Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2025

Trở lại quê nhà (5)

 Nguyễn Xuân Thọ

Đi hai chân là xa xỉ?

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế không thể chối cãi. Nhưng cải cách kinh tế mà không thay đổi về chính trị và xã hội khiến đất nước đi khập khiểng. Đi khập khiễng thì không thể đi nhanh được và rơi tọt vào cái bẫy thu nhập trung bình. Điều này các chuyên gia đã cảnh báo từ 20 năm trước nhưng mãi đến nay nguy cơ tụt hậu mới được chính thức công nhận. Muộn còn hơn không. Chí ít thì Ban Tuyên giáo cũng phải ngậm đắng đăng tải rộng rãi những lời chỉ trích hệ thống tuyên truyền “tự huyễn hoặc, tự ru mình”[1]. Số phận của nó cũng đang hiu hắt trong làn sóng “tinh giảm".

Chấp nhận kinh tế thị trường có nghĩa là chấp nhận kinh tế tư bản chủ nghĩa tự do cạnh tranh. Chính kinh tế tư nhân đã đưa Việt Nam ra khỏi đói nghèo, thành một quốc gia xuất khẩu. Nhưng cạnh tranh tư bản mà không được kiểm soát bằng một xã hội công dân, bằng tự do báo chí và bằng một hệ thống pháp luật nghiêm minh thì chỉ là chủ nghĩa tư bản hoang dã, như chính Karl Marx đã miêu tả từ 180 năm trước “đầy máu và bùn nhơ từ lỗ chân lông”.

Chủ nghĩa xã hội sụp đổ vào cuối những năm 1980 đã khiến Liên Xô và các nước Đông Âu phải chuyển từ nền kinh tế nhà nước quan liêu sang kinh tế tư bản. Đây là một quá trình đau khổ vật vã. Cả Đông Âu chìm trong khủng hoảng. Đỉnh điểm là vụ ông Detlev Rohwedder, người phụ trách việc tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh của Đông Đức, bị những kẻ khủng bố cực tả bắn chết hôm 01.04.1991 vì tội “cướp bóc tài sản của giai cấp công nhân”.

Để tránh hỗn loạn, Đông Đức, Ba Lan, Séc, Hungary và các nước Baltic đã tiến hành cải tổ toàn diện, cả kinh tế và chính trị, xã hội. Chỉ sau vài năm chịu đựng đau đớn, họ đã phát triển ngoạn mục, đuổi theo kịp Tây Âu. Trong khi đó Belarus và Ukraina chỉ lo tư nhân hóa nền kinh tế, sao nhãng việc xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nên bị rơi vào chủ nghĩa tư bản hoang dã kiểu Nga. Ở các nước này, đám tư bản cá mập (Oligarchie) lên ngôi, thao túng không chỉ nền kinh tế mà mọi hoạt động xã hội.

Hậu quả là sau 30 năm, Ukraina và Belarus vẫn chỉ là nước thu nhập trung bình. Nếu Ukraina đi cả hai chân, đạt được mức sống như Ba Lan hoặc Latvia thì người Nga ở Donetsk sẽ không dại dột từ bỏ cuộc sông ấm no để đòi ly khai. Putin nhìn vào nền văn minh vượt trội đó sẽ không dám xâm lăng. Tệ hại hơn nữa, chế độ độc tài Lukaschenko đã biến Belarus thành một thuộc địa của Nga.

Đầu những năm 1990 kinh tế các nước Đông Âu xấp xỉ nhau. Bảng so sánh thu nhập đầu người giữa Ba Lan, Séc, Latvia, Estonia với Ukraina và Belarus (Đồ họa 3 và 4) là một bằng chứng đanh thép cho thấy ưu thế của cải cách toàn diện so với cải cách khập khiễng.

Cải cách khập khiễng không chỉ trì hoãn tốc độ phát triển kinh tế, làm mất nhiều cơ hội lịch sử, mà còn tha hóa đạo đức xã hội, chia rẽ dân tộc.

Chủ nghĩa tư bản tự do dùng mạnh nuốt yếu, tích lũy từ sở hữu cá thể manh mún sang sở hữu đại công nghiệp. Tuy hoang dã nhưng những kẻ mạnh thắng thế qua cạnh tranh, sau nhiều thế hệ cũng kết tinh được một tầng lớp ưu tú lãnh đạo xã hội. Sau này sức ép của tự do và xã hội dân sự đã dần tạo ra nhà nước tư bản phúc lợi.

Ngày nay, khi chuyển từ kinh tế xã hội chủ nghĩa sang tích tụ tư bản mà không có tự do cạnh tranh, không có tự do báo chí, tự do ngôn luận thì tham nhũng chính là công cụ hiệu quả nhất để tuồn sở hữu công sang túi cá nhân. Không phải những kẻ giỏi, mà chỉ một nhóm đặc quyền đáp ứng chủ nghĩa lý lịch và những kẻ cơ hội biết sử dụng quan hệ luồn cúi đã thắng cuộc.

Khác với chủ nghĩa tư bản tự do, bọn thắng cuộc trong chủ nghĩa tư bản thân hữu không phải là sản phẩm của tài năng mà là của sự đểu giả. Nếu chỉ một vài ngàn kẻ lưu manh thì chỉ là một nhẽ. Nhưng khi cả một hệ thống cùng hy vọng không cần phải thay đổi lối sống mà vẫn phát triển, vẫn giàu nhanh thì đó là lúc sự lừa gat, giả dối lên ngôi.

Trên thì tự lừa dối rằng: Cứ tư nhân hóa thoải mái, bán tài nguyên thoải mái thì năm 2020 Việt Nam sẽ thành một nước công nghiệp. Rồi 2030, rồi 2045…

Dưới thì cả tuần tham nhũng, thất đức để cuối tuần lấy tiền đi cúng chùa.

Lừa gạt, giả dối, chộp giật lan ra toàn xã hội chính là nguyên nhân suy đồi đạo đức chứ không phải kinh tế thị trường như người ta vẫn đổ lỗi. Đông Đức, Ba Lan, Séc, Hungary… cũng chuyển từ kinh tế kế hoạch sang thị trường mà không hề có “kinh tế chùa”, bệnh nhân không phải chờ trả tiền mới được cấp cứu, học sinh không phải học thêm mới lên được lớp, nông dân không trồng riêng rau cho nhà mình ăn…

Việc ông Tổng bí thư coi những “thành tích” xưa nay chỉ là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình”, coi đóng góp kinh tế của nội lực “có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường”[2] được coi như một lời kêu gọi thức tỉnh.

Việc hàng loạt cơ quan, tổ chức nhà nước bị tinh giảm, việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với phương Tây, v.v. được nhiều người coi là những tín hiệu chuyển dịch sang “kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình.” Không ít trí thức tinh hoa ở trong nước, xưa nay luôn quyết liệt đòi hỏi dân chủ, nay gửi một thông điệp mới cho đảng cầm quyền: Chúng tôi tạm thời để dịu, để lắng đi cái “Khát vọng Dân chủ” để ủng hộ việc tập trung nguồn lực của Đất nước vào cải cách, phát triển kinh tế và khoa học công nghệ, đưa đất nước sớm thoát bẫy lạc hậu, đưa Đất nước sớm hoà nhập với thế giới văn minh.

Tôi kính nể lòng yêu nước của các bậc trí thức trên. Họ dám hy sinh khát vọng dân chủ để dân tộc mau chóng thoát khỏi ngõ cụt. Họ luôn bị phê phán là đòi hỏi một thứ xa xỉ trong khi đa số nhân dân chỉ cần đủ ăn.

Có nhiều cách để tiến tới văn minh. Trung Quốc đang muốn dẫn dắt nhân loại theo mô hình: “Thịnh vượng phi tự do”. Hàng hóa “Made in China” từng mang tiếng xấu, nhưng nay mô hình nhà nước China đang quyến rũ không chỉ dân các nước nghèo, mà cả ở các nước phương Tây. Không chỉ ở Italia, ở Argentina mà ngay cả ở Mỹ, số người tin vào những kẻ dân túy ngày càng tăng, với hy vọng “bàn tay sắt” sẽ đem lại phồn vinh.

Trung Quốc đã công nghiệp hóa thành công bằng bàn tay sắt. Trong khi hàng trăm triệu người Hoa thoát khỏi đói nghèo thì có hàng chục ngàn trí thức bất đồng chính kiến, hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, phật tử Tây Tạng, đệ tử Pháp Luân Công đang chết dần, chết mòn trong trại tập trung. Thành công của Trung Quốc có rất nhiều mặt trái. Đa số thanh niên Trung Quốc không biết về sự kiện Thiên An Môn hè 1989 thì đã đành, vì nền “Độc tài số” đã xóa đươc trí nhớ của cả dân tộc. Nhưng họ cũng không biết rằng hoa quả trên đời có được nhờ ong, bướm thụ phấn. 100% hoa quả Trung Quốc được thụ phấn bằng tay và máy rung.

Có lẽ vì thế mà cỗ máy DeepSeek đang được toàn cầu ca ngợi chỉ dám nói những gì “không nhạy cảm”. Còn quá sớm để nói về thành tựu này, vì trí tuệ nào cũng phải học rồi mới trưởng thành. Nhưng nếu đứa trẻ được dạy nói dối từ bé thì rẩt nguy hiểm. Rõ ràng mô hình Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Có nhiều con đường để canh tân đất nước. Nhưng con đường nào cũng phải tạo ra một tầng lớp trí thức có trình độ sâu sắc, có phương pháp làm việc chuyên nghiệp” đó là điều tiến sỹ Phạm Thanh Vân tâm sự.

Muốn có vậy phải đảm bảo tự do học thuật và tự trị đại học. Đó không phải là xa xỉ, mà là một cải cách rất cấp bách cho một nước thiếu nhân tài như VIệt Nam.

Chúng tôi đến thăm anh Vũ Thư Hiên tại Hà Nội. Anh đang sống trong tình thương yêu của vợ con, đang hưởng những kỷ niệm của “Miền Thơ Ấu”. Các chú công an nói với anh: “Bác cứ ở lại đây bao lâu cũng được, muốn đi đâu cũng được.” Từ lâu tôi đã khuyên anh về nước và nay tôi thực sự mừng cho anh. Tôi gặp anh Hà Dương Tường từ Paris về thăm quê. Anh từng không được nhập cảnh Việt Nam chỉ vì tham gia Ban Biên tập báo mạng Diễn Đàn. Nay anh cứ thử dùng hộ chiếu Pháp về thì thấy không có chuyện gì xảy ra. Tôi biết một số văn nghệ sĩ vốn bị cấm cửa nay cũng đã về thăm nhà. Tôi mừng cho họ và cả cho đất nước. Nhưng tôi buồn khi biết tin tháng 12.2024 một trí thức từ Pháp về bị cấm nhập cảnh, chỉ vì một vài ý kiến trên mạng.

Cởi mở, lắng nghe ý kiến của trí thức đâu có xa xỉ.

Có một thứ không hề xa xỉ, không cần phái cải cách gì cả. Đó là đảm bảo thực hiện nghiêm túc Hiến pháp 2013. Xa xỉ chút là lập Tòa án hiến pháp để chặn mọi văn bản vi hiến.


[1] https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-dien-dan-quoc-gia-phat-trien-doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-lan-thu-vi-20250115142329679.htm

[2] Bài đã dẫn.

Thăm anh Vũ Thư Hiên tại Hà Nội tháng 11.2024

Tiến sĩ Phạm Thanh Vân tại hội thảo Manila 2024 về Biển Đông. Vân là người khởi xướng Sáng kiến Đại sự ký Biển Đông, một tổ chức NGO trong lĩnh vực nghiên cứu địa chính trị.

Đồ họa 3: Thu nhập bình quân theo đầu người của một số nước Đông Âu sau khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã. Nguồn https://wits.worldbank.org/.../LTST/indicator/NY-GDP-PCAP-CD

Đồ họa 4: Thu nhập đầu người của một số nước Đông Âu sau 30 năm thay đổi thể chế. Các nước cải cách toàn diện có mức sống cao từ 5-6 lần các nước chỉ tư nhân hóa. Nguồn: https://wits.worldbank.org/.../LTST/indicator/NY-GDP-PCAP-CD