Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Mười bài thơ để mở một cánh cửa

Nguyễn Đức Tùng

Stanley Kunitz.

Chúng ta kể chuyện để làm gì?

Chúng ta kể chuyện để mua vui trong chốc lát, quên đi sự đau khổ nơi trần thế, đi tìm suối nguồn ẩn mật kia và sau đó tìm cách trở lại. Chúng ta kể chuyện để phục hồi những gì đã mất, đã bị đánh cắp, đã bị ngọn lửa hận thù chiến tranh thiêu rụi. Chúng ta kể chuyện để làm nên lịch sử của tình yêu. Để vượt qua sự phản bội và đương đầu với sự thất vọng nơi người khác, kẻ mà chúng ta từng ngây thơ kỳ vọng. Để một đêm nhìn lên bầu trời, nơi sao chổi Halley đi ngang qua trái đất trong những thời điểm cách nhau bảy mươi lăm năm, khi người ta có thể nhìn thấy, nhưng nó chưa bao giờ quét đuôi vào trái đất.


Stanley Kunitz

Ngày 19 tháng 5 năm 1910, khi Stanley Kunitz lên năm tuổi, ngôi sao Halley đã đến thăm.

Nó trở lại một lần nữa vào năm 1986, khi ông tám mươi mốt tuổi. Thiên thể này gợi ra nhiều ký ức ở Kunitz, người viết bài thơ dưới đây chín năm sau đó, năm 1995.

Các nhà khoa học tiên đoán nếu Halley đi chệch khỏi quỹ đạo, sẽ va chạm với trái đất và tất cả chúng ta sẽ thành tro bụi. Nhà thơ viết bài thơ lúc ông chín mươi tuổi, nhưng giọng điệu trong bài thơ là giọng của một đứa trẻ mới lên năm tuổi.

 

SAO CHỔI HALLEY

Cô Murphy dạy lớp Một
nắn nót viết bằng phấn trắng
lên bảng đen, tên nó, bảo chúng tôi
nó đang gầm rú trên đường bay bão tố
của Ngân hà với tốc độ kinh người
nếu nó rơi ra ngoài quỹ đạo
và lao thẳng vào trái đất
sẽ không có lớp Một ngày mai.

Một nhà thuyết giáo với bộ râu dài
và đỏ, đến từ ngọn đồi
tia mắt ngời ngời hoang dã
đứng ngay giữa quảng trường gần sân chơi
tuyên bố ông được gửi tới bởi đức Chúa trời
để cứu rỗi chúng ta
kể cả bọn trẻ nhóc
“Hãy sám hối, hỡi những tên ngốc tội lỗi!” ông hét tướng lên
và vẫy cái bảng viết tay.

Trong bữa ăn tối hôm ấy, lòng tôi thật buồn khi nghĩ
rằng có lẽ
đó sẽ là bữa ăn cuối cùng, tôi được cùng ăn
với mẹ, các chị tôi;
nhưng rồi tôi cảm thấy phấn khích
đến nỗi không thích chạm vào đĩa thức ăn.
Thế là mẹ tôi mắng cho
Và bắt tôi về phòng.

Khi cả nhà đi ngủ xong
trừ tôi ra. Họ không bao giờ biết
tôi lén lút leo nhiều bậc thang
đến với không gian trong lành ban đêm.
Con ở đây này, Cha ơi cha, con ở trên mái nhà này
tòa nhà xây gạch đỏ
dưới chân Phố xanh đó
là nơi chúng ta sống, cha biết đấy, trên tầng cao nhất.
Con là thằng bé đêm mặc áo dài trắng
bò lom khom trên giường sỏi đá
lặng lẽ đi tìm giữa bầu trời đầy sao
chờ cho mau tới ngày tận thế.

 

HALLEY’S COMET

Miss Murphy in first grade
wrote its name in chalk
across the board and told us
it was roaring down the stormtracks
of the Milky Way at frightful speed
and if it wandered off its course
and smashed into the earth
there’d be no school tomorrow.
A red-bearded preacher from the hills
with a wild look in his eyes
stood in the public square
at the playground’s edge
proclaiming he was sent by God
to save every one of us,
even the little children.
“Repent, ye sinners!” he shouted,
waving his hand-lettered sign.

At supper I felt sad to think
that it was probably
the last meal I’d share
with my mother and my sisters;
but I felt excited too
and scarcely touched my plate.
So mother scolded me
and sent me early to my room.
The whole family’s asleep
except for me. They never heard me steal
into the stairwell hall and climb
the ladder to the fresh night air.

Look for me, Father, on the roof
of the red brick building
at the foot of Green Street—
that’s where we live, you know, on the top floor.
I’m the boy in the white flannel gown
sprawled on this coarse gravel bed
searching the starry sky,
waiting for the world to end.

 

Tôi để ý cách bắt đầu: không phải là lối nhập đề thường gặp ở người lớn, ở các bài văn mô tả, không rào đón trước sau, lối nói trực tiếp, thản nhiên, hình ảnh, của con trẻ.

Cô Murphy dạy lớp Một

Suốt đời mình, Kunitz lúc nào cũng trẻ thơ.

Các tài năng đều thế.

Tôi chưa được gặp ông bao giờ, nhưng thường ngắm các bức ảnh của ông, khuôn mặt của một người lớn tuổi, đầy vết nhăn thời gian, ẩn chứa sự thông thái giản dị, nhưng đằng sau lấp lánh ánh mắt đứa trẻ, thông minh, tinh nghịch, sớm am hiểu việc đời.

Kunitz chưa bao giờ được nhìn thấy cha mình. Khi mẹ ông mang thai ông thì cha ông qua đời, một cái chết bằng cách tự treo cổ.

Ông chưa bao giờ nguôi ngoai và lúc nào cũng tìm cách đến gần người cha đã mất. Trong nguyên tác, chữ father được viết hoa Father, có thể dùng để gọi Đức Chúa Trời, nhưng cũng có thể dùng để gọi người cha thật của mình.

Về hình thức, đây là bài thơ tự do, nhưng có một vần điệu bên trong với các câu thơ có độ dài gần bằng nhau, và lối kể chuyện tự nhiên, điềm tĩnh, dí dỏm, đầy tính hoạt động. Những dòng chữ bởi cô giáo viết bằng phấn trắng trên bảng đen: gợi ý hình ảnh của những vệt sao chổi lấp lóa trên bầu trời đen, sẽ xuất hiện một lần nữa, ở cuối bài.

Tìm kiếm giữa bầu trời đầy sao

Nếu sao chổi quệt vào trái đất, làm nó tan ra tro bụi, nhà trường sẽ cho các em nghỉ học ngày mai.

Đó chẳng phải là một ý tưởng hài hước sao? Nhưng lại rất trẻ con, những ý tưởng có thật.

Hình ảnh của cô giáo Murphy được nối tiếp bởi hình ảnh của một nhà truyền giáo đến từ đâu đó. Sự đe dọa, cảm giác khủng khiếp, sự nghi ngờ, sự mê tín, nỗi âu lo được diễn tả bằng sự gầm rú tưởng tượng của sao chổi, tốc độ khủng khiếp, sự va chạm. Cảm giác sợ hãi ấy lồng vào sự im lặng buồn bã của bữa ăn tối. Như một đứa trẻ, sự sợ hãi ấy còn kích hoạt cảm giác hưng phấn, khoái chí, kích thích, tò mò.

Đó là điều gì vậy?

Cái gì đang xảy ra trước ngày tận thế?

Đó là ao ước được thay đổi số phận.

Một đứa bé muốn thay đổi cuộc đời mồ côi của mình. Cũng như một nhân dân muốn thay đổi số phận nô lệ của mình.

Đến gần cuối bài các động từ trong nguyên tác chuyển từ quá khứ sang hiện tại.

Khi cả nhà đi ngủ xong

là ở vào thì hiện tại. Mọi sự đang chuyển động, không phải chỉ là sự kể lại, là hồi ức, mà cái đang là. Đứa bé ra khỏi căn nhà của mình, gia đình của mình, hoàn cảnh của mình, hoàn cảnh của một đứa bé trai không có cha, cha chết vì thắt cổ tự vẫn, sống với mẹ và các em gái, đứa con trai duy nhất trong gia đình, bối rối và phiền muộn vì quá khứ, ám ảnh suốt đời vì sự vắng mặt của người cha, giờ đây chú bé lẩn lút ra khỏi ngôi nhà, leo lên mái, lên cái thang một mình trong đêm tối, bò lặng lẽ trên mái nhà thô ráp như lợp bằng sỏi đá.

Đứa bé thoát ra khỏi sự an toàn và êm ấm đầy buồn rầu của gia đình, để tới một thế giới khác, hiểm nghèo, vô tận và hấp dẫn.

Như đời sống. Như tình yêu.

Mẹ của Kunitz không bao giờ tha thứ cho chồng mình về việc đã tự vẫn khi bà đang mang thai đứa con trai út và vì vậy tìm mọi cách xóa bỏ hình ảnh về ông ra khỏi trí nhớ của bà và các con.

Bạn hình dung thấy một đứa trẻ lên năm tuổi đứng một mình trong đêm tối, trên mái nhà, dưới bầu trời đầy sao, ngước mắt nhìn lên và cất tiếng gọi cha mình.

Con ở đây này, Cha ơi cha, con ở trên mái nhà này

Bạn nhắm mắt lại. Đôi khi, nước mắt ứa ra. Cái gì vậy?

Thằng bé cẩn thận, còn nói rõ gia đình mình đã chuyển tới ở nơi tầng cao nhất của tòa nhà gạch đỏ, ở phố Xanh, hơn thế nữa chú ta còn mô tả về mình cho thật rõ:

con là thằng bé mặc chiếc áo dài trắng
bò lom khom trên chiếc giường sỏi đá
ngước mặt nhìn lên bầu trời đầy sao

Hình ảnh của đứa bé ấy, từ trong ký ức của nhà thơ, vĩnh viễn nằm lại trong ký ức ấy, như thể đó là dấu hiệu đã một lần được gửi đi từ mặt đất vào vũ trụ bằng các phương pháp du hành không gian.

Đó cũng là dấu hiệu gửi vào chiều bất tận của thời gian, của sự mất mát, của tình cha con, sự thương thân, một điều gì tôi không thể dễ dàng gọi tên ra được. Cảm giác chờ ngày tận thế không làm tăng lên hay giảm đi sức mạnh của thông điệp, nhưng nó gây ấn tượng mạnh ở người đọc, gợi lên cảm giác mơ hồ, sự lẫn lộn, sự không thể hiểu trước tồn tại.

Thơ trữ tình ngày nay có nhiều biến đổi, và tích hợp vào nó các yếu tố của câu chuyện kể. Vì sao chúng ta quan tâm tới những bài thơ gây tác động lên người đọc?

Vì chúng tạo ra những trải nghiệm của con người. Kể chuyện, hát lên, biểu đạt các xúc cảm bên trong của chúng ta làm cho vết thương chóng lành, làm cho con người được chuyển hóa về phía cao cả hơn. Như vậy biểu đạt trong thơ là một nhu cầu tự nhiên, nhưng hàm chứa một mục đích là chuyển con người về phía hàn gắn, sửa chữa, nâng cao, tái hợp, và cuối cùng, tự do. Thơ trữ tình giúp một nhà thơ và người đọc của anh ta nhận ra rằng việc biến những kinh nghiệm cá nhân thành ngôn từ vừa là niềm vui thú vừa giúp ích cho họ. Vào lúc một nhà thơ tập hợp lại các chữ của mình, đặt chúng vào một trật tự thích hợp, vào câu chuyện kể lớp lang, dù ngắn gọn do sức chứa hạn hẹp của bài thơ, vào lúc một người đọc nhận ra được trật tự đẹp đẽ ấy, thưởng thức và cảm kích nó, vào lúc ấy họ đặt mình vào một tình trạng trong sáng ngược lại với sự lú lẫn mà một xã hội thiếu tự do thường xuyên áp đặt lên họ. Bài thơ sử dụng một ngôn ngữ chân phương, trung tính, không có nhiều chữ mô tả các cảm xúc, trừ câu thơ có chữ Father, nhưng chỉ một chữ ngắn gọn. Đây là một đặc điểm thi pháp của Kunitz.

Cấu trúc luận chỉ ra rằng phương cách mà chúng ta cảm nhận thế giới và sắp xếp các kinh nghiệm riêng tạo ra các ý nghĩa. Hiện hữu là hiện hữu thông qua các mối quan hệ. Ý nghĩa không phải ở bên trong các sự vật mà chúng ở bên ngoài chúng, được ban cho ở tâm trí con người. Đa nghĩa là một khám phá sâu sắc của cấu trúc luận, cho phép một văn bản có thể được diễn dịch dưới nhiều khía cạnh. Tuy vậy, tôi nghĩ, một hoàn cảnh đặc biệt như của Kunitz không thể tách rời văn bản. Tiểu sử riêng của nhà thơ, cái chết của cha ông, câu chuyện dường như có thật của cậu bé lên năm tuổi, sự kiện thiên văn học về ngôi sao chổi Halley, những điều ấy tạo nên ngữ cảnh, góp phần tạo nên xúc cảm ở người đọc.

Ngôi sao chổi Halley được nhìn thấy rõ vào năm 1910, nhìn thấy mờ hơn vào năm 1986, hay đó chính là hình ảnh của người cha đã mất, kẻ bị phá sản và kết thúc cuộc đời trước khi Kunitz sinh ra?

Đôi khi nhà thơ Kunitz tâm sự: quan niệm đầu tiên của tôi là quan niệm về cái chết. Cần chú ý phân biệt giữa tác giả cũng là người kể chuyện và nhân vật trong bài thơ ấy, một chú bé, cũng là tác giả.

I’m the boy

Vừa là câu nói dành cho cha mình vừa là cách giới thiệu với độc giả, tôi là chú bé ngày xưa ấy.

Trong một bài thơ không dài lắm, các câu thơ đều đầy các chi tiết cần thiết. Chúng ta để ý, ví dụ:

kể cả những đứa trẻ nhóc

Tại sao lại kể cả những đứa trẻ? Vì người thuyết giáo cũng muốn cả bọn trẻ tham gia cầu nguyện như người lớn và cảm giác ấy làm cho nhân vật trong bài thơ liên hệ sâu xa hơn với các sự kiện quanh mình. Có một niềm tin ở nhiều người, ở các tôn giáo, rằng sau cái chết, bạn gặp lại những người thân yêu của mình.

Đời sống của chúng ta trên trái đất cũng là thời thơ ấu, ở đó chúng ta cần chuẩn bị cho cuộc đời sau. Tại sao người cha không xuất hiện trong bài thơ của Kunitz? Tại sao Đức Chúa Trời không xuất hiện để cứu lấy con mình, Chúa Giêsu trên thánh giá?

Bài thơ sao chổi là bài thơ về một đứa trẻ học lớp một ở thành phố, khung cảnh của một thành phố. Mặc dù vậy, cần nhớ rằng Kunitz thường viết về thiên nhiên làng quê, vườn tược, những nơi mà thời thơ ấu ông đã từng sống qua và khi về già ông trở lại.

Chú bé trong bài thơ đã đủ khôn lớn để ý thức về hiện tượng vũ trụ, về cái chết, về hoàn cảnh bất hạnh của mình, nhưng chưa đủ khôn lớn để giải thích sự vật. Con người càng lớn lên, càng hiểu biết, hiểu biết về vũ trụ và hiểu biết về lòng người, càng thấy buồn, càng chua chát, càng thất vọng. Bạn có bao giờ thất vọng về người khác? Những người thân yêu? Tôi tin là có. Thế bạn làm gì?

Ngôi sao sau vài mươi năm lại trở về với trái đất, đứa bé trên mái nhà kia sau vài mươi năm lại trở về với chúng ta, nhắc nhở con người về sự tạm thời của đời sống, nhịp tuần hoàn vĩnh viễn của vũ trụ, sự trường tồn của mất mát, và mất mát như một cảm xúc, như một bằng chứng của tình yêu và lòng ao ước được tái hợp trong nhau.

Khi được giới thiệu vào năm 1960, trong những tác phẩm về hậu cấu trúc, khái niệm liên văn bản được định nghĩa và mở rộng, với các công trình của Julia Kristeva và Mikhail Bakhtin. Đọc bài thơ của Stanley Kunitz tức là vừa đọc văn bản của nó và những câu chuyện đằng sau bài thơ, về một cậu bé mồ côi cha, về ngôi sao chổi có thật; tất cả những vấn đề ấy hẳn nhiên dẫn tới khái niệm liên văn bản và những vấn đề của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Sao chổi Halley sẽ trở lại thăm trái đất của chúng ta lần nữa, năm 2061. Bạn còn ở đó không, vào năm 2061?
 

N. Đ. T

(Mười Bài Thơ Để Mở Một Cánh Cửa - tức Đọc Gần - 3)