Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

Đám tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 Hồi ký Nguyễn Như Mây


Gần trưa ngày 1 tháng tư năm 2001, nhạc sĩ Từ Huy gọi từ Sài Gòn báo tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã qua đời. Nửa tin nửa ngờ vì đó là ngày “Cá tháng Tư” nhưng tôi vẫn đổ đầy bình xăng để chạy vào Sài Gòn (200 km) ngay với hành trang lúc nào cũng gọn nhẹ: một bộ áo quần để thay và vật dụng cá nhân cho mọi chuyến đi... Khoảng 3 giờ chiều hôm ấy tôi về tới nhà anh Trịnh Công Sơn, 47 C đường Phạm Ngọc Thạch, thì lúc bấy giờ lễ Thành phục đã xong. Công ty nước ngọt Pepsi cử nhiều nhân viên mặc đồng phục tới phục vụ nước uống miễn phí cho khách. Họ còn giữ xe miễn phí cho khách dọc hai bên đường và đầy kín trong sân các biệt thự gần đó suốt ngày đêm. Có vài người từ Nhà Bè qua rồi tự giăng giây giữ xe hai bánh ngay trên hai lề đường để kiếm tiền. Con đường ấy xưa giờ vốn khá đẹp và yên lặng nhưng hôm nay đã trở nên náo nhiệt và tấp nập người và xe vì đang có đám tang. Ở hai ngã tư đầu đường, người ta bắc hai băng ghế dài của trường học chận ngang đường để cản xe hơi vào.

Trưởng và phó ban lễ tang là hai nhạc sĩ Tôn Thất Lập và Trần Long Ẩn vốn là bạn thân của anh Sơn. Nhạc hoà tấu Trịnh Công Sơn được phát ra loa nhè nhẹ trong suốt lễ tang thay cho sự tụng niệm của nhà chùa. Rất nhiều vòng hoa của các vị chức sắc cao cấp được treo quanh quan tài đặt giữa nhà vốn là phòng khách của anh Sơn bên cạnh các vòng hoa tang của các ca sĩ Khánh Ly và Hồng Nhung được người thân thay mặt đem tới. Nơi đây, tôi đã từng được chiêm ngưỡng những bức tranh sơn dầu do anh Sơn sáng tác như: Người hát rong, Bóng Thơ, Tự hoạ... vào những lần ghé thăm anh (anh Sơn hơn tôi đúng 10 tuổi)... Đặt bên cạnh quan tài là tượng Trịnh Công Sơn do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng sáng tác... Mùi hương của hằng trăm thứ hoa toả ra thơm ngát suốt ngày đêm. Càng về chiều tối càng có nhiều đoàn khách đến thắp nhang với không biết bao nhiêu là những vòng hoa đẹp. Đã thấy có lác đác các vòng hoa của những địa phương xa Sài Gòn từ vài trăm cây số ở tận miền Tây và miền Trung. Rất nhiều các tổ chức, đoàn thể nhà nước lẫn của tư nhân lặng lẽ xếp hàng để nối đuôi nhau đi thành hàng dài từ đầu hẻm vào. Có nhiều đoàn khách viếng là nữ còn trẻ gồm hơn 20 người nhưng đều đã thấy rưng rưng nước mắt... Tất cả họ đều phải đăng ký trước để ban tổ chức sắp xếp rồi trịnh trọng gọi ra loa để mời vào thắp nhang...

Chưa bao giờ tôi thấy một đám tang nào lớn và đông đảo quần chúng tự nguyện của cả nước đẹp và trang trọng đến như vậy. Đám còn gần như “vét sạch” hết hoa của Sài Gòn trong suốt hai ngày hai đêm ấy. Bạn tôi bán hoa ở chợ Bến Thành kể: Mỗi khi có đoàn nào tới mua hoa thì người bán đều hỏi: “Mua hoa cho đám tang Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải không?”. Họ còn gọi điện lên cho Đà Lạt chở gấp hoa về vì Sài Gòn không đủ hoa để bán cho đám tang!

Ban đầu, hàng trăm vòng hoa tang được dựng sát hai bên vách dọc con hẻm nhà anh Sơn. Sau, người nhà phải giăng nhiều lớp giây thép để treo nhưng vẫn không còn một chỗ trống. Cuối cùng, họ buộc phải xếp các vòng hoa chồng lên nhau ra tới tận đầu con hẻm...

Ngoài nhiều đoàn chức sắc, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo cũng như khá đông kiều bào ở nước ngoài mới về, còn có đông đảo những đoàn khách phương xa trong nước bao xe hoặc đi xe lửa, máy bay từ Hà Nội vào vừa đến nơi ngay lúc nửa đêm. Vài đoàn nữ sinh với áo dài trắng đã vịn vai nhau khóc thút thít trước linh cữu nhạc sĩ. Họ yêu nhạc Trịnh. Và nhạc Trịnh đã hoà vào với máu thịt của họ mấy chục năm qua rồi... Không ai bảo ai trong việc giữ gìn sự yên lặng cho giấc ngủ của người quá cố, đến nỗi khi có tiếng khóc nào đó bỗng vang lên trong đám tang là mọi người như muốn sự yên lặng của thinh không được kéo dài ra mãi trong đêm tối. Nhiều đám công nhân ngành điện, nước hoặc rất nhiều chị tiểu thương bán ở các chợ gần đó dù đã khuya cũng tranh thủ tới thắp nhang. Nhưng vì lượng khách đến từ lúc đầu hôm đông quá nên tất cả họ đều vui lòng xếp hàng một ngay ngắn để vừa bước tới cắm cây nhang xong là phải vội ra cho người sau lên thế chỗ! Có bác xích lô vừa bỏ khách xong liền chạy về nhà chở cả gia đình vợ con mình đến thắp nhang cho nhạc sĩ. Khá nhiều vị khách tranh thủ chụp lại hình nhạc sĩ dựng ngay trước đầu áo quan sau khi đã thắp nhang. Tuy lúc ấy thời gian có kéo dài thêm vài giây đối với người đứng sau đang chờ được bước lên nhưng tất cả họ đều vui vẻ nhường nhau giây phút thiêng liêng ấy. Tất cả họ đều ít nhiều thuộc lòng những bản tình ca của nhạc sĩ với tất cả tâm hồn yêu mê âm nhạc của mình... Ngay từ năm 1967, nhạc Trịnh với tiếng hát Khánh Ly, Lệ Thu... đã gây bao xôn xao, lôi cuốn như triều dâng thác đổ giữa đất Sài Gòn. Cả miền Nam cũng đều rung động theo nhịp hát “phản chiến” của dòng nhạc Trịnh Công Sơn... Nhạc của anh đã lôi cuốn bọn thanh niên chúng tôi từng ngày từng giờ nên đi bất cứ đâu người ta cũng hát hay cũng nghe vang vọng những Ca khúc Da vàng... Tất cả các quán cà phê và hầu hết các phòng trà của cả miền Nam lúc bấy giờ đều nghe cất lên lời ca nồng cháy và tha thiết của nhạc Trịnh Công Sơn... Tôi đã ghi trong sổ tang một bài thơ viết tại chỗ để bày tỏ lòng quí mến của mình đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà nay tôi chỉ còn nhớ hai câu:

... Chào anh! Một Trịnh Công Sơn

Từ thiên cổ đến để buồn – rồi đi!..

Sáng hôm sau là ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính thức xa lìa cõi nhân gian, xa lìa chúng ta để về với cõi vĩnh hằng... Những người bạn thân của anh Sơn ở Huế như các anh Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Xuân Hoa, Trịnh Cung, Cao Hữu Điền... vừa kịp đi máy bay vào thắp nhang bái biệt anh...

Anh Sơn đã từng dặn trước về đám tang của mình nên tổ chức giản tiện và tránh sự cản trở giao thông chung. Nhưng người yêu mến anh đông quá nên đã “lấp kín” hết con đường ấy từ sáng sớm. Ngay cả Đài truyền hình NHK của Nhật hay giới phóng viên các hãng tin nước ngoài như AP, AFP, Reuter, CNN... cũng sôi nổi đưa tin với các trạm thu hình và phát sóng đi khắp thế giới được gấp rút dựng lên từ nửa đêm trước ở bên kia đường đối diện con hẻm vào nhà anh Sơn.

Một chiếc xe 12 chỗ sơn màu đen được dùng làm xe tang. Nhiều nữ sinh các trường lớn của Sài Gòn rủ nhau thức đêm để kết nên những vòng hoa sứ trắng quấn quanh mái xe. Khi di quan, có hai người đàn ông mặc áo cánh vàng, chân quấn xà cạp màu đỏ nhưng lại đi chân không, đầu đội nón lá sơn hai vòng tròn màu vàng và đỏ đóng vai lính Nam triều ngày xưa cầm hai cái lọng đi ngay sau quan tài. Sau cùng là nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn độc tấu saxo hai ca khúc Cát bụiMột cõi đi về...

Khi xe tang ra tới đường, cả ngàn người đi xe gắn máy kéo thành dòng tràn theo sau bắt đầu lăn bánh hướng về nghĩa trang Gò Dưa. Lúc này, vẫn còn nhiều tổ chức hay các cá nhân mang vòng hoa tới phúng điếu nhưng vì đám đã đi nên tất cả những vòng hoa tang ấy đều được gom lại để rồi sau đó chất lên các xe rác chờ sẵn bên đường... Rất nhiều bạn bè văn nghệ của anh Sơn ở khắp nơi trong nước nghe tin nhưng đã về không kịp thắp nhang nên đành đứng hai bên đường chờ được tiễn đưa anh một bước đường trần trong sự bùi ngùi thương tiếc... Cùng lúc, ban lễ tang đã thuê nhiều xe khách 50 chỗ đậu sẵn hai bên đường để chở hết số người đi đưa đám vì đường về nơi anh Sơn yên nghỉ là nghĩa trang Gò Dưa khá xa...

Trước ngày anh Sơn ra đi một thời gian, tôi đang lang thang ở Huế. Qua giới thiệu của bạn bè văn nghệ Huế rằng tôi đã chạy xe gắn máy từ Phan Thiết ra Huế (900 km) để thăm Huế và nhân dịp sẽ ghé thăm nhà anh Trịnh Công Sơn của Huế; chị Trịnh Thị Mai – là chị của anh Sơn – chiêu đãi món cơm hến ngay tại Văn phòng Hội Văn nghệ, số 26 đường Lê Lợi. Chị còn mua hai nón lá bài thơ gửi về tặng vợ tôi nữa! Đêm đó, nhà thơ Võ Quê và nghệ sĩ Thanh Tâm là những người bạn thân của tôi trong Câu lạc bộ Ca Huế đã đưa tôi lang thang khắp Huế. Tôi như một người con thân yêu của Huế sau bao năm mới về lại, đã viết tặng các bạn Huế của mình bài thơ tứ tuyệt:

Đi trong đêm Thành Nội

Chỉ mình tôi và trăng

Tôi nghe lòng cây cối

Nghiêng bao nỗi thăng trầm...