Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

Về nhà

 Dạ Thảo Phương

 

Năm năm trước, một người bạn là nghệ sĩ đàn Oud người Đức gốc Iran hỏi tôi: “Anh sống gần hết đời người rồi mà không biết đâu là nhà… Dù anh có hai ngôi nhà, ở hai đất nước, hai châu lục. Tất cả đều tiện nghi, được trang trí theo ý mình… Còn em, mấy năm sống ở một nước, em nghĩ nhà của mình ở đâu?”.

Tôi nói với anh, “Ngôi nhà thật sự không nhất thiết phải được xây cất trên một miền đất nào, nó được nhận diện bằng tâm tưởng”.

“Nhà”, là nơi và khi ta cảm thấy lòng yên tĩnh, dịu, trong. Đó chính là cảm giác “trở về”. Trở về nơi ta thực sự thuộc về, nơi cội nguồn sức mạnh của mỗi bước chân trên nẻo đường ta đi.

Với nhiều người, nó được kết nối, thậm chí đồng nhất với một ngôi nhà vật chất nào đó, thuộc về một đất nước, gắn liền với một con phố, hay một làng quê, được bao quanh bởi những tàng cây, hàng quán, hay một cánh đồng, một rặng núi… Nhưng với nhiều người, cũng có thể không như vậy.

Từ căn hộ của tôi ở Tokyo có thể nhìn ra núi Phú Sĩ. Chiều giao thừa năm đó, trời ngập tuyết. Tôi đứng ngoài ban công, đăm đăm ngắm núi lâu đến nỗi đỉnh mũi tê cứng như đã biến thành một mỏm đá. Tưởng như, theo ý nghĩ của mình cứ đi mãi như thế sẽ về được nhà, thấy mẹ đang đồ xôi chuẩn bị cúng giao thừa, cả nhà ngập trong hương lá mùi già…

Tôi cũng nhớ chiều giao thừa, một năm khác, ở Paris. Tôi đóng cửa phòng, cuộn tròn trong chăn, nghe đi nghe lại Duy Khánh hát “Xuân này con không về”. Chồng tìm thấy tôi, anh nhìn khuôn mặt giàn giụa nước mắt, rồi lại nhìn màn hình máy tính, đùa: “Hết Pavarotti rồi lại ông này. Em có thể dành thời gian cho anh – một người đàn ông không già, không béo, không ăn mặc xấu, không nhắc nhở em về quá khứ, không làm em khóc, được không? Hoặc chỉ đơn giản là em xách va li về Việt Nam ăn Tết đi”.

Để làm được những việc “đơn giản”, không phải lúc nào cũng đơn giản.

Việc gần người thân trong những thời điểm quá đặc biệt đôi khi là những trải nghiệm khó khăn. Tôi cảm thấy mình được bao quanh bởi lớp lông nhím vô hình, mà mũi nhọn của nó hướng vào trong. Những vòng ôm quá chặt quá gần làm tôi không chịu nổi. Tôi nhớ bố mẹ, nhớ Tết Hà Nội, nhưng chưa dám đối diện với những cảm xúc của người thân, những cảm xúc khi họ buộc phải nhìn thấy câu chuyện của tôi. Hai năm rưỡi qua, chúng tôi chưa bao giờ đủ bình thản để ngồi xuống và nói với nhau về câu chuyện mà chúng tôi đã ở những tình thế buộc phải nói ra với cả thế giới.

Thời gian qua, tôi đã phải đọc tâm sự của bao cô gái trẻ cũng từng bị xâm hại, cũng đang thầm lặng vật vã với những câu chuyện họ chỉ muốn thét lên mà không thể cất lời. Họ cũng có gia đình.

Có những ngôi nhà, để trở về, cần vượt qua hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn cây số trên những con đường nghẽn xe. Hoặc mấy chục ngàn cây số, trên mây.

Nhưng có những ngôi nhà, để trở về, cần vượt qua những chặng đường vô hình, khó khăn nhiều hơn thế.

Cảm ơn những ngày cuối năm này, nhắc tôi cần phải “về nhà”. Phải quan sát hơi thở của mình. Chỉ hơi thở thôi, không gì ngoài hơi thở.

Được “về nhà”, lòng tôi tràn ngập biết ơn.

Biết ơn ruột thịt của tôi, những con người bình thường, chỉ cầu một cuộc sống yên, lặng nhưng đã vì tôi mà nhảy vào dòng nước dữ.

Biết ơn Bạn – những Con Người không phải ruột thịt của tôi, hầu hết tôi không quen biết, chưa từng gặp mặt, thậm chí chưa được rõ tên. Bạn đã đan tay cùng những người khác, đứng giữa dòng nước tăm tối, hiểm độc ấy, không để nó cuốn đi những người thân của tôi, không để nó cuốn đi chính tôi- một thân phận nhỏ bé, không có gì đặc biệt. Không để nó cuốn đi những giá trị mà chúng ta cùng nhau tin tưởng.

Chúng ta đã và đang có một hành trình khó khăn nhưng thật đẹp.

Chúng ta sẽ cùng nhau bước tiếp. Vì bước đi trên con đường khó khăn nhưng đẹp đẽ ấy, chính là một cách để được “về nhà”.

Tôi thật sự biết ơn.