Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

George Orwell: Biến việc viết về chính trị thành một nghệ thuật hoàn toàn

 Liễu Trương

George Orwell, 1943. | Via Wikimedia commons, montage Slate.fr.

George Orwell là nhà báo, nhà phê bình văn học và là nhà văn. Ông là nhân chứng của thời đại ông, trong những thập niên 1930-1940.  Sau Đệ Nhị thế chiến, tiểu thuyết chính trị viễn tưởng 1984 của George Orwell vừa ra mắt độc giả tức thì trở nên một best-seller trên thế giới. Tác phẩm này tạo nên khái niệm Big Brother và làm thức tỉnh những người đang trong cơn mê của một hệ tư tưởng cực quyền.

George Orwell là ai và ông quan niệm vấn đề viết như thế nào?

George Orwell tên thật là Eric Blair, sinh năm 1903, tại Bengale, Ấn Độ, trong một gia đình tư sản Anh. Vào thời đó Ấn Độ thuộc quyền đô hộ Anh. Năm sau, 1904, George Orwell cùng với người mẹ và người chị trở về Anh. Người cha sẽ vĩnh viễn hồi hương năm 1912.

Orwell học trung học ở Anh từ 1917 đến 1921. Năm 1922, ông thi đỗ vào ngành cảnh sát thuộc địa của Anh, được bổ nhiệm ở Miến Điện, về sau ông được bổ nhiệm thêm năm lần ở các nơi khác. Năm 1927, Orwell từ chức vì chống đối đế chế. Ông có ý định xây dựng một văn nghiệp. Ở London, ông ăn mặc lôi thôi, đi lang thang trong thành phố và chia sẻ đời sống của những người dân nghèo. Kinh nghiệm sống với giai cấp vô sản khiến Orwell về sau chống mọi chế độ cực quyền.

Năm 1928, Orwell qua Paris làm về ngành báo chí. Vốn đã ốm yếu, ông lại bị bệnh viêm phổi phải nhập viện ở Paris. Trong những năm 1930, ông sống nghèo, làm đủ nghề, nhưng vẫn tiếp tục viết và đã viết những bài điểm sách.

Năm 1936 cuộc nội chiến bùng nổ ở Tây Ban Nha giữa phe Cộng hoà và phe Quốc gia vì bất đồng chính kiến. Orwell sang Tây Ban Nha để viết bài phóng sự, nhưng cũng để tham chiến. Ông bị trọng thương ở cổ và trở về Anh để điều trị. Chiến tranh ở Tây Ban Nha là một khúc quanh quyết định trong văn nghiệp của Orwell. Những biến cố đánh dấu sự lớn mạnh của chủ nghĩa phát xít và sự củng cố chế độ Xô Viết bắt buộc Orwell ưu đãi một cách nào đó cái chức năng của việc viết. Ông nói: “Tôi viết chống lại sự bất công”. Orwell muốn làm thức tỉnh nơi độc giả cái khả năng hiểu chúng ta đang ở trong thế giới nào.

Năm 1938, ông gia nhập đảng Lao Động Độc Lập. Năm 1940, cuốn tiểu luận Trong bụng con cá voi được ân cần đón nhận và tài viết văn của Orwell đã được nhìn nhận. Qua năm 1943, cuốn Trại súc vật ra đời, với lối văn châm biếm Orwell chỉ trích cách mạng Nga và chế độ Staline. Rồi đến năm 1949, cuốn tiểu thuyết 1984 được nổi tiếng trên thế giới với cái khái niện Big Brother như đã nói trên.

Năm 1950, George Orwell qua đời vì bệnh lao, thọ 46 tuổi.

Orwell quan niệm việc viết, dù là viết về đề tài chính trị, cũng phải viết với nghệ thuật. Ông phát biểu quan niệm đó trong một bài có tựa đề: Tại sao tôi viết.

Tại sao tôi viết

Cuốn đầu của bộ sách tập hợp những Tiểu luận, Bài báo và Thư từ của George Orwell[*] (1) mở đầu bằng một bài tiểu luận ngắn: Tại sao tôi viết như một tuyên ngôn của nhà văn. Trong bài, tác giả thổ lộ nỗi cô đơn của ông trong thời thơ ấu, và đặc biệt ông kể khát vọng chủ yếu của ông đã đưa ông trong suốt mười năm, kể từ giữa năm 1930, thời kỳ ông tham gia chiến tranh Tây Ban Nha, đến cái ý định ngay sau thời chiến là Biến việc viết về chính trị thành một nghệ thuật hoàn toàn.

Bài Tại sao tôi viết sau đây được tác giả viết vào mùa hè 1946.

Rất sớm – tôi chắc ngay từ năm hay sáu tuổi – tôi biết rằng một ngày kia tôi sẽ là nhà văn. Giữa 17 và 20 tuổi, tôi cố gắng bỏ cái ý đó, vừa ý thức rằng khi từ bỏ cái ý đó, tôi sẽ ngăn trở cái bản chất thật sự của mình và sớm hay muộn gì tôi cũng phải bắt đầu viết sách.

Tôi là đứa con thứ hai trong một gia đình có ba người con, nhưng có một khoảng cách năm năm giữa mỗi người trong chúng tôi và, cho đến năm 8 tuổi, tôi chỉ thoáng thấy cha tôi. Điều này giải thích, trong số những chuyện khác, rằng tôi khá cô đơn và rất sớm tôi có những cái thói gây khó chịu khiến các bạn trong lớp tôi có ác cảm với tôi. Như tất cả những đứa trẻ đơn độc, tôi có thói quen bịa những chuyện và nói chuyện với những nhân vật tưởng tượng; và tôi tin ngay lập tức rằng những tham vọng văn chương của tôi đi liền với cái cảm tưởng tôi bị đánh giá thấp, bị người ta xa lánh. Tôi ý thức mình có khiếu về ngôn ngữ và có khả năng đề cập một cách trực tiếp những khía cạnh chán ghét của cuộc đời, và tôi nhận thấy như thế tôi tự tạo cho mình một thứ thế giới riêng biệt trong đó tôi có thể thoát khỏi những thất vọng hằng ngày của đời tôi.

[…]

Tất cả những gì quan trọng mà tôi đã viết từ 1936, mỗi từ, mỗi hàng, đều được viết, trực tiếp hay gián tiếp, chống lại chế độ cực quyền và bênh vực chủ nghĩa xã hội dân chủ như tôi quan niệm. Vào thời đại như thời đại chúng ta, đối với tôi dường như không thể tưởng tượng được rằng nếu người ta viết, người ta có thể tránh bàn về những vấn đề đó. Bằng cách này hay cách khác, luôn luôn người ta bị đưa trở lại những vấn đề đó. Tất cả vấn đề là biết mình chọn phe nào và dùng phương pháp nào. Và càng ý thức về những quyết định dứt khoát về chính trị, người ta càng có may mắn hành động về chính trị mà không phủ nhận điều gì về nhân cách mỹ học hay tri thức của mình.

Điều mà tôi gắn bó nhất trong mười năm nay, là biến việc viết về chính trị thành một nghệ thuật hoàn toàn. Điều thúc đẩy tôi làm việc luôn luôn là ý nghĩ về một sự bất công và cái ý phải quyết định. Khi tôi quyết định viết một cuốn sách, tôi không tự nhủ: “Mình sắp làm một tác phẩm nghệ thuật”. Tôi viết cuốn sách đó bởi vì có một sự nói dối mà tôi muốn tố cáo, một sự kiện tôi muốn mọi người chú tâm đến, và sự lo âu mong muốn của tôi là được mọi người nghe. Nhưng tôi không thể viết một cuốn sách, thậm chí một bài báo quan trọng thế nào đi nữa, nếu, đối với tôi, việc đó không thể hiện một kinh nghiệm mỹ học. Người nào chịu khó đọc tôi sẽ nhận rằng ngay cả trong những trường hợp có đặc tính tuyên truyền, người ta vẫn tìm thấy trong sách tôi nhiều yếu tố mà một nhà chính trị chuyên môn sẽ cho là hoàn toàn thừa. Tôi không thể cũng không muốn hy sinh cách nhìn thế giới mà tôi có được từ thời thơ ấu. Ngày nào tôi còn sống trên đời này thì tôi quan tâm đến những vấn đề bút pháp của văn xuôi, tôi vẫn cứ yêu mặt đất và tôi gìn giữ sự gắn bó của tôi với những đồ vật đơn sơ và với những hiểu biết vô ích. Tìm cách bỏ cái phần đó của chính tôi là vô ích. Vấn đề là dung hòa những ham thích và những cái chán ghét đã thật sự ăn sâu trong tâm hồn tôi với những sinh hoạt chủ yếu là công cộng, không riêng biệt, mà thời đại áp đặt cho mỗi người trong chúng ta”.


[*] Bộ sách được dịch sang Pháp ngữ dưới tựa đề: Essais, articles et lettres. Nxb Ivréa. Nxb Encyclopédie des nuisances, 1995.