Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (33)

Đông Ngàn Đỗ Đức


ĐIÊU KHẮC Ý TƯỞNG

(Về nhà điêu khắc Vương Duy Biên)


Có một dịp may tôi được xem cụm điêu khắc ý tưởng của nhà điêu khắc Vương Duy Biên tại tư gia ở Sóc Sơn.

Anh nói với tôi anh đang làm điêu khắc ý tưởng…

Anh không nói thì tôi cũng nhận ra ngay cụm tác phẩm điêu khắc anh mới thể hiện xong. Nó thật vô tiền khoáng hậu, mở ra một lối thênh thang là điêu khắc ý tưởng, hình thành những câu chuyện xã hội bằng điêu khắc. Đó đang là mảnh đất hoang chưa mấy ai khai phá, hoặc ngại khai phá! Anh đã định dạng cho nó một cách minh triết trên từng tác phẩm đã thể hiện.

Xin lẩy ra đây một số tác phẩm anh đang làm sau những ngày bận rộn ở quan trường, những ý tưởng mà tôi nghĩ là xã hội đang rất cần những tiếng nói phê phán mạnh mẽ này.

1 - Tác phẩm: Giờ ra chơi

Năm tượng nhỏ mô tả động tác vạch chim tự đái của mấy em nhỏ.

Liệu còn ẩn ý gì trong tác phẩm hay chỉ đơn giản tự cầm chim đái?

Chả nhẽ câu chuyện thường xảy ra với bé trai, chả nhẽ tượng chỉ là chuyện đi đái?

Đái là sự tháo bỏ chất cặn bã trong cơ thể người. Bí đái có thể làm người ta điên dại. Tắc đái người ta có thể chết vì bội nhiễm độc! Nhưng đái được thì người trở nên nhẹ nhàng thanh thoát bao dung. Đái, không đơn giản chỉ là đẩy được chút nước thừa ra ngoài, mà hơn thế nó loại độc tố ra khỏi người làm cho cơ thể lành mạnh hơn, và người ta cảm thấy hạnh phúc hơn.

Cho nên quan sát tư thế đi đái thì đó là lúc con người trở về tuổi thơ, hồn nhiên và đầy khoái cảm.

Với năm tư thế đái của thằng bé, nghệ sĩ đã khái quát được toàn bộ nội hàm của việc thải độc này. Nó như là một tuyên ngôn nhắc cho con người, sự thải độc là cần thết cho sự sống đến nhường nào. Phải chăng đó là cái gốc khơi mở cho những tác phẩm sau này, trong tương lai và tạo hướng đi cho anh sau này, khi nghỉ hưu tiếp tục công việc cao cả của người làm nghệ thuật.

2 - Tác phẩm: Chiếc ghế đang chìm

Một bạn nhà báo che miệng cười, ghé vào tai tôi, gọi tên một quan chức vừa ngã ngựa.

Chiếc ghế quyền lực đang dần chìm trên mặt nước, những bọt nước nổi lên, người trên ghế không thấy đâu. Vậy là thân phận nhân vật không có mặt đã rõ!

Tác phẩm cho ta luôn một suy tưởng: Bền vững nhất lâu dài nhất có lẽ không cần ghế mà ngồi ngay trên mặt đất thôi nhá.

AQ một chút nhưng an toàn cho cuộc sống chính mình. Còn nếu ghế bị chìm thì phải chấp nhận cuộc chơi, không nên oán hận ai và cũng đừng tự trách mình. Chơi ghế quyền lực là một cuộc chơi khắc nghiệt, nếu lưu manh gian giảo chưa tới tầm thì ngã ghế như chơi, nhất là khi lưu manh trong đám quyền lực chiếm số đông thì chìm ghế dư lày là chuyện thường, chứ chẳng có gì lạ.

Tác phẩm để lại một dư âm buồn vui yêu ghét hằn lên trong suy tưởng của người xem.

3 - Tác phẩm: Kéo cưa lừa xẻ

Mới nhìn thật đơn giản, đó chỉ là một trò chơi trong ý tưởng mà không có thật trong trong cuộc sống. Đó là tượng hai thằng bé say sưa cưa một quả khế! Vật cứng nhất, cắt thứ mềm mại nhất, chả nhẽ chỉ là trò chơi, còn gì ẩn ý sau hình tượng này không? Tác giả nói với tôi: Tượng này vui vui anh nhỉ, cưa quả khế chứ đừng cưa bom mà mất mạng! Một trò chơi vui vẻ khỏe người phải không?

Tôi bỗng nhớ bài hát phổ thơ của Đỗ Trung Quân: "Quê hương là chùm khế ngọt/ cho tôi trèo hái mỗi ngày"

Lại nhớ câu đồng dao "Kéo cưa lừa xẻ, Ai khỏe về ăn cơm vua/ Ai thua thì về bú tí mẹ" tuyệt vời

Cùng một tác giả, lúc hài hước, lúc chính luận khiến người xem phải suy ngẫm nhiều trước các vấn đề được đặt ra và để tìm lấy câu trả lời cho mình. Có thể giống nhau mà có thể cũng khác nhau. Nhưng rồi vẫn có điểm hội tụ như chiếc kính lúp lấy được lửa từ điểm hội tụ ánh sáng đó.

Nghệ thuật là sự phát hiện của nghệ sĩ, đến người thưởng thức tiếp một phát hiện nữa và sự bàn tán khôn cùng trên một tác phẩm đã định dạng!

Cưa khế an toàn ư? Khế là thứ quả mềm dễ cắt chia phần giống như tham nhũng, họ chia những đồng tiền sân sau mềm mại. Ý tưởng thật tinh quái, rất minh triết trong lựa chọn ý tưởng cho tạo hình. Đó là nghệ thuật đi vào cuộc sống.

Đó là nghệ thuật hàm chứa triết lí nhân sinh của chính trị xã hội nhưng không phải chính trị theo nghĩa đơn thuần. Cho nên, chính trị nào mà biết vịn vai nghệ thuật để cất bước thì lúc đó chính trị trở thành bạn thân thiết của nhân loại.

Nhẹ nhàng mà sâu như vực thẳm. Tác phẩm dựa trên sự sắc sảo của Văn hóa dân gian, có sức truyền cảm nhanh và có sức thuyết phục.

4 - Tác phẩm: Chum kinh nghiệm

Kinh nghiệm như những sợi dây được rút ra từ cái chum, hỏi trong cái chum hũ nút đó có bao nhiêu kinh nghiệm? Thế mà mấy ông rút mãi không hết. Đó là một sự thật trần trụi đã diễn ra triền miên trong nhiều năm tháng qua: sửa sai, sai sửa, sửa lại sai, sai lại sửa… Cái vòng luẩn quẩn đó xảy ra loanh quanh trong cái chum tối om và khá hạn hẹp!

Đứng bên những tác phẩm này khiến người ta phải suy ngẫm về thế sự. Tác phẩm như bài chính luận bằng hình tượng dễ hiểu hơn chữ nghĩa. Nó cao và mạnh hơn chữ nghĩa vì có tính khái quát lớn.

Những tác phẩm này là sự phản biện quyết liệt trong xu thế đất nước, có những biến đổi làm đảo lộn những chuẩn mực.

5 - Tác phẩm: Mãn nguyện

Hì hục bắc thang leo lên cái ghế quá to rộng ngồi thu lu một góc, thân phận như “con chó tiền rưỡi” chẳng hiểu công việc là gì. Nhưng... lại khá mãn nguyện vì đã đặt đít lên được mặt ghế mênh mông! Đó là thực trạng đáng buồn khi đồng tiền hoặc quyền lực đen chi phối được những vị trí xã hội. Bức tượng này sẽ là mở đầu cho một cụm liên hoàn câu chuyện về những chiếc ghế, bao nhiêu kiểu ghế và bấy nhiêu cách lý giải về sự thành công hay thất bại của kẻ leo lên đó!

6 – Tác phẩm: Ai bảo tôi không làm được?

Câu chuyện ở đây rất hài hước. Anh chàng đứng trong xô, nghiến răng dùng cơ bắp đang cố gắng nhấc nổi mình lên, vẻ căng thẳng nhưng mù quáng, như muốn thề. Thề sẽ làm được.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng ở Sài Gòn khi xem tượng trên có liên tưởng đến nhà điêu khắc thiên tài người Pháp A. Rodin (1840-1917) có tác phẩm bằng đồng với ý tưởng: người thanh niên nắm tóc mình cố gắng nhấc thân người khỏi mặt đất – tất nhiên không thành!

Đúng là có ý tưởng tương đồng, nhưng tìm được hình thức thể hiện khác thì phải coi đó cũng là sáng tạo. Ở đây Vương Duy Biên chọn anh chàng cơ bắp nắm chặt cái quai xô muốn nhấc mình lên, khi bản thân anh ta đứng trong xô. Một cách lý giải thích thú hơn. Đây là anh chàng đầu đất thô kệch. Việc ngớ ngẩn này cảnh tỉnh cho rất nhiều chuyện hài trong cuộc sống. Tôi nghĩ ý tưởng nắm tóc định tự nâng mình lên chẳng phải là vùng cấm. Vì cách thể hiện “Tôi sẽ làm được” tạo hình đâu có gần nhau.

7 - Tôi chỉ lẩy ra sáu bức tượng mà anh đã làm và cuối cùng, bức thứ bảy là “Hãy mở cả ra” như là sự đòi hỏi trước thực tại cuộc sống: Đó là những chiếc khóa to bé rải rác đó đây đã được mở ra. Đó là tiếng nói khẩn thiết cho hai chữ tự do, của khát vọng sống và sáng tạo!

Ai cũng biết luật pháp như những chiếc khóa cần thiết để giới hạn hành vi con người, giữ cho cuộc sống bình ổn. Nhưng luật pháp cũng là thứ mở ra cho sự bình yên, ổn định. Mở thế nào cho đủ, là việc của những nhà chính trị, những nhà làm luật, còn người nghệ sĩ thì chỉ nói ước vọng của mình thôi. Cụm tượng hãy mở những ổ khóa là tiếng nói thống thiết của lương tâm của người nghệ sĩ. Mở hết khóa ra đâu có phải đòi hỏi quá đáng mà nó chỉ là câu chuyện nhân văn về quyền con người, quyền làm người. Còn trong đời sống cá nhân sự cởi mở chỉ mang đến điều hay. Chả phải dân gian đã có câu “Xởi lởi trời cởi cho/ So đo trời co lại” đó sao!

30-10-2017

Vĩ thanh: Tôi ước một ngày nào đó những tác phẩm này được để ở những công viên văn hóa, ở những quảng trường đi dạo. Nó là những phản biện sắc nét làm cho mỗi người có thể rút ra cho mình nhưng suy ngẫm nhân văn trong cuộc sống mỗi khi xem tượng. Những bức tượng không để mua vui, mà là trí tuệ sắc sảo chỉ ra những chân trời mới cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

31.10/2017


   

Nhà điêu khắc Vương Duy Biên

 

Giờ ra chơi

 

Chiếc ghế đang chìm

 

Kéo cưa lừa xẻ

 

Chum kinh nghiệm

 

Mãn nguyện

 

Ai bảo tôi không làm được?

 

Hãy mở cả ra