Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

Gần bảy mươi năm sau đọc lại bản dịch Lý Tú Lan của Phan Khôi trên báo Tiền phong

 Phan Nam Sinh

(1)

Năm 15 tuổi, tức năm 1955, lần đầu tiên tôi được đọc truyện ngắn Lý Tú Lan của tác giả Trung Quốc Hồng Lâm do Phan Khôi dịch từ tập Đoản thiên tiểu thuyết tuyển Song Hồng kỳ, đăng liền ba kỳ trên báo Tiền phong, Hà Nội, các số 60, 61, 62 ra vào các ngày 29 tháng 7, ngày 5 và 12 tháng 8 năm 1955.

Truyện kể về một cô gái có tên là Lý Tú Lan. Tú Lan là cô gái nông thôn, con một phụ nữ góa chồng. Nhà có hai chị em, Tú Chi là chị, Tú Lan là em. Cô chị tính tình thật thà, ít nói, hay lam hay làm; trái lại cô em là Tú Lan, tuy đẹp người nhưng suốt ngày chải chuốt, ca hát nhảy nhót, thích lối sống lãng mạn, không chăm chỉ làm ăn, luôn mang trong mình ý muốn được thoát ly sản xuất, trở thành cán bộ, nhân viên nhà nước.

Cho tới khi được mẹ gả chồng cho rồi, cô cũng không chịu ở nhà chồng, chỉ mới sang ngày thứ ba đã khăn gói trở về nhà mẹ đẻ, không chịu chung sống cùng chồng vì chê cuộc sống ở nhà chồng tù túng, từ sáng đến tối chỉ quanh quẩn với việc bếp núc, hết xay lúa tới giã gạo, không có thứ gì là vừa mắt cả.

Rồi Tú Lan được vào học trường huyện. Ở trường huyện, nhờ được nghe các Giáo sư giảng “cậy ở cái gì đều là tạm bợ cả, chỉ có cậy ở sức lao động thì mới sống được no đủ sung sướng”, “không lao động thì không thể thật được giải phóng, thật được trỗi mình”; được dự Đại hội các điển hình lao động tiên tiến, được nghe báo cáo, tự kiểm thảo của các học viên là lao động tiên tiến, đầu óc Tú Lan dần được hé sáng, cảm thấy trước đây mình đã sống rất không phải.

Gần cuối khóa học, cô đã viết thư gửi chồng là Vương Tùng Văn. Trong thư, cô nhận mình vì quen lối sống lãng mạn, văn hóa kém, lại không chăm chỉ làm ăn, thật không phải với chồng và gia đình nhà chồng. Cuối thư, cô hứa kết thúc khóa học sẽ về lại nhà chồng, mong chồng và nhà chồng rộng lòng tha thứ.

Thư không được cô gửi đi mà phải chờ tới một ngày bất chợt chồng cô mang quà từ nhà tới thăm, cô mới đưa thư cho chồng, và kết thúc khóa học cô đã thực hiện đúng như lời cô đã hứa.

Lần tái hợp giữa Vương Tùng Văn và Tú Lan này đã được tác giả miêu tả rất tế nhị, vừa sinh động vừa cảm động:

“Đêm hôm ấy, trên giường trong buồng ở chái đông vẫn là hai chiếc gối, chiếc gối đằng đông vẫn Vương Tùng Văn, chiếc gối đằng tây vẫn Lý Tú Lan, có điều đằng đông quay mặt về tây, đằng tây quay mặt về đông”.

Và họ vui vẻ trò chuyện cùng nhau:

- Đêm nay mình đừng chạy ra sân nữa nhé!

- Anh cũng đừng chạy ra ngoài cửa nữa nhé!

Cả hai đều cười lên.

Thì trong lúc đó, ở ngoài cửa sổ, bà mẹ chồng buông ra một hơi thở nhẹ nhàng, uốn thẳng cái lưng nhức mỏi, sè sẽ bước lạng quạng trở về trong phòng của mình”.

(2)

Nhớ là hồi đó đọc Lý Tú Lan, tôi chẳng có ấn tượng gì lắm, ngoài vẻ đẹp và tài nựu ương ca[1] của cô, nhân vật chính của truyện. Có lẽ là do lứa tuổi và trình độ của tôi hồi ấy không đủ để cho tôi hiểu cái hay, cái độc đáo của truyện.

Gần đây, nhân nghiên cứu về Phan Khôi, tôi đã tìm đọc lại truyện ngắn này trong cuốn Phan Khôi, tác phẩm đăng báo, in sách 1948-1958 do nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn. Lần này thì trái hẳn, tôi lại thích, rất thích nữa là khác!

Tôi thích, rất thích, tất nhiên là vẫn vì cô ấy đẹp, nựu ương ca tài nhưng quan trọng hơn vì cô ấy là một thiếu nữ, một phụ nữ rất có cá tính, rất có bản lĩnh nhưng không quá cứng nhắc, không khó chuyển biến, tiếp thu cái mới, cái tích cực theo như quan niệm của người Trung Quốc thời bấy giờ.

Hồi đó, trong văn học Việt Nam mình mà tìm ra được một nhân vật văn học có cá tính kiểu như thế là điều không dễ, mà cũng có thể là... không thể!

Vì thế tôi rất muốn tìm đọc nguyên bản Lý Tú Lan của Hồng Lâm và đã có lần mất gần cả buổi sáng tìm trên mạng mà vẫn không sao tìm được!

May nhờ có người bạn đã gửi qua mạng cho tôi cuốn sách trong có in truyện ngắn ấy. Đó là cuốn 李 秀 蘭 (Lý Tú Lan) trong tủ sách 文 藝 創 作 叢 書(Văn nghệ sáng tác tùng thư) của Nhà Xuất bản 山 東 新 華 書 店 (Sơn Đông tân hoa thư điếm) xuất bản tháng 7 năm thứ 36 Dân quốc, tức là năm 1947, trong có bốn truyện ngắn của Hồng Lâm là 莫 忘 本 (Mạc vong bản), 李 秀 蘭 (Lý Tú Lan), 老 許 (Lão Hứa) và 瞎 老 媽 (Hạt lão ma). Truyện Lý Tú Lan được đăng từ trang thứ 13 tới trang thứ 24.

Đối chiếu bản Việt ngữ của Phan Khôi dịch từ tập Đoản thiên tiểu thuyết tuyển Song Hồng kỳ với bản của Nhà xuất bản Sơn Đông tân hoa thư điếm, thấy rõ là tác giả Hồng Lâm không thêm bớt hay bổ sung gì so với bản hồi Phan Khôi dịch và đăng trên báo Tiền phong.

Hồi truyện ngắn Lý Tú Lan, bản dịch tiếng Việt của Phan Khôi được đăng trên báo Tiền phong, chưa thấy Phan Khôi hay Tòa soạn nói gì về tác giả Hồng Lâm. Năm 2019, khi Lý Tú Lan được đưa vào cuốn Phan Khôi, tác phẩm đăng báo, in sách 1948-1958 cũng chưa thấy người sưu tầm biên soạn giới thiệu gì về nhà văn này. Có vẻ như vào thời điểm ấy và trước đó nữa, người Hà Nội cũng như người Việt Nam ta nói chung rất ít ai biết về nhà văn Hồng Lâm, cũng chưa thấy ai dịch tác phẩm của ông, trong khi họ lại biết rất rõ và dịch khá nhiều tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc cùng thời như là Ngụy Nguy (魏 巍), Triệu Thụ Lý (赵 树 理), Lưu Bạch Vũ (刘 白 羽).

Hồng Lâm (洪 林) tên thật là Hồng Thằng Tằng (洪 绳 曽). Ông sinh năm 1917, mất vào năm 2003, thọ 86 tuổi. Ông quê huyện Kính (泾) tỉnh An Huy, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1942, và là nhà văn hiện đại Trung Quốc, từng giữ các chức vụ Xưởng trưởng xưởng phim giáo dục khoa học Thượng Hải, Phó Chủ tịch Phân hội điện ảnh Thượng Hải thuộc Hiệp hội các nhà làm phim Trung Quốc, Cục trưởng Cục điện ảnh Thượng Hải.

Tác phẩm của Hồng Lâm không nhiều. Truyện ngắn có tập 李 秀 蘭 (Lý Tú Lan), truyện vừa có tập 一 支 运 粮 队 (Nhất chi vận lương đội) và một tập luận văn chuyên bàn về điện ảnh là 科 学 教 育 电 影 创 作 问 题 (Khoa học giáo dục điện ảnh sáng tác vấn đề).

Ban đầu, khi đọc bản dịch của Phan Khôi, đối chiếu so sánh với nguyên bản của Hồng Lâm, tôi chỉ cốt tìm hiểu để biết và học cách dịch của cụ Phan, xem cụ có theo đúng chủ trương trực dịch, một lối dịch mà cụ cho là lý tưởng nhất, từng để cả đời để theo đuổi hay không? Nhưng có ngờ đâu càng đọc, càng tìm hiểu, càng thấy có rất nhiều điều thú vị, nhất là cách dịch từ tiếng Trung ra tiếng Việt.

Trước hết là những chữ nghe rất lạ tai như “lắm chuyện” trong câu “Trước cửa bà góa thường lắm chuyện”, trong các cụm từ “không còn là cái thời kỳ lắm chuyện” hay “vẫn còn cứ lắm chuyện”; chữ “nựu” trong cụm từ “nựu ương ca”; chữ “giắt” trong cụm từ “con mắt khán giả chỉ giắt vào một mình cô”, chữ “phới” trong một loạt các cụm từ liền nhau như “phới ở hội trường”, “phới ở sân khấu”, “phới ở chợ phiên”, “phới trong tháng giêng”, “phới trong tháng hai”, “phới đến trong tháng ba nữa” không biết cụ dịch từ những cụm từ nào của nguyên bản. Tìm hiểu, nắm bắt được điều này, không chỉ vốn tiếng Việt mà cả vốn tiếng Trung của người đọc chắc chắn cũng sẽ được tăng lên rất nhiều.

Đọc nguyên bản, mới biết chữ “lắm chuyện” là dịch từ hai chữ 是 非 (thị phi), nghĩa là “tranh chấp, cãi vã”. Chữ “nựu” là dịch từ chữ 扭 mà hầu hết các từ điển Hán Việt ở ta từ xưa tới nay đều phiên là “nữu”, nghĩa là “nhún nhảy”. Chữ “giắt” trong cụm từ “con mắt khán giả chỉ giắt vào một mình cô” là dịch từ hai chữ 只 見 (chỉ kiến) nghĩa là “chỉ tập trung ngắm” hay “chỉ chăm chú nhìn”. Các chữ “phới” trong “phới ở hội trường”, “phới ở sân khấu”, “phới ở chợ phiên” là dịch từ các cụm từ 在 會 場 上 讓 (tại hội trường thượng nhượng), 在 舞 台 上 讓 (tại vũ đài thượng nhượng), 在 集 上 讓 (tại tập thượng nhượng). Các chữ “phới” trong “phới trong tháng giêng”, “phới trong tháng hai”, “phới đến trong tháng ba nữa” là dịch từ 正 月 裏 讓 (chính nguyệt lí nhượng), 二 月 裏 讓 (nhị nguyệt lí nhượng), 三 月 裏 還 讓 (tam nguyệt lí hoàn nhượng), hiểu là (ở những nơi diễn kịch để tuyên truyền) “từ hội trường, sân khấu, chợ phiên; từ các tháng giêng, tháng hai, tháng ba đâu đâu, tháng nào cũng phải nhường chỗ cho Tú Lan cả”.

Lại cũng không biết những thành ngữ như “mồng chín tháng chín, chết mất hai miệng”, “mồng một tháng mười, chính mình chết tươi”, những câu xem ra rất văn vẻ, chải chuốt như “cả ngày nhảy như con sáo, hát như con ve” là cụ dịch từ đâu. Hóa ra “mồng chín tháng chín, chết mất hai miệng” là cụ dịch từ 九 月 九 , 死 了 小 两 口 (cửu nguyệt cửu, tử liễu tiểu lưỡng khẩu)[2], “mồng một tháng mười, chính mình chết tươi” là dịch từ 十 月 一 , 死 自 己 (thập nguyệt nhất, tử tự kỷ)[3]. Và cái câu văn vẻ, chải chuốt “cả ngày nhảy như con sáo, hát như con ve” là cụ dịch từ mấy chữ 成 天 價 跳 進 跳 出 , 唱 來 唱 去 (thành thiên giá khiêu tiến khiêu xuất, xướng lai xướng khứ).

Câu này nếu trực dịch thì phải dịch là “cả ngày hết đi vào lại đi ra, hết nhảy nhót tới ca hát”, đâu có chuyện “nhảy như con sáo, hát như con ve” như đã thấy trong bản dịch?

(3)

Đọc bản dịch Lý Tú Lan hồi đăng trên báo Tiền phong, so sánh đối chiếu với các truyện Phan Khôi đã dịch của Lỗ Tấn trong Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn tập I, Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn tập II, thấy hình như lần này Phan Khôi đã có đôi chút thay đổi trong lối dịch. Một mặt, ông trung thành với lối trực dịch như ông từng theo đuổi trước đó, mặt khác lại rất chú ý đến việc trau chuốt lời văn, câu chữ để câu văn được mềm mại, uyển chuyển, tươi trẻ hơn, thích hợp hơn với đối tượng người đọc của báo Tiền phong, phần lớn và lúc nào cũng là tầng lớp thanh niên.

Chọn dịch truyện ngắn Lý Tú Lan của nhà văn Trung Quốc Hồng Lâm, một truyện ngắn đậm đà tính nhân văn, tính giáo dục, giáo dục lao động, giáo dục hôn nhân trong thời điểm Thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng khỏi ách thực dân, tầng lớp nam nữ thanh niên còn nhiều bỡ ngỡ trước cuộc sống mới, chứng tỏ Phan Khôi trước sau như một, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, luôn là người nhiệt tâm với công cuộc cứu quốc và kiến quốc của dân tộc. Viết và dịch với ông là để “đem lại khoa học và dân chủ cho dân tộc ta”, đem lại điều “có ích cho tri thức hay quyền lợi của người đọc mình”, đúng như ông đã viết trong Kiểm thảo sơ bộ hay Tự kiểm thảo ở đợt chỉnh huấn năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc.

6-12-2024


[1] “Nựu ương ca”, chữ Hán viết là 扭 秧 歌. Trong đó, “nựu” (扭) là “nhún nhảy, “ương ca” (秧 歌) là “hát cấy lúa”. Đó là một làn điệu dân ca thuộc miền Tây Bắc Trung Quốc. Hát theo làn điệu ương ca có kèm theo nhảy múa thì gọi là “nựu ương ca”.

[2] Xem chú thích 3.

[3] Hai câu 九 月 九 , 死 了 小 两 口 (cửu nguyệt cửu, tử liễu tiểu lưỡng khẩu) và 十 月 一 , 死 自 己 (thập nguyệt nhất, tử tự kỷ) đều là các câu tục ngữ của miền Tây Bắc Trung Quốc. Ở đây người ta cấm con dâu về nhà mẹ đẻ, vì sợ đến ngày ấy, tháng ấy mà con dâu không trở lại nhà chồng thì nhà chồng có sự chết chóc.