Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025

Hành trình của Trần Đức Thảo: Hiện tượng học và chuyển giao văn hóa

 Dương Thắng

Trong những năm gần đây, hình ảnh của nhà triết học Trần Đức Thảo (1917-1993) đã được phục dựng trở lại đồng thời ở cả Việt Nam và Pháp.

Mặc dù bị lãng quên trong một thời gian dài, ông vẫn luôn chiếm giữ vị trí của một triết gia hàng đầu ở Pháp vào những năm 1940 và 1950, cả về phương diện chính trị, thông qua những hoạt động trong phong trào chống thực dân, và cả về mặt trí tuệ, thông qua sự tham gia vào các cuộc thảo luận triết học sôi nổi thời bấy giờ: mối quan hệ giữa chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh, sự tổng hợp táo bạo giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng và hiện tượng học. Trần Đức Thảo cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc tiếp nhận và phổ biến tác phẩm của triết gia Đức Husserl, người sáng lập trường phái hiện tượng học, tại Pháp. Mặc dù vào cuối năm 1951, sau khi vội vã quay trở về Việt Nam để tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập của đất nước và cắt đứt liên lạc với giới trí thức Pháp, Trần Đức Thảo vẫn tiếp tục tạo ra ảnh hưởng ngầm rất mạnh mẽ đối với toàn bộ một thế hệ triết học được hình thành vào những năm 1940 và 1950 (Foucault, Derrida, Althusser, Bourdieu).

Nửa đầu của tác phẩm đồ sộ Hành trình của Trần Đức Thảo, hiện tượng học và chuyển giao văn hóa là kết quả của cuộc hội thảo khoa học về triết gia Trần Đức Thảo vào năm 2012 tại Trường Sư phạm Cao cấp phố Ulm (ENS), nơi đào tạo Trần Đức Thảo vào những năm 1940. Phần thứ hai in lại toàn văn tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Trần Đức Thảo: Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng (1951). Kết thúc phần một là bài Niệm ca về sự qua đời của Trần Đức Thảo của Thierry Marchaisse, một lời tri ân tuyệt đẹp và rất riêng tư của tác giả dành cho Trần Đức Thảo, gợi nhớ lại những ngày cuối cùng trên đất Pháp của người đã muốn tự tạo cho mình một con đường độc đáo đi từ hiện tượng học, một học thuyết rất hấp dẫn nhưng bản chất là duy tâm, đến với hai phạm trù lịch sử và biện chứng của chủ nghĩa duy vật, hai vũ khí sắc bén nhất của chủ nghĩa Marx.

Ngoài những câu chuyện liên quan đến tính cách cực kỳ độc đáo và cũng rất bí ẩn của Trần Đức Thảo, những câu chuyện cá nhân nhưng lại gắn liền với những sự kiện kịch tính nhất của thế kỷ 20, tác phẩm này còn trình bày và phân tích một cách sâu sắc mối quan hệ, trong giai đoạn từ 1930 đến 1980, giữa hai dòng triết học chính của châu Âu là hiện tượng học Husserl và chủ nghĩa Marx, trong bối cảnh đối đầu cũng như đối thoại khó khăn giữa hai hệ thống triết học vẫn còn tiếp tục kéo dài cho đến tận hôm nay.

L’Itinéraire de Tran Duc Thao-Phénoménologie et transfert culturel do Jocelyn Benoist và Michel Espagne chủ biên; Bùi Văn Nam Sơn, Đinh Hồng Phúc, Phạm Văn Tuấn, Phạm Văn Quang dịch.Bản dịch tiếng Việt, do NXB Đại học Sư phạm ấn hành vào năm 2016, sau đó đã được tái bản. Nguồn: NXB Đại học Sư phạm

Là người nằm ở vị trí trung tâm của cuộc đối đầu, Trần Đức Thảo đã dành gần như trọn đời mình để cố gắng giải quyết nó một cách biện chứng. Trong khoảng thời gian từ 1940 đến 1960, hình ảnh Trần Đức Thảo đã trở thành một huyền thoại đối với đông đảo trí thức Pháp, gắn liền với một lịch sử đầy thăng trầm và biến động của chủ nghĩa Marx ở châu Âu.

Để hiểu rõ hơn nhận định này, người đọc nên bắt đầu bằng bài viết Từ hiện tại sống động đến vận động hiện thực. Chủ nghĩa Marx và sự chuyển giao văn hóa ở Trần Đức Thảo (tr. 340-367) của Michel Espagne. Bài viết đã trình bày đầy đủ về sự nghiệp của Trần Đức Thảo và phác thảo sự tổng hợp đặc sắc mà ông gần như là người duy nhất cố gắng thực hiện vào thời điểm đó, giữa triết học duy vật Marx (và khía cạnh chính trị của nó), hiện tượng học Husserl (tập trung vào về khái niệm ý thức và mối quan hệ với thế giới), khoa học tự nhiên (được đánh dấu bởi sự ra đời của học thuyết Darwin), tâm lý học thực nghiệm (bao gồm cả tâm lý động vật), các thành tựu ngôn ngữ học trong những năm tháng đó, ký hiệu học (một ngành khoa học vừa mới nổi lên), thậm chí cả phân tâm học.

Bản chất toàn cầu trong cách tiếp cận của Trần Đức Thảo là lời giải thích xác đáng nhất cho ánh hào quang về danh tiếng của ông và cho những ảnh hưởng mạnh mẽ mà ông đã tác động đến các nhà tư tưởng hàng đầu như Derrida, Foucault, Althusser, Ricoeur, Lyotard và Roland Barthes... Mặt khác, việc sử dụng khái niệm chuyển giao văn hóa ở đây là hoàn toàn xác đáng bởi Trần Đức Thảo thực hiện một cuộc chuyển giao triết học (di sản của Husserl) từ Đức sang Pháp rồi từ Pháp về Việt Nam – cuộc chuyển giao được quyết định chủ yếu bởi nền tảng văn hóa Pháp và Việt Nam của riêng ông. Trần Đức Thảo là tác nhân theo nghĩa đen của sự thay đổi quan trọng trong truyền thống triết học Pháp (Bergson), của một sự du nhập đã gây cảm hứng và kéo theo những triết gia khác (Levinas) vào cuộc. Rất tiếc rằng trong ấn phẩm này chúng ta không thấy sự hiện diện của những tư liệu liên quan đến cuộc trao đổi thư từ giữa Trần Đức Thảo và triết gia Kojève. Những ý tưởng của hai triết gia hàng đầu này chắc chắn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tầm cỡ của những dự phóng mà Trần Đức Thảo muốn thiết lập trong triết học.

Nửa đầu của ấn phẩm được xây dựng theo hai trục chính, chúng thường giao nhau và đan xen vào với nhau: trục tiểu sử và trục triết học thuần túy. Trong bài viết Trần Đức Thảo và sự thiết lập cơ sở ban đầu của kho lưu trữ Husserl tại Paris, Jean-François Courtine, người chịu trách nhiệm lâu năm về Viện Lưu trữ Husserl, đã khắc họa rõ nét mối quan tâm ban đầu và cụ thể của Trần Đức Thảo cũng như vai trò nền tảng của ông trong việc thành lập Viện Lưu trữ Husserl. Đây là câu chuyện về chàng thanh niên Trần Đức Thảo vào thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh, đi lại liên tục giữa Paris và Louvain (nơi lưu trữ các bản thảo của Husserl, cũng là nơi Trần Đức Thảo học tiếng Đức) và mang về các tài liệu để lập “kho lưu trữ” đầu tiên của “Viện Husserl” tại Paris.

Trong hai bài viết bổ sung cho nhau, Daniel Hémery và sau đó là Philippe Papin đã trình bày về hai giai đoạn cuộc đời của Trần Đức Thảo, một kéo dài cho đến khi kết thúc việc học và nghiên cứu ở Pháp, một bắt đầu từ khi quay trở về Việt Nam. Đây là những nghiên cứu tiểu sử được ghi chép đầy đủ nhất từ ​​trước đến nay. Trong bài viết của mình (tr. 67-86), Daniel Hémery nhìn lại thời trai trẻ của Trần Đức Thảo, quá trình học tiểu học và trung học của ông tại Hà Nội, thành công rực rỡ của ông vào năm 1939 trong kỳ thi tuyển sinh vào ENS. Bản tiểu sử này là một cơ hội để tác giả phân tích về mặt xã hội học và văn hóa, qua đó cho thấy tính độc đáo trong hành trình tri thức của Trần Đức Thảo. Chúng ta có thể tiếc nuối vì thiếu vắng những thông tin về sự hiện diện của Trần Đức Thảo ở Clermont-Ferrand (nơi ENS đã sơ tán đến). Chính tại nơi đây Trần Đức Thảo đã phát hiện ra Husserl, Heidegger, Sartre. Bản luận văn thạc sĩ triết học về hiện tượng học Husserl được Trần Đức Thảo viết vào năm 1941-1942 tại Clermont, đã vượt qua một sự tổng hợp thông thường về triết học. Sau khi tốt nghiệp ENS, Trần Đức Thảo tham gia nghiên cứu tại CNRS (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp), thời kỳ này ông cũng hoạt động nhiệt thành trong các nhóm Việt kiều có khuynh hướng Trotskyist đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng của Việt Nam. Ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx ở Pháp và châu Âu đã tăng lên rất mạnh mẽ trong suốt thời kỳ này, và khi Trần Đức Thảo xuất bản tác phẩm Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng của mình vào năm 1951, thì sự tổng hợp quan trọng mà tác phẩm này đạt được, theo một cách nào đó, chính là sự tổng kết những kết quả mà Trần Đức Thảo đã tích lũy được trong những năm tháng nghiên cứu lý thuyết. “Thời kỳ Pháp” trong cuộc đời Trần Đức Thảo kết thúc ở đây để bắt đầu cho giai đoạn dài hơn và cũng khắc nghiệt hơn.

Giai đoạn từ khi trở về tổ quốc (vào cuối năm 1951) của Trần Đức Thảo được Philippe Papin mô tả hết sức chi tiết: tiếp sau sự tôn vinh về uy tín trí tuệ dành cho người chiến sĩ cách mạng trở về đất nước là hàng loạt những sự vỡ mộng, phản bội và đau khổ. Đầu tiên, ông được giao viết báo cáo, rồi được đưa “về nông thôn” (năm 1953) ở tỉnh Phú Thọ. Sau thời gian thử thách này, ông được nhận vào làm giáo sư lịch sử tại trường Đại học Hà Nội (ông không được yêu cầu dạy triết học). Trong khoảng thời gian từ 1952 đến 1966, Trần Đức Thảo không viết thêm bất cứ bài nào bằng tiếng Pháp. Năm 1956, bị nghi ngờ có tham gia hoạt động bất đồng chính kiến, ông bị thất sủng. Ông đã cố gắng dựa vào kết quả đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô để đề xuất, một cách khá ôn hòa, một sự phát triển tự do hơn cho chế độ Hà Nội. Ông bị phản bội một cách tàn nhẫn bởi những người thân cận, và không có một chỗ dựa nào để tin cậy. Năm 1958, ông bị đưa ra xét xử (vì mối liên hệ với nhóm Nhân văn - Giai phẩm) và đã phải tự phê bình kiểm điểm. Kể từ năm 1961, ông sống thêm 32 năm nữa trong một kiểu ẩn dật mà sự xuất hiện duy nhất là những bài viết hiếm hoi bằng tiếng Pháp của ông trên tờ La Pensée (Tư tưởng), một tạp chí nghiên cứu lý thuyết của Đảng Cộng sản Pháp. Trần Đức Thảo trở thành một “nhân vật” bị nghi ngờ là điên loạn, bệnh tật. Chuyến đi cuối cùng của ông tới Pháp (nơi ông qua đời vào năm 1993) thực sự là một thử thách, đối với cả ông và những người bạn đã đọc tác phẩm của ông và biết về cuộc đời ông

Bài viết của Trịnh Văn Thảo, Một vài điểm mốc trong hành trình triết học của Trần Đức Thảo, là một sự bổ sung hấp dẫn cho các bài viết về tiểu sử của Trần Đức Thảo, hơn thế nữa, chúng hé lộ những sự kiện chưa từng được biết đến trong cuộc đời của Trần Đức Thảo để giúp chúng ta hiểu sâu hơn về lịch sử xã hội Việt Nam trong thế kỷ 20. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng đã “lộ sáng”, Trịnh Văn Thảo còn cung cấp cho chúng ta những đánh giá lý thú về các công trình còn ít được biết đến của Trần Đức Thảo. Triết lý đã đi đến đâu? (Paris, 1950), dù chỉ là một tiểu luận ngắn gọn dưới dạng sách dẫn nhập triết học, đã khắc họa rõ nét những mối bận tâm về triết học của Trần Đức Thảo sau khi phát hiện ra chủ nghĩa Marx. Những mối bận tâm này càng trở nên rõ nét hơn trong cuốn Lịch sử tư tưởng trước Marx (1995), được xuất bản dựa trên các bài giảng của Trần Đức Thảo trong quãng thời gian 1955-1956 mà sinh viên của ông ghi chép được. Trịnh Văn Thảo cũng xem xét kỹ lưỡng tác phẩm Triết học của Staline (1988). Trong tác phẩm này, Trần Đức Thảo tiếp tục cuộc đối thoại với các tác giả kinh điển của ông: Marx, Hegel, Husserl. Trịnh Văn Thảo nhấn mạnh sự phân kỳ mà những văn bản ra đời muộn này thể hiện so với các lập trường được Trần Đức Thảo chính thức bảo vệ vào những năm 1950. Một phân tích dài cuối cùng được Trịnh Văn Thảo dành cho bài tiểu luận được xuất bản năm 1991 tại Paris: Sự hình thành của con người. Dẫn nhập về nguồn gốc xã hội, ngôn ngữ và ý thức, tác phẩm thể hiện mối quan tâm không ngừng nghỉ của Trần Đức Thảo đối với tâm lý trẻ em (ví dụ: Nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức, 1973).

Trong một lĩnh vực hoàn toàn khác, nhưng vẫn luôn mang những phẩm chất khai sáng như vậy, Hoài Hương Aubert-Nguyễn trình bày hai đóng góp của Trần Đức Thảo trong lĩnh vực văn hóa Việt Nam: Tìm hiểu giá trị văn chương cũ (1954) và trên hết là Nội dung xã hội truyện Kiều (1956), một bài tiểu luận cho thấy Trần Đức Thảo đã đứng về phe nào trong các cuộc tranh cãi của giới trí thức Việt Nam về cách diễn giải Truyện Kiều những năm 1950, vốn chịu tác động quá mức của tình hình chính trị lúc đó (cải cách ruộng đất đang diễn ra mạnh mẽ) và hiện trạng đất nước (vừa mới thoát khỏi cuộc chiến tranh chống Pháp, và lãnh thổ quốc gia tiếp tục bị chia cắt). Giữa hai bài viết này, có một sự thay đổi quan điểm mang tính chính trị. Nếu như trong bài báo viết năm 1954, ông vẫn còn khẳng định rằng các tác phẩm văn học trong quá khứ không đủ năng lực để phản ánh cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại chế độ phong kiến thì đến bài báo viết năm 1956, ông dường như đã từ bỏ luận điểm này. Và hơn thế nữa, có vẻ như ông đã âm thầm phát triển các quan điểm phản đối việc “công cụ hóa” cách đọc tác phẩm kinh điển của Nguyễn Du. Do đó, đây sẽ là những văn bản buộc tội đối với Trần Đức Thảo khi sau này ông phải “giải trình”.

Perrine Simon-Nahum trong bài viết Sự chuyển biến tư tưởng của Trần Đức Thảo, từ Sartre đến Fanon đã cho thấy ảnh hưởng của Trần Đức Thảo “vẫn còn mang tính quyết định trên bức tranh tinh thần của nước Pháp khá lâu sau kể từ khi ông rời nước Pháp cho tới tận những năm 1960” (tr 316). Sartre và đặc biệt là Franz Fanon, dường như chịu ảnh hưởng đặc biệt, trong quá trình tiến hóa triết học của riêng họ, bởi những tác động từ các bài báo của Trần Đức Thảo (đặc biệt là xung quanh vấn đề “bạo lực quần chúng”). Khi chúng ta biết những người như Sartre đã tác động như thế nào đến nhiều thế hệ trí thức, chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng của các tác phẩm của Trần Đức Thảo.

Với tác phẩm Hành trình của Trần Đức Thảo, hiện tượng học và chuyển giao văn hóa, chúng ta một lần nữa có thể tự hào mà khẳng định với thế giới rằng trong nửa cuối thế kỷ XX, mặc dù phải trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, đất nước Việt Nam không chỉ sản sinh ra các chiến binh dũng cảm hay những vị tướng lĩnh tài ba, các nhà chính trị kiệt xuất, mà còn cả những triết gia và nhà tư tưởng có trí tuệ sắc bén, dũng cảm đặt ra những câu hỏi ở tầm nhân loại về ý nghĩa cuộc sống, mối liên hệ của nó với triết học và với khoa học.