Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (17)

 Thụy Khuê

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ

Chương 8

Việc truyền giáo dưới thời chúa Trịnh Tạc và chúa Hiền

IV- Lữ Y Đoan và Sấm truyền ca

 

Nhóm đạo Chúa Quảng Ngãi

Gần đây, Claude Gendre, một nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp, viết:

Nhưng sự xung đột giữa đạo công giáo và nền văn minh bản địa không chỉ về văn hoá: khi chủ trương lật đổ mọi tín ngưỡng địa phương để thay vào đó tín điều của riêng mình, Giáo hội Công giáo đã đánh vào nền móng chính trị và xã hội của vương quốc Việt Nam và trở thành kẻ thù số một. Các giáo sĩ không hề giấu diếm: sự tàn phá tư tưởng Khổng Mạnh là điều kiện cần thiết cho tất cả mọi sự truyền giảng Phúc Âm[1].

Claude Gendre hoàn toàn có lý khi ông viết những dòng này.

Nhìn lại lịch sử truyền giáo, ta thấy rằng: chủ trương tàn phá tư tưởng Khổng Mạnh, còn gọi là Cấm Nghi lễ của Vatican, đã được Hội Thừa Sai Paris thi hành từ khi Hội ra đời, theo nghị định tháng 7-1663 của vua Louis XIV[2], với việc năm 1664 gửi Louis Chevreuil đến Đàng Trong, áp dụng chính sách này. Thất bại. Năm sau, 1665, Antoine Hainques đến Quảng Ngãi, kết hợp với nhóm giáo dân Quảng Ngãi mà ta có thể đoán chắc do nhà nho Lữ Y Đoan cầm đầu và là nhà tư tưởng, để thành lập một họ đạo theo tinh thần Đông phương, tạm gọi là Nhóm Quảng Ngãi. Và họ đã thành công.

Chúng tôi xin tóm tắt lại diễn trình này[3]:

Năm 1662, Giám mục Tông tòa Lambert de la Motte (tức Bérithe) đến Xiêm La. Hai năm sau (1664) ông gửi Louis Chevreuil đến Đàng Trong làm Tổng Đại diện (Vicaire général) dưới triều chúa Hiền Nguyễn Phước Tần. Tám tháng sau, Chevreuil thất bại trước trở lực lớn lao là nhóm giáo sĩ Dòng Tên người Bồ không chịu quy phục, phải trở về Xiêm.

Ngày 8-8-1665, Giám mục Bérithe lại gửi Louis Chevreuil đi Đàng Trong cùng với Antoine Hainques. Chevreuil bị ốm, phải ở lại dọc đường, sau đi Cam-bốt. Một mình Hainques cập bến Phan Rí (thuộc Bình Thuận), rồi đi Phú Yên. Sau cùng ông dừng lại ở Quảng Ngãi, cùng giáo dân ở đây xây dựng cơ sở đầu tiên của Hội Thừa Sai Paris ở Đàng Trong. Giám mục Bérithe gửi thêm Pierre Brindeau sang trợ giúp.[4]

Tháng 10-1667, Hainques gửi thầy giảng đầu tiên người Việt do ông đào tạo, tên thánh là Joseph, 28 tuổi, sang Xiêm để năm sau (1668), Giám mục Bérithe phong linh mục: Cha Joseph Trang[5], là vị linh mục người Việt đầu tiên ở Đàng Trong.

Hainques đã học chữ Nôm, chắc hẳn với thầy giảng Lữ Y Đoan, nên những bản báo cáo của ông gửi Giám mục Bérithe về những người tử đạo, được viết bằng chữ Nôm, và trong giáo phận Quảng Ngãi, người ta cũng dùng chữ Nôm.

Trong năm năm (1665-1670), Hainques đã thành lập họ đạo Quảng Ngãi và được giáo dân mến mộ, coi như một “vị thánh” (Xem chương 8, phần II).

Giám mục Bérithe, khi đến Đàng Trong lần thứ nhất (từ tháng 7-1671 đến tháng 3-1672), đã ở lại Quảng Ngãi hai tháng, lập dòng nữ tu Dòng Mến Thánh Giá.

Linh mục Vachet được lệnh từ Xiêm đi Đàng Trong để sửa soạn chuyến đi Đàng Trong lần II cho Giám mục Tông toà (từ tháng 7-1675 đến tháng 5-1676) cũng đến thẳng Quảng Ngãi. Linh mục Mahot từ Nước Mặn lên Quảng Ngãi (để tổ chức chuyến đi này), gọi Quảng Ngãi là địa điểm chính của công giáo ở vương quốc (le principal lieu du christianisme du royaume)[6]. Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa: Quảng Ngãi chính là “đầu não” của giáo hội Pháp ở Đàng Trong.

Nhóm Quảng Ngãi bị đầu độc

Năm 1670, cả hai giáo sĩ Hainques và Brindeau đều bị đầu độc chết ở Quảng Ngãi, ở tuổi 33 và 34. Họ là những nạn nhân đầu tiên. Linh mục Mahot từ Xiêm viết thư cho Giám đốc Hội Thừa Sai ngày 11- 6-1671, về hai cái chết đột ngột này:

Tất cả Đàng Trong khóc những mất mát này, đặc biệt ông Hainques như cha chung của họ, không ai sánh được. Tất cả người Bồ giữ một lòng kính trọng ông Brindeau, đều thương tiếc ông”.[7]

- Ba năm sau, 1673, bi kịch tiếp diễn với cái chết của linh mục Guiart, Tổng Đại diện Đàng Trong. Claude Guiart hay Guyart sinh khoảng 1636, tại Paris. Đi truyền giáo ngày 8-11-1665. Qua đời ngày 24-5-1673 ở Bau-nghe [Bầu Nghệ], Quảng Ngãi[8], ở tuổi 37.

Vachet chỉ viết vài dòng ngắn ngủi về cái chết của Guiart:

Chưa bao giờ Ô. Guiart khoẻ mạnh như thế, bỗng đột nhiên ông cảm thấy gan ruột đau quặn thắt. Chưa đầy hăm bốn giờ sau, ông qua đời... Ông ra đi ngày 3-6-1673.[9]

- Năm 1675 đến lượt Joseph Trang, linh mục người Việt đầu tiên do Hainques đào tạo. Hẳn là ông đã thay thế Hainques và Brindeau trong nhiệm vụ truyền giáo ở Đàng Trong. Về cái chết này, de Courtaulin viết thư cho Giám mục Laneau như sau:

- “Việc đáng kể nhất là cái chết của Cha Joseph [Trang] ở Phú Yên. Từ miền núi, nơi ông đã uống phải nước độc, trở về, bị bệnh, sáu ngày sau qua đời, Cha ở Nước Mặn [Mahot] không kịp đến [làm lễ] trợ tử[10].

- Năm 1678, đến lượt Lữ Y Đoan. Cha Đoan được phong linh mục năm 1676; hai năm sau ông qua đời (tháng 6-1678) cũng vì uống phải “nước độc”. De Courtaulin, trong bài Relation de la cochinchine 1674-1682, sau khi nói về cái chết của giáo sĩ Thomas, kết luận:

Ông ta [Thomas] là giáo sĩ thứ năm chết vì nước [độc]: Ô. Hainques, Ô. Brindeau, Ô. Guiart, cha Louis [Đoan], người Đàng Trong, cũng bị chết như thế.[11]

- Năm 1679, Giám mục Lambert de la Motte qua đời.

- Năm 1681, giáo sĩ Thomas chết vì “nước độc”. De Courtaulin viết trong Ký sự Đàng Trong, 1674-1682, về cái chết của Thomas như sau:

Chết ở Phu-moi [Phố Mới] ngày 19-2-1681

... ông ta [Thomas] đã uống nước trong một làng nào đó, thứ nước độc làm cho toàn thân thể co giật khủng khiếp, và sau khi chịu đựng như vậy trong vòng sáu tháng, ông ta đã chết trong tay giáo sĩ Bouchard, ở giáo phận bên cạnh.[12]

- Năm 1684, cha Luc Bền qua đời, không rõ ở đâu và vì bệnh gì[13].

- Ngày 1-6-1684, Giám mục Mahot chết trong điều kiện tối tăm ở Hội An, ở tuổi 50[14].

Tóm lại, từ năm 1670 đến 1678, có 6 linh mục chết vì “nước độc” ở Quảng Ngãi: Hainques, Brindeau (1670), Guiart (1673), Joseph Trang (1675) Lữ Y Đoan (1678). Cha Trang và cha Đoan là hai trong số bốn linh mục đầu tiên người Việt.

De Courtaulin, linh mục đã viết sơ lược về những cái chết này, đưa ra lý do: họ chết vì “nước độc”. Xin nhắc lại rằng: de Courtaulin là người, ở thời điểm (1679-1682), có vai trò quan trọng trong việc quản trị Đàng Trong, sau khi Giám mục Bérithe qua đời (1679) và trước khi Mahot được Vatican phong chức Giám mục (1682), vì vậy những điều ông viết có thể để phản ảnh quan niệm của Vatican.

Nhưng lý do chết vì “nước độc” mà de Courtaulin đưa ra rất vô lý.

Tại sao?

Bởi vì, các giáo sĩ Pháp đến Quảng Ngãi, không biết rõ phong thổ, địa lý, có thể uống nhầm “nước độc”, mà chết, nhưng cha Trang là người Việt, nhất là cha Đoan, quê Quảng Ngãi, là một nhà bác học, thông hiểu nhiều vấn đề, làm sao có thể uống nhầm “nước độc”, không lẽ toàn thể đất Quảng Ngãi đều nước độc?

Vậy ta phải tìm mẫu số chung của những cái chết này. Trừ cha Thomas, mất năm 1681, không thấy ghi những hoạt động có tính chất “phản kháng”, những người còn lại đều ít nhiều chống lại lập trường truyền giáo của Vatican:

1- Antoine Hainques và Brindeau, là hai người bị đầu độc đầu tiên, ở tuổi 33 và 34.

Ngày 26-2-1670, Hainques viết một lá thư rất dài gửi Hội Thừa Sai Paris, xin thay đổi luật của Toà Thánh cho phù hợp với đời sống tinh thần và phong tục của người Việt, với những điểm chính sau đây:

1- Xin lập bàn thờ trong nhà giáo dân.

2- Xin cho phép trồng cây nêu ngày Tết để trừ ma quỷ.

3- Xin làm giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Trả lời: Phải theo đúng lệnh Giáo hoàng [Alexandre VII] và Thánh Hội (La Sacrée-Congrégation 1656)[15], tức là triệt để Cấm Nghi lễ.

Tám tháng sau Hainques bị đầu độc chết (cuối tháng 12-1670), và mấy ngày sau (đầu tháng 1-1671) Brindeau cũng bị đầu độc chết theo.

2- Claude Guiart (Guyart) Tổng đại diện Đàng Trong, trúng độc qua đời ngày 3-6-1673 ở Bau-Nghe, Quảng Ngãi[16]. Được Giám mục Bérithe dặn phải quan sát hiện tình truyền giáo ở Đàng Trong, Guiart làm việc cùng với Joseph Trang. Ngày 6-2-1672, Guiart viết một thư về Hội Thừa Sai tường trình tình trạng thiếu tu sĩ từ khi Hainques và Brindeau qua đời. Nhưng quan trọng nhất là thư ông viết ngày 10-3-1673 gửi về Toà Thánh, chỉ trích việc truyền giáo theo lệnh Vatican mà Hội Thừa Sai áp dụng. Ông nhận thấy: nhiều người đến xin làm lễ rửa tội, nhưng sau khi nghe những điều kiện bắt buộc phải theo, họ bỏ. Sự ngã lòng này không phải vì chúa Hiền ra dụ cấm đạo mà vì những điều lệ bắt buộc của Hội Thừa Sai. Guiart viết: “... Một năm sau khi Hainques và Brindeau qua đời, số tín đồ vẫn lên rất cao […] Nhưng từ khi Giám mục Bérithe đến Đàng Trong [áp dụng lệnh truyền giáo của Vatican] cho tới lúc ông đi khỏi, tức là trong gần một năm, người ta chỉ làm lễ rửa tội được cho tất cả có 2.000 người[17].

Ba tháng sau Guiart chết vì trúng độc ở Quảng Ngãi ngày 3-6-1673.

3- Joseph Trang, là người do Heinques đào tạo. Sau khi Heinques qua đời, ông làm việc với Guiart. Ông là linh mục đầu tiên người Việt chết vì uống phải “nước độc” ở Phú Yên, năm 1675.

4- Lữ Y Đoan, bị đầu độc năm 1678. De Courtaulin ghi: “Tháng 6, Cha Louis, người Đàng Trong, qua đời vì đau bụng[18].

Cái chết của Lữ Y Đoan có nhiều lý do phức tạp hơn tất cả những cái chết bị đầu độc khác. Đó là lý do khiến chúng ta cần điều tra lại nguồn cội mọi việc.

Tác phẩm Sấm truyền ca được ghi nhận xuất hiện năm 1670[19]. Tại sao 1670 mà không phải 1660 hay1665? Bởi vì năm 1670, Hainques đến Quảng Ngãi đã được năm năm và đã lập xong giáo phận đầu tiên của Hội Thừa Sai. Chắc chắn thầy Đoan đã soạn Sấm truyền ca từ nhiều năm trước, với tinh thần Việt hóa Thánh kinh, nhưng chưa thể công bố. Đến năm 1670, mọi sự đã thay đổi hẳn, nên thầy Đoan cho Sấm truyền ca xuất hiện để phục vụ giáo dân. Đó là giả thuyết chúng tôi tạm đưa ra.

Giáo phận Quảng Ngãi có nhiều trí thức nho học, quy tụ quanh Lữ Y Đoan, cho nên sau khi được phong linh mục, cha Đoan đã cử hành thánh lễ đầu tiên ở Kẻ Chàm (Quảng Ngãi). Thư de Courtaulin gửi Giám mục Bérithe, năm 1676, có câu:

Ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, cha Louis [Đoan] cử hành thánh lễ đầu tiên ở Cacham [Kẻ Chàm, Quảng Ngãi] tại nhà người em thứ[20] trang hoàng tuyệt đẹp, với sự hiện diện của khoảng 500 giáo dân, gồm những phần tử ưu tú nhất của toàn thể vùng này (qui étaient l'élite de toute cette province.)[21]

Giáo sĩ Cristoforo Borri, từ năm 1620, đã “mơ tưởng” đến việc thu phục thành phần trí thức nho học, ông cho rằng nếu có trí thức trong hàng ngũ, thì đạo Chúa mới phát triển được.

Nhưng muốn trí thức nho học theo đạo, thì không thể dùng phương pháp của Vatican: triệt hạ tất cả hệ thống tư tưởng chân truyền Khổng, Lão, Phật, và thờ cúng tổ tiên, mà có thể thành công. Vì vậy, Lữ Y Đoan phải “viết lại” Thánh Kinh theo tinh thần Đông phương. Hainques đến Quảng Ngãi chấp nhận tinh thần này, nên được toàn thể giáo dân ở đây ủng hộ. Guiart theo chân Hainques, ngày 10-3-1673 gửi bản điều trần về Tòa Thánh, chỉ trích phương pháp truyền giáo của Hội Thừa Sai.

Vì vậy, ta có thể hiểu rằng: cuốn Sấm truyền ca của Lữ Y Đoan và những đòi hỏi giảng đạo theo tinh thần Đông phương của Hainques, Brindeau và Guiart, đã dẫn đến những cái chết bí ẩn của bốn người này.

Nhưng sự ra đi của Giám mục Lambert de la Motte, một năm sau khi Lữ Y Đoan qua đời, cũng không kém phần u uẩn. Sau khi gặt hái thành công lớn: đạo Chúa được tự do truyền giảng ở Đàng Trong, trở về Xiêm, đáng lẽ đức Giám mục phải bằng lòng và sung sướng, tại sao ông lại buồn bực chán đời và uống rượu? Phải chăng vì ông nghe tin Lữ Y Đoan chết đột ngột? Có thể Giám mục đã thông cảm và hiểu thấu tâm hồn vị linh mục học giả này, người đã giúp ông những việc chủ yếu sau đây:

- Viết thư thay ông, đệ lên chúa Hiền, làm chúa thay đổi lập trường, cho phép đạo Gia-Tô được truyền giảng ở Đàng Trong. Lá thư này chúng tôi xin dịch và in lại dưới đây.

- Viết thư ký tên 100 đại diện giáo dân, đệ lên Giáo hoàng Clément X, xác định sự thành công của giáo hội Đàng Trong[22]. Lá thư này chúng tôi đã chụp lại và in trong chương 8 phần III.

Thư của Giám mục Tông Toà Lambert de la Motte gửi chúa Hiền

Như chúng tôi đã chứng minh trong chương 8 phần III, lá thư này do Lữ Y Đoan viết, hiện chưa biết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, bởi vì trong tài liệu, chỗ ghi chữ Hán, chỗ ghi chữ Nôm. Chính Lữ Y Đoan đã dịch thư này sang tiếng Pháp. Theo những lời cuối thư (xem ở dưới), thì là chữ Hán. Trong chương 8, phần III, chúng tôi đã nói rõ việc hình thành và nội dung lá thư này, cùng hành trình của Mahot và Manuel Bổn, đệ thư lên chúa Hiền. Dưới đây, xin dịch toàn bộ lá thư, từ bản tiếng Pháp[23], như một tài liệu lịch sử. Vậy là dịch đi dịch lại hai lần. Mong độc giả lượng thứ và sửa sai, nếu sau này tìm được bản gốc.

Bản dịch tiếng Việt

Cầu xin Thánh thượng vạn tuế, để trăm họ được thụ hưởng lâu dài cuộc đời thái bình đầm ấm. Thần sinh ở phương Tây, trong vùng thế giới, được gọi là Âu châu, cách xa vạn dặm. Nhiều năm trước, khi còn ở quê nhà, thần đã nghe những lời danh tiếng đồn rằng Thánh thượng rộng lượng bao dung, cho phép truyền giáo trên khắp vương quốc của ngài, một vùng đất mà người ngoại quốc nào cũng muốn đến để tỏ lòng biết ơn và phụng sự Thánh thượng. Vì thế nên thần quyết định ra đi, để tỏ bày lòng kính trọng sâu xa lên Thánh thượng, với tư cách thừa sai, tức là kẻ được thừa hành gửi đến đây, để đệ trình lên Thánh thượng và thần dân của ngài những lời lẽ chân thực và hữu lý.

Thần đến vương quốc Xiêm La trong kỳ vọng này, nhưng từ khi đến nơi, thần nghe nói rằng Chúa thượng đã ban dụ cấm đạo cho toàn dân, cho nên từ ngày ấy, thần không dám rời xứ Xiêm để đến tạ ơn Chúa thượng, sợ làm Chúa thượng phật lòng. Tuy nhiên, thần tin rằng, lúc này, cơ hội đã thuận tiện hơn, thần nhờ một thương thuyền đi buôn bán trong những hải cảng của Chúa thượng, đưa một giáo sĩ dưới quyền đến Triều đình, để đón nhận chiếu chỉ về lời cầu xin khiêm tốn của thần là được đích thân đến chầu để tỏ lòng kính cẩn và trung thành với Chúa thượng và bày tỏ đôi lời có hiệu lực mạnh mẽ về đạo mà thần truyền đi là chân chính. Đó là ân huệ duy nhất thần thiết tha cầu khẩn và tin tưởng đợi chờ.

Thần dám thưa trước với Chúa thượng rằng sứ mệnh thần thực hiện buộc thần phải từ bỏ ước mơ tuyệt đỉnh, loại trừ mọi ham muốn của cải và thú vui trên đời, dấn thân vào cuộc sống trai giới, thánh thiện; đạo thần truyền giảng và kêu gọi các dân tộc đi theo, rất phải lẽ, đến độ ánh sáng thiên nhiên chỉ có thể đồng tình, nếu nó không bị đạo đức suy đồi làm cho u tối.

Điều đầu tiên mà thần truyền dạy là phải tôn thờ, tức là phải thần phục, kính yêu và phụng sự Thiên Hoàng (Roi du Ciel), thờ phụng tương xứng với địa vị Thần thánh của ngài. Thiên Hoàng là vị Thần linh thuần túy, vĩnh cửu và toàn năng, cao cả vô cùng, ở trên mọi loài, đã tạo ra trời, đất, vạn vật để phụng sự con người, và tạo ra con người để phục vụ Thiên Hoàng đặng ngài ban phước lành cho nhân thế ở tất cả mọi miền trên trái đất.

Thần còn công bố cho toàn thể các dân tộc rằng: phải tỏ lòng tôn kính tất cả các vì vua trên thế giới bởi họ được Thiên Hoàng lập ra để gìn giữ hòa bình, diệt trừ kẻ ác và bảo vệ người lành. Chính các vua đã thành lập quân đội, cho tồn tại bằng quân nhu, đạn dược, để bảo vệ thần dân, chiến thắng quân địch, trên hai mặt thủy bộ; mở mang nền giao thông với ngoại bang, cho dân tộc được nếm hoa trái một chính sách hòa bình. Tất cả những lợi ích này đều nhờ cậy nhà vua, nên thần dân, để tỏ lòng biết ơn, phải sẵn sàng đáp lại bằng sự tôn kính và trung thành với vua.

Ngoài hai bổn phận trên đây, còn bổn phận thứ ba là phải kính yêu và thờ phụng cha mẹ đã sinh thành ra ta. Không người con nào có thể cưỡng lại bổn phận này: cha, cho ta thân thể và tên họ; mẹ mang nặng ta chín tháng trong lòng, cho bú ba năm. Vì tình yêu con, mẹ chịu nằm nơi lạnh ẩm, nhường cho con chỗ ấm cúng nhất trong nhà, mớm cơm cho tới khi con cứng cáp khoẻ mạnh. Đứa con phải trả ơn những điều tốt lành mà cha mẹ đã dành cho nó, những ân huệ nó đã nhận được, bằng sự vâng lời, cũng là phải phép.

Tóm lại, tất cả bổn phận của con đối với cha mẹ, bày tôi đối với vua, đều liên quan đến Thiên Hoàng như đến nguồn cội của mọi điều lành, và chúng ta chịu ơn Thiên Hoàng về tất cả mọi sự cứu giúp của các vị [vua chúa] do Thiên Hoàng tạo tác, cùng sự hiểu biết về các bổn phận mà Thiên Hoàng dạy dỗ con người, không ngừng lưu truyền từ đời cha đến đời con. Nhưng sự hiểu biết này dần dần xóa mờ trong đầu óc nhiều người [cho nên] thần cố gắng ghi khắc lại tất cả một lần nữa, chính yếu là ba điểm mà thần vừa giải thích, ở khắp nơi, và thần khuyên những ai mưu cầu hạnh phúc cho đời sau nên làm.

Tất cả sử sách đều dạy ta rằng cuộc đời hiện hữu sẽ qua đi, và trải những kinh nghiệm nhiều thế kỷ, ta lại biết rằng, chỉ có một con đường đưa tới vĩnh cửu là cái chết. Không ai tự diệt, cũng không ai tự sinh. Ta đã nhìn thấy sự thật này từ thuở khai thiên lập địa tới ngày nay và ta còn thấy cho tới ngày tận thế, cả đến những vị vua đầy quyền uy cũng không thoát khỏi cái chết. Điều quan trọng trong cái chết, là linh hồn được hạnh phúc trở về với đất nước, trong khi thân thể bị ném dưới đáy mồ, và sẽ ở đấy đến khi hai phần [hồn và xác] làm nên con người được sum họp lại theo lệnh của Thiên Hoàng.

Thân thể là phần nhìn thấy được: nó như ngôi nhà của linh hồn, nhưng là ngôi nhà bằng da thịt có thể mục nát, không bảo đảm sự thối rữa. Linh hồn, ngược lại, là một thực thể tinh thần và bất tử, không thể nhìn thấy được; nếu linh hồn chọn con đường đạo đức, khi còn ở trong thể xác, nó sẽ lên trời khi thoát khỏi thể xác; nếu linh hồn đam mê tội lỗi, nó sẽ rơi vào địa ngục, sau khi nhận bản án của Thiên Hoàng mà sự phán quyết bất di bất dịch mãi mãi.

Tâu Hoàng thượng, đấy là tất cả những gì mà thần truyền giảng, và đó là đạo duy nhất chân xác quy tụ mọi dân tộc trên thế giới, mặc dù họ bị chia rẽ vì tiếng nói khác nhau, chữ viết khác nhau, bờ cõi khác nhau. Ta đếm được muôn vạn Quốc gia chia nhau thiên hạ; nhưng chỉ có một Trời là chung nhau, và Trời bao phủ lên tất cả. Cũng chỉ có một con đường dẫn đến đó bằng sự thống nhất trong một tín ngưỡng.

Thiên cầu không có hai mặt trời; Vương quốc không có hai vua; Trời không có hai chúa tể, và vị Chúa tể độc nhất không muốn chúng ta đến với ngài qua hai tôn giáo. Vậy đạo của Thiên Hoàng là duy nhất, nhưng vô cùng phong phú và cao cả, và những vị Thánh thần từ ngàn năm trước đã cho ta biết là đạo này mang trong mình tất cả công bằng, với mọi kỳ công siêu phàm và được trợ đỡ bởi vô vàn lý lẽ thuyết phục, hiển nhiên cho thấy rằng trời và đất không phải là Thượng đế bởi vì cả hai chỉ được tạo ra để phục vụ con người: cái này để vinh thăng họ, cái kia để nâng đỡ họ.

Sau cùng, vì thần chưa nhuần nhuyễn tiếng Việt, nên thần mượn chữ Hán để đệ trình lên Thánh thượng những lời chân thật, tạ ơn và kính chúc Thánh triều một thời đại phồn vinh mọi mặt và Bệ hạ thánh thọ vạn tuế.

Bản tiếng Pháp

Puisse votre Majesté vivre mille et mille années pour faire jouir ses Etats des douceurs d'une longue paix. Nous sommes nés en Occident, dans la partie du monde qui s'appelle Europe, éloignée d'ici de plus de dix mille lieues. Il y a plusieurs années qu'étant encore dans notre patrie, nous apprimes par la voie de la renommée, que Votre Majesté, dont le cœur est plein de bonté et de clémence, avait permis de prêcher la loi de vérité dans son royaume, où toutes sortes de nations étrangères abordaient de tous côtés pour donner à Votre Majesté des marques de leur reconnaisance, et lui faire offre de leurs très humbles services. Nous fimes dès lors dessein de partir pour lui venir présenter nos profonds respects en qualité de missionnaires, c'est-à-dire de personnes envoyées pour porter à elle et à ses peuples les paroles de la vérité et de la justice.

Nous arrivâmes au royaume de Siam dans cette espérance, mais on nous dit en arrivant que Votre Majesté avait défendu la loi par ses édits à tous les sujets de son obéissance; et depuis ce temps là nous n'avons pas osé partir d'ici pour aller lui rendre ce qu'on lui doit, de peur d'attirer son indignation sur nous. Cependant comme nous croyons qu'elle nous sera peut-être à présent plus favorable, nous nous servons d'un vaisseau marchand qui va trafiquer dans ses ports, pour faire passer à sa Cour un missionnaire inférieur qui doit aller recevoir les ordres de Votre Majesté, sur la prière très humble que nous lui faisons, de trouver bons que nous allions nous-même en personne l'assurer de nos respects et de notre fidélité, et de lui dire quelques mots de la plus solide vertu, afin qu'elle puisse se persuader que la loi que nous annonçons est la véritable. C'est l'unique grâce que nous demandons avec ardeur, et que nous attendons avec confiance.

Nous osons dire par avance à Votre Majester que la profession que nous faisons, nous oblige à renoncer à l'ambition du siècle, au désir des biens et des plaisirs de la terre, et nous engage à mener une vie sainte et chaste, et la doctrine que nous prêchons en exhortant tous les peuples la l'embrasser est si raisonnable, que la lumière naturelle ne peut se défendre de l'approuver, quand elle n'est point obscurcie par la corruption des mœurs.

La première chose que nous enseignons, est qu'il faut adorer, c'est-à-dire reconnaître, aimer et servir le Roi du Ciel, en lui rendant un culte qui ait quelque proportion avec sa divine Majesté. C'est un pur Esprit, éternel et tout-puissant, infiniment au dessus de tout les êtres de la nature; il a créé dans le temps le ciel, la terre, les animaux et les arbres pour le service de l'homme, et il a formé ce même homme pour en être servi, pendant qu'il verse sur lui toutes sortes de bénédictions dans tous les divers climats du monde.

Nous publions aussi à tous les peuples qu'ils sont obligés de rendre hommage aux rois de la terre, parce qu’ils sont établis par le Roi du Ciel pour conserver la paix, pour exterminer les méchants et pour servir d'asile aux bons. C'est à eux qu'il appartient de lever des armées, de les faire subsister par les munitions de bouche et de guerre, de défendre leurs sujets, de triompher de leurs ennemis, par mer et par terre, d'entretenir commerce avec les étrangers, et de faire gouter à tout leur royaume les fruits d'un gouvernement pacifique. Comme tous ces avantages viennent d'eux, il faut que leurs peuples leur rendent de bon cœur, et par reconnaissance, l'honneur et la fidélité qui leur sont dus.

Nous ajoutons à ces deux premières obligations celle d'aimer et d'honorer ses parents, dont on a reçu la vie. Il n'y a point d'enfant qui puissent disputer la justice de ce devoir: c'est de son père qu'il tire son nom et son être; c'est sa mère qui le porte neuf mois dans son sein, qui lui donne la mamelle durant trois ans, qui couche pour l'amour de lui dans des lieux froids et humides, afin de le mettre dans l'endroit le plus commode de la maison; et qui tire, pour ainsi dire, les morceaux de sa bouche pour les lui donner, jusqu'à ce qu'il soit devenu grand et vigoureux. Il est donc bien raisonnable que pour lors cet enfant commence à payer par ses services et par son obéissance, les bontés qu'on lui a témoignées, et les bienfaits qu'il a reçus.

Au reste toutes les obligations que les enfants ont à leurs parents, et les sujets à leurs princes, se rapportent au Roi du Ciel, comme à la source de tous les biens et nous lui sommes redevables de tout le secours que nous tirons de ces créatures, aussi bien que de la connaissance qu'il a toujours donnée aux hommes de leurs devoirs, par de continuelles traditions de pères en fils. Mais parce que cette connaissance s'efface peu à peu de l'esprit de plusieurs personnes, nous tâchons de l'y graver tout de nouveau en tous les pays, principalement en ce qui regarde les trois points que nous venons d'expliquer, et dont nous recommandons la pratique à tous ceux qui prétendent au bonheur de l'autre vie.

Tous les livres d'histoire nous apprennent que la vie présente passe, et l'on sait par l'expérience de tous les siècles, qu'elle n'est qu'un chemin qui conduit à celle de l'éternité par le passage à la mort. Il n'y a point d'homme qui prenne fin, de même qu'il a pris naissance. On a vu cette vérité depuis la création jusqu'à présent, et on la verra jusqu'à la consommation des temps, sans que les rois mêmes puissent avec toute leur puissance s'exempter de mourir. L'importance est que cette mort soit un heureux retour de notre âme à la patrie, pendant que notre corps est jeté dans le tombeau, où il demeure jusqu'à ce que les deux parties qui composent l'homme se réunissent par l'ordre du Roi du Ciel.

Le corps est visible: il est là comme la maison de l'âme, mais une maison de chair corruptible qu'on ne peut garantir de la pourriture. L'âme au contraire est une substance spirituelle et immortelle, qui ne se voit point; si elle embrasse la vertu lorsqu'elle est encore dans son corps, elle monte au ciel quand elle en sort; si elle s'abandonne au vice, elle tombe dans les enfers, après avoir subi le jugement du Roi du Ciel, dont le décret est immuable pour toute l'éternité.

Voilà, Sire, ce qu'enseigne la religion que nous prêchons, et qui est elle seule la véritable, dans laquelle doit se réunir toutes les nations du monde, quoiqu'elles soient divisées entre elles par la diversité des langues qu'elles parlent, des caractères qu'elles écrivent et des royaumes qui les séparent. L'on compte mille et mille Etats qui partagent l'univers; cependant il y a qu'un même Ciel qui leur est commun, et qui les couvre les uns et les autres. Il n'y a aussi qu'un seul chemin pour les y conduire par l'unité du même culte.

Le globe céleste n'a pas deux soleils; un royaume n'a pas deux rois; le Ciel n'a pas deux seigneurs, et ce Seigneur unique ne veut pas qu'on aille à lui par deux sortes de religion. Sa loi est donc une, mais elle est infiniment ample et sublime: et les Saints de tous les temps nous ont fait connaître qu'elle renferme elle seule toute la justice et toutes les merveilles surnaturelles, et qu'elle est appuyée d'une infinité de bonnes raisons, qui font évidemment voir que le ciel ni la terre n'est pas une divinité, puisque l'un et l'autre n'est fait que pour l'usage de l'homme: celui-là pour le couronner, celle-ci pour le soutenir.

Au reste, comme nous ne sommes pas encore bien versés dans la langue de la Cochinchine, nous empruntons les lettres chinoises pour présenter à Votre Majesté ces paroles de vérité et de grâce, et pour lui souhaiter mille années de vie et de prospérité de toutes parts.[24]

Lữ Y Đoan đã thay khái niệm Thượng đế trong Kinh thánh bằng khái niệm Thiên hoàng (Roi du Ciel) dùng ba yếu tố nguồn cội tư tưởng phương Đông: Thiên hoàng, VuaCha mẹ, mà con người phải biết ơn và kính trọng, làm cột trụ. Đó là lý do khiến sau khi đọc lá thư này, chúa Hiền chấp nhận đạo Chúa.

Nhưng chủ trương của Lữ Y Đoan còn sâu rộng hơn nữa: ông muốn xây dựng một dòng đạo Gia-Tô Việt Nam với Sấm Truyền Ca, bản “Kinh Thánh tiếng Việt”, viết theo triết lý và đạo đức Đông phương.

Lữ Y Đoan và Sấm truyền ca

Lữ Y Đoan là ai?

Những sách tiếng Việt viết về Lữ Y Đoan, có rất ít thông tin về tiểu sử của ông, trừ một số điều rút ra từ những tài liệu của các giáo sĩ Pháp.

- Bài tựa Sấm truyền ca của Phan Văn Cận có câu: “Năm 1672 Đức Vít vồ Lâm biên mộc (Lambert de la Motte) phong chức thầy Cả cho thầy, lúc ấy thầy trên 60 tuổi”. Thực ra Lữ Y Đoan được phong linh mục năm 1676, nhưng câu này cho biết: (có thể) năm 1672, Lữ Y Đoan đã trên 60 tuổi, (có thể) ông sinh trước năm 1612. Và chắc hẳn ông đã học chữ nho từ nhỏ.

Khi đạo Chúa truyền vào Đàng Trong năm 1615, với nhóm giáo sĩ Bồ và Ý do cha Buzomi cầm đầu, chắc ông đã theo đạo mới, học tiếng Bồ, tiếng La-tinh và có lẽ cả tiếng Pháp với họ, và trở thành thầy giảng. Khi linh mục Hainques tới Quảng Ngãi năm 1665, thầy giảng Đoan vào khoảng 53 tuổi. Ở thời điểm ấy, thầy Đoan đã là một trong những nhà thâm nho nổi tiếng trong xứ, thông thạo tiếng La tinh, tiếng Bồ, tiếng Pháp... và chắc thầy Đoan đã dạy cho cha Hainques chữ Nôm.

Về cái chết của cha Lữ Y Đoan năm 1678, giáo sĩ de Courtaulin chỉ ghi vắn tắt:

Tháng 6, Cha Louis, người Đàng Trong, qua đời vì đau bụng[25].

Nhưng de Courtaulin còn viết thêm một câu xác định Lữ Y Đoan bị chết vì “nước độc”:

Ông [Thomas] là giáo sĩ thứ năm bị chết vì nước độc: Ô. Hainques, Ô Brindeau, Ô Guiart, Cha Louis người Đàng Trong [Lữ Y Đoan] cũng đã chết như thế.[26]

Như vậy, Lữ Y Đoan, đã bị đầu độc như Hainques, Brindeau, Guiart, Joseph Trang, là những người chống lại chính sách truyền giáo Cấm Nghi lễ của Vatican. Nhưng Lữ Y Đoan không chỉ chống lại việc Cấm Nghi lễ mà còn đi xa hơn nữa: Ông đã sáng tạo Sấm truyền ca.

Sấm truyền ca bị cấm

Chúng ta biết rằng, từ năm 1674, chúa Hiền cho phép đạo Gia-tô được truyền giảng ở Đàng Trong, và hẳn là lúc đó sách Sấm truyền ca của Lữ Y Đoan được tự do phổ biến vì đi đúng đường lối tư tưởng phương Đông. Nhưng cũng vì ông đã dựa trên văn hoá truyền thống và tư tưởng triết học Đông phương để viết lại Kinh Thánh, việc này đi ngược với đường lối của Giáo hội, nên Sấm truyền ca bị Hội Thừa Sai nghiêm cấm.

Sau cái chết của Lữ Y Đoan, sách vẫn lưu truyền trong dân chúng, bởi vì đạo Chúa được phép tự do truyền giảng trong vòng hơn hai mươi năm: dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, từ năm 1674 đến năm 1687, khi chúa qua đời, sang thời chúa Nguyễn Phước Trăn (1687-1691), đến thời chúa Nguyễn Phước Chu (1691-1725), mới bắt đầu có lệnh cấm đạo trở lại, nhưng không chắc đã cấm Sầm truyền ca, vì sách này hợp với tinh thần Việt Nam.

Theo thư của Giám mục Tông toà Đàng Trong Alexandris (1728-1738) gửi cho ông Grouge năm 1731[27] ra lệnh tịch thu sách này, thì: nhà người công giáo nào cũng có Sấm truyền ca, như vậy sách đã được lưu truyền từ khoảng 1670 đến 1731 (khi Giám mục Alexandris ra lệnh tịch thu) tức là trong 61 năm.

Lệnh thu hồi Sấm truyền ca và một số kinh sách, in trong thư của Giám mục Alexandris gửi ông Gouge ngày 22-8-1731, được rút từ tài liệu của Hội Thừa Sai (AME volume 285, p.152) và được in lại trong sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay, tập II, trang 10-11, là đoạn sau đây:

Scio te, et Christianos habere apud se bibliam sacram lingua anamitica translatam, vulgo Sam Tluyen, et ubique dispersi sunt multi libri necnon orationes a D. Carolo compositae: quapropter cogita quamprimum colligere omnes libros illos, omnes biblias et orationes, et ad me mittas, vel deponas apud P. Valerium meum provicarium, quia prohibeo illos in posterum; nec cuiquam amplius legere licebit, et monebis ubique solas antiquas preces recitari debere.

Vì không biết chữ La tinh, nên chúng tôi nhờ Google dịch sang tiếng Pháp:

Je sais que les chrétiens possèdent chez eux la Bible sacrée traduite en langue anamite, communément appelée Sam Tluyen [Sấm Truyền], et qu'il existe de nombreux livres ainsi que des prières composées par M. Carolo, dispersés partout. C'est pourquoi je te demande de réfléchir rapidement à rassembler tous ces livres, toutes les bibles et prières, et de me les envoyer, ou de les remettre à mon vicaire, le Père Valérius, car je les interdis à l'avenir et il ne sera plus permis à personne de les lire. Tu avertiras également que seules les anciennes prières doivent être récitées partout.

Chúng tôi xin dịch đoạn này sang tiếng Việt:

Ta biết rằng những người công giáo đều có trong nhà cuốn Thánh kinh dịch sang tiếng Việt, được gọi là Sấm Truyền, cùng nhiều sách và kinhdo Thầy [28] Carolo soạn, đã phân tán khắp nơi. Vì thế, ta truyền phải mau mau thu thập lại những sách này, tất cả kinh thánh và kinh cầu nguyện, và gửi lại cho ta hoặc đưa cho ông phó giám mục là Cha Valérius, bởi vì từ nay về sau ta cấm không cho bất cứ một ai được đọc những sách đó. Ông báo cho mọi người biết rằng chỉ có những kinh cũ là được học và đọc ở khắp nơi mà thôi.

Xin nhắc lại: Đây là đoạn trích dẫn thư của Giám mục Alexandris gửi ông Gouge ngày 22-8-1731, thư này được Launay chép lại trong sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1728-1771, tập II, trang 10-11.

Giám mục Alexandris đến Đàng Trong năm 1728, năm 1731, ông ra lệnh cấm Sấm truyền ca, và trong lệnh cấm này ông cho biết: những người công giáo đều có trong nhà cuốn Thánh kinh dịch sang tiếng Việt, được gọi là Sấm Truyền. Như vậy, ông xác định sách này đã xuất hiện khá lâu rồi. Và khi ông cho rằng do Thầy Carolo (hay Ông Carolo) soạn, chắc ông dựa theo những báo cáo của các thừa sai dưới quyền.

Đào Quang Toản và bài Linh mục Louis Đoan và Sấm truyền Ca

Đoạn trích dẫn lệnh thư tiếng La-tinh của Alexandris trên đây, được linh mục Đào Quang Toản, trong bài Linh mục Louis Đoan và Sấm truyền Ca, in trên Văn Việt ngày 24-11-2023, dịch sang tiếng Việt như sau:

Tôi biết cha và các giáo dân đang có tại nhà mình quyển sách Thánh Kinh được dịch sang tiếng Việt, tục gọi là Sấm Truyền, và nhiều tập sách cũng như các kinh cầu do Đức cha Carôlô [Labbé] soạn ra. Do vậy, cha hãy lo liệu, sớm nhất có thể, thu hồi lại tất cả các sách đó, sách Thánh Kinh và các kinh, và hãy gửi đến cho tôi, hay để lại nhà cha Valêriô [Rist] là quyền đại diện của tôi, tại vì tôi sẽ cấm những thứ đó trong những ngày sắp tới. Sẽ không được phép đọc các sách đó nữa và cha sẽ công báo khắp nơi rằng chỉ được đọc những kinh cũ mà thôi” (Thư Đức cha Alexandris gửi cha Gouge – xem A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome II, 1924, trang 11)[29].

Linh mục Đào Quang Toản đã chuyển chữ D. Carolo thành Đức cha Carôlô Labbé, mà không giải thích ông dùng tài liệu nào, để xác định linh mục LabbéD. Carolo.

Linh mục Charles-Marin Labbé, sinh khoảng 1648 tại Notre -Dame-de-la-Délivrande, thuộc thị xã Luc-sur-mer (Calvados). Đi truyền giáo ngày 22-12-1678, qua đời ngày 24-3-1723 gần Mằng Lăng, thuộc Phú Yên[30].

Labbé thuộc thế hệ sau Mahot. Trước khi qua đời, Giám mục Mahot chia địa phận Đàng Trong làm hai: Linh mục Forget cai quản địa phận phía Nam [Phú Yên và phần còn lại của nước Chiêm Thành]. Linh mục Labbé cai quản từ Nước Mặn trở lên biên giới phiá Bắc.[31]

Không thấy tài liệu nào xác nhận linh mục Labbé thông bác chữ Nôm và hiểu biết sâu xa về văn hoá và triết học Đông phương để có thể là tác giả Sấm truyền ca.

Sau cùng Đào Quang Toản chuyển sang giả thuyết: có thể linh mục Laurent Lâu (1732) xuất xứ trong chủng viện Xiêm là tác giả Sấm truyền ca. Tuy nhiên, theo lệnh thư của Giám mục Alexandris gửi ông Gouge, trích dẫn ở trên, thì sách này đã có trong nhà giáo dân (từ trước), vậy không thể do linh mục Laurent Lâu sáng tác năm 1732 được.

Tóm lại, những xác định trên đây của linh mục Đào Quang Toản, không đủ để đánh đổ thuyết Lữ Y Đoan là tác giả Sấm truyền ca đã được truyền tụng đến ngày nay.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nhắc lại ba vấn đề cốt yếu, được Đào Quang Toản[32] nêu ra trong bài Linh mục Louis Đoan và Sấm truyền Ca, để chứng tỏ Lữ Y Đoan không phải là tác giả Sầm truyền ca:

- Vachet đã nhầm khi ghi rằng Lữ Y Đoan dự Công nghị 1682, vì ngày đó ông đã qua đời.

- Lữ Y Đoan không biết tiếng La tinh và một thứ tiếng Âu châu nào khác.

- Tác giả Sấm truyền ca không phải là Lữ Y Đoan, mà là Labbé (đã nói ở trên).

Về sự lầm lẫn của Vachet:

Đào Quang Toản trích một đoạn văn của Vachet nhắc tới Lữ Y Đoan và cho rằng Vachet đã viết sai sự thực, ông viết:

Lần thứ hai cha Vachet nhắc tới cha Louis Đoan trong chuyện Công Đồng Hội An II như sau:

Tôi đem theo tôi cha Louis, vị thông thái nhất trong các linh mục bản xứ của chúng tôi, và người ta có thể mạnh dạn thêm rằng là người thông thái nhất trong toàn xứ Đàng Trong, bởi vì người đã được xem như vậy trước khi chịu chức linh mục (A. Launay, Histoire de la mision, tome 1, sđd. Trang 274).

Ở đây thì rõ ràng là cha Vachet viết không cẩn thận, sai sự thực, như cha vẫn thường hay vấp phạm. Tại vì Công đồng Hội An II do Đức cha Mahot và Đức cha Laneau chủ tọa, diễn ra vào năm 1682, trong khi cha Louis Đoan đã từ trần từ năm 1678 rồi.

Nhận định này của cha Toản hoàn toàn đúng: Vachet đã nhầm lẫn trong bài viết về Công đồng Hội An II, 1682 (Launay I, trang 273-275), ông đưa Lữ Y Đoan vào, trong khi cha Đoan đã qua đời từ năm1678. Nhưng sự lầm lẫn chỉ dừng lại ở đấy, còn những việc được Vachet viết ra, không bịa đặt, mà ông chỉ đem những điều đã xảy ra trong Công đồng Hội An I, hoặc một buổi họp nội bộ nào khác, bàn cãi về việc lạy bài vị, giữa hai phe giáo sĩ Bồ và Pháp, chép vào đây, cho nên chúng ta mới biết được “không khí” tranh luận gay go thời đó, về vấn đề này. Nếu bỏ qua việc lầm Công đồng Hội An II (1682) với Công đồng Hội An I (1672), thì ta có thể coi đây là đoạn văn rất đáng chú ý vể việc bàn cãi nên giữ hay nên bỏ việc lạy trước bài vị tổ tiên, Vachet viết:

... và để không có điều gì có thể chê trách công nghị được, mọi người cử tôi ra thương thuyết với họ [phe Bồ Đào Nha], để cùng đi đến những nguyên tắc mà hai bên đều chấp thuận được. Họ chọn ba người. Tôi chọn cha Louis [Đoan]vị thầy tu bác học nhất, trong những thầy tu bản xứ, và ta có thể mạnh dạn thêm vào, của tất cả Đàng Trong, bởi vì ông đã được tôn vinh như thế từ trước khi nhận chức linh mục. Ông Noguette [thư ký của Công nghị] phải viết lại những điều chúng tôi đồng ý trên bản báo cáo của công nghị, và để tránh mọi nghi ngờ, cha Louis và một thầy giảng của phiá đối lập dịch sang tiếng Việt những điều tôi [Vachet] đọc bằng tiếng La tinh cho ông Noguette nghe.

Nguyên văn chữ Pháp: “… et pour qu'ils n'eussent rien à reprocher au synode, on me nomma pour traitrer avec eux, afin de convenir ensemble des principes sur lesquels il fallait établir la résolution du différend. Ils en chosirent trois de leur côté; je pris avec moi le P. Louis, le plus savant de nos prêtres de la terre, et on peut hardiment ajouter, de toute la Cochinchine, car il passait pour tel avant d'avoir recu le sacerdoce. M. Noguette devait mettre par écrit ce dont nous conviendrions pour le rapport au synode, et afin d'ôter toute sorte de soupcon, le P. Louis et l'un des catéchistes adverses mettaient en langue cochinchinoise ce que je dictais en langue latine à M. Noguette.[33]

Câu quan trọng nhất của Vachet trong đoạn này là: “cha Louis và một thầy giảng của phiá đối lập dịch sang tiếng Việt những điều tôi [Vachet] đọc bằng tiếng La tinh cho ông Noguette nghe.. Câu này Vachet vô tình viết ra, đã chứng tỏ Lữ Y Đoan thành thạo tiếng La tinh, lại không được linh mục Đào Quang Toản chú ý.

Cha Toản dựa vào đoạn Nhật ký dưới đây, được ông ghi là của Lambert de la Motte:

Nhật ký ngày 30-12-1675 của Đức Cha Lambert de la Motte ghi rằng:

Chúng tôi đã sai Thầy Louis Đoan, thầy giảng kỳ cựu và là một trong các người thông thái nhất của vương quốc [Đàng Trong] đến với cha de Courtaulin để cha này chỉ dạy chữ nghiã của chúng tôi, với ông Đôminicô, thầy giảng xứ Bàu Nghệ, và chuẩn bị họ chịu chức thánh”. (On a envoyé Mr Louis Douan, ancien catéchiste et un des plus savants du royaume à Mr de Courtaulin pour l'instruire avec Om Dominique, catéchiste de Bo Nghee à nos lettres et les préparer à l'ordination) (Journal du 30-12-1675, AMEP, vol. 877, p.576).

Chúng tôi xin có mấy nhận xét về đoạn văn này:

1- Đoạn văn này, trích trong Journal du 30-12-1675, AMEP, không có nghiã “Nhật ký ngày 30-12-1675 của Đức Cha Lambert de la Motte như cha Toản ghi, mà chỉ có nghiã: Nhật ký ngày 30-12-1675 của Hội Thừa Sai Paris.

2- Đoạn văn này, cho biết: De Courtaulin được chỉ định việc “instruire à nos lettres cho Louis Đoan (thầy giảng kỳ cựu và là một trong các người thông thái nhất của vương quốc) và Dominique (thầy giảng xứ Bàu Nghệ) để sửa soạn cho hai người này chịu chức thánh (les préparer à l'ordination).

Cụm từ instruire à nos lettres nghiã khá mơ hồ, trong bối cảnh này có thể hiểu là dạy chữ Pháp hoặc chỉ cho kiến thức về chữ Pháp. Người Pháp viết nos lettres là muốn nói chữ ta, tức chữ Pháp, họ không coi “nos lettres” là chữ La-tinh. Nhưng lễ phong linh mục, chắc chắn dùng tiếng La-tinh. De Courtaulin có thể dạy Lữ Y Đoan – một trong những người thông thái nhất của vương quốc cả chữ Pháp, lẫn chữ La-tinh, chỉ trong vòng ít ngày để làm lễ nhận chức linh mục, thì cũng hơi lạ.

Cho nên, nếu de Courtaulin có dạy tiếng Pháp hay tiếng La tinh cho Lữ Y Đoan, cũng chỉ là dạy cách đọc cho đúng giọng, vì thời ấy và ngay cả sau này, nhiều người giỏi tiếng Pháp nhưng khi nói, người Pháp không hiểu.

Khi cha Toản dựa vào đoạn văn này để xác định rằng: “Linh mục Lữ Y Đoan không biết tiếng La tinh. Và chúng ta nghĩ rằng ngài cũng không biết một thứ tiếng Tây phương nào khác, như tiếng Bồ Đào Nha Tây ban Nha hay tiếng Pháp […] Vậy bằng cách nào linh mục Louis Đoan hiểu được bộ Ngũ Thư trong Thánh Kinh Cựu Ước để có thể soạn ra tập Sấm Truyền Ca, chúng tôi cho là một phỏng đoán phiêu lưu. Ngoài ra, không thấy tài liệu nào nói đến tên thầy Dominique được phong linh mục cùng với thầy Đoan. Các tài liệu đều ghi có bốn người được chính thức phong linh mục thời đó là: Joseph Trang, Luc Bền, Manuel Bổn và Louis Đoan.

Sấm truyền ca

Viết về Sấm truyền ca, về phiá tài liệu tiếng Việt, chúng tôi có những văn bản sau đây:

1- Lời Tựa sách Sấm truyền ca của linh mục Phan Văn Cận:

Truyền rằng sách Sấm truyền ca là của thầy cả Lữ Y Đoan đặt ra năm 1670, viết bằng chữ Nôm.

Thầy Cả nầy đã trở lại đạo hồi nhỏ và đã làm thầy giảng giúp địa phận Đàng Trong, thầy rất tinh thông chữ Nho, thuộc nhiều Tứ thơ, Ngũ kinh. Thầy làm sách này cho hạng văn nho đọc để biết rõ đạo Chúa Giêgiu.

Năm 1672 [thực ra là 1676] Đức Vít vồ Lâm Biên Mộc [Lambert de la Motte] phong chức thầy cả cho thầy, lúc ấy thầy trên 60 tuổi, một trật với thầy cả Màn Hòe [Manuel] Bổn tại Cachàm, Quảng Ngãi.

Sách này của thầy bị nhiều thầy cả tây đang hồi đó không ưng vì nó lai sách đạo Nho và đạo Phật, nhưng bổn đạo rất ưa và chép lại để đọc.

Sau đó cơn bắt đạo nổi lên, có mấy gia thất chạy vào miền nam ẩn lánh, cho đến năm 1810 tại Cáimơn được biết có sách này, nhưng ít người đọc được chữ Nôm. Đến năm 1816 nhiều thầy cả dạy tôi chịu khó viết ra chữ quốc ngữ, tôi vưng lời làm như vậy.

Nhờ chữ quốc ngữ nên bổn đạo chép theo được và ham đọc lắm. Có nhiều người biết Nho lấy làm hay, họ cũng xin chép để dành đọc.

Tại Cái-mơn [Bến Tre] ngày 8 tháng chạp tây, năm 1820

Simong Phan Văn Cận[34]

2- Lời Tựa sách Sấm truyền ca của linh mục Trần Hớn Xuyên:

Trải qua cơn bắt đạo dữ dằn đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, việc giữ đạo ở miền Nam phải âm thầm. Sách vở ảnh tượng đều được chôn giấu.

Đến năm 1870 có người đào được ở Cái Nhum (Chợ Lách, Vĩnh Long) một hầm vô chủ, có nhiều sách vở về đạo thánh, trong đó có Sấm truyền ca, giấy đã mục nhiều, lúc đó có ông Nguyễn Văn Thế chịu khó chép lại và truyền ra cho nhiều người biết.

Các linh mục Pháp thời đó không nhìn nhận là đúng với Kinh thánh của đạo, nên cấm bổn đạo đọc vì là sách dị đoan. Vì đó, Sầm truyền ca bị mai một.

Năm 1908, tôi tình cờ gặp quyển sách nầy tại nhà người bạn thân ở Cần Thơ. Đọc thấy lối viết của người xưa, theo cách cảm nghĩ của người Á đông, nhứt là thầy Cả Lữ Y Đoan là một linh mục rất giỏi về Hán học, dĩ nhiên trong Sấm truyền ca là sự dung hòa giữa nền văn hóa Đông phương và Tây phương.

Tôi không xét về mặt hợp hay không hợp Kinh thánh, tôi mến phục lối thơ lục bát của người xưa và cách dùng chữ An Nam hồi đó để lột được ý nghiã của Kinh thánh cho người Annam dùng cách dễ dàng. Vì thế, tôi đã xin chép lại để làm tài liệu quý giá, dành cho con cháu ngày sau, được biết ông bà ngày xưa cũng đã đóng góp rất nhiều vào kho tàng quốc văn của dân tộc”.

Tại Cái Tắc [một họ đạo nhỏ gần Cái Mơn] ngày 17 tháng 5 tây năm 1910

Vêrô Trần Hớn Xuyên[35]

3- Mấy lời nói đầu của linh mục Thaddoeus Nguyễn Văn Nhạn.

Bài khá dài, viết năm 1956, được in trong phần phụ lục sách Sấm truyền ca, xuất bản tại Canada năm 2000.

Đoạn đầu bài viết tóm tắt những thông tin rút ra từ những văn bản chúng ta đã thấy ở trên.

Sau đó, linh mục Nguyễn Văn Nhạn ghi thêm những tìm tòi mới:

...khi chạy nạn cơn bắt đạo thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ra lịnh cấm đạo công giáo rất nhặt [ngặt] năm 1701, họ đã mang [Sấm truyền ca] theo vào đất Đồng Nai […]

Đến năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát hoàn toàn làm chủ vùng Thuỷ Chân Lạp (miền Lục tỉnh) và phân khu hành chánh. Bấy giờ nhiều làng xã người Việt kê khai lên bản đồ đất nước, đồng thời các vùng công giáo cũng ra mặt như Cái-mơn, Cái-nhum, Mặt bắc, Bả giồng... là những vùng đa số là công giáo.

Bổn Sấm truyền ca được tìm thấy ở Cái-nhum, Cái-mơn thuộc Long Hồ dinh (hiện nay, 1956, thuộc tỉnh Bến Tre). Có người viết ra chữ quấc ngữ từ bổn gổc chữ Nôm, và đã được chuyền tay nhau chép lại và phổ biến rất hạn chế, vì lẽ quá dài và ít người có đủ khả năng về văn hóa giữa thời Hán Nôm và chữ quốc ngữ đang tranh dành chỗ đứng dưới chế độ Pháp thuộc tại Nam kỳ.

Bổn Sấm truyến ca này được chép lại nhờ linh mục Phao lồ Quy (địa phận Sài-gòn) cho mượn.[36]

Linh mục Nguyễn Văn Nhạn cho biết, khi ấy đã có nhiều cố gắng muốn in lại toàn bộ, nhưng vì chi phí in ấn quá nặng, không được đức Giám mục sở tại trợ cấp. Các linh mục Pháp không đồng ý với nội dung tác phẩm. Khoảng năm 1920-1930, Sài Gòn xuất hiện nhiều báo chí công giáo, trong số đó có tờ Nam kỳ địa phận (nhà thờ Tân Dịnh Sài Gòn). Theo lời ông Paulus Tạo, ký giả của tờ báo này, thì linh mục Trần Hớn Xuyên (thuộc họ đạo Cái Mơn, Bến Tre, đã giao tận tay cho ông Tạo bản Sấm truyền ca, yêu cầu xuất bản hoặc in từng kỳ trên các báo công giáo). Một mặt khác, Paulus Tạo còn có bản của linh mục Phao lồ Quy, do con cháu linh mục tại Mỹ Tho trao cho ông. Hai bản này không khác nhau là bao. Nguyễn Văn Nhạn viết tiếp:

Bổn của của linh mục Phao-lồ Quy được Paulus Tạo chuyển lại cho báo Công giáo Tiến hành, sau đó chuyển về báo Dân hiệp. Nhưng rồi vì nhiều lý do, nhứt là lý do tác phẩm quá lớn, gồm năm quyển đầu của bộ Kinh Thánh Cựu Ước; hơn nữa tác phẩm bị chê là không còn hợp thời: thời tản văn đang phát triển mạnh, đẩy lùi thời văn vè vào quá khứ. Do đó bổn Sấm truyền ca bị xếp vào tủ tài liệu của báo chí.

Năm 1947, Nguyễn Cang Thường về giúp tạp chí Tông đồ, mang theo một số văn liệu, trong đó có bổn Sấm truyền ca.

Năm 1950, báo Tông Đồ dời trụ sở từ số 6 đại lộ Luro[37] đến số 1 đường Frère Guillerault[38] thì các văn liệu cũng được chở theo, xếp vào các kệ sách báo.[...]

Năm 1952, nhà báo Tông đồ bị bão làm sập đổ, văn liệu hư hại hơn phân nửa. Bổn Sấm truyền ca hoàn toàn hư hỏng ba quyển sau, vì bị nước ngập và mối xông phá, chỉ còn hai quyển đầu là Genesia và Exodus. Quyển Exodus bị mối tàn phá phân nửa.

Sau phong trào di cư năm 1954, nhà báo Tông Đồ cất lại vào địa thế nhứt định, phiá sau nhà thờ Chợ Đũi (1, Bùi Chu, Quận 2, Sài gòn) thì các văn liệu còn lại chút ít tập trung về đó. Năm 1956, thấy bổn Sấm Truyền Ca nầy bị hư hao nhiều, tôi cố gắng chép lại, để kho văn liệu công giáo sau này khỏi thiếu một tài liệu quý giá của người xưa.

Sài gòn ngày 15-10-1956

Thaddeus Nguyễn Văn Nhạn

Báo Tông Đồ (Sài Gòn)

4- Lời Paulus Tạo tóm tắt tình hình:

Có thể Sấm truyền ca được viết trong thời gian người làm thầy giảng, đến năm 1670 mới hoàn thành và phổ biến trong dân gian. Người viết bằng chữ Nôm, bản chính không ai biết. Chỉ biết do bản của Simong Phan Văn Cận viết lại bằng chữ quốc ngữ năm 1820 tại Cái Mơn (Bến Tre) […] Phần tôi [Paulus Tạo], nhờ bản sưu tầm của ông Phêro Trần Hớn Xuyên, đã chép trực tiếp bản của Simong Phan Văn Cận và được người cháu của của linh mục Phao Lồ Quy ở Mỹ Tho giúp tôi một số tài liệu về Sấm truyền ca, do linh mục sưu tầm và sửa chữa lại một phần.

Paulus Tạo

(Tuần báo Nam kỳ điạ phận)

(Sấm truyền ca, trang XII-XIII)

Giáo sư Nguyễn Văn Trung đưa ra những nhận xét:

- “Chưa tìm ra bản chữ Nôm.

- “Những bản quốc ngữ của Phạm Văn Cận, Trần Hớn Xuyên, Phao-lô Qui hiện nay cũng thất lạc. Chỉ còn có hai bản chép tay của Paulus Tạo và Nguyễn Văn Nhạn. Ông Nhạn cho biết Lữ Y Đoan đã dịch 5 quyển Kinh thánh nhưng đã bị hư hại, chỉ chép được 1 quyển và một phần của Exodus.

- “Có nhận giả thuyết các thừa sai phê phán hoặc cấm đọc Sấm truyền ca, nhưng sách vẫn lưu truyền, được giáo dân hay người ngoài Công giáo ưa thích đọc mặc dù thái độ phê phán, cấm đoán của thừa sai, mới hiểu tại sao linh mục Phao lồ Qui nổi tiếng về thông thái đã nghĩ đến việc sửa chữa lại bản của Lữ Y Đoan cho hợp với chính thống hơn về nội dung và dịch tên riêng theo phiên âm để có thể in và phổ biến công khai Sấm truyền ca”.[39]

Giáo sư Trần Thái Đỉnh nhận định:

Đi sâu vào bản văn, người ta không thể không kính phục sâu xa đối với nền học vấn uyên bác (Nho, Phật) và uyên thâm (thâm nho) của tác giả khiến tác giả đã có thể ung dung vận dụng sự hiểu biết của mình để đưa Thánh Kinh vào trong văn hóa dân tộc và sử dụng văn hóa dân tộc để trình bày đạo lý của Thánh Kinh. Đây là công việc ngày càng được Giáo Hội mạnh mẽ khuyến khích, sau khi đã có những đổi mới rất táo bạo của công đồng Vatican II[40] như việc dùng tiếng nói của mỗi dân tộc thay cho tiếng La-tinh làm ngôn ngữ của Phụng vụ, v.v. nhất là để cử hành thánh lễ và các bí tích. Nhưng việc đem đạo và trong văn hóa dân tộc của linh mục Lữ Y Đoan trong Sấm truyền ca đã không được các vị thừa sai Tây phương chấp nhận [...]

Về việc mấy linh mục Tây phương đả kích cách làm việc của Lữ Y Đoan, khi ngài dùng những quan niệm Á đông như âm dương ngũ hành và tam cương ngũ thường để trình bày đạo lý của Thánh Kinh, chúng tôi thấy cũng dễ hiểu thôi. Và cũng được cảm thông, mặc dù sự hẹp lượng này đã gây bao thiệt hại cho việc truyền giáo (như vụ thờ cúng ông bà) và làm mất bao nhiêu vẻ phong phú của Giáo Hội.

Trần Thái Đỉnh cho rằng: Đầu óc hẹp hòi của các thừa sai Tây phương là do “óc đế quốc” nên đối với họ “cái gì của mình cũng hay, cũng tốt hơn của các dân tộc khác, ông đưa ra những thí dụ khôi hài như việc: Giáo hoàng đội mũ ba tầng, mà cái mũ ba tầng tượng trưng cho uy quyền thế tục của các hoàng đế”; hay bắt ép dùng tiếng La tinh, mà “tiếng La Tinh là tiếng nói của kẻ thù số 1 của Giáo Hội: đế quốc La Mã”, nhất là chúa Giê-su đâu có nói tiếng La tinh!”, và ông nhận định:

Lữ Y Đoan đã dùng những quan niệm như Tam cương và Ngũ thường của nền luân lý Á Đông để trình bày đạo lý của Thánh kinh và dùng những quan niệm như âm dương, ngũ hành … để giải thích giáo lý cũa Thánh kinh về vũ trụ và vạn vật. Về luân lý, Tam cương và Ngũ thường có thể là một chuẩn bị quá tốt [...] thuyết ngũ hành đã được Lữ Y Đoan nhắc tới và đã bị các vị thừa sai Tây phương đả kích.

Sự đả kích và cấm Sấm truyền ca làm Trần Thái Đỉnh nhớ lại vụ án Galilée[41] ngày trước như “một vết nhơ trong lịch sử” chỉ vì những vị cầm quyền trong Giáo Hội đã không lột bỏ được đầu “óc đế quốc”, khiến họ phạm những tội như “tội [độc tôn] tiếng La tinh”, “tội Galilée”, “nhất là trong khi óc đế quốc của người Tây Phương đang mất dần chỗ đứng và Giáo hội đang khuyến khích việc đem đạo vào đời, đem Phúc âm vào văn hóa các dân tộc và dùng văn hóa các dân tộc để trình bày giáo lý Phúc âm cho những con người biết hãnh diện vì nền văn hóa ngàn năm của họ.[42]

Khi giáo sư Nguyễn Văn Trung sang Pháp khoảng 2001, ông đem cho tôi cuốn Sấm truyền ca, do Tập san Y Sĩ ấn hành tại Montréal năm 2000, tôi đã sửng sốt trước một tài liệu văn học quý giá. Nhưng là người ngoại đạo, không đủ kiến thức để “phê bình” một tác phẩm cổ văn uyên bác, đậm những hình ảnh trong Thánh Kinh Cựu Ước, một địa hạt mà chính bản thân tôi cũng chưa từng tiếp cận. Tôi đã đọc như một tác phẩm thơ Nôm, xuất hiện trong thế kỷ XVII. Khâm phục kỳ công của tác giả, người đã phóng tác toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước, nhưng vì sự cấm đoán thiển cận của Giáo hội, ngày nay đã bị thất tán, mất gần hết, chỉ còn lại tập Tạo đoan kinh mỏng manh này.

Chỉ ba chữ Tạo đoan kinh đã cho thấy tài năng dùng chữ phi thường của tác giả, tôi nói tác giả mà không dùng chữ dịch giả. Bởi vì dịch giả là người dịch đúng theo nguyên văn một cuốn sách, còn trường hợp này, Lữ Y Đoan không “dịch” Kinh Thánh, bởi Kinh Thánh là văn xuôi, do người Do Thái viết, còn Sấm truyền ca của Lữ Y Đoan, là một tác phẩm thi ca, có giá trị văn chương và tư tưởng khác với bản gốc rất nhiều. Ta có thể so sánh việc Lữ Y Đoan sáng tác Sấm truyển ca, dựa trên bản gốc Kinh Thánh, cũng giống việc Nguyễn Du sáng tác Kiều, dựa trên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Đầu tiên hết, chữ Genesia được ông dịch là Tạo đoan, tức đầu mối mọi sự việc, nghiã đã rộng hơn hai chữ Sáng thế, nghiã là sáng tạo thế giới trong bản dịch Kinh Thánh.

Lữ Y Đoan sáng tạo thêm đoạn thơ Vào đề, không có trong Kinh Thánh, sau đây:

Ngày ngày trước mắt chúng sinh,

Chữ đời chữ đạo phân minh đôi đường

Xưa nay trong kiếp vô thường

Thấy điều vân cẩu mà thương nhân phàm

Loài người từ thủa A-đam [A dương]

Đua nhau xây dựng mộng ham làm trời.

Một pho Kinh thánh ra đời

Chứng minh vạn đại những lời do Thiên

Trong tám câu thơ vào đề này đã có tới 6 từ Phật học hoặc văn hóa Đông phương: chúng sinh, vô thường, vân cẩu (bạch vân thương cẩu: mây trắng hóa thành chó xanh, tức là việc đời thay đổi không ngừng), A-dương (còn viết là A-dong, có nghiã: nhập vào cõi dương, Phao lồ Qui đổi thành A-đam cho gần với Kinh Thánh), trời Thiên.

Tám câu thơ này xác định nhân sinh quan và vũ trụ quan của Lữ Y Đoan. Hai lần ông nhắc đến trờiThiên, là khái niệm Đông phương. Trong thư viết thay Giám mục Bérithe gửi chúa Hiền, ông cũng coi Thiên hoàng (vua Trời) là đấng tối cao [mà không nói đến Thượng Đế], điều này đi ngược với ý Thánh Kinh: Trong Kinh Thánh, Thượng đế là đấng tối cao, sáng tạo ra trời, đất vạn vật.

Đoạn mở đầu Genesia (Sáng thế), Thánh kinh viết:

1- Sáng tạo vũ trụ

Ban đầu, Thượng đế sáng tạo trời đất. Đất chỉ là một khối hỗn độn, không có hình dạng rõ rệt. Bóng tối che mặt vực thẳm và Thánh linh Thượng đế tác động trên mặt nước.

Thượng đế phán: Phải có ánh sáng, ánh sáng liền xuất hiện. Thượng đế rất hài lòng và phân biệt ánh sáng với bóng tối. Thượng đế gọi ánh sáng là ngày, bóng tối là đêm. Đêm ngày qua đi; hết ngày thứ nhất.

Thượng đế phán: Phải có khoảng không phân cách nước với nước. Vậy Thượng đế tạo ra khoảng không phân cách nước dưới khoảng không và nước trên khoảng không. Thượng đế gọi khoảng không là trời. Đêm ngày lại qua: hết ngày thứ hai.

Thượng đế phán: Nước dưới trời phải tụ lại và bãi khô phải xuất hiện, liền có như thế. Thượng đế gọi bãi khô là đất, nước tụ lại là biển. Thượng đế rất hài lòng.

Thượng đế phán...[43]

Thánh Kinh thuộc thể loại truyện thần kỳ, vai chính là Thượng đế, có phép thần thông biến hóa. Những thực thể, những hiện tượng, những quang cảnh, trước mắt, được tác giả Thánh Kinh chỉ định là do Thượng đế tạo ra. Một Thượng đế có phép thần thông, chỉ đâu, có đó.

Trong Sấm truyền ca, đoạn mở đầu Genesia (Tạo đoan kinh), Lữ Y Đoan viết:

Hằng sinh Thượng đế đại quyền,

Tự không sáng tạo phán truyền hoằng khai [Từ chỗ không dựng nên mọi chuyện và phán truyền mở rộng ra.]

Càn khôn bỗng chốc phôi thai.

Hư hư hàn vũ, dày dày u minh [Mưa lạnh, tối tăm, hư hư, thực thực].

Thánh thần sinh hóa vận trình,

Đột nhiên quang ánh lộ hình khắp nơi.

Ban khen trong sáng tuyệt vời

Liền phân lưỡng vực muôn đời đối nhau:

Gọi ngày, dương khí làu làu,

Gọi đêm, âm khí phủ bao mịt mờ,

Hoàng hôn chuyển tiếp minh sơ [rạng đông],

Chu kỳ thứ nhất. Thiên cơ ứng hành.

Không gian phát động mở màn,

Thủy hành nhị khí [thanh khí và trọc khí] rành rành dưới trên

Trên thì danh gọi cao thiên

Chiều đi, mai đến, tiếp liên chu kỳ.[44]

Câu đầu, Lữ Y Đoan giữ nguyên ý Thánh kinh: Thượng đế đại quyền chủ động mọi việc. Nhưng từ câu thứ hai, ông đã rời dần Thánh kinh, bằng cách đưa ra khái niệm không của nhà Phật: Từ chỗ không dựng nên mọi chuyện. Và từ câu thơ thứ ba trở đi, ông đã bỏ hẳn những chữ Thượng đế phán... Thượng đế phán..., để trình bày sự kiện một cách khoa học, như một ống kính đứng ngoài vũ trụ quan sát và trình bày thực tế, giống như ngày nay ta xem một phim tài liệu về việc sáng tạo vũ trụ và con người.

Lữ Y Đoan viết:

Càn khôn bỗng chốc phôi thai, hư hư hàn vũ, dày dày u minh, thánh thần sinh hóa vận trình, đột nhiên quang ánh lộ hình khắp nơi.

Lời thơ có những hình ảnh tuyệt đẹp, vĩ đại như quang cảnh vũ trụ chuyển mình, từ cõi u minh, trở thành một toàn diện nguy nga tráng lệ đầy ánh sáng...

Sự độc đoán trong quyết định của Thượng đế: Thượng đế phán... Thượng đế phán...phép phù thuỷ trong các hành động của Thượng đế: làm ánh sáng, làm ngày, làm đêm, làm đất, làm trời... cũng biến mất, để nhường chỗ cho những hình ảnh rất thực: chuyển động của vũ trụ càn khôn trong ánh thiều quang thứ nhất.

Tính chất hiện đại của Sấm truyền ca lộ rõ ở đây, Lữ Y Đoan đã phủi lớp bụi dày, phủ lên Thánh Kinh, ra đời nhiều thế kỷ trước, do người Do Thái viết, với mục đích tuyên truyền đưa người Do Thái lên địa vị nguồn cội của nhân loại, bằng sự chỉ đạo của một Thượng đế tối cao đầy phù phép.

Một quan niệm và một mục đích như vậy, không hề có ở phương Đông. Vì vậy, Lữ Y Đoan, trên dòng đầu Sấm truyền ca, còn đề tên Thượng đế theo Thánh Kinh, nhưng ngay sau đó ông đã thay thế Thượng đế (Dieu) bằng Thiên hoàng (Vua trời, Roi du ciel) và đưa Kinh Dịch vào tác phẩm để giải thích sự vận hành của vũ trụ từ thủa khai thiên lập địa, đưa thuyết ngũ hành và khái niệm chu kỳ, không có trong ngôn ngữ Thánh Kinh vào Sấm truyền ca: “Ngũ hành thiên địa tiến trình yên xuôi” (Đoạn II, trang 7). Đồng thời ông dùng thuyết Hư không và thuyết Luân hồi trong đạo Phật để dẫn dắt quần chúng đến con đường sống đạo đức cao cả.

Nếu Thánh Kinh là tác phẩm viết cho con người thuở sơ khai, ở một trình độ nào đó, thì Sấm truyền ca viết cho toàn thể con người, ở mọi trình độ, mọi thời, với một giá trị văn chương không thể chối cãi được. Vì thế phải bị đánh đổ. Các thừa sai đã thấy “nguy cơ” ấy, chứ họ không “đánh lầm”. Và điều này giải thích cái chết của Lữ Y Đoan.

(còn nữa)


[1] Claude Gendre, La Franc-Maçonnerie mère du colonialisme, Le cas du Vietnam (Hội Tam Điểm mẹ đẻ chế độ Thực dân, Trường hợp Việt Nam). L'Harmattan, Paris, 2011, trang 25.

[2] Xem chương 6: Hội Thừa Sai Paris.

[3] Đã được trình bày chi tiết trong ba phần đầu: I, II và III của chương 8.

[4] Antoine Hainques (có chỗ viết là Haincq hay Haincque) sinh ngày 24-1-1637 tại Beauvais (Oise, Pháp). Đi truyền giáo ngày 6-1-1661. Năm 1665, đến Quảng Ngãi. Qua đời cuối tháng 12 năm 1670, tại Phố Mới (hoặc tại Bình Sơn) Quảng Ngãi (Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay, I, trang 44). Pierre Brindeau (1636-1670) sinh khoảng 1636, tại Rennes (Ille-et-Vilaine) Pháp, đi truyền giáo ngày 8-11-1661, được Giám mục Tông toà gửi đi Quảng Ngãi trợ giúp Hainques. Qua đời tại Phố Mới, Quảng Ngãi, tháng 1- 1671) (Launay I, trang 63).

[5] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 62.

[6] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 122.

[7] Thư Ô. Mahot gửi ban giám đốc Hội Thừa Sai, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 63.

[8] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 75.

[9] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 121.

[10] Thư ngày 15-2-1675 từ Hội An của de Courtaulin gửi Giám mục Laneau, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 170.

[11] De Courtaulin, Relation de la cochinchine 1674-1682, in trong Launay I, trang 256.

[12] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 256.

[13] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658- 1728, Launay I, trang 326.

[14] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658- 1728, Launay I trang 324. Xem chương 8 phần III.

[15] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay, I, trang 53-54.

[16] Launay I, trang 121. Guiart sinh khoảng 1636, tại Paris, đi truyền giáo ngày 8-11-1665. Đầu năm 1671, ông được gửi sang Đàng Trong để chuẩn bị cho chuyến đi Đàng Trong lần I của Giám mục Lambert de la Motte (từ tháng 7-1672 đến tháng 3-1672). Trước khi về Xiêm, Giám mục phong cho Guiart làm Tổng đại diện Đàng Trong và dặn dò: Phải đi thăm hết các nhà thờ ở đây để báo cáo tình hình.

[17] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 119-120.

[18] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 237.

[19] Theo những tài liệu Việt Nam ghi lại từ trước đến giờ.

[20] Tiếng Pháp viết là cadet, có nghiã em thứ, hẳn vì linh mục Đoan đi tu từ hồi trẻ, không lập gia đình.

[21] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 197.

[22] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 195-196.

[23] In trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 125-128.

[24] Lịch sử truyền giáo ở Nam kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 125-128.

[25] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 237.

[26] De Courtaulin, Ký sự Đàng Trong, 1674-1682, in trong Launay I, trang 256.

[27] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1728-1771, Launay II, trang 11.

[28] Chữ D. trong nguyên bản, có thể là Doctor viết tắt, dịch sang tiếng Pháp là Maître, chúng tôi tạm chuyển sang tiếng Việt là Thầy.

[29] Đào Quang Toản, Linh mục Louis Đoan và Sấm truyền Ca, in trên Văn Việt ngày 24-11-2023.

[30] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 260.

[31] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 362.

[32] Trên Website tiếng Pháp của Đào Quang Toản, địa chỉ:

daoquangtoan.free.fr/livresDOC/journal/journal.htm

in một số bài được ghi là Journal de Mgr Lambert de la Motte: 1674-1678 (Nhật ký của Giám mục Lambert de la Motte:1674-1678). Xin nêu ra hai điểm đáng lưu ý:

1- Theo nhận xét của chúng tôi, Giám mục Lambert de la Motte tức Bérithe viết rất ít nhật ký. Bởi nếu có nhật ký thực sự của đức Giám mục Tông tòa Đàng Trong lưu trữ trong Văn khố Hội Thừa Sai Paris, thì hẳn linh mục Launay đã “nhặt ra” rồi. Tuy vậy, trong bộ sách đồ sộ Lịch sử truyền giáo của ông, chỉ có một đoạn ngắn được ghi là Journal de Mgr Lambert de la Motte (Nhật ký của Giám mục Lambert de la Motte) nói về việc phong giám mục cho cha Joseph Trang (Launay, I, trang 62), phần còn lại, đều là thư từ đức Giám mục viết cho người này, người kia; tuy nhiên, có rất nhiều tài liệu được ghi là Journal de M. de Flory, Journal de M. Vachet, v.v.

2- Đọc những văn bản được in trên website Đào Quang Toản, với tựa đề Journal de Mgr Lambert de la Motte: 1674-1678, ta thấy người chấp bút dùng chữ on tức là người ta để chỉ định chủ từ của các hành động (làm việc này, việc kia), mà không dùng chữ je tức là tôi, ở ngôi thứ nhất. Nếu đích thực là nhật ký do Giám mục Lambert de la Motte viết, thì chủ từ các hành động phải là tôi, nghiã là Giám mục tự xưng mình là tôi. Đằng này người viết lại gọi Lambert de la Motte là l'Evêque de Bérithe (Giám mục Bérithe) cũng như gọi Mgr Héliopolis (Giám mục Pallu)... tức là tác giả dùng ngôi thứ ba để chỉ Đức Giám mục Lambert de la Motte. Vì thế, khó có thể nhìn nhận những dòng này do Lambert de la Motte viết, vì không ai viết nhật ký, lại tự xưng mình bằng ngôi thứ ba, và chỉ định mình bằng chức vụ của mình.

Cho nên, chúng tôi tin rằng: những văn bản được ghi là Nhật ký của Giám mục Lambert de la Motte, thực ra chỉ là những biên chép việc hàng ngày của Hội Thừa Sai Paris ở Xiêm, do một hay nhiều thư ký của đức Giám mục Lambert de la Motte chấp bút.

[33] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1728, Launay I, trang 274.

[34] Trích Sấm truyền ca, Tập san Y Sĩ , Monréal, 2000, trang XI.

[35] Sấm truyền ca, Tập san Y Sĩ, Montréal, 2000, trang XV.

[36] Sấm truyền ca, trang 165-166.

[37] Đường Luro, sau 1954 đổi là Cường Để; sau 1975, đổi thành Đinh Tiên Hoàng.

[38] Đường Frère Guillerault, từ 1954 đổi là Bùi Chu (có nhà thờ Huyện Sĩ), sau 1975 đổi thành Tôn Thất Tùng.

[39] Nguyễn Văn Trung, Sấm truyền ca của Lữ Y Đoan (1670), in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), Tài liệu tham khảo của trường Đại học Tổng hợp Tp HCM, Khoa Ngữ văn, 1993, trang 58.

[40] Hội nghị Giám mục Vatican II, từ 11-10-1962 đến 8-12-1966, dưới thời Jean XXIII và Paul VI.

[41] Trước pháp đình La Mã, năm 1663, nhà bác học Galilée bị bắt buộc phải thề bỏ “tà thuyết” trái đất quay quanh mặt trời.

[42] Trần Thái Đỉnh, Vài cảm tưởng sơ khởi về Sấm truyền ca, trích trong Về sách báo của tác giả công giáo (Thế kỷ XVII-XIX), trường Đại học Tổng hợp TpHCM, 1993, trang 63-64-65.

[43] Thánh kinh Cựu ước và Tân ước, do Thánh Kinh Hội Quốc Tế xuất bản, Văn Phẩm Nguồn Sống phát hành, 1994, trang 1.

[44] Sấm truyền ca, Tập san Y Sĩ, Monréal, 2000, trang 4-5.