Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (18)

 Thụy Khuê

Chương 9

Đạo Gia-Tô dưới thời Võ Vương, Định Vương và nhà Tây Sơn

clip_image002

 

Trong chương tám, chúng tôi đã trình bày việc truyền giáo ở Đại Việt, dưới thời chúa Trịnh Tạc (1657-1682) ở Đàng Ngoài, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635) và chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) ở Đàng Trong.

Dụ cấm đạo của chúa Trịnh Tráng (1623-1657) năm Canh Dần 1650, nay không còn dấu vết, là sắc lệnh cấm đạo đầu tiên của Việt Nam trả lời nghị quyết cấm Nghi lễ của Vatican, ra đời 5 năm trước, 1645, được lập lại nhiều lần dưới thời các giáo hoàng kế tiếp nhau:

- 1645: Giáo hoàng Inocent X (1644-1655).

- 1656: Giáo hoàng Alexandre VII (1655-1667).

- 1669: Clément IX (1667-1669).

- Clément X (1670-1676) kế vị Clément IX, xác định lại lần nữa: cấm Nghi lễ.

- 19-3-1715, Clément XI (1700-1721) ban hành nghị định Ex illa die , tuyệt đối cấm Nghi lễ.

Vì nghị định này mà Khang Hy ra sắc lệnh: Triệt để cấm đạo ngày 17-5-1717.

- Ngày 11-7-1742, Giáo hoàng Benoit XIV (1740-1758) ban hành giáo lệnh Ex quo singulari providentia tuyệt đối cấm Nghi lễ Trung Hoa và Ấn Độ.

Việc cấm Nghi lễ của Tòa Thánh, như chúng tôi đã trình bày, không chỉ nhằm buộc (giáo dân) phải bỏ mê tín dị đoan, sùng bái thánh thần, tôn thờ ma quỷ, hầu đồng múa bóng... Những việc này các vua nước ta cũng cấm, và được ghi trong các dụ về giáo dục của Quang Trung, Gia Long, Minh Mạng... Việc cấm Nghi lễ của các giáo hoàng ở đây, là bắt giáo dân từ bỏ nền giáo dục phương Đông, dựa trên nguồn gốc Tam giáo: Phật, Khổng, Lão, và Thờ cúng tổ tiên, mà Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử là ba nhà tư tưởng chính.

Vì vậy, việc cấm đạo là để trả lời lệnh cấm Nghi lễ của Vatican, tuy nhiên, trên thực tế, chúa Trịnh Tráng vẫn để cho đạo Gia-Tô phát triển rộng rãi ở miền Bắc từ năm 1631 đến 1660. Chúa Trịnh Tạc (1657-1682) lên ngôi, ra hai dụ cấm đạo 1664 1669, chứng tỏ ông biết rõ nội dung của việc cấm Nghi lễ, được Hội Thừa Sai Paris áp dụng từ năm 1662; vì trước đó, các giáo sĩ Dòng Tên Bồ và Ý, không theo lệnh cấm Nghi lễ của Vatican, vẫn cho con chiên được phép thờ cúng tổ tiên.

Ở Đàng Trong, có một thời điểm việc cấm đạo nghiêm ngặt hơn các thời khác: đó là năm 1639 chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648) ra lệnh trục xuất tất cả các giáo sĩ về Macao, sự kiện này có thể liên quan đến cuộc nổi loạn Shimabara (1637-1638), đòi tự do tôn giáo ở Nhật. Nhưng cũng có thời kỳ chúa Hiền Nguyễn Phước Tần đặc biệt khoan nhượng, cho phép đạo Chúa được tự do truyền giảng, kéo dài 23 năm (1676-1699).

Nghị quyết cấm Nghi lễ của Vatican còn đưa đến sự chống đối của một số giáo sĩ trong Hội Thừa Sai Paris, và họ đã bị đầu độc trong những điều kiên đen tối.

Nhưng tiêu biểu nhất là việc linh mục Lữ Y Đoan công bố tác phẩm Sấm Truyền Ca (1670) tức Thánh Kinh Cựu Ước viết thành thơ Nôm theo truyền thống tư tưởng Đông phương, và ông bị đầu độc chết năm 1678. Đây là hành động phản kháng Thánh Kinh, can đảm và sâu rộng nhất trong văn chương. (xem chương 8, phần II, III và IV).

Quốc chúa Nguyễn Phước Chu cấm đạo

Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần trị vì 39 năm, qua đời năm 1687. Chúa Ngãi Nguyễn Phước Thái[1] nối nghiệp (1687-1691), trị vì 4 năm, không ra sắc lệnh nào liên quan đến đạo Gia-Tô. Minh Vương Nguyễn Phước Chu (1691-1725) tức Quốc chúa[2], ở ngôi 34 năm, trở lại việc cấm đạo, năm 1699.

Đại Nam Thực Lục Tiền Biên ghi:

Tháng 10 năm Kỷ Mão (1699) [Nguyễn Phước Chu] “Sai Gia Định tra bắt người theo đạo Hoa Lang. Phàm người Tây phương đến ở lẫn [với dân chúng] đều đuổi về nước”"[3].

Lê Quý Đôn viết:

"Năm thứ 19, mậu dần [1698], [Nguyễn Phước Chu] sai Chưởng cơ Thành lễ hầu đem quân đi đánh nước Cao Miên, lấy đất Đồng Nai mầu mỡ đặt làm hai huyện Phước Long và Tân Bình, phủ Gia Định, lập hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn; mở đất nghìn dặm, được hơn bốn vạn bộ. Năm thứ 20, kỷ mão [1699], tra bắt người truyền đạo Hoa Lang, ở trong hai xứ, đuổi đi hết"[4].

Đây là sắc lệnh đầu tiên, đánh dấu sự trở lại việc cấm đạo ở Đàng Trong.

Đạo Hoa Lang (phiên âm từ chữ Hollande) là đạo của người Hòa Lan. Người xưa không rõ nguốn gốc đạo Chúa ở đâu, cho nên khi thì gọi là đạo của người Bồ, khi thì gọi đạo của người Hoà Lan (Hoa Lang), về sau mới phiên âm chữ Jésus thành Gia-Tô, nên gọi là đạo Gia-Tô. Sau này người ta phiên âm chữ Christ thành Ky-Tô.

Theo Lê Quý Đôn, trong dụ cấm đạo này, Quốc Chúa chỉ sai bắt những người đi truyền đạo, tức là các giáo sĩ ngoại quốc ở trong hai xứ Trấn Biên và Phiên Trấn đuổi đi. Việc này có thể hiểu là chúa đang bình định những vùng đất mới chiếm của Cao Miên, nên phải phòng ngừa, ra lệnh đuổi các giáo sĩ, tức là những người ngoại quốc có mặt trên vùng đất này.

Việc cấm đạo dưới thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát

Quốc chúa Nguyễn Phước Chu qua đời, chúa Nguyễn Phước Trú hay Chú (1725-1738) kế vị, trị vì 13 năm, không thấy ghi nhận gì về việc cấm đạo. Nhưng khi Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) lên cầm quyền, ở ngôi 27 năm, việc cấm đạo trở lại. Võ Vương là người có tham vọng lớn, tự xưng vương, thay đổi việc nội trị, cải cách y phục cho khác với Đàng Ngoài, muốn xây dựng miền Nam thành một nước độc lập với miền Bắc, việc cấm đạo ở trong chương trình thanh lọc này.

Nhưng chúng tôi không tìm thấy sắc lệnh cấm đạo của Võ Vương để biết những điều luật chính thức đã được ban hành, phải nhờ sắc lệnh của Định Vương phóng thích những người bị bắt và bị bỏ tù năm 1749 dưới thời Võ Vương, ta mới rõ (xem ở dưới). Hiện chỉ còn hai loại tài liệu sau đây:

1- Tài liệu ngoài luồng: Tài liệu duy nhất nói đến sắc lệnh của Võ Vương là cuốn sách: Sử Ký Đại Nam Việt[5],do Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, in năm 1974 tại Sài Gòn, tái bản tại Montréal năm 1986. Trong lời nói đầu, Nguyễn Khắc Ngữ cho biết đã tìm thấy bản Sử Ký Đại Nam Việt do nhà dòng Tân Định in lần thứ năm, năm 1909. Vậy sách này phải ra đời nhiều năm trước đó, và được nhà dòng in, tất tác giả là người công giáo, hoặc linh mục, ông gọi Tây Sơn là nhà ngụy: Ngụy Tây Sơn (1788-1802)[6].

Đây là cuốn sử không chính thống, lời lẽ thiên vị Nguyễn Ánh, coi Tây Sơn là giặc, cướp, và viết nhiều thông tin sai lầm về chúa Trịnh và nhà Tây Sơn[7], tác giả lại ghét Võ Vương, vì thế cần phải thận trọng khi dùng. Ở đây, chúng tôi chỉ chú ý đến những điều Sử Ký Đại Nam Việt viết về việc cấm đạo, dưới thời Võ Vương. Trong chương 2, tựa đề: Vua bắt đạo thế nào? Sử Ký Đại Nam Việt viết như sau:

“Ông ấy [Võ Vương] lại ghét đạo cách riêng, nên đã cấm đạo thái [quá]nghiêm. Các thầy cả, bất luận Tây Nam [Tây hay Việt] đều phải ẩn mình kỹ lắm. Các nhà thờ đã phải triệt hạ hết. Các bổn đạo không dám hiệp lại đọc kinh, xem lễ nữa. Vì các quan thấy ai có đạo, thì bắt khoá quá xuất giáo [bỏ đạo][8] cùng lạy ma quỷ bụt thần, bằng chẳng chịu thì phải bao phong gia tài, cùng phải đòn hay là bỏ vào ngục. Song chẳng luận xử tử mấy người vì đạo; có năm ba người chẳng chịu bỏ đạo thì dạy [sai] giam cho chết đói, còn kẻ khác thì phải khảo trượng hay là làm nô tỳ trọn đời [thực ra là đi lính]. Vậy những kẻ đã phải luận thể [kết tội] vì đạo, thì chẳng có bao nhiêu, song những kẻ khoá quá xuất giáo thì nhiều hơn bội phần. Cũng có nhiều kẻ khi đầu thì ra dấu sốt sắng sẵn lòng chịu khó vì đạo; dầu quan nói làm sao, hay là tra khảo thể nào, cũng chẳng chịu bỏ đạo. Nhưng mà bởi chẳng chém tức thì, mà lại phải nhiều sự khổ sở lâu dài, thì dần dần ngã lòng mà xuất giáo.”[9]

Sử Ký Đại Nam Việt cho biết khá tường tận, theo cách nhìn của tác giả, về chính sách cấm đạo dưới thời Võ Vương: Các giáo sĩ phải đi trốn. Nhà thờ bị triệt hạ. Giáo dân phải bỏ đạo, bị bắt buộc phải lạy Thần, Phật, nếu không tuân lệnh, thì bị phong toả tài sản, hoặc bị đánh, hay bị giam, nhưng không xử tử.

Riêng chi tiết: “có năm ba người chẳng chịu bỏ đạo thì dạy [sai] giam cho chết đói, còn kẻ khác thì phải khảo trượng hay là làm nô tỳ trọn đời” so với Sắc lệnh của Định Vương, in dưới đây, thì rất khác, bởi vì theo sắc lệnh này, những người “không chịu thề bỏ đạo và đạp chân lên hình Giê-su, thì bị xử phạt phải đi cắt cỏ cho voi ăn, hay chung thân nô dịch làm lính”.

2- Tài liệu chính thức: Sắc lệnh phóng thích những người bị tù thời Võ Vương năm 1749 của Định Vương Nguyễn Phước Thuần, là tài liệu chính thức, lời lẽ nghiêm chỉnh và khách quan hơn. Nhưng trước hết, xin nhắc lại bối cảnh ra đời của sắc lệnh phóng thích này:

Sau khi Võ Vương mất (1765), nhà Nguyễn bắt đầu suy: Trương Phước Loan chuyên quyền phế di chúc[10], lập con trai thứ 16 của Võ Vương, là Nguyễn Phước Thuần (1765-1777), 11 tuổi lên kế vị, tức Định Vương. Năm 1771, Tây Sơn dấy nghiệp, 1773 chiếm Qui Nhơn, Quảng Ngãi và Phú Yên. Tháng 6 và 7 năm 1774, Trịnh Sâm mượn cớ dẹp Trương Phước Loan, sai Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh đánh xuống. Triều Nguyễn lừa bắt Trương Phước Loan đem nộp. Hoàng Ngũ Phúc vẫn chiếm Phú Xuân. Tháng 2-1775, triều đình chạy vào Quảng Nam. Định Vương lúc đó 21 tuổi.

Tình hình đạo Gia-Tô lúc bấy giờ rất khả quan, Sử Ký Đại Nam Việt viết:

“Các bổn đạo cũng đặng nhờ hơn nữa, vì quan trấn xứ Dinh Cát, xứ Quảng Nam và Huế có đạo; lại quan đại tướng quân, gọi là quan Quốc Lão [Hoàng Ngũ Phúc], cai các quân Đàng Ngoài, cũng có đạo nữa. Ông ấy [Hoàng Ngũ Phúc] quen ở trong thành Hội Yên; còn các xứ khác, từ Huế cho đến gần Đồng Nai, thì thuộc về quân Tây Sơn hết.”[11]

Theo lời tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, thì Hoàng Ngũ Phúc theo đạo Gia-Tô. Các quan trấn thủ Dinh Cát [Đà Nẵng], Quảng Nam và Huế của chúa Nguyễn lúc đó cũng theo đạo. Mà từ Huế đến Đồng Nai đã bị Tây Sơn chiếm, và như ta sẽ thấy, nhà Tây Sơn cũng theo đạo, cho nên có thể nói miền Trung và miền Nam có nhiều người theo đạo hoặc có cảm tình với đạo Gia-Tô.

Ngày 22-4-1774, trước khi Hoàng Ngũ Phúc đánh Phú Xuân, Định Vương Nguyễn Phước Thuần, ra sắc lệnh ân xá cho những người công giáo bị tội, bị bắt giam từ năm 1749, là một hành động chính trị khéo léo: trong lúc nguy khốn, bị kẹp giữa hai đầu: trên Hoàng Ngũ Phúc đánh xuống, dưới Tây Sơn đánh lên, nhà Nguyễn lúc ấy cần lấy lòng giáo dân, một thành phần đông đảo ở Đàng Trong lúc bấy giờ.

Sắc lệnh phóng thích này rất quan trọng, nay không còn bản chính (chữ Nôm hoặc chữ Hán), nhưng đã được dịch sang tiếng Pháp, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, của Launay, tập III, trang 56. Chúng tôi dịch (lại) sắc lệnh này sang tiếng Việt dưới đây, như vậy là dịch đi dịch lại hai lần, thế nào cũng sai sót, mong rằng sau này sẽ tìm được bản chính, bởi đây là một văn bản quan trọng, cho thấy trong những năm cuối cùng, vì tình trạng khẩn cấp, triều đình chúa Nguyễn đã áp dụng một chính sách nhân nhượng với Công giáo, để mong sự trợ giúp của các tín đồ. Và sắc lệnh này đã có giá trị lâu dài, khiến giáo dân và giáo sĩ tiếp tục phò trợ nhà Nguyễn cho đến hết đời Gia Long.

Sắc lệnh phóng thích của Định Vương Nguyễn Phước Thuần

Ngày 22 tháng 4-1774

“Tôi ký tên dưới đây là Bo-sinh [Bố sinh], bí thư Văn phòng hoàng gia và Hội đồng hoàng gia, theo lệnh chúa, bố cáo cho tất cả thần dân biết những mệnh lệnh sau đây:

Đó là:

Chúa Thượng ban lệnh đại xá và tự do theo Công giáo, cho tất cả mọi người trước đây bị xử phạt phải đi cắt cỏ cho voi ăn, hay chung thân nô dịch làm lính, bởi vì không chịu thề bỏ đạo và đạp chân lên hình Giê-su. Chúa Thượng ra lệnh, sau khi sắc lệnh này được công bố, tất cả các quan, trấn thủ các tỉnh và các quan khác, phải trả tự do cho những người nói trên và để họ bình yên hành đạo.

Ra lệnh cho Hội đồng hoàng gia gửi ngay sắc lệnh này cho tất cả các quan, trấn thủ các tỉnh và các quan khác, để công bố ở khắp các làng, xóm tỉnh thành trong nước, cho tất cả thần dân đều biết.

Ra lệnh cho những quan ấy, trấn thủ các tỉnh và các quan khác, phải lấy một danh sách chính xác tất cả những người công giáo bị kết tội trên đây vì đạo của họ, và phải đệ trình danh sách này lên Hội đồng hoàng gia trong một thời gian ngắn để chứng minh lệnh đã được thi hành, và sau cùng, những người công giáo, sau khi được thả, phải đến trình diện trước Hội đồng hoàng gia để tạ ơn lớn lao của Chúa Thượng và để ngài thấy rằng những quan, trấn thủ các tỉnh và các quan khác, đã lập tức thi hành sắc lệnh này, đưọc đọc và niêm yết khắp nơi trong xứ.

Làm ngày 12, tuần trăng thứ ba, năm Ngọ (tức ngày 22 tháng 4 năm 1774)”

Văn bản này, vì quan trọng nên được dịch sang tiếng Pháp và tiếng La-tinh, in trong tài liệu: A.M.E. Vol.745, p 695 (traduction en latin), p.697 (traduction en français) - Bullet. de l'Ec. franc. d'Ex. Or., 1912, tom. XII, fasc.7, p. 3), sau được Launay sưu tầm và in lại trong sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, của Launay, tập III, trang 56.

Edit de Libération

(22 Avril 1774 )

“Je soussigné Bo-Sinh, secrétaire de la Chambre royale et du Conseil souverain, de la part du roi, fais savoir à tous les sujets du royaume les ordres suivants:

A savoir:

Que Sa Majesté accorde un pardon général, et le libre exercice de la religion chrétienne, à tous ceux qui ci-devant ont été condamnés à couper l'herbe aux éléphants, ou à l'esclavage perpétuel en qualité de soldats dans les armées, pour n'avoir pas voulu abjurer leur religion et fouler au pied l'image de Jésus-Christ. Ordonne Sa Majesté, qu'après la publication de la présente ordonnance, tous les mandarins, gouverneurs de provinces et autres, aient à rendre la liberté aux ci-dessus nommés, et à leur laisser professer en paix leur religion.

Ordonne à son Conseil souverain d'envoyer aussitôt cet ordre à tous les mandarins, gouverneurs de provinces et autres, afin qu'il soit publié dans toutes les villes et villages de ses Etats, et que par là la connaissance en vienne à tous ses sujets.

Ordonne que tous les dits mandarins, gouverneurs de provinces et autres, prennent une liste exacte de tous les chrétiens ci-devant punis pour leur religion, et aient à la lui présenté en peu de temps pour lui certifier l'exécution de ses ordres; qu'enfin les susdits chrétiens, après leur délivrance, aient à se présenter au Conseil souverain pour rendre grâce à Sa Majesté un si grand bienfait, et afin qu'il constate par là que les mandarins, gouverneurs de provinces et autres, ont exécuté sans délai le présent ordre qui sera lu et publié partout dans ce royaume.

Le 12 de la troisième lune de l'année du Cheval (c'est-à-dire le 22 Avril 1774)”.[12]

Sắc lệnh phóng thích ký ngày 22-4-1774, khi Định Vương và triều đình vẫn còn ở Huế. Nội dung chính của sắc lệnh:

Chúa Thượng ban lệnh đại xá và tự do theo Công giáo, cho tất cả mọi người trước đây bị xử phạt phải đi cắt cỏ cho voi ăn, hay chung thân nô dịch làm lính, bởi vì không chịu thề bỏ đạo và đạp chân lên hình Giê-su.

Như vậy, ta có thể hiểu rằng: những người công giáo nào không chịu thề bỏ đạo và đạp chân lên hình Giê-su, thì bị bắt đi cắt cỏ cho voi ăn, hay chung thân nô dịch làm lính.

Đến tháng 1-1775, quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu chiếm được Phú Xuân, phải chạy vào Quảng Nam. Tháng 2-1775, Định Vương lập cháu là Nguyễn Phước Dương (con trai oàng tử thứ chín, tức thế tử Phước Hiệu, đã chết) làm thế tử, giao cho ở lại giữ Quảng Nam, rồi cùng cháu là Nguyễn Phước Ánh, con Nguyễn Phước Luân[13],13 tuổi, chạy vào Gia Định.

Tại Gia Định, lại có một lá đơn xin phóng thích những giáo dân bị bắt tù từ năm 1749, thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát, nội dung như sau:

Đơn xin phóng thích

“Trưởng giáo Tây phương Sai-Oai [Xavier?] quỳ vái trăm lạy Thánh thượng, đệ trình đơn thỉnh nguyện về vấn đề sau đây:

Công giáo của chúng tôi đã được truyền bá từ nhiều năm trước và không có mục đích nào khác ngoài việc dạy con người sửa đổi tâm tính, để phụng sự Trời, và không hề có ý xuyên tạc những điều giáo huấn do những thế hệ đi trước truyền lại.

Chúa trước [Võ Vương] đã ra lệnh cấm đạo và bắt giáo đồ phải đi cắt cỏ cho voi ăn, hoặc làm [khổ] dịch trên tầu.

Tháng 3 năm Giáp ngọ [tức tháng 4-1774], ân huệ cao dầy đã đại xá cho tất cả những người này.

Hôm nay, Chúa thượng [Định Vương] đến Gia Định, mọi sự đảo ngược, 10.000 sinh linh được hưởng ơn mưa móc của ngài.

Chúng tôi dám cầu xin Chúa thượng chiếu theo luật Trời Đất ban phúc lành, đối xử với chúng tôi như một người cha đối với các con và mở lượng khoan hồng xá tội cho Công giáo để chúng tôi được hưởng phúc lành của ngài.

Thành thật run rẩy, thành thật sợ hãi, phủ phục chờ thánh chỉ.

Chúng tôi dịch Đơn xin phóng thích trên đây theo bản Pháp văn, in trong cuốn Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 55, nguyên văn như sau:

Demande de libération

A.P. Scritt. Cong. part. Cina 1777-1779, p.53

“Le maître du grand Occident Sai-Oai (Xavier?), se prosternant et saluant cent fois, présente cette requête sur le sujet suivant:

Notre religion catholique s'est propagée déjà depuis bien des années et n'a d'autre but que d'enseigner aux hommes à rectifier leur cœur, et de servir le Ciel de cette manière; elle n'oserait en aucune façon déformer les enseignements transmis par les générations antérieures.

Par ordre du roi précédent, elle était interdite, et on employait ses adeptes à couper de l'herbe pour les éléphants et faire le service sur les bateaux.

Au 3e mois de l'année giap-ngo (1744), par une auguste faveur, l'amnistie a été proclamée pour tous ces hommes.

Aujourd'hui que Sa Majesté se rend à Gia Đinh, tout est renversé, et les 10.000 êtres profitent de la rosée de ses bienfaits.

Nous osons prier Sa Majesté de se conformer aux intentions du Ciel et de la Terre en faisant descendre ses bienfaits et en nous traitant comme un père traite ses enfants, et de pardonner généreusement à notre religion chrétienne, en sorte que nous profitions de vos bienfaits.

Sincèrement tremblant, sincèrement craintif, j'attends prosterné le saint Edit.”[14]

Đơn xin phóng thích này viết sau Sắc lệnh phóng thích (22-4-1774) khoảng một năm, khi Định Vương đã chạy vào Gia Định, với mục đích xin chúa áp dụng sắc lệnh phóng thích đã ban hành ngày 22- 4-1774 ở Phú Xuân cho 10.000 giáo dân đang sống ở Gia Định.

Nguyễn Huệ đánh Gia Định lần thứ nhất, trong tháng 9-10/1777: Định Vương, Tân Chính Vương[15] và Tôn Thất Đồng[16] đều bị giết, chỉ một mình Nguyễn Ánh sống sót, trốn ra Côn Lôn, rồi Phú Quốc.

Tuy vậy, Sắc lệnh phóng thích (22-4-1774) của Định Vương có giá trị lâu dài sau đó, trong suốt thời kỳ Nguyễn Ánh bôn ba chạy trốn Nguyễn Huệ, đến lúc thành công, lên ngôi Vương. Và trong cả thời kỳ Nguyễn Vương tranh chấp với Cảnh Thịnh (Quang Toản), nhà Nguyễn vẫn giữ chính sách khoan hồng này đối với đạo Gia-Tô. Nhà Tây Sơn cũng không cấm đạo, và trong triều đình Tây Sơn còn có nhiều người theo đạo, như ta sẽ thấy ở dưới.

Tóm lại, trong giai đoạn lịch sử nhiễu nhương nhất: từ khi nhà Nguyễn suy vi, nhà Tây Sơn nổi dậy tiêu diệt họ Nguyễn và họ Trịnh, Quang Trung đại phá quân Thanh, Gia Long thống nhất đất nước, đạo Gia-Tô được hưởng một giai đoạn truyền bá yên bình.

Nhà Tây Sơn theo đạo Gia Tô

Có ba điểm cho phép ta xác định nhà Tây Sơn theo đạo Gia-Tô:

1- Trong thư giáo sĩ Faulet viết tại Cam-bốt ngày 6-7-1778 gửi giáo sĩ Steiner, có đoạn sau đây cho biết Nguyễn Nhạc theo đạo Gia-Tô:

“Chiến tranh Nam Hà không có cơ chấm dứt. Hiện nay người ta báo cho tôi biết bọn phản loạn [Tây Sơn] đã chiếm Sa-Đéc, trên con sông [Tiền Giang], gần biên giới Cam-Bốt; chúng bao vây vua chính thức [Nguyễn Ánh] bạn lớn của Đức Ông [Bá Đa Lộc] trong thành Sài Gòn; chúng có tất cả lực lượng võ trang trong tay, đúng là dân chúng ghê tởm bọn chúng. Thủ lãnh của bọn – được gọi là Tây Sơn – này ở Quy Nhơn, một tỉnh ở giữa Nam Hà, y tự xưng làm vua và y theo đạo Gia Tô, tên là Paul Nhạc, mẹ y tuyên bố công khai theo đạo. Người ta nói y là con một kẻ đã từng trông nom nhà thờ và đồ lễ (un ancien sacristain) trong một giáo đường ở vùng này. Nếu y chiếm được cả đất Nam Hà, từ Huế tới đây – điều đó rất có thể xảy ra – tôi không biết phải làm sao để nghe các quan [Tây Sơn] xưng tội, điều mà từ trước đến nay chúng ta vẫn từ chối.”[17].

Những lời này của Faulet cho biết: mặc dù Nguyễn Nhạc và mẹ theo đạo Gia-Tô, các thừa sai Pháp vẫn từ chối không chịu làm lễ xưng tội cho các quan nhà Tây Sơn, điều này phản ánh việc các thừa sai theo chúa Nguyễn, từ khi Định Vương ra sắc lệnh phóng thích 1774.

2- John Barrow (1764-1848), là nhà thám hiểm, quản trị và ngoại giao Anh, đi qua và dừng lại ở Đà Nẵng, dưới triều vua Cảnh Thịnh, năm 1793. Bốn năm sau, ông viết cuốn hồi ký tựa đề A voyage to Cochinchina... Trong chương XI sách này, ông nhận xét về ba anh em Tây Sơn:

“Người lái buôn [Nguyễn Nhạc] xa xỉ trong tiệc tùng, lễ hội, pháo bông. Ông tướng [Nguyễn Huệ] thu phục quân đội và ông thầy tu [Nguyễn Lữ] có tiếng nói của bọn giáo phái”[18].

Đáng chú ý là câu chót: “ông thầy tu [Nguyễn Lữ] có tiếng nói của bọn giáo phái”, nếu để cạnh thông tin của giáo sĩ Faulet trên việc gia đình Tây Sơn theo đạo, sẽ có tầm quan trọng riêng: Nguyễn Lữ có thể đã đi tu theo đạo của mẹ, từ lâu rồi, nên mới có cả một bọn giáo phái ủng hộ; đồng thời giải thích điều được nhiều chỗ nói: Nguyễn Lữ không thích đánh nhau, ra trận thường tìm cách rút lui, hoặc bỏ về Quy Nhơn trước.

3- Tác giả Sử Ký Đại Nam Việt cũng viết về việc đạo Gia-Tô được tự do truyền giảng trong vùng Tây Sơn chiếm đóng:

“Về sự đạo thì bằng yên, vì quân Tây Sơn chẳng lo đến việc đạo. Bà dì ông Thái Đức [Nguyễn Nhạc] thì có đạo và giúp nhiều việc cho thạnh sự đạo. Cũng có lẽ mà ngờ rằng mẹ ông ấy có đạo nữa. Bởi đó, các thầy giảng đạo, dầu Tây, dầu Nam, đi đâu hay làm việc gì, cũng không ai ngăn cấm”[19]

Vậy Sử Ký Đại Nam Việt cũng xác định: Dì và mẹ vua Thái Đức theo đạo. Và nhà Tây Sơn để cho các thầy tu người Âu và người Việt tự do giảng đạo trên vùng đất họ chiếm đóng.

Sắc lệnh bênh vực đạo Gia-Tô của nhà Tây Sơn

Dưới đây là hình chụp bản dịch sắc lệnh tháng 12-1783 của nhà Tây Sơn bênh vực đạo Gia- Tô sang tiếng La-tinh. Đây cũng là một văn bản quan trọng, chúng tôi dùng Google để dịch sang tiếng Pháp, và dịch từ bản tiếng Pháp này sang tiếng Việt.

Sắc lệnh này được ban hành tháng 12-1783, là giai đoạn Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ vào đánh Gia Định lần thứ ba, từ tháng 2-1783 đến cuối năm 1783: quân Nguyễn thua to.

Khoảng tháng 12-1783, xuất hiện một Sắc lệnh của nhà Tây Sơn bênh vực đạo Gia-Tô, do André Tôn dịch sang tiếng La-tinh. Bản dịch này được Launay in lại dưới tựa tiếng Pháp: Edit des Tây Sơn en faveur de la religion chrétienne (Sắc lệnh của nhà Tây Sơn bênh vực Công giáo) trong sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, quyển III, trang 82. Và trong chú thích số 1 ở cuối trang này, Launay cho biết: Bản dịch tiếng La-tinh này không đầy đủ, đã in trong sách Les Nouvelles des Miss. Orient. 1785 et 1786, phần thứ nhất, trang 50, dưới tựa đề: “Bản dịch đoạn hay nhất trong Sắc lệnh của Thủ Lãnh phản loạn ở Nam Hà [Tây Sơn] về chủ đề hai Cha người Tây Ban Nha, dòng Franciscain[20] và đạo Thiên Chúa.

Vậy sắc lệnh này, qua giọng văn, chắc do Nguyễn Huệ ban hành ở Gia Định, cuối năm 1783, sau khi đánh Gia Định lần thứ ba và trước khi quay về Quy Nhơn.

Dưới đây là bản chữ La-tinh do André Tôn dịch từ chữ Hán hay chữ Nôm:

 

Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 82

Chúng tôi dùng Google dịch sang tiếng Pháp, dưới đây:

“Instrument de justice des Tay-Son concernant la sainte religion, les chrétiens et les révérends Pères

Notre peuple, qui en suivant les Européens observe attentivement une certaine religion qu’ils pensent avoir découverte comme étant vraie et fondée uniquement sur Jésus, se réunit dans des églises publiques pour écouter les enseignements. Si l’on examinait cette affaire en profondeur, elle nous étonnerait davantage. En effet, ils sculptent la statue d’un homme crucifié, affirmant qu’il souffre pour les péchés du monde. Ainsi, abhorrant les péchés, ils se tournent vers les murs et, de la manière qu’ils peuvent, implorent la rémission de leurs fautes. Hommes et femmes, s’ils ont péché, confessent librement tous leurs péchés. Ils sont très attachés à leur eau bénite, et unis si étroitement qu’ils ne se séparent jamais.

Leurs Pères ou maîtres, s’ils trouvent un lieu adéquat, y restent tranquillement en accueillant les chrétiens convertis, qui, amendés dans leur vie, affluent de partout pour faire pénitence auprès d’eux. Par ailleurs, autrefois, nous avons conduit une grande armée pour conquérir Con Trao. Une fois vaincus et dispersés dans différentes directions, leurs maîtres, pris de peur, s’enfuirent à Tuc-ia-mao Huc, où nous les avons capturés et ramenés pour être interrogés. Mais après un examen minutieux, ne trouvant aucun soupçon de rébellion chez eux, nous les avons gracieusement relâchés.

Quant à Cha Xuyen, qui, en suivant la religion païenne avec flatterie, avait adopté la religion “Thop ac” [thap ac] (ainsi appellent-ils la sainte religion) pour pouvoir se marier avec Me Lanh, une chrétienne fidèle à sa religion, il l’a ensuite reniée après avoir changé de cœur. Lorsque cette affaire fut rapportée aux chrétiens, il fut jugé qu’ils devaient être séparés. Par conséquent, rempli de colère, il accusa les chrétiens en guise de vengeance. Sur cette question, il est maintenant manifeste, comme cela ressort des interrogatoires, que les chrétiens ne s’associent plus avec “Thao”.

Quant à leurs instruments concernant leur religion, puisqu’ils sont lus comme des fables racontées dans les rues, composant la paix, nous avons suspendu tout examen. Mais si Cha Xuyen et Me Lanh souhaitent ou non se marier, cela leur est libre. Quant aux chrétiens, s’ils aiment encore leur religion, qu’ils la conservent, car elle est vraie et non fausse. Si elle était fausse, nous ne l’aurions certainement pas tolérée.

Donné en l’année 1783, au mois de décembre, à la cour de Sai-gon.”

Và chúng tôi dịch từ bản tiếng Pháp này (của Google) sang tiếng Việt:

“Văn kiện của Tây Sơn phán đoán đạo Thánh, người công giáo và các cha cố

Dân ta, theo người Tây phương, gia nhập vào một đạo nọ mà họ tin là chân thật, dựa trên Giê-su, tụ họp ở các nhà thờ để nghe giảng đạo. Nếu xét kỹ việc này, ta càng ngạc nhiên hơn nữa. Thực vậy, họ khắc tượng một người bị đóng đinh trên thập tự, và bảo rằng ông ta chịu đau khổ cho tội lỗi của loài người. Như ghê tởm tội ác, họ quay mặt vào tường cầu khẩn xin tha thứ cho lỗi lầm của họ. Đàn ông cũng như đàn bà, nếu phạm tội, đều tự do xưng mọi tội lỗi. Họ rất gắn bó với nước thánh và đoàn kết chặt chẽ với nhau như chưa chia rẽ bao giờ.

Các cha cố tức là thầy của họ, nếu tìm được nơi thích hợp, lặng lẽ ở lại, đón tiếp những người công giáo cải đạo, trong đời đã bị trừng phạt, từ khắp nơi về bên các cha xin xám hối. Ngày trước, ta đã đem đại quân đến chinh phục Con Trao [chắc là Cao Cao, tức Hà Tiên] Bọn thầy của họ [các cha cố] sau khi [Nguyễn Ánh] thua trận, tan rã, sợ hãi, phân tán khắp nơi, trốn đến Tuc-ia-mao [?], ta đã bắt được và đem về tra hỏi. Nhưng sau khi tra vấn kỹ càng, không tìm thấy ở họ dấu ấn phản bội nào, ta đã ưu ái thả ra.

Còn về cha Xuyên, người này theo tà đạo, đã nhập đạo “Thập ác” (đạo thánh được gọi như thế) để có thể cưới Mẹ Lành, một người công giáo thuận thành, sau đó lại bỏ lấy người khác. Khi việc này đến tai người công giáo, y bị xử và hai người phải bỏ nhau. Vì thế y tức giận, buộc tội người công giáo để trả thù. Vấn đề này, bây giờ đã rõ ràng, cũng như sau khi tra hỏi, ta biết người công giáo không hợp tác với “Thao” nữa. [Thao có lẽ là tên mà Tây Sơn đặt cho Nguyễn Ánh, bị viết sai đi].

Còn về những kinh sách liên quan đến đạo của họ, được họ đọc như những bài hát xẩm về hoà bình, ta đã thôi không cho kiểm tra nữa. Nếu cha Xuyên và Mẹ Lành muốn cưới hay không cưới nhau thì cứ tự do. Riêng những người công giáo, nếu vẫn còn yêu thích đạo, thì cứ giữ, vì đạo này là đạo chân thực chứ không giả dối. Nếu giả, chắc chắn ta đã không cho phép truyền giảng.

Ban hành năm 1783, tháng 12, tại triều đình ở Sài Gòn.

Văn kiện phán đoán này rất độ lượng, không biết nguyên bản chữ Hán hay chữ Nôm, đặt tên là gì, được dịch sang chữ La-tinh là Instrumemtum justitiae, dịch sang chữ Pháp là Instrument de justice (Văn kiện phán đoán hay Văn kiện công lý) cũng khá mơ hồ; nhưng qua giọng văn ta có thể đoán chắc do Nguyễn Huệ viết hoặc sai viết. Nội dung văn kiện, chứng tỏ Nguyễn Huệ đã khảo sát đạo Chúa để tìm hiểu sâu hơn với con mắt cảm thông và rộng lượng, chú ý đến đời sống bình thường của người công giáo, và coi việc họ đọc kinh như nghe hát xẩm, vô hại. Sau khi điều tra thấy những người bị bắt ở Tuc-ia-mao (?) không theo Thao (?) (tạm hiểu là tên tục của Nguyễn Ánh) nên đã tha tội cho họ.

Trong thư viết bằng chữ La-tinh ngày 1-7-1784, gửi M. Descourvières, giáo sĩ André Tôn, (người dịch văn kiện trên đây sang chữ La-tinh) kể lại tình hình lúc bấy giờ:

"Nhờ ơn Thượng đế mà chúng tôi thoát nạn, bởi vì Thủ lãnh phiến loạn [Nguyễn Huệ] đã chiếm hoàng thành, gọi là Saigon, nhà vua [Nguyễn Ánh] thua trận và bị đuổi khỏi kinh thành, đức Giám mục [Bá Đa Lộc] cũng phải chạy trốn, lênh đênh trên biển cùng với bốn giáo sĩ, trong khi kẻ thù của vua đang truy lùng ngài. Ngày 15-8-1783, chúng bắt hai Cha Franciscain người Tây Ban Nha ở Cam bốt, trấn lột của cải; ba ngày sau chúng đưa về kinh thành Sài Gòn, để họ được tự do ở với những người công giáo”[21].

Vẫn trong thư gửi M. Descourvières trên đây, André Tôn kể lại chuyện hai cha Franciscain bị bắt ở Cam-Bốt cùng với các giáo sĩ và giáo dân, được đưa về Sa-Đéc ngày 2-5-1784, và cho tiếp tục giảng đạo[22].

Một thoại khác lại cho rằng hai cha Franciscain và Giám mục Bá Đa Lộc định vượt biển sang Phi Luật Tân cầu cứu, nhưng bị Tây Sơn bắt lại, rồi cũng được thả ra. Trong khi phe Nguyễn Ánh, vẫn tin rằng hai linh mục này bị giết.

Nhưng André Tôn và các giáo sĩ giải thích việc hai cha Franciscain được tha là do "phép lạ của Chúa Trời" chứ không nói đến sự khoan hồng đặc biệt của nhà Tây Sơn, đối với đạo của họ. Và các giáo sĩ vẫn tiếp tục loan tin như thế, về nhà Tây Sơn, một bọn "dã man, khát máu", đã tàn sát từ 10 đến 11 ngàn người Trung Hoa, năm 1782![23]

Giới giáo sĩ, vì theo Nguyễn Ánh, nên rất sợ và ghét Tây Sơn, đã loan những tin tức xuyên tạc về nhà Tây Sơn. Phần lớn bọn họ cũng không biết nhà Tây Sơn theo đạo Gia Tô.

Văn kiện bênh vực đạo Gia-Tô trên đây do Nguyễn Huệ ban hành, ra đời trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp và cũng là trường hợp hy hữu thứ hai, sau Định Vương Nguyễn Phước Thần, 1774, ra sắc lệnh bênh vực đạo Gia-Tô như thế, trên toàn đất Việt.

Tuy nhiên chính sách của Nguyễn Huệ, sau khi lên ngôi hoàng đế, khác trước: vua Quang Trung, hành động như một nguyên thủ quốc gia trị vì một nhà nước thế tục, không bênh vực đạo nào mà chủ trương hạn chế việc tu hành. Quan điểm của ông về tôn giáo, vừa độc đoán, vừa tân tiến, đi trước thời đại, được ghi rõ trong sắc lệnh dưới đây.

Sắc lệnh của vua Quang Trung giới hạn việc xây chùa, nhà thờ và đi tu

Theo sắc lệnh dưới đây, vua Quang Trung chỉ trích sự phát triển thái quá của chùa chiền, ông muốn giới hạn số lượng sư sãi, được coi là bọn người "lười biếng".

Sắc lệnh này do Louvet sưu tập, in bản dịch tiếng Pháp, không đề ngày tháng, với tựa là Edit des Tay-Sơn contre la religion chrétienne (Sắc lệnh của Tây Sơn chống Công giáo) nhưng trên đầu bài, có ghi dòng chữ này:

Edit du roi qui fait briller la lumière, pour que son éclat pénètre dans les cent familles du peuple (Sắc lệnh của vua chiếu ánh sáng lấp lánh, chói lọi xuyên sâu vào trăm họ)

chứng tỏ đây là sắc lệnh của vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh.

Dưới đây, chúng tôi xin dịch lại sắc lệnh này sang tiếng Việt:

“Có kẻ cả gan chế nhạo việc tôn thờ thần thánh; nhưng sự sùng bái này, sẽ ngày càng phát triển, để cho người ta thấy rằng thần thánh là những thực thể huyền diệu và cao cả.

Ta chỉ ghét một số đông sư sãi trốn vào chùa để khỏi phải làm nghĩa vụ quốc gia và nuôi dưỡng sự lười biếng bằng của cải đóng góp của nhân dân.

Càng nhiều chùa, càng nhiều sư xảo quyệt và lừa dối...

Làng nào cũng thấy đầy chùa mà chẳng có ngôi nào xứng đáng là chùa cả...

Vì vậy, ta ra lệnh, từ nay, mỗi vùng, chỉ được xây một ngôi chùa lớn... tất cả các chùa nhỏ đều phải phá đi để dùng vào việc xây dựng ngôi đền lớn của nhà nước.

Ta muốn tất cả mọi giáo đình thờ đạo Gia-Tô cũng phải hủy đi để góp vào việc xây dựng ngôi đền này.

Dù ở xa hay gần ngôi đền sẽ xây... Tất cả tượng hình thần thánh, vẫn thờ ở nhà riêng, hay ở chùa, nhà thờ, lớn nhỏ, đều phải đem lại ngôi đền lớn này, cùng thờ chung với nhau...

Vì lý do gì mà phải cần phải thờ riêng? Càng ít chùa, người ta càng sùng đạo. Như thế, khi không còn chùa riêng, việc thờ thần thánh sẽ không bị coi thường. Sau cùng, để giảm thiểu số sư sãi quá đông, hãy chọn trong đám họ một ít sư tốt và thực tin vào đạo, để dâng hương bốn mùa trong năm”.

Và đây là nguyên bản tiếng Pháp, in trong sách Đạo giáo ở nước Nam của Louvet:

Edit des Tay-Sơn contre la religion chrétienne

Edit du roi qui fait briller la lumière, pour que son éclat pénètre dans les cent familles du peuple.

Il y a des hommes qui ont osé se permettre de tourner en ridicule le culte des idoles; mais cette bonne religion va devenir de plus en plus florissante, et l'on verra que les idoles sont des êtres mystérieux et sublimes.

Nous ne haissons que ce grand nombres de bonzes qui n'entrent dans les pagodes que pour se soustraire aux charges de l'Etat, et pour nourrir leur oisiveté des dons que le peuple vint offrir.

Plus il y a de pagodes, et plus il y a de bonzes fourbes et trompeurs...

Tous les villages abondent en pagodes, et pas une seule qui en mérite le nom...

C'est pourquoi nous ordonnons que, dans chaque département, il sera construit seulement une grande pagode... Toutes les autres seront détruites et employées à la construction de la grande pagode du gouvernement.

Nous voulons aussi que toutes les maisons consacrées au culte de Da-to (églises chrétiennes) soient égalemnet détruites, et employées à l'édification de la grande pagode.

Peu importe que l'on soit près ou loin du temple destiné au culte...

Toutes les statues d'idoles, placées soit dans les maisons, soit dans les pagodes particulières, seront prises et portées dans la grande pagode, pour y être adorées en commun...

Quelle raison d'avoir un culte à soi en particulier? Moins il y aura de pagodes et plus on sera fervent. Ainsi, plus de pagodes particulières, pour empêcher la sainte religion des idoles de tomber dans le mépris; enfin, pour diminuer le trop grand nombre de bons et sincères croyants, pour offrir de l'encens aux quatre saisons de l'année... ”[24]

Sắc lệnh của Quang Trung mang dấu ấn riêng biệt, thực dụng và "mô-đéc", nhà vua ra lệnh cho đạo Phật và đạo Chúa phải làm đền thờ và cầu nguyện chung, cho đỡ tốn kém. Sư sãi quá nhiều, cần phải giải nghệ bớt, để làm “nghiã vụ quốc gia” tức là đi lính. Một vị tổng thống thời nay, dù có quốc hội phò trợ, cũng không dám đề nghị một đạo luật thực tiễn như vậy. Ngày trước, Võ Vương cũng bắt những người không chịu bỏ đạo phải đi cắt cỏ cho voi ăn hoặc phải đi lính.

Còn một sắc lệnh khác cũng được dịch sang tiến Pháp. Sắc lệnh này, không ghi rõ ngày tháng, trực tiếp chỉ vào cái hại của đạo Gia-Tô, được Louvet sưu tầm và in bản dịch tiếng Pháp trong sách Đạo giáo ở Nam kỳ.

Một sắc lệnh khác của Tây Sơn chống đạo Thiên Chúa

“Từ khi các nước Tây phương lén lút đem đạo của họ vào trong nước, ta rất tiếc thấy đạo lý Khổng Mạnh ngày càng suy sụp và gần như bị bỏ rơi, vì những lời giảng kích thích và lừa dối của những kẻ ngoại quốc này, xâm chiếm lòng dân và mê hoặc họ bằng mọi phương tiện, khiến họ không thể cưỡng lại những kẻ hướng dẫn xấu xa này.

Thấy lòng dân say mê theo cái đạo lừa dối và lường gạt ấy, ta nhất quyết cứu trợ đạo lý của các vua và của tổ tiên, tiêu diệt hoàn toàn cái đạo đồi bại này.

Có nên để một đạo lý ngoại lai đầy trò xảo quyệt thắng thế trong chúng ta chăng?

Ta gửi những quan chức do ta lựa chọn để chấm dứt vụ này”.

Bản tiếng Pháp:

Autre édit des Tay-Sơn contre la réligion chrétienne.

“Depuis que les royaumes d'Occident ont introduit furtivement leur religion dans ce royaume, nous voyons avec regret le culte de Confucius s'affaiblir de jour en jour et qu'il est déjà presque abandonné, par l'effet des discours trompeurs et capiteux de ces étrangers, qui sollicitent les cœurs des peuples et les enchantent par toute sorte de moyens secrets, de manière à ne pouvoir se défendre de suivre ces mauvais guides.

Voyant le cœur de nos peuples passionné pour une religion trompeuse et abusive, nous sommes résolus de venir au secours de la bonne et vraie doctrine de nos ancêtres et de nos rois, et de détruire entièrement cette religion perverse.

Est-il raisonnable de laisser prévaloir au milieu de nous une doctrine étrangère et pleine de fourberies?

Nous envoyons donc à cette fin des officiers choisis par nous”[25].

Sắc lệnh này lời lẽ của vua, hẳn là Quang Trung, khắt khe, nặng nề hơn đối với đạo Gia-Tô và sai các quan thi hành lệnh cấm đạo. Ở đây, vua Quang Trung muốn chấm dứt việc truyền giáo, bởi ông đã nhìn thấy tính cách "nguy hại" của đạo này, và cho rằng: vì nó mà người dân bỏ bê lý thuyết Khổng Mạnh, bỏ đạo lý của các vua và của tổ tiên... Như vậy, vua Quang Trung cũng đã nhận ra tác hại của việc cấm Nghi lễ, nhưng không sống lâu để thi hành việc cấm đạo.

Sau khi vua Quang Trung băng hà năm 1792, một trang nhật ký của linh mục Ledontal, quản thủ tu viện Macao, năm 1794, ghi nhận rằng:

"Con trai Quang Trung [vua Cảnh Thịnh] không hề tàn sát Công giáo mà còn tỏ ta ủng hộ đạo này".[26]

Kết luận

Việc cấm đạo ở Á châu, là để trả lời tất cả những nghị quyết của Vatican Cấm Nghi lễ phương Đông, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Hoàn toàn không phải vì sự tàn ác diệt đạo của vua chúa Việt Nam, được các thừa sai, từ Alexandre de Rhodes, thế kỷ XVII, đã sáng chế ra câu chuyện André Phú Yên bị thế tử Nguyễn Phước Tần, trấn thủ Quảng Nam, xử tử (1644). Năm năm sau (1649) ông đem sọ của André về La Mã trình đức Giáo hoàng[27]. Louis Chevreuil, theo gót, là người đầu tiên dùng chữ Persécution (Đàn áp bạo tàn) và bịa ra chuyện cô bé Lucie bị voi giày dưới triều chúa Nguyễn Phước Tần (1664), nhưng Chevreuil lại có thủ cấp đem về Xiêm cho Giám mục Lambert de la Motte đặt lên bàn thờ[28]... Trong ba thế kỷ, các thừa sai tiếp tục truyền thống xuyên tạc việc tàn sát giáo dân của các triều đại Việt Nam.

Nhưng tuyệt nhiên trong những sắc lệnh cấm đạo mà chúng tôi đọc được, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, không có điều nào ra lệnh giết giáo dân, như thấy ghi trong sử sách hay trong bài viết của thừa sai. Nhất là từ khi linh mục de la Bissachère (1764-1830), tháng 3-1790 vào Bắc Hà giảng đạo ở vùng Nghệ An, thuộc địa phận của Quang Trung, trở về Âu châu, viết cuốn Ký sự Bissachère, là cuốn sách đầu tiên bôi nhọ Quang Trung và Gia Long thậm tệ[29] thì việc xuyên tạc này, sẽ trở thành vũ khí đánh chiếm thuộc địa.

Năm 1817, de la Bissachère nhậm chức Giám đốc Hội Thừa Sai Paris[30], đào tạo ra một tầng lớp giáo sĩ mới, nổi lên từ thời Minh Mạng (1820-1840) trở đi, như Marchand (Cố Du), Giám mục Pellerin, linh mục Huc, linh mục Legrand de la Liraye, Giám mục Puginier, linh mục Louis-Eugène Louvet,... không nề hà bất cứ thủ đoạn nào để xây dựng lại Đế quốc Thực dân Pháp thứ hai là Đông Dương, bằng cách giúp chính phủ Pháp lật đổ triều Nguyễn[31].

Sự vu cáo quan trọng được phổ biến rộng rãi nhất, đến từ Louis-Eugène Louvet trong bộ sách La Cochinchine religieuse (Đạo giáo ở nước Nam)[32] đãtố cáo cái mà ông ta gọi là sự Đàn áp bạo tàn (Persécution) đạo Chúa không ngừng từ 1644, thời Alexandre de Rhodes đến ngày nay, là năm 1884, khi cuốn sách Đạo giáo ở nước Nam ra đời (tức là trong 240 năm):

- “Ngay từ 1644, người ta thấy bắt đầu ở Đàng Trong chuỗi dài Persécutions, hầu như không ngừng nghỉ, tới ngày nay(Dès 1644, on vit commencer en Cochinchine cette longue suite de persécutions, qui devait durer, à peu près sans interruption, jusqu'à nos jours)[33].

Những luận điệu xuyên tạc vô liêm sỉ này, được không ít những người viết sử, Pháp, Việt đi sau chép lại, đã tạo cho sự xâm lược của Pháp một chính nghiã.

(Còn nữa)


[1] Trần Trọng Kim ghi là Nguyễn Phúc Trăn.

[2] Quốc Chúa cũng là kẻ chinh phục, ông tiếp tục sự nghiệp của ông nội Nguyễn Phước Tần, chiếm nốt Thủy Chân Lạp, làm lục tỉnh.

[3] Đại Nam Thực Lục tiền biên, Nxb Giáo Dục, 2006, trang 112.

[4] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nbx Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, trang 64.

[5] Sử Ký Đại Nam Việt, là cuốn sử ngoài luồng chính thống viết bằng chữ quốc ngữ có lẽ sớm nhất, về giai đoạn từ Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) đến khi Gia Long lên ngôi Hoàng đế (1802), trọng tâm chiếu vào sự nghiệp của Nguyễn Ánh và cuộc chiến Nguyễn Ánh-Tây Sơn. Tác giả chắc đã sống gần, hoặc có cha, ông sống gần thời Nguyễn Ánh, bởi trong sách có những chi tiết về cuộc đời trôi nổi của Nguyễn Ánh không thể tìm thấy ở chỗ khác.

[6] Sử Ký Đại Nam Việt, Nhóm Nghiên Cứu Sử Đia tái bản tại Montréal, 1986, Tiểu dẫn, trang XVI-XVII

[7] Tuy nhiên Sử Ký Đại Nam Việt cũng cho biết những thông tin quý giá về việc Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ lùng bắt, được linh mục Hồ Văn Nghị, tức Paul Nghị cứu thoát, mà chúng tôi đã sử dụng trong cuốn Vua Gia Long và người Pháp, để bác bỏ lập luận Nguyễn Ánh được Bá Đa Lộc cứu, của sử gia Maybon, đã được truyền tụng rộng rãi trong thời kỳ Pháp thuộc.

[8] Khoá quá xuất giáo: khoá quá là vượt qua, bước qua; Khoá quá xuất giáo bỏ đạo.

[9] Sử Ký Đại Nam Việt, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa tái bản tại Montréal, 1986, trang 2-3.

[10] Di chúc lập con thứ hai của Võ Vương là Nguyễn Phước Luân (cha Nguyễn Ánh) lên ngôi, Trương Phước Loan bắt Luân bỏ ngục, được tha về thì chết.

[11] Sử Ký Đại Nam Việt, trang 9.

[12] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 56.

[13] Ánh là con trai Hưng tổ Nguyễn Phước Luân, con thứ hai của Võ Vương, bị Trương Phước Loan phế và giam trong tù đến khi tha về thì chết.

[14] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 55.

[15] Tân Chính Vương, là cháu của Định Vương, tên là Nguyễn Phước Dương (con trai Nguyễn Phước Hiệu, hoàng tử thứ chín, là thế tử, đã chết). Tháng 2-1775, Phước Dương được được Định Vương lập làm Đông cung thế tử, sai ở lại giữ Quảng Nam. Nguyễn Nhạc tiến đánh Quảng Nam, lấy cớ phò Đông cung, trọng đãi Phước Dương, nhưng sau Dương cũng bỏ trốn vào Gia Định. Định Vương phong cho Dương làm Tân Chính Vương, còn mình lên làm Thái Thượng Vương.

[16] Tôn Thất Đồng là con trai Hưng tổ, anh ruột Nguyễn Ánh.

[17] Thư của giáo sĩ Faulet gửi giáo sĩ Steiner, viết tại Cam-bốt ngày 6-7-1778; in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, của Launay, tập III, trang 68.

[18] A voyage to Cochinchina của John Barrow, bản dịch tiếng Pháp của Malte Brun, tập II, trang 192.

[19] Sử Ký Đại Nam Việt, trang 11.

[20] Tức dòng thánh Saint François d'Assise (1182-1226).

[21] Thư Andé Tôn gửi M. Descourvières ngày 1-7-1784, nguyên tác tiếng La tinh, in trong A.M.F, vol. 800, p. 1799. Bản dịch tiếng Pháp in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, của Launay, tập III, trang 82-83.

[22] Thư André Tôn gửi Descourvières ngày 1-7-1784, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 82.

[23] Thư Andé Tôn gửi M. Descourvières ngày 1-7-1784, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 83.

[24] Louvet, La Cochinchine reliegieuse, Đạo giáo ở Nam kỳ, quyển I, Pièces justificatives (Văn bản chứng minh), trang 516-517.

[25] Louvet, La Cochinchine reliegieuse, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Pièces justificatives, trang 517.

[26] Journal de M. Letondal (Nhật ký của Ô. Letondal) in trong, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, III, trang 299.

[27] Xem chương 5: Alexandre de Rhodes, phần III.

[28] Xem chương 7: Louis Chevreuil.

[29] Xem Vua Gia Long và người Pháp của Thụy Khuê, Chương 9: Ký sự Bissachère, thủy tổ sự bóp méo lịch sử nxb Hồng Đức và Saigon Books, 2017, trang 215- 232.

[30] Theo tiểu sử de La Bissachère do Maybon soạn, trong bài Introduction (Nhập đề) tác phẩm La relation sur le Tonkin et le de la Cochinchine de Mr de La Bissachère (Ký sự về Bắc Hà của ông Bissachère), Nxb Champion, Paris 1920, trang 13-14.

[31] Xem chương 6: Hội Thừa Sai Paris.

[32] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nhập đề (Introduction), trang 5.

[33] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nxb Ernest Leroux, Paris, 1885, trang 239-241.