Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2025

“Phật tính” của người con gái Việt

Nguyễn Hoàng Văn


Mới đây một người bạn online gởi đến một video clip và bản chụp mấy trang trong cuốn Kỷ niệm sân khấu của MC Nguyễn Ngọc Ngạn, hỏi ý kiến tôi về cách ông này kiến giải thành ngữ “Phận con gái mười hai bến nước”. [1]

Trong clip – cắt từ một sản phẩm Paris by Night – ông Ngạn cho biết trong chương trình trước MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên hỏi ông ý nghĩa của thành ngữ “Phận con gái mười hai bến nước” và lúc đó ông “đoán” ra hai điều: về vần, từ “gái” liền vần với “mười hai” và, về nghĩa, “số 12 trùng với 12 tuổi Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.”

Ông Ngạn cho biết sau đó đã nhận rất nhiều phản hồi, trong đó đáng chú ý nhất là hai ý kiến, theo đó thì “mười hai bến nước” là:

- “Công, Hầu, Khanh, Tướng, Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục”

và:

- “Sĩ, Nông, Công, Thương, Nho, Y, Lý, Bốc, Ngư, Tiều, Canh, Mục”.

Rồi ông Ngạn trình bày rằng vấn đề này không thể khẳng định đúng sai như là một “định luật” khoa học mà thuộc về phạm trù “tư tưởng” và “khoa học nhân văn”: ông cùng cô Kỳ Duyên góp nhặt trong sách, mà trong sách thì cũng chưa chắc đúng và họ, thực ra, chỉ đưa lên như những “gợi ý” nhằm tạo ra một “nhịp cầu thông cảm”.

Nhưng “khoa học nhân văn” cũng là… khoa học: nếu không có những định luật bất di bất dịch thì cũng có logic của nó, mà xét về logic thì cái sai đã rành rành trong hai phản hồi trên.

Thứ nhất là “Công, Hầu, Khanh, Tướng”. Đây chỉ là cách nói chung chung về những vị trí cao quý trong xã hội thời xưa, như câu đối của Đặng Trần Thường khi trả thù Ngô Thì Nhậm “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai. Nếu “Công” và “Hầu” là hai thứ bậc quý tộc thì “Khanh”, “Tướng” là phẩm trật quan lại trong triều, hai cặp này hoàn toàn không cùng một “phạm trù” với nhau. Nếu phân biệt thứ bậc quý tộc thì phải là “Công, Hầu, Bá, Tử, Nam”.

Thứ hai, cái sai trong lời đáp thứ hai thuộc về sự chồng chéo, thí dụ “Sĩ” cũng có thể là “Nho”, v.v.

Sau đó, trong cuốn sách viết về đời hoạt động sân khấu, ông Ngạn đã dành ra mấy trang để mở rộng những ý trên với lời kết:

- “Tóm lại, Mười Hai Bến Nước có thể không phải là Mười Hai Con Giáp như tôi phỏng đoán. Nhưng bảo rằng Mười Hai Bến Nước là Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục, Công, Hầu, Bá, Tử” thì muôn đời tôi không cho là hợp lý”.

Câu chuyện của ông Ngạn làm tôi nhớ lại đám cưới của ông anh họ ở quê vào cuối thập niên 1970, khi hai họ kháy nhau, móc họng nhau vì… “mười hai bến nước”. Đưa dâu đến nhà trai, một bà cô bên nhà gái đã cao hứng diễn… tuồng, quàng tay lên vai cô dâu mếu máo “phận con gái mười hai bến nước, không biết phận con rồi sẽ tới đâu” khiến đàng trai gai mắt và, cuối cùng, một người đã nổi cáu đứng lên:

- “Thưa bà, bà nói vậy là có ý gì? Xin bà cho biết mười hai bến nước là những bến gì và cháu tôi thuộc về bến nào?”

Ông nói sang sảng khiến cả đám tiệc im bặt, hướng con mắt về bà cô đàng gái đang ngậm miệng, ú ớ, gắng gượng giải thích “bến trong, bến đục” nhưng vẫn không được tha:

- “Còn thiếu mười bến nữa, chúng tôi vẫn chưa biết cháu tôi là thứ bến nào, xin bà vui lòng nói rõ cho!”

Bà chịu thua, đầu hàng vô điều kiện. Sau đó, khi nhà gái ra về, còn đàng trai với nhau, có người nhắc lại, ông mới giải thích đó là “Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục” khiến tôi, lúc đó mới có mười mấy tuổi, đã cảm thấy sai sai.

Sai bởi lời đáp trên lại dư, lên tới 13 mà vẫn thiếu. Thiếu bởi trên tước Công còn có tước Vương với những nhân vật lịch sử như An Sinh Vương (Trần Liễu), Hưng Đạo Vương, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, An Định Vương (Lê Phát An), v.v. Trong khi đó thì Nguyễn Trãi, lẽ thường, phải thuộc hạng “Sĩ” nhưng ông còn mang tước “Hầu”, là “Tế Văn Hầu”, nên xếp vào đâu? Chưa nói việc xã hội nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam thời xưa thì làm gì có sự chuyên môn hóa rõ ràng giữa giữa “Nông”, “Tiều”, “Canh”, “Mục”!

Nhưng chỉ nghĩ trong đầu vậy thôi, tôi không dám cãi với người có vai vế ngang với ông nội mình trong khi vẫn chưa tìm ra lời đáp xác đáng. Mãi sau này đọc nhiều, học hỏi thêm từ nhiều tác giả, mới thấy lời giải đáp hợp lý nhất là “Thập nhị nhân duyên”.

Đó là lời Phật dạy: “Vô minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Lão tử”: “thập nhị nhân duyên” này chuyển mãi, từ “nhân duyên” này đến “nhân duyên” khác, từ quá khứ đến hiện tại và vị lai, nên chúng sanh mới chìm đắm mãi trong vòng luân hồi lẩn quẩn.

Nếu sự đời xoay vần quanh “thập nhị nhân duyên” thì đời con gái cũng vậy, cũng lòng vòng trong “mười hai bến nước”. Mà nếu phận gái Việt thể hiện… ‘Phật tính” như thế thì đó, xét cho cùng, cũng chỉ là một điểm nhỏ trong yếu tố mà sử gia Trần Quốc Vượng gọi là “Phật tính của tiếng Việt”, là điều mà tôi từng đề cập trên trang talawas, những 20 năm trước:

 

"Thường, khi động đến chữ "hiếm" chúng ta ngụ ý cái gì đó ít ỏi, như "hiếm hoi", "hiếm khi", "hiếm có", "khan hiếm"; thế nhưng "hiếm mấy" lại là... nhiều. Tiếng Việt của chúng ta có... điên hay không?

Có người cho rằng nó không điên mà, thực ra, đầy... Phật tính. Liên quan đến Phật tính và cả cái sự nhiều, sử gia Trần Quốc Vượng, trong cuốn Trong Cõi, nói đến cụm từ "hằng hà sa số" hay, gọn hơn, "hằng sa số": chúng ta chỉ nghe, nói, và viết theo thói quen mà ít khi nghĩ đến gốc gác và những ý nghĩa sâu xa của nó.

Chữ "hằng" được viết thường nhưng, từ gốc gác, đó lại là Hằng, hay Hằng Hà, con sông vĩ đại và thiêng liêng của dân tộc Ấn, được nhắc tới trong kinh Lăng Nghiêm: "Khi ấy Bồ Tát Đại Huệ lại bạch đấng Thế Tôn: Trong kinh chép Đức Thế Tôn dạy rằng các đấng Như Lai, quá khứ, hiện tại và vị lai nhiều như cát sông Hằng..." "Hằng hà sa số" ngụ ý nhiều như cát sông Hằng, và như thế, sách Phật đã đi vào tiếng nói thường ngày của chúng ta.

Thế nhưng tấm áo cà sa không làm nên ông thầy tu và một điển cố vay mượn khó mà thể hiện đặc tính ở tiếng nói của một dân tộc. Nếu có cái gì đó gọi là "tính" của tiếng Việt, cái đó phải thể hiện ở những ý nghĩa thâm sâu hơn, mang tính triết học cao hơn, và ở một tầm mức mang tính khái quát hơn.

Aristotle từng nêu lên một tiền đề về luận lý học: đã là A thì không thể là phi-A trong khi sách Phật thì cho là sự đời sắc sắc không không, có đấy mà không đấy, không đấy mà có đấy, như là hình ảnh của bóng trăng nơi đáy nước:

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Tuồng như bóng nguyệt lòng sông

Nào ai mà biết có không bao giờ?

Tiếng Việt cơ hồ cũng sắc sắc không không như vậy. Cũng một thí dụ do sử gia Trần đưa ra: "bất" có nghĩa là không, nhưng chưa hẳn gắn "bất" vào từ ngữ nào cũng đều minh định sự.... không tồn tại của nó. Như, "bất thình lình" và "thình lình", chẳng hạn.

Bảo rằng một ứng cử viên "bất xứng" với sự tín nhiệm của cử tri, có nghĩa là kẻ đó không hề xứng đáng và chắc chắn sẽ không bao giờ đắc cử. Nói một cuộc khởi nghĩa "bất" thành, có nghĩa là cuộc khởi nghĩa đó đã bị thất bại, thất bại từ trong trứng nước hay chỉ sau mấy ngày đầu. Cứ thế: bất đồng ý kiến, nhân vật bất đồng chính kiến, luật bất thành văn, sự bất quá tam hay "Phi cao đẳng bất thành phu phụ", v.v. Thế thì tại sao "bất thình lình" lại y hệt "thình lình"?

Suy diễn rộng ra sẽ thấy rằng tiếng Việt có khá nhiều hiện tượng "sắc sắc không không" như thế. Như "ấm" và "lạnh", chẳng hạn. Vào muà Đông, để chống chọi với cái lạnh, chúng ta có thể mặc "áo ấm" hay "áo lạnh" tùy ý, áo nào cũng tốt cả và cùng một nghĩa như nhau cả. Và như thế, nếu áp dụng máy móc phương pháp loại suy của toán học sơ cấp, hai chữ trái nghĩa nhau này đều có cùng một nghĩa như nhau hay sao?

"Tin" hoàn toàn trái nghĩa với "nghi"/"ngờ". Thế nhưng nếu hôm thứ Năm một cựu chính khách trả lời phỏng vấn: "Tôi tin rằng Tổng thống Bush sẽ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2004!" thì ông ta cũng chẳng hề mâu thuẫn với mình khi, ngay từ hôm thứ Hai, đã dõng dạc tuyên bố: "Tôi nghi là Tổng thống Bush sẽ thất bại trong cuộc tranh cử năm 2004!". Cũng máy móc áp dụng phương pháp loại suy thì, ở đây, "tin" và "nghi" lại cùng một nghĩa như nhau chăng?

Và nếu lội ngược thời gian một chút, vị chính khách trên cũng chẳng hề bất nhất khi, trong hai lần trả lời phỏng vấn, khi thì nói năm 2000 ông Bush đã "đánh thắng ông Al Gore", khi thì nói "đánh bại ông Al Gore": "thắng" và "bại", vốn ngược nhau như nước với lửa thì, ở ngay thí dụ này, lại cùng một nghĩa như nhau.

Tố Hữu viết: Ai vô đó với đồng bào đồng chí / Nói với nửa Việt Nam yêu quý và khi một người từ bắc đi vào nam, họ đã "vào trong Nam", còn khi đi theo hướng ngược lại thì lại là "ra ngoài Bắc" cho dù ông ta chẳng vượt qua ải Nam Quan hay cửa khẩu ở Móng Cáy để "ra bên ngoài Bắc bộ". Tương tự, một người có thể "vào trong Sài Gòn" và "ra ngoài Hà Nội", cho dù, trên thực tế thì "trong Sài Gòn" anh ta cũng có thể rong chơi ở Bến Lức, Biên Hoà và khi "ra ngoài Hà Nội" anh ta chỉ quanh quẩn ở mấy phố nội thành, Hồ Gươm hay đền Trấn Vũ chứ chẳng buồn đặt chân đến Việt Trì, Vĩnh Phú, những địa danh ở "ngoài Hà Nội". "Trong" và "ngoài", rồi "ra" và "vào/vô" như thế, áp dụng phép loại suy máy móc của toán học sơ cấp, cũng cùng một nghĩa như nhau: tiếng Việt sắc sắc không không quá đi chứ?” [2]

Không chỉ tiếng Việt mà cả sử Việt, với biến loạn “Thập nhị sứ quân”, theo sử gia Tạ Chí Đại Trường”, cũng xuất phát từ ý này. Thực tế lúc đó không chỉ có “12 sứ quân” và sự thể cũng là do người viết sử chịu ảnh hưởng Phật giáo:

Tạ Chí Đại Trường viết:

 

“Số sứ quân hơn 12 đã có nhiều kẻ khác. Mà không phải họ không có thực lực so sánh với các nhóm được sử quan kể...Qua thiên tai thủy họa, bụi đất hằn học của con người trải dài hơn mười thế kỷ, ta còn đếm được 15,16 sứ quân. Vậy tại sao chỉ kể có 12?...Con số 12 là cố tình đếm vừa đủ cho hợp với một phạm trù nào đó của ý thức hệ đương thời. Con số 12 được gợi từ ý niệm ‘thập nhị nhân duyên’, ‘thập nhị duyên khởi’ của Phật Giáo. Chỉ vì người chép sử Đinh là một tăng lục, Ni sư Trương Ma, như ta đã thấy rõ nhiệm vụ thế tục giao cho bà.

[…] Quan niệm về Thập nhị nhân duyên ấy được thấy khắp các phái trong thế giới Phật giáo từ lục địa lan xuống hải đảo Đông Nam Á, và nằm trên các tấm vàng lá cùng những phần chú giải, tìm được ở Java. Tất nhiên, Đại Việt từ lúc khởi thủy du nhập vẫn không xa rời nó. Người Phật từ tâm niệm hàng ngày với ‘nghiệp’, với ‘nhân duyên’..., và điều đó đi vào tâm trí người tăng lục sử quan của triều Đinh, trở thành sự kiện lịch sử muôn đời cho dân Việt. Sứ quân, không cần đếm rõ bao nhiêu cho đến hết, được coi như là mười hai ‘nhân duyên’ gây ra khổ nạn cho dân chúng. Và việc dẹp tan sứ quân, là một Giải thoát, đã được thực hiện bởi người chủ tướng, vị hoàng đế đã đem lại ân đức cho Trương Ma, cho tôn giáo của Bà. Sự kiện lịch sử trần trụi đã được lồng vào ý thức hệ để tuyên dương cho ý thức hệ vậy.” [3]

Như thế con số “thập nhị” chỉ mang tính tượng trưng, cũng như Đinh Tiên Hoàng, sau khi dẹp yên “12 sứ quân”, xưng danh là “Vạn Thắng Vương”. Vạn, như trong “vạn tuế”, là cái gì đó rất nhiều. Thắng chưa tới hai mươi sứ quân mà đôn lên thành… mười ngàn nên, ở đây, con số cũng được thể hiện với ý nghĩa tượng trưng!

Nhưng tôi sẽ bỏ qua thắc mắc của anh bạn online, sẽ không bận tâm gì đến “phỏng đoán” của vị MC ăn khách để rồi bàn đến những điều xa xôi như thế nếu không có sự liên tưởng ngược từ mấy lời kết cảm động trong bài ký của Nguyễn Khải về “Người vợ” của Trần Dần, bà Bùi Thị Ngọc Khuê.

Đó là một phụ nữ mà, để nuôi sống gia đình đang bị chế độ rút phép thông công thì, bên ngoài, ngày ngày phải bê cái mẹp dép nhựa chạy tránh công an và, về nhà, để đánh lừa con mắt của cái gia đình suốt mấy chục năm trời không có lấy một bữa no, bữa nào cũng tính toán để dành cơm nguội lại cho nồi cơm kế tiếp, ghế một bát sẽ nở thành mấy bát…

Đó là một người vợ nhẫn nhục, cam chịu; Trần Dần kêu than bị chế độ “làm khó” nhưng lại “làm khó cho vợ cả trăm lần”. Thế nhưng, như một bà mẹ, thì cực kỳ quyết đoán, có thể nhân nhượng mọi chuyện với chồng trừ việc dạy con với “luật nhà” không thể xâm phạm, như một nhà “độc tài”. Bước ra ngoài, Trần Dần có thể tùy ý mắng chửi hay nói xấu bất cứ ai – từ chính phủ, đến xã hội, bạn bè – nhưng về nhà tuyệt đối không được hé môi bởi sẽ ảnh hưởng đến con cái...

Bài ký được viết sau khi Nguyễn Khải chứng kiến một Trần Dần suy kiệt, không còn biết mình là ai, cũng không làm chủ được việc bài tiết của cơ thể mà những cực nhọc của việc chăm sóc được người vợ kể lại với nét mặt tươi tắn, bình thản:

“Chị đã quen với nhọc nhằn đến thế sao? Chả rõ văn thơ của ông bố, vẽ vời của ông con rồi ra sẽ có ích lợi gì cho đời, chuyện đó còn phải đợi. Nhưng hiển nhiên nếu không có những người vợ, những bà mẹ một đời nhẫn nhục gánh chịu mọi tai họa vì những người thân yêu thì thế giới này sẽ buồn thảm lắm, sẽ lạnh lẽo lắm”. [4]

Như thế, vượt lên trên những lắt léo ngôn ngữ, vượt lên trên những lý thuyết rắm rối của tôn giáo về sự trầm luân của kiếp người, đây mới là “Phật tính” ở những phụ nữ đáng được tạc tượng của chúng ta, những người mẹ, người chị, người vợ và người em trong những giai đoạn lịch sử không thể nghiệt ngã và đảo điên hơn:

Cô gái Việt Nam ơi!

Từ thuở sơ sinh lận đận rồi

Tôi biết tình cô u uất lắm

Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi

[..]

Cô gái Việt Nam ơi!

Nếu chữ hy sinh có ở đời

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi

(“Cảm xúc”, Hồ Dzếnh)

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.facebook.com/watch/?v=1263335928184744

2. https://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=126&rb=06

3. Tạ Chí Đại Trường, (2004). Sử Việt đọc vài quyển, Văn Mới. California, trang 30-31

4. Nguyễn Khải (2020), Một người Hà Nội, Nhà xuất bản Văn Học, trang 46-53