Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2025

Charles Bukowski – Truyện ngắn “Ba người đàn bà”

 Giới thiệu Charles Bukowski (1920-1994)

T.Vấn

Henry Charles Bukowski (1920-1994) là một nhà thơ, nhà văn người Mỹ gốc Đức. Là con trai duy nhất của một quân nhân Mỹ và một phụ nữ Đức. Năm ông được 3 tuổi, cha mẹ Bukowski qua Mỹ và sinh sống ở Los Angeles. Ông trưởng thành ở đây và theo học Los Angeles City College từ 1939 đến 1941. Sau đó, Bukowski bỏ học, di chuyển đến New York với ước vọng trở thành nhà văn. Truyện ngắn của Bukowski được đăng tải lần đầu tiên năm 1944 và sau đó là một chuỗi dài nhiều năm, tuy vẫn viết, nhưng ông không có may mắn được các nhà xuất bản và tạp chí văn học để ý tới. Trong khoảng thời gian gần 20 năm, vì thất chí khi mộng ước chưa thành, ông trở nên nghiện rượu, sống cuộc sống bê tha, rày đây mai đó và đã làm tất cả mọi công việc lao động chân tay cực nhọc để có tiền mướn nhà, mua rượu và bao gái: rửa bát nhà hàng, tài xế lái xe tải, gác dan, trông coi trạm xăng, phu khuân vác và đã từng làm nhân viên của Bưu điện Hoa Kỳ hơn 10 năm. Ông quyết định bỏ việc làm ở Bưu điện chỉ sau khi có lời hứa hẹn của một người bạn và cũng là người trông coi một cơ sở xuất bản sẽ chu cấp đủ cho ông để ông chỉ chuyên tâm vào việc viết lách.

Trong suốt văn nghiệp hơi trễ tràng của mình so với những nhà văn, nhà thơ khác cùng thời, Bukowski đã xuất bản được hơn 45 tác phẩm gồm đủ thể loại thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn.

Một đặc điểm nổi bật nhất của Bukowski là nội dung tất cả các tác phẩm, dù là thơ hay tiểu thuyết hay truyện ngắn, đều là tự truyện. Nói cách khác, tất cả các nhân vật của Bukowski đều là chính Bukowski, những người đàn bà đến với đời ông và những người đã từng ít nhiều có mặt trong suốt quãng đời – nhất là quãng đời 20 năm thất chí làm đủ thứ việc tay chân thay vì chỉ ngồi nhà cầm viết – của ông. Nhân vật chính trong các truyện ngắn, truyện dài và cả thơ, dù là dùng đại từ nhân xưng TÔI hay có tên như Henry Chinaski và rất nhiều khi là Henry Bukowski. Ký giả, nhà văn người Anh Howard Sounes, trong lời tựa cho một tác phẩm phác họa chân dung Bukowski đã nhận xét rằng chính sự thành thực khác thường của Bukowski trong các tác phẩm của mình đã tạo nên một sức cuốn hút mạnh mẽ và lâu dài nơi độc giả. John Martin, đại diện xuất bản của Bukowski, một người rất gần gũi, thân cận với nhà văn thì cho rằng, ngay tự bản chất, Bukowski là một người chúa ghét sự dối trá, sự lừa đảo. Khi viết, ông ngồi trước trang giấy trắng, như người ta đứng trước tấm gương lớn nhìn rõ mặt mày của mình trong đó, để viết về chính mình, về chính những gì đã xảy ra với một sự thành thực khác thường cho dù sự thành thực ấy có thể gây ra những bất lợi cho mình. Tính thành thực mang dấu ấn Bukowski trải dài trên tất cả các hàng chữ trong tất các các tác phẩm của Bukowski đã tạo nên được sự tin cậy nơi người đọc và từ đó dễ dàng dẫn đến sự yêu mến con người nhà văn.

Đặc tính thành thực trong tính cách và cuộc sống khó khăn vất vả trong khoảng thời gian gần 20 năm đầu sự nghiệp đã có một ảnh hưởng không nhỏ đến văn phong và cách dùng chữ của Bukowski, thể hiện rõ nhất ở hàng trăm truyện ngắn ông đã xuất bản. Do lăn lộn trong các quán rượu, những nơi làm việc chỉ dành cho người ít học và kém may mắn, ngôn ngữ cũng như văn phong của Bukowski phản ánh một cách trần trụi nhất thực tại ấy. Câu văn ngắn gọn, không dài dòng, kể cả khi cần triết lý một điều gì từ cuộc sống. Ngôn ngữ sử dụng thì vì từ thực tế, mà lại là thực tế những cảnh đời khốn khổ, vất vả nên sống sượng. Ở những trang viết mô tả cảnh làm tình (của chính ông) với những người đàn bà của mình, độc giả khó tính sẽ cho đó là những trang dâm thư, không thể gọi là văn học được. Đây cũng là một trong những lý do khiến giới văn học hàn lâm Mỹ e dè trong việc đánh giá Bukowsi cũng như ngần ngại mỗi khi cần có nhận xét về nhà văn này.

Những năm 1960s, sau khi đã khẳng định vị trí của mình trên văn đàn, Bukowski phụ trách một chuyên mục trên báo mang tên NHỮNG GHI CHÉP CỦA MỘT LÃO GIÀ DỊCH, nội dung phần lớn là những câu chuyện về tình dục. Những bài viết đăng trên báo này sau đó được ông tập hợp lại trong một quyển sách có cùng tên, xuất bản năm 1969 rất được độc giả tìm đọc. Dĩ nhiên, ngôn ngữ trong NHỮNG GHI CHÉP CỦA MỘT LÃO GIÀ DỊCH rất sống sượng. Nhưng chính sự sống sượng ấy làm nên thành công cho Bukowski với tư cách một nhà văn viết truyện ngắn. Độc giả ở châu Âu, vốn có truyền thống văn hóa phóng khoáng, nên đã niềm nở tiếp đón những truyện ngắn đầy những từ ngữ sống sượng và hóm hỉnh của Bukowski ngay cả trước khi độc giả Mỹ nhận ra người đồng hương đầy tài năng của mình.

Trong bài giới thiệu ngắn gọn về Bukowski, chúng tôi nhấn mạnh đến đặc tính “tự truyện” và “ngôn ngữ sống sượng” trong các tác phẩm của Bukowski để “chuẩn bị tư tưởng” cho độc giả thưởng thức một số truyện ngắn của nhà văn mà chúng tôi sẽ lần lượt chuyển ngữ và gởi đến độc giả. Với loại “ngôn ngữ đường phố” này, để cho nhẹ bớt “tính sống sượng” mà như đã nói ở trên, có người đọc khó tính sẽ cho đó là “dâm thư”, chúng tôi sẽ “Việt hóa” chúng theo ngôn ngữ đường phố của Việt Nam trong những hoàn cảnh và tình tiết phù hợp. Những từ ngữ sống sượng này, nếu đọc ở ngôn ngữ gốc (không phải tiếng Việt), cảm quan của độc giả Việt sẽ dễ dàng chấp nhận hơn, nhưng khi dịch chính xác ý nghĩa của từ sang tiếng Việt thì e rằng cảm quan của chúng ta sẽ có thể khó chịu. Đó là lý do chúng tôi chọn cách “Việt hóa” thay vì dịch chính xác những từ ngữ này.

Dĩ nhiên, đó là quan điểm chủ quan của người dịch. Có thể có người không đồng ý nhưng đã gọi là quan điểm chủ quan thì xin được miễn thứ.

T.Vấn

*VIỆT HÓA cũng chỉ là một cách nói. Thực ra, trong các tác phẩm chuyển ngữ của cá nhân chúng tôi, từ VIỆT HÓA chỉ có nghĩa là dùng những thành ngữ, cách nói và từ ngữ tương đương trong tiếng Việt. Xét cho cùng, độc giả Việt, đọc tiếng Việt, chứ đâu có đọc tiếng Anh (Pháp, Ý, Tây ban Nha,…).

BA NGƯỜI ĐÀN BÀ

Charles Bukowski

T.Vấn chuyển ngữ

Bukowski, Đàn bà và Rượu - Ảnh: heroinwave.blogspot.com

Căn nhà chúng tôi ở – Linda và tôi – đối diện với công viên MacArthur. Một buổi chiều, trong lúc ngồi uống rượu, tôi nhìn thấy bóng một người rơi ngang cửa sổ phòng. Cảnh tượng ấy có vẻ kỳ lạ, giống như là một trò đùa nhưng khi thân người anh ta chạm vào mặt đường thì chắc chắn đó không phải là một trò đùa.

“Trời ơi,” Tôi kêu lên với Linda, “Anh ta rớt xuống như một quả cà chua chín thối trên cây rớt xuống vậy đó! Con người mình được tạo thành từ ruột gan phèo phổi, phân cứt và đủ loại chất nhờn! Lại đây, lại đây em, nhìn anh ta kìa!”.

Linda tiến lại cửa sổ, rồi chạy ngay vào nhà vệ sinh, ói mửa liên tục. Khi nàng bước ra, tôi quay nhìn nàng. “Ôi trời ơi, em ơi! Trông anh ta như một cái bát chứa đầy tràn món thịt thối trộn với mì ống được bao bọc bên ngoài bằng lớp áo vét và sơ mi rách tả tơi!”. Linda lại chạy vào nhà vệ sinh nôn ọe lần nữa.

Tôi vẫn ngồi uống rượu. Một lúc sau tôi nghe có tiếng còi hụ của xe cảnh sát. Điều cần thiết thực sự phải là người của Sở Vệ sinh. Mẹ kiếp! Ai mà chẳng gặp phải những khó khăn phiền muộn của riêng mình. Bản thân tôi không bao giờ biết mình sẽ đào đâu ra tiền trả tiền nhà. Uống rượu nhiều quá nên sinh bệnh, mà bệnh thì làm sao đi kiếm việc làm. Mỗi lần có chuyện phải lo lắng, cách duy nhất giúp chúng tôi quên nó đi là rủ nhau làm tình. Cũng tạm ổn trong một khoảng thời gian. Chúng tôi rủ nhau lên giường hoài. Cũng may, Linda là một bạn tình không chê vào đâu được. Cả cái khách sạn tuyền những kẻ như chúng tôi, chỉ biết uống rượu và làm tình chứ chẳng biết gì khác hơn. Thỉnh thoảng cũng có người nhảy cửa sổ. Riêng với chúng tôi, tiền bạc dường như tìm đường chạy đến từ một nơi chết tiệt nào đó, đúng vào những lúc tưởng như chỉ còn có nước bốc cứt mình ị ra mà ăn. Khi thì 300 đô la bay đến theo lời trối trăng của một ông chú vừa qua đời. Khi thì một khoản tiền thuế trả dư khai từ lâu rồi nhưng mãi đến giờ mới được chính phủ nhả ra. Một lần, tôi leo lên xe buýt, thấy ở cái ghế trống trước mặt mình một đống tiền kẽm 50 xu. Chúng nằm đó vì lý do gì, để làm gì và ai đã làm công việc để chúng ở đó, tôi không biết và cho đến bây giờ vẫn không thể hiểu tại sao. Thế là tôi chạy lên ngồi xuống cái ghế đầy tiền đó và tha hồ nhét chúng vào trong túi của mình. Khi túi tôi đã đầy ụ tiền xu, tôi kéo dây báo hiệu cho tài xế biết tôi muốn xuống ở trạm kế tiếp. Chẳng có ai nói gì và cũng chẳng có ai tìm cách chặn tôi lại. Ý tôi là khi mình say thì phải là kẻ ăn may. Và cho dù không say thì nhất thiết phải là kẻ ăn may.

Mỗi ngày, chúng tôi dành một phần thì giờ vào công viên trước nhà ngồi ngắm mấy con vịt đủng đỉnh qua lại. Tin tôi đi, khi mà sức không còn được khỏe cho lắm, vì liên tục say sưa và vì thiếu thức ăn bổ dưỡng, cộng thêm với việc làm tình để cố quên đi những lo lắng phiền muộn thì sức mấy mà đuổi bắt được mấy con vịt kia. Ý tôi là mình phải ra khỏi phòng, chứ cứ nằm chết dí trong đó thì chán chường nối tiếp chán chường, sẽ đến lúc chúng sẽ đẩy mình té nhào ra khỏi cửa sổ. Chuyện đó coi bộ dễ dàng xảy ra hơn là ngồi đó tưởng tượng. Thế là tôi và Linda rủ nhau ra ngồi trên băng đá nhìn ngắm lũ vịt. Chúng nó chẳng bao giờ phải lo lắng nghĩ ngợi gì hết – không lo tiền thuê nhà, không lo tiền quần áo, mà thức ăn thì thừa mứa – chỉ việc đủng đỉnh loanh quanh ỉa phèn phẹt và kêu quang quác. Gặm chỗ này, mổ chỗ kia, lúc nào cũng bận bịu ăn uống. Thỉnh thoảng có anh chàng cư ngụ trong khách sạn, chờ đêm xuống ra bắt vịt, làm thịt từ ở ngoài rồi xách về phòng rửa ráy, nấu nướng. Chúng tôi cũng có nghĩ đến chuyện ấy nhưng chưa bao giờ làm thử. Vả lại, không dễ gì mà bắt được chúng. Bước đến vừa trong tầm tay thì SOẠT, con vịt chết tiệt xịt ra một bãi nước rồi bay mất dạng. Hầu như lúc nào chúng tôi cũng chỉ ăn bánh kếp, một loại bánh nhồi bột với nước, hoặc thỉnh thoảng thuổng được trái bắp từ khu vườn nhà ai đó – cái khu vườn chỉ độc có một loại cây bắp của một gã chuyên gia – Tôi chẳng bao giờ tin gã ăn thứ mình trồng; rồi còn cả việc bỏ túi trộm rau trái bày bán trên đường đi – Ý tôi muốn nói đến cái quầy rau đặt ngoài cửa một tiệm bán thực phẩm. Khi thì quả cà chua, khi thì một hay hai trái dưa chuột, nhưng chúng tôi chỉ là dân ăn trộm vặt, nên may mắn luôn là thần hộ mệnh. Trộm thuốc lá là dễ nhất – đi bộ ban đêm – ngang qua một chiếc xe cửa kính hạ xuống, thấy có gói thuốc để quên trong đó là thò tay lấy. Lẽ dĩ nhiên, làm sao có tiền mua rượu và trả tiền thuê nhà luôn là mối bận tâm nhức nhối nhất, thế nên chúng tôi làm tình để quên nó nhưng vẫn bị nó hành hạ. Và cũng giống như trước đây, những ngày thậm tuyệt vọng cuối cùng cũng đã đến. Không rượu, không còn nữa những vận may, nghĩa là không còn gì nữa hết. Chẳng còn chút uy tín nào sót lại với mụ chủ nhà, với lão chủ tiệm rượu. Tôi quyết định cài đồng hồ báo thức lúc 5 giờ 30 sáng để chạy đi kiếm việc làm ở khu chợ bọn chủ nông trang thường đến đó mướn nhân công. Nhưng cả cái đồng hồ cũng chạy không chính xác. Nó đã bị hỏng và tôi phải tháo bung ra để sửa. Lò xo đồng hồ đã bị gãy. Cách duy nhất để sửa là cắt bỏ phần gãy của lò xo, móc lại, ráp các bộ phận đã tháo ra và lên dây cót trở lại. Ai muốn biết một sợi lò xo bị cắt ngắn sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành của cái đồng hồ báo thức (và bất cứ loại đồng hồ nào) như thế nào thì nghe đây. Cái lò xo càng ngắn thì hai kim chỉ giờ và phút quay càng nhanh. Nó cũng điên điên chẳng khác gì chúng tôi. Mỗi khi chúng tôi rã rời vì làm tình để quên mọi phiền muộn, chúng tôi hay nhìn vào cái đồng hồ để xem bây giờ là mấy giờ, thấy cái kim chỉ phút chuyển động làm chúng tôi bật cười.

Rồi một ngày – cũng phải mất cả tuần lễ – chúng tôi mới nhận ra rằng, trong khoảng thời gian thực sự chỉ có 12 tiếng thì các cây kim đồng hồ di chuyển 30 tiếng. Ngoài ra, cứ mỗi 7 hay 8 tiếng phải lên dây cót một lần, nếu không, chúng không chịu di chuyển nữa. Đôi lúc, choàng tỉnh dậy giữa giấc ngủ, nhìn đồng hồ mà chúng tôi không thể quả quyết lúc ấy là mấy giờ.

“Mẹ kiếp! Cứt thật em à!”, tôi nói. “Em cố tính toán xem sao. Đồng hồ chạy 2 lần rưỡi nhanh hơn tốc độ lẽ ra phải chạy. Dễ mà!”

“Nhưng nó chỉ mấy giờ lúc anh lên dây lần chót?”

“Chết mẹ nó đi, lúc ấy xỉn quá rồi sao mà nhớ nổi.”

“Thôi giờ lên dây nữa đi, không nó lại ngừng nữa.”

“Ừ thì lên!”

Tôi lên dây đồng hồ và chúng tôi lao vào nhau ịn tiếp.

Vậy là vào buổi sáng tôi định đi kiếm việc ở chợ lao động nông trang thì tôi lại không thể cài được giờ báo thức của chiếc đồng hồ. Tối hôm trước, không hiểu sao chúng tôi còn có được chai rượu vang và chia nhau chậm rãi nốc. Tôi cứ chăm chăm nhìn chiếc đồng hồ, không biết thực sự là mấy giờ, và rồi vì sợ dậy quá trễ thì toi cả việc, nên chỉ nằm đó mà không dám ngủ suốt đêm.

Đến sáng, tôi mò dậy thay quần áo, đi bộ ra khu phố San Pedro, thấy rất nhiều người đang đứng chờ đợi. Trên dẫy cửa sổ, có mấy trái cà chua nằm vất vưởng. Tôi nhặt lấy 2 hay 3 trái gì đó và bỏ vào mồm. Tôi còn trông thấy một tấm bảng đen to tướng, đề hàng chữ: CẦN NGƯỜI HÁI BÔNG VẢI Ở VÙNG BAKERSFIELD. THỨC ĂN VÀ CHỖ Ở. Cái khỉ gió gì thế này? Hái bông vải ở Bakersfield, California? Tôi tưởng cái anh chàng Eli Whitney** và sáng chế máy tách bông của anh ta đã giải quyết xong việc này từ lâu rồi chớ! Chợt một chiếc xe tải bự tổ chảng chạy tới. Thì ra hôm nay họ cần người đi hái cà chua. Mẹ kiếp, cứt thật! Tôi đâu muốn để mặc cho Linda nằm trơ trọi một mình như vậy. Chưa bao giờ nàng chịu nằm một mình trên giường như thế. Nhưng tôi quyết định cứ thử xem sao. Mọi người ùa nhau leo lên xe tải. Tôi chờ cho tất cả các phụ nữ lên hết, rồi kế đến là mấy gã to lớn lực lưỡng, sau đó mới đến phiên tôi. Vừa định leo lên xe thì một anh Mễ cao to, chắc là tay sếp sòng, đưa tay kéo tấm bửng xe – “Xin lỗi ông, đủ người rồi!”. Chiếc xe chạy đi mà không có tôi.

Bấy giờ là khoảng 9 giờ sáng. Đi bộ từ khu chợ lao nông về đến khách sạn mất một tiếng đồng hồ. Trên đường về, tôi gặp toàn những kẻ trông rất ngu ngu nhưng lại ăn mặc khá bảnh bao. Một lần tôi suýt bị một gã mặt mày hầm hầm lái chiếc xe Cadillac đen đâm vào. Tôi chẳng biết cái gì hay ai làm anh ta tức giận như vậy. Cũng có thể là vì thời tiết hôm đó. Một ngày nóng chảy mỡ. Về đến khách sạn tôi phải leo bộ mấy bậc cầu thang vì lối vào thang máy nằm ngay cửa phòng con mụ chủ khách sạn. Lúc nào mụ ta cũng lẩn quẩn bên thang máy, lau chùi mấy chỗ có bọc đồng, hoặc đơn giản chỉ tìm cớ xoi mói người này người kia.

Leo lên 6 tầng lầu mới tới hành lang dẫn về phòng. Vừa tới cửa, tôi đã nghe có tiếng cười cợt vọng ra. Con đĩ chó Linda chẳng đợi lâu để bắt đầu giở thói. Mẹ nó, tôi sẽ quất đít con đĩ chó và quất cả thằng điếm chó bên cạnh nó nữa.

Tôi mở cửa phòng, thấy Linda, Jeanie và Eve đang ngồi với nhau.

“Ồ, Cưng!” Linda chạy tới. Nàng ăn vận tề chỉnh, đi cả giày cao gót. Nàng ôm hôn và nhét ngập mồm tôi lưỡi của nàng. “Jeanie vừa mới nhận được tờ séc đầu tiên của Sở Thất nghiệp. Còn Eve thì vẫn đang hưởng trợ cấp. Vì vậy, tụi em ăn mừng!”.

Tôi thấy trên bàn có khá nhiều chai vang đỏ, loại ngọt dành cho phụ nữ. Tôi vào phòng đi tắm rồi trở ra với chiếc quần soọc cố hữu. Tính tôi thích khoe cặp giò của mình. Chúng trông cứng cáp khỏe mạnh so với vô số cặp giò đàn ông khác. Tôi chỉ có cặp giò thôi, còn những thứ khác thì chẳng mấy gì hay ho. Mặc chiếc quần soọc rách bươm, tôi ngồi xuống và gác cả hai chân lên bàn.

“Cứt thật! Nhìn cặp giò kìa!”, Jeanie nói.

“Ờ há… ờ!” Eve trả lời.

Linda chỉ cười. Có ai đó rót cho tôi một ly rượu.

Bàn nhậu nào rồi cũng giống nhau. Chúng tôi uống, rồi nói, nói rồi lại uống. Mấy bà chạy ra mua thêm rượu. Thêm nói. Thời gian cứ trôi cứ trôi, chẳng bao lâu trời sập tối. Chỉ còn mình tôi mặc quần rách ngồi uống một mình. Jeanie đã vào phòng nằm và ngủ mê mệt. Eve thì nằm ngủ trên ghế sofa. Còn Linda lăn ra ngủ trên chiếc ghế da nhỏ hơn kê ngay lối đi dẫn vào phòng tắm.

Tôi vẫn không hiểu sao gã Mễ ấy lại đóng cửa xe tải không cho tôi lên. Tâm trạng tôi lúc ấy chẳng vui chút nào.

Tôi đứng dậy vào phòng vệ sinh rồi leo lên giường nằm kế Jeanie. Nàng khá bự con, trên người chẳng có mảnh vải nào hết. Tôi hôn lên vú nàng rồi mút ngọt. “Làm gì dzậy cha nội?”

“Làm gì à? Anh sẽ ăn thịt em chứ làm gì!”

Tôi đút ngón tay vào hố chôn lũ đàn ông của nàng và đẩy vào kéo ra. “Anh sẽ làm cho em sướng!”

“Không được! Con Linda sẽ giết em!”

“Bả sẽ không bao giờ biết đâu mà lo!”

Tôi leo lên người nàng, rồi rất CHẬM RÃI, NHẸ NHÀNG để cho lò xo giường không phát ra tiếng động kẽo kẹt. Tôi nhét nó vào, rồi ra, vào ra, vào ra chậm chạp như muốn kéo dài hàng thế kỷ. Khi phún thạch trong tôi bùng vỡ, tôi cứ ngỡ nó sẽ không bao giờ dừng lại. Đó là một trong những lần sướng khoái nhất trong đời tôi. Lúc lau chùi dấu vết cuộc truy hoan trên chăn nệm, một ý tưởng hiện ra trong đầu tôi – rằng hàng thế kỷ nay đếch có thằng đàn ông nào biết thế nào là làm tình đúng cách.

Sau đó, tôi bỏ ra ngoài phòng, ngồi uống một mình trong bóng tối. Tôi không còn nhớ mình đã ngồi như thế bao lâu. Chỉ nhớ mình đã uống khá nhiều. Và tôi bò vào nằm bên Eve. Eve ăn trợ cấp. Eve núng nính béo mỡ, hơi nhăn nheo một chút nhưng cặp môi hết sẩy, cặp môi gợi ham muốn, cặp môi xấu xí tục tĩu nhìn chỉ muốn… Tôi hôn vào đôi môi khủng khiếp và hết sẩy ấy. Nàng chẳng một cử chỉ tỏ ra phản kháng. Lại còn hé rộng hai đùi để cho tôi dễ đi vào. Lúc ấy, Eve như một con lợn cái đòi ăn, miệng rên rỉ, mũi khụt khịt, đít đánh rắm, thân thể ngọ nguậy ngọ nguậy. Khi tôi lên đỉnh, nó không giống như với Jeanie – cảm giác kéo dài và run rẩy – chỉ là vài cái ngắc ngứ rồi thôi. Tôi xuống ngựa. Chưa kịp trở ra ghế ngồi uống tiếp thì tôi đã nghe tiếng nàng ngáy khò khò. Thiệt hết biết – con nhỏ làm tình như thở – như chẳng có gì phải rộn lên cả. Mỗi con đàn bà làm tình theo một kiểu khác nhau, dù chỉ là khác nhau một chút. Chính điều đó tạo thêm động lực cho bọn đàn ông tiếp tục sống nốt đời mình và dĩ nhiên khiến cho chúng tiếp tục sập bẫy.

Tôi lại ngồi, lại uống, lại nghĩ đến thằng Mễ chó đẻ bẩn thỉu kéo chiếc bửng xe tải lên chặn không cho tôi leo lên xe. Xét cho cùng, nó đâu có được trả công để tỏ ra lịch sự. Tôi lại miên man nghĩ về tiền trợ cấp. Mấy đứa độc thân, cả đàn ông lẫn đàn bà, có thể nhận được tiền trợ cấp? Dĩ nhiên là không. Phải để cho chúng nó chết đói. Tình yêu chỉ là một chữ bẩn thỉu. Nhưng đó lại là thứ đẩy tôi và Linda lại gần với nhau – Tình Yêu. Đó là lý do chúng tôi cùng đói với nhau, xỉn với nhau, sống với nhau. Hôn nhân có ý nghĩa gì? Hôn nhân có nghĩa là những cuộc làm tình giữa vợ chồng đã được thánh hóa, luôn luôn được thánh hóa, và cuối cùng, không một ai thoát khỏi, những cuộc làm tình sẽ trở nên CHÁN NGẤY, chỉ còn là một nhiệm vụ, không hơn không kém. Nhưng đó lại là thứ mà thế giới loài người mong muốn: một thằng chó đẻ tội nghiệp, bị kẹp bẫy hôn nhân, âu sầu ủ rũ với một trách vụ phải chu toàn. Mẹ kiếp, cứt thật! Tôi rơi xuống bùn đen và đẩy Linda vào vòng tay của thằng Eddie vạm vỡ. Thằng này tuy ngu ngốc nhưng ít nhất nó có thể mua cho Linda quần áo đẹp và nhét vào bụng nàng thứ thịt bò hảo hạng. điều mà tôi ít có khả năng làm cho nàng hơn nó.

Gã chân voi Bukowski, một biểu tượng của sự thất bại về mặt xã hội.

Tôi uống cạn chai rượu rồi quyết định tôi cần phải ngủ. Tôi vặn cót chiếc đồng hồ rồi chui vào mền Linda. Nàng vừa thức giấc và bắt đầu lấy tay rờ rẫm khắp người tôi. “Ôi, cứt thật, cứt thật chứ chẳng chơi”, nàng thì thầm, “Em không hiểu mình bị sao ấy!”.

“Gì dzậy, gì dzậy, nhỏ? Em bị bịnh? Em muốn anh gọi cho bệnh viện?”

“Ôi không, cứt thế, em chỉ cảm thấy NÓNG! NÓNG! EM MUỐN! EM MUỐN!”

“Hả?”

“Em biểu, em đang thèm muốn chết nè! Ấy em đi!”

“Linda…”

“Hả, cái gì?”

“Anh đang mệt lả cả người đây nè. Mất ngủ cả hai đêm. Đi bộ rạc người đến chợ Nông Trang rồi đi bộ về, tổng cộng 32 block đường giữa trời nắng chang chang, để rồi chẳng được gì hết. Không việc làm, cơ thể rã ra mệt mỏi…”

“Em sẽ GIÚP anh mà!”

“Ý em là sao?”

Nàng trườn người xuống nửa chiều dài chiếc ghế sofa và bắt đầu liếm láp thằng nhỏ. Tôi rên rỉ vì mệt mỏi rã rời. “Em ơi, 32 blocks đường dưới sức nóng chang chang… Anh hết hơi rồi.”

Nàng vẫn không chịu ngưng lại. Lưỡi của nàng như một tờ giấy nhám và nàng biết cách sử dụng nó.

“Cưng à,” Tôi cố bảo nàng, “Anh là một con số không to tướng ngoài xã hội! Anh không xứng đáng với em! Thương xót anh một chút đi mà!”

Như tôi đã bảo, nàng hết sẩy trong việc này. Đàn bà thì cũng có người sở hữu nghệ thuật này, có người không. Phần lớn chỉ biết gật gù thằng cu theo lối ông tằng bà tổ. Riêng với Linda, nàng bắt đầu với thằng cu, rồi bỏ đó qua vờn hai bánh xe, rồi lại bỏ xe chạy qua thằng bé, và dành cho phía dưới cổ thằng bé một kho năng lượng vô tận, nhưng luôn để ý không chạm tới phần đầu hói. HÃY ĐỂ YÊN CHO NÓ. Cuối cùng, nàng buộc tôi phải rên rỉ la hét cho tới 9 tầng trời, miệng luôn lảm nhảm nói với nàng đủ mọi lời nói dối trơ trẽn nhất trên đời về một tương lai tôi không còn là một thằng ma cà bông vô lại, khi ấy, tôi sẽ cung phụng nàng tử tế như bất cứ thằng đàn ông tử tế nào trên đời. Chưa xong, bây giờ tới lúc nàng chăm sóc cái đầu không tóc, đưa nó vào miệng khoảng một phần ba, dùng răng cắn nhẹ và lưỡi quặp siết. Tôi lại THĂNG một lần nữa. Có nghĩa là tôi đã thăng thiên bốn lần trong một đêm và thân thể hoàn toàn rũ liệt. Mẹ kiếp, phụ nữ họ rành rẽ chuyện này còn hơn là y khoa tân tiến.

Khi tôi thức giấc, cả bọn họ đã dậy từ bao giờ và trang phục tề chỉnh – trông rất bắt mắt – Linda, Jeanie và Eve. Họ thò tay cù lét tôi dưới lớp chăn, cười cợt. “Hầy, Hank! Bọn em đi ra ngoài tìm người còn sống và khỏe mạnh đây! Chúng em cũng cần thứ khiến bọn đàn ông phải vểnh mắt lên nhìn nữa. Vì thế, chúng em sẽ đi sắm sửa ở tiệm Tommi-Hi Thời Trang Cao Cấp đấy!”

“Ok. Bye!”

Rồi họ vung vẩy đít ra khỏi cửa. Và tất cả loài người sẽ bị chìm nghỉm mãi muôn đời.

Tôi vừa thiu thiu ngủ lại thì có tiếng điện thoại phòng reo vang.

“Nghe!”

“Ông Bukowski phải không?”

“Đúng ổng!”

“Tôi thấy mấy phụ nữ từ phòng ông đi ra!”

“Làm sao bà dám quả quyết như thế? 8 tầng lầu, mỗi tầng từ 10 đến 12 phòng.”

“Tôi biết rất rõ những người mướn phòng của tôi, ông Bukowski à! Họ đều là những người lao động đứng đắn cả!”

“Phải,”

“Phải, ông Bukowski à, tôi trông coi ở đây gần suốt 20 năm nay và chưa bao giờ, không bao giờ thấy những gì xảy giống những thứ tôi thấy xảy ra từ phòng của ông! Ở đây toàn là những người đứng đắn, đáng trọng cả, ông Bukowski nhé!”

“Phải rồi, họ là những người đáng kính trọng đến nỗi cứ mỗi hai tuần lại có một thằng chó đẻ leo lên nóc tầng lầu rồi phóng thẳng xuống ngay trên lối đi tráng xi măng giữa những chậu cây giả đặt hai bên lề.”

“Đến trưa nay là hạn chót để ông dọn ra đấy, ông Bukowski ạ!”

“Bây giờ là mấy giờ rồi?”

“8 giờ sáng!”

“Cám ơn bà!”

Tôi cúp máy. Ngồi dậy lục tìm một viên thuốc Alka-seltzer, bỏ vào một chiếc ly bẩn khuấy uống. Tôi còn tìm được một ít rượu vang sót lại. Tôi kéo màn cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Đó là một thế giới khốc liệt, chẳng có gì đáng để ý cả, nhưng tôi chúa ghét khu nhà ổ chuột. Tôi thích những căn phòng nhỏ nhắn, những nơi ít người ở để thỉnh thoảng tìm cớ cãi nhau cho vui. Và dĩ nhiên là với một người đàn bà. Và những cuộc rượu. Nhưng không phải là cuộc sống với những nghĩa vụ gượng ép. Nhưng tôi không thể nào đạt được. Tôi không đủ sự nhạy bén tháo vát. Tôi đã nghĩ đến việc nhảy lầu nhưng không thể thực hiện được. Tôi mặc quần áo và đi đến tiệm Tommi’s. Mấy mụ đàn bà của tôi đang cười cợt với hai gã đàn ông trong một góc bar. Anh chàng pha rượu tên Marty quen biết với tôi. Tôi khoát tay ra dấu hết tiền rồi. Rồi tôi ngồi xuống một góc.

Một ly Scotch và một ly nước được mang đến trước mặt tôi. Cùng với một mẩu giấy nhỏ: “Gặp em ở Roach Hotel, phòng 12, vào nửa đêm nay. Em sẽ có phòng cho chúng mình. Yêu anh, Linda”.

Tôi uống cạn ly rượu trước mặt, bỏ đi. Mò đến Roach Hotel lúc nửa đêm, người tiếp tân ở quầy bảo “Không có ai đặt phòng hết. Không có phòng 12 đặt trước dưới tên Bukowski.” Tôi quay lại lần nữa lúc 1 giờ sáng, sau khi đã lang thang suốt ngày, suốt đêm ở công viên, đứng lên ngồi xuống. “Không có phòng 12 đặt trước , thưa ông!”

“Xem coi có phòng nào được đặt trước với tên của tôi hay với tên Linda Bryan”

Hắn xem lại sổ sách.

“Thưa ông, không có phòng nào hết!”

“Anh không phiền cho tôi được liếc qua cái phòng 12 được không?”

“Thưa ông, không có ai ở phòng đó cả. Tôi đã thưa với ông rồi.”

“Này anh bạn, tôi bị cú sét ái tình. Tôi thành thật xin lỗi nhưng hãy cứ để tôi liếc qua phòng một cái được không?”

Hắn ném cho tôi cái nhìn thường chỉ để dành cho bọn vô lại hạng tư, rồi liệng cho tôi chiếc chìa khóa phòng.

“Ông có 5 phút để quay lại đây. Nếu không thì rắc rối đấy!”

Tôi mở cửa phòng, bật công tắc đèn – “Linda!” – Lũ gián, nhìn thấy ánh sáng bèn bỏ chạy tán loạn và chui vào bên trong những lớp giấy dán tường. Chúng có đến cả ngàn con chứ không ít. Khi tôi đưa tay tắt công tắc, tôi nghe được cả tiếng chân chúng rào rào túa ra khỏi chỗ trú ẩn. Những tấm giấy dán tường trông như một lớp cánh gián khổng lồ.

Tôi vào thang máy đi xuống bàn tiếp tân.

“Cám ơn! Anh nói đúng, không có ai ở phòng 12 cả.”

Lần đầu tiên tôi nhận thấy trong giọng nói của hắn có một âm điệu nghe tử tế.

“Rất tiếc, thưa ông!”

“Cám ơn nhé!”, Tôi nói.

Ra khỏi cửa khách sạn, tôi rẽ trái về hướng đông, hướng về phía tận cùng của xã hội. Khi những bước chân chậm rãi đưa tôi đi, tôi tự thắc mắc, sao người ta lại nói dối nhỉ? Giờ đây thì tôi không còn thắc mắc nữa nhưng tôi vẫn nhớ, không quên. Bây giờ thì hễ ai nói dối là tôi ngửi ra được ngay, nhưng tôi vẫn không thể tỏ ra khôn ngoan được như cái gã tiếp tân của khách sạn đầy gián dạo đó. Anh ta biết quá rõ rằng chỗ nào cũng đầy những kẻ lừa lọc dối trá. Tôi cũng không thể tỏ ra khôn ngoan như người nhảy lầu ngang qua cửa sổ lúc tôi ngồi uống rượu trong một buổi chiều ấm áp, đối diện là công viên MacArthur của thành phố Los Angeles, nơi người ta vẫn lén bắt làm thịt mấy con vịt để lấp đầy bao tử trống rỗng.

Cái khách sạn mà chúng tôi tạm trú vẫn còn đó, căn phòng chúng tôi ở vẫn còn đó và nếu quý bạn đi ngang trong một dịp nào đó, tôi sẽ chỉ cho quý bạn thấy. Nhưng thấy để thấy vậy thôi chứ chẳng còn ý nghĩa gì nữa hết, phải không?

Hãy chỉ nhớ một chi tiết là có một đêm, tôi đã làm tình hay bị làm tội với ba con mụ đàn bà.

Bấy nhiêu đủ để làm thành một câu chuyện rồi, phải không?

*Nguyên tác: 3 Women, Trích trong tập truyện ngắn The Most Beautiful Woman in Town & Other Stories của Charles Bukowski do nhà xuất bản City Lights Books ấn hành (1988).

** Eli Whitney (1765-1825) người Mỹ, đã sáng chế ra máy tách bông vải năm 1793.