Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2025

Không thể trắng hơn

 Nguyễn Xuân Thọ

 

Trang mạng Đại sự ký Biển Đông (dskbd.org) vừa công bố tài liệu “White Paper on The Hoang Sa and Truong Sa Island – Ministry of Foreign Affairs - Republic Vietnam 1975” (Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa 1975)[*].

Đây là một trong số năm Sách Trắng (Bạch Thư) về Hoàng Sa, Trường Sa mà các chính quyền Việt Nam công bố từ sau sự kiện Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19.01.1974. Bốn Sách Trắng khác từng được Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố vào các năm 1979, 1981, 1985, 1988.

Bốn cuốn Sách Trắng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chắc chắn được các cơ quan chức năng lưu trữ, nhưng người bình thường không mấy khi được truy cập. Riêng Sách Trắng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa được coi là một tài liệu gần như hoàn toàn thất lạc.

Đọc qua bản scan đã ngả màu vàng, mang nhiều dấu vết của thời gian và khí hậu, tôi rất cảm ơn Dự án Đại Sự ký Biển Đông đã sưu tầm được hồ sơ lịch sử quý giá đã tưởng như rơi vào lãng quên.

Vì từng may mắn được đọc các Sách Trắng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nên tôi nhìn thấy nhiều tương đồng trong các văn kiện liên quan đến Biển Đông của cả hai chính quyền Việt Nam. Lẽ tất nhiên chúng đều khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Không phải ngẫu nhiên mà cả Sách Trắng 1975 của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa và các Sách Trắng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều sử dụng chung các nguồn tư liệu lịch sử từ thế kỷ 18 đến nay. Ví dụ: Những trích dẫn từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, nhắc đến việc thành lập Hải Đội Hoàng Sa (Hoàng Sa Company) vào năm 1702, gồm 70 ngư dân thôn An Vinh. Cả hai nhà nước cùng nhắc đến tuyên bố của ông Trần Văn Hữu, Ngoại trưởng Quốc gia Việt Nam từ thời Hoàng đế Bảo Đại (1949-1955), tại hội nghị hòa bình của Liên Hợp Quốc ở San Fransisco ngày 07.07.1951.

Các Sách Trắng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng đăng tải hàng loạt tuyên bố của của Việt Nam Cộng hòa, của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa, như những văn kiện chính thức khẳng định tính kế thừa hợp pháp của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên các phần lãnh thổ nói trên.

Năm 2011, trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm Biển Đông, người Việt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi vinh danh các chiến sỹ hải quân Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa. Năm 2014 nhiều đồng bào đã đóng góp cho quỹ “Nhịp Cầu Hoàng Sa” do nhà báo Huy Đức khởi xướng nhằm giúp đỡ gia đình và thân nhân những người lính hải quân hai miền đã hy sinh ở Hoàng Sa và Trường Sa. Những hành động này chứng tỏ sự đồng thuận của người Việt trong quyết tâm bảo vệ hai quần đảo này.

Đọc qua Sách Trắng 1975 của Việt Nam Cộng hòa, liên tưởng đến những gì được đọc trong các tuyên bố của nhà nước Việt Nam hiện tại, tôi thấy sự đồng thuận đó đã có từ 1979, 1981, khá lâu trước các cuộc biểu tình nói trên. Đáng tiếc là các tài liệu này hầu như không được phổ biến rộng rãi.

Tôi mong rằng các cơ quan hữu quan Việt Nam cần sưu tầm thêm nhiều tài liệu tương tự và công bố rộng rãi. Dịp kỷ niệm 50 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam tháng Tư tới đây sẽ là dịp tốt để những cuốn Sách trắng này được trân trọng trưng bày bên nhau, được cùng giới thiệu cho đồng bào cả nước. Đó sẽ là một hình ảnh đẹp của quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh.

Việc tìm thấy Sách trắng 1975 của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa không phải là điều ngẫu nhiên mà là kỳ công của rất nhiều người tâm huyết liên quan đến Dự án Đại Sự ký Biển Đông. Tháng Năm 2015 nhà nghiên cứu sử học độc lập Trần Thị Vĩnh Tường từ Mỹ đã gửi cho Dự án Đại Sự ký Biển Đông một bản chụp của Sách trắng này. Kèm theo là bức tâm thư chứa những dòng sau:

“Em thân

Hôm nay, 22/04/2015, hân hoan nhờ Bưu điện gửi Bạch Thư tới nơi xa xôi ấy. Bạch Thư 1975 của Việt Nam Cộng hòa ứa hai dòng sẽ hội ngộ người lo lắng ngày đêm cho biên cương hải đảo….”

“…Người lính Việt Nam Cộng Hòa đồn trú hải đảo Hoàng Sa Trường Sa trước 1975 giờ này chắc không còn nữa? Các anh đã thủy táng theo tàu theo đảo? Xin linh hồn hãy yên nghỉ, tiếp nối các anh vẫn có thế hệ chiến sỹ hải quân ngày đêm dõi mắt canh chừng an nguy cho tổ quốc… Tổ quốc ngàn năm không phân biệt Việt Nam Cộng hòa hay Xã hội Chủ nghĩa chỉ khoảng khắc chưa đầy một trang sử.”

… Con xin chuyển lời mẹ đến những người bạn, gặp mà không tìm vì tìm kiếm sẽ không bao giờ gặp được”

(Toàn văn xin đọc trong hình đi kèm)

Cuốn tư liệu này, có lẽ do thời gian lưu trữ rất lâu, đã bị thiếu mất 2 trang chữ là các trang 16 và 78, cùng 5 trang hình tư liệu là các trang 6, 61, 62, 90, 101. Từ đó tiến sĩ Phạm Thanh Vân, người điều hành dự án Đại Sự ký Biển Đông đã kiên trì kêu gọi trên Facebook nhờ tìm kiếm bản gốc hoàn chỉnh.

Tiến sỹ Trần Bắc Hải hiện sống ở Úc đọc được lời kêu gọi của Thanh Vân và lập tức tìm mọi cách. Tuy là quân nhân Quân đội Nhân dân, anh không nề hà kết bạn với những người đồng hương từng ở phía bên kia. Môt kiều bào từng phục vụ trong Hải quân Việt Nam Cộng hòa quý trọng tình bạn của anh nên đã bộc bạch nhiều tại liệu quý mà ông lưu trữ mấy chục năm qua. Sự chân thành của tiến sỹ Trần Bắc Hải đã thuyết phục được ông cho anh mượn cuốn Sách trắng 1975 để sao chụp. Đó chính là bản đầy đủ mà tôi được đọc.

Chị Tường, con gái một quân nhân Việt Nam Cộng hòa từ Mỹ, gửi gắm những trang copy cho Thanh Vân, cháu của một sỹ quan Quân đội Nhân dân. Một cựu sĩ quan Quân lực Cộng hòa trao tài liệu quý giá trong kho sưu tầm của mình cho một cựu binh Quân đội Nhân dân. Tôi vẫn nhớ như in trong đầu hình ảnh cựu đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Tường Thụy đang giơ cao khẩu hiệu nhắc đến cựu thiếu tá hải quân Việt Nam Cộng hòa Ngụy Văn Thà trong một cuộc biểu tình vì Hoàng Sa - Trường Sa tháng 7.2011 tại Hà Nội.

Tất cả những điều đó khẳng định rằng:

  •   Chúng ta, dù từng ở bên nào của cuộc chiến thì cũng chỉ có một tổ quốc, Việt Nam!


Trang bìa sách trắng về Hoàng Sa Trường Sa 1975 của Việt Nam Cộng hòa (Nguồn DSKBD.org)


Copy thư chị Trần Vĩnh Tường từ Mỹ gửi cho ĐSKBĐ tháng 4.2015 (Nguồn DSKBD.org)

Nhà báo Huy Đức (Trương Huy San), một trong những người khởi xướng dự án "Nhịp Cầu Hoàng Sa" (nguồn Wikidata)

Cựu đại uý Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Tường Thụy trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông tháng bảy 2011 (Nguồn Internet)


[*] https://drive.google.com/.../1hPg2ughhPkVPvuowH2yOn8.../view