Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

TCHERFUNITH (kỳ 2)

 Inrasara                                                                                             Tiểu thuyết

 

Phụ lục-1

 

NHẬT KÍ CỦA KẺ BỊ SĂN ĐUỔI

(trích đoạn)

 

 

Chúng ta đang tàn phá sinh lực tinh túy nhất của chúng ta, hằng ngày!

 

Tôi muốn sáng tạo.

Tôi muốn là một con người sống, phát ngôn và viết tự do. Tự do khỏi mọi buộc ràng về sắc tộc và tôn giáo, khỏi mọi biên giới về địa lí và văn hóa, tự do khỏi mọi quy định của chủ nghĩa các loại.

Tôi phản đối độc đoán và áp bức dưới mọi hình thức. Trong thế giới nhiễu nhương đầy bất công và bất trắc này, tôi đứng về phía yếu, phía thiểu số, tắt một lời – tôi đứng về phía ngoại vi.

Tôi ghét những đầu óc nhỏ bé, vụn vặt, ghét những toan tính thấp hèn, lắt nhắt.

Tôi muốn là con người sáng tạo hoàn toàn tự do.

 

Ngày... tháng... năm 1968

Mậu Thân, Việt cộng chiếm làng Thành Tín. Hai bên giằng co hao quân tốn đạn đến nỗi lính Cộng hòa có ý định san bằng làng, phải nhờ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu can thiệp khi biết đó là làng Cham, Thành Tín mới tránh được thảm họa.

Tại Chakleng, lần đầu tiên trận đánh làm chết sáu lính cán bộ xây dựng nông thôn và lính nghĩa quân. Không khí tang tóc phủ trùm cả làng.

 

Ngày... tháng... năm 1969

Tối qua, Trường Trung học An Phước bị pháo kích. Tôi vừa qua ba tháng lớp Đệ Thất. Trường nằm cạnh Khu huấn luyện Nghĩa quân. Trước đó một tuần, thầy Jay báo Việt cộng sẽ pháo kích, thế nên thầy trò đã kịp làm hầm trú bom. Ba trái pháo bay lạc vào khuôn viên trường. Trái rơi ngay nóc tôn cư xá khiến Đạm bạn cùng lớp bị thương. Các anh giám thị khiêng hắn chạy vào hầm. Đám trẻ la inh, chạy tán loạn. Sáng sớm, cha mẹ các làng đổ về trường, chuẩn bị chiếu cói mang... xác con cháu về. 

 

Ngày... tháng... năm 1969

Tết vào, Trường dời xuống thị xã Phan Rang ở khu thổ mộ toàn cát và gió.

Đây là lần thứ hai trong đời, tôi hiểu thế nào là chiến tranh, là chạy loạn.

Lần đầu, năm 1965 ở Chakleng, chúng tôi đang lớp Ba thì được chuyển qua Trường Mới. Trường mới xây, đẹp, đám trẻ rất khoái. Chưa đầy tháng, do nhầm lẫn, lính Mỹ pháo kích vào làng. Cây me trước lớp chúng tôi đổ banh xác. Tường lớp học thủng cả chục lỗ cannon to đùng. May, thầy Hồng cho đám trẻ về trước, không thì chẳng biết thế nào nữa. Hơn chục trái pháo liên tục. Trái rơi bên nhà bà Chình, mẻ văng tới làm dì Sớm bị thương ở cánh tay, trực thăng Mỹ đáp xuống sân banh chở dì đi phi trường Thành Sơn cấp cứu. Trái rơi phía sau nhà bà nội khiến nửa căn bị sập.

Đám chúng tôi lủi thủi qua lại trường cũ học tạm.

 

Ngày... tháng... năm 1969

Xe Mỹ mỗi ngày chạy qua làng Chakleng xúc đất chở lên Bàu Trúc lập huyện An Phước, tạo nên Hầm Mỹ. Họ đắp đường, dân Chakleng có con đường đàng hoàng lên Phú Quý. Họ đổ gỗ với xi măng thừa với rác sinh hoạt, dân làng được hưởng sái rác Mỹ.

Mùa hè, tôi và anh Đạm đào đá dăm bán kiếm tiền. Trưa, cùng mọi người chạy lượm rác Mỹ.

Rác Mỹ như thể một trò chơi mới du nhập vào đời sống Cham. Dân làng tôi tiếp cận thế giới hiện đại, kiểu đó.

 

Ngày... tháng... năm 1970

Không ít người trong làng biết chú Dương chứa Việt cộng ở ngăn trong của lẫm lúa trong căn nhà của ông. Dì Mai làm ăn khấm khá, gia đình tôi mãi phận du cư. Hết tạm nhà cũ lại sang nhà bếp của cố nội ở nhờ.

Ong Paxeh ông nội có tiếng thông minh, chiều đi thăm bạn ở Văn Lâm về rồi còn đốt rạ ở đám ruộng Hamu Jawil, tối bị tố cáo liên lạc cho Tây. Tiểu đội Việt mình ập vào làng. Lúc đó ông đang rất yếu, hai người “tòng phạm” cùng làng khiêng đi. Ông Kiểm đương chức thì không nói rồi, ngay ông Phauk Jiơng chồng bà Tiếu bị Tây buộc đi nhổ cờ Việt Minh hôm trước, cùng chung số phận. Đó là tối thứ Ba, tháng Mười một Cham lịch năm con Chó, mẹ nhớ như in. Dân làng chạy theo xin tha bị vài phát súng bắn chỉ thiên đuổi về. Chắc không thoát rồi, bà con chỉ còn nước kêu trời độ trì. Gà gáy sáng, dân làng phân nhau đi tìm, lục khắp các miếng đất hồ nghi. Mãi xế chiều ngày thứ Năm, khi nấm đất mồ chôn chung ba người nở và rạn ra, bà con mới kêu nhau bới đất khiêng ba thi hài về đầu làng làm lễ.

Sinh phận Cham muôn đời sống giữa hai lằn đạn. Theo Minh Mạng thì Lê Văn Khôi bắt bớ tra khảo; ngược lại, bị Minh Mạng coi như nhái. Thế kỉ sau, chương trình lặp lại. Như anh ruột ông Chương bị tố, chết oan đời bởi viên đạn Tây.

Mẹ bảo đến bây giờ vẫn còn nghe tiếng ông kêu oan. Giá cha tao còn sống tao đâu khổ thế này, mẹ thở dài.

 

Ngày... tháng... năm 1970

Chiều nay bảng tên Trường Trung học An Phước được gỡ xuống thay bằng hàng chữ đúc xi măng Trường Trung học Pô-Klong. Hàng chữ đứng thẳng hàng kiêu hãnh. Khoảnh đất nghĩa địa, bọn trẻ chúng tôi đào hố trồng cây đụng nhiều xương cốt vô chủ. Thầy Jay lo xin gỗ, giường, nệm của Mỹ ở phi trường Thành Sơn chở về dựng nhà ở tạm.

 

Ngày... tháng... năm 1971

Đất Chakleng ruộng một vụ, cha là người duy nhất đủ độ lì làm lúa ba trăng trái vụ tám giạ gieo! Đến kì lúa làm đòng, ba cha con ra sức tát nước chảy suốt sáu trăm thước con mương khô để tưới ruộng. Hai tuần cuối trước khi gặt, nước khô, buộc phải tát hai lần nước. Cha đứng một đầu gàu, hai anh em tôi thay phiên nhau đứng đầu kia. Cha kể thường xuyên làm vậy thời trai tráng. Cha phải khỏe và dai sức ghê lắm. Rồi khi hạt lúa đong sữa, tôi với anh Đạm luân phiên canh chim chóc! Nghĩa là suốt mấy tháng hè túc trực ngoài đồng. Ba mùa liên tục.

Rồi đùng cái, mùa cuối khi chỉ còn hai hôm nữa là gặt, thì có chuyện. Tối, mưa dầm dề, lúa ba trăng niềm hi vọng của gia đình bị Việt cộng gặt lén! Anh Đạm hớt hải chạy về báo, cả nhà túa ra đồng. Toàn bộ hơn mẫu ruộng bị đạp rối tung. Cha đứng chết lặng, mẹ khóc, anh em chúng tôi nhìn nhau. Một tiểu đội lính từ huyện An Phước ào xuống. Anh trung sĩ bóc tờ giấy bọc nilon treo lủng lẳng nơi đầu cây gậy cắm góc chòi: “Gia đình cống hiến tài sản cho sự nghiệp giải phóng dân tộc sẽ được Đảng và Nhà nước đền bù xứng đáng khi đất nước thống nhất. Nhớ giữ tờ giấy này”. Anh trung sĩ nói với cha vài câu gì đó rồi nhét tờ giấy vào túi quần sau đít. Cha kêu thêm mấy ông anh họ tôi lội sông Tơng Lamưy đang cơn lũ tràn, mót mấy khóm lúa sót gánh về.

 

Ngày... tháng... năm 1972

Trường Pô-Klong liên tục bị gài bom, lối bọn trẻ đi tiểu. Tối qua là lần thứ tư chúng tôi bị gài bom. Thằng Binh đá văng sợi dây giăng cài vào gốc me tây với bom, may mà nó tịt ngòi.

Mùa hè, ngôi lầu kí túc xá khu dành cho nữ bị gài mìn, nổ cong cả vòm lớn. May mà hè, mỗi anh Song giám thị bị thương hư mắt, thêm một lính canh Mang Nhái người Raglai chết.

Tại sao? - không hiểu. Xung quanh không trại lính, chỉ có kí túc xá và trường học. Có người nghi Tỉnh chơi, khi đám thầy trò Cham biến khu đất hoang không cỏ thành ngôi trường xanh đẹp. Không tin được.

 

Ngày... tháng... năm 1973

Xung đột Islam và Bà-ni. Tại sao? tôi không hiểu nữa, chán vô cùng chán. Bi kịch lịch sử như muốn tái diễn. Ở thế khốn cùng này, nó càng mang dáng vẻ bi hài, thê thảm hơn. Tiếp theo là xung đột trong giành giật ghế dân biểu, đã chia xé cộng đồng Cham làm hai, ba phe không ra phe. Sự tính toán thấp kém này khiến cho bức tranh xã hội tôi sống ngày càng tối ám, không thể chịu đựng được.

Chán, không biết làm gì, tôi mang ca khúc Hận Đồ Bàn với chục bài khác tập tò dịch sang tiếng Cham. Dịch, hát để quên.

Chiều nay rất tình cờ tôi và M’sa có dịp ngồi riêng với nhau dưới gốc me kí túc xá. Tôi hát, nàng thích, khen giọng tôi sang và ấm. Hai đứa huyên thuyên chuyện trời đất quên luôn tiếng kiểng báo giờ ăn chiều. Gặp nàng, tôi biết tôi đã tung đồng xu của đời mình. Đồng xu kia đã rơi vào tay nàng.

 

Ngày... tháng... năm 1973

Tôi yêu M’sa. Nàng cũng yêu tôi. Chủ nhật, tôi dẫn nàng về quê. Cha rất thích M’sa. Mẹ bảo, hai đứa còn nhỏ lắm. Cha nói, lớn rồi. 

 

Ngày... tháng... năm 1974

Bi hài kịch xã hội Cham vừa thêm màn tranh giành chức cả sư Bà-la-môn. Cộng đồng bé tí Cham nát như đem vào cối giã. Máu đổ với kiện cáo. Xung đột xảy ra ngay làng Chakleng quê tôi nữa, mới điên chứ. Phe dân sự chống phe chính quyền, nghe người lớn nói thế. Tại sao chính quyền mãi can thiệp vào xã hội bé mọn đã nát bấy này, không hiểu. Tại sao Cham dễ bị giật dây như con rối thế?

 

Ngày... tháng... năm 1974

Tôi vừa cãi nhau kịch liệt với Thu. Hắn theo chủ nghĩa phục quốc Champa. Tôi nói, không cần. Thế hệ Cham ngày mai sẽ khác nhiều hôm nay, cường tráng, trí tuệ, nhân bản và sáng tạo. Hắn nói, nếu chúng ta không được phép, không được tạo cơ hội thì sao? Tôi nói, ta phải chiến đấu giành lấy nó, mà không cần bạo động.

Vậy là mi lại phải cần đến một đất nước, hắn nói. Tôi bảo không, mỗi sinh thể Cham là công dân Cham đồng thời là công dân quốc tế. Điều thiết yếu Cham dâng hiến cho nhân loại không phải là một quốc gia giàu mạnh, mà là một con người tự do. Mỗi một đứa con Cham phải hoàn thành sứ mệnh đó trong cuộc đời.

 

Ngày... tháng... năm 1974

Dưới hàng dương rậm ở bãi biển Ninh Chữ, tôi và M’sa hôn nhau. Chúng tôi trải tấm nhựa lên nền cát và hôn nhau những buổi chiều. Chiều nay, tôi đòi làm tình với nàng, nàng nói, mình còn nhỏ lắm. Tôi nói, mình lớn rồi. Và chúng tôi làm tình với nhau. Sắp nghỉ hè thì nàng nói nàng có thai. Nàng cho tôi biết, và khóc trên vai tôi. Chúng tôi mới 17. Rồi nàng cười thật tươi, ngay sau đó. Tôi cũng cười với nàng.

 

Ngày... tháng... năm 1974

Gần hết hè, bụng M’sa có vẻ hơi to. Nàng người làng Hamu Tanran, tôi đạp xe qua đèo nàng về thăm cha mẹ. Nhà vắng, tôi hôn lên bụng nàng. Tôi nói, em ngủ lại với anh đêm nay nhé, sáng mai anh vào nam rồi. Nàng hỏi bao giờ về, tôi bảo, có lẽ hơi lâu. Nàng hôn lên môi tôi. Tôi hôn thật lâu lên mắt nàng. Tôi nói, đợi anh em nhé. Nàng cười, còn nói gì nữa. Có lẽ em nghỉ học thôi, nàng thêm.

Tôi đã không về, có lẽ không bao giờ về nữa. Thương và nhớ nàng vô cùng.

 

Ngày... tháng... năm 1975

Tin bộ đội tràn vào Phan Rang, tôi nghe từ Phan Rí. Tôi bắt xe vào nam.

Ông Mrang huy động cả ngàn thanh niên lên núi đi Ikan Krwak, anh Đàm cũng đi. Đến đồi Sông Pha, tất cả bị bắn chặn, hốt hoảng chạy về. Vài xác chết bỏ lại. Tôi không hiểu người Cham của tôi làm gì nữa! Tôi sẽ không bao giờ trở về quê hương nữa.

Chạy loạn đến Đồng Nai, đám di dân bị kẹt. Tôi giạt theo đám đông quay trở lại Phan Rí. Nghe đài, Dương Văn Minh đọc diễn văn đầu hàng. Sài Gòn thất thủ. Tôi trọ lại nhà Thành. - bạn học cũ. Cả năm, không làm gì cả, chỉ đọc sách. Bạn học rủ đi kinh tế mới với gia đình bạn. Hơn năm sau, gia đình bạn đùm đề vào Sài Gòn. Tôi ở lại canh chòi. Rẫy khá tốt, nhưng tôi làm chỉ vừa đủ mình ăn qua ngày.

 

Ngày... tháng... năm 1976

Hôm qua xuống Chợ Lầu cà phê, quen Thảo Dung, cô gái Cham lai Việt. Khai sinh nàng Bùi Lâm Thảo Dung, mẹ nàng thì gọi bé Thảo. Nàng hỏi, anh đang đâu? Tôi nói, kinh tế mới. Cực hết biết, nàng kêu lên, anh qua em phụ làm mảnh rẫy gần nhà đi, trển sốt rét đi theo ông bà có ngày. Tôi nói, để anh xem. Sáng nay, tôi xuống chợ tìm nàng. Và ở lại.

 

Ngày... tháng... năm 1977

Tôi vào Đồng Nai làm ở nông trường cao su, được một năm thì nhận thư tay của Thảo. Nàng viết, anh về lại quê em đi, rẫy được lắm. Nông trường thiên hạ sốt rét đầy ra. Thời buổi này, không biết sống chết thế nào đâu, anh à. Nàng lo cho tôi, tôi biết. Tôi không hỏi làm sao nàng có được địa chỉ tôi.

Chiến tranh biên giới Tây Nam. Việt Nam cứ chiến tranh tiếp chiến tranh. Thanh niên Cham lên rừng, từng đợt nhỏ. Lên rồi xuống rồi lên. Tôi định về Phan Rang tìm M’sa, rốt cùng, xe đến Phan Rí, tôi kêu tài xế cho xuống.

 

Ngày... tháng... năm 1978

Vài nhóm thanh niên Cham lên núi, trôi giạt từ khu rừng này sang vùng rú nọ. Không có lực lượng nào để dựa, không nguồn lương thực nào để cậy, ngay hôm mai có cái gì cho vào bụng không cũng chẳng biết, tương lai mù mù mịt mịt, nói chi tiền đồ. Vậy mà họ cứ lên núi. Chú út tôi chết, anh họ tôi chết, vài bạn học lớp trên thuở Pô-Klong chết... Vô lí với vô ích không thể tưởng được.

Tôi sẽ không bao giờ trở về nữa.

 

Ngày... tháng... năm 1979

Gia đình Thảo ở trong ngôi nhà có khuôn viên khá rộng, nghe nói, do gia đình ngụy quyền vượt biên bỏ lại. Nhà nước trưng thu cấp cho người có công với cách mạng. Tôi ở nhà Thảo, ăn, ở, và phụ làm khoảnh rẫy hai sào. Thế còn đỡ hơn nằm cô độc ngoài chòi không biết khi nào mang sốt rét rừng vào thân. Dân kinh tế mới chết nát.   

Thảo hơn tôi hai tuổi, nàng chủ động đến với tôi. Chúng tôi ăn nằm với nhau, chủ yếu trên rẫy. Thảo dễ mến, tôi có cảm tình đặc biệt với nàng, nhưng tôi không biết mình có yêu nàng không, bởi tôi vẫn rất nhớ M’sa. Khi biết gia đình Thảo “cách mạng 75”, thì quá muộn. Nàng đã mang bầu đứa con trong bụng hơn tháng.

– Em cho ba mẹ biết, anh hỉ, - nàng nói. Tôi nghe hoảng. Tôi nói, lãng tránh ánh mắt nàng, - khoan đã em nhé.

Ông bố Thảo đi công tác, về tối. Ông lên rẫy gặp tôi. Nửa đêm hôm đó, tôi ra đường cái bắt xe than vào thẳng Sài Gòn.

 

Ngày... tháng... năm 1980

Vừa từ Quảng Nam vào Sài Gòn. Tôi ra miền Trung gần tháng qua, thăm vài làng Cham ngoài đó, tìm đến dòng họ Cham tôi biết qua báo chí. Thăm, cho biết. Sài Gòn, tôi làm mấy thứ linh tinh hè phố, dịch tiếng Anh, tiếng Pháp thuê, để có tiền sống qua ngày và mua sách. Tôi mua được nhiều tác phẩm của Nietzsche, Krishnamurti, Heidegger, Kinh Phật.

Cả tuần nay nằm đọc Gide, Camus, Henry Miller, Faulkner.

 

Ngày... tháng... năm 1981

Cả ngày lục vali xem lại mấy trường ca và khoảng trăm bài thơ làm từ mấy năm trước. Quăng hết, ném hết. Chả còn chút ý nghĩa nào cả.

 

Ngày... tháng... năm 1982

Diệu Linh, cô sinh viên năm cuối khoa Văn Sư phạm trọ nhà bên cạnh, qua làm quen với tôi. Nàng rủ tôi vượt biên. Tụi em lo đâu đó rồi, - nàng nói, anh phụ phần tiếng Anh. Tôi nói, anh không thể, em à, anh không thể xa quê hương.

– Mười năm rồi anh không về quê cũng vậy thôi, - nàng nói. Tôi không nói gì.

– Sống đất nước này có khác gì lưu đày, - nàng cố tôi biết, - anh là Cham, lưu đày từ trong máu.

Buổi chiều, hôm ra đi, nàng qua phòng tôi, và nói yêu tôi. Tôi nói, anh không thể em à. Có lẽ Linh đã đúng, tôi lưu đày từ trong máu, lưu đày từ bao kiếp trước.

 

Ngày... tháng... năm 1984

Các bạn học cũ Đảo, Ngạt, Thoảng, Cẩn, Tài tổ chức vượt biên, bị tù. Thiên hạ vượt biên tù một năm, mấy đứa Cham bạn tôi bị nghi chánh trị chánh em tù mất bốn, năm năm. Tôi nghe tin các bạn mãn tù, nhưng không về quê thăm họ.

 

Ngày... tháng... năm 1990

Rất tình cờ, tôi gặp Thu bạn học cũ, khi đang lơn tơn đường Nguyễn Chí Thanh. Thế kẹt, tôi rủ hắn ngủ trọ qua đêm. – Không thể sống như thế này mãi được, ông à, hệt tù chung thân ấy – hắn nói. Hắn đi, và mắc kẹt, nằm trại Thái Lan.

Hắn muốn chạy trốn mảnh đất này, nhưng không thể. Có thể bị lôi trở lại Việt Nam thôi.

 

Ngày... tháng... năm 1991

Phái đoàn Mã Lai do tiến sĩ Phu tháp tùng có chương trình ghé thăm Ban Biên soạn sách chữ Chăm ở Phan Rang, nhưng cuối cùng bị trên cho dẫn tránh đi. Tại sao? - không hiểu. Trong khi cán bộ công nhân viên Ban với vài chục bà con các làng chuẩn bị múa hát đón, đang mỏi cổ chờ.

 

Ngày... tháng... năm 1992

Tay phụ trách an ninh mãi rầy rà, dù nghe lời tổ trưởng khu phố, tôi nhét túi hắn chút đỉnh tiền cà phê, lâu lâu hắn không quên hỏi thăm. Không thể hèn như thế nữa. Hôm nay, tôi quyết chạy trốn Sài Gòn, lên xe đò qua sống thử đất Tây Ninh.

 

Ngày... tháng... năm 1992

Tôi dạy tiếng Anh cho một Trung tâm ngoại ngữ, do hiệu phó một Trường Trung học Phổ thông vừa mở. Trà Nữ Mai Lan, cô giáo dạy văn ghi danh học thêm. Ngay cái nhìn đầu tiên, tôi đã mê mẩn nàng. Như M’sa ngày xưa. Đây là mối tình thứ hai của tôi, sau gần 20 năm. Sau ba lần gặp, chúng tôi hôn nhau. Chúng tôi không rời nhau nửa bước, từ đó. Tôi hơn nàng một giáp có lẻ. Càng hay chứ sao, nàng nói. Mai Lan dẫn tôi về nhà giới thiệu với mẹ và các em nàng. Anh Kuan đẹp trai như bố, thêm bộ râu rất siêu nữa, thằng út nói. Cả gia đình chấp nhận tôi không chút ngại ngần. Cha em Cham Quảng Nam, vào miền Tây lập nghiệp, mất năm ngoái rồi, - mãi sau đó hai tháng nàng mới cho tôi biết.

 

Ngày... tháng... năm 1995

Mai Lan sinh thằng Sam. Tên Sam do tôi đặt. Tôi nói, kì sau con gái dành cho em. Tôi muốn gợi nhớ M’sa, nhưng không cho nàng biết nguyên do. Tôi yêu Mai Lan hơn bao giờ.

 

Ngày... tháng... năm 1998

Hôm nay cả nhà vui, Mai Lan sinh bé Mỵ.

 

Ngày... tháng... năm 2000

Bà con Cham Pangdurangga lần đầu tiên trong đời đi hành hương Mỹ Sơn bị cho nằm ngoài thánh địa. Nghe mà rụng rời.

 

Ngày... tháng... năm 2002

Vừa vào Sài Gòn thăm Inrasara. Hắn cho biết kế hoạch về Đêm nhạc Đàng Năng Quạ đâu đó xong xuôi, đã dịch ra tiếng Việt, bản thảo với lời bạt, và lên chương trình, nhưng rốt cùng đổ vỡ. 15 ca khúc duyệt bỏ mất 7, thì còn gì là tập nhạc, còn gì để đêm nhạc được trọn vẹn. Tại sao? Hỏi có điên không.

 

Ngày... tháng... năm 2004

Đài VTV1 tố cáo Công ty Hương Trầm của Ngạt lừa nông dân. Bạn mình có làm vậy không? Hay đây chỉ là trò cạnh tranh hèn hạ, thấp kém?

Tôi không nói gì với Mai Lan.

 

Ngày... tháng... năm 2004

Mỗi bận đọc tin về dự án nhà máy điện hạt nhân là mỗi lần không chịu đựng được. Nhưng tôi vẫn muốn mình thật bình tĩnh, bình tĩnh. Tôi viết trên Chamyouth.com: “Có cần thiết biểu tình?”

 

Xây Lò Điện hạt nhân tại Ninh Thuận không ích mà có quá nhiều hại. Về kinh tế, nó không lợi. Về chuyên môn, Điện hạt nhân chưa cần thiết, các chuyên gia đầu ngành đều cho biết như vậy. Về xã hội nó gây bất an cho cả khu vực, cho cả Kinh lẫn Cham. Về chính trị, nó dễ bị xuyên tạc, Điện hạt nhân đe dọa hầu hết dân Cham trong khu vực.

Bà con Cham hiểu hết, nhưng không vì vậy mà chúng ta manh động. Ta ghét nhất là thái độ hèn nhát nịnh bợ, nhưng không cần quá khích. Có nhiều cách làm.

Thứ nhất, trí thức cần viết bài báo động hay và sâu sắc, như nhà văn Nguyên Ngọc từng làm. Thứ hai, quần chúng Cham cần có thư thỉnh nguyện gấp lên Chính phủ. Theo tôi, nói đúng, Chính phủ sẽ nghe.

Tôi lấy ví dụ: Năm 1982, thư thỉnh nguyện của ông Nguyễn Văn Tỷ, Inrasara và 10 bô lão Cham về Trường Pô-Klong, về Trung tâm Văn hóa Chàm và Ban Biên soạn, Chính phủ đã xét giải quyết. Cuối thập niên 90, Inrasara phê bình một số tuyển tập văn học Cham có nhiều cái sai, sau đó họ không đưa các bản sai để in nữa. Mới nhất, 20 trí thức và thân hào nhân sĩ Cham làm đơn phản đối cuốn sách viết xuyên tạc Cham, đại diện nhà xuất bản phải đến Ninh Thuận giải trình.

 

Đó là các chuyện nhỏ, tôi nghĩ chuyện lớn như Điện hạt nhân, nếu chúng ta trình bày đúng và dứt khoát thì Chính phủ sẽ xem lại. Chứ những người hiểu biết không được quyền im lặng nhìn mạng sống của cả dân tộc bị đe dọa diệt vong.

Tôi đề nghị, bà con Cham và Việt cần có thư lên chính phủ ngay. Nhà văn Inrasara phải dùng uy tín và sự nổi tiếng của mình trao đổi trực tiếp với các cơ quan chức năng. Tôi nghĩ anh làm được. Các cán bộ Cham có vai vế trong chính quyền Trung ương cũng có tiếng nói của mình. Chứ các anh vừa là đảng viên vừa làm lớn mà không lo chuyện cộng đồng thì còn lo chuyện gì nữa. Toi cơm nhân dân vô lý.

Cuối cùng, các ông khoa bảng Cham, tại sao im tiếng? Nếu các anh cứ hèn nhát như cũ thì chính nơi trả lương cho các khinh bỉ các anh. Họ cho các anh chỉ là trí thức được dựng lên cho có. Xin lỗi các anh, ở đây tôi chỉ dùng chữ nếu… Vì lâu nay tôi không nghe các anh xuất đầu lộ diện ở đâu cả. Ngoài ra các vị có tên tuổi ở ngoài nước cần lên tiếng trên các phương tiện báo đài.

Tôi xin nói, đây là chuyện sống còn của Cham, không nói thì chỉ chờ chết. Còn nếu các vị nghĩ mình sống ở xa rồi, ở Mỹ, Úc, hay ở Sài Gòn yên thân rồi thì chúng tôi xin chịu thua, bà con Cham thấp cổ bé họng xin chịu thua. Đành chấp nhận phận nghèo hèn vậy. Coi như mạnh ai nấy chạy thoát thân.

 

Ngày... tháng... năm 2005

Sáng nay nghe VTV đưa tin Giải Văn học ASEAN năm 2005 dành cho Lễ Tẩy trần tháng Tư của Inrasara, mà giật mình. Tôi ít khi tâm sự với Mai Lan về bạn bè, nhưng khi thấy báo đài loan tin khắp, tôi nói với nàng: bạn thân của anh đấy. Tôi nói với nàng, chú ấy sẽ là người đỡ đầu cho Sam, sau này.

 

Ngày... tháng... năm 2005

Vụ Kiều Minh Vũ gây chấn động Cham. Không thể nữa rồi, phải nhập cuộc thôi. Tôi viết “Sự cố Kiều Minh Vũ - tiếng nói trí thức” đăng trên Chamyouth.com.

 

Xung đột cá thể hai tộc người Việt Cham từ nhỏ đến lớn giữa hai bên giai đoạn qua không được xử lí thỏa đáng. Có khi ngâm, rồi chìm xuồng; hoặc giải quyết nhưng không công khai, từ đó gây ngờ vực về phía thiểu số hay bị thiệt, là Cham.

Vũ chết oan, rất oan, bởi anh không dính dáng gì đến vụ việc. Phía Cham, mạng sống đống vàng, như tục ngữ Việt nói. Phía Kinh, gia đình dân Hòa Thủy có nhà bị đập phá đều vô can, oan không kém. Thêm: dân hai làng lãng phí thời gian, cuộc sống xáo trộn…

Vũ chết, mâu thuẫn cá thể lây sang tập thể. Việc của vài thanh niên lêu lổng được thổi phồng, các gia đình Kinh Cham lâu nay tốt lành bỗng chốc “nhìn nhau không đầy con mắt”. Mâu thuẫn cá nhân bị đùn sang vấn đề xung đột dân tộc, rồi đẩy về phía chính trị.

Tôi, với tư cách trí thức, đề nghị, cơ quan an ninh cần nhanh chóng có biện pháp đối phó với các sự việc linh tinh sau sự cố chính, không để cho điều đáng tiếc tiếp tục xảy ra. Bởi, cái xấu ác chỉ kêu gọi cái xấu ác, bạo lực kêu đòi bạo lực…

Không cần tìm chủ mưu mang tính chính trị. Vũ có anh em, bà con, họ hàng; họ bức xúc về cái chết oan, và họ hành động không suy xét, “không chuẩn bị trước”. Dĩ nhiên cuộc náo loạn nào cũng có kẻ liều hơn đi trước, lôi kẻ đi sau. Họ dám đi trước, bởi họ đau hơn chứ tuyệt không chính trị gì ở đây cả! Tôi nói “không suy xét”, bởi nếu khôn ngoan hơn, “chính trị” hơn thì họ hành xử hoàn toàn khác.

Không cha mẹ Kinh nào muốn con mang tội sát nhân, không cha mẹ nào muốn bồi thường vì con mình phạm tội sát nhân! Còn phía Cham, tôi nói hành xử thiếu khôn ngoan vì, không ai cảm tình với người đập phá nhà dân lành vô tội. Là thiểu số, ta cần đến sự hiểu biết hơn bao giờ.

Dwixxak hake pơp di thei

Đom saung gơp blauh kakei, mưng thuw khing đwơc dwah ppajơng

[Nếu bị] tội lỗi [oan khuất thì ta] đâu còn ai để tìm gặp

[Cho nên] nói cho nhau rồi nhắn nhủ, mới biết đường để tìm chỗ che thân.

Trong cuộc đời khổ ải đầy cạm bẫy này, nếu có oan khuất, bà con tìm gặp ai trước tiên? - Cán bộ địa phương. Theo tinh thần của nhà văn Inrasara trên tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2006: “Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Nhà nước. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”. Nếu oan ức chưa được giải quyết thỏa đáng, đã có: Đại biểu Quốc hội. Là đại biểu chính thức nói tiếng nói của nhân dân. Cuối cùng là, giới trí thức.

Hãy hành động khôn ngoan. Thông minh và khôn ngoan, bà con mình ạ!

 

Ngày… tháng… năm 2006

Tôi xuống Sài Gòn, mua vé tàu nhanh ra Bắc. Nghệ An, Thanh Hóa, thuê phòng trọ ở Hà Nội ba ngày, sau đó tạt qua Bắc Ninh và trú lại đó cả tuần. Tôi yêu vùng đất này kì lạ. Nó thân thuộc với tôi, như từ kiếp nào đó, không lí giải được.

 

Ngày… tháng… năm 2006

Sáng nay thức, không tung chăn ngồi dậy như thường lệ, tôi nán lại, quay nhìn Mai Lan. Nàng cũng vừa thức, nhìn tôi ngờ ngợ. Có gì không anh, nàng hỏi. Tôi nói, anh phải xa em và hai con một thời gian, em à. Có lẽ rất lâu, tôi tiếp. Nàng không nói. Nàng khóc. Lát sau nàng hỏi, anh đi những đâu? Tôi nói, anh cũng không biết. Để con và em được bình an. Tôi nghe thấy có mùi đe dọa, tôi phải đi.

 

Ngày… tháng… năm 2006

Tôi hôn nhẹ môi Mai Lan, bế bé Mỵ lên hôn vào hai mắt nó. Tôi thèm khóc.

Tôi dẫn Sam xuống Sài Gòn giới thiệu cho cháu làm quen với Inrasara, để hai chú cháu còn liên lạc thư từ. Inrasara bảo tôi ở lại tối, mai đi sớm. Tôi nói thôi, mình đi đây. Tôi đón bus qua Bến xe miền Đông lên Bảo Lộc.

 

Ngày… tháng… năm 2007

Vài ngày nay, đọc mấy email ‘trí thức’ Cham cãi nhau về vụ chữ nghĩa, chia phe phái, đứng tên nặc danh tố cáo nhau, mà muốn tìm gò mối lủi vào. Họ ăn phải thứ gì mà ngu độn thế chứ. Tôi viết “Thư gửi bọn ‘trí thức’ Cham” gửi Inrasara.com, nhưng nhà văn Inrasara bảo tình hình lúc này chưa nên đăng. Tôi quyết delete tất cả thư từ của Cham.

 

Ngày… tháng… năm 2008

Tôi viết bài về “Vấn đề lao động ở Malaysia” đăng trên Inrasara.com.

Sáng nay, tôi lại phải viết bài “Vấn đề tranh chấp đất đai của bà con Văn Lâm” đăng trên Inrasara.com. Cái nhì nhằng và vụn vặt của đời sống cứ muốn lôi tôi rớt vào nỗi thường nhật bé nhỏ. Cứ kiểu này thì còn đâu tinh thần và suy tư cho sáng tạo ở ngày mai!

 

Ngày… tháng… năm 2009

Ông Nguyễn Văn Tỷ thầy hiệu trưởng dạy Pháp văn tôi hồi Trường Pô-Klong qua Mỹ dự Katê. Trí thức Cham qua bài viết trên Harak Champaka lại tiếp tục tố cáo, bôi tro vào mặt nhau. Tôi đọc Inrasara.com, mới biết. Cham vẫn còn ngu muội và u mê lắm.

Buồn vô cùng tận.

 

Ngày… tháng… năm 2009

Chiều, từ Bảo Lộc đợi xe xuống Sài Gòn, ngồi quán cà phê cóc, tôi gặp và quen H’Mai.

– Em Churu phải không? – Tôi hỏi, vu vơ vậy thôi.

– Dạ, anh Cham à? – Nàng hỏi ngược lại. – Tôi nói, nhìn là biết ngay em Churu mà, người làng anh hay lên đây bán thổ cẩm. Khi nàng hỏi tôi làm gì, tôi nói, phóng viên. Nàng nói nàng rất thích các bài bình luận của Dang Nang Th. trên Chamyouth. Nàng hỏi tôi biết nhà báo đó không? Tôi nói, là anh đây mà. Chợt tôi khựng lại. Khi không đi khai báo với cô gái xa lạ này. H’Mai la lên, vậy à? – Anh đùa thôi, tôi nói. Nàng nói, anh không đùa đâu, em nghĩ anh đúng là anh ấy. Tôi không nói gì thêm. – Anh đi đâu, - lát sau nàng hỏi. – Sài Gòn, em à.

– Hay về quê em cho biết nhà đi, - H’Mai nói. Tôi nói, ừ. 

Trên xe, tôi nói với H’Mai về người Cham từ Phan Rang chạy loạn lên lấy người Churu, ở luôn trên này. – Dạ, em biết, H’Mai nói – em biết có người ‘palei’ em lâu lâu còn xuống dưới thăm bà con. Tôi nói với H’Mai về Ariya Twơn Phauw, về những đau khổ, li tán mà dân tộc Cham đã trải qua. – Một dân tộc luôn bị truy đuổi, - tôi nói.   

 

Ngày… tháng… năm 2009

Sáng nay, H’Mai rủ tôi lên rẫy. Trưa, nàng hỏi, anh có thương em không. Tôi nói, anh không nuôi em nổi đâu. Nàng nói, em làm nuôi anh. Tôi nói, anh hay đi đây đó. Nàng nói, em chờ. Tôi nói, anh già rồi. Nàng bảo, không đâu, anh đẹp trai lắm. Chiều tối mịt, chúng tôi mới về đến nhà.

 

Ngày… tháng… năm 2009

Tôi ở luôn nhà H’Mai cả tháng sau đó.

Tôi nói với H’Mai anh cần xuống Sài Gòn có chuyện. Tôi đến gặp Inrasara. Tôi không muốn giữa tôi với hắn có bất kì quan hệ gắn bó nào. Nhưng tôi nghĩ, Sam cần có người đỡ đầu.

Inrasara cho tôi biết Quốc hội sắp bỏ phiếu quyết định Dự án Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận. – Tao sẽ đập nát lò hạt nhân kia, - tôi đã hét lên trong phòng văn hắn.

Tôi không trở lên Định Quán với H’Mai nữa. Mong nàng tha thứ cho tôi.

 

Ngày… tháng… năm 2010

Inrasara.com đưa tin Ban Biên soạn sách chữ Chăm bị giải thể, sau 32 năm chào đời. Người ta dời nó vào nằm chung Sở Giáo dục và Đào tạo ở trung tâm thành phố Phan Rang. Tại sao? Cham đã mất Huyện An Phước, đã mất Trung tâm Văn hóa Chàm, đã mất Trường Pô-Klong, mất tất. Nay có mỗi Ban này là nơi chốn hẻo lánh cuối cùng cho bà con, anh chị em Cham ghé tạm trú qua đêm, hay có gì bức xúc đến xổ bầu tâm sự, lại bị giải tán nốt.

Để làm gì? - không hiểu!

 

Ngày… tháng… năm 2010

Tôi quen Hải Yến Việt kiều Đức, qua email. Hải Yến nhỏ hơn tôi hai tuổi, đã có hai con. Chúng tôi gặp nhau ở nỗi ghét cay đắng điện hạt nhân. Hải Yến cung cấp cho tôi tài liệu, sách báo liên quan đến vụ này.

Sáng nay, Hải Yến hẹn gặp tôi ở Sài Gòn. Nàng vẫn còn rất mặn. Chúng tôi như cặp tình nhân lâu ngày gặp lại, ứng xử tự nhiên đến tôi không ngờ. Hai đứa con nàng không những phản đối, mà còn ủng hộ.

 

Ngày… tháng… năm 2010

Tôi viết trên Inrasara.com:

 

Bà con Cham đã dựng nên Trường Trung học Pô-Klong với bao mồ hôi, nước mắt và cả máu. Nhà trường đã cung ứng cả thế hệ tài năng cho đất nước hôm nay. Sau 75, trường mang tên vị vua anh minh nhất trong lịch sử Champa hết còn là của Cham. Ban Biên soạn sách chữ Chăm ít nhiều cũng có tiền của và công sức người Cham góp vào, cũng đã giải thể.

Cả vùng đất rộng lớn thuộc huyện Thuận Nam được quy hoạch làm ruộng muối, vài năm qua giếng nước ngọt Quán Thẻ đã hết xài được. Tình trạng nhiễm mặn bắt đầu lây lan lên vùng đất rẫy làng Palao, Pabhan. Cây cối có dấu hiệu vàng lá, giếng nước ngày càng nặng vị muối. Rồi sẽ tới phiên ruộng lúa… Dân quê quen bám đất bám ruộng, ngày mai họ sẽ làm gì? Có nghề nghiệp nào khác cho họ? Hay họ sẽ rời bỏ mảnh đất sinh thành? Bỏ, đi đâu? Ai trách nhiệm trả lời câu hỏi này?

Sau cùng, là vụ Nhà máy ĐHN. Ninh Thuận vừa xin dời địa điểm nhà máy điện hạt nhân thứ hai về Phước Dinh, gần khu cư dân Cham hơn. Một lò còn đỡ, nay thêm lò thứ hai. Bất an chồng bất an. Tiếng râm ran của người dân quê chất phác, lan truyền như ngọn lửa âm ỉ. Ngay sát cạnh ta, chứ không xa xôi hải ngoại gì. Ai lắng nghe họ?

Người Cham hiền. Đã có không ít tiếng nói kêu đòi biểu tình, nhưng bà con biết đó là quốc sách, nên chấp nhận. Chấp nhận, mà vẫn cứ thắc thỏm âu lo. - Lò hạt nhân làm cạnh làng mình, không biết rồi sao đây? - bà chị họ than. - Thôi thì chết người chết ta, - ông cậu họ thở dài. - Chú nó ở “trên” có nói giúp được gì cho bà con không? - là câu hỏi thường thấy. Còn một người quen lâu ngày gặp lại trên bàn tiệc thì bô bô lặp đi lặp lại “thằng Th. tao gả nó lên Churu là xong”. Vân vân…

Cham hiền. Và có thể nói, rất lành nữa. Bà con không quên lịch sử đau thương của dân tộc, nhưng đã chấp nhận nó. Mùa hè 75 nhiều biến động, sau vài phản kháng nhỏ, người Cham học biết an cư lạc nghiệp. Sống xen cư và công cư với Kinh, hơn ba mươi năm qua không xảy ra va chạm sắc tộc. Ngay Chakleng được xem là một trong vài làng trí thức tiêu biểu, ba mặt là làng Kinh, tuyệt không có va chạm Cham Kinh. Họ muốn yên ổn làm ăn. Nhưng tại sao mãi đầu thiên niên kỉ thứ ba sau Công nguyên, vẫn có các nhận định không hay về họ? Như ở Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn…? – Không thể hiểu nổi. Theo ông Tỷ, sau khi có đơn thư, đại diện Nhà xuất bản có về Ninh Thuận gặp vài trí thức Cham để nghe ngóng. Không nhận sai sót, không lời xin lỗi. Ừ, thì cũng được. Nhưng ai biết, các quan điểm ấy không lặp lại, hôm nay?

 

Ngày… tháng… năm 2011

Sóng thần Nhật Bản gây thảm họa kinh hoàng. Hai vạn người chết, cả trăm ngàn người lâm vào cảnh li tán. Vậy mà Quốc hội Việt Nam hôm nay vừa bỏ phiếu thông qua dự án chết tiệt! Ngu ngu ngu! – Họ muốn tận diệt đồng bào Cham anh đó, tôi nói.

Hải Yến lo tôi phát biểu mạnh miệng sẽ bị vạ, nên gợi ý thu xếp tôi qua Đức với nàng. Tôi nghe Mai Lan vừa có chồng mới. Buồn. Dẫu sao cũng mừng cho nàng.

 

Ngày... tháng... năm 2012

Ba hôm trước, vừa gửi điện thư cho Hải Yến và nói với nàng, anh không đi đâu cả, anh sẽ sống và sẽ chết ở vùng đất thiêng này. Tôi nhận ngay hồi đáp: - Em sắp về Việt Nam.

Sáng nay, Hải Yến bay về Việt Nam. Tôi nói, anh yêu em, nhưng anh phải chết, anh sẽ tự thiêu đúng vào ngày nhân loại kỉ niệm thảm họa hạt nhân Fukushima.

– Anh quyết định ngưng cuộc chạy này…, - tôi nói. Nàng bảo, anh cần khôn ngoan hơn.

– Cả dân tộc anh từng bị định mệnh truy đuổi... Tổ tiên ông bà anh đã chạy xuống, chạy xuống cả chục thế kỉ rồi…

– Cái gì, em không hiểu. - Hải Yến nói.

– Họ chạy trối chết... Họ chạy từ Quảng Bình, Huế chạy vào… Quảng Nam, Bình Định họ tiếp tục chạy xuống… Đến Phan Rang, họ vẫn tiếp tục bị truy đuổi… Để dừng cuộc chạy lịch sử kia, dân Pangdurangga anh đã chấp nhận hi sinh lớn, để được ở lại... Họ không chạy qua Cam Bốt, Thái Lan như phần lớn đã chạy… Họ ở lại… Bị Minh Mạng truy sát và càn quét… Dưới cái rây lịch sử khổng lồ, họ đã tồn tại… Em thấy đó, sau trận càn quét đó… cả dân tộc lọt sàng còn lại sáu ngàn người… Sáu ngàn, anh lặp lại. Có đâu kinh khủng như thế không… Có dân tộc nào trên thế giới chịu số phận thảm hại như vậy không…

– Dạ, - Hải Yến nói nhỏ.

– Anh phải chống lại định mệnh ngu ngốc đó.

 

Ngày... tháng... năm 2012

Tối nay, hoan lạc và yêu đời cùng độ, tôi ngồi kiểm kê cuộc đời mình.

52 năm có mặt trên cõi đời - 5 đời “vợ”, 5 con, mươi bài báo với những bài thơ trì hoãn... Và gì nữa? - Nhật kí của Kẻ bị truy đuổi, Ghi chép Dân tộc học...

Sau khi tôi chết, tôi kí thác cho nhà văn Inrasara và con trai tôi là Sam giữ Nhật kí và Ghi chép này. Không để làm gì cả, mà chỉ như một chứng tích, hay đúng hơn - một mảnh câu chuyện kể về Cham, về Thằng Hoang.

 

Thằng Hoang - Mai Văn Kuan