Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Không gian Hiếu Mường

 Đông Ngàn Đỗ Đức

 

Không nhớ từ mười mấy năm trước, khi đời sống còn rất khó khăn, tôi qua Hòa Bình đã vào thăm cái “mầm cây” Hiếu Mường mới nhú. Lúc ấy Hiếu đang trẻ tưng, là thanh niên ngoài hai mươi tuổi, còn làm ở Nhà xuất bản Lao động. Thấy anh cứ thậm thọt đi đi về về Hòa Bình và lùng sục di sản văn hóa Mường. Anh say sưa nói về di sản Mường từ cái cồng cái chiêng mà tôi nghe cứ như chuyện mây gió viển vông. Thật sự là không ngờ rằng khí vận văn hóa Mường trong anh đã nổi lên từ khi ấy. Rồi mấy mươi năm thời gian trôi đi, tôi không lần nào gặp lại Hiếu nữa. Lại nghe chuyện nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm Thượng hay qua lại trên ấy, rồi Nguyễn Quân mỗi khi ở Sài Gòn ra đều lên Hòa Bình với Hiếu, tâm đắc với niềm say mê của Hiếu lắm…

Tôi gặp Hiếu vào sau 2007, khi anh đã hình thành cụm nhà nhà Lang. Lúc ấy mới biết nhà Mường có 4 loại: Nhà Lang của giới quyền lực nhất, nhà Ậu là nhà của người giúp việc cho nhà Lang, nhà Nóc là nhà của tầng lớp bình dân, nhà Nóc Trọi là nhà của tầng lớp nghèo nhất… Bốn loại nhà đó khác nhau như lâu đài đến túp lều đơn bạc.

Ngôi nhà Lang duy nhất còn lại ở Lũng Vân, xóm Chiến xã Tân Lạc của Lang đạo Hà Văn Lịch được Hiếu rinh về mà lần ấy tôi đã trèo thang lên ngồi trên đó ngắm các góc nhà để xem những đồ vật dụng cụ của lớp người quyền thế.

Ít lâu sau, vào năm 2013 lại được nghe ngôi nhà ấy bị một khách tham quan sơ ý nhóm lửa, nhà bị cháy rụi, chả biết kêu ai!

Hôm nay thì quần thể đó đã khác hẳn, rộng ra, có một diện mạo khang trang mang tên là Bảo tàng Văn hóa Mường. Quần thể không gian văn hóa Mường chừng 5 héc ta rải ra trên một sườn đồi, hai bên khép lại như một thung lũng trên cao. Nhà Lang bị cháy nhưng may bộ khung gỗ chua hỏng hết, nay được dựng lại. Quần thể có nhà nghỉ cho khách, có nhà hàng phục vụ món ăn Mường, có thư viện tập hợp những nghiên cứu về Văn hóa Mường… Có nhiều thứ lắm! Hôm nay Hiếu Mường lại sắp khai trương thêm bảo tàng nghệ thuật ba tầng mới xây nằm trong khu Bảo tàng không gian Mường. Một phần ba bảo tàng này bày gốm nghệ thuật của anh, phần còn lại là tác phẩm hội họa đủ các chất liệu, kể cả điêu khắc của hàng trăm họa sĩ của khắp đất nước đã đến nghỉ và vẽ ở đấy. Một phần nữa là tác phẩm của những họa sĩ nước ngoài đến sáng tác tại chỗ và để lại. Như vậy, nội hàm không gian văn hóa này trở nên rất rộng cả từ tinh thần đến vật chất và giao lưu quốc tế.

Mùa xuân này tôi muốn quay lại Bảo tàng không gian văn hóa Mường ở Hòa Bình. Tôi muốn gọi Bảo tàng này bằng cái tên thân thương Không gian Hiếu Mường để chìm đắm trong đó với hương vị Mường lan tỏa ra. Nó là đứa con tinh thần của anh, anh đã sinh ra nó…

Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ đến người Thầy lớn, giáo sư Từ Chi. Chỉ riêng với nghiên cứu cạp váy Mường ông đã đọc ra vũ trụ quan của người Mường qua một phần của bộ y phục. Nay cả không gian này còn có bao nhiêu thứ cho ta thêm hiểu biết về dân tộc Mường, một trong những dân tộc bản địa lâu nhất của Việt Nam trên mảnh đất phía Bắc đất nước…

Tôi đã thăm Bảo tàng văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam ỏ Thái Nguyên, một bảo tàng phong phú bậc nhất về các hiện vật văn hóa của các dân tộc. Thứ đến là Bảo tàng Dân tộc ở Hà Nội cũng khá đầy đủ. Nhưng không gian Hiếu Mường là bảo tàng chỉ một dân tộc Mường, không phải không gian tạo dựng khiên cưỡng mang tính giới thiệu mà là thực địa nằm ngay trên mảnh đất Người Mường cư trú. Không gian ấy xanh lá có triền đồi, có thung lũng đầy thi vị. Vào đấy thấy nhà Mường, hương vị Mường, cồng chiêng Mường. Một không gian gạn chắt trình bày những giá trị văn hóa của dân tộc Mường trên chính đất Mường.

Năm ngoái một bạn tôi du lịch Philippines về kể là đã được đến thăm một bảo tàng tư nhân và anh ca ngợi sự phong phú gần gũi của bảo tàng đó có nhiều hiện vật giá trị bản địa. Lại nhớ năm 2004 qua Bordeaux nước Pháp, tôi thăm một bảo tàng biển của người đánh cá ở biển Arcachon. Cũng bất ngờ vì cái gọi là bảo tàng không phải nhà cao cổng lớn, mà chỉ là một ngôi nhà chật chội chừng trăm mét, với vài ba người coi giữ. Những hiện vật chất đầy quanh một không gian chật chội như cửa hàng trên phố cổ Hà Nội. Lối đi thì ngoằn ngoèo len lách bên những chùm lưỡi câu, vợt cá, những tấm lưới rách, những cây lao, mái chèo, mái buồm cũ nát. Hầu hết chỉ là những dụng cụ đánh bắt thô sơ của hàng trăm năm trước. Dừng chân trong bảo tàng thấy mùi thời gian, thấy mặn mòi hơi muối biển. Một mô hình bảo tàng đơn độc một nội dung nhưng đầy đủ kĩ lưỡng.

Nước mình còn nghèo, nhưng đã gọi là Bảo tàng thì luôn bề thế với cả một tổ chức nhân viên từ hành chính đến chuyên môn bảo vệ. Nhưng ở Acaxon thì thế, chỉ vài ba người cai quản! Còn với không gian Hiếu Mường một không gian bảo tàng về một dân tộc mà quanh nó có cỏ cây hoa lá, có những trưng bày nghệ thuật của thời đương đại tô điểm cho không gian thêm sinh động, chỉ có anh và vợ cùng một số nhân viên giúp việc. Thật sự thú vị. Nó thành không gian sống động, có hơi thở của cá nướng rượu Mường. Không gian bảo tàng không khô khan lịch sử mà sống động níu giữ chân người.

Tôi nghe Hiếu kể đến cái gian nan khi hình thành không gian lưu giữ những giá trị Mường. Anh lúc ấy đâu đã dám nghĩ đến bảo tàng. Trên hai chục năm trước, những suy nghĩ về việc lưu giữ nhưng giá trị văn hóa này nó còn sơ sài lắm. Đã sơ sài lại chẳng có ai ủng hộ, trừ mấy người bạn làm nghiên cứu văn hóa nghệ thuật động viên tán thưởng. Nhưng thế cũng là quý lắm. Cô Vân vợ Hiếu kể khi biết ý định đó, anh còn bị bố dọa đuổi đánh cho là kế hoạch viển vông, không chịu lo làm ăn! Rồi lại còn với chính quyền địa phương nữa, không phải cứ xin làm là được. Đó là những thử thách bề bộn phải khắc phục. Kể ra thì muôn vàn rắc rối. Nhưng rồi như cái nghiệp đời nó quàng dây vào cổ kéo mình đi để lăn vào việc. Anh cứ lặng lẽ xoay xở và bồi đắp cho những ham thích của mình…

Hỏi lấy tiền đâu đầu tư? Hiếu chỉ cười, thôi thì nhặt được đồng nào là đổ vào đấy cả. Xoay như xoay chong chóng. Nhưng rồi công việc nó như cái mầm cây cứ lớn dần lên, hôm nay thành một cơ ngơi mà thời kinh tế thị trường người ta tính nó ra cây ra chỉ, trị giá chục tỉ trăm tỉ. Anh đâu là người đầu cơ mà nghĩ đến đếm tiền, hoặc nay tăng mai giảm. Hoạt động của anh đã được chính quyền chấp nhận đó là cơ may lớn nhất để nó tồn tại và phát triển.

Hà Nội có phủ Thành Chương là một không gian văn hóa Việt có tính sắp đặt. Tuy không lớn nhưng nó cũng bao gồm đủ mặt giá trị văn hóa vùng miền quy tụ với sự điều hành của cá nhân họa sĩ. Ở Hòa Bình thì Vũ Đức Hiếu với cái biệt danh Hiếu Mường chủ trì. Không gian Thành Chương thu gom văn hóa cả nước để bày đặt, còn của Hiếu chỉ là một dân tộc với sắc thái sống cụ thể. Hai không gian này đều tuyệt vời không thể so sánh cái nào hơn… Đặc biệt không gian Hiếu Mường nằm ngay trên đất mẹ, nơi người Mường sinh sống lại càng ấm áp tinh thần Mường.

Đi trong không gian Hiếu Mường tôi cứ nghĩ đến cái mô hình này giống như mầm cây mới nhú cho một cách làm văn hóa mai đây sẽ được nhân rộng ra. Không gian Hiếu Mường giống như Thành Chương phủ Việt nay đã thành cây to xanh tốt được dựng lên từ ham mê. Sự phục vụ của nó cho người quan tâm đến văn hóa lan tỏa mà cho nhà nước quản lý chắc không thể kham như nó được. Mô hình này khá đặc biệt. Nó hoạt động trên cơ sở giá trị văn hóa, vừa có phục vụ, vừa có kinh doanh. Không có hỗ trợ gì về tài chính nhà nước, chỉ cần có cơ chế quản lý phù hợp để nó phát triển.

Bâng khuâng nghĩ về không gian Hiếu Mường khi mùa xuân đến, nghĩ đến ngày mai đất nước sẽ xanh tươi như không gian tuyệt vời này. Và theo thời gian, sẽ có thêm nhiều không gian văn hóa đặc sắc như này nảy nở ở các nơi. Được lắm chứ, sao lại không thể mơ!

18/12/2022