Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2025

Trần Độ – Người thắp lửa tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ

 Tô Văn Trường

Sau khi tôi viết bài Nguyễn Hữu Đang – Một kiếp nhân sinh giữa thăng trầm lịch sử nhiều bạn đọc đã hỏi: “Sao anh không viết về danh tướng Trần Độ?” – một con người kiệt xuất, một nhà văn hóa, một danh tướng tài ba, cũng là người con của quê lúa Thái Bình.

Tôi đã hai lần đến viếng mộ ông. Lần đầu, tôi cùng cậu em rể – một cựu quân nhân – và đứa cháu rong ruổi suốt một buổi mới tìm ra phần mộ của ông tại nghĩa trang Tiền Hải. Một nấm mồ giản dị, lặng lẽ giữa những hàng bia đá nhưng lại gợi lên bao nỗi niềm về một con người từng vào sinh ra tử, từng góp phần làm nên những trang sử oai hùng của dân tộc.

Lần thứ hai, tôi đến viếng cùng anh Tạ Quyết Thắng – Chủ tịch họ Tạ Việt Nam. Đứng trước phần mộ vị danh tướng, tôi không khỏi xúc động khi nghĩ về cuộc đời đầy bi tráng của ông – một vị tướng tài ba, một người cầm bút sắc sảo, nhưng cũng là người đã chịu không ít oan khuất, ngay cả khi đã về cõi vĩnh hằng. Lịch sử luôn ghi công những bậc anh hùng, nhưng cũng có những con người mà số phận dường như trớ trêu, để lại trong lòng hậu thế biết bao suy tư và trăn trở...

Những năm 60 của thế kỷ trước, khi tiếng bom Mỹ bắt đầu dội xuống miền Bắc và tin tức về việc Mỹ đưa quân vào miền Nam lan truyền khắp nơi, trong lòng mỗi thanh niên, học sinh chúng tôi khi ấy đều hừng hực khí thế lên đường nhập ngũ. Ở năm cuối bậc phổ thông – lớp 10, chúng tôi sống trong thời đại mà phương tiện truyền thông còn vô cùng hạn chế. Không truyền hình, không phát thanh rộng rãi, mà chỉ có hệ thống “truyền thanh” – những sợi dây điện nối dài, kéo âm thanh từ chiếc loa này sang chiếc loa khác, len lỏi qua từng ngõ nhỏ.

Vậy mà, mỗi khi đến chương trình văn hóa - văn nghệ, đặc biệt là chuyên mục “Câu chuyện chủ nhật” hay “Kể chuyện đêm khuya”, cả xóm lại lặng đi, chăm chú lắng nghe. Những câu chuyện thấm đượm lòng yêu nước, về giải phóng miền Nam, về những trang sử hào hùng của dân tộc, đã gieo vào lòng chúng tôi niềm tự hào và khát khao cống hiến.

Giữa những giọng kể cuốn hút ấy, cái tên “Trần Độ” hiện lên đầy ấn tượng. Khi ấy, chúng tôi chỉ biết ông là một nhà văn quân đội, với giọng văn sôi nổi, hào hùng, cách kể chuyện giản dị nhưng sâu sắc và hóm hỉnh. Những câu chuyện của ông không chỉ tái hiện sinh động cuộc cách mạng Tháng Tám hay những năm tháng kháng chiến chống Pháp, mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước mãnh liệt trong thế hệ trẻ. Sau này, khi biết Trần Độ là người con của quê hương Thái Bình, đám học sinh chúng tôi càng thêm ngưỡng mộ và tự hào. Nhưng với chúng tôi lúc ấy, ông vẫn là một nhân vật xa vời – ở tận Hà Nội, ở Trung ương, hay ở một nơi nào đó ngoài tầm với.

Giá mà bây giờ có ai tập hợp lại tất cả những bài viết, những mẩu chuyện của ông ngày ấy thành một tuyển tập, chắc chắn đó sẽ là một kho tư liệu quý giá, giúp thế hệ hôm nay cảm nhận được khí thế hào hùng, tình yêu quê hương đất nước mà Trần Độ đã truyền lửa cho biết bao người trẻ suốt những năm tháng đầy biến động ấy…

Quê hương

Năm 2012, lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tại nhà họa sĩ Nguyễn Quốc Việt ở Thái Bình, tác giả của nhạc phẩm Khúc hát sông quê nổi tiếng.

Thời kháng chiến, nhà thơ Giang Nam có bài thơ nổi tiếng với những câu thơ giản dị mà sâu sắc, thấm đẫm lòng người khi nói đến quê hương:

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi

Yêu quê hương, trước hết là hiểu lịch sử và văn hóa quê hương, đặc biệt các nhân vật đã đi vào huyền thoại của đất nước. Thái Bình là nơi phát tích của nhà Trần một trong những triều đại vẻ vang nhất của lịch sử Việt Nam. Thái Bình cũng tự hào về những tên tuổi lớn Lê Quý Đôn, Nguyễn Đức Cảnh. Quê hương tôi không có núi, nhưng có ngọn núi nào cao hơn “ngọn núi” - nhà bác học Lê Quý Đôn?

Ngay trên một huyện ven biển của Thái Bình được lập lên do công trình lấn biển dưới sự chỉ huy của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cũng đã có tên ba danh tướng thời hiện đại là Trần Độ, Hoàng Văn Thái và Đào Đình Luyện. Ngoài ra, Thái Bình còn có vị tướng tình báo nổi tiếng Vũ Ngọc Nhạ cố vấn ba đời Tổng thống chế độ Sài Gòn cũ.

Trong một lần về thăm quê hương, tôi được nhà văn Võ Bá Cường tác giả cuốn sách Chuyện tướng Trần Độ (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2007), kể cho nghe những gian nan vất vả khi đi tìm sự thật. Dù được sự ủng hộ của các vị lão thành cách mạng như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, v.v. nhưng tác giả vẫn phải biết cách “lách”, không bình luận để đưa được cuốn sách ra mắt bạn đọc.

Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách sinh ra ở xóm Bát Điếu, làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải (do Doanh điền Nguyễn Công Trứ khai khẩn từ 1828). Trần Độ tham gia cách mạng từ thuở thanh niên, trải nghiệm, thử thách giữ vững khí tiết của người dân yêu nước qua các nhà tù tàn khốc từ Thái Bình, qua Hỏa Lò đến Sơn La.

Ông là một vị tướng nổi tiếng, tài kiêm văn võ, có nhiều công lao đi cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Ông là ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa, là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét Trần Độ là người nhạy cảm với thời cuộc, tha thiết với yêu cầu “đổi mới” của Đảng để đưa đất nước tiến lên. Với văn nghệ, ông là người chủ trương định hướng rộng. Tiếc thay, ông sa vào cái mạng lưới “hạn chế” của thời cuộc, rơi vào tình thế lao lung hiểm nguy và cuối cùng bị xử trí oan ức.

Bản lĩnh Trần Độ

Danh tướng ở nước ta có nhiều, nhưng là tướng tài, ‘văn - võ song toàn’ như tướng Trần Độ rất hiếm.

Ông được người đời mến mộ bởi ‘tâm sáng, chí cao, bản lĩnh phi thường, lập trường kiên định’. Ở mặt trận xông xáo tác chiến, thắng giặc rồi vẫn bền chí trung kiên, sẵn sàng bút chiến. Những gì mà có hại đến uy tín của Đảng, có hại cho dân, bất lợi cho nước đều không nằm ngoài tầm kiểm soát và trăn trở của ông. Sự thẳng thắn, cương trực của ông đã làm cho những vị quan chức quyền uy, thích vuốt ve, khoái nịnh bợ khó chịu, thậm chí hằn học.

Tuy ông đã đi xa, nhưng người dân đều thấy những điều ông nói, suy cảm, những đề xuất ích nước lợi dân nay vẫn còn mang đậm tính thời sự, và giá trị hiện thực. Tâm hồn, bản lĩnh, ý chí của ông như còn tươi nguyên.

Ở cương vị thay mặt Đảng, lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, ông có ý thức “cởi trói”. Ông nhận thức rằng văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp. Cần phải biết trọng dụng các tài năng, thuyết phục các tài năng do cá tính độc lập, và tài năng sáng tạo, họ không phải là những kẻ dễ chịu ngoan ngoãn, phục tùng.

Về vấn đề Đảng lãnh đạo, Trần Độ phát biểu: Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thoái hoá, ruỗng nát, tắc tỵ không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể Đảng nữa. Nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và phần nào trong xã hội là ở cơ chế lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng”.

Ông kêu gọi: Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử, ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng, trừ bỏ “hiệp thương” mà thực chất là gò ép.

Ngay từ năm 1974, sau khi đi tham quan ở Cộng hòa Dân chủ Đức và trải nghiệm thực tế của bản thân, Trung tướng Trần Độ viết bức thư tâm huyết yêu cầu đổi mới (14 trang) gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Lê Duẩn, Trường Chinh và Lê Đức Thọ.

Nội dung chủ yếu, ông kiến nghị đưa ra khỏi Đảng những nhân vật lười biếng, mất phẩm chất, chỉ biết nói về Nghị quyết của Đảng như con vẹt, không có năng lực nhưng chiếm chỗ quan trọng, là đầu mối gây bất hòa trong Đảng. Ông kiến nghị cần tổ chức để đưa nông dân ra đồng làm việc một cách tự giác, để phát triển nông nghiệp. Đưa thanh niên học sinh đi học ở nước ngoài (không phải chỉ làm thuê) để có kiến thức về phục vụ xây dựng phát triển đất nước, v.v.

Trần Độ có bốn câu thơ giãi bày tâm sự thật ngao ngán (và được một số tài liệu đăng lại khác nhau):

Bản 1

Những mơ xoá ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Ác xóa đi, thay bằng cực thiện

Tháng ngày biến hoá, ác luân hồi.

Bản 2

Những mơ xoá ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện

Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.

Chính vì các quan điểm nêu trên, ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiếng vỗ tay trong một đám tang

Để tưởng nhớ công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự phát triển kinh tế xã hội vùng tứ giác Long Xuyên, lãnh đạo và nhân dân địa phương quyết định đổi tên kênh Tuần Thống- T5 thành kênh Võ Văn Kiệt.

Ở đầu kênh có tấm bia đá hoa cương khắc bài văn bia do Anh Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang) chấp bút. Khi được giao nhiệm vụ này, Anh Bẩy hiểu rõ “khôn văn tế, dại văn bia” nên đã lao tâm, khổ tứ, vắt óc chắt lọc từng con chữ từ trái tim thành kính, ngưỡng mộ vị Thủ tướng của nhân dân, để lại áng văn sâu sắc đi vào lòng người.

Ngược lại với văn bia kể trên là “văn tế” trong đám tang của Trung tướng Trần Độ.

Tôi được nghe trực tiếp nhà thơ Việt Phương nguyên thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại bài điếu văn của Trưởng ban tang lễ do ông Vũ Mão vừa mới đọc xong, đã bị con trai Trung tướng Trần Độ là Đại tá Tạ Toàn Thắng đáp từ, lịch sự khước từ không chấp nhận trong… tiếng vỗ tay đồng tình của những người đi viếng. Sự kiện hy hữu này, đã làm ông Vũ Mão mang tiếng để đời. Đại tá Tạ Toàn Thắng đã làm, chí ít bổn phận đạo hiếu làm con, là bênh vực lẽ phải cho cha mình!

5 năm, sau ngày mất của tướng Trần Độ, ngày 1/8/2007 tại hội trường Ba Đình, ông Vũ Mão viết bức thư Nghị sỹ đóng vai nghệ sỹ bất đắc dĩ, thanh minh, dù không đồng tình nhưng vẫn phải chấp nhận phân công của tổ chức, đọc bài điếu văn “lại phải đọc cả thiếu sót khuyết điểm của người quá cố”. Ông biết, đó là điều tối kỵ chưa ai làm thế bao giờ nhưng vẫn phải làm (?).

Nghĩa tử là nghĩa tận. Đạo hiếu người Việt không bao giờ cho phép lương tâm người sống “nói xấu” người đã khuất, khi mà người đó thực ra đã dám sống trung thực với tổ chức của mình. Trần Độ không phải người đầu tiên. Ông chỉ là “hậu bối” của các bậc tiền nhân tiên liệt nước Việt như Chu Văn An…

Tiếng “vỗ tay” trong tang lễ là bài học đắt giá cho các vị chính khách chỉ biết nhìn vào “cái ghế” của mình nhân danh “ý thức tổ chức”, không dám hiểu thấu đáo công bằng của sự thật và tình nhân ái của con người. Lời sám hối muộn màng của ông Vũ Mão nhưng có, còn hơn không!

Những gì của Caesar trước sau cũng sẽ phải được trả cho Caesar

Đánh giá về Trung tướng Trần Độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết (ngày 12/7/2006), nguyên văn như sau:

Trần Độ là một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ và tham gia đấu tranh cách mạng, trở thành người cộng sản kiên cường. Vào quân đội, Trần Độ là cán bộ trẻ thuộc lớp cán bộ Trung đoàn, Đại đòan, Quân khu đầu tiên, trở thành vị tướng có đức có tài, đã có nhiều công lao trong hai cuôc kháng chiến vĩ đại chống đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trần Độ có nhiều suy tư trăn trở về con đường phát triển tiến lên của đất nước, về xây dựng Đảng, sống liêm khiết trung thực, luôn đoàn kết với đồng bào, đồng chí, đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực tham nhũng, quan liêu mất dân chủ.

Trong tìm tòi nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Trần Độ manh dạn nêu ý kiến suy nghĩ cá nhân nhưng có lúc chưa tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc. Trung tướng Trần Độ là một con người yêu nước và cách mạng, suốt đời chiến đấu cho lý tưởng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Chúng ta mãi mãi thương tiếc Trung tướng Trần Độ.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (viết ngày 2/5/2007):

Tôi biết nhiều về anh Trần Độ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả anh và tôi cùng ở Trung ương Cục miền Nam. Năm 1941 anh bị thực dân Pháp bắt kết án 15 năm tù đầy đi Sơn La. Năm 1944, anh vượt ngục về công tác ở Ban tuyên truyền Trung ương.

Anh Trần Độ cống hiến gần hết cuộc đời mình cho dân, cho nước suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy ở chiến trường trên cương vị Phó Chính ủy Quân giải phóng miền Nam-Phó bí thư Quân ủy Miền (thời kỳ chống Mỹ). Đánh giá con người nói chung, sự cống hiến, một chặng đường dài trong đấu tranh cách mạng, ít ai không có vấp váp sai phạm ở mức độ khác nhau. Đó cũng là lẽ bình thường trong một chặng đường và cả cuộc đời.

Đảng ta không chủ trương lấy công thay cho lỗi lầm, ngược lại cũng không vì lỗi lầm mà phủ định hết giá trị của sự cống hiến. Vấn đề ở đây phải hết sức công bằng, có sức thuyết phục cao.

Hơn nữa, chúng ta cần xem xét thuộc quan điểm, chủ trương như trước đổi mới và đổi mới ban đầu và ở những chặng sau này. Có những cái ta cho là đúng trước đây, khi đổi mới và càng về sau càng thấy là nó sai hoặc trước đây là sai nghiệm trọng nhưng khi đổi mới lại là đúng như trường hợp đồng chí Kim Ngọc (Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú).

Ngay cả đổi mới lúc đầu với mức hiện nay cũng có nhiều mức khác biệt, ngay cả trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Lịch sử sẽ phán xét công minh nhưng trước tiên mỗi một cá nhân cũng phải sòng phẳng với lịch sử. Với tinh thần ấy, tôi tin việc xuất bản cuốn sách “Tướng Trần Độ” là việc làm kịp thời và rất có ý nghĩa.

Thay cho lời kết

Giá trị của một con người không chỉ nằm ở những chiến công hay danh tiếng, mà còn ở dấu ấn mà họ để lại trong lòng thế hệ sau. Trần Độ không chỉ là một danh tướng tài ba mà còn là một nhà văn hóa, một người đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng và những điều ông tin là đúng. Dù cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm, nhưng những gì ông để lại – từ những trang viết hào sảng đến tinh thần yêu nước kiên trung – vẫn mãi là nguồn cảm hứng cho bao thế hệ.

Đứng trước phần mộ giản dị của ông, tôi hiểu rằng có những con người dù đã đi xa nhưng tư tưởng và tinh thần của họ vẫn sống mãi. Có lẽ, một ngày nào đó, những câu chuyện, những bài viết của Trần Độ sẽ được tập hợp đầy đủ, để hậu thế có thể hiểu hơn về con người ông – một tâm hồn lớn, một vị tướng của lòng dân. Và quan trọng hơn cả, để những giá trị mà ông theo đuổi không bao giờ bị lãng quên…