Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2025

TCHERFUNITH (kỳ 10)

 Inrasara                                                                                             Tiểu thuyết

VĨ THANH 1

1

2:54h, ngày 15-4-2022

Ba ngày sau sự cố. Mọi người tập trung nơi khu trung tâm Ban chỉ đạo Thế giới Hầm.

- Lần này thật không anh? - Tôi hỏi T’maung.

- Thật, - T’maung trả lời, không nhìn tôi mà nhìn sang Halang.

- Cei sứ giả cho hay chính phủ đang lên kế hoạch dời dân.

- Cham còn chịu đợi kế hoạch trên sao? - M7 hỏi trống.

- Hẳn rồi. Cei sứ giả cho hay lũ người tranh nhau kéo nhau tháo chạy, không ai níu kéo nổi. Cei sứ giả thêm, loạn quá 75 ấy.

- Em cứ tưởng lại báo động giả, - tôi nói.

- Khi ấy là để tống cổ loài công dân Hầm giả hiệu thôi, - T’maung nói.

- Cũng là cách tập sự cho công dân Hầm biết cảnh giác…

- Anh tin bọn chúng đã bay hết sạch? - M2 hỏi.

- Bọn gan nhái đó nhặm lẹ lắm.

Im lặng.

- Đây là thử thách lớn cuối cùng, cuộc thanh lọc nòi giống cuối cùng mà định mệnh đặt trước Cham. - Giọng T’maung trịnh trọng. 

- Hú vía! Không thì chả biết đàng nào phân biệt được đâu chánh đâu tà. - M7 nói.

- Cei sứ giả đưa tin cả vạn sinh linh Cham đi theo đoàn di tản, hơn ngàn công dân Hầm giả hiệu bỏ chạy… Thêm tin vui, 738 Cham kiều hồi hương tình nguyện làm công dân Hầm.

- Đốt nến lên đi em, - T’maung quay sang Halang.

Nến cháy, ánh sáng nhập nhoạng nhảy múa trên khuôn mặt mọi người. Họ im lặng thật lâu. Tôi nhìn chị Halang, cảm thương chị vô hạn.

- Cei sứ giả cho hay đài BBC, đài VOA đã thông báo… Chính phủ này cũng đã biết điều.

- Lớn không anh? - M5 hỏi.

- Cei sứ giả bảo thế nào cũng phải đổ mồ xi măng kiểu Tchernobyl thôi…

- Em nghĩ cánh Nga tiếc của sẽ thí sinh mạng Việt Nam để bịt… - M9 nói.

- Thôi, lo chuyện mình đi. - T’maung nói, đứng bật dậy.

- Em phát hết những “thiên đường” ấy chưa? - T’maung hỏi M4.

- Dạ, tất cả hầm đã nhận được.

- Đây, - tôi nói, chìa tờ báo ra.

Chernobyl - Từ thảm họa đến thiên đường tự nhiên

Từ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, vùng đất cấm quanh lò phản ứng hạt nhân của Ucraine đã trở thành một trong những vùng hoang dã rộng lớn nhất châu Âu.

Theo hợp đồng với Hiệp hội Vườn thú Frankfurt, nhà sinh thái học Michael Brombacher đã đi khảo sát khu vực cấm xung quanh lò phản ứng đã bị phá hủy này. Và trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí tin tức Focus, ông cho biết, 27 năm sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl vùng đất cấm xung quanh lò phản ứng tai họa này là một thiên đường của các loài động vật như hươu, nai, sói, gấu và các loài thú lớn khác, trải rộng trên 4.300 km2, rộng gấp gần 20 lần khu rừng của Công viên Quốc gia Bayer. Trung tâm của khu vực là một vùng được rào chắn với bán kính khoảng 30 km với những đồng hoang, rừng, đất ngập nước, đầm lầy và đồng cỏ. 

“Chernobyl đầy muông thú, vào ngày nắng đẹp chúng xuất hiện trông như ở các Công viên Quốc gia lớn của Bắc Mỹ,” ông nói, “Vì không có thợ săn, nên động vật ở đây mất hết sự e dè.”

Quần thể của nhiều loài phát triển tốt

Brombacher đã không quan sát thấy có dị tật nào trên các con vật. “Mức độ ô nhiễm phóng xạ đo được trên những cá thể động vật đã giảm mạnh trong các thập kỷ qua. Các quần thể của nhiều loài phát triển tốt. Tuy nhiên, có những nghiên cứu riêng cho từng loài, ví dụ trên loài chuột đồng, đã khẳng định có sự biến đổi gen ở loài này. Nhiều động vật lai vãng từ bên ngoài vào khu vực cấm này, qua đó dẫn đến việc cải tạo di truyền."

Vùng đất cấm xung quanh nhà máy hạt nhân đã hư hỏng sau một thời gian qua đã trở thành một trong những vùng hoang dã lớn nhất châu Âu. Ngay sau thảm họa, các khu dân cư đã được sơ tán và đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Săn bắt và lâm nghiệp cũng không còn. Sự can thiệp duy nhất của con người là cứu hỏa, vì cháy rừng có thể sẽ giải phóng phóng xạ.

Trả lời câu hỏi ông đã bị mức bức xạ là bao nhiêu, Brombacher nói: “Giữa ba và sáu micro sievert, gần bằng liều bức xạ như khi người ta bay từ Frankfurt đến Rome.”

Về câu hỏi liệu khi nào có thể có du lịch thiên nhiên ở Chernobyl thì nhà khoa học này không dám dự đoán. Tuy nhiên, ông mong ước rằng, sẽ có thêm nhiều người chiêm ngưỡng những đầm lầy cửa sông và các cánh rừng ở châu Âu mà không chỉ ở Bắc Mỹ hay châu Phi (Tia sáng, 17-6-2013, Nguyễn Diệu Hoa dịch).

- Cần chuẩn bị tinh thần cho 10 năm sắp tới. - T’maung nói.

- Tuân thủ Châm ngôn Hầm - T’maung nói [ngưng] - Và chuẩn bị chiến.

Dù biết châm ngôn kia ở đó từ lâu, chúng tôi gần như đồng loạt đổ mắt về phía tấm bảng hiệu treo vách hầm bên dưới ba ngọn nến đang cháy.

KẺ THÙ LỚN VÀ HUY HIỂM NHẤT CỦA TA CHÍNH LÀ BẢN THÂN TA

- Chớ nao núng hay sợ hãi, - T’maung chém cạnh bàn tay vào không khí.

2

Một năm sau

Từ ‘palei’ Krong, tôi đi xe thẳng hướng Panrang. Đây là lần đầu tiên tôi phiêu vào vùng đất cấm. Dù cuộc đi đã dự liệu từ năm năm qua, tôi vẫn không thôi hồi hộp. Hãy tự tin, - T’maung đã nhấn đi nhấn lại tôi thế. Xe chống xạ made in Japan hay bộ quần áo bảo hộ nhãn hiệu Mỹ chả là gì cả, nếu bạn đánh mất lòng tự tin. Lòng tự tin làm nên tất cả, - T’maung khẳng định. Xe qua đồi Vĩnh Hảo, tôi nhìn thấy bảng cấm viết chữ đỏ to đùng. Tôi đưa thẻ đặc cách do UNESCO cấp cho lính canh. Hắn lật qua lại vài lần, bảo tôi chờ. Hắn chạy vào trạm gác hồi lâu mới quay lại.

- OK, - hắn nói.

Xe đi vào vùng trắng, tôi lái thật chậm, quan sát hai bên đường tôi đã thuộc nằm lòng. Gần như không có gì xảy ra cả. Không có bất kì một dấu vết tàn phá nào. Cảnh vật, nhà cửa, đường sá, núi, biển… vẫn như cũ. Chỉ con người là không. Tôi cảm giác tôi đang đi vào một thế giới ma, thế giới của nhân loại tàng hình. Góc bãi biển Cà Ná, mấy chục tàu đánh cá cũ bị bỏ lại. Vài chiếc bị sóng biển đánh lật úp, nằm phơi thân trắng bạc dưới nắng hè. Dãy khách sạn bỏ hoang với bàn ghế cùng bảng hiệu ngả màu xám. Tôi tính dừng xe xuống xem thử, nhưng thôi. Tôi cần đến nơi kịp trưa ngọ. Thùng xe chứa đầy gạo lứt, nước sạch, than và nến, đủ cho thế giới Hầm Chakleng. Là thế giới Hầm đầu tiên tôi cung ứng. T’maung đang chờ tôi. Tôi cũng nóng lòng muốn biết họ sống chết thế nào. Mỗi tháng, tôi phải đảm bảo mỗi ngày một chuyến hàng cho mỗi ‘palei’ - đến 24 ‘palei’ Cham Panrang. Một tuần trống, tôi cập nhật tin tức cần thiết để thông tin cho thế giới Hầm.  

Xe quẹo qua đường đi vào Chakleng, đến đầu cầu sông Lu, tôi dừng lại. Hai bàn tay tôi run lên bần bật trên chiếc vô-lăng. Như lần đầu tiên nắm tay L, tôi nhớ tay tôi cũng đã run như thế. Tôi thấy mình sắp bật khóc. ‘palei’ Chakleng của tôi trở nên hoang lạnh như bỗng dưng tất cả dân làng biến mất. Bạn học tôi, mấy đứa cháu của tôi, bao nhiêu gia đình tôi thường lui tới. Ở Sài Gòn hay tại của khu tái định cư, vài lần tôi ghé thăm người Chakleng đi tản, tôi cảm giác họ đi làm ăn xa, rồi sẽ quay về bản quán. Nhưng không.

Hít sâu vài hơi định thần, tôi nhấn ga dzọt tới.

Bỏ lại bộ áo bảo hộ ngoài cánh cửa chống bức xạ, tôi bước thẳng vào hầm. T’maung đón tôi trước cửa hầm trung tâm được xem là đại bản doanh thế giới Hầm. Tám người đàn ông như những con ma, thêm con ma nữ: Halang. Nước da tái mét, thân hình ốm nhom, chỉ có đôi mắt còn giữ được sự sinh động của sự sống. Lạ, chúng rất sống.

- Xalam! - T’maung nói.

- Xalam thuk siam cho tất cả! - Tôi nói.

Tôi nhìn những bóng ma khác vừa đến chuyển các thùng hàng vào hầm. Cả hộp đựng thông tin. Lặng lẽ. Họ ăn theo phương pháp 7 Oshawa: ăn uống ít, thải ít, vận động càng ít hơn nữa. T’maung cho biết bài thể dục duy nhất trong thế giới Hầm là bài dưỡng sinh do chính hắn biên soạn và hướng dẫn. Mọi người đọc, nghiền ngẫm 10 tác phẩm trong Tủ sách Hầm, và chờ đợi…

3

Ngày 15-4-2031

Sáng nay, lần đầu tiên sau chín năm, anh T’maung cho công dân Hầm ra khỏi hầm, gọi là tắm nắng. T’maung cho chúng tôi đeo kính đen với mang khẩu trang, tuần tự đi ra theo hình vòng tròn. Tôi không nhìn thấy gì cả, chỉ cảm giác cái nắng thấm vào thân mình, ngọt lịm. Năm phút. Rồi tuần tự đi trở vào qua cửa hầm gắn máy quét phóng xạ.

- Cần thiết cho công dân Hầm nhiễm xạ dần dần, đó là cách chủng ngừa bụi phóng xạ tốt nhất. - T’maung nói.

Tuần sau, rồi cứ thế mỗi tuần, chúng tôi ra ngoài trời “nhiễm chủng” tự nguyện. Mỗi lần thời gian nhiễm chủng kéo dài lâu hơn. Chúng tôi tự nhiễm chủng, và chờ đợi…

Bảy tháng sau.

Lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau ngoài trời. Tôi, T’maung, Halang và cei sứ giả. Chúng tôi trèo lên ngồi trên gác dựng trên nóc hầm. Cảnh trí hoàn toàn đổi khác. Rừng thưa nhiệt đới Panrang gần như phục hồi nguyên trạng của hơn nửa thế kỉ trước, như thời tôi vừa được cha cho theo anh chăn trâu. Lũ dê rừng đang bứt đám lá với mấy chú hươu con chạy giỡn trên đám cỏ non. Xa hơn, bầy bò rừng gặm cỏ.

- Ngoài ấy có gì mới không anh? - T’maung hỏi cei sứ giả.

- Bà con ở khu tái định cư vẫn chưa thôi bị xâu xé bởi mấy thứ tôn giáo. Hết đạo Chúa đến Islam, hết giáo phái Tin Lành này đến giáo phái Tin Lành nọ… Nhiều lắm… Giới có học Cham không còn lập tên giả mà đứng tên thật khích bác nhau. Không phải nhóm chống nhóm, mà cá nhân chống cá nhân… - Cei sứ giả nói, giọng buồn buồn.

- Vứt mấy mớ ngu ngốc đó đi, đây muốn biết có nhân tố nào sáng sủa ngoài ấy không?

- Cham Sài Gòn nói tiếng mẹ đẻ độn tiếng Việt hết 95% rồi. - Cei sứ giả nói. - Gần như tiếng Cham đang sải bước dài trên đường trở thành tử ngữ…

- Không gì khác sao?

- Tiến sĩ M vừa công bố công trình chuyên sâu dày cộm khảo tả về các loài ốc cư dân Champa khoái khẩu thuở còn sống vùng duyên hải Quảng Nam. Chàm kiều mới cho biết giáo sư D đang nằm giường hấp hối. Đồ đệ ngài bu quanh nghe lời trăng trối. Nghe nói ngài ấy thì thào, thế nào tụi bây phải tiếp tục chiến đấu phục hồi cặp đôi dar tha với croh ao cho ta, dưới đó ta mới nhắm được hai con mắt… - Cei sứ giả kể.

- Cầu cho linh hồn ông ta siêu thoát với mớ takai akhar thrah chết tiệt đó, - T’maung đấm mạnh nắm đấm vào không khí.

- Ngày mai có đoàn khách Nhật đầu tiên ghé mảnh đất này tham quan, - T’maung nói, bước mạnh xuống hầm. Mọi ngoài đi theo anh.

4

Sáng hôm sau, bốn chúng tôi cùng đi với ba đoàn khách tham quan. Họ đi chiếc xe có cấu trúc hệt chiếc cei sứ giả. Khác điều, ngoài cei sứ giả, ba công dân Hầm ăn vận bình thường chứ không phải trang bị kềnh càng kiểu phi công tàu vũ trụ Nga sắp lên mặt trăng ấy. Bốn chiếc xe đi theo ngả thành phố Phan Rang để vòng xuống khu trung tâm Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I. Công dân Hầm ‘palei’ Katuh, rồi ‘palei’ Cwah Patih đang tắm nắng, tò mò nhìn chúng tôi. T’maung đưa tay vẫy vẫy họ. Xe đi khỏi đồi giếng cổ Thành Tín, đột ngột hiện ra trước mắt chúng tôi cả một khối u nấm mồ khổng lồ như một hòn đảo chết đang hứng chịu những đợt sóng trắng xóa vỗ vào mặt. Một hiện tượng lạ quá ác mộng quái đản. Cei sứ giả cho biết, nhà máy đã bị đổ bê tông hai năm sau sự cố. Lũ rùa biển thấy bóng người, chạy xuống nửa chừng, dừng lại, rồi nhởn nhơ đùa bỡn. T’maung xuống xe, bước vào lùm cây lượm mấy quả trứng vít đưa cho Halang.

- Không việc gì đâu em, chúng đã tự kháng xạ rồi, - anh cười.

Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy T’maung cười.    

Một giờ trước hạn tự nhiễm chủng, chúng tôi đi vòng ngả Sơn Hải trở về. Đàn trâu rừng từ đồi cát nắng lững thững kéo nhau băng ngang đường, chúng tôi cho dừng xe lại, đợi chúng đi qua. Thú hoang không có vẻ gì sợ hãi mấy chiếc xe lạ lẫm.

- Rồi anh chị sẽ sống thế nào? - Đột ngột, một người khách hỏi.

Như thể ngại T’maung hiểu sai, người phiên dịch diễn thêm:

- Ý ông ấy hỏi, khi kết thúc đời sống hầm, công dân Hầm các anh chị sẽ xây dựng cuộc sống mới thế nào?

- Sẽ có ngôi làng mới dựng lên bên cạnh ngôi làng cũ, - T’maung nói.

Một lát sau:

- Chúng tôi có giấc mơ của mình…

T’maung im lặng. Tôi nghĩ anh đang kiếm từ nào đó khả dĩ hơn.

- Những ngôi làng ẩn mình giữa thiên nhiên… sống mà không phải chống lại thiên nhiên.

- Anh chị không còn liên lạc với cộng đồng Cham xưa… - Khách lạ khác hỏi.

- Còn, nhưng chúng tôi xem đó như chứng tích… như 24 ngôi làng cũ được giữ lại làm chứng tích… để nhắc nhở một thời… chúng tôi đã chịu đựng nỗi ngu ngốc của một nhân loại tham lam và độc ác… và chúng tôi đã vượt qua…

Im lặng. Tôi thấy môi trên của T’maung giật giật.

- Không tin nổi đâu… không thể… khi xưa ấy người Cham đã chấp nhận mất nước để hóa giải Islam thành tôn giáo Bà-ni đẫm tính dân tộc và nhân bản… thì nay… qua thử thách gần như bất khả vượt từ lò hạt nhân này… chúng tôi sắp ban tặng cho mặt đất một nòi giống mới…

Im lặng. Hơn chục người khách lạ trân trân nhìn T’maung, chờ đợi.

- Không thể tin nổi… nhưng chúng tôi có giấc mơ… giấc mơ của những con người trở về từ thế giới chết… sẽ không còn mấy phe phái nhỏ nhen, bao toan tính vụn vặt… sẽ không còn ai mang tâm tham lam và thù hận ở nơi này… bên cạnh nòi giống Cham cũ đang suy tàn và tự hủy… chúng tôi vẫn liên lạc… như một chứng tích… bởi một nòi giống Cham mới vừa ra đời… khang kiện và mạnh mẽ...

5

Thời hạn nhiễm chủng tự nguyện kéo dài hết năm ấy, đến khi tất cả công dân Hầm Chakleng miễn nhiễm, chúng tôi kết thúc đời sống thế giới Hầm. T’maung báo cho biết hôm nay, đúng giờ phút này, hầm số 1 Chakleng cùng tất cả công dân Hầm các ‘palei’ Cham khác vĩnh viễn được thở khí trời. Tin động trời. Còn hơn cả mười năm trước, khi tôi nghe còi báo động Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I bị sự cố.

Mọi người ùa ra khỏi hầm, ôm nhau nhảy múa và khóc.

Tôi nhớ như in, lúc đó là 8 giờ ngày 15 tháng 4 năm 2032. Toàn bộ 247 công dân Hầm số 1 đứng từng nhóm nhỏ trước cửa hầm, các nhà sinh thái học UNESCO đang chờ sẵn. Họ soi chúng tôi, từng người một. Rồi họ trố mắt ngó chằm chằm đám chúng tôi. Họ cho chúng tôi biết mức bức xạ của mọi người gần như là không. Họ quay lại xầm xì với nhau điều gì đó. Họ không hiểu chuyện gì xảy ra ở đây, chắc thế. Hầm với loài cây cỏ lai giống tự tạo đã bảo vệ cư dân Hầm khỏi nhiễm xạ hay phương pháp ăn uống kiểu Oshawa cân bằng âm dương trong cơ thể đã cứu thoát tập thể người liều lĩnh này? Hoặc giả chỉ do đức tin thuần túy? Hay tổng hợp tất cả? Dù gì thì gì, hiện tượng kì lạ này đã làm ngỡ ngàng các nhà sinh thái học có mặt buổi sáng hôm đó.

- Niềm tin sẽ cứu chuộc thế giới.

T’maung nói, chém cạnh bàn tay vào không khí, giạt đám đông, bước tới. Cei sứ giả nhảy cẫng lên như trẻ con, cởi bỏ bộ áo chống nhiễm xạ, ném phịch xuống đất, chạy tới ôm chầm lấy T’maung.

- Không… không… chú Sara ơi… - Halang la lên.

- Không có không gì cả, chả phải lo cho chú ấy đâu em. Cei Sara cũng tuổi cổ lai hi rồi, nhiễm xạ đi theo ông bà là vừa.

- Với lại chú xong sứ mệnh rồi, cũng cần đi sớm. À, xin đwa karun cei sứ giả… đwa karun cha tôi Mai Xuân Kuan… đwa karun 247 sinh linh Cham trải qua 9 năm tuyệt diệu nhất làm công dân Hầm kiên trì bám hầm bất thối chuyển!

- Ôi, cũng chớ quên đwa karun cả tôi nữa… - T’maung nói, cười lớn.