Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025

Anh Khôi

 Nguyễn Ngọc Giao

Ngày mồng một tết, trên chuyến xe lửa TGV từ Marseille về Paris, tôi được tin anh Lê Thành Khôi mất sáng hôm trước, ngày tất niên Giáp Thìn. Thế là một trưởng lão của phong trào Việt kiều ra đi, sau những bác công nhân “lính thợ” hơn anh khoảng năm tuổi, và sang Pháp khoảng 1939-40, trước anh bảy tám năm. Cùng thế hệ sinh viên sang Pháp năm 1947 như anh, mà tôi được biết, chỉ còn chị Thu Lê, mà cách đây ba tuần, con cháu vừa mừng sinh nhật 101 tuổi. Anh Khôi sinh tháng 5.1923, trước chị Thu Lê hơn 7 tháng. Tin anh đi gặp chị Hồng Anh (ra đi trước anh năm năm rồi) đối với tôi không đột ngột, vì từ mấy năm nay, sức khỏe anh suy yếu rất nhiều. Tháng 5.2023, anh Cao Huy Thuần còn sống, có sáng kiến rủ chúng tôi đến mừng anh 100 tuổi. Nhưng gia đình bàn ra, và chúng tôi thông cảm hoàn cảnh. Thành ra lần cuối cùng tôi được đến 15 rue Pitard thăm anh, tôi không rõ năm nào, có lẽ là lần đưa chị Nguyễn Thị Bình đến thăm anh và trao tận tay giải thưởng Phan Châu Trinh.

Giải thưởng, huân chương của nhiều cơ quan quốc tế, anh đã nhận khá nhiều. Số trường đại học ở Pháp mà anh đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, từ IEDES (Institut d’études du développement de la Sorbonne) đến Trường đại học Paris V (René Descartes) nhiều hơn số ngón trên một bàn tay, số trường đại học các nước mà anh đã thỉnh giảng vượt con số 40. Tác phẩm của anh, về lịch sử và văn hóa Việt Nam, Đông Nam Á, về “công nghệ giáo dục”, về giáo dục và phát triển, chỉ cần vào thư mục của Thư viện Quốc gia Pháp, ta sẽ thấy đồ sộ mức nào.

Tôi chỉ được nghe vài buổi thuyết trình, chưa bao giờ được nghe anh giảng, nhưng vẫn tự coi là học trò của anh.  Có phần tự hào nữa: mặc dầu ở tuổi 16-17, giữa Sài Gòn, với tiếng Pháp lõm bõm (học sách toán của Lebossé và Hémery), tôi đã đọc ngấu nghiến Le Viet-Nam, histoire et civilisation (nhà xuất bản Minuit, 1955) mà cha tôi cất kỹ trong tủ sách (cụ dạy sử ở Đại học sư phạm và làm việc ở Nha Trung học, nên được quyền mượn cuốn sách quốc cấm dưới chế độ Ngô Đình Diệm). Đó là một may mắn hiếm có cho một thanh niên miền Nam cuối thập niên 1950. Nhờ những thông tin, nhất là phương pháp luận khoa học của tác phẩm này, tôi có được một nhãn quan lịch sử độc lập với giáo điều, và tâm nguyện điều chỉnh sự dấn thân phù hợp với từng bước hiểu biết lịch sử của mình.

Là hậu sinh (tôi thua anh 17 tuổi) và học trò, tôi ít có dịp được trao đổi với anh và không có mấy kỷ niệm với anh. Nhớ lại, có hai dịp không thể quên.

Lần thứ nhất, mùa thu năm 1970, tôi được tham gia đoàn đại biểu Liên hiệp Việt kiều (mà anh là một phó chủ tịch) về miền Bắc dự Quốc khánh 2-9, trong đó có những bậc đàn anh là anh Khôi, nhà văn Phạm Văn Ký, thượng tọa Thích Thiện Châu. Đến Moskva bằng máy bay, nhưng từ thủ đô Liên Xô, máy bay hết chỗ, chúng tôi phải đi xe lửa năm ngày xuyên Siberia, ba ngày xuyên Mông Cổ và Trung Quốc (đang điên rồ “đại cách mạng văn hóa vô sản”, tới mỗi ga, chúng tôi phải nhã nhặn từ chối những cuốn “sách đỏ” mà các hồng vệ binh muốn ấn vào tay) mới đặt chân lên sân ga Đồng Đăng. Sau những ngày ở Hà Nội, chúng tôi được đi xe Uaz (loại Jeep Nga) xuống tận Vĩnh Linh, ngồi bờ bắc sông Bến Hải, nhìn sang bờ nam. Chuyến đi dài ấy cho tôi những dịp gần hai anh Lê Thành Khôi và Phạm Văn Ký. Anh Ký như tìm lại thuở trẻ Bình Định và hồn thơ dào dạt của năm 1937 khi anh sang Pháp. Anh Khôi vốn kiệm lời, chỉ thỉnh thoảng đưa ra những nhận xét dí dỏm.

Lần thứ nhì là đầu năm 1990, một số anh em trong phong trào Tây Âu và Bắc Mỹ chủ động đề nghị dân chủ hóa đất nước, để thực sự phát triển, và nhất là để tránh thảm họa của các nước “xã hội chủ nghĩa” đang đua nhau sụp đổ, thông qua bản TÂM THƯ gửi các vị lãnh đạo Việt Nam cùng đồng bào trong và ngoài nước về việc cải tổ hệ thống chính trị. Hơn 700 anh chị em các nước “Phương Tây”, từ Sydney, Tokyo đến Los Angeles, qua Praha, Berlin, Paris, Montreal… đã ký vào lá thư mang 34 chữ ký đầu tiên. Tôi nghĩ những người như anh Khôi anh Ký chắc đã ký ngay từ đầu. Tìm lại danh sách, không thấy Phạm Văn Ký. Bây giờ nghĩ lại, mới nhớ sau chuyến về nước mùa thu 1970, anh Ký đã viết một cuốn bút ký – anh có cho tôi đọc bản thảo, ngày nay được lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp – nhưng nhà Gallimard không chịu xuất bản, “khuyên” anh nên trở lại dòng văn Perdre la demeure, Frères de sang… đã đưa tên tuổi anh nổi bật trong dòng văn học Pháp ngữ. Anh vừa giận vừa buồn. Giận vì chủ trương kiểm duyệt ngọt ngào của Claude Gallimard. Buồn, như cảm thấy không thực hiện được lời hứa thầm sau chuyến về nước, anh ở ẩn trong căn hộ Maisons-Alfort, không tiếp xúc với ai. Tôi không tìm ra địa chỉ để tới gặp anh, mặc dầu ở cùng thị xã. Anh Lê Thành Khôi tất nhiên đã ký, dễ dàng như một quyết định đã suy nghĩ chín muồi. Tâm thư đã có nhiều tiếng vang trong và ngoài nước. Nhà cầm quyền phản ứng vội vàng và cứng rắn trong tâm thế hoảng hốt. Một vài người bị coi là “đầu têu” đã bị cô lập sỗ sàng. Tên anh Bùi Văn Nam Sơn (chủ tịch hội Việt kiều Tây Đức và Berlin) và tên tôi được nêu lên trong nhiều năm ở “Bảo tàng tội ác Mỹ-nguỵ” đường Võ Văn Tần, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong số các nhân sĩ ký tên, bác Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng trong chính phủ đầu tiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, sau một chuyến về nước, gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi bước lên cầu thang máy bay trở lại Pháp, còn được một sĩ quan công an chạy theo, hỏi: “Tại sao bác ký Tâm thư ?” (lời bác Hà kể lại cho người viết, ít lâu trước khi từ trần, cùng tháng 4 năm 1992 với anh Phạm Văn Ký).

Tôi không biết anh Lê Thành Khôi gặp sự đối xử như thế nào. Chỉ biết, khi cuốn sử Việt Nam của anh được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ở trong nước, với lời tựa trân quý của anh Phan Huy Lê, chủ tịch Hội sử học, thì báo Nhân Dân đăng một bài phê phán trật lất một công trình khoa học xã hội. Điều chắc chắn là anh Khôi vẫn an nhiên tiếp tục sự nghiệp khoa học, quan tâm tới Việt Nam, thế giới thứ ba và các nước phát triển. Sự gắn bó với Tổ quốc còn thể hiện trong một việc mà có lẽ ít người thấy hết ý nghĩa: anh có một bộ sưu tập bảo vật lịch sử của hàng chục nước trên thế giới, tích lũy trong những năm đi giảng dạy, hội nghị… và đã hiến toàn bộ cho Việt Nam. Đây có lẽ là sưu tập văn hóa thế giới duy nhất ở Việt Nam, mà cũng phải nhiều năm, mới tìm được chỗ xứng đáng: năm 2015, Viện Bảo tàng Dân tộc học. Trong thời buổi “kinh tế thị trường” với “định hướng” gì gì đi nữa, tìm ra một bảo tàng chân chính bỏ công sức tiếp nhận bảo quản mà không nhận được một mối lợi mang hình George Washington xanh lá cây, quả là điều đáng quý.

Ngày 11.2.2025, di cốt anh sẽ yên nghỉ trong hầm mộ gia đình, bên cạnh di cốt chị Hồng Anh, và di cốt hai bác Lê Thành Ý, nghĩa trang Montparnasse, Paris. Cách đó không xa, là ngôi mộ Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir, phía bên kia, là ngôi mộ nhà báo Andrée Viollis (1870-1950), tác giả Indochine S.O.S. (1935).

1.2.2025

Nguồn: https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/anh-khoi