Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2025

Trương Vũ trong màu hoàng hôn (2)

 Thụy Khuê

Hội họa Trương Vũ

 

Trương Vũ vào hội họa như thế nào?

Anh không vào hội họabẩm sinh anh biết vẽ. Văn có thể học mà viết được. Thơ và họa, nếu không phải trời sinh, thì chịu. Những ai đến trường học vẽ mà trở thành họa sĩ, là họ đã biết vẽ từ trước khi đến trường. Nhà Trương Vũ có “mả” vẽ, chị anh, Trương Thị Thịnh là họa sĩ nhà nghề. Trương Vũ hồi trẻ cũng muốn học vẽ, nhưng cha bắt học toán, “thiên tài” bị bóp chết từ trứng nước. Nhưng rồi đâu vào đấy, “thiên tài” vẫn trở lại với sở thích ban đầu. Đây là những hàng anh viết về Đinh Cường, nhưng có rất nhiều anh trong đó:

Thế giới của tôi khá bình dị, gần với thực tế, không có những lực đè nén để buộc tôi phải chìm đắm vào những lớp sâu của tâm hồn. Tôi thích thơ của Đinh Cường, tôi ngưỡng mộ tranh của Đinh Cường. Tôi cảm được có một giá trị cao nơi tác phẩm của bạn tôi. Bố cục, màu sắc, hình họa, và tính trừu tượng rất đặc thù. Tôi cũng cảm được rằng ở đây dường như có một chút phối hợp hài hòa giữa Modigliani với Picasso, và trên hết là của chính tài năng và tâm hồn của Đinh Cường, rất riêng. Tuy nhiên, dù ngưỡng mộ, tôi vẫn cảm thấy một chút xa cách. Chẳng hạn, tôi biết được, thấy được những thiếu nữ trong tranh Đinh Cường đẹp, rất đẹp, nhưng tôi không thấy gần với họ, không có cảm giác mình đụng được những con người như thế. Cho đến khi tôi bắt đầu vẽ; bắt đầu xa rời dần cái thực tại bình thường của đời sống hàng ngày để đi vào cái thực tại của nội tâm. Lúc đó, những thiếu nữ của Đinh Cường cũng bắt đầu rời khỏi những con đường nhỏ của cố đô Huế năm xưa, hay rời khỏi những nấm mồ hoang sau nhà Bồ Tùng Linh, để đi vào thế giới riêng của tôi, như những con người rất thật. Cả cái nhà thờ con gà ở Đà Lạt, những phố xá, núi đồi trong mù sương ở Dran, hay anh da đen thổi kèn đồng ở Mỹ, v.v., đều như thế. Tất cả khiến cho cái thế giới nội tâm của tôi nhộn nhịp lên, làm cho đời sống giàu hơn.[...]

Đam mê càng lớn, ước vọng càng cao, càng dễ thấy cái giới hạn của sức lực mình. Ráng tạo một tác phẩm như ý rất thường khi không khác như lao đầu vào một cuộc chiến của nội tâm. Dù xung quanh có bao người thân yêu, có bao bạn bè tốt, cuối cùng cũng chỉ có một mình mình thôi phải đương đầu với nó. Nỗi cô đơn rất khó tả.

Thường tình là như vậy, huống chi, khi biết mình mắc thêm một chứng bệnh trầm kha. Lúc đầu, bạn tôi vẫn giữ nguyên cái an nhiên tự tại thường tình và tin tưởng nhiều vào khả năng của y học. Vẫn vẽ nhiều, vẫn viết nhiều, vẫn gặp gỡ bạn bè thường xuyên, như không có gì xảy ra. Chấp nhận những đớn đau của chemo như điều không thể tránh. Cho đến khi, cơ thể yếu hẳn dần. Lúc đó, theo dõi những bài thơ trên blog Phạm Cao Hoàng, những bài thơ được

viết ra như viết nhật ký, tôi có cảm tưởng như nửa khuya nào bạn tôi cũng thức dậy. Ngó qua khung cửa sổ, nhìn bóng đêm, nhìn vầng trăng. Rồi, nhìn lên kệ sách. Rồi đi tìm những cuốn sách, những bài thơ của bạn bè. Rồi viết cho người này, người nọ, cho những người còn sống, cho những người đã chết. Thi thoảng còn từ ký ức phác họa vài chân dung của bạn bè. Tôi cảm phục sức làm việc phi thường, ý chí cống hiến thanh thoát, nhưng đồng thời, tôi cũng cảm nhận nỗi cô đơn cùng cực của bạn. Nói như Đinh Trường Chinh, “cô đơn đi vào bóng tối.” (Lá mùa thu).

Bao nhiêu năm trước tôi đã “tiên đoán” Virginia có ba ngôi sao: Võ Đình, Trương Vũ và Đinh Cường, lúc đó là đoán mò, tôi nhìn Trương Vũ như một nhà Mạnh Thường Quân thành công trong khoa học, là một vì sao, vì chữ NASA làm chúng tôi lác mắt. Bây giờ, không đoán mò nữa, tôi đã có một Trương Vũ văn chương hội họa như Võ Đình, Đinh Cường, trước mặt, như thể hai anh hiện về. Đó là sự phối hợp tài tình giữa hồn thơ và tài năng thiên bẩm hội họa.

Tôi yêu lắm những dòng chân dung kép Trương Vũ viết và vẽ Đinh Cường mà tôi đã trích dẫn dài rộng trên đây: Đường nét thành thật, rõ ràng vẽ một người mà thành hai, viết về họa mà thành thơ. Nhờ đó, tôi thấy được bạn tôi, một người làm khoa học, đã hoá thân trong màu sắc và cây cọ như thế nào, tại sao tranh anh lại thế. Bởi tranh Trương Vũ dưới cái đẹp hội họa rực rỡ tươi sáng luôn luôn giấu một chiều sâu u uẩn của bi kịch nội tâm, đã hoà tan trong màu sắc, trở thành lớp da thịt thứ nhì. Những bức tranh của anh, dù có đề năm, nhưng tâm sựkỷ niệm không có ngày sinh, ngày mất, mà lộn tùng phèo sinh tử, nhưng tôi, kẻ ngắm tranh, vẫn nhận ra thể xác và hình hài của chúng trong tác phẩm của anh.

Là nhà khoa học, tranh anh luôn luôn có bố cục chặt chẽ, màu sắc nghiên cứu kỹ càng. Anh học vẽ một mình. Nghệ thuật tạo hình là một trong những khuôn khổ khắc nghiệt nhất của các kỷ luật, nhưng anh còn khắc nghiệt hơn với chính mình, tranh anh hầu như bức nào cũng là một công trình lao động kiệt lực, không có chi tiết nào bị bỏ qua, không một sơ hở nào để phê phán: Tôi tưởng tượng anh vẽ tranh như các họa sĩ thời Phục Hưng, dày đặc chi tiết, chăm chút từng nét, từng vết. Thoạt mới nhìn qua tưởng cứ ném sơn lên vải bố là xong, không phải vậy, mỗi cánh hoa mà ta tưởng là cánh bướm, cũng phải chăm sóc bằng kính hiển vi, chưa kể những hình hài li ti khác, âm thầm, kín đáo có mặt, để tạo hồn tranh, tạo đời sống tâm linh, tạo những lớp đau khổ khác nhau, mà chỉ những họa sĩ đích thực mới lột tả được.

Qua những tác phẩm được Phạm Cao Hoàng giới thiệu trên mạng, tôi chia tranh anh làm hai “trường phái” ấn tượnghậu ấn tượng, mặc dù tôi không thích gọi tên trường phái này nọ, tranh chỉ là tranh, không cần nhãn hiệu. Tôi chia cho dễ nói.

Tôi đoán, lúc đầu anh gắn bó với ấn tượng ở điểm mấu chốt: Làm nhòe khung cảnh như có một màn sương mỏng buông xuống không gian. Thay vì nhận diện khung cảnh rạng đông như bức hình chụp, Monet cho ta cái ấn tượng về rạng đông, cái này ông “học” trong thơ, chủ yếu thơ Đường, và muốn như thế, phải xoá bỏ đường nét rõ ràng, để bức tranh hiện ra mờ ảo, thơ mộng. Anh dùng nghệ thuật ấn tượng, tức là dùng màu thay nét vẽ (dessin) để tạo không gian mơ, không gian thơ ; cho nên đóa hoa, đôi khi chỉ là một chấm, một nét quệt, một vết màu, bởi anh đã xoá dessin, tức là xoá biên giới giữa vật và không gian. Không cần desin mà trực tiếp màu, chỉ có màu cũng đủ làm nên một đóa hồng, một nhánh tường vi, và đó chính là nghệ thuật ấn tượng của Trương Vũ.

Tôi lại đoán, ít lâu sau, thấy ấn tượng bị giới hạn trong thơ mộng, nên anh bỏ, anh vẽ theo ý anh, để có thể dùng dessin, dùng tất cả màu sắc và các cách quét sơn, bôi màu, để diễn tả những thực tế phũ phàng, những đam mê không biên giới... con đường ấy được gọi là hậu ấn tượng.

Gặp bạn bè trên chiến trường xưa, sơn dầu trên bố, 18x24cm, 2008

Gặp bạn bè trên chiến trường xưa là bức tranh giã từ vũ khí của một người lính, nhưng cũng là cách anh tạo một nghệ thuật ấn tượng riêng, để diễn tả tâm cảnh của con người: anh hóa giải hận thù và tạo sinh những linh hồn mới sau chiến tranh: Bạn bè trên chiến trường xưa, bây giờ trên bức tranh này, còn sống hay đã chết, đều hoá thân trong những cánh buồm thấp thoáng chen nhau, giăng về phía trước, rời xa miền đỏ lửa, vùng đen tối trùng điệp sau lưng, như một hạm đội tiến lên phía trước để chiếm lại hoà bình. Trong bức tranh này, lần đầu tiên hiện ra những “phiến màu”, mà tôi xin gọi là những “phiến buồn” trong tranh anh. Chưa bao giờ hai chữ ấn tượng có nghiã sâu xa như thế.

Nhà hoang trong ngày thu, chất liệu hỗn hợp trên ván ép, 24x36cm, 2010

Trong bức Nhà hoang trong ngày thu (2010), dường như anh muốn Việt hóa cảnh vườn nhà Monet, với những màu sắc và phong cảnh quê hương anh, trầm buồn, nên thơ, mơ mộng. Bức tranh giao thoa giữa nội tâm trong vườn nhà xưa của tác giả và tưởng tượng trong vườn nhà Monet, để tạo thành một cảnh trí hoang vu và nồng ấm của những tâm hồn rời nước, đến trọn đời vẫn không tìm được một trạm dừng chân.

Gió thu, sơn dầu trên bố, 30x24cm, 2011

Gió thu (2011) và Hồi sinh (2022) là những bức tranh giao thoa giữa các vùng nghệ thuật. Anh vẫn còn ở trong hiện thực, chưa xóa dessin cho mờ ảo, nhưng tranh anh có rất nhiều chất thơ, ít khi anh vẽ rừng cây cao như thế: Hồi sinh, là một bức tranh rừng thu classique, với con nai vàng ngơ ngác, anh vẽ Lưu Trọng Lư trong ký ức. Nhưng trong Gió thu, sáng tác hơn mười năm trước, anh đã vẽ cả một quãng đời mình, với những “phiến buồn” không tên, rạng trên nền đất; cây cao mà uyển chuyển như bóng dáng những thiếu nữ đi trong rừng, tôi thấy như anh vẽ Nha Trang trong hồi tưởng, thời còn những niềm yêu chưa ngỏ, những bóng dáng học trò uyển chuyển, rụt rè, chắc thời trẻ anh tung hoành lắm, nên bây giờ vẫn còn đọng lại những nét phong vân.

Gokayama trong cách nhìn biến đổi, sơn dầu trên bố, 36x48cm, 2009

Gokayama trong cách nhìn biến đổi (2009), trong phong cách hậu ấn tượng đặc biệt quyến rũ, nhưng tôi tự hỏi: anh có cần ghi mấy chữ trong cách nhìn biến đổi không? Hình như không cần thiết lắm. Người xem tranh không cần biết Gokayama ở đâu, cảnh thực thế nào, cũng như ta không cần biết Hàm Dương, Tiêu Tương là đâu, chỉ một bức Gokayama của anh trước mặt là đủ: Tác phẩm vừa âm u bí mật, vừa thắm tỏ như luồng sáng xanh trên trời, nhỏ ánh xuống những đóa hoa trong vườn... Tâm hồn anh nằm trong những mái nhà chen chúc nhau, im ắng chôn sâu những tiếng động, những bất hạnh, trong một nghệ thuật sáng tối mê hồn. Tác phẩm vừa tan tác vừa chặt chẽ (tranh anh bố cục luôn luôn chặt chẽ), những bông tulipe màu sắc chói lọi nhưng lại mang ám ảnh đen tối tinh vi; anh thể hiện được tinh thần nghệ thuật tương phản xuất chúng của người Nhật Bản mà ít dân tộc nào có được, qua bức tranh này.

Cơn lũ ngày tàn thu, sơn dầu trên bố, 30x30cm, 2024

Tranh thu của anh, trừ Cơn lũ ngày tàn thu (2014), thường mang những tên không tiếng động: Vào thu, Như tuổi vào thu, Màu thu, Sáng mùa thu...

Vào thu (2014), phân bố làm hai cảnh: phần trời u ám, phần đất dịu dàng. Trong vườn, màu ngã xuống dần dần, những cánh hoa êm ả sửa soạn rời đài hoa. Một cảnh chia ly nhẹ nhàng đang bước tới trong tịch lặng và buồn bã. Như tuổi vào thu (2015) là một bức tự họa, anh vẽ tuổi mình, tuy đã vào thu nhưng vẫn loé lên những tia sáng rực rỡ, những màu sắc đam mê, những năng lực khác thường, chen nhau trổi dậy, không ngừng nghỉ. Là anh.

Cơn lũ ngày tàn thu (2014) cấu trúc như một bản nhạc với ba giai điệu: Trên cùng là trời đất giao thoa: trời sập xuống thấp để được gần đất, mây hoảng loạn tan trong gió. Khúc hai: nước cuốn, hoa trôi tan tác biết là về đâu. Khúc ba: lau sậy trên bờ đồng tình đổi sang màu vàng, vươn cao, cưỡng lại nước lũ.

Tịch lặng trong thu nồng, sơn dầu trên bố, 24x30cm, 2018

Với bức Tịch lặng trong thu nồng (2018), anh xa thêm ấn tượng bước nữa, tức là anh tự do hơn, không còn lệ thuộc vào bất cứ quy tắc, màu sắc nào, anh có thể dùng tất cả mọi “dụng cụ” mọi phương pháp để vẽ và anh đưa ra một phong cảnh thu tuyệt vời, với màu đỏ nồng thắm, một mùa thu khác thường bên bờ nước, uyển chuyển và lả lướt vô cùng.

Lửa hồng trong tuyết giá, sơn dầu trên bố, 40x30cm, 2015

Lửa hồng trong tuyết giá (2015) là một thành công khác, anh đã hoàn toàn ra khỏi ấn tượng để đi vào hậu ấn tượng, anh đã thành lập xong cõi hội họa của riêng mình bằng cách gắn bó những yếu tố tương phảng nhất với nhau: đem Lửa hồng vào trong tuyết giá với những nét hình họa mạnh mẽ, màu sắc quyết liệt, có ảnh hưởng Van Gogh, Gaughin, thời hai ông dứt khoát rời bỏ ấn tượng mà đi. Anh diễn tả những xung động nội tâm, những đam mê, những hỗn độn trong anh, như chưa bao giờ để lộ.

Hồi sinh 2 (2022), anh tiếp tục nét bút mạnh dạn và quật khởi, tưởng như có hồn hướng dương của Van Gogh nhập vào, đó vẫn là anh, từ bẩy năm trước với Lửa hồng trong tuyết giá (2015), vẫn là Trương Vũ của đam mê trong sáng tạo.

Bức Lối mòn trên đồi hoang (2019) kết tụ những kinh nghiệm trong đời tranh từ trước đến bấy giờ: một bút lực tự chủ và tự tại, họa sĩ làm chủ màu sắc, ánh sáng, làm chủ những rối rắm, những tan tác, những cái nhỏ vô cùng... Tác phẩm phơi bày một sự hoang tàn không nói.

Màu thu (2019) diễm lệ đỏ, thu trong tuổi hoàng hôn, anh tiễn thu bằng những màu sắc đầy hoả lực, như để thể hiện cuộc giao hoan cuối cùng giữa màu sắc và ánh sáng.

      

Sáng mùa thu, sơn dầu trên bố, 16x20

Sáng mùa thu, không rõ sáng tác năm nào, đẹp lạ, tên lạ, đáng lẽ phải gọi là chiều thu hay tối thu, bởi dưới chân hoa là bóng tối, nhưng anh lại gọi là sáng mùa thu. Anh trở lại cấu trúc âm nhạc, bức tranh như một bản đàn với ba khúc điệu: Ánh sáng rực rỡ trên những thảm màu nhỏ, được anh bỏ rơi thành những bông hoa; hay được trải rộng như những vòng hoa là là trên mặt đất. Những gam màu đen len lỏi trong ánh sáng, như muốn tìm một chỗ ngồi. Và lửng lơ trên trời là những quầng mây xanh ngả xám... Sáng mùa thu, một buổi sáng đang chìm dần vào bóng tối, như thể anh đang sống lại những buổi sáng đớn đau tuyệt đỉnh của Cao Xuân Huy trong Tháng ba gẫy súng, những buổi sáng cuối cùng Huy cầm cự với ung thư... trong tuyệt vọng vẫn ngoi lên những tia hy vọng.

Sau Sáng mùa thu, có một chùm ba bức tranh khác: Vườn hoang, Một ngày bình yên trong chiến tranhQuê hương tàn chinh chiến, mà tôi đặt tên chung, là Những phiến băng buồn.

Vườn hoang, sơn dầu trên bố 24x30, 2011

Một ngày bình yên trong chiến tranh, sơn dầu trên bố, 20x16cm, 2015

Quê hương tàn chinh chiến, sơn dầu trên bố, 18x24cm, 2018

Trong Vườn hoang (2011), hiện ra những phiến băng dài trên hai tay xuôi, những phiến băng hồng em mang trên vai của Trịnh Công Sơn. Đã bao lần tôi lẩm nhẩm hát, vừa hát vừa thử hình dung xem những phiến băng ấy như thế nào, mặc dầu vẫn biết đây là những hình ảnh siêu thực, chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng tôi tìm thấy trong những bức Vườn hoang (2011), Một ngày bình yên trong chiến tranh (2015), Về nơi thôn dã (2016), Quê hương tàn chinh chiến (2018), Hoang dã (2019)... vô vàn những phiến băng ở các vị trí và hình thế khác nhau, xếp thành thành quách, phiến mộ, mộ xanh, mộ đỏ, ẩn hiện mơ hồ, lửng lở, như vô hình, mà có thật, hiện ra trước mắt tôi, mà lại như đã hóa thân trong tim những người đồng điệu, đã sống, đã chết, đã ngã xuống, trên quê hương, có người chết đến hai lần.

Khi mùa xuân trở lại, sơn dầu trên bố, 24x30cm (2016)

Trương Vũ ít vẽ tranh xuân, mặc dù xuân Virgina vô cùng quyến rũ với những cây đào Nhật Bản tuyệt đẹp không khác gì được trồng trên đất Phù Tang.

Khi mùa xuân trở lại (2016) là bức tranh rất lạ: anh xoá xuân đi bằng những vết cọ quét mạnh, đỏ rực, như để dập vùi, không muốn nhìn xuân. Nhưng chính những vết quét lạ lùng này làm bức tranh có gì quyết liệt, đặc thù, và bao giờ cũng vậy, cái lạ làm thành tác phẩm: Những vết xoá trở thành từng “phiến”, từng “phiến” băng màu đỏ, như thể mùa hè đỏ lửa đến xóa mùa xuân ở quê hương Quảng Trị, và như thế Khi mùa xuân trở lại, trở thành một dữ kiện lịch sử thuần túy màu sắc, sống động và tang thương.

Mừng xuân, sơn dầu trên ván ép, 16x12cm (2018)

Hai năm sau anh vẽ Mừng xuân (2018), bức tranh xuân đầu tiên làm tôi xao xuyến, ghi vẽ tháng 2-2018, mới gần đây thôi: hai màu đỏ vàng ngự trị, những cánh bướm và những cánh hoa chen chúc, khó phân biệt đâu là bướm đâu là hoa, chúng dìu nhau trong vũ điệu, theo chiều gió... Từ tranh ta nghe thấy tâm sự rộn ràng của hoa bướm bên nhau, thì thầm âu yếm như những tiếng tim, vừa trải qua một mùa đông giá lạnh, gọi nhau đến một mùa xuân ấm áp.

Bức tranh Bến nước đen (2017) đẹp não nùng, lần đầu tiên tôi thấy bóng người khá rõ trong tranh: hai phụ nữ chèo thuyền trên con nước đen, từ vùng tối chèo sang vùng sáng, họ phải vượt qua đám cỏ hoa màu đỏ quyến rũ và cạm bẫy để tới bên kia, là vùng hoa trắng an bình. Nhưng làm sao vượt được? Ái ngại cho hoa hay ái ngại cho người. Họ vượt cồn hoa hay họ vượt cồn biển? Phải vô cùng nhạy cảm mới có thể đặt cho mình những câu hỏi như thế!

Sau những gam màu nóng, tới những bức Hoàng hôn trên bờ sông (2012), Bèo giạt (2014), mọi đam mê như đã trầm xuống, anh tịch lặng, an nhiên, ở ẩn, không còn gây gổ trong tâm hồn. Nắng chiều trên sông (2019) bình yên hơn nữa, anh thảo cảnh bồng lai có một gia đình thiên nga đang trò chuyện, có đám mây trắng Võ Đình, và có tất cả cảnh thanh bình của một đất nước chỉ quen màu chinh chiến.

Điều kỳ lạ là nhiều bức tranh Trương Vũ làm tôi nhớ tới văn Võ Đình, hoặc kéo trí tưởng của tôi về với Võ Đình.

Bóng mây lạc lõng, sơn dầu trên bố, 30x24cm (2013)

Bóng mây lạc lõng (2013) Vân cẩu (2016) làm tôi nhớ Người chạy bộ của Võ Đình, anh Đình kể chuyện một người đàn ông ngày ngày chạy bộ, qua cái park hay một con đường mòn, thấy những thứ rau cỏ dưới chân, mới đầu ông ta còn ngần ngại, sau ông ta giẫm đại lên, rồi ngó lại thì thấy sau bước chân ông, bọn cỏ “hèn mọn” này khơi khơi sống lại như không có chuyện gì xảy ra. Những thứ cỏ rau cứng đầu cứng cổ này là “rau má dại hoa vàng, me đất hoa hồng, rau trai hoa tím, rau bướm bạc hoa trắng... Những thứ rau cỏ dại hèn mọn, nếu không chạy máy xén thật sát đất là chúng tưng bừng nở hoa, những nhánh li ti nhỏ xíu mà màu sắc tươi rói, sáng ngời!”[1] Thấy chúng hỗn hào quá, Võ Đình bèn trị tội bằng cách nhổ lên ăn thử, không chết, bèn đem nấu canh, xào xáo, và đặt tên nọ tên kia, rau má, rau me, rau trai, gọi chung là rau tập tàng để nấu canh tập tàng. Anh bảo chúng nó từ Việt Nam di cư sang, nên không hợp thủy thổ... nghiã là anh viện một trăm lẽ để biện hộ cho chúng cái tội cứng đầu. Nhưng thật ra anh biện hộ cho anh về căn bệnh ung thư nhớ nước không thể nào chữa được. Rồi những cây nho biển “... chen chúc rậm rạp trên bờ biển, luôn luôn xao xác vì gió thổi ngày đêm. Thân cây mảnh nhưng u nần, quẳn quại từ gốc lên đọt. Lá to bản, tròn trịa, cứng và dày, màu lục xám, gân lá đỏ rực, những đường son sắc nét”[2] lại là một cớ khác để Võ Đình biện hộ cho cái nhìn méo mó nghề nghiệp của anh, tất tật cái gì cũng nhìn như họa sĩ, chỉ thấy hình hài và màu sắc! Và chính những cái nhìn kỳ khôi đó làm nên chữ nghiã Võ Đình, tinh vi, tế nhị chả kém gì Tchekhov, thứ chữ rất hiếm trong văn Việt, nhưng nào ai để ý, một trăm triệu người Việt, có mấy ai đọc Võ Đình!

Buổi mai trên bờ biển Pacific Grove, acrylic trên bố, 30x24xm (2013)

Buổi mai trên bờ biển Pacific Grove (2013) của Trương Vũ mang một gam màu khác với bình thường: người ta lấy màu tim tím như màu Huế tàn phai của Võ Đình đem trồng trên đất Mỹ, nó giống như rau má, như cây nho biển, như vũng nước đọng trước cửa Thượng Tứ... của Võ Đình, chúng đều sinh ở Việt Nam, Buổi mai trên bờ biển Pacific Grove, cũng thế, là bức tranh Trương Vũ vẽ với màu và sơn Mỹ, nhưng tim và ruột Việt, nó tự nhiên như hơi thở và thật thà như anh trải mình ra vậy.

Thôn xa, sơn dầu trên bố 24x30cm (2005)

Những tác phẩm về đất nước thời chiến được anh gói ghém trong phong bao hòa bình nhưng khốc liệt ngầm:Thôn xa (2005) trình bày một bản xa trong gió lốc, tranh gần như trừu tượng, có một thứ chuyển động ít thấy trong tranh anh, mà ta có thể coi là bản dạo đầu của những vũ điệu tang thương trên đất nước. Ở bức Thôn xa này, anh vẽ rất sớm, từ năm 2005, đã xuất hiện những “phiến băng buồn” trong cuồng lặng, phiến băng của cơn lốc chiến tranh, chúng đã ám ảnh tôi trong suốt hành trình xem tranh anh, kéo dài thành ấn tượng Trương Vũ.

Trong cơn điên thế kỷ, sơn dầu trên bố, 30x30cm (2016)

Trong cơn điên thế kỷ (2016), anh thực sự vẽ chiến tranh: tâm anh quay cuồng trong gió lốc, phong vũ. Chuyển động tròn cuốn theo màu sắc rực rỡ, như cơn thịnh nộ của trời đất, đồng thời cũng diễn tả sự điên cuồng của con người trong chiến tranh, trong những trận đánh ác liệt nhất. Màu đỏ trở về trong một nhiệm vụ khác: vừa là máu đỏ, vừa là cánh hoa: trong hoa đã có máu và trong máu đã có hoa, mọc lên từ một đất nước tẩm thể xác và linh hồn của hàng triệu người nằm xuống.

Thiên đường của đổ nát, sơn dầu trên bố, 20x16cm (2016)

Thiên đường của đổ nát (2016) là một vườn hoa sau cơn dông tố. Ta có thể hình dung vườn Địa đàng sau trận cuồng phong. Cho tới nay, dường như hội họa Việt Nam chưa vẽ chiến tranh, mà chỉ có những tác phẩm tuyên truyền cho chiến tranh. Ở đây, trong bức Thiên đường của đổ nát của Trương Vũ, tôi đã nhìn được cách họa sĩ hoá thân chiến tranh thành vườn địa đàng cho người sống, nhưng căn vườn địa đàng này mang tất cả những tàn tích của trái phá: không bông hoa nào còn nguyên vẹn mà chỉ là những cánh hoa vàng, đỏ sắc máu, tan tác, lẩn trốn trong nhau. Tôi chưa thấy họa sĩ nào trình bày thiên đường thời hậu chiến lạ lùng như thế.

Cái còn lại sau điêu tàn, sơn dầu trên bố, 20x16cm (2018)

Cái còn lại sau điêu tàn (2018), lại là một cách hóa thân khác: thân xác chiến tranh rực rỡ nổi lên, như những nhát chém, nét sơn mạnh dạn như được vẽ bằng dao trát dầy sơn, dứt khoát muốn dựng lại quá khứ tàn ác, tang thương, bằng những đóa hoa vàng, hay đỏ thắm, đúng hơn, bằng những đầu hoa đã bị chém rời cổ, đang tìm lại thân mình, trên nền đêm xanh tối.

Độc thương nhiên, sơn dầu trên bố, 40x30cm, 2018

Sau tất cả những hoá thân của chiến tranh thành màu đỏ, một bức tranh lạ lùng nữa hiện ra: Độc thương nhiên (Mình ta rơi lệ) (2018) lạc lõng trong hoang tàn đổ nát, đã trở thành rừng hoa trùng điệp trên sông, con chim một mình đứng trong thiên nhiên vô cảm, nó đứng một mình, trước không có ai, sau không còn ai, chỉ một mình, trong thanh bình, nhưng chỉ còn mỗi một mình mình.

Hồi tưởng một ngày thanh bình trong đổ nát, sơn dầu trên bố, 24x30cm (2019)

Tác phẩm Hồi tưởng một ngày thanh bình trong đổ nát (2019) hiện ra, mạnh mẽ và quyết liệt. Tranh có nhiều tầng, tầng trên cùng: là thanh bình, và ánh sáng, là tất cả những cố gắng quật khởi sau chiến tranh, đồng thanh với màu sắc để vươn trên những đốm đen của tàn phá. Những tầng lớp dưới: Bóng người chen lẫn bóng ma, dẫn nhau đi trên mặt nước xanh biếc âm ty, trong một không khí lạ lùng mà màu sắc và sáng tối đã đạt đỉnh cao nghệ thuật.

Nghĩ về một linh hồn trên biển, acrilic trên bố, 20x24cm (2010)

Nghĩ về một linh hồn trên biển (2010) là bức tranh duy nhất gợi lại chuyện vượt biển trong đêm đại dương, thể hiện bạo lực kinh hoàng của sóng bão, của những con thuyền lồng lên, oằn oại sắp tan tành, một chiếc khăn tang thấp thoáng trên hậu trường... Tất cả ẩn trong những vết sơn dường như quét vội mà vẫn kỳ ảo. Trương Vũ, đối với tôi là họa sĩ đầu tiên đã vẽ được chiến tranh trong lòng đất nước và dân tộc.

Paris, 20-10-2024

(Bài viết in trong Trương Vũ, Bằng hữu và Văn chương, Ngôn Ngữ, 2025, có sửa chữa.

Tranh Trương Vũ trình bày ở đây, chép trên website Pham Cao Hoang)


[1] Võ Đình, Người chạy bộ II, trong tập Mây chó, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 2004.

[2] Võ Đình, Nho biển, in trong tập Mây chó.