Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2025

Chuyện nhà thơ Yến Lan với nhà văn Phan Khôi hồi ở 73 phố Thuốc Bắc Hà Nội

 Phan Nam Sinh

Nhớ đâu như là vào hạ tuần tháng 4 năm 1958, nhà văn Phan Khôi và vợ là bà Nguyễn Thị Huệ được Hội Văn nghệ Việt Nam điều chuyển từ nhà số 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội về ở tại nhà số 10 phố Nguyễn Thượng Hiền. Đến cuối năm đó lại được điều chuyển tiếp về ở tại nhà số 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội, cùng chỗ với gia đình nhà thơ Yến Lan.

Phòng Yến Lan chung vách với phòng Phan Khôi, chỉ khác là phòng Yến Lan dài hơn, ước chừng gấp đôi phòng Phan Khôi. Hai phòng cách nhau chỉ một tấm vách ngăn bằng ván ép, trên cùng có tấm phên đan bằng tre hay thanh gỗ mảnh, theo kiểu mắt cáo.

Trước đây, tôi có đọc bài Cụ Phan Khôi qua hồi nhớ của con gái một người bạn thơ  đăng trên vanchuongviet, ngày 8 tháng 10 năm 2008 của bà Lâm Bích Thủy, con gái đầu lòng của nhà thơ Yến Lan, viết về mối quan hệ giữa cha bà và cha tôi là Phan Khôi hồi Nhân văn - Giai phẩm nhưng nói thật lòng là tôi chẳng chú ý gì mấy. Gần đây, tình cờ lại thấy bài ấy hiện ra trên trang Facebook của bà nên tôi đã đọc lại và thấy cần viết mấy dòng này vì đọc bài của bà Thủy, thấy bài của bà có quá nhiều điều không đúng với sự thực, hoặc khiến tôi không thể không nghi ngờ!

1. Bà Lâm Bích Thủy bảo giữa phòng Yến Lan và phòng Phan Khôi có một cửa sổ nhỏ, to cỡ một bàn cờ tướng! Sao lại có chuyện kỳ quái thế nhỉ? Hai phòng của hai gia đình, chung một vách ngăn bằng ván ép thì sao lại phải có cửa sổ? Có tấm liếp đan mắt cáo phía trên cùng vách để không khí lưu thông như tôi đã nói chứ làm gì có... cửa sổ (!?). Vào các dịp hè hoặc Tết tôi thường về sống với cha mẹ tôi nhưng chưa hề một lần và cũng chưa bao giờ tôi nhìn thấy cái cửa sổ to cỡ bàn cờ tướng đó cả!

Hồi đó, tôi nhớ là nhà thơ Trần Hữu Thung ở phòng đầu ngoài cùng, sát với đường lớn. Sau này, có người viết bài nói rằng người ta bố trí như thế là để Trần Hữu Thung theo dõi những ai đã đến với Phan Khôi trong thời gian ông ở đây nhưng tôi hoàn toàn không tin. Bởi, tôi biết tác giả Thăm lúa từ hồi anh còn ở trên chiếc “chuồng cu” 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Anh vốn là người đứng đắn, tính tình hiền hòa, thi thoảng còn tâm sự chuyện kín đáo giữa vợ chồng anh với mẹ tôi và nhờ bà tâm sự lại với vợ anh, một cô giáo dạy Văn của một trường cấp 3 ở Hà Nội. Một người như thế, khó có thể nhận làm một tên chỉ điểm, dù cho đấy là nhiệm vụ của Đảng giao phó cho. Giờ nghe bà Thủy nói giữa phòng Yến Lan và phòng Phan Khôi có một cửa sổ nhỏ, to như bàn cờ tướng, và nếu đó là sự thật mà không như tôi nhớ thì tôi lại nghĩ khác. Tôi nghĩ, có khi người ta có bố trí cho ai đó theo dõi Phan Khôi thật, nhưng người đó chắc chắn không phải là nhà thơ Trần Hữu Thung!

2. Bà Thủy bảo là ban đầu mới dọn về tôi thấy ba tôi và các chú nhà thơ hay vào phòng cụ Khôi uống trà, bàn chuyện thời sự, bình luận những bài thơ vừa đăng báo. Đến cỡ này thì rõ ràng là bà Thủy... bịa đặt thật rồi! Tôi dám cam đoan là không làm gì có chuyện đó cả. Vì hồi này, Phan Khôi đã bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn và cũng không còn được sáng tác, đăng báo hay xuất bản sách nữa. Sự thực là, hồi Phan Khôi còn ở 51 Trần Hưng Đạo thì thi thoảng có vài ba nhà nghiên cứu, nhà thơ lão thành như ông Đào Duy Anh, ông Đoàn Phú Tứ tới chơi hoặc bàn thảo chuyện gì đó, chứ hồi ông đã chuyển về 10 Nguyễn Thượng Hiền rồi sau đó là 73 phố Thuốc Bắc thì tuyệt đối không! Không, vì lúc đó Phan Khôi đâu như chẳng muốn tiếp ai và cũng chẳng ai dám đến nhà thăm Phan Khôi vì sợ bị liên lụy, chứ chưa nói đến chuyện bàn thảo việc này, việc nọ. Một đôi khi, tôi còn thấy ông tiếp các sinh viên trẻ như Phan Kế Hoành, con trai cụ Phan Kế Toại (1892-1973), từng là Bộ trưởng Nội vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tới thăm hoặc hỏi han việc gì đó, tôi không rõ. Vả lại, phòng Phan Khôi ở lúc đó chỉ vừa đủ kê hai cái giường chiếc đâu nhau, một cái bàn làm việc và một chiếc ghế tựa. Mỗi khi về thăm ông bà, tôi thường phải ngủ chung với ông hoặc bà, hoặc trải chiếu nơi nền nhà thì khách ngồi ở đâu mà chứa được lắm người thế?

Hồi ấy, ở 73 phố Thuốc Bắc, tôi nhớ có ba nhà thơ là Trần Hữu Thung, Hoàng Huế và Yến Lan. Ba người này có nói chuyện với nhau không thì tôi không biết, còn trò chuyện với Phan Khôi thì tuyệt nhiên tôi không thấy lần nào. Hồi đó, thi thoảng có trao đổi với Phan Khôi vài ba câu tiếng Pháp chỉ là một ông giáo dạy Toán, hay Vật lý gì đó, sống độc thân, dạy trường Lycée Albert Sarraut, nay là trường trung học Trần Phú mỗi khi đi dạy về, ngang qua cửa sổ phòng Phan Khôi nhìn ra bể nước để lên gác. Ông này, sau đó hình như là đã tìm cách vượt vĩ tuyến 17 vào Nam nhưng không thoát, bị bắt, về sau mất dạng, chẳng còn thấy tăm hơi đâu nữa.

3. Bà Thủy nói bà đã có lần nghe Phan Khôi ngâm bằng giọng Quảng Nam bài thơ Làm sao cũng chẳng làm sao, Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi... Vậy là bà may mắn hơn tôi là con trai Phan Khôi nhiều lắm đấy. Bởi vì tôi là con trai của ông nhưng chưa lần nào được cha tôi ngâm cho nghe bài đó cả. Mãi đến khi người ta dùng bài ấy để bêu riếu Phan Khôi hồi đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm, tôi mới biết tới nó đó bà ạ!

4. Bà Lâm Bích Thủy miêu tả đám tang Phan Khôi bằng mấy câu như sau: Tôi không được chứng kiến những gì xảy ra trong đám tang sáng hôm ấy vì tôi đang học ở Hải Phòng. Nhưng điều tôi nghe được thật thảm: Chở linh cữu cụ là một chiếc xe thổ mộ có 2 con ngưa kéo bị che 2 bên mắt, khoảng 6 hoặc 7 người kể cả người đánh xe ngựa và ba tôi - nhà thơ Yến Lan.

Đám tang Phan Khôi đúng như bà miêu tả là thật thảm. Nhưng bảo chỉ có khoảng 6 hoặc 7 người kể cả người đánh xe ngựa và ba tôi - nhà thơ Yến Lan thì... sai! Theo trí nhớ của tôi, đám tang Phan Khôi chí ít cũng có trên dưới 20 người, nghĩa là gấp hơn ba lần bà nói. Theo trí nhớ của tôi thì ngoài con cháu Phan Khôi, còn có nhà thơ Hằng Phương, cháu gọi Phan Khôi bằng cậu ruột và nhà văn Nguyễn Văn Bổng, người cùng tỉnh Quảng Nam với cha tôi.

5. Đọc tới đoạn bà Thủy viết Có một lần cụ Phan Khôi tâm sự với ba tôi: Tôi khổ tâm lắm chú Yến Lan, không ai chịu hiểu tôi cả mới càng lạ! Lạ vì tôi biết, xưa nay Phan Khôi là người rất rạch ròi, phân minh trong cách xưng hô. Rạch ròi, phân minh tới cái mức đâu như có lần nghe cụ Hồ Chí Minh nói chuyện tại một hội nghị thì Phan Khôi đang ngồi ở dưới bỗng cắt ngang bằng câu Ở đây không phải ai cũng là cháu đâu. Thế là cụ Hồ phải đổi giọng liền Thưa các cụ các ông. Đối với một vị Chủ tịch nước mà còn dám như thế thì sao lại gọi Yến Lan là chú Yến Lan? Trong cuộc sống đời thường, tôi chưa từng một lần nghe cha tôi gọi ai, tầm tuổi con mình, dù đã có hai, ba con theo kiểu như thế cả! Phan Khôi nào mà lại hạ mình tới cái mức phải đi than phiền nỗi khổ tâm của mình với một người chỉ tầm tuổi con mình, để mong được họ thông cảm? Tóm lại, là con trai Phan Khôi, từng sống với ông nhiều năm nhưng qua đây, tôi chẳng thấy đâu là tính cách khẳng khái của Phan Khôi, người gần như duy nhất không viết kiểm thảo như bao người khác trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm mà tôi đã thấy và nể phục cả!

6. Lại còn chuyện người anh rể họ của bà, quê Bình Định hay nhắc đến Phan Khôi vì anh rất cảm phục hình ảnh ba tôi (tức nhà thơ Yến Lan) người bạn thơ độc nhất đi sau linh cữu cụ Phan Khôi đến nơi an nghỉ cuối cùng thì sao?

Vậy là lý do người anh rể họ bà Thủy thường hay nhắc đến Phan Khôi là vì cảm phục Yến Lan, người bạn thơ độc nhất đi sau linh cữu cụ Phan Khôi đến nơi an nghỉ cuối cùng chứ đâu phải là vì cảm phục tài năng, đức độ, văn chương của Phan Khôi? Nhưng cái điều để ông này cảm phục cha bà là nhà thơ Yến Lan, xin thưa thực với bà Thủy là tôi... ngờ lắm! Theo trí nhớ của tôi thì trong đám tang Phan Khôi, ngoài con cháu ông ra, chỉ có duy nhất một nhà thơ là bà Hằng Phương, vợ Vũ Ngọc Phan, cháu gọi Phan Khôi bằng cậu và một nhà văn nữa là Nguyễn Văn Bổng, người cùng tỉnh Quảng Nam với Phan Khôi, không biết là do tổ chức nào phân công, cắt cử hay tự nguyện?

Viết về quá khứ theo kiểu truy ký, nhất là với những chuyện xảy ra từ năm, sáu mươi năm về trước thì ai cũng có thể quên hoặc nhớ không chính xác. Với những điều ấy thì cách tốt nhất là không nên viết ra. Bởi, viết những điều mình nhớ không chắc đã chính xác, chẳng những có hại cho người được mình nhắc tới mà còn có hại cho chính tác giả và cả người đọc mình nữa, dẫu cho là người viết muốn đề cao hay là tỏ thiện chí với người đang được mình nhắc đến!

15-2-2025