ sĩ sắp đặt đã rất hiện thực khi sử dụng hai từ “che ngang” ở câu thứ tư của đoạn thơ đầu. “Che ngang” vừa có tác dụng thẩm mỹ, vừa gây cảm thức che chắn, phòng vệ”.

Về mặt thẩm mỹ: Khuôn mặt chữ điền, nếu “Lá trúc che nghiêng,” phần còn lại sẽ trở nên lập thể, góc cạnh, khó coi và xa lạ trong cái nhất thể vườn Vỹ Dạ và tâm thức Hàn Mạc Tử.

Trong tương quan xã hội, “che ngang” là che chắn, là ngăn chặn, là rào cản.

Ai che chắn, ai ngăn chặn, ai rào cản trong bối cảnh vườn Vỹ Dạ vào cái khoảnh khắc tinh mơ này? Lá trúc, cái công cụ thẩm mỹ bỗng dưng trở thành biểu tượng của uy quyền gia trưởng.

Lá trúc ở đây là cây trúc. Cây trúc đốt tù, thân thẳng, vẻ đẹp và dáng đứng mạnh mẽ tượng trưng cho người quân tử tiết trực tâm hư (thân ngay chính – lòng rổng không) trong truyền thống triết lý, thẩm mỹ của người Huế – người Việt Nam thuộc tầng lớp trên. Đến thời điểm thập niên 1930 của thế kỷ XX, cây trúc vẫn còn hiện diện phổ biến tại các khu vườn Vỹ Dạ, để cùng với các cây mai, lan, cúc hình thành nên bộ tứ Mai – Lan – Cúc –Trúc danh giá gọi là tứ quí tương ứng với tứ thời Xuân – Hạ – Thu – Đông.

Không ít những ông chủ nhà vườn ở Vỹ Dạ, ở Huế, ở Việt Nam đến thời buổi ấy vẫn nhận mình là quân tử cho dù tình thế đã điên đảo như thế nào, gia đạo có suy vi đến đâu, các cụ vẫn giữ Nếp Nhà. (Nếp Nhà, tên tác phẩm nổi tiếng của Bửu Kế). Gần mười năm mê mẫn người con gái “nết na thùy mị và đoan trangcó “cặp mắt đen nháy đầy thi vị” trên khuôn mặt chữ điền,” cuối cùng Hàn Mạc Tử chỉ còn giữ lại cho mình “cặp mắt đen nháy đầy thi vị” mà ông đã hào phóng mời chúng ta đến chiêm ngắm vào buổi sáng tinh mơ.

Nắng hàng cau là một khoảnh khắc. Vườn lá ngọc” cũng là một khoảng khắc. Nhưng cặp mắt đen nháy đầy thi vị hẵn là vĩnh cửu. Với cặp mắt đó, Hàn Mạc Tử mời chúng ta đến thăm Vỹ Dạ vào một thời điểm khác trong ngày. Đó là những buổi trưa chiều gió đứng mây ùn ở tầng cao (nhưng rất thấp), sông Hương bị mây ám trở nên trầm mặc, những con gió nhẹ ở tầng thấp chỉ đủ làm cho dòng nước gợn những đợt sóng lăn tăn, và những hoa bắp bên kia cồn cũng lay trong nỗi buồn cộng hưởng.

Cặp mắt đen nháy đầy thi vị”, gió – mây, thuyền – bến – trăng, dòng nước lăn tăn trầm mặc, hoa bắp lay…, tất cả hiệp thành một tổng thể duy nhất mang tên nỗi buồn. Ôi! sao mà tài tình thế! Dường như nhà thi sĩ đã trải nghiệm nhiều đời trong khu vườn Vỹ Dạ để hóa thân cùng “dòng nước buồn thiu” và nỗi lòng sâu kín của những người con gái danh gia vọng tộc mà Con tạo, Lịch sử và Nếp nhà đã khóa chặt họ bao nhiêu kiếp ở phía sau những cành lá trúc.

Gió theo lối gió, mây đường mây” trong mọi trường hợp là biểu tượng, là ẩn dụ của tâm cảnh. Cái tâm cảnh mà, nói như Văn, (người anh em họ của tôi trong lần trao đổi giáp vòng hai bên đường Nguyễn Sinh Cung mùa thu năm ngoái), là bắt đầu kết tập nghiệp chướng từ một Vỹ Dạ của những hộ nông dân lưa thưa trên một vùng non nước đìu hiu, thành một thôn làng san sát những vương phủ và dinh cơ của những đại thần, hoàng tôn công tử với những cuộc vui “cổ nhân bỉnh chúc”. “Cổ nhân bỉnh chúc” là bắt chước người xưa mà thắp đuốc lên cho thật sáng để đêm biến thành ngày hầu tiếp tục những cuộc chơi tưởng chừng chẳng bao giờ dứt. Vỹ Dạ được hiểu như là cái đuôi của đêm trong tâm cảnh ấy.

Là cái đuôi của đêm, nhưng lại là rường cột và tâm phúc của triều đình và hoàng tộc. Triều đình và hoàng tộc là quyền lực và huyết hệ.

Quyền lực từ bản chất là đối kháng, là hận thù, là giết chóc, là chia lìa, là bế tắt, là mê lầm, là đau khổ.

Huyết hệ là rào cản, là giới cấm đầu tiên và cuối cùng của khát vọng yêu đương và hạnh phúc lứa đôi.

Triều đình nhà Nguyễn thành lập chưa được bao lâu thì thù trong giặc ngoài dồn dập xẩy ra những biến cố. Người Vỹ Dạ đã can dự vào các biến cố ấy: Tranh đoạt ngai vàng, chống đuổi ngoại xâm, chủ chiến hay chủ hòa, cần vương hay đầu hàng, nổi dậy hay làm tay sai, duy tân, chống thuế hay Đông du, Tây du…, ở phía này hay ở phía kia đều có người của Vỹ Dạ. Tất cả những biến cố ấy dồn dập tác động làm thay đổi diện mạo và tâm hồn của Vỹ Dạ từ cảnh quan đến thân phận con người. Công thần bỗng chốc biến thành tội phạm của triều đình. Hoàng thân quốc thích, do áp lực của ngoại nhân, cũng có thể bị chặt đầu, bị lưu đày và bị kiết đuổi ra khỏi họ tộc vì bị kết tội là gian nhân loạn đảng, sỉ nhục tổ tiên. Trong vòng trên dưới một trăm năm, hàng chục vương phủ suy tàn, biến mất. Rất nhiều dinh cơ của các đại thần và của hai ba thế hệ con vua cháu chúa bị tịch biên, phải bán bỏ, san nhượng, thay chủ đổi tên. Dân ngụ cư, đa phần có gốc gác từ nông thôn do chiến tranh ập đến, hình thành nên những chòm xóm lạc lỏng và đáng ngờ.

Người con gái, trong khu vườn truyền thống đến thập niên 1930 còn bảo lưu nguyên chủ, sống cô đơn, lẻ loi, tù túng giữa bà con huyết hệ và láng giềng xa lạ không môn đăng hộ đối. Quyền lực, huyết hệ, chòm xóm dân ngụ cư và Nếp Nhà đã nhốt các tiểu thư con nhà khuê các trong khu vườn kín cổng cao tường. Tâm cảnh đã mở ra với nàng vào các buổi trưa, chiều tối là dòng nước buồn thiu,” là “bến sông trăng,” là mong ngóng trông chờ, là “mơ khách đường xa,”…, và cuối cùng là cõi nhân gian mịt mù sương khói.

Mấy năm đầu của thập niên 1930 mở ra với Hàn Mạc Tử những cánh cửa của mộng mơ và khát vọng. Tuổi trẻ với sức sống mãnh liệt rạo rực những nhu cầu: Nhu cầu sáng tác, kiến tạo sự nghiệp văn chương, và nhu cầu yêu đương bắt đầu với Hoàng Hoa, tiểu thư khuê các của đất Thần kinh.

Tâm cảnh cũng đã mở ra với nàng trong khu vườn Vỹ Dạ vào buổi trưa chiều là vẻ đẹp của cô đơn, mong ngóng, trông chờ. Dòng nước buồn thiu” và “hoa bắp lay” là cảnh vật của một không gian đang bị đè nén, dấu hiệu của một cơn giông chẳng biết xẩy ra lúc nào? Người con gái có khuôn mặt chữ điền hay khuôn mặt trái xoan trong khu vườn Vỹ Dạ vào thời điểm đó, trong tâm cảnh đó, cũng như Hàn Mạc Tử trong căn lều rách nát trơ trọi giữa những “cơn đau vùi” bên mé biển chỉ còn có những giấc mơ trăng:

 Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

 Có chở trăng về kịp tối nay.

Cả Hàn Mạc Tử, cả H.Hoa và cả những người con gái trong thôn Vỹ Dạ không tin rằng nỗi mong ngóng trông chờ trăng của mình được thỏa đáp. Trăng chắc sẽ không về kịp tối nay. Thực tế là “tối nay” trăng đã không về. Trăng không về mà đêm về. Đêm mịt mùng về bủa vây nỗi cô đơn tích tụ từ muôn ngàn kiếp trước. Và đêm cùng nỗi cô đơn khủng khiếp đã đẩy những giấc mơ đến cao trào.

Những ngày này ở Qui Nhơn trong căn lều thê lương của người cùi biết mình sắp chết, một mình bên mé biển đìu hiu, Hàn Mạc Tử chỉ thấy có đêm đen và những giấc mơ cứu rổi. Hoàng Hoa người con gái Vỹ Dạ đã đến với đời ông như một định mệnh dù đã dửng dưng trước mối tình tha thiết nồng nàn của ông, nàng vẫn đến với ông trong những giấc mơ như một nàng tiên – xa. Và những lúc này đây nàng còn đến với như ông như một người cùng chung thân phận –gần.

“Mơ khách đường xa khách đường xa”.

Hàn Mạc Tử mơ, hay H. Hoa mơ cũng thế thôi.

Mơ trong căn lều thê lương bên mé biển đìu hiu ở Qui Nhơn, hay mơ trong khu vườn có lá trúc che ngang mặt chữ điền bên dòng nước buồn thiu ở thôn Vỹ Dạ cũng thế thôi.

Tất cả, tôi và em (Hàn Mạc Tử và H Hoa) đều ở đây – trong cái cõi đời đớn đau mịt mù sương khói này. Cái cõi đời mà dù tôi có yêu, có thương, có nhớ em đến đâu, có kính ngưỡng, tôn thờ, hy vọng vào em như thế nào, tôi cũng không còn nhận ra em nữa. Hàn Mạc Tử đã qui kết tội lỗi này cho “áo em trắng quá.” Ông dư biết sự qui kết này là phi lí. Ông cũng đủ tỉnh táo để nhận ra rằng cái người con gái Huế mặc áo trắng,nết na thùy mị và đoan trang”, có “cặp mắt đen nháy đầy thi vị”, đã hớp hồn ông trong lần gặp gỡ đầu tiên  năm 1932, đã “un đúc cho ông thành một tâm hồn thi sĩ”, người có vai trò quyết định “sự nghiệp văn chươngcủa ông, cuối cùng cũng chỉ là ảo ảnh.

Đặng Tiến đã trích dẫn một câu trong Cung Oán Ngâm Khúc (Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương) để giúp độc giả trẻ đời nay hiểu rõ nội dung của câu áp chót bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ (Ở đây sương khói mờ nhân ảnh). Nhà khai khoáng Đặng Tiến đã nhích gần cảm nhận siêu hình về cõi đời (ông mô tả là kiếp sống mong manh) của hai nhà thơ tài danh của dân tộc sống cách nhau đến mấy trăm năm: Ôn Như Hầu và Hàn Mạc Tử. Đặng Tiến đã thay chữ “trệ” của các cụ tiền bối bằng một kết luận dứt khoát khi nhận định câu thơ trên.

“Hiểu như vậy là lìa xa văn bản, nhưng xích lại gần định mệnh thảm khốc của nhà thơ”.

Đúng là nhà thơ tài hoa, bất hạnh của chúng ta đã trải nghiệm một định mệnh thảm khốc. Nhưng, dường như Đặng Tiến đã cố tình quên (vì tế nhị địa phương chăng ?) rằng là cái định mệnh thảm khốc của nhà thơ không khác mấy với thân phận của nàng thơ và cõi thơ. Chẳng phải ngẫu nhiên, mà ngay từ đầu đề, đến câu áp chót của bài thơ, Hàn Mạc Tử đã sử dụng hai từ Ở đây. “Ở đây thôn Vỹ Giạ”. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.

Ở đây, ở kia hay ở bất cứ nơi đâu, tất cả chúng ta, cả tôi và cả em, và…đều là tạo vật bé nhỏ và mong manh của đấng chí tôn, kẻ tạo tác và điều hành “Cái quay búng sẵn giữa trời(5). Khác với Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, Hàn Mạc Tử Nguyễn Trọng Trí đã không oán Trời trách Người mãnh liệt như một kẻ hiện sinh dồn nén sự phẫn nộ. Có lẽ có sự khác biệt giữa một Thượng đế – Đức Chúa Trời của con chiên Nguyễn Trọng Trí và một ông Trời – trẻ tạo hóa của nhà nho Nguyễn Gia Thiều.

Trong cơn đau vùi, Hàn Mạc Tử đã tiếp nhận tấm thiệp do H. Hoa gửi với một thức tỉnh bất ngờ. Tấm thiệp phong cảnh Huế ước lệ có ghi mấy lời thăm, chúc sức khỏe chân thành, mực thước và không có chữ ký “của người ngoài cuộc”. “Người ngoài cuộc” mà ông đã yêu, đã nhớ, đã ước mơ kỳ vọng, đã kính ngưỡng tôn thờ từ lần gặp gỡ đầu tiên đến giây phút cuối cùng của cuộc đời thảm khốc.

Thay vì viết cho H. Hoa: Xin cám ơn em, tôi đã biết tình em. Tôi cũng đã biết, và tôi đã sống đến tận huyết tủy tình tôi, Hàn Mạc Tử đã sáng tác bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ và kết thúc bằng một câu hỏi vừa khẳng định một tình yêu tha thiết thủy chung, vừa biểu tỏ một nỗi đắng cay thầm lặng của một thân phận được an bài giữa cõi nhân sinh phù du tăm tối: “Ai biết tình ai có đậm đà?”

Trịnh Công Sơn trong một phút thức tỉnh kỳ diệu giữa những cơn đau vùi đã cô đúc những nỗi niềm:

“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”(6).

Nỗi niềm của Trịnh Công Sơn, tâm cảnh của Hàn Mạc Tử, của Hoàng Hoa – Hoàng Cúc, hay của Cô giáo Hoàng Thị Kim Cúc và Vỹ Dạ Vườn Thơ của (chúng) tôi, và…e rằng chỉ là MỘT trong THƯƠNG – ĐAU.

 

Ghi chú

(1) Năm phổ tên làng tiếp giáp phía đông Vỹ Dạ gồm có năm thôn: Phổ đông, Phổ tây, Phổ nam, Phổ bắc, Phổ trung. Nam Phổ chỉ là tên biến hóa từ Năm phổ.

(2) Phủ đệ loại hình kiến trúc quí tộc Huế – TS Phan Thanh Hải – huewordheritage.org.vn.

(3) Đinh Cường – Bửu Chỉ từ những dấu tay lấm máu – Bửu Chỉ  – Đường bay nghệ thuật & ký ức trần gian  –  nhà xuất bản Hội nhà văn. Xuất bản năm 2012

(4) Tâm tình Hàn Mạc Tử :“ Sự nghiệp văn chương của tôi sau này rực  rỡ vẻ vang đều là do một mình cô H.H tạo nên. Hơn nữa cô lại un đúc cho tôi thành một tâm hồn thi sĩ mà ngày nay trong thi giới tôi đã chiếm một địa vị cao quý. Cô là người mà tôi thường gởi linh hồn một bên dầu cách xa muôn ngàn dặm đất. Trái tim của tôi bắt đầu rung động từ năm 1932 năm tôi được biết cô H.Hoa.

Tôi yêu cô ấy không sự gì hơn là vì cái nết na thùy mị và đoan trang của cô ta. Tôi lại yêu cặp mắt đen nháy và đầy thi vị của cô nữa.

Ước gì cô H. Hoa thấy rõ chỗ tôi yêu cô thì còn gì sướng bằng!

Ngùi ngùi, tôi ngảnh mặt về hướng nhà cô H.H đốt một nén hương tâm cầu nguyện. Xin chuyển lời tôi kính thăm H.Hoa tiểu thư an hảo. (lời tâm tình của thi sĩ HMT qua thư viết cho ông trợ Cát) – (Lá trúc che ngang – chuyên tình của cô tôi – Hoàng thị Quỳnh Hoa – nhà xuất bản Đà Nẵng – 2013 – trang 80 – 81).

(5) Cái quay búng sẵn giữa trời/ Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Cung oán ngâm khúc – Ôn Như Hầu.

(6) Những bài ca không năm tháng – Trịnh Công Sơn.

 

Vỹ Dạ - trường học và tuổi thơ

 

Vỹ Dạ cũng như bao nhiêu làng quê khác, cũng dòng sông, cũng mái trường, cũng con đường làng, cũng cánh đồng vàng thơm mỗi mùa vụ. Trở về chốn xưa, có ai không tìm thấy lại quá khứ mình?

 

Người thầy khai tâm

Một trong nhiều những kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ của tôi là lễ khai tâm với người thầy Phùng Khánh.

Mồng hai tết tôi không nhớ năm nào thuộc âm lịch, nhưng dương lịch là năm 1957. Năm ấy tôi tròn 6 tuổi. Ba mẹ tôi muốn tôi được khai tâm, khai trí để chuẩn bị đến trường tiểu học vào mùa thu tới.      

Người thầy cha mẹ chọn là cô Phùng Khánh, một sinh viên của trường Đại học Sư phạm, xinh đẹp, dịu dàng, hiền hậu và học rất giỏi, con cụ Ưng Thiều – bạn láng giềng của gia đình tôi.

Chọn người thầy khai tâm cho con gái với mẫu mực, tầm cỡ Phùng Khánh – cha mẹ tôi gởi gắm vào đó những ước mơ, hoài bão của mình về tương lai của tôi.

Xinh đẹp dù có cố gắng đến đâu tôi cũng không theo kịp thầy, nhưng dịu dàng, hiền thục và học giỏi thì tôi có thể. Cha mẹ tôi nghĩ và nói như vậy với cả nhà.

Lễ khai tâm cho tôi, cha mẹ và cả nhà nói đến rất nhiều trong năm cũ. Mẹ tôi sang nhà cụ Ưng Thiều thưa chuyện. Ông cụ khuyến khích và cô Phùng Khánh thì vui vẽ nhận lời. Mồng hai Tết, 8 giờ sáng. Me tôi coi ngày từ cuốn lịch Tam Tông Miếu.

Sáng mồng một, cha mẹ tôi sang chúc tết nhà cụ Ưng Thiều và nhắc lại lời mời năm cũ.

Đúng 8 giờ sáng ngày mồng hai, cô Phùng Khánh qua nhà tôi. Cả nhà áo quần chỉnh tề, chuẩn bị trà nước để đón cô. Cô vẫn xinh đẹp, dịu hiền và thanh thoát.

Sau khi chúc tết chúng tôi, cô đến ngồi cạnh tôi bên cái bàn học nhỏ, đã chuẩn bị sẵn giấy bút. Cô nói với cha mẹ tôi và cả nhà:

– “Thông thường ngày đầu các em đến trường, thầy cô sẽ dạy các em nhận biết mặt chữ, tập viết các mẫu tự a, b, c. Với cháu không thế. Khi đứa trẻ bắt đầu đi học, thầy cô nên cho các em nhận biết và tập viết chữ Mẹ, lý do sâu xa thế nào hai bác nói cho em Thoa và các em khác rõ, còn theo chỗ cháu biết thì hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới chữ Mẹ đều bắt đầu bằng âm M”.

 

Giọng cô Phùng Khánh nhẹ, trong và đầy cảm xúc. Cô mở tập vở, trang trọng kẽ vào đầu trang giấy chữ Mẹ, cô bảo chị tôi kiếm một tờ giấy pelure, cô đặt tờ pelure lên trang giấy cô vừa mới kẽ chữ. Cô vuốt tờ pelure với cử chỉ dịu dàng, trìu mến. Cô ngồi dịch về phía sau, thân ái kéo tôi về phía trước mặt rồi đặt vào tay tôi cây bút chì. Cô chỉ cho tôi cách cầm cây bút thế nào cho thích hợp. Cô cầm tay tôi với cây bút chì và chúng tôi bắt đầu đồ lên chữ Mẹ. Bàn tay cô Phùng Khánh mịn màng êm dịu. Từ người cô chuyền vào lưng vào vai tôi hơi ấm. Trên tờ giấy pelure chữ Mẹ từ lờ mờ dần trở nên đậm nét.

Trong sâu thẳm tâm hồn tôi sau cái lần được khai tâm đầu đời ấy vang vọng mãi tiếng Mẹ cao quí và đẹp tuyệt vời, không có nốt nhạc nào sánh được.

Trường làng tôi

Sau lễ khai tâm trang trọng và rất nhiều cảm xúc với người thầy Phùng Khánh, tôi đi học lớp vỡ lòng.

Mười sáu tháng giêng (sau tiết hàn thực), ông cậu Mới, người làm vườn của nhà tôi –  cõng tôi đến lớp học vỡ lòng của cô giáo Lan. Lớp học của cô giáo Lan là một mái lá nhỏ dựng tạm trên một mô đất nằm giũa khu dân cư và cánh đồng lúa thôn Vỹ Dạ. Mái lá đơn sơ đó chỉ có một gian chứ không được hai gian như “Trường làng tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu:

“Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ, che trên miếng sân vuông mơ màng Trường làng tôi không giây phút tôi quên dù cách xa muôn trùng trường ơi!”

Dù là hai gian lá hay một gian lá cũng là “trường làng tôi”. Cũng “không giây phút tôi quên dù cách xa muôn trùng”.

Cô giáo và những bạn học đầu tiên, những bàn ghế lỏng chỏng, cái thấp cái cao, cái to cái nhỏ, cái cũ, cái mới... tất cả để lại trong ký ức tôi những kỷ niệm sâu đậm và thân thiết.

Cô giáo Lan người phụ nữ lớn tuổi, chưa lập gia đình, đảm trách một lớp học với mười lăm, mười bảy học trò, lớn nhỏ và trình độ cũng lỏng chỏng như áo quần, bàn ghế. Có đứa tập viết, có đứa đánh vần, có đứa làm toán, có đứa tập đọc. Cô hết bày cho đứa này, chỉ cho đứa kia, dạy cho đứa nọ. Cứ thế cô đi quanh, bàn trên, bàn dưới, bàn bên phải, bàn bên trái. Lớp học không có bảng đen, không có phấn trắng. Cô giáo bày, chỉ dạy trên những tập vở mỏng cùng những cây bút chì, bút mực của mỗi đứa mang theo. Dụng cụ nghề nghiệp của cô ngoài cây thước gỗ ra không có gì. Cô không dùng thước với mục đích răn đe mà để gõ nhịp. Tập hát rồi hát. Cái thước với những cái gõ là dấu hiệu để cả cô giáo và học trò cùng hát.

Chính những bài hát đã nối kết những chi tiết rời rạc lỏng chỏng của lớp học thành một cơ thể hợp nhất và thân thiết. Bắt đầu giờ học chúng tôi hát, giữa giờ học chúng tôi hát, cuối giờ học chúng tôi hát. Ngày hai buổi, tuần sáu ngày chúng tôi hát. Tiếng hát của chúng tôi đã làm cho cái mô đất hoang giữa khu dân cư và cánh đồng trở nên sinh động.

 – “ Tung lên trên trời xanh tiếng hát

Êm như ru chiều hôm gió mát

Chim líu lo trên không trung nô đùa

Đây thú tiên vui vui không ngừng...

 

– “Trên trời xanh, én nô đùa reo mừng

Ta đi mau, gió la đà vướng chân

Trong nắng tươi hát cười lòng ta bay theo mây hồng

Ngắm ngắm xem xem đường đầy hoa

Dưới bóng cây kia trường học ta

Đang chào đón, lòng thiết tha…

 

– “Bạch Đằng giang sông hùng dũng, của nòi giống Tiên rồng, giống Lạc Hồng, giống Lạc Hồng, Nam Bắc Trung. Trên trời xanh, muôn chim đua chen ánh sao, dưới đây dòng nước ánh sáng vẫn luôn nhấp nhô...

 

– “Reo vang reo, ca vang ca

Cất tiếng hát vang đồng xanh

Vang lừng la bao la, tươi xinh tươi

Ánh sáng tưng bừng hoa lá…

 

Nhiều, nhiều lắm, những bài hát mà tôi và các bạn tôi không biết tác giả là ai. Cô không nói. Cô không giải thích nội dung. Chúng tôi cứ rướn cổ mà hát, hát ran cả lồng ngực. Có điều chắc chắn là chúng tôi thích hát hơn là học. Chính nhờ những bài hát tại lớp vỡ lòng của cô giáo Lan mà sau này tôi trở nên thích âm nhạc. Tôi không có giọng để theo nghề ca sĩ, nhưng tôi lại thích nghe và sưu tầm các bản nhạc. Nhạc tuổi xanh, nhạc cộng đồng, nhạc đồng quê, nhạc tình cảm, nhạc tiền chiến, nhạc chiến đấu và cả nhạc phản chiến. Theo tôi âm nhạc là thức ăn tinh thần dễ tiêu hóa và dễ thẩm thấu.

Ngoài giờ học và ca hát, ở lớp vỡ lòng của cô giáo Lan tôi còn giao du với các bạn cùng trang lứa trong thôn và cùng các bạn ấy tôi biết chơi các trò chơi dân gian như: ô làng, u mọi, giật cờ, rồng rắn, đi chợ về chợ, thả địa ba ba, mèo vờn chuột, nhảy dây, nhảy lò cò, đánh thẻ, đánh hòn... Những trò chơi kèm theo những bài hát làm cho kẻ chơi người xem cùng hào hứng.

– Trò chơi đánh thẻ chúng tôi hát:

“Qua cầu

Ngồi hầu

Quạt mát

Quạt không mát

Xô đi bồ lại

Ai muốn cao ngồi ghế

Ai muốn thấp ngồi đòn

Ai muốn đỏ bôi son

Ai muốn vàng bôi nghệ

Qua bên nhà o Huệ

Về bên nhà o Lan

Sang cái tay

Trở cái chân

Nhắm con mắt

Bắt con một mà ăn

Chuyền chuyền một

Chuyền chuyền hai.

Cứ thế chuyền 6 hay chuyền 12 tùy qui định.

– Trò thả địa ba ba:

 “Thả địa ba ba

Chớ bắt đàn bà

Tha tội đàn ông

Cơm trắng như bông

Gạo thuyền như nước

Đổ mắm đổ muối

Đổ chuối hạt tiêu

Đổ niêu nước chè

Đổ phải nhà nào

Nhà ấy phải chịu

làm con ma rà.

Ngoài ca hát và tham gia các trò chơi, từ lớp học cô giáo Lan, sau này tôi còn nhớ khá nhiều bài ca dao, bài vè, nói lối. Tôi xin ghi lại một số đoạn:

“ Dưa chuột chú ruột dưa gang

Dưa gang cùng làng dưa hấu

Dưa hấu là cậu bí ngô

Bí ngô là cô đậu nành

Đậu nành là anh dưa chuột...

 

“Ve vẻ vè ve

Nghe vè nói ngược

Con chim mần tổ dưới nước

Con cá lội ngược trên cây

Thằng chết ve trâu đi cày

Thằng sống thì vày xuống lỗ

Thuyền đi trên bộ

Ngựa lội dưới sông

Cá nhám ăn đồng

Chuột nhắt xuống sông, xuống nước

Cái thằng nói ngược thôi đã dễ nghe:

Con voi ấp trứng sau hè,

Con gà cao bành để đua

Con tôm cắn trả con cua,

Một bày cá mại hùa hùa ăn theo

Bao giờ cho cám ăn heo

Cho chuột ăn mèo, cho cỏ ăn trâu

Chim én cắn cổ diều hâu

Gà con tha quạ bay đâu mịt mù...

 

 

Thuở ấy nhà tôi chưa rơi vào tình cảnh sa sút, có gia sư để dạy các anh chị tôi, có các anh con cậu ở Hội An ra học đại học, kể cả ba mẹ tôi đều có thể chuẩn bị cho tôi vào lớp năm (lớp một bây giờ) trường Thế Dạ. Nhưng ba mẹ tôi vẫn cho tôi theo học lớp vỡ lòng của cô giáo Lan ở trường làng. Lớn lên tôi mới hiểu rằng ba mẹ muốn tôi tuổi nào bạn – trường lớp nấy. Té ra việc học của ấu thơ không phải chỉ là tập đọc, tập viết, tập tính. Không theo lớp vỡ lòng của cô giáo Lan, sau này tôi không thể nhận biết và thưởng thức trọn vẹn cái đẹp, cái hay của bản nhạc “Trường làng tôi” của Phạm Trọng Cầu, chắc cũng không say mê ca hát và sưu tầm nhiều nhạc phẩm như tôi làm, cũng không biết nhiều trò chơi, cũng không thuộc ca dao, hò, vè và nhất là không có bạn cùng trang lứa.

 

Cũng chính tại lớp vỡ lòng cô giáo Lan tôi đã có một người bạn thân đã chơi với tôi từ lớp vỡ lòng qua trường Thế Dạ, đến hết nửa năm đệ nhị mặc dù chúng tôi không chung lớp, chung trường. Bạn ấy có cái tên rất lạ: Lương thị Vu vơ. Tôi kết thân với Vu Vơ bởi cái tên lạ và cũng vì tính nết hồn nhiên trong sáng của Vu Vơ.

Nơi Vu Vơ ở cũng là một mái lá nhỏ nằm trên một mô đất đứng chơ vơ giữa đồng lúa cách lớp học cô giáo Lan vài trăm mét. Vu Vơ mồ côi mẹ, sống với cha, một nông dân vì chiến tranh phải bỏ quê làng đâu dưới Cầu Ngói Thanh Toàn, dắt díu đứa con gái duy nhất lên tạm cư ở bìa thôn Vỹ Dạ. Ông nuôi sống bản thân và con gái bằng nghề cày cuốc gặt hái thuê cho các chủ ruộng ở quanh nhà.

Tôi rất thích ngôi nhà cô quạnh giữa cánh đồng của Vu Vơ. Tan học, thỉnh thoảng tôi băng đồng ghé chơi nhà Vu Vơ, tại đây ba Vu Vơ hay để dành cho tôi những củ khoai nướng, ông cũng bày cho tôi nhiều bài hò vè mà đối với tôi là mới lạ.

Sau tết Mậu Thân tôi không còn gặp Vu Vơ nữa, nhưng hình ảnh Vu Vơ và mái lá giữa cánh đồng đọng mãi trong ký ức của tôi.

Những lúc nhớ nghĩ về Vu Vơ tôi nghĩ là cô đã bị nạn trong chiến tranh, cũng có khả năng Vu Vơ đã trở thành người của Mặt Trận. Áng chừng của tôi chỉ đúng một nửa. Mới đây qua người bạn cũ tôi biết Vu Vơ đang ở Sài Gòn.

 

Gặp lại nhau chúng tôi ôn chuyện cũ, cuộc hàn huyên sau hơn bốn mươi năm xa cách cung cấp cho tôi mấy thông tin về người bạn thân thiết thời thơ ấu. Người nông dân cha của Vu Vơ không phải vì chiến tranh mà chạy khỏi quê làng lên sống tạm bợ trên cánh đồng lúa ở bìa thôn Vỹ Dạ. Gia đình Vu Vơ là người của Mặt Trận. Mẹ cô đã hy sinh trong một trận càn của đối phương. Cha cô được lệnh lên Huế làm một trạm giao liên. Cái mái lá nhỏ bé ở bìa thôn Vỹ Dạ trước 1968 với hai cha con người nông dân hiền lành, chất phát kia chính là địa chỉ thông tin liên lạc ra vào thành phố Huế của kháng chiến. Tôi nhớ lại mấy câu trong bài vè nói ngược mà cha Vu Vơ đã đọc cho tôi nghe cái bếp tí xíu, trong túp lều nhỏ xíu của cha con ông.

Ve vẻ vè ve

Nghe vè nói ngược

Con chim mần tổ dưới nước

Con cá lội ngược trên cây

Thằng chết ve trâu đi cày

Thằng sống thì vày xuống lỗ…

 

Trường tiểu học Thế Dạ

 

Trường tiểu học Thế Dạ là trường dành cho học trò ở hai thôn Vỹ Dạ và Lại Thế. Tuy vậy có vài bạn ở xa tận Nam phổ, Ngọc Anh cũng theo học.

Tôi không biết trường được xây dựng vào năm nào nhưng vào những năm 1957 – 1961 trường được xây trên một khu đất cạnh bờ sông Hương, cách chợ Vỹ Dạ chừng 500m về hướng bắc, diện tích án chừng 500m2 (100m x 50m), gồm năm phòng học nối nhau thành một dãy. Hai lớp nhất và nhì có nền cao, xây tường đôi (tường 20 cm) lợp ngói. Đây là cơ sở đầu tiên lưu dấu từ thời thuộc địa. Ba lớp còn lại: lớp năm, lớp tư, lớp ba nền thấp hơn, tường mỏng hơn (10cm) và lợp tôn. Giữa hai dãy nhà cao thấp là phòng hiệu trưởng cũng là văn phòng nhà trường.

Chiếc trống to màu đỏ treo giữa hai dãy nhà cao thấp này. Trường có sân chơi phía trước rộng với cột cờ nằm chính giữa. Cổng trường xây xi măng có tấm biền ngang kẽ chữ trường tiểu học Thế Dạ. Hàng rào quanh trường là những bụi hóp xanh thẫm (loại trúc lá nhỏ, thân thẳng không cao quá 2m) được cắt tỉa thẳng thớm. Trong bờ rào hóp là những cây phượng và dương liễu tạo bóng mát cho sân trường. Sân sau nằm dọc theo bờ sông, có một lối nhỏ xuống bến nước.

Cạnh bờ sông trồng những cây thầu đâu thành một dãy dài. Mùa đông lá rụng, hoa tím nở rộ. Góc cuối phía sau trường, cạnh lớp năm là nhà của ông cai Trì. Đây là một cái chòi nhỏ, mái lợp tranh, vách phên tre nứa. Vào giờ ra chơi, chúng tôi thường xuống đây uống nước miễn phí, loại nước trong đun sôi để nguội chứa trong hai chiếc ấm nhôm lớn. Và cũng tại đây chúng tôi còn có thể ăn chè bột lọc bọc đậu phụng hoặc bọc dừa với vài hào mẹ cho (năm hào một chén nhỏ), hay ăn những miếng kẹo đậu phụng kẹp giữa hai miếng bánh tráng cắt hình tam giác.

Tôi vốn là một đứa con gái còi cọc, ốm yếu, do vậy mà ba mẹ quyết định cho tôi đi học trễ một năm. Khi nộp đơn vào trường tiểu học Thế Dạ, thầy hiểu trưởng xem hồ sơ của tôi và nói với mẹ tôi rằng:

“Bà cho cháu đi học chậm một năm, để tôi xem lại sức học của cháu, nếu có thể được, tôi cho cháu vào thẳng lớp tư thay vì mất một năm ở lớp năm”.

Thế là tôi được thầy hiệu trưởng khảo sát và cho vào học lớp tư. Tôi không thể nào quên được cái cảm giác sung sướng và hãnh diện khi được thầy hiệu trưởng Hoàng Chương cầm tay bảo:

– “Gắng học để theo kịp các bạn”.

Được vào thẳng lớp tư tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì được học vượt lớp. Buồn vì phải xa các bạn ở lớp vỡ lòng. Đặc biệt là không được ngồi cùng lớp với Lương thị Vu Vơ.

 

Như thế là tôi chỉ học ở trường tiểu học Thế Dạ có 4 năm. Năm nào cũng là học sinh giỏi nhất nhì lớp. Hằng năm đến ngày bế giảng tôi vui sướng ôm gói phần thưởng bọc giấy gương đỏ bóng tự hào đi từ trường về nhà trên con đường làng rợp bóng cây xanh. Gió lá xôn xao như cùng chia sẻ niềm vui với tôi.

 

Nhớ ơn thầy hiệu trưởng Hoàng Chương, hằng năm gần đến ngày Tết, mẹ và tôi đến thăm thầy. Quà của chúng tôi biếu thầy là hai gói trà Tam Hỷ và một nải chuối lấy từ một buồng chuối to và đẹp nhất của vườn nhà. Thầy Hoàng Chương ở gần chùa Ba La Mật, vườn trồng nhiều hoa huệ trắng. Thầy nói với me tôi: “Ở gần chùa, chúng tôi trồng huệ trắng để dâng cúng Phật”. Năm tôi lên lớp nhì, được tin thầy Hoàng Chương ngã bệnh do cánh tay bị nhiễm trùng nặng trong lúc làm vườn. Mẹ và tôi đến thăm. Chẳng bao lâu sau thầy qua đời, chúng tôi đi đưa tang thầy trong một buổi sáng trời mưa lạnh. Chúng tôi bồi hồi xúc đông. Thầy Hoàng Chương mất đi để lại trong tâm trí non dại của tôi hình ảnh của một vị thầy đáng kính. Mẹ tôi bảo:

– “Thầy Hoàng Chương là người làng Mỹ Lợi, là cháu kêu bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) bằng cô ruột. Làng Mỹ Lợi ở phía đông nam cách thành phố Huế 40km nổi tiếng cau trầu và cam quít.

 

Bốn năm học trường tiểu học Thế Dạ là khoảng thời gian vui sướng nhất của đời tôi. Quanh tôi từ gia đình đến học đường đầy ắp tình yêu thương của ba mẹ, thầy cô giáo và bạn học.

Tôi học lớp tư với cô Bổn, lớp ba với cô Hoa, lớp nhì với cô Liên, lớp nhất với cô Tuyết Ba.

Cô Bổn dạy lớp tư (lớp hai bây giờ) của tôi đã lớn tuổi, hiền lành và hơi kiểu cách. Cô có thói quen chen một vài từ tiếng Tây trong giờ dạy hay lúc giao tiếp với học trò. Ngoài ra ký ức tôi không có một ấn tượng nào sâu sắc về cô. Có thể cô dạy không hay, có thể vì cô mệt mỏi do tuổi già sức yếu, có thể vì tôi chưa có đủ khả năng để quan sát, khám phá những tinh hoa đang chìm dần trong bản thể một phụ nữ bước vào tuổi xế chiều.

Tôi học giỏi đều các môn ngay từ tháng đầu tiên của năm lớp tư. Nhưng đến năm lớp ba, rồi lớp nhì, lớp nhất tôi mới thấy mình ngày một thích các môn Việt văn, Việt sử, Địa lý và Đức dục. Các cô Hoa, Liên, Tuyết Ba đều là những giáo viên rất giỏi. Các cô giảng bài hay, dễ hiểu, dễ nhớ. Các cô biết cách làm cho lớp học vui tươi và sinh động. Đặc biệt những giờ tập đọc, học thuộc lòng, chính tả, làm văn, Việt sử, địa lý.

Giờ tập làm văn các cô tập cho chúng tôi viết một đoạn văn nhỏ (lớp ba), làm những bài luận mô tả con người, cảnh vật (lớp nhì). Đến năm lớp nhất chúng tôi được dạy làm văn tự thuật, nhân cách hóa các đồ vật, con vật, cách viết thư và làm văn nghị luận, bình giải các câu ca dao, tục ngữ. Trong tất cả các buổi tập làm văn, các cô thường đọc các đoạn, các bài văn mẫu đã được chọn trước ở nhà.

Để gây hứng thú cho môn Việt văn, việc đầu tiên các cô làm một cách chăm chú và trang trọng là đọc. Từ bài tập đọc, bài chính tả, bài học thuộc lòng đến các đoạn văn, bài văn mẫu các cô đều chú ý đọc diễn cảm. Chính giọng đọc diễn cảm của các cô là yếu tố đầu tiên khiến chúng tôi thích thú say mê môn học.

Năm lớp nhì với chất giọng Bắc nhẹ nhàng cô Liên đọc rất diễn cảm kể cả những lúc viết chính tả: “Bà cụ Bèo khệ nệ bưng nồi cám lên, kê trên mảnh ván săng quây chuồng lợn, bà vừa đi vừa lẩm bẩm...”

Hoặc năm lớp nhất cô Tuyết Ba đọc bài đọc thêm:

 

“Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng cu bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Con bò vàng ngộ nghỉnh đuổi theo sau…

 

Viết đến đây tôi lại nhớ đến cô bạn có khuôn mặt bầu bĩnh trắng hồng, Nguyễn Khoa Diệu Huyền. Cái ngày tôi cùng các bạn lớp nhì được cô giáo Liên dẫn đi tham quan triển lãm tại ty giáo dục, Diệu Huyền hỉnh mũi rất to khi thấy bài tập làm văn của mình được trưng bày trong khung kính. (Sau này Diệu Huyên trở thành giáo viên văn của trường Đồng Khánh). Huyền cũng có giọng đọc truyền cảm và hát hay.

Ngoài những bài chính thức in sẵn trong sách giáo khoa, các cô còn sưu tầm, chọn lựa những bài văn, những mẫu chuyện thích hợp, gần gũi với chương trình và cũng đọc diễn cảm, cũng kể hấp dẫn lôi cuốn. Tất cả đối với chúng tôi đều mới lạ. Chúng tôi đã lắng nghe một cách chăm chú và thích thú. Cô Tuyết Ba còn đọc và kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện về các nhà khoa học như Marie Curie, Edison, Galilé, Archimètre khi cô dạy môn khoa học thường thức.

 

Từ những câu chuyện trong Quốc văn giáo khoa thư, Tâm hồn cao thượng, đến những câu chuyện lấy từ chính sử, cận sử, bên lề lịch sử không khiên cưỡng thúc ép, các cô đã giúp chúng tôi tiếp cận môn Đức dục và Lịch sử một cách tự nhiên và dễ dàng. Chúng tôi đã say mê môn lịch sử qua những mẫu chuyện kể sự tích các anh hùng, liệt nữ, các chiến công, các sự nghiệp to lớn, các con người có tư cách đáng trân trọng.

Câu chuyện cậu bé thành Pa Đô Va do cô Hoa kể năm lớp ba, sau khi đọc, cô hỏi chúng tôi: “Các em thấy gì qua câu chuyện này?” Đương nhiên lúc bấy giờ chúng tôi chưa đủ từ để diễn tả cảm nhận của mình. Đứa thì nói thế này, đứa thì nói thế nọ. Cuối cùng cô Hoa đã làm sáng tỏ giúp chúng tôi: Như các em đã nhận biết là cậu bé thành Pa Đô Va đã cho các ông khách giàu sang kiêu ngạo kia biết thế nào là lòng tự hào dân tộc (ở đây là dân thành Pa Đô Va), lòng tự trọng của một cá nhân (ở đây là cậu bé) khi vứt vào mặt những tên nhà giàu khinh người kia mấy đồng xu bố thí.

Qua những bài giảng, những chuyện kể, các cô giáo từng bước một giúp chúng tôi phân biệt được cái đúng cái sai, cái tốt cái xấu, cái nên làm, cái nên tránh không phải do áp lực từ bên ngoài mà do sự tự nhận biết lần hồi từ chính cá nhân mình. Biết xấu hổ khi làm điều gì sai trái, biết giữ lời hứa, biết thương yêu chia sẻ với những ai khó khăn hoạn nạn, biết hiếu để với cha mẹ, thương yêu nhìn nhượng anh em, biết tôn trọng kẻ khác, tôn trọng của công, tôn trọng bảo vệ khung cảnh sống (cụ thể trường lớp, đường phố, công viên, rạp hát...), biết tự hào dân tộc và biết thể hiện lòng yêu nước trong thái bình cũng như trong công việc bảo vệ nền độc lập.

Sau này lớn lên, bản thân tôi ngày một sáng tỏ phương pháp và mục đích giảng dạy của các cô là muốn học sinh biết để thực hành nhiều hơn là thuộc bài. Sau những giờ học lịch sử, chúng tôi tôn vinh ngưỡng mộ những anh hùng liệt nữ, những vua quan làm nên những sự nghiệp to lớn như Hai bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Huyền Trân công chúa, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung đồng thời chúng tôi cũng căm ghét Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, những kẻ bán nước hại dân.

 

Lúc nghe những bài đọc thêm, những câu chuyện kể ngoài chương trình, chúng tôi cảm thấy mình đứng đâu đó bên cửa sổ Hội Nghị Diên Hồng, mình là đội viên trong đội quân thiếu niên đứng dưới lá cờ có thêu sáu chữ: “Phá Cường Địch – Báo Hoàng Ân” của Trần Quốc Toản, sau khi nghe đâu đó câu chuyện “bóp nát quả cam” của người thiếu niên anh hùng, mình là cung nữ theo hầu công chúa Huyền Trân lên đường vào Chiêm Thành để đổi lấy hai châu Ô và Rí.

Qua những câu chuyện kể của cô Hoa, cô Liên, cô Tuyết Ba suốt ba niên khóa, đến thời điểm này tôi còn nhớ câu chuyên lý thú những chiếc lá trôi từ nguồn với bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Chuyện Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt giữa đường. Chuyện Trần Bình Trọng đối đáp với quân xâm lược phương Bắc: – “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Chuyện Nguyễn Trãi nghe lời cha là Nguyễn Phi Khanh trở về lo việc báo thù nhà trả nợ nước. Chuyện Đặng Dung mài gươm dưới trăng: “Thù nước chưa xong đầu đã bạc – Gươm mài vầng nguyệt đã bao ngày”. Chuyện công chúa Ngọc Hân kết hôn cùng người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung. Chuyện Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử sau khi phải ký hòa ước bất lợi cho triều đình, di hại cho đất nước. Chuyện Nguyễn Tri Phương nhịn đói chịu đau đến chết. Chuyện Hoàng Diệu treo cổ tự tử vì không giữ được thành Hà Nội. Chuyện vua Hàm Nghi 13 tuổi theo Tôn Thất Thuyết bỏ kinh thành ra Tân Sở xây căn cứ kháng chiến – phát hịch Cần Vương. Chuyện vua Duy Tân 16 tuổi cùng với Thái Phiên, Trần cao Vân mưu đồ khởi nghĩa...

Ngoài việc giảng dạy những bài học chính trong chương trình, đọc và giải thích các bài đọc thêm, kể những câu chuyện lịch sử bên lề, các cô giáo còn hướng dẫn chúng tôi tập diễn các vở hoạt cảnh lịch sử.

 

Năm lớp ba cô Hoa, năm lớp nhì cô Liên hướng dẫn chúng tôi tập luyện và trình diễn hai hoạt cảnh: Đinh Bộ Lĩnh cờ lau dẹp loạn mười hai sứ quân và Hội Nghị Diên Hồng. Hai cô còn dạy chúng tôi múa hát những bài ca quê hương, đất nước. Các hoạt cảnh và các tiết mục văn nghệ múa hát được trình diễn trước các thầy cô, phụ huynh và học sinh toàn trường trong lễ phát phần thưởng kết thúc năm học.

Các cô Hoa, Liên đã bỏ công sức rất nhiều và học trò chúng tôi rất hào hứng trong quá trình tập luyện, dàn dựng và trình diễn hai hoạt cảnh lịch sử ấy.

Về môn Việt sử các cô giáo đã dạy hay, dạy giỏi như vậy và chúng tôi đã chăm chú một cách thích thú trong tất cả các giờ học Việt sử chính và phụ, nhưng kết quả cũng chỉ đọng lại trong ký ức chúng tôi khi rời trường tiểu học Thế Dạ là những “sự tích” chứ chưa phải là “kiến thức” về những sự kiện trong một toàn cảnh hữu cơ của lịch sử Việt Nam. Kết thúc chương trình tiểu học về môn Việt sử chúng tôi được biết rằng: Nước Việt Nam chúng tôi đang sống đã trải qua một thời gian rất dài (hàng ngàn năm), tổ tiên chúng ta phải chiến đấu rất gian khổ và anh hùng để chống đuổi những kẻ từ bên ngoài (xâm lược) để giành lại cuộc sống yên ổn cho đồng bào trong đó có bản thân từng người, gia đình, bạn bè, xóm giềng, thôn làng, tỉnh thành, và cuối cùng là đất nước. Cuộc chiến đấu đó lâu dài, khốc liệt, gian khổ đòi hỏi sự hy sinh quên mình, tài thao lược và ý chí kiên cường của những anh hùng hào kiệt và sự đồng lòng nhất trí, đoàn kết của toàn dân. Trong những thời loạn nước –  dân lâm nguy khốn đốn ấy đã để lại những gương xấu của một số kẻ hèn nhát, ích kỷ cam tâm làm tay sai cho quân cướp nước. Chúng tôi dù là học trò lớp ba, lớp nhì cũng đã có những tình cảm sôi nổi, mãnh liệt, ngưỡng mộ, tôn kính những anh hùng liệt nữ và căm giận khinh bỉ những tên cõng rắn cắn gà nhà cho dù hắn là vua quan hay dân thường. Nhận thức và tình cảm quốc gia dân tộc của chúng tôi thể hiện rất rõ qua việc tranh nhau đóng các vai “chính”, giẫy nẩy từ chối đùn đẩy các vai “tà” trong hai hoạt cảnh tôi đã nói ở trên. Cho dù là học sinh lớp ba, lớp nhì chúng tôi cũng đã nhận diện và gọi đúng tên kẻ thù hàng ngàn năm trước là quân Hán, quân Nguyên, quân Mông cổ, quân Tống, quân Thanh... nói chung là quân Tàu ở phương Bắc, và quân Pháp đến từ phương Tây gần trăm năm trở lại.

Ba cô Hoa, Liên, Tuyết Ba đều để lại trong ký ức chúng tôi những kỷ niệm kính yêu và lòng biết ơn sâu sắc mãi cho đến thời điểm này.

Riêng cô Liên, ngoài công ơn dạy dỗ ở trường, chúng tôi còn học được một bài học vô giá tại nhà cô.

Cô Liên người cân đối, da trắng hồng, nét mặt thanh tú, rất đẹp. Cô người gốc Bắc, giọng nói ngọt ngào thánh thót không những làm say mê chúng tôi ở trường mà còn thu hút chúng tôi về thăm cô ở nhà trong những ngày nghỉ (lúc bây giờ cô ở đường Nguyễn thị Giang). Cô có chồng là giáo sư dạy trường Nguyễn Tri Phương. Lần đầu tiên đến nhà cô, gặp thầy, chúng tôi hết nhìn người này đến ngắm người kia. Mới nhìn bên ngoài thì đây là một cặp không cân xứng. Cô thì rất đẹp còn thầy thì trái lại. Chúng tôi thầm so sánh thầy cô với: “Trương Chi – Mỵ Nương”. Nhưng qua cách đối xử của thầy cô với nhau, đặc biệt qua giới thiệu của cô về thầy, chúng tôi nhận ra rằng họ rất tương kính và hạnh phúc trong một mái ấm gia đình. Họ rất quí trọng và thương yêu nhau. Cô rất hãnh diện về người chồng của mình. Thầy là Nguyễn Viết Tường soạn giả của bốn cuốn sách toán giáo khoa của chương trình trung học đệ nhất cấp. Cô đã đem cả bốn cuốn sách lần lượt ra khoe với chúng tôi. Khi thì cuốn này, khi thì cuốn kia. Đó là những cuốn sách thầy mới đem về từ nhà in.

Cô Liên, cô giáo lớp nhì vô cùng kính mến của tôi, mãi cho đến lúc này tôi không biết cô họ gì, chỉ biết một cái tên đơn điệu nhưng đẹp như một bông sen đẹp nhất, thanh khiết nhất. Cái bông sen đẹp và thanh khiết ấy đã dạy cho tôi một bài học còn đẹp và cao cả hơn: Không nên đánh giá con người một cách hời hợt bởi sắc diện bên ngoài. cái đẹp cao quý và bền vững vẫn là cái đẹp phát tiết từ trí tuệ và tâm hồn.

Cô Liên và các bạn học lớp nhì niên khóa 1960 – 1961 tại trường Thế Dạ

Một tiết mục văn nghệ cuối năm lớp nhì (lớp 4):Từ trái qua phải: Kim Trúc, Mỹ Châu, Kim Thoa, Châu Hằng

 

Một tiết mục văn nghệ cuối năm lớp nhì (lớp 4):Từ trái qua phải: Kim Trúc, Mỹ Châu, Kim Thoa…

 

         Một chuyện liên quan đến sách vở không thể không nhớ vì nó là niềm hãnh diện, tự hào của một đứa bé đã từng là học trò của trường tiểu học Thế Dạ, nơi có thầy hiệu trưởng Hoàng Chương và các thầy Tạ Thúc Thọ, Tôn Thất Lôi, Nguyễn Cáng là đồng soạn giả các cuốn sách Địa Lý giáo khoa dành cho bậc tiểu học.

 

Gia đình trong thời gian học tiểu học

 

Ở nhà, ba mẹ thấy sức khỏe tôi kém nên chẳng thúc ép gì về việc học, chỉ nhắc qua quít về việc giữ gìn sách vở và sắm sửa đầy đủ các dụng cụ học trò. Ba mẹ tôi đặc biệt lưu ý tôi về tóc tai, áo quần và vệ sinh cá nhân khi tôi đến trường.

Tình trạng còi cọp, ốm yếu của tôi giảm dần trong năm tôi học lớp tư. Đến năm lớp ba sức khỏe tôi trở nên bình thường mặc dù chiều cao không được cải thiện bao nhiêu. Tôi là đứa thuộc loại thấp so với bạn bè cùng tuổi. Tuy vậy tôi có thể chơi đùa chạy nhảy và tham dự hầu hết các trò chơi với bạn bè. Tôi trở nên hiếu động và tự tín bắt đầu từ lớp ba. Tôi có năng khiếu toán và khoa học thường thức nên không phải bỏ nhiều công sức cũng có điểm cao các môn học này. Các môn Việt văn, Việt sử, Địa lý và Đức dục nhờ các cô dạy hay, dạy giỏi giúp tôi trở nên thích thú, chăm chú nghe giảng bài và tự tín trả lời các câu hỏi của cô giáo cũng như nêu ý kiến riêng, nên kết quả cũng không đến nỗi nào. Do vậy việc học của tôi ở trường cũng như ở nhà đều giống như chơi.

Thời gian ở nhà (ngày chủ nhật, ngày lễ và ba tháng hè) ngoài những giờ chơi đùa với anh chị em, tôi thích đọc sách và ra vườn cùng với ông cậu Mới hoặc với ba tôi. Sách tôi đọc là loại sách Hồng dành cho thiếu nhi do ba me và các anh chị mua cho hoặc tôi tự động mua khi có tiền quà và có dịp ra phố.

Tôi đọc khá nhanh nên bao giờ cũng thiếu sách. Mỗi lần có sách là tôi đọc cái vèo, một cuốn, hai cuốn, ba cuốn...

Cuốn sách đầu tiên trong đời tôi được tặng là cuốn “Tập đọc vui”.  Một ngày ba tôi từ Hội An về đã mua cho tôi khi tôi bắt đầu tập đánh vần xuôi, vần ngược. Tôi mân mê cuốn sách, đánh vần từng chữ cho đến khi đọc được thành thạo. Những câu chuyện ngắn như: “Bát canh hẹ của mẹ” kể chuyện một người ở trong tù ngồi nhớ đến vị thơm ngon của bát canh hẹ do mẹ nấu… “Chiếc áo lót mình của người sung sướng” kể chuyện một người nghèo nhưng lúc nào cũng cảm thấy sung sướng khi mặc chiếc áo lót do mẹ may… “Cô Êch đi dự hội” kể chuyện một con ếch trong vườn đi dự hội, cô nàng lấy trái ớt làm đôi hài, lấy chiếc lá tía tô làm dù…

Những bài văn vần như:

“Chiều qua thằng nhỏ xin ra

Sáng nay em phải ở nhà thổi cơm

Nồi đồng đổ gạo tám thơm

Tính em háu đói chất rơm bốn bề

Nào ngờ quá lửa thành khê

Mẹ em nhiếc mãi thật ê cả người

Em xin các bạn đừng cười

Xưa nay em vẫn vốn lười nấu ăn.

                             

Và:                       

“Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đánh ngay Tô Định dẹp yên biên thùy

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh nam riêng một triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là bá phục hai là bá vương. 

… Rất nhiều, rất nhiều chuyện tôi đánh vần từng chữ rồi đọc cả bài. Dưới hiên nhà, nơi chiếc xích đu, tôi và quyển Tập Đọc Vui là bạn.

Những cuốn sách của thời tiểu học tiếp theo là những sách Hồng của nhóm Tự Lực văn đoàn do mẹ và chị tôi chọn mua cho: Bông cúc huyền, Con cóc tía, Ông Đồ Bể, Thầy Đội Nhất, Cái ấm đất, Cây tre trăm đốt,  Ai mua hành tôi…

Cuối năm lớp nhì, anh Bửu Hàm, bạn học Y khoa của anh trai tôi, đem đến cho tôi cuốn “Khoa học thường thức” do ba anh là ông Ưng Luận biên soạn. Tôi say mê đọc trong ba tháng hè. Tôi bắt đầu tìm hiểu về “nguyên tắc bình thông nhau”, “phản xạ có điều kiện của Paplop”, “Lực đòn bẩy”…  Từ đấy một khái niệm mới về khoa học được hình thành trong tôi. Đến lớp nhất cô Tuyết Ba giảng bài đến đâu tôi thuộc đến đấy.

Thời thơ ấu của tôi còn gắn liền với quyển tự điển Larousse (tập I và tập II) dày cộm. Ba mẹ tôi và ông cậu Mới là những người chỉ dẫn và giảng cho tôi. Đặc biệt là me tôi. Những lúc tôi nũng nịu, giận lẫy, bà hay đem quyển tự điển ra dỗ dành. Bà lật những trang có hình ảnh và chỉ cho tôi đây là con cá thu, cá nước mặn ở biển, đây là con lương ở ao đầm. Đây là cây nấm ăn được, đây là cây nấm độc và đây là những con bướm, con chuồn chuồn miền nhiệt đới. Những hình ảnh bướm hoa chim cá đó theo tôi cho đến những ngày khôn lớn, tôi thu gom lại qua bộ sưu tập tem hoa bướm, cá chim của mình.

 

Ngoài hai tập tự điển Larousse, cuốn Thơ ngụ ngôn của La Fontaine do Nguyễn văn Vĩnh dịch với những tiết mục kịch do mẹ tôi làm “đạo diễn” vẫn còn lưu dấu trong tôi. Bà chọn một trong các bài thơ ngụ ngôn, phân vai và chúng tôi đọc thơ làm lời thoại. Tôi còn nhớ có lần bà phân vai tôi làm con chuột nhắt, anh kế tôi làm con gà trống, chị kế tôi làm con mèo, khán giả là đứa em kế tôi. Như thế là vở con gà trống, con mèo và con chuột nhắt được thực hiện với năm me con tôi.

“Chuột nhắc xưa nay quanh xó bếp

Ra khỏi nhà bỡ ngỡ một phen

Về khoe với mẹ huyên thuyên

Con qua rặng núi đến miền biên cường

Con chạy nhặn khác nhường chuột lớn

Đi dong chơi hung tợn khắp đường

Nơi kia con gặp hai chàng:

Một chàng phúc hậu đường đường khôi ngô

Chàng kia thì tiếng to mà dữ

Bộ hung hăng nghiêng ngửa mặt mày

Trên đầu cục thịt đỏ gay

Hai tay vùng vẫy như dang lên trời

         …  

Rồi vở: Con ve và cái kiến:

“Ve sầu kêu ve ve

Suốt cả mùa hè

Đến kỳ gió bấc thổi

Nguồn cơn thật bối rối

Một miếng cũng chẳng còn

Ruồi bọ không một con

Vác miệng chịu khúm núm

Sang chị kiến hàng xóm

Xin cùng chị cho vay

Dăm ba hạt qua ngày

Chị ba tôi làm con ve múa hát thật hay, tôi làm con kiến bò lui bò tới đọc lẩm bẩm mấy câu thơ. Bây giờ nhớ lại tôi thấy nhớ mẹ với những dòng nước mắt.

 

Thời gian này, chị em chúng tôi còn được ba mẹ cho tập chép để luyện chữ viết. Mẹ tôi mua ngòi bút lá tre, giấy thấm, hòa và lọc mực tím. Mỗi sáng chủ nhật chúng tôi ngồi vào bàn chép một bài thơ, một đoạn Kiều hay Chinh phụ ngâm. Nếu là ba ra bài thì là thơ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát hay Kiều. Nếu mẹ ra bài thì là thơ Bà Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh hay Chinh phụ ngâm. Chép xong là học thuộc lòng, cứ thế mà học dù chẳng hiểu gì. Ba me tôi bảo cứ học thuộc đi có lúc sẽ hiểu.

Và rồi những câu thơ:

“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc

Nợ tang bồng vay trả trả vay

Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt

Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên

Có giang sơn thì sĩ đã có tên…

 

Chiều trời bảng lảng bóng hoang hôn

Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn…

Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt

Khói cam tuyền mờ mịt thức mây

Chín tầng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch định này xuất chinh…

 

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya…

 

Chúng tôi học thuộc lòng, đọc vanh vách. Ngay cả những lúc chị em chơi với nhau như nhảy lò cò, nhảy dây, cũng đọc vang cả nhà, bạn bè ba tôi đến ai cũng khen, thế là chúng tôi càng hỉnh mũi và càng thi nhau học thuộc dù chẳng hiểu gì. Có một điều sau này khi lớn lên tôi mới nhận ra lời ba mẹ tôi nói là đúng: “cứ học thuộc, có lúc sẽ hiểu và sẽ cần”. Quả là như vậy, những câu thơ nằm đâu đó trong đầu óc, và khi cần tự nó sẽ ló ra và cũng tự nó đặt ra cho tôi bao nhiêu điều suy gẫm.

 

Vỹ Dạ, người thầy khai tâm, ngôi trường làng đơn sơ, trường tiểu học, cha mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè, những bài học, những cuốn sách, những buổi văn nghệ, những giờ ra chơi, tất cả đã un đúc trong tôi để rồi: “không giây phút tôi quên, dù cách xa muôn trùng trường ơi!”