Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2025

Khi nghệ thuật bị rào thuế quan

 Phan Tấn Hải

Nhiều người Việt các tiểu bang khác, khi tới thăm Quận Cam, bước vào Phước Lộc Thọ, sẽ kinh ngạc khi thấy hàng loạt áo dài sản xuất từ Việt Nam được may khéo, kiểu dáng tân kỳ, bán chỉ có 10 USD một áo. Rẻ kinh khủng, nhưng đồng bào mình ở quê nhà sống nhờ như thế. Rồi tới những món hàng nghệ thuật như đồ gốm sứ, vòng tay, tràng hạt, nón lá, đồ chơi trẻ em... đều bán rất rẻ. Chúng ta thắc mắc tại sao lại rẻ như thế. Hẳn nhiên, khi vào Phố Tàu Los Angeles, bạn cũng sẽ có những kinh ngạc tương tự với áo xường xám và các món tương tự từ nhiều thị trấn Hoa Lục.

Nếu có chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tất cả những hàng hóa trong Phố Tàu Los Angeles sẽ tăng giá, và tại Phước Lộc Thọ, hy vọng, sẽ giữ giá y nguyên, nếu các nguyên vật liệu Việt Nam sản xuất không phải mua từ Hoa Lục. Tuy nhiên, sẽ tới lúc, khi đọc các bản báo cáo về bất quân bình thương mại, Tổng thống Donald Trump trong cơn phẫn nộ thường trực bỗng nhiên thấy rằng cần áp thuế quan trên hàng Việt Nam. Thế là kinh tế Việt Nam hẳn là thiệt hại.

Sản phẩm nghệ thuật có thể là những món rất đời thường, thuộc loại rẻ tiền. Không hẳn là từ các đại công ty. Có thể là hàng rất rẻ: sản phẩm gốm sứ từ một gia đình ở làng gốm Bát Tràng, hay áo dài từ một tiệm may Hà Nội, hay các bức tranh Đông Hồ giá rất rẻ từ các ngôi làng mà chúng ta chưa nghe tiếng. Mặt ngược lại, trong thực tế, lại có những thứ rất đắt, thí dụ, như các bình gốm đời nhà Đường bán đấu giá hàng chục triệu đôla ở Hồng Kông, và đó là thị trường của các đại gia.

Chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới mọi thành phần, mọi mặt. Tôi không biết rằng Tổng thống Donald Trump sẽ gây chiến thương mại với Việt Nam hay không, nhưng lòng tôi luôn luôn lo sợ rằng những chuyển biến bất tường có thể sẽ xóa sổ một vài nét văn hóa còn lưu giữ ở Việt Nam. Bao giờ thì làng gốm Bát Tràng sẽ bị xóa sổ vì không cạnh tranh nổi với đồ gốm sứ làm hàng loạt với giá rẻ từ Mexico, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bao giờ thì các gia đình làm tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh sẽ phải nghĩ tới bỏ nghề truyền thống khi không còn bao nhiêu bức tường chịu treo tranh này nữa. Vì thực tế là, gốm Bát Tràng và tranh Đông Hồ luôn luôn có nhu cầu bơi sang Hoa Kỳ.

Thậm chí, chưa cần tới chiến tranh thương mại, chỉ cần tăng giá bưu điện, tăng giá tàu biển... cũng có thể làm một số người kinh doanh nhỏ chao đảo, khi biên lợi nhuận càng lúc càng thu hẹp. Hôm thứ Tư ngày 5 tháng 2/2025, có một tin làm giựt mình, may mà vài giờ sau thì Hoa Kỳ đổi ý. Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư rằng họ sẽ tiếp tục chấp nhận bưu kiện từ Trung Quốc và Hồng Kông, đảo ngược lệnh đình chỉ kéo dài 12 giờ sau khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ một miễn trừ được các công ty bán lẻ (trong đó có Temu, Shein và Amazon) sử dụng, để vận chuyển các gói hàng giá trị thấp miễn thuế đến Hoa Kỳ. Sự thay đổi đột ngột này làm tăng thêm sự nhầm lẫn ngày càng tăng giữa các công ty bán lẻ và các công ty vận chuyển nhanh về cách gánh chịu mức thuế 10% mới của Trump đối với hàng nhập cảng vào Mỹ từ Trung Quốc và việc Trump ngưng miễn thuế “de minimis” đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 đô la. Đó là chuyện Mỹ gây sự đối với Trung Quốc. Chưa tới Việt Nam. Hiện thời nhiều công ty nhỏ tại Việt Nam, nhỏ cỡ như một tiệm may kinh doanh kiểu gia đình ở Hà Nội hay một tiệm ở Đà Nẵng chuyên về làm đồ thủ công, vòng tay, nón lá, tràng hạt... đã bán hàng trên Amazon, Etsy... thì bất kỳ giá nguyên vật liệu nào, hay bất kỳ giá bưu chính và vận chuyển nào tăng lên cũng là vấn đề.

Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước khác hầu hết đều tránh áp thuế cho các sản phẩm nghệ thuật. Truyền thống trước giờ ở Mỹ nhiều thập niên trước giờ là sản phẩm nghệ thuật được miễn thuế nhập cảng. Có thể vì chính phủ Mỹ sợ các họa sĩ nước khác sẽ bỏ nghề vẽ, nghề điêu khắc, nghề nắn gốm vì chịu không nổi thuế quan? Do vậy, nhờ truyền thống miễn thuế rộng rãi đó, tạp chí Artsy trong số báo 23/7/2018 ghi nhận rằng: “Chính sách lâu đời đó đã giúp Hoa Kỳ trở thành thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới, chiếm 42% doanh số bán hàng toàn cầu trong năm 2017, theo báo cáo của The Art Market | 2018 của UBS và Art Basel.”

Thế rồi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bùng nổ trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của Trump các năm 2016-2020. Phóng viên Anna Louie Sussman của Artsy tháng 7/2018 ghi nhận rằng các đợt thuế quan gần lúc đó nhất được công bố đối với hàng hóa trị giá khoảng 200 tỷ đô la bao gồm các bức tranh, các bản vẽ và tác phẩm điêu khắc được thực hiện thủ công, trong số hàng nghìn mặt hàng phải chịu mức thuế nhập cảng 10% khi vào Hoa Kỳ.

Clare McAndrew, một nhà kinh tế và là tác giả của bản báo cáo UBS và Art Basel cho biết: “Hoa Kỳ đã xây dựng vị thế là một trung tâm thương mại quốc tế bằng cách có một trong những hệ thống xuất nhập cảng tự do nhất thế giới. Mặc dù mức thuế 10% có thể không ngăn cản được một người mua cá nhân quyết tâm, nhưng nó có thể khiến các nhà cung cấp không đưa các tác phẩm của Trung Quốc vào các cuộc bán đấu giá ở New York”.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, nghệ thuật và đồ cổ (art and antiques imports) từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ chỉ chiếm hơn 280 triệu đô la nhập cảng trong năm 2017, hoặc khoảng 2,7% trong tổng số 10,35 tỷ đô la nhập cảng nghệ thuật và đồ cổ vào năm 2017. Con số này tăng so với mức 175 triệu đô la năm 2002, nhưng giảm so với mức đỉnh điểm là 403 triệu đô la hồi năm 2015.

Hiển nhiên, chỗ này cần ghi nhận: nghệ thuật và đồ cổ có thể không phải là áo dài, áo xường xám, tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng, mà có thể là những gì đắt giá tới mức người đời thường như tôi chưa bao giờ được cầm tới. Nhưng một chiến tranh thương mại như thế hiển nhiên sẽ là thiệt hại chung, cho cả nghệ thuật cao cấp lẫn nghệ thuật bình dân.

Bản tin Artsy ghi nhận rằng các chuyên gia đại lý nghệ thuật và đồ cổ Trung Quốc mô tả mức thuế do Mỹ đề xuất là sai lầm và gây bất lợi cho giao lưu văn hóa, lưu ý rằng nó sẽ không bảo vệ được ngành công nghiệp trong Hoa Kỳ, vì các nghệ sĩ Mỹ – không giống như công nhân nhà máy Mỹ – không cạnh tranh trực tiếp với các nghệ sĩ Trung Quốc. Nó cũng không gây hại đáng kể cho thị trường nghệ thuật và đồ cổ Trung Quốc và châu Á nói chung đang phát triển mạnh mẽ.

Năm 2018, Trung Quốc đã vượt qua Anh Quốc để trở thành thị trường nghệ thuật lớn thứ hai thế giới, với 21% doanh số bán hàng toàn cầu so với 20% của Anh Quốc. Ngành công nghiệp đấu giá đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc đã chiếm tới 1/3 doanh số bán đấu giá toàn cầu, chỉ sau 35% của Hoa Kỳ và gấp đôi so với 16% của Anh quốc. Thị trường của Trung Quốc chỉ sẵn sàng tăng trưởng khi quốc gia này và các nước láng giềng châu Á tiếp tục sản sinh ra những triệu phú và tỷ phú với tốc độ đáng kinh ngạc. Nghĩa là, người mua tranh tại Trung Quốc cũng đông hơn, khi họ có thêm các triệu phú và tỷ phú.

James Lally, người sáng lập công ty kinh doanh đồ cổ và nghệ thuật Trung Quốc J. J. Lally có trụ sở tại New York và là cựu giám đốc bộ phận tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc tại công ty đấu giá Sotheby's từ năm 1970, cho biết: “[Người Trung Quốc] thực sự không có nhu cầu cấp thiết phải vận chuyển hàng hóa đến Hoa Kỳ, vì vậy, đây là hành động sai lầm theo mọi cách. Nhưng điều đó sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại.”

Chuyên gia nghệ thuật Lally nói với báo Artsy rằng ông tin rằng lần cuối cùng chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế đối với việc nhập cảng nghệ thuật và đồ cổ từ Trung Quốc là vào thời kỳ McCarthy, khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ yêu cầu bất kỳ ai nhập cảng thứ gì đó từ Trung Quốc phải chứng minh rằng họ không mua nó từ một người Cộng sản. Trên thực tế, ông cho biết, điều đó thường có nghĩa là việc mua một chiếc chén trà Trung Quốc đơn giản đi kèm với gánh nặng phải lái xe đến nhà của bất kỳ đại gia Anh Quốc nào đang bán nó, để ông ta có thể ký một bản tuyên thệ chứng thực rằng ông ta thực tế không phải là một người Cộng sản. “Chính phủ của chúng tôi có năng khiếu về những điều như thế này”, Lally cho biết.

Peter Tompa, một luật sư chuyên về các vấn đề sở hữu văn hóa có trụ sở tại Washington, D.C., cho biết chuyện này (áp thuế năm 2018 đối với tác phẩm nghệ thuật) đã phá vỡ “truyền thống lâu đời... rằng việc chuyển giao nghệ thuật là một điều tích cực cho xã hội, một điều mà chúng tôi muốn khuyến khích chứ không phải ngăn cản”.

Ông cũng hình dung ra mức thuế quan được áp dụng đối với tác phẩm nghệ thuật do Trung Quốc sản xuất, bất kể cảng xuất xứ của nó là gì, và giống như Lally, ông cho biết điều này có thể sẽ mang lại cho Trung Quốc một lợi thế lớn hơn nữa trên thị trường nghệ thuật Trung Quốc, làm suy yếu tác động mong muốn của nó.

“Nếu mục đích là trừng phạt người Trung Quốc, thì nó sẽ phản tác dụng”, Tompa cho biết. “Nó sẽ ngăn cản việc bán hàng ở đây [Hoa Kỳ] và đưa [hoạt động thương mại] trở lại Trung Quốc, vì mọi thứ đều được miễn thuế ở đó”.

Pascal de Sarthe, một người buôn bán nghệ thuật Trung Quốc lâu năm khác đã làm việc tại Trung Quốc từ cuối những năm 1990 và hiện có các phòng trưng bày ở Bắc Kinh và Hồng Kông, cho biết ông không nghĩ rằng mức thuế sẽ có tác động lớn, ở cả cấp độ vi mô hay vĩ mô. Ông chỉ ra rằng việc áp thuế đối với tác phẩm nghệ thuật trị giá vài trăm triệu đô la sẽ không làm giảm đáng kể thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc, hiện đã lên tới hơn 152,2 tỷ đô la vào năm 2018. Ông cũng không nghĩ rằng điều này sẽ có tác động lớn đến thị trường nghệ thuật đương đại hoặc đồ cổ của Trung Quốc, vốn chủ yếu được bán cho các nhà sưu tập trong nước hoặc khu vực.

“Hoạt động kinh doanh cốt lõi của chúng tôi là ở Châu Á”, de Sarthe cho biết. Với các tác phẩm đương đại có giá thấp hơn mà ông bán, ông nghĩ rằng mức thuế 10% sẽ không phải là rào cản lớn, đặc biệt là khi các nhà sưu tập từ các quốc gia khác đã quen với việc trả mức thuế trong khoảng từ 5,5% đến 8% để nhập cảng vào những nơi như Singapore, Thụy Sĩ hoặc Pháp.

“Những tác phẩm đắt nhất mà chúng tôi có là 20.000 đô la hoặc 30.000 đô la”, de Sarthe nói, ám chỉ đến các nghệ sĩ Trung Quốc mới nổi mà ông làm việc cùng (Phòng trưng bày de Sarthe cũng bán các tác phẩm trên thị trường thứ cấp của các nghệ sĩ Trung Quốc và phương Tây với giá lên tới bảy con số). “Được rồi, áp dụng mức thuế 10% cho một tác phẩm nghệ thuật. Tôi không nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.

Ông cũng chỉ ra một số lỗ hổng rõ ràng. Các nghệ sĩ Trung Quốc có thể đến Mỹ và sáng tác tác phẩm nghệ thuật tại chỗ, chẳng hạn như một trong những nghệ sĩ của ông hiện đang làm việc tại một nơi cư trú ở New York. Các hình thức nghệ thuật kỹ thuật số cũng không được đề cập cụ thể. Thay vào đó, danh sách thuế quan đề cập đến “tranh vẽ, bản vẽ... và phấn màu, được thực hiện hoàn toàn bằng tay, có đóng khung hay không”, “tranh ghép và các mảng trang trí tương tự, được thực hiện hoàn toàn bằng tay, có đóng khung hay không”, “bản khắc, bản in và bản in thạch bản gốc, có đóng khung hay không” và “tác phẩm điêu khắc và tượng gốc, bằng bất kỳ chất liệu nào”, cũng như “đồ cổ có tuổi đời trên một trăm năm”.

Các nhà đấu giá lớn như Sotheby's và Christie's nằm trong số các thực thể thương mại có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sotheby's đã bán được khoảng 77 triệu đô la giá trị tác phẩm nghệ thuật và đồ vật trong hơn 10 lần bán kể từ tháng 9 năm 2017 tại ba bộ phận của Trung Quốc (tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc, tranh Trung Quốc - cổ điển và tranh Trung Quốc - hiện đại). Chỉ riêng trong tháng 3/2018, trong Tuần lễ Châu Á của New York, Christie's đã bán được gần 40 triệu đô la giá trị tác phẩm nghệ thuật và đồ vật Trung Quốc. Christie's và Sotheby's từ chối bình luận.

Nếu các bạn để ý, khi tới các cửa tiệm chuyên bán sản phẩm dùng để sáng tác nghệ thuật, như các tiệm Michaels, Hobby Lobby, hay như Target... thì sơn, màu, giấy, vải bạt (canvas), khung tranh (khung gỗ, khung nhôm) đa số làm từ Trung Quốc. Báo Artsy ghi lời Jonathan Siegel, phó chủ tịch của cửa hàng bán lẻ đồ dùng nghệ thuật Soho Art Materials, cho biết tác động lớn nhất từ ​​chính sách thương mại bảo hộ của chính quyền Trump đến từ mức thuế nhôm được áp dụng vào cuối tháng 3/2018. Siegel cho biết mức thuế này đã làm tăng giá nhôm (aluminum), mà cửa hàng của ông sử dụng 100.000 feet mỗi năm để làm thanh căng, lên 25% trong vài tháng qua và cũng khiến giá cả biến động hơn. Các đại lý nghệ thuật đồng ý rằng bên thua lỗ lớn nhất trong tất cả những điều này là công chúng Mỹ, những người có khả năng sẽ ít tiếp xúc với nghệ thuật Trung Quốc hơn.

Christopher Reynolds, đồng sáng lập phòng trưng bày INK Studio ở Bắc Kinh, nơi tập trung vào nghệ thuật mực đương đại của Trung Quốc, cho biết áp thuế “sẽ khiến việc mang các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc đến Hoa Kỳ để bán trở nên kém lợi nhuận hơn. Nghệ thuật đương đại, giống như trao đổi trí tuệ, không phải là chất liệu hữu ích cho các tranh chấp thương mại.” Các phân tích trên về thị trường nghệ thuật là từ cuộc chiến áp thuế trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Cuộc chiến áp thuế mới trong năm 2025 sẽ dẫn tới đâu vẫn là ẩn số.

Theo phân tích của báo Apollo Magazine về thị trường nghệ thuật: Với năm 2025 đang diễn ra và Donald Trump nhậm chức lần thứ hai, liệu thị trường nghệ thuật có nên lo ngại – thực ra là lo ngại – về một cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra và tác động của nó đến doanh số bán tác phẩm nghệ thuật không? Trump đã đe dọa áp thuế 25% đối với hàng nhập các loại từ Mexico và Canada, và sẽ tăng thêm 10% vào thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Đối với nghệ thuật Trung Quốc, mức thuế này sẽ được áp dụng ngoài mức thuế hiện tại là 7,5%. Ngoài ra, Trump cũng đang nói về việc áp thuế đối với tất cả hàng nhập từ Châu Âu. Vấn đề là Hoa Kỳ vẫn là thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới cho đến nay, với Trung Quốc và Anh Quốc ở vị trí thứ hai và thứ ba. Việc tăng mạnh thuế nhập cảng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những người đang bán tác phẩm nghệ thuật vào Hoa Kỳ.

Katalin Andreides, giám đốc điều hành của Andreides Law, giải thích: “Hồi tháng 7/2020, một số tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ Trung Quốc – ví dụ như tranh vẽ, bản vẽ hoặc phấn màu; bản khắc gốc, bản in và bản in thạch bản; các tác phẩm khảo cổ hoặc dân tộc học; và đồ bạc cổ [và] đồ nội thất – đã bị loại khỏi hệ thống thuế quan phức tạp do chính quyền Trump đầu tiên đưa ra vào năm 2019.” Bà tiếp tục: “Những loại trừ này dự kiến ​​hết hạn vào tháng 9/2020, nhưng một số tác phẩm nghệ thuật vẫn được loại trừ [miễn áp thuế].”

Những người kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc đã thở phào nhẹ nhõm vào thời điểm đó, nhưng mức thuế 7,5% nêu trên hiện có thể bị đe dọa một lần nữa. Asaph Hyman, giám đốc toàn cầu về gốm sứ và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc của Bonhams, khi được hỏi về nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, đã nói: “Vì hầu hết các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc được cung cấp tại Bonhams ở Hoa Kỳ đều có nguồn gốc từ đó, nên thuế nhập cảng có tác động hạn chế.” Theo nhà buôn Daniel Eskenazi ở Mayfair, “Những người mua ở cấp độ của chúng tôi không thực sự bị ảnh hưởng bởi các khoản thuế này.”

Tạp chí Art Net News ngày 31/1/2025 ghi nhận một khía cạnh của Trump: hù dọa nhiều hơn là ra tay. Tức là, kiểu ông bà mình gọi là: đưa cao, đánh khẽ. Đó là hồi nhiệm kỳ đầu: Trump đã hăm dọa nhiều nhưng không thực hiện đầy đủ về thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Vào tháng 5/2019, ông đã công bố mức thuế 5% đối với tất cả hàng nhập từ Mexico, dự kiến ​​sẽ tăng dần lên 25%. Kế hoạch đó đã bị hủy bỏ vào tháng 6/2019. Hồi năm 2017, nghệ thuật và đồ cổ của Trung Quốc đã tạm thời được loại khỏi danh sách 6.000 mặt hàng phải chịu mức thuế mới được áp dụng trong cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông với Trung Quốc. Mức thuế 7,5% hiện tại (tháng 1/2025) đã được áp dụng từ năm 2020.

Tuy nhiên, ngay cả việc nói về thuế quan cũng có thể gây ra tác động lạm phát, như nhà kinh tế học Claudia Sahm vừa lưu ý trong một bài xã luận trên Bloomberg. Các công ty nghệ thuật đã bị căng thẳng do lạm phát và bất ổn địa chính trị trong hai năm qua. Căng thẳng hơn nữa có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến phân khúc phòng trưng bày nghệ thuật. Chi phí chung tăng cao và doanh số bán hàng chậm lại đã buộc các phòng trưng bày nghệ thuật vừa và nhỏ phải thu hẹp quy mô hoặc thậm chí đóng cửa, và nhiều phòng trưng bày đang tìm kiếm sự cứu trợ kinh tế nhanh chóng – điều mà các mức thuế này không mang lại.

Thôi thì lo chi tới chuyện quốc tế. Chỉ hy vọng rằng Tổng thống Trump sẽ không áp thuế Việt Nam, để chúng ta còn nhìn thấy những rừng áo dài bán với giá 10 USD/áo tại thương xá Phước Lộc Thọ, và sẽ không có gia đình nghệ nhân nào ở làng tranh Đông Hồ hay làng gốm Bát Tràng phải dẹp tiệm.

 

Hai Bà Trưng đánh giặc. Tranh làng Đông Hồ, Việt Nam. (Wikimedia Commons)


Gốm sứ làng Bát Tràng, Việt Nam. (Wikimedia Commons)


Các áo dài giá 10 USD bán ở thương xá Phước Lộc Thọ, Quận Cam, CA. (YouTube)