Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Nhớ Trần Dần

 Nguyễn Quang Lập

Anh mất ngày 17.1 mà giờ mới nhớ, đúng là càng già càng lú.

*******

Hồi bé chẳng biết gì về anh, chỉ nghe anh Thắng, ông anh trai mình, nhắc đi nhắc lại câu thơ phản động của Trần Dần: Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Nghĩ mãi không hiểu vì sao lại phản động. Hỏi anh Thắng, anh mắng, ngu! Mày không thấy câu mưa sa trên màu cờ đỏ là phản động à?

Vẫn không hiểu, không thấy. Ai bảo treo cờ giữa trời, có nắng chiếu thì có mưa sa chứ, không lẽ khi nào nắng chiếu thì cách mạng, còn mưa sa thì phản động à? Giả sử mưa sa xuống cờ là phản động thì mưa phản động chứ bác Trần Dần phản động à?

Anh Thắng cú cho một cái, nói, mày ngu lắm em ơi! Nói trong nhà thì được, ra ngoài đường nói người ta bắt đấy.

Không ngờ ba chục năm sau lại gặp anh, gặp nhiều lần, lần nào cũng anh Phùng Quán đưa đến. Thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào anh, anh ừ rồi cúi xuống gầm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén, nói, uống đi.

Lần sau đến lại thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào anh, anh ừ rồi cúi xuống gầm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén, nói, uống đi.

Lần thứ sáu, thứ bảy vẫn thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào anh, anh ừ rồi cúi xuống gầm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén, nói, uống đi.

Nếu đến lần thứ một trăm chắc vẫn y xì như vậy.

Anh Phùng Quán nói, ba chục năm thế rồi, giật mình nhìn lên bức tường in bóng anh, bốn xung quanh tường úa vàng, riêng có hình anh ngồi dựa tường trắng nhởn. Bây giờ đất nước đổi mới, không biết thằng Vũ (họa sĩ Trần Vũ) có nhớ giữ lại cái hình ấy không, hay mải làm sắp đặt, quên, để thợ quét vôi đi rồi, uổng lắm.

Anh Quán vỗ vai mình, nói với anh, thằng này viết văn giỏi lắm anh. Anh hơi gật, nhìn mình như đâm lê rồi thủng thẳng nói, văn chương bây giờ thêm được một cái dấu phẩy cho thiên hạ là tốt rồi.

Chẳng biết mình có thêm được dấu phẩy không, nhưng nghe anh nói mà sợ.

Anh viết văn nắn nót còn hơn người ta viết chữ bằng khen, nét sổ thì đậm, nét đá thì mảnh, trăm chữ như một. Một ngày ròng rã, cật lực mới viết được một trang giấy học trò. Đó là may không viết hỏng chữ nào, chỉ cần hỏng một chữ, anh chép lại cả trang, lại một ngày trời ròng rã, cật lực. Thất kinh.

Mình nói, anh viết thế này thì đến bao giờ mới xong một cái truyện? Anh thủng thẳng nói, viết văn chứ có phải đi ăn cướp đâu. Làm cho nhanh làm gì.

Thời bao cấp Trần Dần hầu như không làm ra tiền. Anh Quán có viết văn chui, anh có dịch chui. Văn chương hồi đó rẻ hơn bèo, văn dịch lại càng bèo. Ấy là chưa kể làm chui thì thế nào cũng bị quịt, chuyện anh Phùng Quán, Trần Dần bị người ta cướp không tiền nhuận bút trước mặt, cười ướt nước mắt.

Bây giờ ai cũng mua được ít nhất chục chai rượu nấu Làng Vân, hồi đó các anh nhiều khi kiếm được nửa chai mắt đã sáng trưng.

Có anh chàng hải quan đến tán con gái anh Phùng Quán, nó để lên bàn gói ba số năm vuông, hút một điếu rồi ra về, giả đò quên để lại cho anh Quán. Anh Quán rút một điếu định bụng hút thử xem thuốc ba số ra làm sao. Vừa lúc Trần Dần đến, anh đập tay anh Quán phát, nói, ây ây ngu ngu.

Anh Quán tưởng anh Trần Dân mắng cho là ham của nhà giàu, ai ngờ anh cầm gói thuốc nhét túi, nói, đang thiếu rượu lại đi hút thuốc này, có phí không.

Hai anh em ra quán đổi gói ba số vuông được một lít rượu trắng, lại được bà chủ cho nợ thêm một xâu nem, ngồi chén chú chén anh say sưa suốt một buổi chiều, say lên còn tranh nhau ca ngợi đất nước.

Không mấy khi thấy anh cười, cười to càng không. Chỉ duy nhất một lần nhắc đến Người người lớp lớp[*], anh Quán nói, thằng Lập phản động lắm anh. Anh hỏi sao, anh Quán nói, nó bảo pháo chèn Tô Vĩnh Diện chứ không phải Tô Vĩnh Diện chèn pháo.

Anh ngồi yên hồi lâu rồi hơ hơ, ngừng vài giây sau lại hơ hơ, vài giây sau nữa mới hơ hơ hơ thành một tràng, vỗ tay đánh bốp kêu to: Hay! Giỏi! Thông minh!

Thơ Trần Dần mình đọc nhiều nhưng không thuộc, chỉ nhớ hoài tiếng cười hơ hơ hơ của anh, nhớ đến chết không quên.

Linh Đàm 2004


[*] Tiểu thuyết của Trần Dần, 1954.