Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Phan Thanh Giản ở Paris

 Trích một chương trong tiểu thuyết của Vũ Thành Sơn


Paris trong thời kỳ đế chế thứ hai là một đại công trường, là một tủ kính trưng bày hình ảnh lộng lẫy giấc mơ vĩ cuồng của Napoléon III. Nó kết tinh tất cả tham vọng chính trị của vị hoàng đế độc tài, muốn Paris thực sự trở thành một kinh đô ánh sáng, trái tim của nước Pháp. Bên cạnh một chương trình kinh tế, chính trị, xã hội rộng lớn nhằm chấm dứt đói nghèo và cải thiện đời sống của dân thường, nâng cao tầm vóc quốc tế của Pháp, một chương trình hiện đại hoá thủ đô cũng được phác thảo ngay từ lúc Napoléon III vừa lên nắm quyền. Tất cả những vết tích của một đô thị thời Trung cổ đều bị xoá sạch. Đường hẹp, phố nhỏ, ngõ cụt tối tăm, ngột ngạt, các khu tâp trung đông dân như Champs-Élysées với mật độ hơn năm ngàn người trên một cây số vuông, vốn là hang ổ của tội phạm và cũng là nơi chứa chấp mầm mống cách mạng, nơi ủ các loại bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo, sẽ bị phá bỏ và được mở rộng. Dịch không chỉ hoành hành toàn cõi Nam kỳ lúc đó mà ở ngay Paris. Hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cống ngầm Paris được cải tạo. Những khu nhà tập thể khang trang dành cho giới thợ thuyền được xây dựng mới. Rừng Boulogne được cải tạo thành một công viên. Paris, dân số khoảng hai triệu người, sẽ được liên kết với các vùng, các tỉnh, để từ nay nhờ vào sự tiện lợi của hệ thống đường sắt họ sẽ biết đến biển, núi đồi, sẽ tới được Strasbourg hay Bayonne; nông dân các tỉnh có thể đặt chân lên kinh thành để mua sắm nông cụ, áo quần, đồ đạc và giấc mơ của những chàng trai, cô gái tìm kiếm hạnh phúc và giàu có từ nay sẽ được chắp thêm đôi cánh. Đại công trường kéo dài gần hai mươi năm và tiếp tục được tiến hành ngay cả khi Napoléon III bị truất phế. Nước Pháp đang trình ra với thế giới một gương mặt hoàn toàn mới, hiện đại, năng động, nhiều tham vọng và cũng đầy kiêu hãnh.

Tất nhiên các đầu óc khôn ngoan, cáo già của chính phủ Pháp rất biết tận dụng cơ hội phái đoàn ngoại giao Việt Nam đang có mặt để tìm cách tạo một ấn tượng mạnh mẽ và sâu đậm đối với cái vương quốc nhỏ bé phương Đông cũng đầy kiêu hãnh dân tộc. Và chỉ riêng ở khía cạnh phô trương đó, người Pháp tỏ ra rất thành thạo đến mức thành nghệ thuật không thua kém ai. Một chương trình đón tiếp, gặp gỡ, đàm phán, tham quan,… được dàn dựng một cách khéo léo, tinh vi đến từng chi tiết từ lúc đoàn đặt chân đến Paris cho đến khi rời khỏi nước Pháp nhằm làm cho những ông quan đạo mạo kia phải ngưỡng mộ và khuất phục trước sức mạnh thần kỳ có thể dời non lấp biển của mình.

Đầu tiên, họ lấy cớ hoàng đế Pháp còn đang nghỉ hè ở Biarritz để kéo dài thời gian lưu trú của các sứ thần thêm một tháng, một lối hành xử phi ngoại giao thường thấy ở nước lớn, để một mặt vừa có thời gian thống nhất trong nội bộ chính phủ vốn cũng đang chia rẽ trước đề nghị đàm phán lại hiệp ước của Việt Nam, mặt khác để nhằm thu phục cảm tình của phái đoàn qua một chương trình dày đặc những hoạt động tham quan, gặp gỡ. Thông báo được viên sĩ quan Aubaret đưa ra khi tàu vừa cập cảng Toulon. Aubaret từng phục vụ ở đất Nam kỳ, rành tiếng Việt, tiếng Hán, dịch giả cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, đồng thời là người được Bộ Ngoại giao giao cho trọng trách phác thảo bản hiệp ước Nhâm Tuất sau này. Việc Aubaret được cắt cử theo sát phái đoàn ngoại giao Việt Nam từ đầu cho đến khi kết thúc hẳn không phải là ngẫu nhiên, mà có thể là một sự sắp đặt có dụng ý của Pháp. Nhưng đây mới chỉ là ngụm rượu đắng đầu tiên phái đoàn Việt Nam được mời khi đặt chân đến Pháp. Rượu đắng thì phải uống đến tận đáy ly. Đến Paris, đoàn xe đón sứ thần từ sân ga Lyon về khách sạn đã cố ý bố trí cho họ lần lượt đi qua những đại lộ, những đường tàu chồng chéo vân vi như chỉ tay, công viên, quảng trường, nhà hát, khách sạn, trung tâm thương mại đồ sộ, hiện đại nhất. Đó là những thành tựu không chỉ của Napoléon III mà còn của những hoàng đế trước đó, họ hãnh diện và hẳn nhiên rất muốn cho các sứ thần phương Đông ngơ ngác kia cũng phải cảm thấy choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy, hào nhoáng của Paris.

Các sứ thần được đưa về một khách sạn ngay trong trung tâm Paris, rất gần với quảng trường Ngôi Sao, đại lộ Champs-Élysées và Khải Hoàn Môn, một khách sạn ba tầng lầu khá cũ kỹ trên phố Lord Byron mà phái bộ ngoại giao của Xiêm vừa rời đi trước đó không lâu. Hơn sáu mươi con người được phân về các phòng rải rác ở ba tầng lầu. Đường dẫn đến khách sạn nằm trong khu vực quy hoạch sửa chữa, nhiều đoạn còn làm dở dang, chưa hoàn thành. Khách đến phải đi bộ, xe với ngựa dừng ở khá xa.

Ngày đầu tiên đặt chân đến kinh thành Paris, các quan chánh sứ, phó sứ và bồi sứ được yêu cầu chụp hình để hoàng đế Pháp biết chân dung của mỗi vị. Trước đó có một cơn mưa đổ bất thình lình với vài tiếng sấm nổ dội lại từ xa, một cơn mưa giao mùa lê thê, ẩm ướt đầu tháng Tám báo hiệu sẽ còn nhiều đợt mưa sắp tới. Đèn trong các hành lang và cầu thang được nhân viên phục vụ đốt sáng nhưng vẫn không đủ để xua đi bớt cái ớn lạnh ngấm vào da thịt đến từ những bức tường cũ kỹ. Đến trưa thì trời mới bắt đầu quang, người thợ chụp ảnh đến. Một bình hoa to đã được đặt sẵn ở giữa sảnh lớn. Các sứ thần mặc triều phục, đội mũ cánh chuồn, tay cầm thẻ bài đứng trước khách sạn, thật trang trọng. Họ còn được yêu cầu chụp lần thứ hai với tất cả thành viên chính thức của phái đoàn. Tấm hình bây giờ đã cũ, mờ mịt và ố vàng theo thời gian nhưng người ta vẫn có thể nhận ra vẻ cứng đờ, ngượng nghịu khi đứng trước ống kính. Trên nét mặt của họ còn phảng phất sự mệt mỏi sau chuyến đi dài và sự âu lo, căng thẳng trước những ngày sắp tới. Nước Việt giờ đã nghìn trùng xa cách nhưng những con sóng nhỏ nhớ thương vẫn ngày đêm dìu dặt trong lòng. Chàng thanh niên Pétrus cũng chụp một tấm hình, ngồi trước khách sạn với một phong thái ung dung, nhàn hạ trái ngược. Chàng tuổi trẻ trên đất Pháp vẫn trung thành với bộ áo dài đen, chiếc khăn đội đầu xanh đậm và đôi giày vải muôn thuở của mình; nét mặt anh tươi cười, ánh lên trong ánh mắt thông minh một niềm hy vọng.

Báo chí của Pháp và nước ngoài đồng loạt đưa tin, nhưng tin tức về phái đoàn ngoại giao của một nước nhỏ bé, xa xôi phương Đông có mặt ở Paris không đủ tầm quan trọng để thu hút quan tâm của dư luận trong nước lúc đó. Nó bị nhấn chìm trong một biển tin sốt dẻo về ngòi nổ chiến tranh Pháp - Phổ có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào do bước cờ phiêu lưu sai lầm của Napoléon III trên đất Mexico, kết quả không tránh khỏi của một chính sách can thiệp quốc tế hãnh tiến. Otto von Bismarck, một gương mặt chính khách đang nổi như cồn của Châu Âu. Làn sóng phản đối của các đảng đối lập cộng hoà, xã hội đối với đường lối độc tài, bóp nghẹt tự do của Napoléon III, cũng như từ gánh nặng thâm hụt ngân sách tài chính là mối bận tâm khác không kém gay gắt của xã hội. Người dân Pháp thấy thành quả của cuộc cách mạng 1789, 1848 đã bị phản bội. Dân chúng Paris cũng ngày càng cảm thấy phiền phức trong sinh hoạt khi công trình xây dựng kéo dài quá lâu và quá tốn kém. Từ đảo Guernsey, nhà văn Victor Hugo đang lưu vong liên tiếp viết bài đả kích không khoan nhượng vị hoàng đế độc tài. Tiểu thuyết trường thiên Les Misérables được sáng tác trong thời gian này, trực tiếp đả kích nền chính trị quân chủ độc tài, bộ máy tư pháp và cả công trình xây dựng thành phố Paris. Cả nước Pháp đang dậy sóng. Đế chế thứ hai đang đứng trên bờ vực. Những điềm gở cho niềm tự hào của Napoléon III cứ như tới hẹn xảy ra liên tiếp. Vào tháng Tám, tàu tốc hành đi Paris tuyến Saint-Étienne-Roanne đã đâm vào một chiếc xe buýt, làm cho bốn người chết và hàng chục người bị thương.

Cùng lúc đó quan chánh sứ Phan Thanh Giản và sứ bộ được mời đi dự một sự kiện quan trọng bậc nhất. Từ sáng đoàn xe song mã đã có mặt ở khách sạn. Khi quan chánh sứ trong khách sạn bước ra, vẫn một vẻ đường bệ, uy nghiêm từ những ngày đầu tiên bước chân xuống tàu Européen theo chuyến hải hành, viên sĩ quan Pháp đứng đầu đoàn xe tuốt gươm sáng loáng đứng nghiêm chào, ra lệnh cho đoàn xe bắt đầu khởi hành. Những chiếc song mã nối đuôi nhau chạy đến sân Champs de Mars, nơi sẽ diễn ra sự kiện thả khinh khí cầu đầu tiên của Pháp tại Châu Âu. Bầu không khí lễ hội long trọng ngày hôm ấy có thể cảm nhận được từ xa. Cờ xí và những dải băng ba màu cờ Pháp quốc kết nơ ở giữa chăng đầy dọc hai bên dãy phố. Đám đông hiếu kỳ đã vây kín từ ngoài. Bên trong một khán đài được dựng giữa sân, các hàng ghế đầu dành cho các quan chức cao cấp nhà nước Pháp và các phái bộ ngoại giao. Aubaret, người luôn có mặt bên cạnh quan chánh sứ trong mọi sự kiện giải thích cho ông về tầm quan trọng của sự kiện sắp diễn ra. Trên gương mặt hằn sâu những đường cày thời gian của ông luôn loé sáng một sự thông minh và quan sát cực kỳ tinh tế mà viên sĩ quan Pháp cũng phải ngầm cảm phục. Ông ngưỡng mộ trước những thành tựu của nền văn minh khoa học, kỹ thuật của nước Pháp và không khi nào bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu, học hỏi. Lòng trung quân, ái quốc cùng với gánh nặng trách nhiệm trước sự hưng vong của quốc gia khiến cho ông, một con người mà ở một thời đại khác hẳn đã là một nhà hiền triết khắc kỷ của Đông phương cổ kính, bị biến thành một công chức ngoan ngoãn đáng khâm phục. Ở một quốc gia kém phát triển nhưng thừa tham vọng chính trị đòi hỏi lòng ái quốc của công dân phải được đặt ưu tiên trên nền tảng của sự phục tùng tuyệt đối, những đầu óc thức thời, tiến bộ thường dẫn họ đến những bi kịch cá nhân không tránh khỏi.

Rồi đến giây phút được mọi người chờ đợi nhất đã đến. Khinh khí cầu Le Géant thể tích hơn năm ngàn mét khối do một cỗ xe lớn kéo theo được hai kỵ sĩ đưa đến trên một sân cỏ rộng. Đây là sản phẩm do hai anh em nhà Godard thiết kế được báo chí Pháp đưa tin rùm beng cả tháng trước đó trông thật đồ sộ. Bên dưới quả cầu là một bệ chứa nhiên liệu ở dạng khí lỏng được nén lại trong các ống xi lanh. Sau phần khai mạc, viên phi công bắt đầu châm lửa vào giỏ khí. Một ngọn lửa cháy bùng thật lớn, chiếc khinh khí cầu từ từ bay lên trên bầu trời Paris lồng lộng gió trong tiếng vỗ tay tán thưởng rầm rộ của khán giả. Trên khinh khí cầu có cả vợ chồng nhiếp ảnh gia nổi tiếng Félix Nadar. Sự kiện diễn ra chỉ ít ngày sau khi Napoléon III trở về điện Tuilleries. Và điềm gở một lần nữa cũng không bỏ lỡ cơ hội theo sát gót vị hoàng đế. Chiếc khinh khí cầu bay được hơn mười bảy tiếng đồng hồ, cuối cùng đã bị gió vùi dập thảm hại ở Hanovre, Đức; lần bay thử thứ hai cũng tiếp tục thất bại. Các sứ thần Việt Nam may mắn được chứng kiến sự kiện này lúc chiếc khinh khí cầu được thả nhưng họ lại không có cơ hội để nhìn thấy niềm tự hào đó bị kéo lê trên những ngọn cây và rơi xuống đất như một chiếc bong bóng xì hơi. Cơn say của các nước nhược tiểu Á Đông trước sức mạnh thần kỳ của phương Tây còn rất lâu mới dứt, bên cạnh huyền thoại về một đế quốc Tàu, trung tâm của thế giới văn minh trước kia chưa bao giờ sụp đổ ở đất nước này.

Trong những ngày thời tiết bất ổn này, xen lẫn những ngày nắng ráo bỗng có những cơn mưa ủ dột, những cơn mưa ngắn làm nhớ đến những trận mưa rào quê nhà. Mưa giăng đầy trời Paris, mưa đan kín những khung cửa sổ. Cũng như ở Toulon, sự có mặt của các quan lại Việt Nam ở Paris qua phục sức và sinh hoạt của họ đã đem đến thêm một sắc khác lạ vào bảng màu văn hoá phong phú của một thành phố vẫn được coi là trái tim văn minh thế giới. Không phải người Pháp nào ở Paris cũng đều biết về quốc gia thuộc địa nhỏ bé, xa xôi đó. Nhiều người hiếu kỳ lân la tìm hiểu, các phóng viên, nhà báo đến gặp. Một bên khách sạn nhìn xuống một công viên nhỏ trên con phố nhỏ, những cô gái ăn sương áo quần, son phấn diêm dúa đi lại bên dưới cửa sổ. Mùa hè chở đầy những tiếng động. Paris không bao giờ hết nhộn nhịp, về đêm sẽ là một Paris hoa lệ, lộng lẫy khác; những cặp tình nhân nắm tay nhau đi bên dưới ánh đèn; tiếng nhạc, tiếng xe chạy, tiếng chân người trên phố như một dòng sông âm thanh chảy không hề nghỉ.

Trong căn phòng nhỏ, khá ấm cúng của mình, quan chánh sứ cởi bỏ triều phục, khoác lên người bộ quần áo vải mộc thường ngày. Đêm ông thắp một ngọn bạch lạp, ngồi đọc sách. Đi đâu, đến bất kỳ nhiệm sở nào, ông cũng chỉ có mỗi một thú vui là đọc sách và thưởng hoa. Cái ăn uống lại càng giản dị, tránh xa sự xa hoa, phù phiếm. Bên mình ông luôn có một chiếc áo lương, một cái quần lụa và một mảnh khăn đen được ân nhân tặng cho thuở còn là một anh học trò nghèo xơ xác mà ông giữ gìn như kỷ vật bất ly thân để mãi mãi ghi lòng tạc dạ đã có lúc từng cơm không đủ no, áo không đủ ấm, để không bao giờ quên đi mảnh đất nghèo khó nhưng nặng ân tình đã từng cưu mang, nuôi dưỡng và đặt vào ông tất cả mọi hy vọng. Hằng đêm một mình trước ngọn bạch lạp leo lét, lòng ông lại dâng lên bao nỗi niềm ngổn ngang tâm sự. Làng Bảo Thạnh quê ông người dân từ bao thế hệ đời sống vẫn còn quá lận đận, cơ cực; nước mặn đồng chua lúa không sống nổi, nguồn lợi chỉ trông vào cây dâu, cây bông, ruộng muối hay con tôm con cá bắt ven sông rạch. Lòng con dân ngóng chờ ơn mưa móc của quân vương cũng như đất khô hạn chờ mưa. Nhìn ra cả nước dân tình cũng chẳng khấm khá gì hơn, hết giặc giã, thiên tai, lại sâu bệnh, mất mùa liên miên, kho đụn quốc gia mỗi ngày cạn kiệt. Từ lúc ra làm quan gánh việc nước đến nay đã xấp xỉ gần bốn mươi năm, ông vẫn mang thân phận của một kẻ ly hương, chẳng mấy khi được bước chân trở về thăm quê; việc nhà cửa lớn nhỏ hoàn toàn đều trông cậy vào một tay người vợ hiền. Những ngày lênh đênh nơi đất khách, quê người ông lại càng xót xa thương nhớ. Những điều tai nghe, mắt thấy làm cho ông thêm nặng lòng ưu tư. Người Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử bị đặt trong một tình thế đứng trước ngã ba sống còn hiểm nghèo, buộc phải quyết định. Trước một kẻ địch hoàn toàn khác với kẻ thù truyền thống, được trang bị sức mạnh hơn hẳn trên mọi phương diện từ vũ khí, binh sĩ thiện chiến cho đến thể chế chính trị, xã hội ưu thắng, trên thực tế nước Việt Nam nông ngiệp chính thức đối đầu với cả nền văn minh vật chất cơ giới phương Tây tiên tiến. Trong nước từ vua quan cho đến dân lành đều trở nên rối bời, hoang mang, nhìn quanh chẳng biết dựa vào đâu, thế lực vẫn dựa dẫm từ muôn đời nay là nước Tàu cũng đang bạc nhược, hấp hối. Chiến hay hoà, cả triều đình chia năm xẻ bảy. Nhưng cách biệt quá lớn, thế và lực cuộc cờ đã rành rành ra đó như năm rõ mười, làm sao có thể mảy may ngờ vực. Bằng những gì đã trải nghiệm và trực tiếp đối đầu với người Pháp, trong thâm tâm ông vẫn tin người Việt Nam không thể nào chống cự lâu dài được với họ, càng chống cự chỉ càng đổ máu vô ích, rốt cuộc thành vẫn bị mất, nước vẫn bị chiếm. Người trong nước, triều đình cũng như thứ dân, phải mau mau sớm tỉnh ngộ. Phương sách tốt nhất vẫn là phải nhanh chóng canh tân đất nước, làm cho dân ấm no, nước nhà cường thịnh thì quân mới mạnh, thành mới vững. Nhưng vấn đề là làm thế nào để lay tỉnh những con người ấy ra khỏi giấc ngủ miên trường ngàn năm? Khó khăn sẽ đến từ đó, từ những con người cầm cân nẩy mực quốc gia, chứ không hẳn từ công cuộc cải cách. Vận nước đang phải lúc đa đoan, chỉ hiềm nỗi là ông đã già, như cái miểng vùa đâu có thể tát cạn bến sông. Lòng ông nặng trĩu lo âu khi gánh vác trên vai trọng trách vua giao. Thế sự du du nại lão hà. Pháp đang ở vào vị thế của kẻ đắc thắng, phụng mạng vua đi sứ để xin chuộc lại ba tỉnh đã rơi vào tay họ, thành hay bại ông làm sao có thể trả lời được, chỉ có biết tận nhân lực để đền ơn vua, trả nợ nước mà thôi. Nếu có phải đem ngói đổi vàng để đền bồi ngọn rau, tấc đất, ông nào có nề hà gì.

Mảnh trăng non treo ngoài khung cửa đã tạnh và khuất dạng từ lâu, ông vẫn còn ngồi đó, một mình với chiếc bóng quạnh quẽ, thèm làm sao được nghe tiếng trống điểm canh gõ nhịp hằng đêm quen thuộc. Trống trường thành lung lay bóng nguyệt.

Paris bất chợt có một trận mưa đá. Trong mảnh vườn trước khách sạn, rải rác trên mặt cỏ và cành cây long lanh những viên đá to như hạt đậu trong suốt. Có tiếng sầm rền nghe được đâu đó ở hướng đông nam. Cánh cửa sắt bên ngoài còn khép chặt. Bên trong khách sạn đèn thắp sáng thường trực. Một chiếc xe luôn được để túc trực trước cửa sẵn sàng phục vụ đoàn. Hầu như mỗi ngày Aubaret đều đến, hoặc để hướng dẫn đoàn đi thăm viếng Paris hoặc làm việc với Pétrus để dịch bài phát biểu của quan chánh sứ trước triều đình Pháp đồng thời hiệu đính hai bức quốc thư sẽ đệ trình lên hoàng đế Napoléon III ngự lãm. Trừ những cuộc tiếp xúc chính thức với những quan chức đứng đầu các bộ trong chính phủ Pháp, các vị sứ thần tỏ ra không mấy mặn mà với việc tham quan hay đi xem đua ngựa, xem xiếc, xem kịch ken chặt thời gian. Thậm chí để đáp lại thiện chí của Pháp muốn tổ chức cho họ một chuyến đi thăm, tìm hiểu qua các nước Châu Âu như Pháp đã tổ chức cho các sứ thần Nhật Bản và Xiêm trước đó họ đã nhã nhặn từ chối theo một phong cách không có gì Á Đông hơn được nữa “Liệu chúng tôi có quá mạo muội đến lòng hiếu khách của quý quốc khi du hành một chuyến dài như vậy nữa không?”. Trách nhiệm với triều đình có thể đã tước mất của họ phần nào sự hứng thú đối với các chuyến đi và cũng có thể với những con người được nuôi dưỡng trong một nền văn hoá khép kín và hướng nội này, đi không hẳn sẽ đem đến niềm vui mà nó có thể còn làm tan nát con tim, để lại những tổn thương lâu dài trên cơ thể và trong tâm hồn. Các sứ thần Việt Nam trong lúc chỉ vừa bước tới ngưỡng cửa của ngôi nhà văn minh phương Tây trầm trồ, thán phục nhưng e dè thì cái mới lạ đã tìm những lối đi khác thường qua mắt, mũi, lưỡi hoặc bao tử để len lỏi, thâm nhập vào sâu tận bên trong thành trì kiên cố của bộ não và nội tạng những vị khách khó tính. Lần đầu tiên những cái bụng thanh đạm của Việt Nam vốn quen với rượu gạo, rượu nếp, dưa, cà, cá, mắm được tiếp xúc với rượu vang, cognac, bơ, phô mai, camembert, bánh mì, paté gan ngỗng, các loại súp béo ngậy… nhiều chất đạm. Cú sốc văn hoá không hề dẫn tới cơn đau đẻ lịch sử như người ta hằng thêu dệt, đơn giản nó chỉ đưa đến một cơn đau bụng theo nghĩa đen. Lần đầu tiên họ tập cách bắt tay của người Âu thiếu sự tôn kính. Lần đầu tiên họ trông thấy đàn ông hôn tay phụ nữ. Sự e dè đến từ những lần đầu tiên đó lớn tới mức trong các tờ sớ tường trình chuyến đi sứ để dâng lên vua hay trong các thư từ, thơ phú có rất nhiều chi tiết về một màn biểu diễn xiếc hoặc mô tả lễ tiết trong một bữa yến tiệc chiêu đãi, nhưng những điều họ thấy ở trên hoàn toàn vắng mặt. In vino pax. Rượu không làm ra hoà bình nhưng rượu là con đường có thể dẫn tới hoà bình. Từ thời cổ đại con người đã biết đó là phương cách hữu hiệu nhất để kết thúc xung đột. Các sứ thần Việt Nam thường tặng trà và mời thưởng trà.

Paris được một hôm trời nắng đẹp sau mấy ngày liền ẩm ướt. Phái bộ Việt Nam được báo có khách viếng thăm bất ngờ. Khách là Michel Đức Chaigneau, con của J. B. Chaigneau, một cựu thần từng sát cánh với chúa Nguyễn Ánh chống quân Tây Sơn, mang tên Việt là Nguyễn Văn Thắng. Nguyễn Văn Thắng rồi đến lượt Nguyễn Văn Chấn (Vannier), chỉ huy tàu Long Phi, cuối cùng đã phải theo tàu buôn rời bỏ Việt Nam trong hối tiếc. Chỉ sau chuyến thăm đó không lâu, vợ và con gái của Nguyễn Văn Chấn từ Lorient cũng đáp xe lửa đến Paris xin thăm đoàn. Họ đã viết thư liên lạc với Aubaret xin được hội kiến phái bộ và phải sau nhiều lần sắp xếp, bây giờ họ đã được toại nguyện.

Người đàn bà tên Sen, Nguyễn Thị Sen, cái tên đậm hương đồng gió nội. Bà vẫn giữ không chịu đổi cái tên cúng cơm cha mẹ đặt cho ấy khi theo chồng sống giữa chốn đô hội sang trọng bậc nhất như cái lệ thường thấy nơi những người phự nữ Việt Nam có chồng nước ngoài. Dù đã xấp xỉ tám mươi, tóc bạc trắng như cước, nhưng thời gian không làm cho nét chân quê nơi bà biến mất. Vừa trông thấy các sứ thần bà Sen bỗng quỳ thụp xuống, bật khóc nức nở. Quan chánh sứ bước tới, cầm tay đỡ bà đứng lên, nói ôn tồn “Bà đứng lên đi”. Bà Sen đứng lên nhưng vẫn không thôi khóc. Giọt lệ người già mỏng như sương sớm, xót xa biết mấy.

Có lẽ đã lâu lắm rồi, từ ngày đi theo chồng rời cái Phường Đúc nghèo khó, mãi tới bây giờ bà mới lại được nghe thấy tiếng nói của Xứ Đàng Trong, mới được nhìn thấy người Việt ở đây, nước non ngàn dặm nỗi nhớ thương, xúc động chất chứa bao năm trong lòng như sóng ngầm vỡ trào ra không làm sao kìm nén được. Chỉ cần nhìn thấy họ và nghe họ cất tiếng nói, lập tức hình ảnh những ngày nào cùng chồng bôn ba theo chân chúa Nguyễn Ánh ở đất Nam Kỳ sông sâu, rừng thẳm đã bị vùi sâu trong tro bụi của ký ức già nua lại cồn lên trong lòng như triều dậy. Bây giờ bà Sen chỉ có thể nói được một thứ tiếng Việt đã nhiều phôi pha lẫn với tiếng Pháp, lúc nhớ lúc quên, đôi khi cô con gái bên cạnh phải nhắc mẹ nhưng dấu ấn về những tháng năm gian khổ ấy vẫn tươi rói không hề mờ phai. Chồng chết, chỉ còn lại những kỷ niệm bà cất giữ như một bảo vật cùng với những bộ triều phục và quần áo đẹp vua Thế tổ ban tặng. Bà chôn chặt tận đáy lòng những tàn phai khi những ngày sắp tới sẽ chỉ còn là hoài niệm. Bà có một đứa cháu nội đang phục vụ ở Sài Gòn. Bà thầm ước mong sẽ một ngày được trở lại nhưng tuổi tác lẫn sức khoẻ đã giữ chân bà ở lại nơi này. Tình hoài hương của một người con đất Việt xa xứ làm cho trái tim cùng một nhịp đập nước non của các sứ thần như thể xúc động lây. Lúc vua Thế tổ lên ngôi, quan chánh sứ vừa tròn sáu tuổi, thời kỳ bôn ba lập nghiệp của tiên đế đối với ông chỉ là một giai thoại, mà ông không trải nghiệm. Tuy vậy với những gì được nghe, được thấy trước mắt trong buổi sáng nay, ông cũng thấu hiểu được phần nào tình cảm quyến luyến của các cựu thần. Làm sao mà không cảm khái cho thân phận của kiếp hàng thần lơ láo? Những cuộc gặp gỡ không định trước đó đã để lại trong lòng các vị quan Việt Nam ít nhiều vấn vương, suy nghĩ. Sau khi giành lấy chính quyền, thống nhất giang san, sự đối xử của các vua triều Nguyễn làm cho những cựu thần người Pháp đau đớn nhận ra sự có mặt của họ hoàn toàn thừa thãi. Họ bị vua bỏ rơi, các quan người Việt gièm pha, cô lập, buộc lòng phải dứt áo ra đi. Bi kịch của họ bắt đầu khi vở tuồng đã kết thúc mà họ vẫn cứ còn muốn thủ vai. Những sang chấn cất giữ trong ký ức từ hội chứng Việt Nam của họ vì thế tiếp tục âm thầm chảy máu và nó được di truyền sang thế hệ sau. Tình yêu mãi mãi là một tội nguyên tổ, là một căn bệnh ung thư di truyền của loài người, con cháu họ như đã phải lòng với đất nước xa xôi ấy, nơi ông cha của họ đã dành cả kiến thức, nhiệt tình và những tháng năm đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ để phục vụ. Những đứa con lại nhen nhúm từ tàn tro giấc mơ của lửa. Lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp quả thật là một trường thiên tiểu thuyết đầy những lầm lạc, ngộ nhận, ảo tưởng, ân oán mà từ các linh mục thừa sai đến những nhà buôn, cựu thần người Pháp đều là những deus ex machina nhưng cuối cùng thời đại và sự ngu dốt của con người đã biến nó thành tấn thảm kịch. Các vua triều Nguyễn trước sau cũng chỉ là những người học trò tồi, khó dạy bảo của ông thầy Lịch Sử; họ bị bịt mắt bởi giấc mơ gầy dựng phục hồi cơ nghiệp của triều Nguyễn và ám ảnh quyền lực khiến họ trở thành mụ mị, không còn thấy những mục tiêu chiến lược quan trọng khác đối với người lãnh đạo quốc gia trong lúc vấn đề đoàn kết dân tộc lương - giáo, mở rộng bang giao qua cầu nối của những người Pháp có nhiều thiện chí đặt ra cấp bách hơn lúc nào hết, mà chỉ có mỗi mục tiêu lớn nhất là phải giành lấy toàn bộ lãnh thổ nước Việt bằng mọi giá, kể cả phải làm nô lệ cho đế quốc Tàu già nua và thất bại, để phục vụ cho tham vọng lên ngôi thiên tử. Những trái tim băng giá ấy chỉ yêu quyền lực hơn đất nước, dân tộc. Nỗ lực chuộc lại ba tỉnh miền Đông hiện thời cũng không ra ngoài cái tâm địa hẹp hòi sợ mất độc quyền lãnh đạo ấy. Bà Sen bày tỏ nguyện vọng được phục vụ trong thời gian phái bộ ở Paris. Quan chánh sứ phải khéo léo từ chối, bởi từ chối làm sao được tấm lòng của một người con xa xứ luôn khoắc khoải về chốn quê nhà.

Đêm nay nữa là đêm thứ mấy, ông ngồi một mình với ngọn đèn trước mặt. Cuộc hội ngộ sáng nay đã để lại trong lòng ông biết bao dư chấn. Người Việt Nam ở đâu, dù nơi chân trời góc biển, vẫn nặng lòng với nước non, dân tộc mà sao nước Việt cứ phải hèn, phải yếu?

Đêm đã sâu, ngọn bạch lạp chập chờn trước mặt, ông như rơi vào cơn mê, thấy mình như đang còn ở trên tàu Labrador tiến vào vùng biển Địa Trung Hải. Sóng lớn, con tàu lắc lư lên xuống.

- Đứng trước biển, ngươi nghĩ gì?

- Tôi nghĩ tới những tâm hồn nổi loạn, những kẻ đi tìm giới hạn. Những người vượt biển là những cánh chim bằng khao khát chân trời mới.

- Ta nghĩ gì ư? Câu hỏi ấy bao lần được ném ra, đáp lại chỉ một mặt biển lạnh lùng. Tổ tiên của ta không phải người đất Nam trung. Họ đã vượt trùng dương để đặt chân đến đây và họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Nhưng phong ba, bão táp không thể vì thế mà làm cho họ chùn bước. Họ là những người dám thách thức mọi áp đặt. Ước mơ của họ không có bờ bến. Ta rất biết ơn họ.

- Có những kẻ không thể vượt biển, cho dù họ nuôi chí đạp con sóng dữ, chém đầu kình ngư, chỉ bởi vì lòng họ vẫn mãi neo đậu ở đất liền. Họ tự giam trong chính cái nhà tù vô hình của mình.

- Thuở nhỏ ta sống với ông bà rồi đi trọ học. Xuất thân là học trò nghèo, áo vải, chân không, lớn lên đi làm quan hết trong Nam lại ngược ra đất Bắc, dấu chân ta in khắp nơi trên mảnh đất này, nhưng quê hương ta mãi mãi chỉ có một. Bình sinh ta chỉ muốn được ở nhà cỏ, mặc áo thô, cơm dưa, đọc sách thánh hiền. Khi chết ta cũng chỉ có mỗi một ước nguyện được vùi nắm xương tàn của một học trò nghèo ở rẻo đất phương Nam của quê hương.

- Một ước mơ thật đẹp. Nhưng quê hương không phải chỉ gói gọn trong một miếng đất, thưa tiên sinh. Cái làm cho miếng đất vô tri biến thành quê hương chính là tiếng nói, truyền thống và niềm tin bất diệt vào một giá trị, một sứ mạng. Con người tạo ra quê hương cho chính mình, chứ không phải ngược lại. Như con người tạo cho mình một cái tên, một khuôn mặt, một giới tính, một số phận và một cái chết. Chết là một hành động lựa chọn tự do cuối cùng mà con người thực hiện trước lịch sử.

- Tổ tiên của ta đã chọn nơi này làm quê hương. Một dải đất khắc bạc, đầy khốn khó. Từ bao đời chỉ có người ăn ở bội bạc chứ đất đâu có phụ rẫy người. Và ta sẽ mắc lỗi vô đạo, vô ơn, bất hiếu với tiền nhân nếu chối bỏ nó.

- Nhưng đó là lựa chọn của tổ tiên tiên sinh. Con người suy cho cùng đều là sản phẩm của một thời đại và chính thời đại với quá nhiều định kiến lầm lạc, ngộ nhận đó đã lựa chọn cho tiên sinh. Thời đại không thể cho tiên sinh ý thức được điều đó.

- Nên nhớ ngươi đang ở thế kỷ 21, ở cách ta hiện thời gần ba trăm năm, chính cái thời đại ngươi vừa nói đã cho ngươi ý thức đầy đủ về điều đó và ngươi được quyền đấu tranh để giành lấy nó. Thế hệ của ta đâu có quyền được lựa chọn. Lựa chọn bất cứ cái gì.

- Chẳng phải trên thực tế tiên sinh đã lựa chọn rồi hay sao, một sự lựa chọn đã được mặc định?

- Ta có quyền lựa chọn sao? Chọn cái gì?

- Tiên sinh đã chọn triều đại để phục vụ, một triều đại vô tích sự nhất trong lịch sử các vương triều nước Việt với một vị chủ tể đứng đầu thiên hạ chăm chăm lấy việc từ hiếu với mẹ để lấp liếm cho tội bất hiếu với muôn dân. Cho đến khi triều đại đó đi ngược lại lợi quyền của dân tộc, tiên sinh vẫn một lòng cúc cung tận tuỵ đến tận giây phút cuối. Tiên sinh quả không hổ danh là một bậc công thần, lương đống của quốc gia. Nhưng quốc gia là quốc gia nào? Ngẫm ra thân phận của các triều thần nào có khác gì con cồng cộc, lặn lội nơi ao sâu, sông rộng mò tôm, bắt cá, cá lớn cá bé đều chẳng quản thân mình đem về nuôi gia chủ. Nhưng thật xót xa, chính triều đại đó đã kết tội tiên sinh, tước bỏ hết phẩm hàm, xử án giam hậu và lịch sử đời sau nào có ghi nhận tấm lòng son sắt, trung trinh của tiên sinh. Khi kết án tiên sinh họ cũng đồng thời đặt dấu chấm hết cho tương lai cải cách đất Việt.

- Từ lúc phụng mạng cầm cờ tiết vào đất Nam trung ta biết đời mình sẽ kết liễu ở đất này, mà vì thế ta đã hơn một lần xin cởi áo từ quan. Cha của ta chỉ giữ một chức quan nhỏ mà cũng sa vào vòng lao lý, chốn hoạn đồ biết bao nỗi tân toan, ta không ham. Ta không muốn làm con vật tế thần trong lịch sử, mà chỉ muốn học theo họ Đào để ngày ngày bên luống cúc, đêm đêm nâng chén rượu với trăng tàn. Kết lư tại nhân cảnh. Nhi vô xa mã huyên. Nhưng chí nguyện không thành. Ôi! Sinh ra ta là cha mẹ ta nhưng hiểu thấu cho lòng ta chỉ có hai vầng nhật nguyệt.

- Nhưng cuối cùng tiên sinh vẫn quyết định ở lại, chẳng được như Tử Phòng kia vui thú tuổi già. Cho dù vậy, con dân đất Nam vẫn ghi lòng tạc dạ công đức của tiên sinh.

- Ai đã nói câu “Phan, Lâm mãi quốc”? Đã bao đêm trường khắc khoải ta ngồi một mình đối mặt với ngọn đèn mà tự hỏi.

- Chính là lời bịa đặt của những tên ngự sử nịnh thần thời hiện đại sẵn sàng bẻ cong sự thật lịch sử để phục vụ chế độ. Nhưng lịch sử chẳng qua cũng chỉ là một câu chuyện kể dông dài của thằng khờ, đầy những tiếng ồn và phẫn nộ, chẳng có ý nghĩa gì. Làng Bảo Thạnh ngày nay so với thời của tiên sinh nào có thay đổi mấy, vẫn còn bươn chải trong cảnh đói nghèo.

- Triều đình nào cũng cần những kẻ nịnh thần. Nhưng ngươi thấy sao? Ta còn có thể trông mong được gì cho lẽ hưng thịnh của đất nước?

- Vấn đề không chỉ ở tiên sinh mà của một thời đại, đã gánh lên vai một di sản tinh thần quá lỗi thời không chịu đặt xuống, đã tôn thờ những giá trị vàng mã trang kim cũ kỹ quá lâu để đến nỗi không thể điều chỉnh được chiếc đồng hồ của dân tộc bắt kịp với thế kỷ mình đang sống.

- Thư sinh họ Trương cũng nói như ngươi.

- Nhưng tiên sinh là một hiền thần sáng suốt, yêu nước nhưng không mù quáng. Đó chẳng phải là cái dũng của bậc trí giả có lòng nhân sao? Chẳng có mấy người biết giữ được một khoảng cách tỉnh thức cần thiết với diễn biến lịch sử đang diễn ra. Bất công của vua quan triều Nguyễn làm sao có thể che lấp được gương sáng vằng vặc đến muôn thu của tiên sinh.

- Anh hùng và tội đồ ở mọi thời luôn bị người đời đánh tráo. Ngẫm mà xem, con người có thể thay đổi được gì vận nước lẫn vận mình? Ít ra ta đã không hổ thẹn với chính mình và cái bi kịch của đời ta chẳng phải cũng đã giúp cho người đời sau lấy đó mà suy ngẫm được ít nhiều?

- Kẻ hậu sinh tôi trong tâm khảm luôn một lòng kính trọng và tôn quý tiên sinh. Tiên sinh đã làm tất cả những gì có thể làm được để vượt qua giới hạn của cá nhân mình và của thời đại tiên sinh sống, đã chống lại sự phi lý của định mệnh bằng hành động anh hùng. Can đảm đi ngược lại đám đông xu thời, tiên sinh đã treo tấm gương phi thường cho muôn đời sau. Đêm cũng đã gần tàn, tôi xin cáo biệt để tiên sinh còn nghỉ, ngày mai tiếp tục chuyến hải hành.

Mùa Hè ở Paris thường dài, mỗi người đều sáng tạo ra một cách để làm sao cho mùa Hè của họ trở thành những ngày hội miên man, nhưng năm đó mùa Hè bỗng dài một cách bất thường. Thấm thoát đã gần nửa năm. Sự chờ đợi ở xứ người mới lê thê, mòn mỏi làm sao. Paris có những ngày mưa lạnh đột ngột xen kẽ, nhiệt độ xuống thấp, khách sạn cũ sưởi không đủ ấm. Khép cửa lại để cất cái lạnh ngoài trời và cái lạnh trong tim. Tiếng mưa ray rứt nhỏ giọt khơi dậy nỗi quan hoài trong lòng những người viễn xứ. Quan chánh sứ chạnh lòng nhớ đến bụi cúc vàng vò võ trong góc vườn nhà đã mấy tháng không người chăm sóc. Rào thưa, vườn vắng, lại sắp sang Thu rồi, chẳng biết sương xuống có nhiều và hoa có kịp nở. Ông đã thảo báo cáo gửi theo tàu về triều đình. Từ lúc đặt chân ra xứ người tuyệt nhiên ông chẳng nhận được tin tức gì từ trong nước. Lá bùa hộ mạng cho ông vỏn vẹn trước sau chỉ là mấy lời căn dặn quen thuộc của vua, nó như một toa thuốc trị bách bệnh được bốc sẵn tuỳ ông gia giảm. Điều khôi hài nhất trong chuyện này là phần lớn tin tức từ quê nhà, nổi loạn nơi này hay bị chiếm đóng chỗ nọ, ông được biết đều qua trung gian của người Pháp. Đô đốc Nam kỳ Bonard đã có lần đề nghị với quan chánh sứ khi ông còn làm Kinh lược đại thần ở Vĩnh Long người Pháp sẽ giúp đỡ Việt Nam xây dựng hệ thống điện báo nhưng đề nghị một lần nữa lại rơi vào im lặng.

Trong lúc chờ hoàng đế Pháp hồi cung, Bộ Ngoại giao Pháp thông qua Aubaret bắn tin bản hiệp ước có những điều khoản về thương mại chưa rõ ràng cần thương lượng lại, mời các sứ thần đến hội kiến. Quan chánh sứ đồng ý đến thăm xã giao bộ trưởng Drouyn de Lhuys nhưng thoái thác thảo luận. Ông tự biết đó không phải là trách nhiệm của ông, mà của triều đình. Sự dè dặt của ông một phần vì hệ thống chính trị đương thời không cho ông cái thẩm quyền đó, nhưng quan trọng hơn cả vì ông thừa hiểu thái độ của vua Dực tông luôn nghi ngờ mọi ý định đề nghị hợp tác thương mại của phương Tây, mà chỉ chăm chăm chuộc lại bằng được đất đai vốn từng là nơi khởi nghiệp của các triều tiên đế. Nước còn có thể bị mất ngày một ngày hai, hành động chuộc lại đất đai còn có ý nghĩa gì nữa lúc này? Trung Quốc đã bị liên quân Anh Pháp chiếm đóng; Nhật Bản dưới áp lực của Mỹ đòi phải mở hai hải cảng Shimoda và Hakodate để tự do đi lại sẽ có thể ký hiệp ước nay mai, nhưng chưa muốn dừng lại ở đó, họ còn phái hẳn một sứ đoàn ngoại giao do Takenouchi Yasunori dẫn đầu gồm bốn mươi người sang các nước Châu Âu để tìm hiểu, học hỏi, chỉ đến nước Pháp trước các sứ thần Việt Nam một năm. Vua Mongkul nước Xiêm cũng đã ký kết hiệp định thương mại với nước Anh chưa ráo mực. Tiếc thay, có vẻ như tất cả những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra ở các nước chung quanh đó không đủ làm cho triều đình Huế nao núng khi tiếp tục nuôi mộng về sự thành công của chuyến đi, tin tưởng vào quyết tâm chống ngoại xâm và lòng trung thành của quân dân với triều đình. Họ chống giặc bằng khẩu hiệu, còn nhân dân phải trả bằng xương máu. Nhưng ông đã đến và đã thấy. Phải có mặt ở trong lòng nước Pháp lúc này, quan sát dư luận xã hội và những vận động trong nội các chính phủ, mới càng thấy rõ đó chỉ là ảo mộng, nước Pháp không muốn chậm chân so với người Anh ở Viễn Đông. Trong một lần tại khách sạn tiếp Montigny mà bảy năm về trước là đại diện toàn quyền của Pháp tại Xiêm, sau khi xảy ra vụ tàu Catinat hậm hực nổ súng vào Trà Sơn, đã đến xin yết kiến vua Dực Tông đề nghị bãi bỏ lệnh cấm đạo và cho hai nước tự do buôn bán cũng lại chịu kết cục như tàu Catinat trước đó bị đức vua thẳng thừng từ chối, lòng tự ái của nước Pháp một lần nữa bị một cái tát tổn thương nghiêm trọng. Giọt nước tràn ly, ông càng tin rằng người Pháp sẽ không muốn dừng lại ở ba tỉnh đã chiếm, tham vọng bành trướng của họ còn nhiều hơn thế nữa. Tương lai của ba tỉnh miền Tây chỉ còn tính từng giờ. Sao chổi xuất hiện ở trời Nam chẳng phải là một điềm dữ báo trước sao? Đúng vào lúc phái đoàn còn ở Paris, chính phủ Pháp đã đưa thêm 1.600 binh sĩ đáp tàu do chính Henri Reunier làm thuyền trưởng qua Việt Nam để tăng cường sự hiện diện về quân sự. Con bệnh Việt Nam đã đến hồi nguy kịch, toa thuốc bốc sẵn chẳng khác một tờ giấy lộn. Nhiệm vụ các sứ thần đang gánh vác trong những ngày sắp tới như bị đặt trong tư thế rơi tự do. Họ sống thân phận của Sisyphus, dùng hết sức lực nâng hòn đá tảng lên tận đỉnh chỉ để tiếp tục nhìn thấy nó lăn xuống vực. Trước vòng xoáy khốc liệt của lịch sử con người còn có thể làm được gì? Bất lực, khoanh tay đứng nhìn, cam chịu cung tên của số phận nghiệt ngã? Hay phản kháng để cuối cùng chuốc lấy thất bại? Ông đã tận nhân lực nhưng sức một người làm sao thể xoay chuyển được thời cuộc. Chưa lúc nào ông cảm thấy mình lạc lõng và bất lực như con thuyền bị xô giạt lên đất cạn trong những ngày ở xứ người này. Trước mặt ông là giông bão, sau lưng là vực sâu và lòng ông là một đại dương phiền muộn. Ông dự cảm cuộc cờ đã sắp đến hồi tàn. Thân phận làm một kẻ tôi trung cũng đến lúc được nghe gióng tiếng chuông định đoạt. Ông chẳng có gì ân hận. Trong khi chờ hội kiến với hoàng đế Pháp, các chương trình thăm viếng, gặp gỡ, tiếp tân vẫn được tiến hành. Triều phục vẫn phải khoác lên người. Vẫn khoan thai, mỉm cười, tinh tế. Vẫn sóng sánh ly rượu bờ môi. Vở diễn phải được tiếp tục và ông vẫn phải sắm trò cười cho đến khi màn hạ.

Nhưng còn chờ gì nữa màn mới hạ?

Đêm, người kép già vẫn ngồi một mình nhìn bóng mình in lên vách. Ta đã lột bỏ áo xiêm, mũ mão, không phấn son diêm dúa. Không lính hầu, không cờ quạt, trống kèn. Không ánh đèn rực rỡ. Đêm chỉ còn đầy phẫn nộ. Bên dưới kia là những hàng ghế lạnh lẽo trống không khán giả. Sân khấu như một bãi chiến trường hoang lạnh, gió tanh, mưa máu.

Đêm đã tàn chưa mà sao gió vẫn rền và sương lạnh vẫn xuống đầy hai vai? Chẳng một ngọn lửa, một vì sao nào thắp lên từ nhiều đêm trước; đêm nay hẳn sẽ vẫn một đêm dài bất tận.

Người kép già đã kiệt sức rồi. Chẳng biết đã là đêm thứ mấy ta gắng gượng đứng lên, mặc cho cái cơ thể úa tàn chỉ chực chờ ngã gục. Màn chưa khép, tuồng chưa vãn, ta vẫn hằng đêm áo mũ xênh xang, oai phong đường bệ đứng trên sân khấu. Một đời ta sống với sân khấu và nguyện sẽ chết ở sân khấu này, làm sao ta có thể bỏ rơi nó cho được khi tuồng hát còn dài và cái đám khán giả dưới kia còn đó. Họ đang bịt mắt coi ta diễn tuồng, muốn chứng kiến ta diễn thật tròn vai cho tới hồi tuồng vãn. Họ chẳng cần đoái hoài cho lòng ta chua xót biết bao nhiêu khi phải diễn cho một tuồng hát quá tồi, một vở diễn mà cả ta lẫn họ đều biết trước hồi kết cục. Một vở hí kịch không ai cất lên nổi một tiếng cười, cho dù có diễn khéo, diễn hay, cái kết cục không hề thay đổi đó sẽ chỉ càng làm cho họ và cho ta đã ê chề lại càng thêm ê chề, chua chát. Có ai thấu hiểu cho ta nỗi cay đắng, đớn đau khi phải làm một kép hát bất đắc dĩ này không?

Đến khi nào những tiếng la ó ngoài kia sẽ cất lên?

Đêm nay có ai trả lời ta?

Vô nhân vấn tiêu tức

Tôn tửu độc hàm ca

VŨ THÀNH SƠN

2024