Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025

Nhà văn không đứng tên trên tác phẩm của mình

 Lê Hoàng Lân

Sau khi đọc cuốn sách Nhà văn Hà Nội, có người hỏi tôi về Mạc Lân và xin danh mục sách của ông. Tôi đã trả lời: Ông không có tác phẩm nào cả. Câu trả lời của tôi gây ra thắc mắc: Vậy sao trong sách lại gọi Mạc Lân là nhà văn?

Tôi đành phải giải thích cho êm chuyện: Ở cái đất này chuyện gì cũng có thể xảy ra, là nhà văn nhưng không tác phẩm thế mới hay.

Và còn nhiều người khác không chỉ muốn tìm hiểu văn nghiệp của ông mà còn “vương vấn” với những câu chuyện khác gắn liền với cái tên Mạc Lân như dính líu Nhân văn - Giai phẩm, thành phần Xét lại chống Đảng, vì sao phải vể hưu năm 41 tuổi, lý do của việc bị hạ lương…

Tôi rất ít khi trả lời những điều đó và muốn mọi người tự tìm kiếm thông tin, tự trả lời, nhưng họ bảo không có.

Vậy thực hư ra sao, tôi xin nói một lần cho phải lẽ.

Tôi sẽ không bình luận.

Tôi chỉ kể những gì tôi biết, tôi chứng kiến, với những sự việc liên quan đến người khác tôi chỉ nêu sự việc, tránh nêu danh tính. Ai muốn tìm hiểu kỹ hơn, có thể xem thêm tài liệu trên FB của tôi.

Điều đầu tiên tôi muốn là làm rõ việc vì sao ông viết mà không đứng tên tác phẩm của mình và một vài ngộ nhận về ông.

Ông không phải nhân vật trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Ông chỉ chơi thân với một số nhân vật trong phong trào đó. Không có bất cứ một tài liệu, bài báo nào... nói về Nhân văn - Giai phẩm có tên Mạc Lân.

Ông là người thuộc nhóm Xét lại chống Đảng? Sau này tôi có hỏi ông và bạn bè ông, thì được biết đó là cụm từ người ta chụp lên cho họ. Họ chỉ là những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa. Ông Mạc Lân cho rằng là một đảng viên, ông có quyền bảo lưu ý kiến, điều mà điều lệ Đảng cho phép, chẳng có gì được cho là “xét lại” ở đây.

Sự quy chụp này xảy ra khi ông đang làm việc tại báo Tiền Phong, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên. Việc ông phải rời bỏ nơi đó để chuyển về Hội Văn nghệ Hà Nội là việc tất phải xảy ra.

Từ lúc này, không hiểu có lệnh từ đâu mà những gì ông viết ra đều bị các tòa soạn báo, các nhà xuất bản từ chối và không khi nào giải thích lý do.

Ông hiểu rằng người ta đã đánh trúng chỗ yếu nhất của cuộc đời ông: viết. Từ ngày tham gia hoạt động, tham gia kháng chiến (từ năm 16 tuổi), ông không có nghề nghiệp nào khác ngoài việc viết.

Và giờ đây ngả đường đi duy nhất của ông đã bị chặn lại.

Một lần tình cờ trò chuyện với người bạn trẻ về truyện ngắn mà mình tâm đắc bị ách lại, ông bảo anh ta thử gửi đi xem sao. Quả nhiên, dưới một cái tên khác, truyện ngắn ấy được đăng. Mạc Lân mừng lắm. Ông nghĩ, chả cần tên tuổi, chỉ cần được viết, được đăng, đứa con tinh thần được sống.

Vậy là ông vừa được viết, vừa có thu nhập, nhiều người đứng tên tác phẩm của ông còn có tên tuổi, có người còn nhận danh hiệu, giải thưởng này khác.

Đấy là lý do ông là nhà văn có tác phẩm mà không có tên tác giả.

Cá nhân tôi, một người con của ông, hiểu rằng bố tôi và bạn bè của ông * là những người tài giỏi, lương thiện, nhân ái, kiên cường. Đúng như nhà thơ Dương Tường – người bạn thân của ông – từng nhận xét: Dù chịu nhiều bất công, ông đã sống trọn đời với niềm tin của mình, với lòng yêu nghề yêu đời của mình, không oán than, thù hận.

Những thông tin về nhà văn Mạc Lân cũng thường đi kèm với nhà văn Lê Văn Trương, bố ông.

Việc nhận định về văn chương của ông Lê Văn Trương là việc của độc giả và các nhà nghiên cứu văn học. Tôi chỉ xin xác thực một số thông tin về đời sống của ông Lê Văn Trương và ông Mạc Lân mà tôi biết, như sau:

Sau sự kiện năm 1945, ông Lê Văn Trương tham gia viết báo (ủng hộ Việt Minh) trên tờ Việt Nam hồn. Tiếc rằng tờ báo chỉ tồn tại trong thời gian quá ngắn.

Khi chiến tranh xảy ra, ông đem gia đình gồm vợ (bà nội tôi) và bốn người con đi tản cư, riêng con cả là ông Mạc Lân đã tham gia quân đội. Ông và gia đình tản cư ở vùng chùa Hương. Tại đây ông làm Chủ tịch Uỷ ban đãi vàng Bắc bộ (có lẽ do ông có kinh nghiệm làm thầu khoán bên Campuchia) được một thời gian. Sau đó ông tham gia quân đội, làm báo ở Liên khu 3, có viết một số tác phẩm nhưng không được dùng, do "màu sắc" không phù hợp. Thông tin ông làm thầu buôn thuốc phiện là không đúng. Đến năm 1951 vì bệnh tật cộng với sự ra đi của người vợ (bà nội tôi) ông xin về thành (Hà Nội) điều trị. Ông được Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Liên khu 3 cấp giấy (đồng ý cho về chữa bệnh). Ông Mạc Lân là người đưa ông Lê VănTrương qua phòng tuyến sông Đáy để về vùng tề (tên gọi vùng Pháp kiểm soát thời đó). Một số thông tin cho rằng ông đưa cả hai bà vợ đi tản cư, cả thông tin ông đưa hai người con trai vào Sài Gòn đều không chính xác.

Sự thực lúc này, ngoài người con cả (Mạc Lân) đang ở bộ đội, cả bốn người con của ông đều ở vùng Đầm Đa, Nho Quan (vùng Việt Minh kiểm soát); hai người con trai lớn còn đi dân công ở chiến dịch Điện Biên, sau hiệp định Genève 1954, hai người con mới vào Sài Gòn.

Ông vào Sài gòn được 12 năm thì mất (1964). Khi ông mất, bên cạnh ông là người vợ thứ hai (bà Đào). Bà là người gốc Bắc theo ông vào Sài Gòn. Ông bà không có con chung nào. Ông Lê Văn Trương có năm người con với người vợ đã mất ở vùng tản cư (bà nội tôi), ngoài ra ông không có con với ai khác.

Trong bài viết này, tôi thấy cũng cần nói lại cho rõ về cuộc sống của ông Mạc Lân trong những năm cuối đời.

Nguồn tin cho rằng ông sống trong ngôi nhà cấp 4 tồi tàn, đời sống vật chất bi thảm là không chính xác.

Trong thực tế, nhà của ông là một căn hộ 2 tầng nằm trong khu Liên cơ của Ủy ban Nhân dân Hà Nội phân cho cán bộ. Ông có lương hưu, có lương của người vợ làm tạp vụ ở văn phòng nước ngoài, cộng thêm sự giúp đỡ của bạn bè, con cái.

Một nguồn thu nhập khác cũng quan trọng từ việc viết hộ. Ông giải thích việc viết hộ khác với việc viết chui (vì có thời kỳ ông từng viết chui) như sau: Viết chui là viết toàn bộ tác phẩm cho người khác đứng tên, viết hộ là một ai đó đưa bản thảo cho Nhà xuất bản và bị trả lại (vì chất lượng kém), cần có người “nhuận sắc” để tác phẩm được ra đời. Sửa chữa, nâng cấp tác phẩm là việc của ông. Việc trả công tùy thuộc vào sức nặng của tác phẩm.

Tôi nhớ nhất một trường hợp cuốn tiểu thuyết về một ngôi sao sáng. Đây là lúc tôi phải chạy đi chạy lại nhiều nhất vì việc sửa chữa nhiều và phải làm gấp rút. Hình như tác phẩm này về sau nhận được một giải thưởng. Có lẽ nhờ vậy, bố tôi nhận được một chiếc đồng hồ đeo tay. Cố nhiên, nó chẳng ở trên tay bố tôi mà ra nằm ở một cửa hàng trên phố Huế.

Nói rõ như vậy để biết rắng những ngày cuối đời bố tôi có một cuộc sống thanh bạch và tràn đầy tình yêu thương của gia đình, bạn bè.

*Bạn của ông trong thời kỳ này, các ông: Trần Dần, Phùng Quán, Dương Tường, Lê Bầu, Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh, Vũ Thư Hiên, Vũ Huy Cương, Hứa Văn Định, Bùi Ngọc Tấn, Trần Thư, Nguyễn Chí Tình, Cao Xuân Hạo, Trần Đĩnh, Trần Châu, Phan Thế Vấn...

Tiểu sử của ông Mạc Lân (trích từ sách Nhà văn Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, 1988)

Bài của Xuân Ba trên báo Tiền Phong có đề cập về viết chui của ông Mạc Lân.

 


Ảnh chụp bài báo của Mạc Lân viết năm 1949


Mạc Lân và Việt Phương trong cuộc gặp gỡ của những thanh niên tham gia phong trào Nam tiến

Cuộc gặp gỡ của những thanh niên tham gia phong trào Nam tiến, có Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp tham dự.