Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2025

TCHERFUNITH (kỳ 4)

Inrasara                                                                                             Tiểu thuyết

 

Chương 3

TCHERFUNITH

1

Tháng 11-2009, giỗ mẹ. Tối, tôi bắt xe đò về quê. Đến nhà thì trời vừa sáng. Em gái nói, có anh tiến sĩ hạt nhân ở Hà Nội bay vào Phan Rang từ hôm qua, đang chờ. Chờ tôi. Tôi hơi ngạc nhiên. Kệ, tôi lo chuyện tôi đã.

Xế chiều, em gái trải chiếu xe ngoài sân. Cho hơn hai mươi anh chị em bằng hữu tôi từ các làng đến giỗ mẹ, ngồi. Ngồi, nghe vị tiến sĩ thuyết về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Để xin được lắng nghe ý kiến sơ khởi của trí thức Cham. Anh thuyết về thế hệ lò hạt nhân tiên tiến nhất, về ưu tiên cho an sinh, về công ăn việc làm, về lợi ích điện hạt nhân mang đến cho cộng đồng. Thôi thì đủ cả. Rất đúng bài.

- Đây không là hội nghị hay cuộc họp chi chi, mà là nhà tôi. Các bạn, các bác hỏi bất cứ gì thấy thích… - Tôi nói.

Thế xin hỏi người Cham có phải bị di dời không? Bà con nghe nói nó hay xì, đêm hôm nằm cứ run, cậu nó có gì làm bảo đảm không? Tiến sĩ nói an toàn, tôi thấy chả an tâm tí nào cả! Sao không xây ở nơi nào khác mà cứ nhè đất Cham mà làm? Tôi chẳng biết nhiều nên xin miễn ý kiến, đời người có số má cả, có lẽ phải vào sống nhờ Đồng Nai với con gái thôi. Nếu có sự cố rò rỉ, cả khu vực này nhiễm độc hết, hỏi người Cham làm Katê ở đâu? Giá Chàm tui quyết không đồng ý, các anh tính làm gì nào? Vâng, tiến sĩ nói có lợi thì đúng lắm, nhưng tiến sĩ nói với trên xem lại có thể xin dời lò hạt nhân qua đâu cho bà con Cham yên tâm không? Tôi thì nhờ tiến sĩ chạy cho tôi một chân gác cổng nhà máy, thì tôi mãn nguyện rồi…

Thôi thì đủ giọng đủ kiểu hỏi. Ngà ngà hơi men, quý ông Cham trời trăng còn chẳng ngán huống hồ anh tiến sĩ đơn thương lạc vào làng Cham.

Đột ngột, cái giọng trẻ trung với âm sắc dứt khoát “tôi không phản đối” của T’maung vang to khiến mọi người chưng hửng, đổ hết sang nhìn hắn.

– Tôi có ý kiến, tôi không phản đối… - hắn nói lớn.

– Không phản đối cái gì? Lò hạt nhân à… - Mân hỏi.

– Chính xác, - T’maung trả lời. – Trước hết tôi yêu cầu nhà thơ Inrasara ghi vào biên bản ý kiến của tôi, - hắn nhìn sang tôi.

– Mô Phật, đây có họp hành chi mô mà đòi biên với chả bản… - Mân nói.

– Không, dứt khoát phải lập biên bản vụ này, - T’maung nói.

– Hắn đứt ba, bốn sợi, chấp làm gì, - có tiếng ai ở phía sau.

– Chuyện lớn, mấy người biết gì mà xía vào, - hắn quay ra sau, nạt to. Hắn tiếp:

– Không biên bản chả sao, tôi đề nghị nhà thơ Inrasara ghi vào sổ tay ghi nhớ.

– Rồi, đang ghi đang ghi đây, - tôi nói.

– Tôi không phản đối dự án nhà máy điện hạt nhân [ngưng] điều đầu tiên, duy nhất và cũng là điều cuối cùng tôi yêu cầu là [ngưng] Chính phủ phải thông báo cấp kì đến cho hết thảy bà con Cham [ngưng] ngay khi nó xì. - T’maung nói, dằn từng chữ một.

– Anh bạn trẻ chớ lo xa đến thế, không việc gì đâu. - Anh tiến sĩ ngắt lời T’maung, - Họa hoằn lắm, mà không lớn đâu. Còn nếu xảy ra chăng nữa, Chính phủ có kế hoạch di dời dân kịp thời đến nơi an toàn.

– Thôi đi, anh T’maung ơi… Lại thêm vài tiếng xì xầm.

– Tôi không phản đối, các bác các thầy nói nãy giờ tôi có chen lấn xô đẩy đâu, tôi chỉ yêu cầu [ngưng] thông báo cấp kì đến tất cả làng Cham trong khu vực [ngưng] ngay khi nó bị xì [ngưng] tôi đòi hỏi nhà thơ Inrasara ghi thật chính xác ý kiến của tôi vào cuốn sổ ghi nhớ hôm nay [ngưng] tôi đề nghị thêm, từ nay tiến sĩ không được kêu tôi là anh bạn trẻ.

– Rồi nè, - tôi nói, giơ cuốn sổ lên.

 

“CHÍNH PHỦ CẦN THÔNG BÁO CẤP KÌ ĐẾN TẤT CẢ LÀNG CHAM

TRONG KHU VỰC NGAY KHI LÒ HẠT NHÂN BỊ XÌ”

 

Tôi viết vào Sổ ghi đúng nguyên văn ý kiến của T’maung, giơ cao lên trước mặt mọi người.

Câu chuyện Đào hầm bắt đầu từ ý kiến định mệnh đó.


2

 

– Không tin họ được đâu, anh Sara. - T’maung ngồi lại với tôi, khi giỗ mẹ đã vãn, - tay này em ngó loáng qua là biết ngay, con tốt thí thôi, họ chả dại gì đưa ngay con cá bự khi lần đầu tiên đến làng Cham, rủi có đứa chơi dại đục mất mạng cũng là tốt thí, họ tưởng Cham ai cũng ngu cả, anh thấy khi chú Lưk hỏi nếu Cham tui quyết không đồng ý, các anh tính làm gì nào, em thấy mắt hắn nhay nháy dữ, nghe đến chữ quyết, thần kinh mặt hắn giựt giựt ba bốn cái giựt, dân chính trị tầm cỡ không để cho bị giựt như thế, không tin được đâu, chả có ai chú ý cả, Cham mình ăn gì ngu thế chứ, nói và giành nhau nói, em ngồi em quan sát không chừa động tĩnh nào của hắn, anh là nhà thơ ngây thơ dễ tin người, ghê gớm lắm, qua mặt ai thì được, với thằng này thì chớ hòng, chả tin nổi đâu, họ đã quyết là họ làm, có kể gì mấy mạng dân ngu khu đen, Cham hay Việt gì cũng thế thôi, giả vờ cả, giả vờ hỏi ý kiến trí thức rồi thân hào nhân sĩ rồi chức sắc tôn giáo, nhà thơ anh tin chớ với em thì còn khuya, chia chác nhau hết cả rồi, tham quan hay hội nghị biểu quyết gì gì cũng giả vờ hết, đau là mình biết mà không làm gì được, đau là khối kẻ bị lừa mà không biết, họ giấu nhẹm hết, Tchernobyl nổ to như ‘apwei kadhir thế họ còn giấu, giấu không xong mới kêu thế giới đến cứu, ở đó mà cứu, nhân loại ngu hết thuốc chữa, cả nấm mồ xi măng khổng lồ nằm chình ình kia mà chưa chịu sáng mắt ra, Tây phương làm ăn đàng hoàng còn thế huống hồ Việt Nam…

 

- Ông anh cho em xem lại sổ ghi, - lát sau hắn nói.

– Em thấy rồi mà, - tôi nói.

– Cho em xem lại.

Tôi đưa cho hắn.

– Lẽ ra phải bảo hắn kí vào, T’maung nói, - tệ thật.


3

 

Tháng 4-2012. Tôi ghé thăm quê, chuẩn bị ra miền Trung dự Trại sáng tác.

T’maung hộc tốc chạy sang nhà, đưa tôi tờ giấy - Anh đọc đi.

 

Rostekhnadzor cho biết một lò nguyên tử được thiết kế sai lầm hoặc gồm những bộ phận kém chất lượng thì trước sau cũng gây ra trục trặc. Các lò phản ứng mới lại đang được xây dựng với những vật liệu đã bị đánh giá là giả mạo hoặc không được kiểm nhận, cộng thêm “trình độ không đủ, kiến thức yếu kém của nhân viên về các chỉ tiêu liên bang, các quy tắc, tài liệu thiết kế, và quy trình công nghệ sản xuất thiết bị”… Từ những trục trặc nhỏ có thể ém nhẹm được cho đến một thảm họa vô lường chỉ là một vấn đề may rủi (Thục Quyên, “Hãy bảo vệ Việt Nam hôm nay cho mai sau”).

 

Họ lại càng không muốn nhắc tới những sự cố không giấu được đang liên tiếp xảy ra tại các Nhà máy Điện hạt nhân Nga, kể cả những trung tâm, nhà máy mới đang trong thời kỳ xây cất… Mỗi lần sự cố như vậy, cách xử lý của Rosatom và chính phủ Nga  là luôn luôn  ém nhẹm tin tức, ngăn cấm  dân và những ký giả không được đến gần địa điểm (Tiến sĩ Trần Văn Bình (Đức), “Hãy dừng tay lại trước khi quá muộn”).

 

Dần dần, người ta phát hiện ra rằng TEPCO đã nhiều lần nói dối, cũng như các nhà chức trách Nhật Bản, đặc biệt là cơ quan an toàn hạt nhân (NISA) không độc lập… Vì cớ gì ta lại tiếp tục nghe luận điệu tuyên truyền dối trá của các công ty Nga và Nhật Bản để cho hai nước này xây dựng những lò đầu tiên ở Ninh Thuận?

 

– Đấy, lời lẽ từ miệng giáo sư Nhẫn đấy, không thể để Ninh Thuận trở thành Fukshima, nguyên văn đấy, em bảo thế nào họ cũng giấu tịt mà, họ ối lần nói dối rồi, không thể tin được đâu, - T’maung nói, - mình lo cho thân mình thôi, chớ trông mong gì vào họ, không thể chần chừ thêm nữa, từ năm ngoái [ngưng] em đã xúc tiến.

– Xúc tiến gì? - Tôi hỏi.

– Thì đào hầm.

– Nhưng trên có cam đoan trước nhân dân là sẽ tìm loại lò an toàn tuyệt đối.

– Ui, láo, láo khoét tuốt, tin ông quan kia hay tin giáo sư chuyên gia hàng đầu thế giới Nguyễn Khắc Nhẫn đây?

– Chớ ông Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến trả lời tạp chí Tia sáng ngày hai tháng bảy năm ngoái hẳn hoi nè: “Công khai minh bạch thông tin để xây dựng lòng tin của công chúng đối với phát triển điện hạt nhân”, không đáng tin sao?

– Em đã suy nghĩ kĩ rồi anh à, - một lát sau, hắn nói, - xây thì họ phải xây rồi, ỉa trên bàn tay em nè, công khai minh bạch ghê lắm mà đại biểu Quốc hội Cham nọ biết, có cho kẹo em cũng không tin ngữ đó, có khờ mới hô hào đi biểu tình, họ khỏ cho lủng đầu không sót một mống, còn điên mới đi tin chuyên an toàn tuyệt đối an toàn tuyệt đối an toàn an toàn an toàn, ông anh ngu thấy bà, anh tưởng em không biết à, mấy vụ anh ăn nói trên đài ngoại quốc đó, công khai minh bạch với trưng cầu dân ý, nhưng làm sao kết quả của trưng cầu dân ý khả tín nhất? thứ nhất, cơ quan hữu quan cần cung cấp đầy đủ thông tin về dự án tới đồng bào; thứ hai, cho bà con hiểu rõ về ý thức dân chủ, về quyền tự quyết của một công dân trách nhiệm; cuối cùng là tạo không khí cởi mở để người Cham và dân Ninh Thuận có thể thể hiện chính kiến của mình mà không vướng một trở ngại nào bất kì”, ôi thứ nhất thứ hai thứ ba cho tận thứ n thứ, nhà thơ ơi là nhà thơ, ngài sống trên mây mất rồi, em nghe em đọc tất, tưởng oai lắm, ai muốn làm anh hùng thì cứ làm, chớ mơ họ đọc anh, mà có đọc cũng chả ma nào thèm nghe, như thằng Lung cứ hèn mà sống, bảo Cham dời đi thì ngốc hết chỗ để, có mỗi Pangdurangga mà đòi bỏ đi hỏi Cham còn lại cái gì nào, Cham không lên tháp lễ Katê thì còn Cham cái nỗi gì, bỏ ‘Kut’ ‘Ghur’ hoang hết à, tin thằng em này đi, chả ai quan tâm đến Cham sống chết ra sao đâu, Cham mình còn ngu dài dài, em nghĩ hết nẻo rồi, ông anh Sara ơi [ngưng] đào hầm thôi...


4

 

Hắn dẫn tôi đi một vòng khuôn viên tham quan, xem ông anh nảy ý độc nào để góp vào, - nó nói. Tôi bước theo hắn.

- Đi Tuy Hòa về đã nhé, - tôi bóp vai hắn.

Nghe nói hắn đã có trong tay sổ đỏ hai sào đất bìa làng. Dân quê hiếm ai lo về chuyện sổ đó, hắn thì phải có nó đút túi cho chắc ăn. Chớ đưng thi công mà trên xuống kêu đây là đất công thì bỏ mẹ. Ban ngày đào, buổi tối, hắn chúi mũi vào mấy cuốn sách dày cộp. Ngày mười tiếng đồng hồ không thừa thiếu, không nghỉ Chủ nhật. Phải sâu xuống lòng đất bốn mét không thiếu, sao đủ chứa hai đến ba trăm mạng, với tiện nghi tối thiểu, núp dưới đó sáu tháng, chờ giải pháp. Các bà nhà quê đồn hắn từng tuyên bố thế. Hắn thuê ba thanh niên phụ việc, trả công và cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cuối tuần nghỉ xả hơi. Khoảng mươi hầm cho mỗi làng, là đủ, - hắn kêu thế.

Hắn nhờ tôi đăng thông tin lên website Inrasara.com để các làng học tập mà nhân điển hình. Tôi hỏi:

– Thông báo thế nào đây?

– Anh là nhà văn mà còn hỏi thế nào, - hắn nói. - Ông anh cũng nên đăng kèm hai thông tin sống chết này, em vừa lấy từ báo mạng xuống.

 

Chernobyl

Sáng ngày 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện Chernobyl đặt tại Pripyat, Ukraina phát nổ. Tiếp đó một loạt các vụ nổ liên tiếp xảy ra, dẫn đến hiện tượng tan chảy lõi lò phản ứng hạn nhân. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên Xô, Đông và Tây Âu, Scandinav, Anh và đông Hoa Kỳ, giết chết 30 người ngay sau đó. Ước tính, thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán khỏi nơi ở. Hiện tại, vẫn còn khu vực cấm rộng đến 30 km xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Fukushima

Đất và nước biển của một khu vực rộng lớn đã bị phóng xạ ô nhiễm trầm trọng. 2 triệu dân trong tỉnh Fukushima sẽ được các cơ sở y tế kiểm tra thường xuyên, 360000 cháu bé sẽ được theo dõi cho đến tuổi 20 vì ung thư tuyến giáp chỉ phát hiện sau 5 năm. Hiện nay, nhiều em bé ở cách xa Fukushima 220 km mà cũng bị ô nhiễm… Sóng thần khủng khiếp tiếp theo đã làm 16.000 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương, 7.500 người mất tích. Cả thảy trên 112.000 dân phải di tản xa nhà máy Fukushima 30 km.

(Gs. Nguyễn Khắc Nhẫn, “Không thể để Ninh Thuận trở thành Fukshima”).

 

Quần chúng mà, ngu lắm, - T’maung nói, ngu và nhát, làm hay nói tất tật gì gì do sợ mà ra hết, bì sao được với dân Do Thái, mang mấy thứ kia ra hù, họ sẽ chúi đầu vào đào, có khi đào còn hăng hơn em nữa, cần bảo toàn tính mạng Cham trước tiên, tháp Po Klaung Girai tháp Po Rome Danauk Po Bin Thwơr các ‘Kut’, ‘Ghur’ tính sau, người còn thì của mới lai rai còn, thơ Bùi Giáng, chắc ông anh chả lạ gì, không biết lo trước nó xì chết cả đám, đùa với chi chi thì được, với lò hạt nhân thì chớ hòng, chẳng thần yang nào kịp đến cứu đâu...


5

 

Cuối tháng 4-2012, tiện đường vào Sài Gòn, tôi ghé T’maung.

- Em cần anh ba ngày thôi, - hắn nói. Được biết hắn thôi đào cả tháng nay, tôi mới hỏi nguyên do.

– Em cần sớm tập trung nghĩ phần thiết kế nội thất Hầm, anh à, em đã thuê tay lực điền làng Padra thay vai rồi, một công lợi đôi ba việc, vừa đảm bảo tiến độ thi công vừa truyền cho hắn kinh nghiệm đào hầm, thêm ý thức tự cứu mình, cứu được mạng Cham nào hay mạng đó, em đang lo về nước sinh hoạt, phải đặt làm thật nhiều lu Bàu Trúc, rồi là đồ ăn, em nghĩ đến phương pháp Oshawa, phải công nhận ông ta là thiên tài bẩm sinh, đích thị là cứu tinh của nhân loại chứ không phải Marx, Einstein hay Obama gì gì đó đều diễn cả thôi, phương pháp số 7, muối mè lạo lứt với rất ít nước là đủ, lò than nữa, giảm đến tối thiểu nhu cầu…

– Thế bọn trẻ con, chú nó tính thế nào? - Tôi hỏi.

– À, à, vụ này em cũng tính tới rồi, suy nghĩ sau, nhất là không khí, em có ghi vào sổ tay về các lỗ thông hơi, tuyệt đối tránh công dân Hầm bị nhiễm xạ, em tính cho hệ thống ống đi xuyên qua thân dừa giấu mình trong các lùm cây cực rậm, riêng mục ánh sáng, chắc chắn phải trữ cả kho nến, dĩ nhiên cộng đồng Hầm cần kỉ luật hơn bao giờ, anh giúp em phần soạn thảo nội quy Hầm, em cũng chưa sâu sát lắm, cái đáng lo hơn cả là tuyển vài đứa thật thông minh ra nước ngoài, nghiên cứu tìm cách giải quyết mấy vấn nạn đời sống Hầm đặt ra, anh đăng thông báo tuyển sinh, hầm thì không đáng lo, em đã xem xét địa đạo Củ Chi mấy lần, chẳng nhằm nhò gì đâu so với đây, chắc chắn Cham sẽ làm được, cồn cát của ông Kabo Abe không là thá gì cả nếu đặt cạnh định mệnh Cham hôm nay, khó khăn và nguy hiểm triệu lần, mụ đàn bà ngốc nghếch rúc đầu trong cồn cát mang so bì với cộng đồng dân tộc trong đời sống Hầm là cả vực thẳm, mụ đàn bà đầy đủ tiện nghi lượm được tay nhà giáo để giúp mụ tồn tại vĩnh viễn ở đó, Cham thì sẽ thiếu thốn mọi thứ, tự lực cánh sinh đợi ngày thoát khỏi hầm, khác nhau ở điểm đó, không hi vọng nhặt được tên ngốc nào đó lang thang đi lạc như mụ đàn bà kia đâu, mong chờ bàn tay quốc tế nào đến hỗ trợ chỉ có toi công, không biết ông anh nghĩ thế nào, đây là định mệnh sắp ra đòn cuối cùng để thử thách tinh thần và ý chí Cham, em tin Cham sẽ vượt qua giai đoạn mang tính quyết định của lịch sử này…

- À, suýt nữa quên mất, phần vệ sinh cá nhân cũng rất cấp thiết, thôi anh nghỉ nhé, mai mình bàn thêm…

6

 

 – Hôm qua em có đọc qua cái bài viết thổ tả đăng trên trang mạng của anh, - T’maung nói, không nhìn tôi, lúc chúng tôi ngồi trên gác, ngó lung vào trời đêm đầy sao, tối hôm sau đó.

 

Palei Krong: 3 TIẾNG KÊU CỨU CỦA 3 CON THÚ BỊ THƯƠNG

 

3 đoạn chữ nghĩa hay nhứt mà tôi được đọc trong đời. Nó gây xúc động mãnh liệt nhứt, bằng 3 cách thức hoàn toàn khác nhau, được viết bởi ba đứa con Cham trong ba vị thế khác nhau. Tôi xin ghi ra đây cảm nhận thô thiển của mình như một lời chia sẻ.

Tiếng kêu bằng thơ. Bài thơ “phản hồi” của một người viết vô danh “không đăng” ở Inrasara.com. Có lẽ nhà thơ Inrasara sợ. Sợ cho độc giả ấy thì ít, sợ cho anh nhiều hơn, và có lẽ anh sợ hơn cả là tiếng kêu cứu kia lan truyền như loài dịch không thể khống chế. Bởi đó là tiếng kêu bi thương nhứt mà một sinh linh có thể thốt ra. Nó quá não nề. Không ai biết tác giả kia là ai. Cần gì phải biết. Đó là MỘT TIẾNG KÊU tuyệt vọng.

Ngày mai 11-3… Panduranga khải hoàn!

mơ ước là thế

nói làm gì chứ

chúng ta luôn được vỗ vỗ rồi cho về

luôn được tôn trọng mời tham dự, tham quan lan man

luôn được hỏi han trong tâm thế phải chấp nhận

nói làm gì chứ

rồi chúng ta sẽ được thế giới biết đến như một điểm nóng

bởi chẳng ai liều mạng, liều chết hơn chúng ta

biết đâu được mót những mảnh rơi của dự án

được dúi một mớ đôla đền bù giải toả,

giải tán đất đai, nhà cửa, mồ mả ông bà

biết đâu được cân nhắc cho đủ thành phần

và chắc chắn được điểm danh trong bảng kê thảm hoạ

nói làm gì chứ

ừ, thôi không nói nữa

lo kiếm tiền vào Sài Gòn mua nhà ở như các vị nhà mình thôi.

nói mà làm gì chứ !!!

 

Không nói nữa, không có gì để nói nữa, vì không biết nói để làm gì nữa!... Bởi chúng ta đã được “vỗ về”, được “tôn trọng”, sắp nhận được mớ đôla đền bù. Được tất! Đền bù bằng mồ mả của cha ông chúng ta, đất đai của cha mẹ chúng ta, bằng sinh mạng cóc nhái của chính chúng ta. Để rồi chúng ta được hân hạnh “mót những mảnh rơi” của dự án. Và sau rốt ở chặng cuối của sinh phận dân tộc, chúng ta sẽ là “điểm nóng” của thế giới. Pangdurangga ca khúc khải hoàn, khải hoàn về cõi chết! Vĩnh viễn…

 

Tôi lại đọc sang phần cuối bài “đối thoại” dài của nhà thơ lớn của dân tộc Cham Inrasara. Khác với bạn đọc kia, Inrasara là nhân vật nổi tiếng nhứt trong cộng đồng Cham.

“Buổi tối, đứng trên sân thượng nhà em vợ, tôi nhìn về phía "đó" lần nữa. Trời lặng gió đến tiếng rắn nước con lội qua mương cũng nghe được. Tôi nhìn sâu vào vùng trăng sáng vằng vặc. Chakleng cách nó chỉ mươi cây số. Gần nhứt là làng Ia Li-u: năm cây. Chục làng Cham lân cận cũng không quá hai mươi. Ba năm nữa, Nhà máy đầu tiên sẽ được khởi động thi công. Những cột sắt Fukushima sẽ mọc lên, ở đó.

Bạn ở California hay Paris, nghe tin về dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, có thể bạn cảm thương cho người Cham. Ở Sài Gòn hay Hà Nội, đọc tin, có thể bạn lo lắng cho sinh phận con dân Cham. Từ mấy ngàn năm qua, tổ tiên họ trụ nơi đó, cùng đất cằn, nắng, cát và gió. Họ - vỏn vẹn sáu vạn người, là cộng đồng còn truyền lưu đậm bản sắc văn hóa dân tộc xa xưa. Có thể bạn lên tiếng phản đối. Trên báo chí, ở diễn đàn quốc tế. Có thể…

Riêng tôi, tối hôm đó, đứng trên sân thượng đó, trong sát-na thời gian, tôi đã nhìn thấy định mệnh tôi, và phần nào đó - sinh phận Cham. Không phải bằng suy niệm siêu hình hay qua phương tiện của thế giới ảo, mà bằng hiện thực trần trụi lồ lộ. Chỉ có giây phút đó của ngày đó trong không gian đó, tôi mới chứng ngộ được nó. Và tôi phần nào hiểu được văn chương - ít ra là của/ cho tôi - để làm gì và không để làm gì.”

 

Đoạn văn nói lên sự đau đớn tột cùng, nhưng nó lại tỏ vẻ bình tĩnh, rất bình tĩnh. Nhưng sau cái bình tĩnh là cái gì? - Vẫn là tiếng kêu tuyệt vọng vang lên. Sâu và xa hơn bao giờ. “Những cột sắt Fukushima sẽ mọc lên, ở đó…”. Chắc chắn! Vậy văn chương tôi để làm gì? Sự nổi tiếng của tôi để làm gì? Tôi sống để làm gì?

 

Và mới nhứt là Trà Vigia. Nhà văn này chỉ biết dám nói trong mơ. Kêu trong mơ.

“Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng chống đối, cũng có nhiều người Cham ủng hộ triệt để. Nếu con mắt quáng gà của tôi nhìn thấy vận mệnh Cham nằm lọt thỏm trong nồi hạt nhân thì nhiều người khác lại phấn khích hô hào ĐHN trong trái tim người Cham và sẵn sàng làm nguyên liệu để đốt lò. Cũng không nên làm khó cho Đại biểu Quốc hội Cham hay hy vọng vào một ai đó có chức năng thẩm quyền vì nếu có trách nhiệm họ đã lên tiếng từ lâu dù trong vô vọng. Chỉ là một tiếng kêu cứu cho người đời sau không oán trách tại sao lúc đó cha ông họ không một phản đối hay trần tình?!

Tối qua tôi gặp cơn ác mộng kinh hoàng, có lẽ tôi bị ám ảnh quá nhiều về hiểm họa hat nhân nên tôi thấy bão lửa từ Hiroshima hay Fukushima gì đó với nhiều xác chết dị hình. Viễn cảnh hạt nhân còn liên quan đến chiến tranh từ Iran, Bắc Triều Tiên hay một nước nào đó lấy hạt nhân làm vũ khí răn đe dưới chiêu bài hòa bình. Tôi rùng mình tỉnh dậy trong hơi thở gấp và tim đập mạnh, hình như tôi đã la lên lúc đầu còn ú ớ nhưng rồi cũng thét thành lời:

- Trời biển ơi cứu tôi với, cứu Cham tôi với! Bạn chú bác mày ơi, tôi đã kêu cứu rồi đó, dù chỉ trong giấc mơ!”

 

Có lạ không, kêu cũng không dám kêu nữa, mà chỉ dám trong mơ. Tôi không thể tưởng tượng được sự tuyệt vọng cùng cực đó của con người, sự sợ hãi thâm căn đó của con người. Ngoài đời Trà Vigia thường được biết đến là nghệ sĩ đầy cá tính và liều lĩnh. Vậy mà anh chỉ dám nói trong mơ. Thì còn mong gì một ai đó đang hưởng ơn trời lộc nước… làm cái gì đó cho dân tộc được nhờ. Trọn gói dân tộc Cham đang trong nồi hạt nhân, khoán trắng cho sự may rủi.

- Trời biển ơi cứu tôi với, cứu Cham tôi với!

 

– Chán anh ghê anh Sara, cái bài tệ thế mà anh hăng hái đăng website mình cho đám trẻ nhào vô bàn, thì thằng em này chịu, Cham muôn đời vẫn là nòi tiêu cực, nghĩ tiêu cực, làm tiêu cực, nói viết ăn uống lễ lạc tiêu cực, than thở ủy mị ỉ ôi thì giải quyết được nỗi gì…

- Thôi không phát ngôn chống nhau nữa, Cham mình chống báng nhau nhiều rồi, ý em là về mấy bác Cham kiều ấy, nếu họ dành thời gian chống phá nhau viết bài thật hoành tráng đăng các báo quốc tế đi, thì Quốc hội phải ngán, đâu đã vội thông qua cái dự án trời đánh đó, hỏi chứ mấy bác về nước đi Katê ở đâu khi tháp đền đã bị nhiễm xạ, vùng đất này trở thành đất chết, Cham mình còn dại lắm, khờ nữa, anh cũng khờ chả thua kém ai, đăng bài kia gián tiếp anh làm trì trệ chương trình hành động của em, anh không đủ khôn ngoan để biết, hôm qua nhóc Jaman xin thôi việc, nó bảo động đất cỡ Fukushima thì tiêu, mười lần cái hầm này còn không đứng nổi nói chi một, công trình ông chủ T’maung mày trở thành công cốc, nó đi nghe mấy mụ đàn bà hoặc tương cận đàn bà, buộc em phải dạy nó bài học là, trời đã muốn hại Cham thì có mười thần yang cũng không cứu nổi, em vừa bố trí nó sang nghiên cứu hệ thống thông tin liên lạc, còi hay loa báo động đại loại thế, không tin họ được đâu, bao nhiêu công sức cho Hầm mà không có loa báo động coi như vứt, em nhắn nó mày nghiên cứu cùng lúc ba hệ thống, trục trặc cái này thì xài đến cái kia, thông tin đến ngay tức thì cho tất cả làng Cham cùng một lúc, loa phóng thanh như hồi hợp tác xã nông nghiệp ấy, còi báo động kiểu thời Tây, đường cùng thì xài tới phương pháp cổ điển là ngựa mà Chế Bồng Nga ưa dùng, em thì không tin họ được, anh lo ở trên giúp em, duy nhất mỗi vụ này, một hai buộc họ khi xảy ra sự cố phải cho mình hay, ngay tức thì, còn báo động đến các nơi mình lo tất, anh lành tính quen biết nhiều, họ có vẻ tin anh, chiều hôm đó em nhấn mạnh bảo anh ghi biên bản là thế, tệ quá không có chữ kí của hắn, mà cũng chả quan trọng, thứ con tốt thí ấy, Việt Nam rất giỏi về văn hóa chạy, anh cứ tọng đầy mồm đồng chí trực tổng đài trung tâm là hắn OK, em chỉ ngán họ giấu, như Nga với Nhật ấy, nhân loại ác lắm, mưu mẹo và ác, phải mò cho ra cái nhân vật trung tâm của trung tâm, nhét cho đầy mồm hắn vào, chắc chắn 74 ngàn dân Cham Ninh Thuận sẽ ghi công anh đến tận thế…


7

 

Buổi tối ngày thứ hai.

– Tin vui cho ông anh hay, đến giờ phút này tư tưởng đào hầm đã phủ sóng khắp vùng Cham Ninh Thuận, thống kê cho biết 100% làng Cham đã khởi công đào, hơn trăm gia đình có hầm lẻ mang tính cục bộ, càng hay, công dân Hầm cần học tôn trọng tinh thần dân chủ của nhau, cả sợ hãi cũng cần đến dân chủ tính, ông anh chớ hỏi về tiêu chuẩn hầm cục bộ kia, Cham nòi sáng tạo họ lo được tất, tháp oách thế họ còn làm loáng cái là xong huống chi ba cái hầm lẻ, hãy tưởng tượng dân tộc Cham bé tí đào hầm chống lại làn sóng hạt nhân, 74 ngàn sinh linh Cham khắp 27 làng, sợ hãi cục bộ chống lại sợ hãi toàn cầu, nhân loại đã tiến bộ một cách ngu xuẩn, vụ tự thiêu của ông Hoang đúng ngày kỉ niệm một năm khủng hoảng hạt nhân Fukushima mở màn thành công một cách oanh liệt, tự thiêu kiểu đứng như mấy thầy tu Tây Tạng thì khó đạt yêu cầu lắm, lửa phựt lên làm tê liệt toàn bộ dây thần kinh, té chạy loạn xạ như thế thì còn ra thể thống gì nữa, còn nhắm kho xăng Tây mà xông tới kiểu Lê Văn Tám thì người cõi khác rồi đằng này không dám bình luận, ông Hoang nhà Cham ta thì độc đáo phải biết, ngồi kiết già tư thế oai phong lẫm liệt rất đáng ghi vào sử sách cho thế giới nhân điển hình, vụ đó với cái bài ông anh trả lời phỏng vấn trên BBC mang tính bước ngoặt lịch sử, anh bé gan ấm ớ chả nói gì ra hồn nhưng BBC biết giật cái tít ngon ra phết, “Bất an về điện hạt nhân lan rộng”, tuyệt đại đa số hành vi của loài người do sợ hãi mà ra cả, sợ nghèo đói sợ đau khổ sợ mất người thân sợ chết, bất an khiến Cham đào hầm, em cũng vừa đọc bài của ông anh trên boxitvn… cái bài gì tên “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và bất an” đó…  

 

Người Cham Ninh Thuận cư trú ở mảnh đất này hơn 2.000 năm, ở đó làng Chakleng có tên trên bia kí cổ có mặt hơn mười thế kỉ. Cho nên Ninh Thuận hiện còn rất nhiều di tích văn hóa lịch sử Cham. Ngoài ba đền tháp chính là: Tháp Po Rome (thế kỉ XVII, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, cách Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I 19 km), Tháp Po Klaung Girai (thế kỉ XI, TP Phan Rang-TC, 24 km), Đền Po Nưgar tại Hữu Đức, Ba Tháp (thế kỉ IX, TP Phan Rang-TC, 30 km), còn có cả trăm di tích văn hóa – tín ngưỡng khác đang được thờ phụng. Ví dụ: Po Nai ở Núi Chà Bang, 8km, Đá Chẻ ở Chung Mỹ, 9 km, Núi Đá Trắng ở Phước Thái, 24 km,… Đây là vùng đất văn vật và tâm linh sâu thẳm nhất của dân tộc Cham xưa và nay. Qua quá trình lịch sử, người Cham thiên di từ Huế, Quảng Nam… vào. Họ chạy nạn sang tận Mã Lai, Thái Lan, Campuchia… nhưng số đông vẫn ở lại Ninh Thuận, cùng với người “bản xứ” bám trụ.

Ninh Thuận là mảnh đất cằn cỗi ít mưa nhất Việt Nam, “khó sống” hơn rất nhiều vùng miền khác, dẫu vậy cộng đồng dân tộc bản địa này chưa bao giờ có ý định dời đi, vĩnh viễn. Cả khi trải qua bao nhiêu thiên tai (hạn hán, dịch…), họ tạm lánh đi, và luôn luôn trở lại. Với mảnh đất và với tháp thiêng.

Đang yên đang lành thế, đột ngột Quốc hội thông qua Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận… Không bất an, mới lạ!

Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I sẽ khởi công xây dựng năm 2014, vị trí phủ sóng phóng xạ lên hầu hết làng Cham khu vực, nếu xảy ra sự cố, sẽ tác động nghiêm trọng và toàn diện đến đời sống cư dân Cham trong vùng mà số dân chiếm một nửa số người Cham trong toàn quốc. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, khi sự cố hạt nhân xảy ra, tất cả người Cham được dời đi – vùng đất ngàn đời kia bị bỏ lại, với tháp thiêng cùng hàng trăm đền, ’Kut’, ‘Ghur’ khác! Cho nên, dù đã trải bao thiên tai dịch họa, từng chịu đựng mênh mông bất công và đau khổ, và dù lì lợm, ngang bướng hay kiêu hãnh tới đâu, sẽ không có bất kì người Cham Pangdurangga nào tưởng tượng nổi hiện tượng đó sẽ xảy đến với mình khi họ còn mở mắt nhìn ánh mặt trời mỗi sớm mai.

 

em đã kêu lên với mấy công dân Hầm tiên phong của em là thiên tài thiên tài, mấy Tháp nắng Lễ Tẩy trần tháng Tư Chân dung Cát Hàng mã kí ức chỉ đáng vứt đi, chả làm sứt mẻ móng tay ai đâu, người còn thì của mới lai rai còn, bất an hạt nhân lan rộng, tối qua em không tài nào chợp mắt được, siêu thế chứ, chục gia đình kêu con cái đang học ở Sài Gòn về phụ đào, sắp tới sẽ diễn ra một phong trào hồi hương về nguồn, chắc chắn thế, thế hệ tương lai Cham cần hiểu thế nào là toàn cầu hóa để giải toàn cầu hóa, tiếng Anh kêu là gì nhỉ, de-globalization, không phải anti chống mà là de giải, khối người Cham còn khờ, khờ nên nhẹ dạ đi tin nghe mấy tuyên truyền bậy bạ, em vừa đọc xong Ghi chép dân tộc học của Mai Văn Kuan, cừ lắm, em chưa đọc Nhật kí của ông ta, vĩ đại vĩ đại, tác phẩm vĩ đại đó sẽ đánh thức tinh thần Cham, đánh động lương tâm loài người, khiến nhân loại mở mắt ra…  


8

 

– Đâu đó, nhân loại cũng đã sáng mắt ra rồi… - T’maung đưa cho tôi xem tờ giấy hắn in từ trang mạng:

 

Tại Đức, số người phản đối kỹ nghệ điện hạt nhân tăng từ 73% trong năm 2005 lên 90%, đưa tới quyết định của chính phủ Đức ngưng chương trình điện hạt nhân của họ. Theo sau Đức là Ý, Thụy Sĩ, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha… Ngay cả tại các nước từng ủng hộ điện hạt nhân như Pháp số phản đối tăng từ 66% lên 83%, Nga từ 61% lên 83%, và Nhật từ 76% đến 84%... (Thục Quyên, “Hãy bảo vệ Việt Nam hôm nay cho mai sau”).

 

– Em đọc ở trang mạng mới nhất vào ngày 23-4-2012 Meowee.com, ông người Nhật Hiroaki Koide hẳn hoi nè, Học viện Nghiên cứu Phản ứng Lò Hạt nhân thuộc Đại học Kyoto nè, may mà người Nhật cũng đã sáng mắt ra.

 

Điện hạt nhân: vì sao chúng ta đồng ý?

Thế nhưng rõ ràng là các nhà máy ĐHN vẫn được xây dựng rất nhiều ở đất nước chúng ta với một tinh thần trách nhiệm vĩ đại. Ngay cả khi không có sự cố thì điều này đã rất phi lý và bất thường!

Chúng ta dễ dàng đồng ý với việc xây dựng nhà máy ĐHN bởi vì chúng ta đã bị lừa bằng câu chuyện thần thoại về tính an toàn gần như tuyệt đối của ĐHN, được tuyên truyền mạnh bạo và rộng khắp qua các phương tiện truyền thông với sự tham gia của những học giả vô lương tâm và vô trách nhiệm.

Chúng ta dễ dàng đồng ý với việc xây dựng nhà máy ĐHN cũng bởi vì chúng ta đã quá vô tư và vô tâm với các biện pháp mà chính phủ đưa ra để giải quyết bài toán an toàn.

(Phạm Nguyên Quý - Tokyo ghi lại)

 

- Em dám cá thế nào rồi cả thế giới sẽ noi gương Cham mà đào hầm… - T’maung nói.


9

 

Tối ngày thứ ba.

– Em nghe tin này chưa? - Tôi hỏi. - Ngay khi tin Quốc hội thông qua Dự án được đưa lên mặt báo, chưa đầy tháng đã có cả chục gia đình Cham chuyển cả nhà vào Sài Gòn rồi đó. Bà con bỏ đất mà tìm đường sống thôi.

– Ui, chả vấn đề đâu, ông anh đừng suy nghĩ yếm thế kiểu ấy, - T’maung nói, - ai sợ thì cứ mà chạy thoát thân, Cham sợ nhưng Cham trụ lại, trụ lại và đào hầm, khác nhau chỗ đó ông anh nhà thơ ạ, sợ nhưng vẫn dũng cảm trụ lại mới đáng nòi Cham, ông bà tổ tiên chúng ta chạy nhiều rồi, chạy mỏi cẳng chân rồi, từ Quảng Bình Quảng Nam chạy vào, từ Bình Định Phú Yên chạy tới, rồi chạy tuốt tuồn tuột qua Tây Ninh Châu Đốc, chạy sang tận Cam Bốt Thái Lan, mỗi Cham Pangdurangga ngang tàng trụ lại, có chết con mòng nào đâu, còn to con thông minh lanh lợi nữa, con số từ 6.000 nhảy vọt lên 74.000 chỉ qua thế kỉ không đáng kể à, sợ lò hạt nhân ai chạy thì kệ, họ bỏ mảnh đất thiêng với nền văn hóa ông bà thì mặc xác họ, cầu họ đi sớm cho rảnh nợ khỏi chật hầm, có ở lại cũng không mong họ trở thành công dân Hầm mẫu mực được…

– Chả đáng gờ ram mỡ để nhọc công, ông anh ạ [ngưng] điều thằng em này đệ nhất ngán là mấy tên cơ hội, chúng ở lại trà trộn vào thế giới Hầm, làm công dân Hầm giả hiệu, lo là lo mấy của nợ đó, em còn chưa tìm ra thuốc đặc trị mấy tên này, xài dao phay giết ruồi chỉ bõ công, đầu óc nhỏ chỉ thích hợp với phương thuốc nhỏ, em lâu nay quen nghĩ lớn nên hơi kẹt, muốn điên lên được, không phải chúng làm cho mình điên, mà tầm như em mà còn phải đi sớt đầu óc để đối phó với mấy thứ vớ vẩn đó không đáng, qua khỏi biển sâu vướng ao nước cạn ‘tapa truh tathik jơl di danaw’ ông bà ta nói quả không sai…

– Vội gì, 8 giờ tối xe mới đến đón mà, anh vào đây vào đây… - T’maung nói, khi thấy tôi nhìn đồng hồ tay.

T’maung nắm cánh tay tôi dẫn vào Hầm. Đi sâu khoảng mươi bước, tôi nghe luồng khí lạnh phả vào mình. Như thể không khí của cõi âm. Một ngọn nến lặng lẽ cháy ở góc Hầm nơi ngả quẹo soi khuôn mặt T’maung nhập nhoạng. Tôi cố giấu T’maung cảm giác ớn lạnh.

– Anh em mình ngồi đây, chưa phải lúc tham quan đâu, còn lâu mới ra hình dạng hầm tiêu chuẩn, nó phải được tiến hành song song với cái nhà máy trời ơi đó, song song nhưng luôn đi trước, dự án kia năm 2017 mới khởi công, cũng chả lấy gì làm chắc, nghe đâu phải ba năm sau nữa, ba năm cao su, mà đất nước này anh biết, nói và làm xa nhau như cô gái Islam với anh chàng hoàng thân Cham trong Ariya Bini - Cam ấy, rồi là lót tay chạy chọt, trục trặc kĩ thuật hay đình công làm reo gì gì đó, cũng không tránh khỏi vụ nửa chừng bị sự cố phải xem lại bảng thiết kế, như thủy điện Sông Tranh 2 đó mà, ôi thôi bát ngát chuyện, mấy trự Nga tưởng xơi Việt Nam dễ, họ ăn họ vòi khi làm thật thì chả còn mấy nả, lại phải chạy qua Đông Âu rinh mấy thanh cũ second hand về luộc nữa không chừng, lúc đó đoàn quốc tế đến thanh tra, có khi cuối rốt phải bỏ của chạy lấy người… [ngưng]

Cái em đệ nhất ngán là công dân Hầm giả hiệu, chúng lấp ló ngoài cửa ngay khi chương trình còn trong hộc bàn, sáng nay tay chạy giấy ở văn phòng huyện tạt qua em uống cốc trà, thấy mặt chỉ muốn đấm, nó ngốc nên cứ nghĩ ai cũng ngốc như nó, nó bảo dự án hầm làm xáo trộn đời sống nông thôn, em bảo nó đào hầm tránh hiểm họa hạt nhân là quyền tự do tối thiểu của công dân một đất nước tự do, nó bảo em nói xì là tung tin thất thiệt gây hoang mang, em bảo nó dân biết dân bàn dân kiểm tra là Bác Hồ nói chứ không phải tao, nó nói đào hầm gây thất thoát công lao động làm ra của cải vật chất cho xã hội, em bảo tất cả là tự nguyện và Cham có quyền bảo vệ mạng sống của mình, cái chuyên gia bưng bô ăn theo nói theo đó mà, nó bảo có thương nhau mới nói cho biết, em bảo thẳng vào mặt nó mầy đồ chó săn chó săn chó săn, còn hơn chó săn đồ chó chết, nó khóc mùi sáu câu vọng cổ rằng nói thế là oan cho nó, cái thằng đáng ném vào lò hạt nhân đó…

- Đánh chó ngó sau lưng anh à, - T’maung tiếp, - em nói với nó tao không phản động đâu, đừng hòng báo cáo mà kiếm điểm, hôm hội nghị tại tư gia nhà thơ Inrasara cuối năm 2009, tao là kẻ duy nhất “không phản đối Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận”, chính tao nè, biên bản có ghi hẳn hoi, có chữ kí của vị tiến sĩ đại diện cho Chính phủ nhé, em hù thế cho hắn khiếp, mấy ngữ đó cứ lấy tiến sĩ với trung ương ra hù là té đái, nên cứ tiếc là không có chữ kí của tay tốt thí kia, hỏi có điên lên không, vì chuyện đại sự, em đã phải xuống nước với sinh linh đáng ném vào lò đó, nhiều cái đau lòng lắm, ông anh nhà thơ à, nhà thơ sống Sài Gòn không biết cụ thể tâm tư thằng em đâu… - T’maung nói, - xe đến rồi kìa, bảo trọng, bảo trọng.


10

 

Vừa vào đến Sài Gòn, tôi đã nhận điện thư của T’maung.

 

Pangdurangga, ngày 1-5-2012

Anh Sara kính mến!

Nể phục anh vô cùng, về việc anh quyết định quy hồi cố hương sống, ngay khi lò hạt nhân vận hành. Một quyết định cực kì sáng suốt và kịp thời. Thế mới đáng mặt Cham chứ. Em sẽ nghĩ cách kiến nghị anh làm đại sứ của công dân Hầm. Khi có sự cố, anh sẽ là gạch nối Hầm và thế giới, chuyển đạt thông điệp của Hầm đến với phần nhân loại còn lại.

Sẵn đây nhờ anh liên hệ với bên Nhật về bộ y phục chống nhiễm xạ (không biết kêu sao cho đúng nhỉ), một cho anh và một cho tài xế phục vụ các chuyến đi của anh. Hỏi thêm về chiếc xe cung ứng thực phẩm thuốc men cho công dân Hầm. Phải là loại chống nhiễm xạ đời mới nhất, anh nhớ cho. Hỏi họ mọi phí tổn luôn thể. Dân Nhật từng chịu đựng thảm họa nguyên tử chắc họ không đến nỗi chặt chém, có khi mình còn được biếu tặng không chừng. Cùng cảnh ngộ, yêu thương đùm bọc nhau. Nhưng chuyện tiền nong hoàn toàn không quan trọng.

Tin vui cho anh hay, là công cuộc đào hầm ở quê đang tiến hành rất khả quan. Năng suất vượt chỉ tiêu kế hoạch. Em không ngờ trong cơn thương khó, dân tộc Cham lại đồng lòng đồng dạ như thế. Vui nữa là mình đã đi trước họ một bước khá dài, ít nhất cũng 5 năm. Họ nổ máy thì mình đã đâu đấy rồi. Nhưng chắc gì máy kia đã nổ. Anh biết, khi Dự án kia còn rắc rối với dân làng ở khâu đền bù giải tỏa, hầm Chakleng đã xong phần móng, 26 làng còn lại cũng đã khởi sự đào.

Đừng lo cho em, đến lúc này thằng em vẫn chưa có ai mời cà phê.

Anh bảo trọng. Nhớ 2 vụ em nhờ nhé.

Kính anh. Hẹn gặp lại.

Em T’maung.


11

 

Ngày 25-7-2012.

T’maung mất tích đúng vào ngày Halang cưới chồng. Họ yêu nhau từ năm năm trước đó, đằm nhưng “tụi em lành mạnh và trong sáng”, như lời của T’maung. Halang Xóm Dưới, con gái rượu của ông quan khá thế giá ở tỉnh, Đảng viên – dĩ nhiên. Yêu T’maung và trung thành và hi sinh và chịu đựng. Ông bố dù không ưa T’maung cũng đã phải cắn răng chịu để hắn qua chơi nhà, cho đến khi hắn bắt đầu đào hầm, thì ông có lí do chính đáng để cấm tiệt.

T’maung mất tích làm điêu đứng cả cộng đồng Hầm và gây xôn xao thế giới ngoài Hầm. Hắn dính bẫy rồi, mọi người đinh ninh thế. Thời buổi đầy bất an này, không lường được. Chẳng một công dân Hầm nào biết. Hắn mất tích. Không điện thoại, không tin nhắn. Đột ngột vậy thôi, không thể do thất tình được. Cả sự nghiệp Hầm đầy tương lai mở ra trước mắt, hắn không thể phủi tay cái rụp. Nguy to rồi. Đất Chakleng T’maung không bà con thân thích. Có bà cô họ thì đang ăn nhờ ở đậu nhà ông chú họ xa theo vợ ‘palei’ Hamu Tanran. Có cái ngờ đổ sang ông Vam. Tôi nghĩ ông bố Halang không đến nỗi cậy quyền thế ngán T’maung nổi giận qua phá đám, mà hành xử bậy. T’maung yêu Hầm hắn hơn mọi thứ trên đời. Hắn mất tích, đột ngột, như thể rớt vào lỗ nẻ.

Cả tuần qua, tôi không nhận được email hắn.

 

Tôi về tới làng thì mặt trời vừa gác núi. Tôi vội vã chạy xe qua Hầm. Cả trăm công nhân Hầm tình nguyện đã tản đi từ ba hôm trước. Họ dân làng khác đến, vừa qua Chakleng giúp đào vừa học tập kinh nghiệm. Không lương. Nghe đồn đã có vài nhắc nhở, nhưng họ chẳng nao núng. Khi T’maung mất tích, họ mới tản đi. Còn bốn công dân tiên phong với mươi kẻ tình nguyện trụ lại. M2 cho biết trước khi mất tích, T’maung cả ngày không ăn uống, ngồi và suy nghĩ. Tối, tôi tạt vào vài nhà người quen dò hỏi để nắm thêm tin tức. T’maung mất tích dứt khoát không dính líu gì bên an ninh. “Cả ngày không ăn uống, ngồi và suy nghĩ”. Còn tại sao hắn bỏ đi thì tôi không hiểu được. Đã qua bốn ngày. Tối, lễ Talơh Khan aw’, đám cưới nhà Halang kéo dài đúng tinh thần tùy tiện Cham dường đã rũ mệt. Đàn hát cũng đã vãn. Tôi lên gác Hầm ngồi ngó lung vào trời đêm. Cái gác được T’maung dựng lên cao quá ngọn me cổ thụ vừa đốn bỏ, - để làm đài quan sát, - hắn nói.

Phía Nam là núi Chà Bang với ngọn Po Nai đậm nổi dưới ánh trăng tháng Bảy. Chếch phía biển là ba giàn khoan dựng lên cho nhà máy điện hạt nhận dự án. Từ gác Hầm, tôi không nhìn thấy già cả, nhưng tôi biết chúng có mặt, ở đó. Tháng trước, anh bạn làng Cwah Patih chuyển cho tôi mươi tấm ảnh chụp khu vực này. Chakleng cách lò hạt nhân hơn chục cây số. Ở đây, Hầm xuất hiện như lô cốt cô độc ở trong thế thủ chắc nịch. Chúng như hai đối thủ chuẩn bị vào cuộc chiến nay mai. Khối đất lấy lên từ Hầm được vun cao và cho phả theo hình mu rùa trông như nấm mồ khổng lồ. Đã có mấy hàng cây keo lá tràm lơ thơ mọc lên. Chúng được T’maung phân nhiệm vụ ngăn bụi phóng xạ sẽ văng đến từ mấy giàn phác thảo phía dưới kia, một ngày nào đó. Ba loại cây khác nhau lập nên ba tầng ở phía trên và bao bọc quanh Hầm, - hắn nói, - Trong khi chờ đợi thành quả nghiên cứu loài thảo mộc chống bụi phóng xạ hữu hiệu nhất, em tạm cho trồng keo thí điểm. 

- Bác sĩ tiến sĩ Phạm Nguyên Quý cho là sau sự cố hạt nhân, chất phóng xạ làm ô nhiễm đất, nước và cả cỏ cây. Nó lẫn vào không khí, theo gió lan đi xa, theo mưa rơi xuống đất và tiếp tục hòa vào các mạch nước ngầm. Con người sẽ uống phóng xạ trong nước, tắm phóng xạ phát ra từ đất và cây cỏ xung quanh...

– Nguy thì có nguy đấy, - T’maung nói, - nhưng em tin thế nào bọn trẻ Cham cũng đủ thông minh để tìm ra hay lai tạo được loại giống cây này.


12

 

T’maung mất tích. Tôi nghi vì lụy tình hơn cả mọi thứ khác. Chỉ có tình yêu mới khiến con người ta đứt kiểu ấy. Halang lại là tình đầu của hắn. Thế rồi một sự cố ngoài tưởng tượng đã xảy đến. Tin Halang thình lình xuất hiện trong nhà T’maung, làm tôi bối rối. M4 kêu tôi xuống, - nhanh lên chú, - hắn thúc. Tôi bước xuống gác, lúc đó đã quá 11 giờ khuya. Hắn dẫn tôi vào ngôi nhà cổ, ngôi nhà duy nhất còn lại trong khuôn viên. T’maung quyết lưu nó lại, vừa để tưởng niệm cái gì không biết. Nghe phong thanh hắn ý định học kinh nghiệm thần đèn Tư Lũy chuyển nó xuống hẳn Hầm, để tránh bị nhiễm xạ.

– Sao không đốt thêm nến, - tôi hỏi?

– Một đủ rồi, chú à.

Tôi nhìn lờ mờ hình dáng rồi khuôn mặt rồi đôi mắt cô gái đang ngồi trên sàn.

– Chị Halang, chú, - tiếng M4 sau lưng. Chung làng, nhưng tôi chưa gặp mặt Halang. Trẻ quá. Vậy là đã yêu từ tuổi mười lăm mười sáu. Tôi ngồi đối diện với nàng, chếch qua phía tường.

– Dạ, em bỏ đám cưới… - Halang nói.

– Em có nói cho T’maung biết không?

– Dạ, em mới nghĩ ra chiều nay.

– Nó nói gì với em chưa? – Tôi hỏi

– Dạ, chưa ạ.

T’maung không hé với tôi chuyện tình của hắn, chỉ kêu “tụi em lành mạnh và trong sáng”. Vậy thôi. Hai đứa dại dột thế chứ. Liều nữa.

– Em sẽ là công dân Hầm, - Halang nói, giọng cứng.

– Em qua đây có ai thấy ai biết không?

– Dạ, không.

– Em nghỉ đi, - tôi nói. Tôi bảo M4, cháu lo cho chị mày đi, rồi ra đây chú nhờ xíu.

Ông quan bố hẳn đang điên lên và rải người vào khắp nhà quen thân để tìm cô con gái. Ông đổ cho sắp đặt của T’maung là cái chắc. Có thể con gái ông đang đâu đó với thằng đứt năm sợi rưỡi kia. Ông sẽ lục tung khắp thôn làng ngõ hẻm. Hầm sẽ không là ngoại lệ, nhưng phải sau đó. Tôi bảo M3 và M4 lo thu xếp góc nào đó kín đáo nhất của Hầm, kịp chuyển Halang đến trước khi trời sáng. Chuyện Halang trở thành công dân Hầm đầu tiên, là thế. Vô hình trung tôi như kẻ tòng phạm. Sau này, T’maung chỉnh lại, đúng hơn phải gọi ông anh là người đỡ đầu và nhà cố vấn khai sáng.

 

Nhà văn khuynh hướng viết truyện diễm tình có mùi trinh thám có thể khai thác chuyện tình T’maung với Halang thành một tiểu thuyết ăn khách. Sẽ có những cuộc truy đuổi, với nhiều nhân vật tham gia. Ông Vam và gia đình, rồi chú rể vừa mất cô dâu cùng gia quyến bên họ đằng trai, thêm mấy công an xã và trưởng phó thôn bị lôi hay tự nguyện vào cuộc. Căn nhà bà cô họ xa T’maung trú thân ở Hamu Tanran cũng sẽ được hỏi thăm. Các vụ bố ráp Hầm và cuộc tẩu thoát li kì. Tòa án và kiện cáo. Lai lịch cùng chương trình bí mật của T’maung sẽ bị điều tra. Các tờ biên bản và khai báo. Hiện trường giả hay cuộc ép cung. Halang dọa uống thuốc rầy, rồi sẽ không thiếu cơn giận dữ của T’maung. Thôi thì đủ cả. Nghĩa là mênh mông yếu tố cho một câu chuyện gây cấn hình thành và phát triển. Tôi tạm gợi ý làm mồi cho các bạn văn nhảy vào khai thác. Gọi là tiếp thị cho Hầm và đời sống Hầm hứa hẹn nhiều sôi động, tháng ngày sắp tới.

 

Mất tích đúng một tuần, T’maung xuất hiện. Đột ngột như lúc hắn biến. Công an xã qua hỏi hắn về con gái ông Vam bị hắn nạt, chạy quên cây bút bic mới toanh. - Khía cạnh này nữa cũng phải tính đến, anh à, - hắn nói, đưa cho tôi đoạn báo vừa in ra.

 

Trẻ em ở gần Fukushima đã không được tự do ra ngoài chơi, nhất là không được lại gần những vũng nước và bãi cỏ. Trên đường đến trường có bao nhiêu cạm bẫy phóng xạ! Lo lắng hơn, đó là những cạm bẫy vô hình mà hậu quả chỉ biết được sau vài chục năm! Đã có những cố gắng để tẩy rửa chất phóng xạ trên mái nhà, ngoài công viên… những cố gắng ấy cũng chỉ giảm được vài phần sự bất an triền mien.

(Bác sĩ Tiến sĩ Phạm Nguyên Quý, “Hạt nhân đi dễ khó về”).

 

– Em đang lo về thế hệ sau và thế hệ sau nữa, nhân loại ngu thiệt, đúng là kéo nhau vào vụ tự sát tập thể, điên thật rồi, lần trước ông anh nhắc sơ về thực phẩm cho bọn trẻ đúng là ý kiến sáng suốt, thế hệ con cháu em với Halang phải được tính tới ngay từ bây giờ.

Khi tôi hỏi, em xử lí thế nào về trường hợp Halang, hắn nói, không có gì đáng để tâm đâu, nàng sẽ sống ở đây, trong Hầm này, ông Vam chuyên gia bợ đít với tay công an xã mặt rỗ có gan cua cũng không dám bước nửa bước vào chốn này…


13

 

– Anh còn nhớ chuyện cá trê chết rợp trời thời 75 không, - T’maung hỏi, - em không tận mắt thấy nhưng có nghe kể, thu thập tin tức và phân tích, biết một là biết tất cả anh à, chớ gì bụi phóng xạ, mỗi thay đổi đất trời là mỗi biến động thế giới các loài, chớ tin nghe ông Darwin bày đặt, rằng loài người học biết đi hai chân từ khỉ, chả có tiến hóa điên rồ nào như thế cả đâu, con người xuất hiện đột ngột biết đi biết nói ngay, ông Darwin kia có giỏi sống lại mà dạy khỉ nói nào, gia hạn cho ông một triệu năm đó, nổ big bang lớn nhỏ làm ra thế giới, mọi mọi đồ đồ đều là thành quả bột phát, 75 đất nước này lật chỏng gọng khiến nhiều thứ chết, loài cá trê Ninh Thuận là một trong những, nhưng không chết tiệt mà có một số lượng nhỏ đồng loại thông minh đã nhanh chân lặn đi, để năm sau thôi chúng sống dậy trở lại, vẫn là loài trê, nhưng với tư thế và dáng dấp khác, Cham còn khối đứa dại, dại mới bỏ đất thiêng Pangdurangga mà chạy, cần tôn trọng quyền được dại của chúng, dại mới không lo tự cứu mạng mà đi nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu cho bọn đi sau nghiên cứu để nghiên cứu để nghiên cứu, cất trong kho lưu trữ, làm quái gì cơ chứ, Cham không cần mấy thứ vớ vẩn đó, Cham không cần đến mấy xác chết biết đi đó, Cham cần tồn tại, Cham cần rất ít để khẳng định tư thế giữa trời đất và vũ trụ, cần rất ít để hội nhập với thế giới, em có kê ra 10 cuốn sách thiết yếu trong Tủ sách Hầm

The sound and the Fury của Faulkner

Le petit Prince của Exupéry

Letter on “Humanism” của Heidegger

Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du

Ludwig Van Beethoven của Sullivan

Ariya Glơng Anak

Freedom from the Known của Krishnamurti

Leaves of Grass của Whitman

Ecce Homo của Nietzsche, và

Bát Nhã tâm kinh

 

10 cuốn thôi cũng đủ, bằng ba thứ tiếng Anh Pháp và tiếng Cham thế kỉ XVIII, con người cần sống chứ không cần chồng chất kiến thức như thứ lẫm nát, cần nhảy múa chứ cần rất ít sách vở, kiến thức chỉ tổ nặng đầu với nặng đời, Cham hôm nay không cần đến mấy thứ nghiên cứu nặng bao tải kia, hãy để cho lò hạt nhân thiêu rụi chúng cùng mấy tên hèn nhát bỏ đất thiêng mà chạy kia, thế hệ Cham ngày mai chỉ cần nhớ đến tháp Chàm, Ariya Glơng Anak và 72 điệu múa, Ariya Glơng Anak dạy Cham giải sân hận và yêu thương, xây tháp để khẳng định sinh thể Cham giữa trời đất, còn 72 điệu múa là để sống, mỗi sinh thể Cham sẽ đứng trên ba trụ cột huyền vi đó, chính qua bài học từ định mệnh của mình, Cham sẽ dạy cho nhân loại giải sân hận, yêu thương và nhảy múa, em đang chuẩn bị cho thế hệ đi tới tinh thần và cốt cách ngoại hạng đó, khi lò kia bị nổ, bụi phóng xạ phóng ra, con dân Cham dũng cảm sẽ trụ lại, chấp nhận sống đời sống Hầm, các loài cây chống bụi phóng xạ sẽ bảo vệ Hầm ở tầng trên cùng, tiếp đó lớp cỏ karah ngăn chúng thấm vào đất, còn sót chút đỉnh thì đám rễ cây lai tạo sẽ rửa sạch, chuyện ông Than Kon với đồ đệ ông tụi em cũng đã tính hiệp thương đâu ra đấy rồi, em nói không nhất nhất trốn chui nhủi trong Hầm, công dân Hầm có thể đi ra ngoài hít thở khí trời để cho thứ phóng xạ chết tiệt kia nhiễm vào mình, như thể tự tiêm vi khuẩn cần thiết cho cơ thể Cham làm quen, thế hệ hôm nay học biết chấp nhận sự hi sinh lớn lao kia, cho thế hệ con và cháu nhận được chất kháng thể khả năng đề kháng mọi loại bụi phóng xạ, như loài cá trê sau 75 ấy, chúng cường tráng hơn, thông minh sáng tạo và hoan lạc hơn...

– Xem thử cái lò hạt nhân kia làm gì nhau nào, - T’maung nói.


14

 

 – Em đọc tin này chưa? - Tôi đưa cho T’maung tờ Tia Sáng mới ra ngày 20-3-2012.

 

Sau sự cố Fukushima, nhiều quốc gia có ĐHN phát triển đã lập tức trì hoãn lại kế hoạch xây dựng mới các lò phản ứng ĐHN, còn CHLB Đức và Thụy Sỹ thì chính thức quyết định từ bỏ công nghệ ĐHN mặc dù ĐHN hiện vẫn đang cung cấp một sản lượng điện khá lớn ở 2 quốc gia này. Ngay tại Nhật Bản, trong số 54 lò phản ứng ĐHN với công suất ~ 47500 MW chỉ có 2 lò đang hoạt động, số còn lại đang được kiểm định an toàn khắt khe nhất và chắc chắn nhiều lò phản ứng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn như 6 lò phản ứng ĐHN ở Fukushima (Đào Tiến Khoa,Thêm một cảnh báo về Nhà máy Điện hạt nhân”).

 

- Đọc rồi, - T’maung nói, em còn biết mới hôm kia Nhật Bản đã đóng lò hạt nhân cuối cùng của họ, hay cả khi bác Phùng Liên Đoàn hiến cái diệu kế, đây nè - hắn đưa cho tôi tờ khác.

 

Bỏ Ninh Thuận, cộng tác với Nga xây ĐHN nổi, tạo được công ăn việc làm cho người dân, và hội nhập ĐHN đặc thù.

Một trong các phương pháp đặc thù là xây các nhà máy ĐHN nhỏ trên bè, có thể làm tại một cảng như Cam Ranh rồi kéo tới nơi có nhu cầu điện. Kỹ thuật làm ĐHN trên mặt nước hoặc dưới nước đã chín muồi vì đã thực hiện an toàn tại các tàu ngầm nguyên tử, hàng không mẫu hạm nguyên tử… Xây lò ĐHN trên bè thì không sợ động đất. Sóng thần cũng không làm hại được lò vì sóng thần chưa hề phá vỡ các công trình to lớn có tường xi măng cốt sắt bảo vệ (“Tám lí do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy ĐHN”).

 

Tưởng mới lắm, - T’maung nhìn thằng vào mắt tôi, không nhúc nhích nổi suy nghĩ của thằng em này đâu, rồi khi ngài giáo sư chuyên gia điện hạt nhân hàng đầu thế giới Nguyễn Khắc Nhẫn “cam đoan là Chính phủ thế nào cũng rút lui nữa, rút lui hay không đã ra ngoài quan tâm của em, em đã tính đâu đó hết cả rồi, điều em lo lúc này là kiếm miếng đất dựng khu cư xá tạm, sớm muộn gì làn sóng Cham khắp phố thị sẽ tràn về, cần có nơi cho đám trẻ sinh hoạt, vui chơi giải trí và đào, hàng ngàn công dân Hầm dự khuyết đáng yêu đó, có khi còn lên đến con số vạn không chừng…

T’maung đưa cho tôi cuốn vở học sinh mở sẵn.

- Đây nè, ông anh đọc mà ngâm đi, - đấy mới siêu...

 

Tự chiều sâu thẳm của tâm hồn con dân Cham Pangdurangga, họ chưa bao giờ nghĩ mình mất nước, quốc gia hay vương quốc. Cham không khái niệm về quốc gia, tổ quốc hay vương quốc, các khái niệm như con người hôm nay hiểu.

Họ sinh ra ở đó. Xa hơn, ông bà và cha mẹ họ sinh ra và cư trú ở đó. Miền đất đó là của họ, thuộc về họ. Hay đúng hơn, họ thuộc về đất.

Xưa, họ đã từng phản kháng chống lại triều đình trung ương ở Amaravati, khi vị đại vương muốn dùng uy quyền áp đặt chính sách xa lạ lên vùng đất họ. Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi khi Tây Sơn thống nhất đất nước, cả vùng miền Nam rộng lớn rơi vào tay quân Tây Sơn, nhưng “miền đất Pangdurangga” vẫn là của Cham. Nghĩa là Cham vẫn còn thuộc vùng đất của mình.

Sang thời Nguyễn, nhà Nguyễn vẫn dành cho Cham phần đất đó để cư trú như là nhà mình. Chỉ đến Minh Mạng lên ngôi muốn thâu tóm quyền lực, khi bị ép buộc quá quắt, người Cham mới nổi dậy - như họ đã từng nổi loạn ngàn năm trước. Minh Mạng hoàn toàn không hiểu cộng đồng này: người Cham không đòi tái lập vương quốc mà là được ở miền đất như ở nhà, và họ đã chiến đấu đến đứa con cuối cùng cho ý nghĩa đó.

Đúng. “Đứa con cuối cùng”, không mơ hồ hay trừu tượng.

 

Champa mất, nhưng “miền đất Pangdurangga” vẫn còn. Dù bị càn quét dã man, người Cham quyết không bỏ đi. Họ lởn vởn đâu đó, trong rừng núi. Đến khi Thiệu Trị xuống chiếu kêu xuống, họ về lại miền đất của mình. Lúc này Cham còn vỏn vẹn 9.000 người!

Trăm năm sau, con số lên mười hai lần hơn.

Tôi nói, nếu ngày mai Ninh Thuận và Bình Thuận bị ngoại bang xâm lăng, người Cham Pangdurangga không cần đến dân tộc nào khác, chính họ sẽ lại đứng lên chiến đấu đến người cuối cùng. Không phải bảo vệ tổ quốc Việt Nam, mà là canh giữ miền đất mà họ thuộc về.

Khi họ hết thuộc về, là họ hoàn toàn tự đánh mất Cham tính (Tự ngôn Hàm Bộ 05).

 

- Đó chính là nền tảng của mọi nền tảng, - hắn nói, - không với ai cả.

Tôi nhìn hắn, không nói gì.

- Mai anh vào Sài Gòn phải không… - T’maung quay nhìn tôi, hỏi mà không đợi câu trả lời. Hắn tiếp, đính kèm nụ cười kiêu hãnh, bí hiểm:

– Thử xem mấy giàn điện hạt nhân bá vơ đó sẽ đi đến đâu, đợi đấy!

 

Phụ lục

 

LAI LỊCH T’MAUNG

 

 

 

Khi được bà Vàng cho biết con bé nói hôm qua thằng Hoang vào Phan Rí phải “hơi lâu” mới về, ông Hoanh nói, tôi quá biết thằng đó, mẹ con bà thì cứ tin.

- Có nhục cái nhà này không chớ, - ông nói. Bà Vàng khóc.

- Thôi đi, - ông nạt - tối nay tôi đưa con bé ra Nha Trang. Một lát, - bà bảo nó dọn đồ đi, bà dọn cho tôi luôn thể, hai ngày tôi về.

- Ông tính phá nó à? - Bà Vàng thôi khóc.

- Phá gì mà phá, to chình ình như thế kia mà phá cái nỗi gì.

- Ra đó ông bạn tôi lo, - lát sau - ông nói. 

8 giờ tối, ông Hoanh đèo M’sa trên chiếc Honda 67 xuống Phú Quý đón xe đi thẳng Nha Trang.

- Nhà ông bạn cha, - ông nói, - con cứ coi như nhà mình, lo cho cái bụng dạ chờ ngày sinh, khai giảng năm sau nữa cha đưa con về học lấy cái bằng Tú tài.

Về, bà Vàng hỏi nó ở nhà ai, ông không hé một lời. - Muốn loa cho cả làng biết à? - Ông hỏi lại.

- Ít ra tôi cũng biết con tôi ở nhà ai chứ, - bà Vàng nói.

- Nhà ông bạn Việt, - ông nói. - Một bà Cham biết thì cả làng nước biết, tôi có tìm gò mối mà lủi.

- Con gái mình lỡ dại, ông cứ nhạnh tội nó.

- Không nói gì nữa, đúng tháng 9 sang năm tôi đưa nó về cho bà.

 

Đầu tháng Tư, Nha Trang “giải phóng”. Giữa tháng Tư thì đến phiên Ninh Thuận. Ông Hoanh giáo sư đệ Nhất cấp có tên trong danh sách đảng Cấp tiến (ai dại!), đã phải xách gói lên Sông Pha học tập cải tạo. Hai tháng sau, qua chỉ dẫn của ông trước khi đi tù, bà Vàng lặn lội ra Nha Trang, tìm con.

Cửa nhà im ỉm đóng. Bà Vàng hỏi mấy nhà hàng xóm chẳng ai biết tăm hơi M’sa đâu. Mãi hai ngày sau mới có ông cụ đi ngang mách cho biết gia đình luật sư Nguyễn Văn Tài đã vượt biên trước ngày bộ đội tràn vào Nha Trang.

- Họ mang theo con gái bà thì hẳn, - lão nói.

Buồn chồng học tập cải tạo còn có người thiên hạ chung cảnh ngộ, chớ tủi hổ của bà mẹ Cham lén mang đứa con đi đẻ rồi mất con khiến bà Vàng tiếng ăn ở có đức đã héo hắt suốt ba tháng, bộ tóc đẹp và dày của bà khi xưa thưa đi trông thấy. Đùng cái, như thể trời thương, bà nhận được cùng lúc hai tin vui. Ông chồng về đúng tuần sau thì có chị từ Cam Ranh vào Hamu Tanran tìm đích xác nhà ông Hoanh nói vào chính lỗ tai ông Phú Hoanh rằng con gái với đứa cháu ông đang ở với bà giá, - không sao đâu, tốt cả, thằng cún khỏe, dễ thương lắm - chị nói. Luật sư Tài vượt biên gửi lại M’sa với bé trai hai tháng tuổi cho bà giá này, nhắn báo cho ông Phú Hoanh làng Hữu Đức biết. Chưa kịp báo thì trời đất đảo lộn.

 

Đúng nửa năm sau “giải phóng”, M’sa xuất hiện ở quê. Một mình. Mặn còn hơn thuở nữ sinh. Miệng lưỡi dân làng thì đủ chuyện, dù trước đó có tin nàng vượt biên với thằng Hoang truyền lan khắp. Thay vì vào học lớp 12 theo kế hoạch, nàng phải đi nhổ cỏ như mọi công dân của đất nước xã hội chủ nghĩa. Thằng Hoang đi “hơi lâu” chả thấy đâu tăm hơi. Thời cuộc đổi thay nhanh như màu lá. Thu hồi và cấp phát ruộng đất cho nông dân, hợp tác hóa nông nghiệp, ba khoán rồi khoán sản phẩm đến khoán trắng, cuối cùng là giải thể hợp tác xã. Thằng Hoang đi mất xương cốt. M’sa mỗi năm lầm lủi ra Cam Ranh thăm con vài lần. Và chờ. Cuối cùng như chờ hết thấu, nàng ưng chồng nông dân làng Hamu Crauk. Riêng vụ lén đi thăm đứa con thì vẫn đều đều không đổi, cho đến năm thằng Chiêm lớp Bảy, nó dứt khoát không muốn nhìn mặt mẹ nó nữa.

- Con không muốn gặp mẹ nữa đâu, - nó nói với bà mẹ nuôi, - con cũng không gặp cha nữa.

Năm sau, nó tiếp:

- Mẹ mà xấu hổ vì sanh con thì không đáng làm mẹ, bố không trách nhiệm nuôi con cũng hết thiên chức làm bố, con không còn muốn gặp họ…

Hết lớp Chín, nó nói với mẹ nuôi:

- Dạ, con cũng thôi nhờ vả mợ nữa, mợ cho phép con vừa học vừa làm, con cảm ơn mợ đã nuôi con, từ nay con tự nuôi mình…

Và nó đã tự sống được. Đến năm cuối cùng của thiên kỉ thứ hai sau Công nguyên, nó mang tấm bằng chứng nhận Mai Văn Chiêm - Thạc sĩ Anh ngữ đến gặp mẹ nuôi để nói lời cảm ơn lần cuối.

- Mợ cầm cái này giùm con, - nó đưa cho bà cụ cái hộp gỗ, - không phải trả ơn dưỡng dục đâu, mợ hiểu cho con, mà là… Dạ thôi… Cái này mợ giữ để nhớ con, - Nó mở hộp gỗ ra, - còn cái này mợ tiêu pha tuổi già…

Nó quỳ gối trước bà cụ đơn côi tội nghiệp đang ấp a ấp úng không nên lời.

- Con đi đây, nó nói, đứng dậy và bước nhanh ra cửa.

Chàng thanh niên vạm vỡ, đẹp trai với ánh mắt rực lửa kia ra đường đón xe đò vào Phan Rang. Nó biết, cái tên Mai Văn Chiêm đã chết cùng tuổi thơ tuổi thiếu niên cùng tuổi trẻ của nó. Từ nay, nó phải khác. Nó tự gọi là T’maung. Những người quen nó sau này cũng biết nó qua tên ấy. Năm năm trọ thị xã Phan Rang, T’maung dạy học, dịch sách, làm nhiều công việc liên quan đến chữ nghĩa. Sống cô độc như loài sói cô đơn, mãi khi hắn gặp đóa hoa rừng Chakleng là Halang con gái ông Vam đang quan to ở Tỉnh. Halang mách hắn qua Chakleng trọ căn nhà của một gia đình có con toàn đàn ông đã theo vợ, đang bỏ hoang.

- Nhưng anh có sợ ma không đó? - Halang hỏi đùa hắn.

- Đời này anh mà sợ ai chứ… ngoại trừ em, hắn nói. Cả hai cùng cười.

Hắn khoái căn nhà hoang đó, mãi ca cẩm. Ở trọ được tháng, hắn mua luôn ngôi nhà, cả khu vườn nhỏ của gia đình bên cạnh. Với giá rất điên.

- Anh giàu cỡ đó à? - Halang hỏi.

- Anh yêu em, - hắn nói.

- Có liên quan gì đến câu hỏi của em đâu…

- Có, và hơn nữa em à, - hắn nói.

Dân làng không biết hắn làm gì, chỉ biết hắn là kẻ có tiền. Mỗi sáng đúng 7 giờ, chiếc xe con màu xanh đậm đến đón hắn đi, 5 giờ chiều, chiếc xe màu đỏ đưa trả hắn xuống đầu làng. Thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy. Sáng Chủ nhật, hắn ngồi cà phê ở quán cóc Haly’s, một mình, đợi Halang. Cho đến khi chiếc xe màu trắng đỗ xịch trước quán. Hắn mở cửa xe cho Halang bước vào, đóng cửa cẩn thận. Hắn vòng qua phía bên kia, mở cửa, bước vào, đóng sập cửa lại. Và họ cùng biến đi. 

Đều đều thế, không sai trật, cho đến khi xảy đến sự kiện đào hầm…

Cô độc, lập dị, và nghiêm túc cực kì. Bồ bảy năm mà bụng dạ con bé Halang vẫn nguyên xi mới điên chớ - dân làng đồn, - có khi hắn còn chưa rờ tới con bé nữa không chừng. Hắn nghe, và trích dẫn Nietszche: Đừng cất tay chống lại bọn chúng, bọn chúng nhiều vô số kể, và vận mệnh của mi không phải là làm kẻ đuổi ruồi.

 

Không biết từ khi nào M’sa biết T’maung chính là Mai Văn Chiêm, con đẻ của chị. Gần ba mươi năm, chuyện mẹ con chị quan hệ thế nào thì tôi không rõ, chỉ biết trước ngày ‘Tak Kayuw’ thằng Hoang, chị chạy qua khóc nhờ tôi nói giùm hắn, ông Hoang kia chính là cha đẻ ra hắn, nằn nỉ hắn qua viếng với lạy cha đẻ một lần, một lần trong đời thôi. Chiều hôm đó chị muộn, do đã chờ. Thật phí công lẫn phí giờ. T’maung không là không. Hắn không cho phép mình cúi xuống làm mấy chuyện vụn vặt vô tích sự đó. Hắn đã cắt đứt mọi quan hệ máu mủ, ruột thịt. Cả M’sa mẹ đẻ. Cả ông Hoang cha sinh. Dứt khoát, quyết liệt…

Còn…

khi Mai Văn Sam em cùng cha khác mẹ bỏ học bổng Đại học Mỹ, từ Tây Ninh tìm đến gặp hắn xin tình nguyện làm công dân Hầm,

khi Mai Văn Quang trả thẻ Đảng, từ bỏ chiếc ghế hàng cao cấp của Tỉnh, về sống hẳn đất Chakleng,

còn khi - điều không thể không xảy ra - T’maung đã đọc đến dòng cuối Ghi chép dân tộc học và nhất là, Nhật kí của kẻ bị săn đuổi của Mai Văn Kuan, để cuối cùng

khi biết kẻ đã lên kế hoạch tự thiêu để phản đối dự án nhà máy điện hạt nhân điên rồ kia, chính là cha đẻ mình,

hỏi hắn có còn giữ thái độ như trước không, thì chúng ta không biết được…