Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2025

Chủ đề cái ác trong “Cặp song sinh kỳ ảo”

 Hiếu Tân

Nhân đọc bài bình luận của triết gia Slavoj Žižek đăng trên THE GUARDIAN tháng Tám 2013[1], (xem tài liệu kèm theo, Hiếu Tân dịch).

*

Bộ ba tiểu thuyết Cặp song sinh kỳ ảo[2] có nhiều chủ đề, gồm ba phần: Quyển vở lớn, Chứng cứLời nói dối thứ ba; nhưng theo tiêu đề bài báo, Žižek chỉ bàn đến vấn đề cái ác ở hai đứa trẻ song sinh, mà ông đọc trong Quyển vở lớn, và ông kết tội nặng nề là “hoàn toàn vô đạo đức.” Kinh quá.

Trong bài này tôi bàn lại với ông xung quanh vấn đề này, chỉ dựa trên những trường hợp mà ông dẫn trong bài (theo thứ tự của tôi).

1. Người lính đào ngũ

2. Tập làm ăn mày

3. Viên sĩ quan nước ngoài

4. Chuyện cô hầu gái

5. Tống tiền

6. Trợ tử bà ngoại

*

1. Chuyện người lính đào ngũ

Khi chúng tôi trở lại, với thức ăn và chiếc chăn, anh ta nói:

- Các cậu tốt quá.

Chúng tôi trả lời:

- Chúng tôi không cố gắng để tốt. Chúng tôi mang cho anh những thứ này vì anh tuyệt đối cần chúng. Thế thôi.

(CSSKA, tr 39)

Mang đồ ăn và chăn ấm cho người lính sắp chết đói chết rét thì rõ ràng là việc tốt, nhưng khi được khen, hai đứa (từ đây tôi gọi tắt hai đứa trẻ song sinh là “hai đứa”) không nhận là tốt (không phải khiêm tốn) mà chúng “không cố gắng để tốt”, mà chỉ “vì anh tuyệt đối cần chúng. Thế thôi.

Làm việc gì, chỉ vì việc đó là “tuyệt đối cần thiết”đó là nguyên tắc hành động của chúng, xuyên suốt tất cả các hành động của chúng trong sách. Không cảm xúc (thật ra là không để lộ cảm xúc, hay chỉ thể hiện qua hành động) chỉ dựa trên lí trí, như thế có phải vô đạo đức không, cho dù bản thân hành động là tốt (hay ít nhất chúng cho là tốt)? Như hành động kể trên, tôi tin rằng chính Žižek cũng phải thừa nhận là tốt, nhưng ông cho rằng nó không đạo đức, vì thiếu một sự thấu cảm. Thử so với những người đầy thương cảm, đầy trắc ẩn nhưng không hành động gì (chẳng hạn, vì không dám), ai đạo đức hơn?

Nhưng đấy chỉ là chuyện chăn và bánh. Cũng trong câu chuyện này, có một đoạn đối thoại, nghe không mủi lòng mấy, nhưng chắc chắn mở rộng tầm suy tư của bạn đọc hơn. Người lính, phải chịu đói rét như thế vì phải chốn chui lủi, nếu bị bắt, chắc chán anh bị hành hình.

- Tôi rời trung đoàn không có giấy phép. Tôi chạy trốn. Tôi là một người đào ngũ. Nếu họ tìm thấy tôi, họ sẽ bắn hoặc treo cổ tôi.

Chúng tôi hỏi:

- Như một kẻ giết người?

- Đúng rồi. Như một kẻ giết người.

- Thế nhưng anh không muốn giết bất kì ai. Anh chỉ muốn về nhà. - Đúng, tôi chỉ muốn về nhà.

(CSSKA, tr 39)

Một nghịch lý của chiến tranh! Anh “muốn về nhà” - là một cái tội. “Không có kẻ thù” - là một cái tội. Không muốn giết người - là một cái tội. Phải bắn, hoặc treo cổ! Công lý của loài người mà sao con người thấy đau lòng quá.

Hai đứa chỉ hỏi, không nói gì. Suy ngẫm là phần của người đọc. Bắt chúng ta phải suy ngẫm, là hai đứa bé mới hơn 11 tuổi. Có vấn đề đạo đức nào ở đây? Không phải đạo đức, mà “đạo lý của những vai trò”. Tôi nghĩ, bên ngoài chiến trường, người nào quyết liệt lên án anh lính này là người có thể coi chiến tranh là lý tưởng cao đẹp. Tiếc thay tôi không được biết quan điểm của triết gia Žižek về vấn đề này.

2. Tập làm ăn mày

Chúng tôi trả lời:

- Chúng tôi không muốn làm việc cho bà, thưa bà. Chúng tôi không muốn ăn xúp của bà hoặc bánh mì của bà. Chúng tôi không đói.

Bà ta hỏi:

- Thế tại sao chúng mày ăn xin?

- Để tìm xem nó có tác động gì và quan sát phản ứng của mọi người.

Bà ta bước đi và chửi:

- Mấy thằng du côn ranh con bẩn thỉu! Lại còn láo nữa chứ!

Trên đường về nhà, chúng tôi ném táo, sôcôla, bích quy và những đồng xu vào đám cỏ cao bên đường. Nhưng không thể nào vứt đi những cái vuốt ve khỏi tóc chúng tôi. (CSSKA, tr 33)

Để hiểu câu trả lời của chúng, phải đọc đoạn trước đó, để biết thái độ của những người “bố thí” trong cuộc thực tập giả làm ăn mày của chúng:

Một bà đi qua. Chúng tôi giơ tay. Bà ta nói:

- Tội nghiệp mấy thằng bé. Tôi chẳng có gì cho các cậu cả. Bà vuốt tóc chúng tôi.

Chúng tôi nói:

- Cám ơn bà.

Một bà khác cho chúng tôi hai quả táo. Bà khác nữa cho mấy cái bích quy.

Một người đàn bà đi qua. Chúng tôi giơ tay. Bà ta đứng lại nói:

- Chúng mày ăn xin không biết xấu hổ à? Đi theo tao. Tao sẽ kiếm cho mấy việc nhỏ rất dễ. Chẳng hạn chẻ củi, rửa sàn nhà. Chúng mày đủ lớn và đủ khỏe để làm việc đó. Sau đó, nếu chúng mày làm việc tốt, tao sẽ cho chúng mày bánh mì và ít xúp.

(CSSKA, tr 33)

Không hiểu tác giả (bài bình luận) phẫn nộ về thái độ gì của hai đứa ở đây? Tại tác giả không hiểu động cơ đi ăn xin của chúng, hay không hiểu tại sao chúng vứt đồ xin được, đặc biệt muốn vứt những cái xoa đầu ra khỏi tóc chúng, nhưng không thể được? Riêng tôi, tôi rất thích bài tập trải nghiệm làm ăn mày của chúng, nó cho thấy quan niệm của chúng về ăn mày, về bố thí, nói chung, về từ thiện và trắc ẩn, le lói ý thức về phẩm giá, về lòng tự trong của những đứa trẻ mới trên mười tuổi. Còn muốn biết chúng thật sự làm từ thiện như thế nào, thì hãy xem chúng giúp con bé Sứt Môi hàng xóm (đoạn trích dưới đây từ CSSKA, tr 113)

3. Viên sĩ quan nước ngoài

Chúng tôi ngủ lại. Sau đó, gần sáng, chúng tôi muốn dậy, nhưng ông sĩ quan giữ chúng tôi lại.

- Đừng động đậy. Ngủ đi. - Chúng tôi muốn đi tiểu. Chúng tôi phải đi. - Đừng đi. Tè ở đây.

Chúng tôi hỏi: - Ở đâu?

Ông ta bảo:

- Lên người tôi. Đừng sợ. Tè đi. Lên mặt tôi.

Chúng tôi đái, rồi chúng tôi về phòng bếp, vì giường ướt hết cả.

(CSSKA, tr 78)

Mối quan hệ kì lạ giữa ‘hai đứa’ với tên sĩ quan Đức (Nazi) có rất nhiều điều đáng nói, ở đây tác giả bài bình luận chỉ chú ý đến một cảnh bệnh hoạn của tên sĩ quan kia: yêu cầu hai đứa đái lên người hắn (để tìm khoái cảm). Lỗi của chúng ở đâu? Có lẽ tác giả bài bình luận có ý muốn - để giữ tinh nghiêm trang về mặt đạo đức - chúng phải từ chối? Chúng được tên sĩ quan yêu mến, thậm phí khâm phục, và chúng đã thỏa mãn mọi yêu cầu của tên này, miễn là không hại gì cho chúng, kể cả việc quất roi đến đổ máu, ướt đẫm cả quần áo đến khăn trải giường của hắn. Có lẽ ngấm ngầm một ý tinh quái và hơi ác “mày thích thế thì tao cho thế”.

Chúng tôi đái, rồi chúng tôi về phòng bếp, vì giường ướt hết cả.

Người đọc có thể có mọi loại cảm tưởng và phản ứng, nhưng hai đứa - như lúc nào cũng thế: chỉ kể lại sự việc, không ai biết chúng nghĩ gì hay có cảm giác gì.

4. Chuyện cô hầu gái

“Người bạn thân nhất của cặp song sinh là cô hầu gái của một linh mục, một cô gái gợi cảm, cô tắm “rửa cho chúng, chơi những trò chơi khêu gợi với chúng. Rồi điều gì xảy ra khi một đoàn người Do “Thái đói khát được dẫn qua thị trấn trên đường đến trại tập trung” [Žižek – Bài đã dẫn]:

Ngay trước mắt chúng tôi, một cánh tay gầy guộc giơ lên khỏi đám đông, một bàn tay bẩn chìa ra, một giọng cầu xin:

- Bánh.

Cô hầu gái mỉm cười và giả vờ giơ miếng bánh cô ăn còn lại, cô giữ nó thật chặt trong bàn tay đưa ra, rồi cười lớn, đưa miếng bánh trở lại miệng, cắn một miếng, và nói:

- Tôi cũng đói.

(CSSKA, tr 90)

Việc hai đứa “trừng phạt” cô gái vô tâm đến tàn nhẫn, cười cợt trên sự đau khổ tột cùng của người khác, bằng cách “bỏ một ít đạn vào bếp lò của cô để khi buổi sáng cô đốt lò, nó sẽ phát nổ và làm mặt cô biến dạng...” [Žižek – B.đ.d]. Trong tác phẩm, tình tiết này không được mô tả trực tiếp, mà người đọc đoán ra qua cuộc thẩm vấn của cảnh sát (tr 97-99) qua lời ông linh mục (trừng phạt là việc của Chúa... Cha đã nhìn thấy tất cả qua cửa sổ (tr 114)). Cha gợi ý xưng tội, nhưng chúng vẫn chỉ một mực “Chúng con không có tội gì để xưng”, “Chúng con không có gì để hối tiếc.” Chúng tự thấy không có tội theo quan điểm của chúng, chứ không phải theo ý ông linh mục là “tội trước Chúa”, hay tội trước pháp luật như tra khảo của viên cảnh sát. Nhưng rõ ràng, theo hai cách nhìn trên thì chúng quả thật có tội, làm tàn phế cô hầu gái của ông linh mục, là người có mối quan hệ rất thân thiết với chúng. Với chúng, tình cảm và lí trí không bao giờ nhập nhằng. Tuy nhiên, tội lỗi là tội lỗi, được miêu tả trong tác phẩm thì nó phải chịu cả sự phán xét của bạn đọc nữa, nhưng không có gì gọi là đánh thức bản năng tội lỗi ở người khác. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về hậu quả những hành vi của mình, chẳng phải thế sao?

5. Tống tiền

Câu chuyện hai đứa tống tiền ông linh mục là một trong những trường đoạn thú vị nhất trong tiểu thuyết này, cho ta rất nhiều ý nghĩa về vỏ ngoài và thực chất, về việc làm từ thiện, về chuyển hóa nội tâm, về ăn năn thành khẩn của con người tu hành hướng thiện.

“Hai anh em sinh đôi còn tống tiền ông linh mục: chúng dọa sẽ cho mọi người biết ông ta đã quấy “rối tình dục Sứt Môi - một cô gái cần được giúp đỡ để sống sót - và đòi ông ta một khoản tiền hàng “tuần. Vị linh mục choáng váng hỏi chúng:

- Thật hết sức vô lí. Các cậu có biết việc các cậu đang làm là gì không?

- Dạ có. Là tống tiền, thưa ngài.

- Ở tuổi các cậu... thật là tồi tệ.

- Dạ vâng, thật tồi tệ là chúng con đã buộc phải làm việc này. Nhưng Sứt môi và mẹ cô ấy đang rất cần tiền

(CSSKA, tr 60)

Chính tác giả bình luận đã nói: “Trong vụ tống tiền này không có động cơ cá nhân: sau này, thậm “chí chúng còn trở thành bạn thân của ông linh mục. Khi Sứt Môi và mẹ cô có thể tự mình sống sót, “chúng từ chối nhận thêm tiền từ linh mục”

Ông đưa tiền cho chúng tôi. Chúng tôi nói:

- Cha cứ giữ lấy. Cha đã cho đủ rồi. Chúng con đã nhận tiền của cha khi thật sự cần thiết. Bây giờ chúng con kiếm được khá nhiều tiền để lâu lâu cho Sứt Môi một ít.

(CSSKA, tr 113)

[Žižek – B.đ.d]

Hành vi đe dọa trấn áp tinh thần[3] để đòi tiền thì đúng là tống tiền. Nhưng lấy tiền không phải cho mình mà để cứu giúp người hàng xóm “tuyệt đối cần”: một bà mẹ tàn tật nằm ngoài vườn, một đứa con gái nhếch nhác chỉ biết ăn mày và ăn trộm, lúc này sắp chết đói. Cho nên chỉ nhìn vào hành động và lời nói mà gọi là tống tiền thì cũng không ổn: có ai tống tiền để làm từ thiện? Ở đây như có mùi Machiavelle, lấy mục đích biện minh cho phương tiện? Chúng chẳng biện minh gì cả, chúng tự nhận là tống tiền, nhận rằng nó là việc tồi tệ buộc phải làm (vì người khác). Và không chỉ có thế

Chúng con cũng đã dạy cô ấy làm việc. Chúng con đã giúp cô ấy đào vườn và trồng khoai tây, đậu, bí và cà chua. Chúng con cho cô ấy gà con và thỏ để nuôi. Cô ấy trông nom vườn và đàn gia súc của cô ấy. Cô ấy không đi ăn xin nữa. Cô ấy không cần tiền của cha nữa.

(CSSKA, tr 113)

Cả một kế hoạch tỉ mỉ để cứu giúp hai con người thoát cảnh khốn cùng, mà hay nhất là đề “Cô ấy không đi ăn xin nữa.

Nhưng đấy mới chỉ là một phía. Từ vụ tống tiền xuất hiện ông cha cố. Chúng ta phải theo dõi ông đến tận lúc ông ra đi (tr 225) để hiểu rõ ông. Từ vụ ông nuốt phải quả đắng (tống tiền, chuyện xấu bị người khác biết) chắc có nhiều bạn đọc sơ sài đinh ninh ‘ông là người xấu’. Với một vẻ cứng cỏi bên ngoài, dứt khoát phủ nhận lời cáo buộc, cho là Sứt Môi bịa đặt, ông đưa tiền và nói thêm:

- ‘Nhưng đừng có bao giờ tưởng tượng ta làm việc này là nhượng bộ cái trò tống tiền của các cậu. Ta làm là làm từ thiện.’

Hai đứa trả lời:

- ‘Đó chính xác là điều chúng con mong đợi ở cha, thưa Cha.’

(CSSKA, tr 61)

Thấy hai đứa ghê chưa: “chúng con mong đợi”, chứ không phải “chúng con tin” nhé!

Và chúng đã không thất vọng với lòng mong đợi ấy. Chắc chắn lúc ấy, trong thâm tâm cha có hổ thẹn, nỗi xấu hổ mà sau này cha bộc bạch:

Cha thấy hổ thẹn” nhưng hổ thẹn vì “đã không làm điều ấy [giúp tiền] sớm hơn”, tất nhiên.

Chính nỗi xấu hổ ấy đã cứu vớt linh hồn cha, cho thấy thói xấu kia chỉ là cái xấu xa tầm thường và thông thường ở con người, nó không là bản chất. Và con đường phục thiện đã mở ra, đưa cha từ chỗ lương thiện hướng lên thánh thiện. Giả sử không xảy ra việc tống tiền này? Thì cha vẫn tiếp tục cuộc sống hai mặt, vẫn mãi là con người trần tục tầm thường, với cái thú vui thảm hại mà một người bình thường đường hoàng không ai muốn. Cuộc tống tiền ghi dấu mốc cho một sự thay đổi với điều kiện cha có thực tâm hổ thẹn. Việc hai đứa ngày càng trở nên thân thiết với cha chứng tỏ sự thay đổi đó, thậm chí Lucas (một trong hai đứa) sau này với cha có tình cảm gần như cha con: anh chăm sóc cha như cha mình, và về phương diện tinh thần, anh – vốn trước sau không tin Chúa – đã tìm đến cha khi tâm lí bị khủng hoảng (tr 224). Cha đọc một câu kinh thấy anh rung cảm mãnh liệt, biết rằng anh đã nhớ ra đó là một câu trong Kinh Thánh anh đã thuộc từ còn bé. Một niềm thấu cảm thiêng liêng kết nối hai con người vượt qua những niềm tin tôn giáo riêng.

...

6. Trợ tử bà ngoại

Bà ngoại, đúng như hai đứa nói “chẳng có ai quái ác như bà, bà ngoại ạ” (tr 55). Bà ngoại là một cái kho chứa mọi tính xấu và tính ác dân dã, dân làng không một ai ưa bà, họ gọi bà là “Mụ phù thủy” cũng khó có người đọc nào có thể ưa bà già khôn ngoan quỷ quyệt này. Tất cả đều sợ, ghét và không thể chịu nổi bà, trừ hai đứa bé song sinh, vốn bị bà đối xử như lời bà gọi chúng: “đồ chó đẻ”.

Žižek viết:

“Sự giúp đỡ lạnh lùng của chúng với người khác còn mở rộng đến mức giúp cho họ chết nếu họ yêu “cầu: khi bà của chúng yêu cầu chúng bỏ thuốc độc vào cốc sữa của bà, chúng nói:

Đừng khóc nữa, bà ngoi. Chúng cháu sẽ làm; nếu bà thật sự muốn chúng cháu làm, chúng cháu sẽ làm.” (CSSKA, tr 140)

[Žižek – B.đ.d]

Bà ngoại đã đột quỵ một lần và được hai đứa cứu sống một cách kỳ diệu (tr 156-7), và đây là bà tự quyết cho lần thứ hai sẽ đến.

Cả ba chúng tôi im lặng một lúc, rồi Bà ngoại nói:

- Chưa hết đâu. Lần sau, nếu tao bị đột quỵ, tao không cần chúng mày tắm, không cần quần cao su của chúng mày và tã lót của chúng mày.

Bà đứng lên đi loạng choạng đến bên kệ với những chai lọ của bà. Bà trở lại với chiếc bình nhỏ thót cổ màu xanh:

- Thay vì những thứ thuốc ghê tởm của chúng mày, chúng mày hãy trút cả chiếc lọ này vào cốc sữa đầu tiên cho tao.

Chúng tôi lặng thinh. Bà quát:

- Chúng mày có hiểu không, đồ chó đẻ?

Chúng tôi lặng thinh. Bà nói:

- Có lẽ chúng mày sợ khám nghiệm tử thi, cái đồ chết nhát này? Sẽ không có mổ tử thi đâu. Không có ai làm nhặng lên vì một bà già đột quỵ đến lần thứ hai.

Chúng tôi nói:

- Chúng cháu không sợ mổ tử thi đâu, Bà ngoại ạ. Chúng cháu chỉ nghĩ bà có thể hồi phục lần thứ hai.

- Không. Tao sẽ không hồi phục. Tao biết điều đó. Bởi vậy chúng ta phải kết thúc nó càng sớm càng tốt.

Chúng tôi không nói gì. Bà bắt đầu khóc.

- Chúng mày không biết liệt là thế nào đâu. Nhìn thấy mọi thứ, nghe thấy mọi thứ, và không cử động được. Nếu cái việc cỏn con ấy mà chúng mày cũng không làm được cho tao, thì chúng mày là loài vô ơn bạc nghĩa, là loài rắn độc mà tao đã nuôi bằng sữa của mình.

Chúng tôi nói:

- Đừng khóc nữa, bà ngoại. Chúng cháu sẽ làm, nếu bà thật sự muốn chúng cháu làm, chúng cháu sẽ làm.

(CSSKA tr 139-140)

“..Nếu bà thật sự muốn” đó là điều kiện của chúng, như luôn luôn thế. Mà ý muốn của bà, là ý chí quyết liệt của một đầu óc sáng suốt, như đoạn trích trên cho thấy. Ngày nay, việc giúp cho người không còn hi vọng sống ra đi nhẹ nhàng đã được một bộ phận nhân loại thừa nhận là giải pháp nhân đạo, vấn đề lưỡng nan này được giải quyết ở tầm nhân loại, nhưng không biết ý kiến của ngài triết gia Žižek thế nào? Dẫu sao, qua “cuộc thương lượng” trên mà kết luận là hai thằng bé “lạnh lùng” thì không phải là cái nhìn thấu tỏ. Hai đứa luôn cân nhắc mọi việc bằng chính lý trí của chúng, và không bao giờ để lộ tình cảm ra ngoài.

***

Như vậy, tôi đã không nhất trí với hầu hết các luận điểm của Žižek. Mỗi người có quan điểm, có cách nhìn riêng của mình, và tất cả các bạn đọc cuốn tiểu thuyết này có ý kiến riêng của họ, về mọi vấn đề. Tiểu thuyết không phải là nơi mang các bài học đạo đức, các nhân vật cũng không phải được trau chuốt thành những tấm gương không tì vết để noi theo; với tiểu thuyết điều quan trọng không phải chỉ là ‘phản ánh hiện thực’ - những sự thật - mà là: nó có nói với chúng ta điều gì về sự thật không? Khi một sự vật hiện tượng rơi vào tầm nhìn của tôi, tôi cố gắng không để những định kiến, những tiền giả định có sẵn trong tôi chi phối cái nhìn. Hai đứa trẻ song sinh không phải không có tội lỗi, thậm chí chúng đã thực tập “làm điều ác”, nhưng bài đã dài, đề tài này phải chờ một bài khác.

_________________________

Dưới đây là bài báo của Žižek (HT dịch):

Quyển vở lớn của Ágota Kristóf đánh thức trong tôi một tình cảm lạnh lùng và độc ác

Slavoj Žižek

Hiếu Tân dịch

Phiên bản sân khấu của Quyển vở lớn được trình diễn tại Nhà hát Lyceum năm 2001. Ảnh: Murdo MacLeod cho tờ Guardian

Hai đứa trẻ song sinh hoàn toàn vô đạo đức – chúng nói dối, tống tiền, giết người – nhưng chúng đại diện cho sự ngây thơ đích thực về mặt đạo đức dưới dạng thuần túy nhất.

The Guardian, 12 tháng Tám 2013.

Có một cuốn sách mà qua đó tôi đã khám phá ra mình thực sự muốn là loại người nào: Quyển vở lớn, tập đầu tiên trong tiểu thuyết bộ ba của Ágota Kristóf, tiếp theo là Chứng cứLời nói dối thứ ba. Khi lần đầu tiên tôi nghe người ta nói về Ágota Kristóf, tôi nghĩ đó là cách phát âm sai kiểu Đông Âu của Agatha Christie; nhưng tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng Ágota không chỉ không phải là Agatha, mà cái khủng khiếp của Ágota còn ghê gớm hơn Agatha rất nhiều.

Quyển vở lớn kể câu chuyện về hai cậu bé song sinh sống với bà ngoại tại một thị trấn nhỏ của Hungary trong những năm cuối của chiến tranh thế giới thứ hai và những năm đầu dưới chế độ cộng sản. Cặp song sinh hoàn toàn vô đạo đức – chúng nói dối, tống tiền, giết người - nhưng chúng đại diện cho sự ngây thơ đích thực về mặt đạo đức dưới dạng thuần túy nhất. Một vài ví dụ là đủ. Một ngày nọ, chúng gặp một người đào ngũ đói khát trong rừng và mang cho anh ta một số thứ mà anh ta yêu cầu.

Khi chúng tôi trở lại, với thức ăn và chiếc chăn, anh ta nói:

- Các cậu tốt quá.

Chúng tôi trả lời:

- Chúng tôi không cố gắng để tốt. Chúng tôi mang cho anh những thứ này vì anh tuyệt đối cần chúng. Thế thôi.

(CSSKA, tr 39)

Nếu từng có thái độ đạo đức Cơ đốc giáo thì đó là: cho dù những yêu cầu của hàng xóm có quái đản đến đâu, cặp song sinh vẫn cố gắng đáp ứng chúng một cách ngây thơ. Một đêm nọ, chúng thấy mình ngủ chung giường với một sĩ quan Đức, một kẻ khổ dâm đồng tính bị dày vò. Sáng sớm, chúng thức dậy và muốn rời khỏi giường, nhưng viên sĩ quan giữ chúng lại:

Chúng tôi ngủ lại. Sau đó, gần sáng, chúng tôi muốn dậy, nhưng ông sĩ quan giữ chúng tôi lại.

- Đừng động đậy. Ngủ đi. - Chúng tôi muốn đi tiểu. Chúng tôi phải đi. - Đừng đi. Tè ở đây.

Chúng tôi hỏi: - Ở đâu?

Ông ta bảo:

- Lên người tôi. Đừng sợ. Tè đi. Lên mặt tôi.

Chúng tôi đái, rồi chúng tôi về phòng bếp, vì giường ướt hết cả.

(CSSKA, tr 78)

Một tác phẩm thực sự về tình yêu, nếu quả có một tình yêu như thế! Người bạn thân nhất của cặp song sinh là cô hầu gái của một linh mục, một cô gái gợi cảm, cô tắm rửa cho chúng, chơi những trò chơi khêu gợi với chúng. Rồi điều gì xảy ra khi một đoàn người Do Thái đói khát được dẫn qua thị trấn trên đường đến trại tập trung:

Ngay trước mắt chúng tôi, một cánh tay gầy guộc giơ lên khỏi đám đông, một bàn tay bẩn chìa ra, một giọng cầu xin:

- Bánh.

Cô hầu gái mỉm cười và giả vờ giơ miếng bánh cô ăn còn lại, cô giữ nó thật chặt trong bàn tay đưa ra, rồi cười lớn, đưa miếng bánh trở lại miệng, cắn một miếng, và nói:

- Tôi cũng đói.

(CSSKA, tr 90)

Hai đứa quyết định trừng phạt cô: chúng bỏ một ít đạn vào bếp lò của cô để khi buổi sáng cô đốt lò, nó sẽ phát nổ và làm mặt cô biến dạng. Theo những dòng này, tôi dễ dàng tưởng tượng ra một tình huống mà tôi sẵn sàng giết một người mà không chút băn khoăn về mặt đạo đức, ngay cả khi tôi biết rằng người này không trực tiếp giết ai. Đọc các tường thuật về tra tấn trong các chế độ quân sự ở Mỹ Latinh, tôi đặc biệt thấy ghê tởm hình ảnh một bác sĩ (thường xuyên) giúp đỡ những kẻ tra tấn thực sự tiến hành công việc của họ theo cách hiệu quả nhất: ông ta khám cho nạn nhân và theo dõi quá trình, cho những kẻ tra tấn biết nạn nhân có thể chịu đựng được đến đâu, hình thức tra tấn nào sẽ gây ra nỗi đau không thể chịu nổi nhất, v.v. Tôi phải thú nhận rằng nếu tôi đụng phải một người như vậy, biết rằng có rất ít cơ hội đưa hắn ra trước công lý, nhưng lại có cơ hội giết hắn một cách kín đáo, thì tôi đơn giản sẽ làm, với một hối hận tối thiểu về việc tự mình giành lấy công lý.

Điều quan trọng trong những trường hợp như vậy là tránh sự mê hoặc của cái ác thúc đẩy chúng ta nâng những kẻ tra tấn lên hàng những kẻ tội phạm ma quỷ, những kẻ có sức mạnh để vượt qua những cân nhắc đạo đức nhỏ mọn của chúng ta và hành động một cách tự do. Những kẻ tra tấn không vượt ra ngoài thiện ác, họ ở dưới nó. Họ không vi phạm các quy tắc đạo đức chung của chúng ta một cách anh hùng, họ chỉ đơn giản là thiếu chúng.

Hai anh em sinh đôi còn tống tiền ông linh mục: chúng dọa sẽ cho mọi người biết ông ta đã quấy rối tình dục Sứt Môi - một cô gái cần được giúp đỡ để sống sót - và đòi ông ta một khoản tiền hàng tuần. Vị linh mục choáng váng hỏi chúng:

- Thật hết sức vô lí. Các cậu có biết việc các cậu đang làm là gì không?

- Dạ có. Là tống tiền, thưa ngài.

- Ở tuổi các cậu... thật là tồi tệ.

- Dạ vâng, thật tồi tệ là chúng con đã buộc phải làm việc này. Nhưng Sứt môi và mẹ cô ấy đang rất cần tiền

(CSSKA, tr 60)

Trong vụ tống tiền này không có động cơ cá nhân: sau này, thậm chí chúng còn trở thành bạn thân của ông linh mục. Khi Sứt Môi và mẹ cô có thể tự mình sống sót, chúng từ chối nhận thêm tiền từ linh mục:

Ông đưa tiền cho chúng tôi. Chúng tôi nói:

- Cha cứ giữ lấy. Cha đã cho đủ rồi. Chúng con đã nhận tiền của cha khi thật sự cần thiết. Bây giờ chúng con kiếm được khá nhiều tiền để lâu lâu cho Sứt Môi một ít. Chúng con cũng đã dạy cô ấy làm việc. Chúng con đã giúp cô ấy đào vườn và trồng khoai tây, đậu, bí và cà chua. Chúng con cho cô ấy gà con và thỏ để nuôi. Cô ấy trông nom vườn và đàn gia súc của cô ấy. Cô ấy không đi ăn xin nữa. Cô ấy không cần tiền của cha nữa.

(CSSKA, tr 113)

Sự giúp đỡ lạnh lùng của chúng với người khác còn mở rộng đến mức giúp cho họ chết nếu họ yêu cầu: khi bà của chúng yêu cầu chúng bỏ thuốc độc vào cốc sữa của bà, chúng nói:

Đừng khóc nữa, bà ngoi. Chúng cháu sẽ làm; nếu bà thật sự muốn chúng cháu làm, chúng cháu sẽ làm.” (CSSKA, tr 140)

Dù ngây thơ nhưng thái độ chủ quan như vậy không hề ngăn cản được một khoảng cách suy tư lạnh lùng đến quái dị. Một ngày nọ, cặp song sinh mặc quần áo rách và đi ăn xin.

Chúng tôi trả lời:

- Chúng tôi không muốn làm việc cho bà, thưa bà. Chúng tôi không muốn ăn xúp của bà hoặc bánh mì của bà. Chúng tôi không đói.

Bà ta hỏi:

- Thế tại sao chúng mày ăn xin?

- Để tìm xem nó có tác động gì và quan sát phản ứng của mọi người.

Bà ta bước đi và chửi:

- Mấy thằng du côn ranh con bẩn thỉu! Lại còn láo nữa chứ!

Trên đường về nhà, chúng tôi ném táo, sôcôla, bích quy và những đồng xu vào đám cỏ cao bên đường. Nhưng không thể nào vứt đi những cái vuốt ve khỏi tóc chúng tôi.

(CSSKA, tr 33)

Đây là nơi tôi đang đứng, tôi muốn trở thành như thế nào: một quái thai về đạo đức không có sự thấu cảm, làm những gì phải làm trong một sự trùng hợp kỳ lạ giữa tính tự phát mù quáng và khoảng cách suy tư, giúp đỡ người khác trong khi tránh sự gần gũi kinh tởm của họ. Có nhiều hơn những người như thế này, thế giới chắc sẽ là một nơi dễ chịu, trong đó tính đa cảm bị thay thế bằng một cảm thức lạnh lùng và tàn nhẫn.


[1] Slavoj Žižek, Ágota Kristóf's The Notebook awoke in me a cold and cruel passion, https://www.theguardian.com/commentisfree/2013/aug/12/agota-kristof-the-notebook-slavoj-zizek

[2] Đã được Hiếu Tân dịch sang tiếng Việt,  Book Hunter và NXB Văn học ấn hành, 2024.

[3] Hành vi này chúng không chỉ làm một lần, mà còn lặp lại với ông già đưa thư, người che giấu việc bà ngoại chúng ăn chặn tiền mẹ chúng nó gửi về cho chúng, và với chính bà ngoại phù thủy, khi bà ta lập mưu cướp những món đồ nữ trang của cô em họ chúng, tất cả là để ngăn ngừa điều xấu.