Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Vài suy nghĩ nhân đọc một tập thơ được giải của Hội Nhà văn năm 2024

Đinh Thanh Huyền

 

Biết tôi đang tập hợp ngữ liệu cho cuốn sách tham khảo mới, một người bạn gửi tặng mấy cuốn trong đó có tập Viễn ca của tác giả Nguyễn Tiến Thanh. Bạn giới thiệu đó là một tập thơ vừa nhận giải thưởng Hội Nhà văn năm 2024. Thông tin đó khiến tôi hào hứng đọc ngay và (thật đáng tiếc) thất vọng ngay.

Tập Viễn ca có 39 bài thơ. Ấn tượng chung về tập thơ là non lép, dễ dãi, “lổn nhổn”: có những bài nhang nhác kiểu thơ sinh viên (Lá rụng xuống sân trường năm 88, Đã có nhưng qua rồi, Một tình cờ thiên thu); có những bài thô tháp, thiếu độ kết tinh, lắp ghép tin thời sự sống sít (Thành phố chiêm bao, Giấc mơ tình yêu, Viết sáng mồng 1, Chúng ta không trở thành quá khứ của nhau, Đường thẳng, Chợt đọc, Tháng 9); có những bài chỉ thấy từ ngữ rền vang mà tứ thơ chìm nghỉm (Guitar, Hoàng hôn, Chợt gặp, Huế, Nhớ rất nhiều như quên). Hầu hết các bài trong tập Viễn ca là sản phẩm của lối tư duy thơ cũ, sáo mòn, nếu đặt cạnh thơ của thế kỉ trước thì ná ná về “màu” nhưng kém xa về chất.

Trước hết, đọc Viễn ca thấy tràn lan những từ ngữ cũ kĩ : tóc úa, trầm luân tóc, trầm luân sơn thạch, môi hồng thắp lửa, rớm máu, lạc trôi, phiêu bạt, tàn úa, hoan ca, ơ hờ, oằn mình, hoang vu, chết đuối trong dại khờ, vô thường, nắng vàng ngủ quên, rượu mềm môi, biền biệt trôi, mê man, trầm tích, tóc hóa rong rêu, mật ước, viễn thẳm, ưu thuyền, miền phiêu dạt, ngơ ngác tim, máu ứa, cô lẻ, huyền tích, trầm bi, trầm tư, ưu tư tối hậu, chân trời lãng quên, tịch liêu, khô cằn như tim úa, tà dương hấp hối, tà dương gãy đổ, tà dương rớm máu, tà dương đau, biệt khúc, hoang tái, bể hoang nguyên, hư vô, hư hao,… Đó là ngôn từ của một thứ chủ nghĩa lãng mạn cuối mùa, gần như đã “hết date”, khó khơi gợi cảm xúc cho người đọc hiện thời. Trong Viễn ca, kiểu ngôn từ đó tạo nên một thứ thơ đọc lên nghe “cuồn cuộn” mà thực chất vô hồn, vô bản sắc. Ở đây, ngôn từ hoàn toàn không có lỗi, chỉ tư duy thơ của người viết là có vấn đề. Sự nghèo nàn, dễ dãi, cũ kĩ trong ý thức sáng tạo của người viết đã làm cho ngôn từ thơ trở nên nhợt, nhòa, “thiếu máu”, đọc cứ nghe choang choang như gõ vào vại sành mà khả năng biểu cảm của lời thơ thì rất yếu: Cánh diều tái nhợt chiều quê/ Mùa buông tóc xõa hẹn thề phong ba/ Vọng vang biệt khúc hải hà/ Ô hô tiếng khóc – à ha tiếng cười (Đi). Nếu hồ hôm đó như anh đã/ Đắm một ưu thuyền ngơ ngác tim/ Đương nhiên sóng vỗ miền phiêu dạt/ Tím cả tà dương lẫn lục bình (Dạ ca).

Tư duy cũ mà lại muốn tạo ấn tượng mạnh thì chỉ có một cách là phải “bày đặt”, “nhiễu sự văn chương” bằng những từ ngữ Hán Việt dày đặc, bằng cách sắp xếp chồng chéo các ẩn dụ, hoán dụ nhằm “trang điểm” cho những ý thơ nông, nhạt, nhàm mòn, có tính chất làm màu, cường điệu hóa, lâm li bi lụy hóa. Xin dẫn vài ví dụ: Đắm một ưu thuyền ngơ ngác tim, Huyền tích trầm bi vắt ngang viễn sử, Tịch liêu thắp một bâng khuâng cuối ngày, Cười lên một tiếng nghe ly biệt về, Vì mênh mang cũng vời vợi siêu hình, Tái trời một khúc bi ca/Dọn ra tráng miệng nghe tà dương đau, … Có thể thấy những câu trên có số lượng từ Hán Việt quá dày khiến thơ trở nên nặng nề, phức tạp mà trống rỗng về nội dung. Thử đọc câu thơ sau: Vì mênh mang cũng vời vợi siêu hình, từ “cũng” hẳn nhằm khẳng định (“vời vợi”, “siêu hình” giống “mênh mang”). Cứ tưởng là một phát hiện. Nhưng thật ra, những từ ngữ đó vốn có chung nét nghĩa. Khi cấu trúc thành một câu thơ với đặc điểm cú pháp tuyến tính đặc trưng của tiếng Việt, người đọc tinh ý không khỏi bật cười vì liên tưởng ngay đến kiểu kết hợp từ ngữ mang tính chất trào tiếu của dân gian: “Nửa đêm, giờ Tý, canh ba/ Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi”. Chưa kể, những mênh mang, vời vợi, siêu hình ở đây được dùng để miêu tả dòng sông, thứ có thể mênh mang, vời vợi nhưng không bao giờ siêu hình. Rõ ràng, việc lạm dụng từ Hán Việt trong Viễn ca là dấu hiệu của việc yếu về ngôn từ nghệ thuật nhưng lại “khệnh khạng” làm dáng. Thơ có thể “phi lí”, nhưng không thể “vô lí” bởi ngữ cảm non yếu của người viết là vậy.

Tư duy thơ cũ kĩ, dễ dãi sẽ dẫn ngay đến một hệ quả là nệ công thức, do đó lời thơ thường được tạo nên bằng những “cấu kiện đúc sẵn”. Hà cớ gì viết về miền Trung là cứ phải là: Miền Trung mọc lên từ gian khó bao đời/ Sao con gái tràn căng sinh lực/ Sao con trai hào khí ngất trời/ Và cỏ cây kiên cường trong gió cát, Điệu ví dặm che cánh đồng khô khát; viết về biển đảo thì không có gì khác hơn: Cánh hải âu chở nắng đến chân trời/ Tên chiến sĩ điệp trùng như sóng bể/ Gió thao trường bạt tiếng trùng khơi; viết về Huế thì cứ nhất nhất: trầm tư núi Ngự, vẳng nghe chuông Thiên Mụ; viết về mùa thu thì cứ như là thu của từ chương, sách vở: Những thu vàng qua đây, heo may vừa đi vắng, hoa vàng ký ức, bờ sông lơ đãng đón thu về…; viết về dòng sông: Một con đò chở mây trắng sang sông, lục bình trôi tím cả phiêu bồng, triền đê cỏ mọc, cô giang lặng lẽ, cánh buồm lạc trôi… Và phố: Phố rất chật, người và xe rất chậm, chiều rộng, quán vỉa hè, con đường lá bay, thành phố lên đèn, chiếc xích lô lang thang… Kiểu ngôn từ được công thức hóa, ước lệ hóa như trên vốn đầy rẫy trong các tập thơ “thường thường bậc trung”. Viết những lời thơ như thế chẳng cần vốn sống phong phú, trải nghiệm sâu sắc, càng không cần khổ công sáng tạo. Lẽ nào đó là “phẩm tính” của một trong các tập thơ được xem là nổi bật nhất trong năm?

Tư duy thơ của Viễn ca là thứ tư duy “tù mù”. Hầu hết các bài thơ có tình trạng mơ hồ, không rõ ràng về ý (ở đây chúng tôi dùng chữ “mơ hồ” với nghĩa đen để phân biệt với tính mơ hồ, đa nghĩa của ngôn từ thơ). Rất ít bài có điểm chụm để người đọc bám vào. Nhiều bài ý tứ tản mát, tùy tiện, cộng thêm lời thơ thiếu chắt lọc, luẩn quẩn, rắc rối. Đoạn dưới đây là một ví dụ:

Đôi khi đi quá nửa con đường

Đột nhiên thấy tại sao mình cần đi đường thẳng?

Tại sao để con đường dẫn ta đi

Và ta đi theo con đường

Như một định mệnh?

Định mệnh con đường ta đi

Định mệnh cái đích ta đang đến

Tại sao không chọn một lối rẽ?

Mất gia tốc và quán tính

Mất thói quen và mất ngôn ngữ

Những sẽ được gập ghềnh và bụi rậm

Xa lộ có tốc độ

Lối rẽ có bụi rậm

Không phải chọn xa lộ vì muốn tốc độ

Càng không phải chọn tốc độ vì đi trên xa lộ:

Không phải ta đi

Ta bị lái, bị xô đẩy, bị dẫn dắt.

Không phải chọn lối rẽ vì muốn có bụi rậm

Càng không phải chọn bụi rậm vì có lối rẽ:

Đường ngắn hơn và đi chậm hơn

Sẽ đến đích

(Đường thẳng)

Tình trạng lời thơ luẩn quẩn, ý thơ tù mù diễn ra ở nhiều bài khác: Vèo qua hoang tái khói mây/ Tuyệt mù tăm tích ngón tay – dây đàn/ Ơ hờ, im lặng, rền vang/ Niềm quên lãng ấy, nỗi hoang vu này (Guitar); Ta đi mòn cả mùa thu/ Khoác trên vai những sương mù huyễn du/ Xin dừng chân ngõ mơ hồ/ Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn (Viễn ca),… Hoặc có những bài chỉ tập trung vào ý tưởng mà nghèo nàn về từ ngữ, hình ảnh, thủ pháp: Ở phương ấy, đất liền là quê mẹ / Những đàn chim di trú đón xuân về/ Nhớ đôi mắt, nhớ nụ cười, nhớ thế/ Một loài cây tên gọi phong ba (Đảo); Qua rất nhiều năm tháng/ Chẳng lẽ chúng ta không hiểu rằng/ Tình yêu là một giấc mơ/ Dù không bao giờ giấc mơ/ Ngồi dậy sau một đêm dài/ Nói những lời cay đắng/ Không bao giờ tình yêu/ Bừng tỉnh/ Nói lời biệt ly/ Và rời xa ta (Giấc mơ tình yêu); Không thể tưới mát ảo ảnh bằng sự trắc ẩn/ của những đám mây/ Bay qua vùng cấm khóc (Đường về),… Hoặc có bài có kiểu diễn đạt rất vô duyên: Có một buổi em đi lang thang phố/ Muốn kê mông ngồi phệt vỉa hè/ Nhưng rồi sợ bỏng từng phiến đá/ Chỗ em ngồi – cháy lửa tuổi đôi mươi… Ngay cả những độc giả nghiêm trang và ít hài hước nhất cũng sẽ bật cười khi tưởng tượng cảnh “em” kê mông ngồi mà bỏng cả phiến đá. Nhưng đó là cái cười vật lí trước những câu thơ thô thiển đến thảm thương mà thôi.

Trong Viễn ca có hiện tượng sử dụng ngôn từ “ồn ào”, khoa khương, “lạm phát” từ ngữ mạnh. Hãy đọc đoạn thơ sau:

Những trang sách đốt đền mua danh sàm ngôn

trong ngôi nhà của tính thiện

Đường bay của những viên đạn ngôn ngữ cay độc

và bạo phát

bắn vào lòng tốt

làm chảy máu lương tri

Những thi hứng định nghĩa thơ bằng chất thải

Thâm hụt nhân văn, lạm phát điên rồ

Hạ sát thi âm, chôn xác nhịp điệu

Ý tưởng hoang đường cấp đông giấc mơ

Những con chữ lên cơn co giật bởi bệnh động

kinh hình thức

Trắng xóa không vần

Mờ mịt

Hoang mang đang phơi nhiễm thiên đàng

(Chợt đọc)

Đoạn thơ này diễn đạt nỗi băn khoăn trước sự tha hóa của nghệ thuật, đặc biệt là thi ca. Tuy nhiên đó mới là ý tưởng. Trong đoạn thơ, các cụm từ như đốt đền mua danh sàm ngôn, đạn ngôn ngữ cay độc, hay thi hứng định nghĩa thơ bằng chất thải xuất hiện dồn dập, gây cảm giác thừa thãi. Mật độ hình ảnh ẩn dụ và liên tưởng được xếp chồng lên nhau khiến thông điệp bị lấn át bởi sự phô trương ngôn từ. Việc sử dụng những từ ngữ có ý chỉ trích mạnh mẽ, gay gắt (bắn vào lòng tốt, hạ sát thi âm, ý tưởng hoang đường) thiếu cân bằng giữa sự phản ánh và khả năng dẫn dắt cảm xúc. Có cảm giác như tác giả đang "ép" thông điệp vào tâm trí, hơn là khơi gợi sự đồng cảm hoặc suy ngẫm từ người đọc.

Đoạn thơ "ồn ào" vì thiếu khoảng lặng giúp cảm xúc có điểm “dừng nghỉ”. Cái "ồn ào" này dễ bị coi là "diễn thái quá" với những ai tìm kiếm sự giản dị, tinh tế trong thi ca. Khi mọi từ ngữ đều cố gắng "đánh mạnh" vào cảm xúc, câu thơ trở nên “chai lì”. Từ ngữ không được cân đối với một nền tảng cảm xúc hợp lí có thể gây cảm giác thơ không đến từ trải nghiệm chân thực, mà chỉ như một sự thao túng ngôn ngữ để tạo ấn tượng. Sức mạnh của thơ thường nằm ở khả năng gợi mở, nơi người đọc có thể tự suy ngẫm và khám phá ý nghĩa. Tuy nhiên, sự "lạm phát" từ ngữ cộng với việc "bày sẵn" ý thơ một cách quá lộ liễu khiến thơ mất đi sự tinh tế, thiếu những khoảng lặng cần thiết – những yếu tố tạo nên hồn vía của thơ. Cái hiện diện trên bề mặt câu chữ chỉ còn là xác chết, dù là xác chết được trang điểm lộng lẫy. Hiện tượng này còn có thể thấy ở một số bài thơ khác: Tất cả rồi sẽ thấy/Đại bác gầm trên những thảo nguyên/Buồn bã là sắc màu vương trên gấu váy phụ nữ/Rách/Như đứt gãy tầng trầm tích/Xé toạc chuỗi cung ứng niềm tin (Viết sáng mồng 1); Bàng hoàng đảo phách lả lơi/Sáu dây kim loại hóa thời gian bay/Từ trong giao hưởng tháng ngày/Giọt guitar ấy có đày đọa em? (Guitar),…

Cuối tập thơ, trong phần Phụ lục, tôi bắt gặp ý kiến của một nhà phê bình danh tiếng: “Nguyễn Tiến Thanh có khác, anh làm thơ, không làm chữ” (trang 98, dòng 1, 2 từ trên xuống). Ô hay! Giờ này mà còn phân biệt “làm thơ” với “làm chữ” thì khác gì bảo ông nhai cơm chứ không nhai gạo. Thế nên, hãy cứ bắt đầu từ chữ của Nguyễn Tiến Thanh mà bàn về thơ ông – tôi cho là vậy.

Viễn ca không phải không có những câu thơ hay, nhưng hiếm hoi, không đủ sức cân đối lại cái yếu “toàn thân” của cả tập. Nếu đây là tập thơ được viết, được in để thỏa mãn niềm vui riêng của tác giả thì không lí do gì để bàn luận. Nhưng khi tập thơ được trao giải thưởng của Hội Nhà văn, tức là được khẳng định về giá trị, thì người đọc sẽ tiếp nhận một cách nghiêm túc, nghiêm khắc tương xứng với vị thế của nó. Sẽ thế nào khi tập thơ được giải của Hội Nhà văn lại không có đóng góp mới về nội dung và hình thức, không đem lại điều gì mới cho trải nghiệm thẩm mĩ của người đọc? (Thậm chí, trên mặt bằng thơ Việt cùng thời, tập thơ này còn là một bước lùi). Sẽ ra sao nếu người đọc tin tưởng rằng thơ như Viễn ca là thơ hay bởi nó đã được dán nhãn là thơ được giải, được một số nhà phê bình ca tụng.

Ở một khía cạnh khác, vài năm trở lại đây, do chương trình giáo dục môn Ngữ văn thay đổi, nhu cầu khai thác văn bản ngoài SGK của các nhà trường trong cả nước rất cao. Sau nhiều năm việc dạy và thi cử chỉ xoay vần với số lượng văn bản hữu hạn trong SGK, giáo viên ngữ văn không có nhu cầu đọc văn bản ngoài nhà trường, không biết gì về đời sống văn chương đương thời, mất năng lực đọc văn bản mới. Khi chật vật tìm ngữ liệu cho các đề thi định kì theo chủ trương mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, giáo viên thường chọn những tác phẩm đã được trao giải. Giải thưởng được xem là một bảo chứng về chất lượng nên đề thi và đáp án mặc định ca ngợi tác phẩm đó là siêu phẩm. Có cung thì có cầu, hiện nay người ta ồ ạt làm tuyển tập thơ văn phục vụ giáo dục. Có quá nhiều bài thơ dở lọt vào các tuyển tập đó, chui vào các nhà trường, “trèo” vào đầu học sinh, làm hỏng năng lực đọc của các em. Rõ ràng, đây là hiện tượng loạn giá trị trên diện rộng. Đừng nói văn chương chỉ là thú chơi riêng của giới nghệ sĩ. Văn chương đang đi vào giáo dục, đang tác động đến con em chúng ta, đang trực tiếp ảnh hưởng đến năng lực thẩm mĩ của lớp trẻ. Vì vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: năng lực thẩm định của người chấm giải như thế nào khi chọn những tập thơ như Viễn ca để trao giải?

Hà Nội, tháng 1/2025